Dan Lee
05-29-2011, 12:00 PM
TRUYỆN NGẮN: TÔI ĐI MUA SÁCH
Thầy giáo bảo rằng sinh viên có nghĩa là những người biết học tập bằng cách nghiên cứu, biết đọc sách nhiều chứ không phải chỉ học thuộc lòng bài vở ghi chép trong lớp. Thầy còn bảo rằng nếu ai chỉ lo học thuộc lòng rồi khi làm bài chép y chang trong vở, thì người ấy chỉ là học trò cấp bốn chứ không phải sinh viên đại học. Những điều thầy nói làm chạm tự ái vốn to lớn của tôi, một con người vĩ đại vừa mới đậu đại học trước bao nhiêu cặp mắt thán phục thèm thuồng. Và tôi quyết định ngay từ hôm ấy rằng mình phải biến thành một con mọt sách cho ông thầy còn trẻ ấy biết thế nào là một bậc trí thức. Trước hết tôi mua ngay một cặp kiếng không độ đeo vô, trước là để bảo vệ đôi mắt vốn rất ư là láo liên của tôi, sau là để chứng tỏ mình có trình độ trí thức cao cường. Thấy tôi đeo kiếng, bạn bè xì xầm bàn tán, đứa thì bảo trông tôi văn minh hẳn ra, đứa thì bảo thấy tôi giống Đôrêmon. Nhưng ở đời làm sao diệt hết bọn người chuyên đi gièm pha thiên hạ, thành ra tôi cứ phớt lờ cho xong chuyện. Khổ một nỗi là thiên hạ chẳng chịu phớt lờ tôi . Chính vì vậy mới sinh ra bao điều rắc rối . Nhưng mà chẳng sao, những người ngoài lớp tôi thán phục tôi là đủ rồi . Với cặp kiếng trên gương mặt vốn không lấy gì làm sáng sủa, tôi bắt đầu "cuộc phiêu lưu vào thế giới kỳ diệu của sách vở".
Kho tàng kiến thức của nhân loại được gom hết vào trong thư viện, tôi nghĩ thế và tôi biết ý nghĩ của mình là chân chính. Để khai thác kho tàng vô tận ấy, người ta chỉ tốn khoảng từ năm tới mười ngàn đồng, thật là quá rẻ . Tôi ngộ ra cái giá rẻ như bèo này khi thấy bạn bè bỏ tiền làm thẻ thư viện. Tốn mấy ngàn là tôi có thẻ thư viện trường và cả thẻ thư viện Quốc Gia . Thế là tri thức loài người chẳng bao lâu nữa sẽ bay vù vào khối óc mà bấy lâu nay tôi cứ tưởng là còn xa tri thức ấy vời vợi . Trước đây có lần thầy hỏi tôi : "Em có vào thư viện Quốc Gia bao giờ chưa ?", tôi đáp hùng hồn : "Dạ có, đã nhiều lần rồi, thưa thầy". Thầy mỉm cười mãn nguyện giới thiệu tấm gương sáng ngời của tôi cho cả lớp. Rồi thầy hỏi tiếp : "Em thường vào phòng nào và đọc những loại sách gì ?". Tôi nói nhỏ nhẹ : "Dạ em đâu có biết phòng nào đâu thầy . Em thường vào đó để ăn đám cưới thôi". Thầy kinh ngạc tột cùng trong khi các bạn thú vị cười muốn bể lớp. Nhưng thưa thầy, kể từ nay em đã có thể đàng hoàng đi vào các thư viện không phải để ... ăn !
Nhưng cuộc đời hay có nhiều chữ "nhưng" rất là kỳ quặc. Có những chuyện ta tưởng như thuận buồm xuôi gió thì bất chợt gió lại trở chiều . Hai cái thẻ thư viện của tôi lẽ ra là hai tờ thông hành tuyệt vời, thì lại thành vô dụng. Ngày đầu tiên hớn hở leo lên mấy tầng lầu và hiên ngang bước vào thư viện, tôi vui sướng huýt sáo bản "Bến Thượng Hải" (Tụi nó bảo cuốn sách đầu tiên của Trung Quốc được hình thành ở Thượng Hải (?!), mong bạn đừng tin). Tôi lại quầy thủ thư trình thẻ, oai vệ như một vị tướng vào thành. Nhưng hỡi ôi, cô thủ thư nheo mắt lại nhìn tôi một lát rồi phán : "Thẻ của cậu không hợp lệ". Tôi lắp bắp hỏi lý do thì cô cho biết là có dấu cạo sửa . Tôi đáp : "Em có cạo chứ đâu có sửa gì đâu cô". "Bộ cậu mượn thẻ của người khác rồi cạo bớt hở". "Dạ không, tại mấy đứa bạn nó vẽ thêm vào ...". Cô nói gần như quát : "Trời ơi, thẻ thư viện có phải là đồ chơi đâu mà cậu muốn làm gì thì làm ?". Tôi đỏ bừng mặt khi thấy bao cặp mắt đổ dồn về phía mình, chỉ kịp nói "chào cô" rồi phóng vội xuống cầu thang.
Buổi sáng thứ hai trời đẹp như bức tranh treo ở ký túc xá . Thời khóa biểu lớp tôi trống nguyên ngày nên tôi hăm hở lên đường tìm đến thư viện Quốc Gia . Từ nay tôi sẽ bỏ ra nguyên ngày thứ hai trong tuần để bơi lội trong bể kiến thức mênh mông này . Tôi biết nhiều bậc hiền tài của đất nước đã lớn lên và đã thành danh từ đây . Và tôi rồi cũng sẽ được như các vị, chắc chắn như thế . Ôi buổi sáng đầu tiên trên đường đến thư viện Quốc Gia, tôi sẽ nhớ mãi buổi sáng này và tôi chắc chắn hôm nay mình có thể đọc sách mà không sợ phiền hà vì thẻ tôi không hề có vết chấm chứ đừng nói tới cạo sửa . Sau khi vòng vèo qua bao nhiêu con đường đông đúc ồn ào, tôi những tưởng mình sẽ được chìm vào bầu không khí yên tĩnh trí thức. Nhưng, lại nhưng, tôi chỉ có bầu không khí yên tĩnh mà không hề trí thức, bởi vì ngay nơi cánh cổng đang đóng im ỉm, tôi đọc thấy dòng chữ: Thư viện nghỉ vào ngày thứ hai hàng tuần ! Bao nhiêu háo hức và hình ảnh vẽ vời đột nhiên biến thành những giọt mồ hôi mệt mỏi và chán ngán. Tức giận, tôi vòng tuốt lên Bùi Thị Xuân ăn liền hai đĩa xôi mặn với ba ly chè ngọt lịm. Xin bái bai những thư viện mà chắc chỉ dành cho những ai kiên nhẫn hơn tôi . Nếu có thầy tôi ở đây, tôi sẽ nói với thầy rằng : Em thà làm học trò trung học còn hơn là làm sinh viên mà phải khổ cực vô cùng như thế này, thầy ơi .
Ở đời phàm người ta hay phát minh ra những điều kỳ diệu khi người ta gặp khó khăn lận đận. Nếu mà tôi được các thư viện ưu ái thì tôi sẽ chẳng bỏ giờ la cà ở các hiệu sách. Rồi nếu vào hiệu sách mà tôi có tiền đủ để mua các thứ sách tôi cần thì nói thật, tôi chỉ việc lựa sách, trả tiền rồi ôm kho tàng trí tuệ về nhà . Nhưng nếu mọi chuyện cứ đơn giản thì làm gì mà các nhà khoa học có được những phát minh diệu kỳ ? Tôi cũng vậy thôi, nhờ khó khăn mà tôi có được một sáng kiến khá ... kỳ (không có diệu). Đó là, nếu muốn đọc sách, cứ vào Fahasa hay nhà sách Sài Gòn mà đọc, nếu hôm nào nghỉ học thì đọc từ sáng tới trưa cũng được, đọc xong trả về chỗ cũ, rồi ung dung đi ra, miệng lẩm bẩm : tiếc quá, hôm nay chả có sách gì mới . Tôi cho đó là tuyệt kế . Ở các nhà sách ấy, khách hàng ra vô nườm nượp, ai mà để ý đến tên sinh viên nghèo như tôi . Nhưng bạn ơi, các vị khách quí lâu lâu ghé mua sách thì chẳng ai biết mặt chứ vị khách mà ngày nào cũng lấm lét đi vô quầy, đọc đủ thứ sách rồi đi ra miệng lẩm bẩm có mỗi một câu thần chú thì ai mà chẳng biết mặt, nhất là các ông bảo vệ . Đó là chưa kể những cô bán sách xinh xắn ngày nào cũng thấy cái bản mặt xinh xinh của tôi thì chắc là hơi oải . Nhưng mà không sao . Làm sao các ông bảo vệ và các cô gái áo dài hồng ấy có thể trách cứ tôi được chứ ? Ghép tôi tội ăn cắp ư ? Thì rõ ràng là tôi thu thập gần hết kiến thức của nhân loại mà không trả tiền đó, nhưng điều luật nội qui nào cấm tôi ?
Ông bà ta bảo "đồng bệnh tương lân", những người có cùng căn bệnh dễ gần gũi và hiểu nhau lắm. Cứ mỗi lần tôi đi đọc sách ké thì có một cô gái, chắc cũng là sinh viên, đi lựa sách rất là mê say, và cũng chỉ đọc chứ không mua, y như tôi vậy . Sau này tôi mới biết nàng học cùng trường với tôi . Nàng hay nhìn tôi tủm tỉm cười, ra chiều đoán biết tâm trạng của tôi . Có lần nàng hỏi : "Ông cũng đọc chùa ?". Tôi đáp : "Đọc hợp pháp, có ai cấm đâu". "Nhưng đọc hoài mà không bao giờ mua, ông có thấy ngại không ?". Bị một cô gái dạy đời, nhất là khi cô nàng cũng hành động như mình, tôi tự ái ghê lắm, nhưng cãi nhau với con gái chỉ tổ phiền phức, tôi đành nuốt bồ hòn làm ngọt : "Ngại gì đâu bạn, mình là sinh viên mà . Vả lại người ta đâu có cấm đọc đâu". Nàng cười : "Đành là không cấm, nhưng đọc hoài cũng kỳ . Để tôi chỉ ông chiêu này nha . Thỉnh thoảng khi đọc xong, ông nên ghé lại chỗ quầy kia kìa, mua cuốn Phương pháp nuôi gà đẻ trứng hay cuốn Cách trồng chuối trên đất phèn có hai ngàn à, rẻ mạt, mà danh chính ngôn thuận không ai bắt bẻ được mình". Nghe nàng nói xong, tôi đứng nhìn nàng trân trối, không ngờ nàng là một cao thủ mà kẻ hèn tôi chưa đáng làm môn sinh trong nghề ... đi đọc ké . Nếu không có người đứng quanh, chắc tôi đã la to : "Sư mẫu" rồi . Tôi bèn mua liền một cuốn Cách chọn giống khoai mì tặng nàng, giá đúng hai ngàn. Nàng nói : "Lâu lâu về quê tặng cho mấy ông bác, thấy các bác cũng thích". Tôi nói : "Hay để đủ bộ đem lại đây đổi lấy cuốn tự điển Oxford nhỏ kia, nó giá hai mươi lăm ngàn". Nàng có vẻ đăm chiêu : "Ông cần nó hở ?". Tôi đáp nhỏ : "Tự điển ai mà chẳng cần". Nàng im lặng, tôi cũng im luôn, không lẽ tôi lại hỏi : "Cô có không, cho tôi xin một cuốn ?". Thế thì quê chết.
Ai đã từng là sinh viên đều có thể ngộ ra "chân lý" này : không có chuyện gì trong quãng đời ấy mà kéo dài lâu được. Thiếu thốn cũng có lúc. Nhà trọ cũng đổi hoài . Dạy kèm thì ít bền. Cho nên tôi cũng không đến đọc sách ké ở nhà sách hoài được. Và dĩ nhiên tôi cũng không thường gặp cô nàng đã chỉ cho tôi một bí kíp.
"Thế rồi một buổi chiều" (nói theo Nhất Linh), tôi ghé nhà sách Sài Gòn quen thuộc, ung dung tiến vào gian sách vi tính. Nhưng khi đi ngang qua quầy văn phòng phẩm, một cô áo dài hồng xinh xắn gọi tôi : "Này anh ơi". Tôi hoảng hốt : "Ơ, tôi có làm gì đâu". Các cô bật cười trước vẻ tội nghiệp của tôi và một cô nói : "Có người gởi anh gói này". Tôi ngạc nhiên : "Chắc cô lầm rồi, ai mà gởi tôi . Vả lại, vả lại, làm sao cô biết tôi". "Có chị gì sinh viên mà hay mua sách nông nghiệp với anh đó, ghé lại hôm qua và nhờ tụi này chuyển cho anh". Mua sách nông nghiệp ? Thế là đúng nàng rồi . Tôi nhận gói giấy và mở ngay ra . Một cuốn tự điển Oxford, đã dùng rồi nhưng hãy còn khá mới . Và một mảnh giấy nhỏ : "Tặng bạn cuốn tự điển này, mong nó giúp bạn học giỏi thêm một chút. Mình thì không thể tiếp tục học học phần này vì cần đi làm thêm. Năm tới nếu có điều kiện sẽ đi học lại . Lúc đó không chừng sẽ phải nhờ vả bạn dạy giúp các môn. Chúc bạn say mê học hỏi như đã từng". Tự dưng tôi mím môi thật chặt và nhìn các cô bán sách mà chẳng biết nói gì . Khi tôi bước ra, một cô nói nhỏ : "Nếu rảnh, anh cứ ghé đây đọc sách, không sao đâu". Tôi chợt hiểu chung quanh mình lòng nhân ái vẫn còn đầy . Và giật mình khi nhớ ra mình vẫn chưa biết tên của cô bạn sinh viên đi đọc sách chung ở hiệu sách.
L.Q.V (Tp. Sài gòn)
Tác giả: Lê Quang Vinh
Thầy giáo bảo rằng sinh viên có nghĩa là những người biết học tập bằng cách nghiên cứu, biết đọc sách nhiều chứ không phải chỉ học thuộc lòng bài vở ghi chép trong lớp. Thầy còn bảo rằng nếu ai chỉ lo học thuộc lòng rồi khi làm bài chép y chang trong vở, thì người ấy chỉ là học trò cấp bốn chứ không phải sinh viên đại học. Những điều thầy nói làm chạm tự ái vốn to lớn của tôi, một con người vĩ đại vừa mới đậu đại học trước bao nhiêu cặp mắt thán phục thèm thuồng. Và tôi quyết định ngay từ hôm ấy rằng mình phải biến thành một con mọt sách cho ông thầy còn trẻ ấy biết thế nào là một bậc trí thức. Trước hết tôi mua ngay một cặp kiếng không độ đeo vô, trước là để bảo vệ đôi mắt vốn rất ư là láo liên của tôi, sau là để chứng tỏ mình có trình độ trí thức cao cường. Thấy tôi đeo kiếng, bạn bè xì xầm bàn tán, đứa thì bảo trông tôi văn minh hẳn ra, đứa thì bảo thấy tôi giống Đôrêmon. Nhưng ở đời làm sao diệt hết bọn người chuyên đi gièm pha thiên hạ, thành ra tôi cứ phớt lờ cho xong chuyện. Khổ một nỗi là thiên hạ chẳng chịu phớt lờ tôi . Chính vì vậy mới sinh ra bao điều rắc rối . Nhưng mà chẳng sao, những người ngoài lớp tôi thán phục tôi là đủ rồi . Với cặp kiếng trên gương mặt vốn không lấy gì làm sáng sủa, tôi bắt đầu "cuộc phiêu lưu vào thế giới kỳ diệu của sách vở".
Kho tàng kiến thức của nhân loại được gom hết vào trong thư viện, tôi nghĩ thế và tôi biết ý nghĩ của mình là chân chính. Để khai thác kho tàng vô tận ấy, người ta chỉ tốn khoảng từ năm tới mười ngàn đồng, thật là quá rẻ . Tôi ngộ ra cái giá rẻ như bèo này khi thấy bạn bè bỏ tiền làm thẻ thư viện. Tốn mấy ngàn là tôi có thẻ thư viện trường và cả thẻ thư viện Quốc Gia . Thế là tri thức loài người chẳng bao lâu nữa sẽ bay vù vào khối óc mà bấy lâu nay tôi cứ tưởng là còn xa tri thức ấy vời vợi . Trước đây có lần thầy hỏi tôi : "Em có vào thư viện Quốc Gia bao giờ chưa ?", tôi đáp hùng hồn : "Dạ có, đã nhiều lần rồi, thưa thầy". Thầy mỉm cười mãn nguyện giới thiệu tấm gương sáng ngời của tôi cho cả lớp. Rồi thầy hỏi tiếp : "Em thường vào phòng nào và đọc những loại sách gì ?". Tôi nói nhỏ nhẹ : "Dạ em đâu có biết phòng nào đâu thầy . Em thường vào đó để ăn đám cưới thôi". Thầy kinh ngạc tột cùng trong khi các bạn thú vị cười muốn bể lớp. Nhưng thưa thầy, kể từ nay em đã có thể đàng hoàng đi vào các thư viện không phải để ... ăn !
Nhưng cuộc đời hay có nhiều chữ "nhưng" rất là kỳ quặc. Có những chuyện ta tưởng như thuận buồm xuôi gió thì bất chợt gió lại trở chiều . Hai cái thẻ thư viện của tôi lẽ ra là hai tờ thông hành tuyệt vời, thì lại thành vô dụng. Ngày đầu tiên hớn hở leo lên mấy tầng lầu và hiên ngang bước vào thư viện, tôi vui sướng huýt sáo bản "Bến Thượng Hải" (Tụi nó bảo cuốn sách đầu tiên của Trung Quốc được hình thành ở Thượng Hải (?!), mong bạn đừng tin). Tôi lại quầy thủ thư trình thẻ, oai vệ như một vị tướng vào thành. Nhưng hỡi ôi, cô thủ thư nheo mắt lại nhìn tôi một lát rồi phán : "Thẻ của cậu không hợp lệ". Tôi lắp bắp hỏi lý do thì cô cho biết là có dấu cạo sửa . Tôi đáp : "Em có cạo chứ đâu có sửa gì đâu cô". "Bộ cậu mượn thẻ của người khác rồi cạo bớt hở". "Dạ không, tại mấy đứa bạn nó vẽ thêm vào ...". Cô nói gần như quát : "Trời ơi, thẻ thư viện có phải là đồ chơi đâu mà cậu muốn làm gì thì làm ?". Tôi đỏ bừng mặt khi thấy bao cặp mắt đổ dồn về phía mình, chỉ kịp nói "chào cô" rồi phóng vội xuống cầu thang.
Buổi sáng thứ hai trời đẹp như bức tranh treo ở ký túc xá . Thời khóa biểu lớp tôi trống nguyên ngày nên tôi hăm hở lên đường tìm đến thư viện Quốc Gia . Từ nay tôi sẽ bỏ ra nguyên ngày thứ hai trong tuần để bơi lội trong bể kiến thức mênh mông này . Tôi biết nhiều bậc hiền tài của đất nước đã lớn lên và đã thành danh từ đây . Và tôi rồi cũng sẽ được như các vị, chắc chắn như thế . Ôi buổi sáng đầu tiên trên đường đến thư viện Quốc Gia, tôi sẽ nhớ mãi buổi sáng này và tôi chắc chắn hôm nay mình có thể đọc sách mà không sợ phiền hà vì thẻ tôi không hề có vết chấm chứ đừng nói tới cạo sửa . Sau khi vòng vèo qua bao nhiêu con đường đông đúc ồn ào, tôi những tưởng mình sẽ được chìm vào bầu không khí yên tĩnh trí thức. Nhưng, lại nhưng, tôi chỉ có bầu không khí yên tĩnh mà không hề trí thức, bởi vì ngay nơi cánh cổng đang đóng im ỉm, tôi đọc thấy dòng chữ: Thư viện nghỉ vào ngày thứ hai hàng tuần ! Bao nhiêu háo hức và hình ảnh vẽ vời đột nhiên biến thành những giọt mồ hôi mệt mỏi và chán ngán. Tức giận, tôi vòng tuốt lên Bùi Thị Xuân ăn liền hai đĩa xôi mặn với ba ly chè ngọt lịm. Xin bái bai những thư viện mà chắc chỉ dành cho những ai kiên nhẫn hơn tôi . Nếu có thầy tôi ở đây, tôi sẽ nói với thầy rằng : Em thà làm học trò trung học còn hơn là làm sinh viên mà phải khổ cực vô cùng như thế này, thầy ơi .
Ở đời phàm người ta hay phát minh ra những điều kỳ diệu khi người ta gặp khó khăn lận đận. Nếu mà tôi được các thư viện ưu ái thì tôi sẽ chẳng bỏ giờ la cà ở các hiệu sách. Rồi nếu vào hiệu sách mà tôi có tiền đủ để mua các thứ sách tôi cần thì nói thật, tôi chỉ việc lựa sách, trả tiền rồi ôm kho tàng trí tuệ về nhà . Nhưng nếu mọi chuyện cứ đơn giản thì làm gì mà các nhà khoa học có được những phát minh diệu kỳ ? Tôi cũng vậy thôi, nhờ khó khăn mà tôi có được một sáng kiến khá ... kỳ (không có diệu). Đó là, nếu muốn đọc sách, cứ vào Fahasa hay nhà sách Sài Gòn mà đọc, nếu hôm nào nghỉ học thì đọc từ sáng tới trưa cũng được, đọc xong trả về chỗ cũ, rồi ung dung đi ra, miệng lẩm bẩm : tiếc quá, hôm nay chả có sách gì mới . Tôi cho đó là tuyệt kế . Ở các nhà sách ấy, khách hàng ra vô nườm nượp, ai mà để ý đến tên sinh viên nghèo như tôi . Nhưng bạn ơi, các vị khách quí lâu lâu ghé mua sách thì chẳng ai biết mặt chứ vị khách mà ngày nào cũng lấm lét đi vô quầy, đọc đủ thứ sách rồi đi ra miệng lẩm bẩm có mỗi một câu thần chú thì ai mà chẳng biết mặt, nhất là các ông bảo vệ . Đó là chưa kể những cô bán sách xinh xắn ngày nào cũng thấy cái bản mặt xinh xinh của tôi thì chắc là hơi oải . Nhưng mà không sao . Làm sao các ông bảo vệ và các cô gái áo dài hồng ấy có thể trách cứ tôi được chứ ? Ghép tôi tội ăn cắp ư ? Thì rõ ràng là tôi thu thập gần hết kiến thức của nhân loại mà không trả tiền đó, nhưng điều luật nội qui nào cấm tôi ?
Ông bà ta bảo "đồng bệnh tương lân", những người có cùng căn bệnh dễ gần gũi và hiểu nhau lắm. Cứ mỗi lần tôi đi đọc sách ké thì có một cô gái, chắc cũng là sinh viên, đi lựa sách rất là mê say, và cũng chỉ đọc chứ không mua, y như tôi vậy . Sau này tôi mới biết nàng học cùng trường với tôi . Nàng hay nhìn tôi tủm tỉm cười, ra chiều đoán biết tâm trạng của tôi . Có lần nàng hỏi : "Ông cũng đọc chùa ?". Tôi đáp : "Đọc hợp pháp, có ai cấm đâu". "Nhưng đọc hoài mà không bao giờ mua, ông có thấy ngại không ?". Bị một cô gái dạy đời, nhất là khi cô nàng cũng hành động như mình, tôi tự ái ghê lắm, nhưng cãi nhau với con gái chỉ tổ phiền phức, tôi đành nuốt bồ hòn làm ngọt : "Ngại gì đâu bạn, mình là sinh viên mà . Vả lại người ta đâu có cấm đọc đâu". Nàng cười : "Đành là không cấm, nhưng đọc hoài cũng kỳ . Để tôi chỉ ông chiêu này nha . Thỉnh thoảng khi đọc xong, ông nên ghé lại chỗ quầy kia kìa, mua cuốn Phương pháp nuôi gà đẻ trứng hay cuốn Cách trồng chuối trên đất phèn có hai ngàn à, rẻ mạt, mà danh chính ngôn thuận không ai bắt bẻ được mình". Nghe nàng nói xong, tôi đứng nhìn nàng trân trối, không ngờ nàng là một cao thủ mà kẻ hèn tôi chưa đáng làm môn sinh trong nghề ... đi đọc ké . Nếu không có người đứng quanh, chắc tôi đã la to : "Sư mẫu" rồi . Tôi bèn mua liền một cuốn Cách chọn giống khoai mì tặng nàng, giá đúng hai ngàn. Nàng nói : "Lâu lâu về quê tặng cho mấy ông bác, thấy các bác cũng thích". Tôi nói : "Hay để đủ bộ đem lại đây đổi lấy cuốn tự điển Oxford nhỏ kia, nó giá hai mươi lăm ngàn". Nàng có vẻ đăm chiêu : "Ông cần nó hở ?". Tôi đáp nhỏ : "Tự điển ai mà chẳng cần". Nàng im lặng, tôi cũng im luôn, không lẽ tôi lại hỏi : "Cô có không, cho tôi xin một cuốn ?". Thế thì quê chết.
Ai đã từng là sinh viên đều có thể ngộ ra "chân lý" này : không có chuyện gì trong quãng đời ấy mà kéo dài lâu được. Thiếu thốn cũng có lúc. Nhà trọ cũng đổi hoài . Dạy kèm thì ít bền. Cho nên tôi cũng không đến đọc sách ké ở nhà sách hoài được. Và dĩ nhiên tôi cũng không thường gặp cô nàng đã chỉ cho tôi một bí kíp.
"Thế rồi một buổi chiều" (nói theo Nhất Linh), tôi ghé nhà sách Sài Gòn quen thuộc, ung dung tiến vào gian sách vi tính. Nhưng khi đi ngang qua quầy văn phòng phẩm, một cô áo dài hồng xinh xắn gọi tôi : "Này anh ơi". Tôi hoảng hốt : "Ơ, tôi có làm gì đâu". Các cô bật cười trước vẻ tội nghiệp của tôi và một cô nói : "Có người gởi anh gói này". Tôi ngạc nhiên : "Chắc cô lầm rồi, ai mà gởi tôi . Vả lại, vả lại, làm sao cô biết tôi". "Có chị gì sinh viên mà hay mua sách nông nghiệp với anh đó, ghé lại hôm qua và nhờ tụi này chuyển cho anh". Mua sách nông nghiệp ? Thế là đúng nàng rồi . Tôi nhận gói giấy và mở ngay ra . Một cuốn tự điển Oxford, đã dùng rồi nhưng hãy còn khá mới . Và một mảnh giấy nhỏ : "Tặng bạn cuốn tự điển này, mong nó giúp bạn học giỏi thêm một chút. Mình thì không thể tiếp tục học học phần này vì cần đi làm thêm. Năm tới nếu có điều kiện sẽ đi học lại . Lúc đó không chừng sẽ phải nhờ vả bạn dạy giúp các môn. Chúc bạn say mê học hỏi như đã từng". Tự dưng tôi mím môi thật chặt và nhìn các cô bán sách mà chẳng biết nói gì . Khi tôi bước ra, một cô nói nhỏ : "Nếu rảnh, anh cứ ghé đây đọc sách, không sao đâu". Tôi chợt hiểu chung quanh mình lòng nhân ái vẫn còn đầy . Và giật mình khi nhớ ra mình vẫn chưa biết tên của cô bạn sinh viên đi đọc sách chung ở hiệu sách.
L.Q.V (Tp. Sài gòn)
Tác giả: Lê Quang Vinh