Dan Lee
05-30-2011, 02:24 PM
5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 06/2011
01/06/11 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Th. Giúttinô, tử đạo Ga 16,12-15
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
"Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật vẹn toàn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ loan báo lại cho anh em biết những điều sẽ xảy đến." (Ga 16,13)
Suy niệm: Chúa Giêsu đã báo trước việc Ngài phải tử nạn và phục sinh nhiều lần, thế mà khi sự việc xảy đến, các môn đệ vẫn cứ ngỡ ngàng, chậm tin. Thế nhưng khi họ lãnh nhận Thần Khí Sự Thật là Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô sai đến từ Chúa Cha (Ga 15,26) thì mọi sự đổi khác. Chính Ngài soi sáng các tông đồ đạt tới được sự thông tuệ về các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chính Ngài gìn giữ, và phát triển tới mức toàn vẹn tất cả những Đức Giêsu Kitô đã khởi sự. Và chúng ta cũng không khó để nhận ra rằng hoa trái của Chúa Thánh Thần đã triển nở cách phong phú và dồi dào ngay trong lòng Giáo hội nơi sự hiểu biết, lòng yêu mến và sùng mộ các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua dòng lịch sử và của thời đại hôm nay.
Mời Bạn: Chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần như một quà tặng quý báu của Thiên Chúa, nhờ sự hoạt động của Thánh Thần, các tín hữu có được dồi dào sức sống của Thiên Chúa để họ biết luôn làm chứng cho Thiên Chúa trước mặt thế giới hôm nay.
Chia sẻ: Nhóm của bạn có cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trước mỗi hoạt động của mình không?
Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, dành một khoảng khắc xin ơn Chúa Thánh Thần để biết việc mình phải làm, và để có sức mạnh thực hiện việc ấy cách đẹp lòng Chúa
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến đổi mới đời sống chúng con và xin canh tân bộ mặt trái đất này.
02/06/11 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Th. Marcellinô và Phêrô, tử đạo
Ga 16,16-20
NỖI BUỒN THÀNH NIỀM VUI
"Anh em sẽ khóc lóc và than van còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." (Ga 16,20)
Suy niệm: Những lời nói úp úp mở mở của Chúa Giêsu làm các môn đệ khó hiểu: "Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy." Thế nhưng đó không phải là những lời của tuyệt vọng mà là những lời mở ra cánh cửa hy vọng; bởi vì ngay lập tức Chúa đã xác quyết mạnh mẽ: "Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." Mà lúc đó làm sao các môn đệ hiểu được; chỉ sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các ông nhớ lại những gì Ngài đã nói với các ông và các ông đã hiểu. Niềm tin và niềm hy vọng của các ông được vững vàng nhờ nhớ lại lời Chúa đã nói.
Mời Bạn: Đức cố H.Y. Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận trong cuốn "Đường Hy Vọng" định nghĩa kitô hữu là người luôn hy vọng; ngài nói: "Con hãy trả lời được cho mọi người về niềm hy vọng của con." Thật vậy, Chúa Kitô Phục sinh là nguồn sức mạnh và cảm hứng giúp chúng ta thêm niềm tin và hy vọng: "Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời" (2Cr 4,17).
Chia sẻ: Trong cuộc đời này chỉ có một điều đáng buồn đó là tội lỗi (x. ĐHV 991). Bạn đã biến nỗi buồn trở thành niềm vui bằng cách loại bỏ tội lỗi chưa?
Sống Lời Chúa: Nhắc mình: Tôi luôn vui tươi trước mọi nghịch cảnh vì Chúa Kitô phục sinh là niềm hy vọng của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trên thánh giá Chúa nghèo lắm. Nhưng con tin Chúa đã phục sinh. Xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh ban cho con một điều, đó là dù trong đau khổ vẫn luôn yêu thương và hy vọng. (Theo ĐHV 956)
03/06/11 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Th. Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo
Ga 16,20-23
PHÚC CHO AI LO BUỒN
"Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." (Ga 16,21)
Suy niệm: Đức đương kim Giáo Hoàng, trong cuốn "Đức Giê-su thành Na-da-rét", phân biệt có hai loại sầu khổ: "sự sầu khổ khi mất hy vọng, không còn tin tưởng vào tình yêu và trong thâm tâm phá vỡ chân lý, gây đổ vỡ con người; nhưng cũng có sự sầu khổ, xuất phát từ sự lay động của chân lý, giúp con người sám hối, chống lại điều xấu." Khi tiên báo "anh em sẽ lo buồn," Chúa Giê-su báo trước các môn đệ sẽ gánh chịu sự sầu khổ thuộc loại thứ hai, sự sầu khổ có giá trị cứu độ và là sự sầu khổ sẽ được biến thành niềm vui. Các môn đệ sẽ lo buồn, sầu khổ khi chứng kiến cái chết của Thầy, nhưng sự sầu khổ sẽ biến thành niềm vui vì sự phục sinh của Thầy; các môn đệ sẽ tiếp chịu sầu khổ vì thế gian ganh ghét, "bởi họ ghét Thầy", nhưng rồi sự sầu khổ sẽ biến thành niềm vui vì các ông được phục sinh với Thầy. Thật "phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" (Mt 5,5).
Mời Bạn: Sự sầu khổ của môn đệ Chúa Giê-su là sự sầu khổ khi chứng kiến hoặc hứng chịu sự ác chống lại sự thiện; gian tà chống lại chân lý. Đó là sự sầu khổ của Mẹ Ma-ri-a khi đứng dưới chân thập giá; sự sầu khổ của những người yêu chuộng hòa bình chứng kiến chiến tranh; sự sầu khổ của những người yêu sự sống chứng kiến nạn phá thai... Chỉ những ai biết sầu khổ như vậy, họ mới được Thiên Chúa ủi an!
Sống Lời Chúa: Nơi bạn đang sống, có ai đang sầu khổ, bạn hãy mang niềm vui đến cho họ bằng sự an ủi nào đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gởi người nào đó đến an ủi con lúc buồn phiền, và xin giúp con nhận ra ai đang buồn phiền để con cũng an ủi họ. Amen.
04/06/11 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Ga 16,23b-28
"CHỈ CẦU DANH CHÚA MÀ THÔI"
"Thật, Thầy bảo thật cùng anh em, anh em mà xin Chúa Cha điều gì thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy." (Ga 16,23b)
Suy niệm: Phải "chạy" kiếm "ô dù" làm hành trang bước vào chợ đời đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người trẻ khởi nghiệp. "Nhất thân nhì thế" không còn là câu nói mua vui mà hầu như đã trở thành một thứ luật bất thành văn cho cuộc sống xã hội ngày nay. Khi dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha "nhân danh Thầy," Chúa Giêsu không có ý cổ võ cho thứ qui tắc ứng xử "ô dù" như thế. Trái lại Chúa nhấn mạnh rằng nhờ mối tương quan thân tình với Ngài mà phẩm giá chúng ta được thăng tiến. Quả thật, Chúa Giêsu "đẹp lòng" Chúa Cha mọi đàng, vì thế Chúa Cha yêu thương chúng ta trong Người Con Chí Ái đó, và lời chúng ta cầu xin: "Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" mới đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài ưng nhận.
Mời Bạn: Chúa chẳng được lợi gì khi bắt chúng ta cầu khẩn "nhân danh Đức Kitô" và Ngài cũng không muốn chúng ta trở thành những kẻ quỵ luỵ cầu cạnh Ngài. Trái lại Ngài muốn chúng ta sống thân tình với Thiên Chúa trong tư cách của những người con, để nhờ đó chúng ta được chung hưởng vinh quang và hạnh phúc với Ngài. Vậy bạn ơi, chúng ta hãy tin thật mạnh vào sự trợ giúp của Chúa Giêsu khi chúng ta cầu nguyện, hãy cầu nguyện với cả tấm lòng đơn sơ phó thác của người con thảo.
Sống Lời Chúa: Để đáp lại lời cầu: "Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con," bạn sốt sắng thưa "Amen."
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đây là niềm tin của con: "Kẻ cậy chiến xa, người nhờ chiến mã. Phần con chỉ cầu danh Chúa mà thôi."
05/06/11 CHÚA NHẬT TUẬN 7 PS – A
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN Mt 28,16-20
CÓ CHÚA Ở CÙNG
"Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,20)
Suy niệm: "Ở cùng, ở với và ở trong" là những cụm từ diễn tả mối tương quan mật thiết nhất của tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu, nên ngay khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu được gọi là Đấng Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng." Suốt cuộc sống công khai, Ngài đã gọi các môn đệ để họ "ở với" Ngài. Ngài hứa những ai vâng giữ lời Ngài thì "ở trong" Ngài và Ngài "ở trong" người ấy. Hôm nay trước khi trở về trời, Ngài lại nói với các môn đệ: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." Quả thật Ngài vẫn "ở cùng" các môn đệ trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng Phục sinh. Ngài vẫn tiếp tục "ở cùng" chúng ta qua các thế hệ mỗi khi chúng ta lắng nghe và sống Lời Ngài; và cách đặc biệt mỗi khi chúng ta lãnh nhận chính Thân Mình Ngài trong Bí tích Thánh Thể.
Mời Bạn: Trong cuộc sống không thiếu những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, chán chường, thất vọng. Bạn nhớ rằng Ngài vẫn có đó, vẫn "ở cùng, ở với và ở trong" bạn. Điều quan trọng là bạn có ý thức và cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương đó hay không. Những lúc bế tắc trong cuộc đời, thay vì bạn loay hoay chống chọi một mình, bạn hãy để lòng mình lắng xuống để nhận ra Chúa đang ở cùng bạn. Bạn sẽ cảm nghiệm được sức mạnh Ngài ban và thắng vượt chính mình. Chính trong những biến cố ấy và nhất là sau đó, bạn sẽ khám phá ra Chúa vẫn luôn yêu bạn và hẳn là bạn sẽ yêu Chúa hơn.
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm: Có Chúa đang ở cùng, ở với và ở trong tôi.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho con luôn ý thức và cảm nghiệm Chúa đang "ở cùng" con, để sức mạnh của Chúa giúp con vượt thắng tính yếu hèn nơi con.
06/06/11 THỨ HAI TUẦN 7 PS
Th. Nobetô, giám mục Ga 16,29-33
SỐNG CHỮ "DŨNG"
"Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian." (Ga 16,33)
Suy niệm: Theo Đức Khổng (551-479 tr. CN) người quân tử cần hội đủ 3 đức tính: Nhân – Trí – Dũng, trong đó chữ 'dũng' có một chỗ đứng quan trọng, vì đó là điểm tựa cho người quân tử vượt mọi nỗi sợ hãi. Quả thật, trong cuộc đời ai chẳng có lúc phải đối diện với những thử thách, nhưng chỉ những người có bản lãnh mới đủ dũng khí để vượt qua. Đức Ki-tô, vị Thầy Chí Thánh không muốn các môn đệ ỷ lại vào quyền phép của Thầy cũng không muốn họ sống như những kẻ chết nhát 'mới thấy sóng cả đã ngả tay chèo.' Ngài báo trước họ sẽ phải "gian nan khốn khó." Đồng thời Ngài khơi dậy lòng dũng cảm của họ: "Can đảm lên!" Bởi vì Đức Kitô, Thầy của họ "đã thắng thế gian!"
Mời Bạn: Sẽ không có một Đức Ki-tô Phục Sinh vinh quang, nếu vắng bóng một Giê-su chịu chết trên Thánh giá. Ngài đã đón nhận thập giá, đã chịu chết để chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang, Ngài cũng mời gọi chúng ta sống chữ "dũng" của người môn đệ: "Ai không vác thập giá ... không thể làm môn đệ Ta được" (Lc 14,27).
Chia sẻ: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?" (Một đời người, một rừng cây-Trọng Tấn). Là môn đệ Đức Ki-tô Bạn có đủ can đảm để chọn phần gian khổ không?
Sống Lời Chúa: Tự nguyện chia sẻ một cách cụ thể gánh nặng cuộc sống (về tinh thần hay vật chất) của một gia đình sống gần bạn đang gặp khó khăn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã can đảm lãnh lấy thập giá, để thế gian được sống. Xin cho chúng con dũng cảm hầu đón nhận thập giá của mình và của anh em để theo Chúa.
07/06/11 THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga 17,1-11
TÌNH HIỆP THÔNG VỮNG BỀN
"Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha." (Ga 17,9)
Suy niệm: Kết thúc truyện ngắn "Anh phải sống", tác giả Khái Hưng đã mô tả cảnh người vợ trong cơn thập tử nhất sinh với chồng giữa cơn sóng dữ, đã thì thầm vào tai chồng tên những đứa con: "Thằng Bò! Cái Nhớn! cái Bé!... Không! Anh phải sống!" Rồi chị đã buông tay khỏi vai chồng, cho nước cuốn đi, để chồng đủ sức một mình bơi vào bờ, sống và nuôi bầy con thơ. Chúa Giê-su trước khi phó mình chịu chết để cứu sống cả nhân loại, vẫn chỉ nghĩ và mong cho các môn đệ và những kẻ tin vào Ngài, được sống và tận hưởng ơn cứu độ. Đỉnh điểm của cuộc sống này là mối hiệp thông vững bền và hoàn toàn với Cha trên trời.
Mời Bạn: suy nghĩ về cuộc sống của người Ki-tô hữu đích thực giữa trần đời này. Dù cuộc đời đầy gian nguy thử thách, nhờ ơn Chúa, bạn vẫn có thể sống mạnh mẽ và tốt đẹp trong niềm tin, cậy, mến, bằng thái độ trân trọng giữ gìn bảo bối Lời Chúa mà bạn đã lãnh nhận. Chính nhờ được liên kết với Chúa Cha, chúng ta được thánh hoá và làm cho những ai, những gì tiếp cận với chúng ta cũng được thánh hoá.
Chia sẻ: Có những tình huống lôi kéo bạn sống trái với Lời Chúa, nghịch với lối sống tốt lành mà Chúa dạy. Bạn có nhận ra ơn Chúa trong tâm hồn bạn để giúp bạn sống thuộc về một cách trung thành không?
Sống Lời Chúa: Học thuộc câu Lời Chúa hôm nay để nhớ đến Lời ấy mỗi khi gặp những điều không vui, những điều nghịch ý trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn thuộc trọn về Chúa mọi nơi mọi lúc trong cả đời sống con.
08/06/11 THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Ga 17,11b-19
KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN
"...vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian." (Ga 17,14)
Suy niệm: Thân phận của người Kitô hữu là một nghịch lý: ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời. Một cách nào đó, họ sống "không giống ai"! Không giống thế gian, nên bị thế gian ghét bỏ; không theo thế gian, nên bị thế gian bách hại. Không để bị lây nhiễm tinh thần thế gian, nên phải can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ chạy theo thế gian. Mà Chúa Giêsu lại không xin Chúa Cha "cất chúng ta khỏi thế gian." Ngài chỉ xin "gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ." Đó là thân phận và ơn gọi của người Kitô hữu đích thực.
Mời Bạn: Lối sống cá nhân chủ nghĩa, hưởng thụ duy vật, vô thần, tương đối hoá mọi qui luật luân lý và tâm linh, đó là bộ mặt thật của "thế gian" trái nghịch với Tin Mừng Chúa Kitô. Trước một "thế gian" như thế, bạn có dám sống theo Lời Ngài không? Lối sống của Tin Mừng, là "hiền lành và khiêm nhường," là "yêu thương và tha thứ," là hoà bình, công lý và sự thật. Sống như thế, có thể bạn bị thiệt thòi thua lỗ. Chính Chúa Giêsu đã dùng sự thua thiệt, và điên rồ của thập giá để bẻ gãy lợi lộc, khôn ngoan và sức mạnh của thế gian. Ngài là Đấng "giàu có" đã trở nên "nghèo khó", để chúng ta vốn "nghèo khó" được trở nên "giàu có" trong Ngài.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm mỗi ngày: Tư tưởng, lời nói, hành động của tôi có thực sự đậm chất Tin Mừng không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sai chúng con đi vào giữa thế gian này để thánh hoá thế gian. Xin Chúa giúp chúng con đưa tinh thần Phúc Âm vào mọi sinh hoạt của cuộc sống; và xin gìn giữ con trong chân lý của Chúa. Amen.
09/06/11 THỨ NĂM TUẦN 7 PS
Th. Éphrem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh
Ga 17,20-26
NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU
"...Để tất cả nên một, như lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con." (Ga 17,21)
Suy niệm: Ngay một học sinh lớp Một cũng đã biết làm toán: 1 + 1 = 2 và 2 + 1 = 3; thế nhưng, trong tình yêu lại có thể: 1 + 1 = 1 và 1 + 2 = 1. Thật lạ lùng! Chả trách gì các thi sĩ thì ngâm nga: "Mình với ta tuy hai mà một," còn các văn nhân thì nói triết lý: "Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta nên một, mà không tiêu diệt người khác!" Đức Giêsu cũng đã cầu xin cho các môn đệ được nên một, nên một nhờ chất "keo dính" kỳ diệu của tình yêu mến. Nói cách khác, vì yêu mến Ngài, họ yêu mến nhau, và vì yêu mến nhau, họ hợp nhất nên một. Cũng có thể nói rằng Đức Giêsu chính là "keo dính" nối kết các Kitô hữu lại với nhau. Trong Ngài, họ không còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn, miền Bắc, miền Nam, trí thức hay ít học... để tất cả nên một chí hướng: danh Cha được mọi người nhận biết.
Mời Bạn: Mong sao các cộng đoàn cùng nên một trong tình yêu và sứ mạng; mong sao các gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái nên một trong việc xây dựng gia đình yêu thương hoà thuận, lớn lên trong niềm tin, vun đắp đạo lý... Bạn đã lưu tâm xây dựng sự hiệp nhất, trong gia đình/cộng đoàn của bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bớt đòi hỏi cho sở thích, quan điểm của mình để biết quên mình, và thêm quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình, cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong muốn chúng con nên một, tựa như Chúa và Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần nên một trong Ba Ngôi. Xin Chúa giúp chúng con biết gạt bỏ những khác biệt, để cùng chung chí hướng xây dựng gia đình, giáo xứ được tốt đẹp. Amen.
10/06/11 THỨ SÁU TUẦN 7 PS
Ga 21,15-19
THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY
Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: "Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21,15)
Suy niệm: Chỉ có Chúa mới khẳng định một cách chắc chắn về tình yêu của Ngài đối với chúng ta, một tình yêu: - luôn luôn đi bước trước; - luôn luôn trung thành; - đã yêu là yêu tới cùng. Còn Phê-rô dù đã từng mạnh miệng tuyên bố "có phải chết vì Thầy cũng không bỏ Thầy," ông cũng "run" khi phải trả lời Thầy câu hỏi "có yêu không." Dù biết mình thực sự yêu Thầy với tất cả tấm lòng, nhưng Phêrô cũng quá hiểu tình yêu của mình thật nhỏ bé mong manh, lại hay thay đổi, nên ông chỉ biết dựa vào tình yêu của Chúa để bảo đảm cho tình yêu của mình : "Thầy biết con mến Thầy."
Mời Bạn: Ít nhiều chúng ta kinh nghiệm cay đắng về tình yêu mong manh và hay thay đổi của chúng ta. Và chúng ta cũng cảm thấy như thánh Phêrô, cần phải đặt tình yêu của mình ở trong một tình yêu lớn hơn: đôi tân hôn cam kết trước bàn thờ Chúa "để tình yêu của họ được Thiên Chúa đóng ấn" là vì thế. Nói rộng hơn, tôi tha thứ cho người khác là vì tôi đã được Chúa tha thứ nhiều hơn gấp bội phần; tôi dấn thân phục vụ người khác là vì Ngài đã phục vụ tôi đến độ hiến dâng cả mạng sống mình.
Chia sẻ: Yêu người như Chúa yêu là cách lý tưởng để thăng tiến các mối quan hệ nhân loại.
Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm cho người khác, tôi tự hỏi: "Trong hoàn cảnh này của tôi, Chúa sẽ cư xử như thế nào?"
Cầu nguyện: Hát: "Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con."
11/06/11 THỨ BẢY TUẦN 7 PS
Th. Banaba, tông đồ Mt 10,7-13
NGƯỜI TÔNG ĐỒ "NHẬP CƯ"
"Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy." (Mt 10,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su sai các tông đồ đi rao giảng trong những điều kiện thật bấp bênh và nguy hiểm: - phải đối diện với biết bao mối đe doạ tới cả tính mạng: "như chiên đi vào giữa bầy sói"; - đã thế, lại không được phép trang bị những phương thế tối thiểu để bảo đảm cho an toàn bản thân và thành công của sứ mạng. Phải chăng Chúa đang trao cho các ông "sứ mạng bất khả thi" hay Ngài "đem con bỏ chợ"? Thật ra, chúng ta quá lo vì những điều các tông đồ không có mà quên chú ý tới điều các ngài đang có: đó chính là sự bình an (cc. 13-13) và Thánh Thần của Chúa vẫn luôn ở trong họ (c. 20). Vì thế, việc đầu tiên người tông đồ làm là rao giảng và trao tặng điều họ đang có: "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy."
Mời Bạn: Những người nhập cư, một thành phần đặc biệt của dân số thời nay, có khi chính bạn cũng nằm trong số đó, đang sống trong một hoàn cảnh na ná các tông đồ ngày ấy. Nếu bạn là người nhập cư, sự bình an và Tinh Thần của Chúa Ki-tô chưa đã ở trong bạn chưa? Nếu họ đang ở quanh bạn, bạn làm gì để đem bình an của Chúa đến với họ?
Chia sẻ: Nhóm bạn làm gì thiết thực giúp ích những người nhập cư (hoặc phải di cư) trong khu xóm của bạn?
Sống Lời Chúa: Chính bạn hãy có sự bình an trong mình bằng cách luôn kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể và nếu có cơ hội, đừng bao giờ bỏ lỡ việc chia sẻ cho những người "tông đồ nhập cư" quanh bạn dù chỉ là một chén nước lã.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con hiểu rằng người tông đồ của Chúa trong thời đại này phải là người đem bình an của Chúa đến cho tha nhân.
12/06/11 CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20,19-23
HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,21-22)
Suy niệm: Lời quả quyết: "Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài sao?" (Lc 11,12) chỉ dạy Ki-tô hữu nhận biết rằng, điều cần thiết cho họ hơn hết và phải là điều cốt yếu trong mọi lời khẩn nguyện là xin cho được nhận lấy Chúa Thánh Thần. Hội Thánh qua bao thế hệ không ngừng van nài: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến." Thì nay, hành động Chúa Ki-tô phục sinh thổi hơi trao ban Thánh Thần là hành động xuất phát từ trái tim của Chúa Giêsu, một trái tim quá yêu thương nhân loại, trở thành bảo chứng Thiên Chúa đã nhậm lời cầu xin của những người kêu nài Thiên Chúa, đồng thời lời Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ nay hiện tỏ. Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và của Chúa Ki-tô, Thần Khí làm cho Hội Thánh được sống và sống cho sự thật.
Mời Bạn: Trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn khó phân biệt, mỗi khi cần phải phân định hay có một quyết định quan trọng, bạn có để cho Chúa Thánh Thần hoạt động soi sáng định hướng cho những chọn lựa của bạn không?
Chia sẻ: Bạn được nhận lấy Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Bạn đã cầu xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy bạn sống ơn gọi truyền giáo của bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Nói về Chúa cho một người và nài xin Chúa Thánh Thần gìn giữ bạn trung thành với sứ mạng này.
Cầu nguyện: Hát: "Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con..."
13/06/11 THỨ HAI TUẦN 11 TN
Th. Antôn Pađôva Mt 5,38-42
TÌNH THƯƠNG XOÁ BỎ BẤT CÔNG
"Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm." (Mt 5,40-41)
Suy niệm: Người đời nói rằng mình thực thi công lý khi áp dụng luật: "Mắt đền mắt, răng đền răng," thế nhưng thực tế hậu quả của nền "công lý" báo thù đó thật kinh khủng: bạo lực, chiến tranh nổ ra khắp nơi; tin tức về những vụ thanh toán, khủng bố, trả thù đó đây trên thế giới nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Thiếu tình thương, cuộc sống giữa người với người ngày càng tồi tệ và đi vào chỗ bế tắc. Chúa Giêsu mời gọi con người ứng xử theo một cách thức khác. Từ bỏ bạo lực, lấy tình thương đáp lại hận thù, lấy sự lành tiêu diệt sự dữ.
Mời Bạn: Khi gặp bất công, khi bị hại, tự nhiên bạn muốn phản kháng, báo thù. Chúa Giêsu mời gọi chúng mình lấy tình thương để xử với kẻ làm hại mình. Ngài đã làm gương và mời gọi chúng mình theo gương Ngài để đem tình thương của Ngài cho nhân loại. Sống như Chúa dạy không phải là dễ, nhưng có thể làm được. Có như vậy, chúng ta mới là Muối cho Đời.
Chia sẻ: Bạn gặp điều bất công nào trong cuộc sống? Bạn đáp lại điều đó thế nào dưới ánh sáng Tin Mừng Chúa Kitô?
Sống Lời Chúa: Thực hành lời Chúa: "Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" (Mt 5, 42).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con có xu hướng muốn dùng sức mạnh để chống lại bất công. Vì thế bạo lực ngày càng gia tăng. Xin Chúa giúp chúng con biết noi theo gương Chúa, dùng tình thương biến đổi môi trường sống của chúng con theo tinh thần Tin Mừng tình thương của Chúa. Amen.
14/06/11 THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48
TUYỆT VỜI CỦA TÌNH YÊU
"Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em." (Mt 5, 44)
Suy niệm: Những lời dạy trên đây của Chúa Giêsu xem ra trái ngược với lẽ thường tình. Hẳn chúng ta muốn phản đối rằng chúng không thực tế và cũng chẳng khả thi. Tuy nhiên, khi Chúa không chỉ dạy suông, mà chính Ngài đã thực hiện yêu thương tha thứ như Ngài giảng dạy, thì những lời dạy bảo ấy hẳn phải trở thành khả thi trong cuộc sống của người môn đệ Chúa. Quả thật, trong cuộc khổ nạn, nhất là giờ phút hấp hối trên thánh giá, trong cơn đau tột cùng của thể xác và tinh thần vì sự bội nghĩa vô ơn của con người, Chúa vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình. Tình yêu của Thiên-Chúa-làm-người cao cả, tuyệt vời là ở chỗ đó! Văn hào Victor Hugo sau khi ngộ ra chân lý này đã thốt lên: "Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất."
Mời Bạn: Yêu kẻ thù, sống tốt với người làm khổ mình là điều thật sự khó thực hiện với chúng ta. Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa là không thể làm được. Vâng theo Lời Chúa dạy, bao người đã thể hiện tâm tình khoan dung tha thứ, quảng đại yêu thương. Chẳng hạn: trong thời đại chúng ta, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi đến nhà tù, hòa giải, nói lời tha thứ với Ali Agca, kẻ ám sát ngài. Còn tôi, tôi sẽ làm gì đối với người không có thiện cảm hay có ác ý đối với tôi?
Sống Lời Chúa: Tỏ thái độ thân thiện hoặc cầu nguyện cho người không yêu thích mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim bao dung và nhân hậu như Chúa: biết yêu thương và tha thứ, ngay cả khi con như không thể hay không muốn tha thứ, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
15/06/11 THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Mt 6,1-6.16-18
NÉT ĐẸP KÍN ĐÁO
"Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh." (Mt 6,6)
Suy niệm: Bức danh hoạ chân dung Mona Lisa do Leonardo da Vinci (1503-05) mô tả một phụ nữ quí phái trong trang phục miền Florentina thời đó, hấp dẫn con người mọi thời đại không phải vì những gam màu chói chang, những hình khối cứng cỏi, hay những chuyển động dữ dội, mà là ở nét đẹp kín đáo toát ra từ nụ cười vừa bí ẩn lại vừa cao sang quyến rũ. Nét đẹp ki-tô giáo xuất phát từ một nếp sống luân lý không nhằm trau chuốt cho bản thân mình trở nên giá trị, đáng nể trọng vì những hoạt động trổi vượt mà nhằm đạt đến cuộc sống thánh thiện chỉ để cho "Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo" biết và ân thưởng mà thôi. Nét đẹp ki-tô giáo hấp dẫn bởi vì để hiến dâng cho Thiên Chúa chứ không phải chỉ để thưởng thức hay đánh giá ở cấp độ nhân loại.
Mời Bạn: "Hữu xạ tự nhiên hương." Làm điều tốt tất nhiên sẽ phát sinh danh thơm tiếng tốt. Nhưng điều chính yếu chúng ta tìm kiếm không phải ở điểm đó mà là làm đẹp lòng Chúa và làm vinh danh Ngài.
Chia sẻ: Phân biệt, tìm ra những điểm khác nhau giữa một việc tốt nhưng để làm vinh danh mình với việc tốt để làm vinh danh Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên cầu nguyện vắn tắt bằng tâm tình của Chúa Giê-su "Xin đừng theo ý con nhưng làm theo ý Cha."
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không phải cho chúng con nhưng để cho danh Cha được cả sáng. (Hoặc đọc kinh Lạy Cha)
16/06/11 THỨ NĂM TUẦN 11 TN-A
Mt 6,7-15
DÁM ĐẾN GẦN CHA
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời." (Mt 6,9)
Suy niệm: Trong bản văn của Thánh Mátthêu, kinh Lạy Cha hay "kinh của Chúa" có bảy lời cầu xin, được chia làm hai phần: (1) Ba lời đầu tiên hướng về Chúa Cha, tập trung vào Vinh Quang của Chúa Cha: "Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện"; (2) Bốn lời sau, như những con đường dẫn tới Thiên Chúa, trình bày những khốn khó của chúng ta với Người: "lương thực... nợ... chước cám dỗ... sự dữ." Kinh Lạy Cha đưa chúng ta vào trong mối tương quan mới mẻ với Thiên Chúa trong tình Cha–Con, cũng như mối quan hệ với tha nhân, vì lời cầu xin mang tính cộng đồng, không loại trừ một ai: "Lạy Cha chúng con..." Do đó, trong thánh lễ, cộng đoàn phụng vụ được mời gọi: "Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng..."
Mời Bạn: "Dám" bước vào mối tương quan với Thiên Chúa bằng cầu nguyện bởi vì: "Mọi lời cầu khẩn luôn diễn tả sự thật về con người đang sống trong sự yếu đuối, khốn cùng và nài xin sự giúp đỡ từ trời cao. Ta cũng có thể thấy trong những lời cầu nguyện của người xưa cả một giá trị lớn lao, bởi khi sẵn sàng đón nhận sự mặc khải của Chúa, con người cho thấy mình có thể bước vào sự kết hiệp với Ngài" (ĐTC Bênêđitô XVI).
Sống Lời Chúa: Chậm rãi đọc kinh Lạy Cha, với ý thức của người con đang thưa chuyện với Cha của mình.
Cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin Chúa soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con biết sống mối tương quan sâu đậm với Chúa trong cầu nguyện. Một lần nữa chúng con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện! Amen."
17/06/11 THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Mt 6,19-23
NƠI NÀO CẤT GIỮ CỦA CẢI BẢO ĐẢM?
"Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó." (Mt 6,21)
Suy niệm: Con người tồn tại ở thế gian là nhờ của cải mà mình làm ra. Có thứ dùng để ăn liền, có thứ để dành phòng khi hữu sự. Bản năng sinh tồn cộng với hệ luỵ của tội tổ tông khiến của cải trở nên thiết thân. Chính vì thế, "của cải, kho tàng ta ở đâu, thì lòng ta cũng ở đó!" Có nhiều người coi của cải là cùng đích chứ không như phương tiện, nên cứ lao đầu vào như con thiêu thân, khiến họ không biết gì và biết ai ngoài của cải. Họ được mệnh danh là "duy vật," chỉ biết tôn thờ vật chất. Lời Chúa phán vừa thực tế và cũng vừa mỉa mai đối với những ai chỉ biết đặt cả tương lai mình vào những của cải phù vân ấy.
Mời Bạn: Kinh nghiệm cho thấy càng có nhiều của cải bao nhiêu càng bất an bấy nhiêu. Cất dấu chỗ nào cũng sợ người ta biết. Tâm trí lúc nào cũng suy tính chuyển dịch của để dành hết nơi này đến nơi kia. Dù gởi ngân hàng cũng không yên! Như thế còn thời gian đâu mà nghĩ tới những sự cao siêu trên trời?
Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng chỉ những ai coi của cải là phương tiện mới có thể sử dụng nó cho nhiều mục đích khác: nuôi sống bản thân và gia đình, giúp đỡ người đau khổ... không?
Sống Lời Chúa: Thánh Phaolô dạy: ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta ở trên trời (2 Cr 5,1). Vì thế, ta hãy dùng của cải mình để mua lấy ngôi nhà ấy khi biết chia sẻ và cho đi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi vào trần gian, Chúa đã sống không nhà không cửa, không có nơi gối đầu (Lc 9,58). Xin dạy con biết dùng của cải chóng qua ở đời này để mua lấy hạnh phúc đời sau, biết cho đi để được lãnh nhận từ Chúa nhiều hơn. Amen.
18/06/11 THỨ BẢY TUẦN 11 TN
Mt 6,24-34
ĐỪNG QUÁ LO LẮNG!
"Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?... Cha của anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho." (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Nhởn nhơ ca hót như chim trời, vô tư khoe sắc như hoa huệ, ai lại không thích đời sống thi vị, nhàn nhã như vậy! Chắc chắn Đức Giêsu không có ý dạy ta thái độ vô lo, thiếu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình cũng như của người khác. Ngài muốn nói với chúng ta: nếu Thiên Chúa là Cha nhân lành, đã ban cho ta món quà quý giá hơn mọi món quà trong cuộc đời là sự sống, thì những món quà ít quý giá khác giúp ta duy trì sự sống ấy chắc chắn Ngài cũng ban cho. Vì thế, ưu tư cho chuyện cơm ăn áo mặc không phải và không nên là ưu tư số một của ta.
Mời Bạn: Điều chỉnh lại cuộc sống của bạn: bớt đi những lo lắng quá về tiền bạc, tiện nghi vật chất, thú vui... sẵn sàng dành thời gian để sống cho Chúa và cho người chung quanh nhiều hơn.
Chia sẻ: Ưu tư lớn nhất của tôi hiện nay là ưu tư gì? Nỗ lực để sống cho Chúa và cho hạnh phúc đời đời có trong ưu tư của tôi không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi dành 5 phút cảm tạ Chúa đã ban cho tôi mạng sống và tôi sẽ có thái độ tín thác tin tưởng vào Ngài hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải. Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người. (Rabbouni).
19/06/11 CHÚA NHẬT 12 TN – A
Chúa Ba Ngôi Ga 3,16-18
CHUYỆN TÌNH CỦA THIÊN CHÚA
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,16)
Suy niệm: Dành cho chúng ta, mầu nhiệm Ba Ngôi không là chuyện riêng của trí óc, nhưng là chuyện của trái tim, chuyện của tình yêu, bởi Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu. Chúa Cha là Tình Yêu nên Ngài đã biểu lộ tình yêu của Ngài bằng cách trao ban Con Một và Sức Mạnh yêu thương của Ngài là Chúa Thánh Thần cho nhân loại. Chúa Con là Tình Yêu nên Ngài hiến thân cho nhân loại và qua Ngài, Sức Mạnh yêu thương của Chúa Cha được chuyển thông cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, một Tình Yêu có năng lực làm cho sống lại, đang làm sống lại niềm vui được cứu độ và niềm vui sống tình thân với Chúa nơi mỗi tín hữu. Dù là một bậc thầy trong Israel, Ni-cô-đê-mô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước chuyện tình của Thiên Chúa dành cho con người được Chúa Giê-su mạc khải, mà cao điểm của tình yêu ấy là cuộc hiến dâng trên thập giá.
Mời Bạn: Hiệp với tâm tình Gioan, người tông đồ đã hiện diện trong khoảng khắc cao độ của tình yêu Thiên Chúa trên đồi trên đồi Golgotha, mời bạn chiêm niệm tình yêu này và đáp trả cân xứng bằng tình yêu.
Chia sẻ: "Thiên Chúa yêu thế gian" Theo bạn, "thế gian" ở đây là gì? là ai? Hãy kể rõ khuôn mặt nào đã được Chúa quá yêu thương.
Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta tìm cách nhân rộng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, Chúa đã quá yêu thương gia đình con và chính con nữa. Con xin hết lòng cám ơn Chúa!
20/06/11 THỨ HAI TUẦN 12 TN
Mt 7,1-5
ĐỪNG XÉT ĐOÁN, HÃY BAO DUNG
"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em." (Mt 7,1-2)
Suy niệm: Xét trên bình diện nhân loại chúng ta đã có nhiều lý do để không xét đoán người khác. Trước hết, không bao giờ chúng ta có thể biết toàn thể sự việc hay toàn thể một con người; thứ đến, cho dù người khác có những khuyết điểm, những họ vẫn là những người sống và có thể hoán cải và trở nên tốt. Và Lời Chúa dạy chúng ta lý do chủ yếu tại sao chúng ta không được xét đoán: bởi vì chúng ta xét đoán người khác thế nào thì Ngài cũng sẽ xét đoán chúng ta bằng một cách thức như vậy.
Mời Bạn: Chúng ta thường dễ dàng và vội vàng lên án anh em, thậm chí đồng lõa hay a dua theo người khác để xét đoán anh em. Bạn có biết câu ngạn ngữ: "Đừng xét đoán ai cho đến khi chính bạn đã ở trong hoàn cảnh của người ấy" không? Tin Mừng hôm nay còn gợi ý cho chúng ta đi xa hơn: Đừng xét đoán ai theo chuẩn mực giới hạn của loài người, nhưng Chúa mong muốn con người là hình ảnh của Thiên Chúa cũng phải xét đoán bằng tấm lòng rộng lượng như Thiên Chúa.
Chia sẻ: Tôi có lên tiếng bênh vực cho anh em, đặc biệt với những người vắng mặt, kể cả khi họ không hợp với tôi về tính nết hay quan niệm sống... không?
Sống Lời Chúa: Thiên Chúa muốn môn đệ của Ngài biết rằng phê phán rộng lượng là một bổn phận thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết chú tâm đến những khuyết điểm và lầm lỗi của mình để sửa chữa và thay đổi. Còn những lầm lỗi của anh em con, xin Chúa thương giúp họ sửa đổi. Amen.
21/06/11 THỨ BA TUẦN 12 TN
Th. Luy Gondaga, tu sĩ Mt 7,6.12-14
MUỐN CHO MÌNH, LÀM CHO NGƯỜI
"Vậy tất cả những gì các con muốn..." (Mt 7,12)
Suy niệm: Rất nhiều người thích lấy câu "Muốn là được!" của Napoléon để làm châm ngôn, nhưng lại quên rằng chính tác giả của nó đã không thực hiện được câu nói này. Mới ở đời thường, hoặc trên bình diện chính trị mà thôi, mà đã khó, huống chi trên phương diện tâm linh, tu đức, luân lý, trở lực còn lớn lao hơn nhiều. "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm" (Rm 7,19). Thánh Phaolô không phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là người cuối cùng phải đối diện với kinh nghiệm này. Ai trong chúng ta dám nói rằng mình thoát khỏi quy luật ấy? Vì thế, các bậc thánh hiền, các thầy tu đức vẫn hằng tìm kiếm phương dược giúp chúng ta. Đức Khổng Tử khuyên: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" ("điều gì mình không muốn, đừng làm cho người khác"). Còn Chúa Giêsu, Ngài dạy cách tích cực hơn: "Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!" ("Kỷ sở dục dã, thi chi ư nhân"). Và Ngài kết luận: "Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy."
Mời Bạn: Bạn liên hệ Lời Chúa hôm nay với kinh Mười điều răn, nhất là lời tóm kết ở cuối kinh, như thế nào?
Chia sẻ: Khi suy niệm việc thánh Phaolô tìm sức mạnh của mình nơi chính Chúa, bạn học được điều gì?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút xét mình: Là người Kitô hữu, bạn thực sự cần điều gì hơn cả, và làm sao thi hành điều ấy cho người khác?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết ước muốn điều lành, và cũng xin ban sức mạnh cho con để thi hành điều lành ấy cho anh em con. Amen.
22/06/11 THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Th. Gioan Phisơ, giám mục tử đạo
và th. Tôma Mô tử đạo
Mt 7,15-20
HOA THƠM TRÁI NGỌT CHO ĐỜI
"Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai." (Mt 7,20)
Suy niệm: Đất phương nam được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt: tôm cá đầy đồng, trái cây trồng ở đây nổi tiếng ngon nhất nước. Tuy vậy, để có được các hoa quả ngon ngọt này, nhà nông thường phải đôn đáo chạy tìm những cây giống tốt. Theo kinh nghiệm của họ, đặc tính ngon ngọt của trái cây lệ thuộc vào chất lượng tốt của cây giống. Đức Giêsu dùng hình ảnh tương tự để cho thấy sự thống nhất của con người: lời nói và hành động bên ngoài sẽ diễn tả, cho thấy tâm hồn bên trong của con người. Vì thế, muốn lượng giá người khác, chỉ cần nhìn vào lối ứng xử, thái độ sống hằng ngày, nhất là trong những lúc gặp thách đố hay khủng hoảng, để từ đó biết được con người thật của họ.
Mời Bạn: Bạn được mời gọi trở thành trái cây thơm ngọt cho đời. Để kiểm định trái cây bạn thuộc loại nào (thơm ngọt hay chua chát, độc hại), hãy xem xét thái độ, hành vi, lời nói, cử chỉ của bạn thường mang lại những hậu quả nào cho người lân cận và cộng đoàn: an bình vui tươi hay bất bình chia rẽ.
Chia sẻ: Là người môn đệ Chúa Kitô, bạn đã sản sinh được những hoa trái thơm ngọt cho đời sống chưa?
Sống Lời Chúa: Khởi đầu ngày sống với một ý tưởng tích cực, dựa trên một lời dạy của Chúa Giêsu, để mỗi ngày đem lại một hoa trái thơm ngọt cho người thân quen và cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những hoa trái thơm ngọt qua cuộc đời phục vụ và Lời ban phúc trường sinh của Chúa. Xin cho chúng con cũng trở thành những trái cây thơm ngọt cho cuộc đời bằng cách sống theo Lời Chúa dạy. Amen.
23/06/11 THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Mt 7,21-29
ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI
"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi." (Mt 7,21)
Suy niệm: Có một cách hiểu thành ngữ "đánh trống bỏ dùi", theo đó "dùi" là những tiếng trống lẻ theo sau hồi trống dài. Gọi là "lẻ" nhưng những "dùi" này rất quan trọng vì nó giúp phân biệt các mệnh lệnh khác nhau. Như "ba hồi chín dùi" là họp toàn dân, trong khi "ba hồi ba dùi" nghĩa là có cha về dâng thánh lễ. Vậy "đánh trống bỏ dùi" là chỉ đánh những trống hồi, còn bỏ những tiếng trống lẻ theo sau. Nó ám chỉ cung cách làm việc thiếu chu đáo, thiếu tinh thần trách nhiệm, không làm đến nơi đến chốn, nửa làm nửa không. Theo cách hiểu này, cũng là "đánh trống bỏ dùi" nếu nói tin Chúa mà không sống đức tin trong đời thường. Chúa Giê-su cho biết đức tin ấy không thể đem lại ơn cứu rỗi: "Không phải bất cứ ai nói lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu."
Mời Bạn: Tin trong lời mà không tin trong đời, người ta mắc phải căn bệnh "đánh trống bỏ dùi" với các triệu chứng: nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, làm nửa vời, bỏ dở dang. Khi Chia Sẻ Lời Chúa, ta mắc bệnh này khi chỉ đề ra những lý giải thật hay mà không hoán cải đời sống, không thực thi Lời Chúa. Nó biến việc chia sẻ Lời Chúa thành giờ lý thuyết suông, biện bác bằng những "ngôn từ" vô bổ.
Chia sẻ: Trong đời bạn, nhiều lần bạn đã sống Lời Chúa. Xin chia sẻ cho nhau một lần bạn thấy ý nghĩa nhất.
Sống Lời Chúa: Tôi làm một việc hi sinh (tránh một dịp tội, bớt một ly rượu, một điếu thuốc, nhịn một lời nói chua cay...) để sống Lời Chúa hôm nay.
Cầu nguyện: Hát : "Gặp gỡ Đức Kitô".
24/06/11 THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Sinh nhật th. Gioan Tẩy Giả Lc 1,57-66.80
BÀN TAY CHÚA
"Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em." (Lc 1,66)
Suy niệm: Hai ông bà Giacaria và Êlisabét là cặp vợ chồng hiếm muộn, sống với nhau tới tuổi già mà không có con nối dòng. Tuổi sinh con của họ đã qua; cuộc đời họ như cây không trái, như giếng không nước. Nhưng bàn tay Thiên Chúa đã can thiệp. Chúa có thể làm cho cây khô trổ hoa, cho ông bà già Giacaria và Êlisabét sinh con, tẩy xoá được nỗi tủi nhục vì không có con, theo quan niệm thời bấy giờ. Cây già, trái của nó thường còi cọc. Khi cha mẹ lớn tuổi sinh con, đứa con dễ bị bệnh tật và kém thông minh. Đó là quy luật tự nhiên. Thế nhưng Gioan, con hai ông bà, lại không lệ thuộc quy luật đó, vì "có bàn tay Thiên Chúa ở cùng em." Theo ý định ngàn đời của Thiên Chúa, bàn tay Thiên Chúa đã sắp đặt để Gioan đóng vai trò vị Tiền Hô cho Đức Giêsu.
Mời Bạn: Ngày chúng ta lãnh nhận bí tích thánh tẩy, bàn tay Thiên Chúa đã khắc vào tâm hồn chúng ta dấu ấn không bao giờ tàn phai, cho ta chia sẻ sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Giêsu. Chính bàn tay Thiên Chúa đã nâng chúng ta lên từ thân phận thấp hèn trở thành bạn nghĩa thiết của Đức Giêsu. Vì thế, ta hãy sống sao để người khác nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động trên cuộc đời chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng rằng Chúa luôn hiện diện và hoạt động trên cuộc đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng vô hình và hoạt động của Ngài luôn sống động. Xin cho chúng con cảm nhận ngày một sâu sắc hơn bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa, và xin biến chúng con thành dụng cụ đắc lực trong bàn tay của Ngài. Amen.
25/06/11 THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Mt 8,5-17
KHẨN NÀI VỚI CHÚA
"Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm." Chúa Giêsu nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó." (Mt 8,6-7)
Suy niệm: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn ngày 24/5, lễ Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu, làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, một Giáo Hội đang bị lôi kéo vào cơn cám dỗ tự trị, muốn tách lìa khỏi sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha và có nguy cơ đánh mất tính duy nhất trong Thân Thể Chúa là Giáo Hội. Những áp lực hiện nay, không chỉ từ phía những người có quyền lực, mà còn từ những tín hữu tham lam quyền bính, đang thách thức lòng trung thành của các tín hữu trong Hội Thánh tại Trung Quốc và đang làm cho Hội Thánh toàn cầu lên cơn "đau đớn." Trước tình cảnh này, không phải là lúc Ki-tô hữu kể tội người này hay người khác, nhưng cần hơn hết, như Đức Thánh Cha kêu gọi, các tín hữu cùng cầu nguyện cho cơn "đau đớn" của Hội Thánh tại Trung Quốc được qua khỏi, và cho những ai đang manh tâm gây đau nhức cho Nhiệm Thể của Chúa Ki-tô được can đảm từ bỏ những mưu tính đen tối ấy. Chính Chúa sẽ đến chữa lành mọi sự.
Mời Bạn: Tình cảnh của Giáo Hội tại Trung Quốc có làm lòng bạn đau xót không? Vậy, bạn hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc nhé!
Chia sẻ: Tại sao sự hiệp nhất cần thiết cho đời sống và sứ mạng của Hội Thánh?
Sống Lời Chúa: Nài xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong lòng mỗi tín hữu tại Trung Quốc, để họ trung thành với Chúa và Hội Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin ban cho những tín hữu tại Trung Quốc và khắp nơi, luôn yêu mến Chúa và gắn bó với Hội Thánh Chúa.
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ Ga 6,51-58
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
"Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống muôn đời." (Ga 6,54)
Suy niệm: "Trường sinh bất lão", có thể nói, là một trong những khát vọng lớn nhất của con người ở mọi thời đại. Và để hiện thực hóa khát vọng này, con người đã tiêu tốn không biết bao nhiêu của cải và sức lực, với ước mong sẽ tìm ra một phương thức khả dĩ giúp con người được trường sinh. Thế nhưng, chưa từng có một nỗ lực nào đã đem lại một kết quả nào như mong đợi. Người ta đã không thể tìm thấy một phương dược nào hay một thứ lương thực nào có thể đem lại cho con người sự sống đời đời cả. Con người như thể đành bất lực, bó tay trước cái chết. Thế nhưng, cái tưởng chừng như không thể thì bây giờ lại có thể. Đúng như vậy, với Mình và Máu Chúa Kitô, khát vọng sống mãi của con người đã trở thành hiện thực. Mình và Máu Chúa Kitô giờ đây đã trở thành Lương Thực Trường Sinh, đúng như Lời Chúa phán: "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống muôn đời".
Mời Bạn: Chúng ta thật hạnh phúc khi được Chúa Giêsu yêu thương và hiến thân mình làm tấm bánh bẻ ra để nuôi sống chúng ta. Tấm bánh đó không gì khác hơn chính là Thịt và Máu Chúa Kitô. Bạn và tôi được mời gọi cung kính, mến yêu và siêng năng rước lấy Mình và Máu Thánh Ngài để được sự sống đời đời.
Chia sẻ: Bạn có tin Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Thánh Thể không? Bạn thể hiện niềm tin ấy thế nào?
Sống Lời Chúa: Cúi mình sâu thờ lạy Thánh Thể Chúa mỗi khi vào nhà thờ.
Cầu nguyệnb Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con biết cung kính và siêng năng rước lấy lương thực trường sinh của Chúa. Amen.
27/06/11 THỨ HAI TUẦN 13 TN
Th. Syrilô, giám mục Alêxanri, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 8,18-22
ĐÒI HỎI QUYẾT LIỆT
"Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8,22)
Suy niệm: Thánh Phanxicô Assidi từng gọi Chúa là Đấng đòi hỏi không nhân nhượng, không sợ mất lòng ai. Tin Mừng hôm nay minh chứng cho nhận định ấy: với người xin về mai táng cha già rồi sẽ đi theo, Chúa không đồng ý, lại còn nói khá nặng nề là cứ để kẻ chết chôn kẻ chết; với người ngỏ ý sẽ theo Chúa đến tận cùng trời góc biển, Chúa không dấu diếm rằng theo Ngài là đi vào con đường khốn khổ, hòn đá gối đầu cũng không có. Chúa huấn luyện môn đệ Ngài như thế đó: bài học đầu tiên là phải mạnh dạn dứt bỏ những gì cản trở mình theo Chúa. Theo Chúa không phải là gặp chăng hay chớ, muốn sao cũng được, mà là một chọn lựa, một nếp sống, một lý tưởng, đòi phải có lập trường dứt khoát và theo tới cùng.
Mời Bạn: Xem xét lại việc bạn theo đạo có thật sự là đi theo Chúa hết mình không, hay gặp chăng hay chớ, nghĩa là gặp một khó khăn hay thách đố thì buông xuôi, chán nản, quay lui...
Chia sẻ: Bạn có tin rằng Chúa không bao giờ đòi hỏi bạn quá mức, và luôn đồng hành để nâng đỡ bạn, nhất là trong gian nan thử thách không?
Sống Lời Chúa: "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, các ngươi đừng cứng lòng nữa." Tôi sẽ chú tâm để nhận ra Chúa muốn tôi làm gì hôm nay qua một biến cố, một con người, một sự kiện xảy đến với tôi. Khi đã nhận ra ý Chúa rồi, tôi mau mắn, mạnh dạn làm theo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không muốn chúng con lừng khừng, nhưng mau mắn đáp lại tiếng Chúa. Xin giúp chúng con kiên tâm lắng nghe, mau mắn nhận ra và trung thành làm theo thánh ý Chúa, vì tin rằng không bao giờ Chúa thôi nâng đỡ chúng con. Amen.
28/06/11 THỨ BA TUẦN 13 TN
Th. Irênê, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 8,23-27
CHUA LA CHỐN CON TỰA NƯƠNG
"Các ông lại đánh thức Người và nói: Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất." (Mt 8,25)
Suy niệm: Chuyện kể về một học sinh bị phỏng nặng nửa thân dưới trong một trận hoả hoạn tại ngôi trường cậu đang học. Trên giường bệnh, nửa tỉnh nửa mê, cậu nghe nói về bệnh trạng của mình rằng cậu sẽ bị liệt suốt đời. Bàng hoàng vì tương lai như sụp đổ, nhưng với ý chí và niềm tin, cậu kiên trì tập luyện và cuối cùng cậu đã có thể bước đi trên đôi chân của mình. Lắm lúc chúng ta cũng chạm trán với những khó khăn, những phút đen tối trong đời. Chúng ta cũng sợ hãi bối rối. Nhưng ít ra chúng ta cũng như các môn đệ nhớ rằng có Chúa đồng hành với mình và chạy đến Chúa với lời cầu xin: "Thưa Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!" Chúng ta sẽ thấy rằng chỉ nhờ một lời của Chúa thôi, chúng ta sẽ được bình an.
Mời Bạn: Đôi khi Chúa để những khó khăn, hay nghịch cảnh xảy đến trong cuộc đời chúng ta; nhưng Ngài không bỏ chúng ta, bởi vì Ngài vẫn ở bên cạnh chúng ta, bảo vệ chúng ta quyền năng của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra điều đó và tuyệt đối tin tưởng tuyệt đối vào Ngài hay không. Chúa không cất khó khăn khỏi bạn nhưng với niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa, bạn sẽ bình an và vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.
Chia sẻ: Kinh nghiệm Chúa "cứu" bạn vượt qua một vụ khó khăn hay thử thách trong đời.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt đầu một công việc bạn cầu nguyện: "Lạy Chúa Trời, xin đến giúp con; muôn lạy Chúa xin mau phù trợ."
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con dù gặp bao thăng trầm của cuộc sống, chúng con vẫn vững tin vào Ngài.
29/06/11 THỨ TƯ TUẦN 13 TN
Th. Phêrô và Phaolô, tông đồ Mt 16,13-19
BẠN THẬT CÓ PHÚC!
"Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời." (Mt 16,17)
Suy niệm: Anh thật là người có phúc! Vì đâu mà Phêrô được Chúa Giêsu khen tặng như vậy? Phải chăng vì ngài là đá tảng Hội thánh, là thủ lãnh tông đồ? Không. Một Phêrô hèn nhát, nói dối để chối Thầy trước một cô hầu gái thì không xứng với một thủ lãnh. Vậy bởi đâu? Bởi vì, Phêrô được ơn từ trời của Chúa Cha –"Không phải phàm nhân mặc khải cho anh, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." Ơn thiêng ban cho Phêrô, khiến Phêrô mạnh mẽ đến nỗi ma quỷ không chiến thắng nổi – "Trên đá này, quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." Phêrô được Chúa Giêsu gọi là đá tảng Hội thánh, được đặt là thủ lãnh các tông đồ, đó chưa phải là phúc cho Phêrô. Phêrô thật có phúc vì được ơn mặc khải từ Chúa Cha. Đó là ơn nhận biết và tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian.
Mời Bạn: Người Việt Nam cũng khen ai đó thật có phúc, để diễn tả việc một người nào đó được sự may lành ngoài sự mong đợi như được tích luỹ từ muôn kiếp trước, như được xếp đặt từ ơn trên. Bạn thật có phúc vì từ muôn thuở bạn đã được Chúa yêu thương, và được Chúa kêu gọi bạn làm con cái của Ngài qua ơn Bí tích Rửa Tội. Chẳng phải bởi công trạng của bạn, mà chỉ vì tình Chúa yêu thương. Bạn quả là diễm phúc!
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần Danh Thánh Chúa Giêsu với tâm tình cảm tạ.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì qua Bí tích Rửa tội, con được biết và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Chí Ái Cha và là Đấng Cứu độ chúng con.
30/06/11 THỨ NAM TUẦN 13 TN
Các Thánh Tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma
Mt 9,1-8
DẤNG XOA TỘI TRẦN GIAN
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, tội con đã được tha rồi." (Mt 9,3)
Suy niệm: Không những người Do-thái thời xưa mà chính người thời nay cũng vẫn đặt câu hỏi về Bí tích Giải tội: "Làm sao con người có thể tha tội được?" Quả thật, con người không có quyền năng đó nếu không được Thiên Chúa trao ban. Chúa Giê-su đã trao ban quyền ấy cho những người mà Ngài tuyển chọn. Ngài biết thân phận con người yếu đuối và sẽ vấp ngã. Chính vì thế, Bí tích Giải tội là cách thể hiện cụ thể lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Ai từ chối nó hay ngại ngùng đến là đang từ chối một cách nào đó tình yêu bao la của Thiên Chúa. Thiên Chúa như một người cha dang tay chờ bạn trở về, sẵn sàng tha thứ cho bạn dù bạn có phạm tội nặng nề thế nào đi nữa.
Mời Bạn: Trình bày Bí tích Hòa giải như là Bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa, Bí tích của sự chữa lành tận căn, Bí tích đem lại sự bình an đích thực trong tâm hồn; không ngần ngại chia sẻ chính những trải nghiệm của bạn mỗi lần đến với Bí tích chữa lành này.
Chia sẻ với nhóm của bạn về một lần mình đi xưng tội với tâm tình sốt sắng và cảm nghiệm mình được chữa lành.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng vào lời khẳng định của Chúa Giêsu khi ban quyền tha tội cho các Tông Đồ: "Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha" (Ga 20, 23) sẽ giúp bạn can đảm đến với tòa giải tội mỗi lần bạn sa ngã.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con Bí tích Hòa giải như một bảo chứng về lòng thương xót của Ngài. Xin cho con và những tội nhân khác biết năng chạy đến với Bí tích tình yêu này.
Thanh_Tam
01/06/11 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Th. Giúttinô, tử đạo Ga 16,12-15
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
"Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật vẹn toàn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ loan báo lại cho anh em biết những điều sẽ xảy đến." (Ga 16,13)
Suy niệm: Chúa Giêsu đã báo trước việc Ngài phải tử nạn và phục sinh nhiều lần, thế mà khi sự việc xảy đến, các môn đệ vẫn cứ ngỡ ngàng, chậm tin. Thế nhưng khi họ lãnh nhận Thần Khí Sự Thật là Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô sai đến từ Chúa Cha (Ga 15,26) thì mọi sự đổi khác. Chính Ngài soi sáng các tông đồ đạt tới được sự thông tuệ về các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chính Ngài gìn giữ, và phát triển tới mức toàn vẹn tất cả những Đức Giêsu Kitô đã khởi sự. Và chúng ta cũng không khó để nhận ra rằng hoa trái của Chúa Thánh Thần đã triển nở cách phong phú và dồi dào ngay trong lòng Giáo hội nơi sự hiểu biết, lòng yêu mến và sùng mộ các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua dòng lịch sử và của thời đại hôm nay.
Mời Bạn: Chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần như một quà tặng quý báu của Thiên Chúa, nhờ sự hoạt động của Thánh Thần, các tín hữu có được dồi dào sức sống của Thiên Chúa để họ biết luôn làm chứng cho Thiên Chúa trước mặt thế giới hôm nay.
Chia sẻ: Nhóm của bạn có cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trước mỗi hoạt động của mình không?
Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, dành một khoảng khắc xin ơn Chúa Thánh Thần để biết việc mình phải làm, và để có sức mạnh thực hiện việc ấy cách đẹp lòng Chúa
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến đổi mới đời sống chúng con và xin canh tân bộ mặt trái đất này.
02/06/11 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Th. Marcellinô và Phêrô, tử đạo
Ga 16,16-20
NỖI BUỒN THÀNH NIỀM VUI
"Anh em sẽ khóc lóc và than van còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." (Ga 16,20)
Suy niệm: Những lời nói úp úp mở mở của Chúa Giêsu làm các môn đệ khó hiểu: "Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy." Thế nhưng đó không phải là những lời của tuyệt vọng mà là những lời mở ra cánh cửa hy vọng; bởi vì ngay lập tức Chúa đã xác quyết mạnh mẽ: "Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." Mà lúc đó làm sao các môn đệ hiểu được; chỉ sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các ông nhớ lại những gì Ngài đã nói với các ông và các ông đã hiểu. Niềm tin và niềm hy vọng của các ông được vững vàng nhờ nhớ lại lời Chúa đã nói.
Mời Bạn: Đức cố H.Y. Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận trong cuốn "Đường Hy Vọng" định nghĩa kitô hữu là người luôn hy vọng; ngài nói: "Con hãy trả lời được cho mọi người về niềm hy vọng của con." Thật vậy, Chúa Kitô Phục sinh là nguồn sức mạnh và cảm hứng giúp chúng ta thêm niềm tin và hy vọng: "Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời" (2Cr 4,17).
Chia sẻ: Trong cuộc đời này chỉ có một điều đáng buồn đó là tội lỗi (x. ĐHV 991). Bạn đã biến nỗi buồn trở thành niềm vui bằng cách loại bỏ tội lỗi chưa?
Sống Lời Chúa: Nhắc mình: Tôi luôn vui tươi trước mọi nghịch cảnh vì Chúa Kitô phục sinh là niềm hy vọng của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trên thánh giá Chúa nghèo lắm. Nhưng con tin Chúa đã phục sinh. Xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh ban cho con một điều, đó là dù trong đau khổ vẫn luôn yêu thương và hy vọng. (Theo ĐHV 956)
03/06/11 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Th. Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo
Ga 16,20-23
PHÚC CHO AI LO BUỒN
"Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." (Ga 16,21)
Suy niệm: Đức đương kim Giáo Hoàng, trong cuốn "Đức Giê-su thành Na-da-rét", phân biệt có hai loại sầu khổ: "sự sầu khổ khi mất hy vọng, không còn tin tưởng vào tình yêu và trong thâm tâm phá vỡ chân lý, gây đổ vỡ con người; nhưng cũng có sự sầu khổ, xuất phát từ sự lay động của chân lý, giúp con người sám hối, chống lại điều xấu." Khi tiên báo "anh em sẽ lo buồn," Chúa Giê-su báo trước các môn đệ sẽ gánh chịu sự sầu khổ thuộc loại thứ hai, sự sầu khổ có giá trị cứu độ và là sự sầu khổ sẽ được biến thành niềm vui. Các môn đệ sẽ lo buồn, sầu khổ khi chứng kiến cái chết của Thầy, nhưng sự sầu khổ sẽ biến thành niềm vui vì sự phục sinh của Thầy; các môn đệ sẽ tiếp chịu sầu khổ vì thế gian ganh ghét, "bởi họ ghét Thầy", nhưng rồi sự sầu khổ sẽ biến thành niềm vui vì các ông được phục sinh với Thầy. Thật "phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" (Mt 5,5).
Mời Bạn: Sự sầu khổ của môn đệ Chúa Giê-su là sự sầu khổ khi chứng kiến hoặc hứng chịu sự ác chống lại sự thiện; gian tà chống lại chân lý. Đó là sự sầu khổ của Mẹ Ma-ri-a khi đứng dưới chân thập giá; sự sầu khổ của những người yêu chuộng hòa bình chứng kiến chiến tranh; sự sầu khổ của những người yêu sự sống chứng kiến nạn phá thai... Chỉ những ai biết sầu khổ như vậy, họ mới được Thiên Chúa ủi an!
Sống Lời Chúa: Nơi bạn đang sống, có ai đang sầu khổ, bạn hãy mang niềm vui đến cho họ bằng sự an ủi nào đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gởi người nào đó đến an ủi con lúc buồn phiền, và xin giúp con nhận ra ai đang buồn phiền để con cũng an ủi họ. Amen.
04/06/11 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Ga 16,23b-28
"CHỈ CẦU DANH CHÚA MÀ THÔI"
"Thật, Thầy bảo thật cùng anh em, anh em mà xin Chúa Cha điều gì thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy." (Ga 16,23b)
Suy niệm: Phải "chạy" kiếm "ô dù" làm hành trang bước vào chợ đời đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người trẻ khởi nghiệp. "Nhất thân nhì thế" không còn là câu nói mua vui mà hầu như đã trở thành một thứ luật bất thành văn cho cuộc sống xã hội ngày nay. Khi dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha "nhân danh Thầy," Chúa Giêsu không có ý cổ võ cho thứ qui tắc ứng xử "ô dù" như thế. Trái lại Chúa nhấn mạnh rằng nhờ mối tương quan thân tình với Ngài mà phẩm giá chúng ta được thăng tiến. Quả thật, Chúa Giêsu "đẹp lòng" Chúa Cha mọi đàng, vì thế Chúa Cha yêu thương chúng ta trong Người Con Chí Ái đó, và lời chúng ta cầu xin: "Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" mới đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài ưng nhận.
Mời Bạn: Chúa chẳng được lợi gì khi bắt chúng ta cầu khẩn "nhân danh Đức Kitô" và Ngài cũng không muốn chúng ta trở thành những kẻ quỵ luỵ cầu cạnh Ngài. Trái lại Ngài muốn chúng ta sống thân tình với Thiên Chúa trong tư cách của những người con, để nhờ đó chúng ta được chung hưởng vinh quang và hạnh phúc với Ngài. Vậy bạn ơi, chúng ta hãy tin thật mạnh vào sự trợ giúp của Chúa Giêsu khi chúng ta cầu nguyện, hãy cầu nguyện với cả tấm lòng đơn sơ phó thác của người con thảo.
Sống Lời Chúa: Để đáp lại lời cầu: "Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con," bạn sốt sắng thưa "Amen."
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đây là niềm tin của con: "Kẻ cậy chiến xa, người nhờ chiến mã. Phần con chỉ cầu danh Chúa mà thôi."
05/06/11 CHÚA NHẬT TUẬN 7 PS – A
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN Mt 28,16-20
CÓ CHÚA Ở CÙNG
"Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,20)
Suy niệm: "Ở cùng, ở với và ở trong" là những cụm từ diễn tả mối tương quan mật thiết nhất của tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu, nên ngay khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu được gọi là Đấng Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng." Suốt cuộc sống công khai, Ngài đã gọi các môn đệ để họ "ở với" Ngài. Ngài hứa những ai vâng giữ lời Ngài thì "ở trong" Ngài và Ngài "ở trong" người ấy. Hôm nay trước khi trở về trời, Ngài lại nói với các môn đệ: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." Quả thật Ngài vẫn "ở cùng" các môn đệ trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng Phục sinh. Ngài vẫn tiếp tục "ở cùng" chúng ta qua các thế hệ mỗi khi chúng ta lắng nghe và sống Lời Ngài; và cách đặc biệt mỗi khi chúng ta lãnh nhận chính Thân Mình Ngài trong Bí tích Thánh Thể.
Mời Bạn: Trong cuộc sống không thiếu những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, chán chường, thất vọng. Bạn nhớ rằng Ngài vẫn có đó, vẫn "ở cùng, ở với và ở trong" bạn. Điều quan trọng là bạn có ý thức và cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương đó hay không. Những lúc bế tắc trong cuộc đời, thay vì bạn loay hoay chống chọi một mình, bạn hãy để lòng mình lắng xuống để nhận ra Chúa đang ở cùng bạn. Bạn sẽ cảm nghiệm được sức mạnh Ngài ban và thắng vượt chính mình. Chính trong những biến cố ấy và nhất là sau đó, bạn sẽ khám phá ra Chúa vẫn luôn yêu bạn và hẳn là bạn sẽ yêu Chúa hơn.
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm: Có Chúa đang ở cùng, ở với và ở trong tôi.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho con luôn ý thức và cảm nghiệm Chúa đang "ở cùng" con, để sức mạnh của Chúa giúp con vượt thắng tính yếu hèn nơi con.
06/06/11 THỨ HAI TUẦN 7 PS
Th. Nobetô, giám mục Ga 16,29-33
SỐNG CHỮ "DŨNG"
"Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian." (Ga 16,33)
Suy niệm: Theo Đức Khổng (551-479 tr. CN) người quân tử cần hội đủ 3 đức tính: Nhân – Trí – Dũng, trong đó chữ 'dũng' có một chỗ đứng quan trọng, vì đó là điểm tựa cho người quân tử vượt mọi nỗi sợ hãi. Quả thật, trong cuộc đời ai chẳng có lúc phải đối diện với những thử thách, nhưng chỉ những người có bản lãnh mới đủ dũng khí để vượt qua. Đức Ki-tô, vị Thầy Chí Thánh không muốn các môn đệ ỷ lại vào quyền phép của Thầy cũng không muốn họ sống như những kẻ chết nhát 'mới thấy sóng cả đã ngả tay chèo.' Ngài báo trước họ sẽ phải "gian nan khốn khó." Đồng thời Ngài khơi dậy lòng dũng cảm của họ: "Can đảm lên!" Bởi vì Đức Kitô, Thầy của họ "đã thắng thế gian!"
Mời Bạn: Sẽ không có một Đức Ki-tô Phục Sinh vinh quang, nếu vắng bóng một Giê-su chịu chết trên Thánh giá. Ngài đã đón nhận thập giá, đã chịu chết để chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang, Ngài cũng mời gọi chúng ta sống chữ "dũng" của người môn đệ: "Ai không vác thập giá ... không thể làm môn đệ Ta được" (Lc 14,27).
Chia sẻ: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?" (Một đời người, một rừng cây-Trọng Tấn). Là môn đệ Đức Ki-tô Bạn có đủ can đảm để chọn phần gian khổ không?
Sống Lời Chúa: Tự nguyện chia sẻ một cách cụ thể gánh nặng cuộc sống (về tinh thần hay vật chất) của một gia đình sống gần bạn đang gặp khó khăn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã can đảm lãnh lấy thập giá, để thế gian được sống. Xin cho chúng con dũng cảm hầu đón nhận thập giá của mình và của anh em để theo Chúa.
07/06/11 THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga 17,1-11
TÌNH HIỆP THÔNG VỮNG BỀN
"Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha." (Ga 17,9)
Suy niệm: Kết thúc truyện ngắn "Anh phải sống", tác giả Khái Hưng đã mô tả cảnh người vợ trong cơn thập tử nhất sinh với chồng giữa cơn sóng dữ, đã thì thầm vào tai chồng tên những đứa con: "Thằng Bò! Cái Nhớn! cái Bé!... Không! Anh phải sống!" Rồi chị đã buông tay khỏi vai chồng, cho nước cuốn đi, để chồng đủ sức một mình bơi vào bờ, sống và nuôi bầy con thơ. Chúa Giê-su trước khi phó mình chịu chết để cứu sống cả nhân loại, vẫn chỉ nghĩ và mong cho các môn đệ và những kẻ tin vào Ngài, được sống và tận hưởng ơn cứu độ. Đỉnh điểm của cuộc sống này là mối hiệp thông vững bền và hoàn toàn với Cha trên trời.
Mời Bạn: suy nghĩ về cuộc sống của người Ki-tô hữu đích thực giữa trần đời này. Dù cuộc đời đầy gian nguy thử thách, nhờ ơn Chúa, bạn vẫn có thể sống mạnh mẽ và tốt đẹp trong niềm tin, cậy, mến, bằng thái độ trân trọng giữ gìn bảo bối Lời Chúa mà bạn đã lãnh nhận. Chính nhờ được liên kết với Chúa Cha, chúng ta được thánh hoá và làm cho những ai, những gì tiếp cận với chúng ta cũng được thánh hoá.
Chia sẻ: Có những tình huống lôi kéo bạn sống trái với Lời Chúa, nghịch với lối sống tốt lành mà Chúa dạy. Bạn có nhận ra ơn Chúa trong tâm hồn bạn để giúp bạn sống thuộc về một cách trung thành không?
Sống Lời Chúa: Học thuộc câu Lời Chúa hôm nay để nhớ đến Lời ấy mỗi khi gặp những điều không vui, những điều nghịch ý trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn thuộc trọn về Chúa mọi nơi mọi lúc trong cả đời sống con.
08/06/11 THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Ga 17,11b-19
KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN
"...vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian." (Ga 17,14)
Suy niệm: Thân phận của người Kitô hữu là một nghịch lý: ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời. Một cách nào đó, họ sống "không giống ai"! Không giống thế gian, nên bị thế gian ghét bỏ; không theo thế gian, nên bị thế gian bách hại. Không để bị lây nhiễm tinh thần thế gian, nên phải can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ chạy theo thế gian. Mà Chúa Giêsu lại không xin Chúa Cha "cất chúng ta khỏi thế gian." Ngài chỉ xin "gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ." Đó là thân phận và ơn gọi của người Kitô hữu đích thực.
Mời Bạn: Lối sống cá nhân chủ nghĩa, hưởng thụ duy vật, vô thần, tương đối hoá mọi qui luật luân lý và tâm linh, đó là bộ mặt thật của "thế gian" trái nghịch với Tin Mừng Chúa Kitô. Trước một "thế gian" như thế, bạn có dám sống theo Lời Ngài không? Lối sống của Tin Mừng, là "hiền lành và khiêm nhường," là "yêu thương và tha thứ," là hoà bình, công lý và sự thật. Sống như thế, có thể bạn bị thiệt thòi thua lỗ. Chính Chúa Giêsu đã dùng sự thua thiệt, và điên rồ của thập giá để bẻ gãy lợi lộc, khôn ngoan và sức mạnh của thế gian. Ngài là Đấng "giàu có" đã trở nên "nghèo khó", để chúng ta vốn "nghèo khó" được trở nên "giàu có" trong Ngài.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm mỗi ngày: Tư tưởng, lời nói, hành động của tôi có thực sự đậm chất Tin Mừng không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sai chúng con đi vào giữa thế gian này để thánh hoá thế gian. Xin Chúa giúp chúng con đưa tinh thần Phúc Âm vào mọi sinh hoạt của cuộc sống; và xin gìn giữ con trong chân lý của Chúa. Amen.
09/06/11 THỨ NĂM TUẦN 7 PS
Th. Éphrem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh
Ga 17,20-26
NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU
"...Để tất cả nên một, như lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con." (Ga 17,21)
Suy niệm: Ngay một học sinh lớp Một cũng đã biết làm toán: 1 + 1 = 2 và 2 + 1 = 3; thế nhưng, trong tình yêu lại có thể: 1 + 1 = 1 và 1 + 2 = 1. Thật lạ lùng! Chả trách gì các thi sĩ thì ngâm nga: "Mình với ta tuy hai mà một," còn các văn nhân thì nói triết lý: "Chỉ có tình yêu mới làm cho người ta nên một, mà không tiêu diệt người khác!" Đức Giêsu cũng đã cầu xin cho các môn đệ được nên một, nên một nhờ chất "keo dính" kỳ diệu của tình yêu mến. Nói cách khác, vì yêu mến Ngài, họ yêu mến nhau, và vì yêu mến nhau, họ hợp nhất nên một. Cũng có thể nói rằng Đức Giêsu chính là "keo dính" nối kết các Kitô hữu lại với nhau. Trong Ngài, họ không còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn, miền Bắc, miền Nam, trí thức hay ít học... để tất cả nên một chí hướng: danh Cha được mọi người nhận biết.
Mời Bạn: Mong sao các cộng đoàn cùng nên một trong tình yêu và sứ mạng; mong sao các gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái nên một trong việc xây dựng gia đình yêu thương hoà thuận, lớn lên trong niềm tin, vun đắp đạo lý... Bạn đã lưu tâm xây dựng sự hiệp nhất, trong gia đình/cộng đoàn của bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bớt đòi hỏi cho sở thích, quan điểm của mình để biết quên mình, và thêm quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình, cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong muốn chúng con nên một, tựa như Chúa và Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần nên một trong Ba Ngôi. Xin Chúa giúp chúng con biết gạt bỏ những khác biệt, để cùng chung chí hướng xây dựng gia đình, giáo xứ được tốt đẹp. Amen.
10/06/11 THỨ SÁU TUẦN 7 PS
Ga 21,15-19
THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY
Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: "Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21,15)
Suy niệm: Chỉ có Chúa mới khẳng định một cách chắc chắn về tình yêu của Ngài đối với chúng ta, một tình yêu: - luôn luôn đi bước trước; - luôn luôn trung thành; - đã yêu là yêu tới cùng. Còn Phê-rô dù đã từng mạnh miệng tuyên bố "có phải chết vì Thầy cũng không bỏ Thầy," ông cũng "run" khi phải trả lời Thầy câu hỏi "có yêu không." Dù biết mình thực sự yêu Thầy với tất cả tấm lòng, nhưng Phêrô cũng quá hiểu tình yêu của mình thật nhỏ bé mong manh, lại hay thay đổi, nên ông chỉ biết dựa vào tình yêu của Chúa để bảo đảm cho tình yêu của mình : "Thầy biết con mến Thầy."
Mời Bạn: Ít nhiều chúng ta kinh nghiệm cay đắng về tình yêu mong manh và hay thay đổi của chúng ta. Và chúng ta cũng cảm thấy như thánh Phêrô, cần phải đặt tình yêu của mình ở trong một tình yêu lớn hơn: đôi tân hôn cam kết trước bàn thờ Chúa "để tình yêu của họ được Thiên Chúa đóng ấn" là vì thế. Nói rộng hơn, tôi tha thứ cho người khác là vì tôi đã được Chúa tha thứ nhiều hơn gấp bội phần; tôi dấn thân phục vụ người khác là vì Ngài đã phục vụ tôi đến độ hiến dâng cả mạng sống mình.
Chia sẻ: Yêu người như Chúa yêu là cách lý tưởng để thăng tiến các mối quan hệ nhân loại.
Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm cho người khác, tôi tự hỏi: "Trong hoàn cảnh này của tôi, Chúa sẽ cư xử như thế nào?"
Cầu nguyện: Hát: "Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con."
11/06/11 THỨ BẢY TUẦN 7 PS
Th. Banaba, tông đồ Mt 10,7-13
NGƯỜI TÔNG ĐỒ "NHẬP CƯ"
"Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy." (Mt 10,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su sai các tông đồ đi rao giảng trong những điều kiện thật bấp bênh và nguy hiểm: - phải đối diện với biết bao mối đe doạ tới cả tính mạng: "như chiên đi vào giữa bầy sói"; - đã thế, lại không được phép trang bị những phương thế tối thiểu để bảo đảm cho an toàn bản thân và thành công của sứ mạng. Phải chăng Chúa đang trao cho các ông "sứ mạng bất khả thi" hay Ngài "đem con bỏ chợ"? Thật ra, chúng ta quá lo vì những điều các tông đồ không có mà quên chú ý tới điều các ngài đang có: đó chính là sự bình an (cc. 13-13) và Thánh Thần của Chúa vẫn luôn ở trong họ (c. 20). Vì thế, việc đầu tiên người tông đồ làm là rao giảng và trao tặng điều họ đang có: "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy."
Mời Bạn: Những người nhập cư, một thành phần đặc biệt của dân số thời nay, có khi chính bạn cũng nằm trong số đó, đang sống trong một hoàn cảnh na ná các tông đồ ngày ấy. Nếu bạn là người nhập cư, sự bình an và Tinh Thần của Chúa Ki-tô chưa đã ở trong bạn chưa? Nếu họ đang ở quanh bạn, bạn làm gì để đem bình an của Chúa đến với họ?
Chia sẻ: Nhóm bạn làm gì thiết thực giúp ích những người nhập cư (hoặc phải di cư) trong khu xóm của bạn?
Sống Lời Chúa: Chính bạn hãy có sự bình an trong mình bằng cách luôn kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể và nếu có cơ hội, đừng bao giờ bỏ lỡ việc chia sẻ cho những người "tông đồ nhập cư" quanh bạn dù chỉ là một chén nước lã.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con hiểu rằng người tông đồ của Chúa trong thời đại này phải là người đem bình an của Chúa đến cho tha nhân.
12/06/11 CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20,19-23
HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,21-22)
Suy niệm: Lời quả quyết: "Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài sao?" (Lc 11,12) chỉ dạy Ki-tô hữu nhận biết rằng, điều cần thiết cho họ hơn hết và phải là điều cốt yếu trong mọi lời khẩn nguyện là xin cho được nhận lấy Chúa Thánh Thần. Hội Thánh qua bao thế hệ không ngừng van nài: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến." Thì nay, hành động Chúa Ki-tô phục sinh thổi hơi trao ban Thánh Thần là hành động xuất phát từ trái tim của Chúa Giêsu, một trái tim quá yêu thương nhân loại, trở thành bảo chứng Thiên Chúa đã nhậm lời cầu xin của những người kêu nài Thiên Chúa, đồng thời lời Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ nay hiện tỏ. Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và của Chúa Ki-tô, Thần Khí làm cho Hội Thánh được sống và sống cho sự thật.
Mời Bạn: Trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn khó phân biệt, mỗi khi cần phải phân định hay có một quyết định quan trọng, bạn có để cho Chúa Thánh Thần hoạt động soi sáng định hướng cho những chọn lựa của bạn không?
Chia sẻ: Bạn được nhận lấy Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Bạn đã cầu xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy bạn sống ơn gọi truyền giáo của bạn chưa?
Sống Lời Chúa: Nói về Chúa cho một người và nài xin Chúa Thánh Thần gìn giữ bạn trung thành với sứ mạng này.
Cầu nguyện: Hát: "Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con..."
13/06/11 THỨ HAI TUẦN 11 TN
Th. Antôn Pađôva Mt 5,38-42
TÌNH THƯƠNG XOÁ BỎ BẤT CÔNG
"Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm." (Mt 5,40-41)
Suy niệm: Người đời nói rằng mình thực thi công lý khi áp dụng luật: "Mắt đền mắt, răng đền răng," thế nhưng thực tế hậu quả của nền "công lý" báo thù đó thật kinh khủng: bạo lực, chiến tranh nổ ra khắp nơi; tin tức về những vụ thanh toán, khủng bố, trả thù đó đây trên thế giới nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Thiếu tình thương, cuộc sống giữa người với người ngày càng tồi tệ và đi vào chỗ bế tắc. Chúa Giêsu mời gọi con người ứng xử theo một cách thức khác. Từ bỏ bạo lực, lấy tình thương đáp lại hận thù, lấy sự lành tiêu diệt sự dữ.
Mời Bạn: Khi gặp bất công, khi bị hại, tự nhiên bạn muốn phản kháng, báo thù. Chúa Giêsu mời gọi chúng mình lấy tình thương để xử với kẻ làm hại mình. Ngài đã làm gương và mời gọi chúng mình theo gương Ngài để đem tình thương của Ngài cho nhân loại. Sống như Chúa dạy không phải là dễ, nhưng có thể làm được. Có như vậy, chúng ta mới là Muối cho Đời.
Chia sẻ: Bạn gặp điều bất công nào trong cuộc sống? Bạn đáp lại điều đó thế nào dưới ánh sáng Tin Mừng Chúa Kitô?
Sống Lời Chúa: Thực hành lời Chúa: "Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" (Mt 5, 42).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con có xu hướng muốn dùng sức mạnh để chống lại bất công. Vì thế bạo lực ngày càng gia tăng. Xin Chúa giúp chúng con biết noi theo gương Chúa, dùng tình thương biến đổi môi trường sống của chúng con theo tinh thần Tin Mừng tình thương của Chúa. Amen.
14/06/11 THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48
TUYỆT VỜI CỦA TÌNH YÊU
"Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em." (Mt 5, 44)
Suy niệm: Những lời dạy trên đây của Chúa Giêsu xem ra trái ngược với lẽ thường tình. Hẳn chúng ta muốn phản đối rằng chúng không thực tế và cũng chẳng khả thi. Tuy nhiên, khi Chúa không chỉ dạy suông, mà chính Ngài đã thực hiện yêu thương tha thứ như Ngài giảng dạy, thì những lời dạy bảo ấy hẳn phải trở thành khả thi trong cuộc sống của người môn đệ Chúa. Quả thật, trong cuộc khổ nạn, nhất là giờ phút hấp hối trên thánh giá, trong cơn đau tột cùng của thể xác và tinh thần vì sự bội nghĩa vô ơn của con người, Chúa vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình. Tình yêu của Thiên-Chúa-làm-người cao cả, tuyệt vời là ở chỗ đó! Văn hào Victor Hugo sau khi ngộ ra chân lý này đã thốt lên: "Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất."
Mời Bạn: Yêu kẻ thù, sống tốt với người làm khổ mình là điều thật sự khó thực hiện với chúng ta. Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa là không thể làm được. Vâng theo Lời Chúa dạy, bao người đã thể hiện tâm tình khoan dung tha thứ, quảng đại yêu thương. Chẳng hạn: trong thời đại chúng ta, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi đến nhà tù, hòa giải, nói lời tha thứ với Ali Agca, kẻ ám sát ngài. Còn tôi, tôi sẽ làm gì đối với người không có thiện cảm hay có ác ý đối với tôi?
Sống Lời Chúa: Tỏ thái độ thân thiện hoặc cầu nguyện cho người không yêu thích mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim bao dung và nhân hậu như Chúa: biết yêu thương và tha thứ, ngay cả khi con như không thể hay không muốn tha thứ, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
15/06/11 THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Mt 6,1-6.16-18
NÉT ĐẸP KÍN ĐÁO
"Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh." (Mt 6,6)
Suy niệm: Bức danh hoạ chân dung Mona Lisa do Leonardo da Vinci (1503-05) mô tả một phụ nữ quí phái trong trang phục miền Florentina thời đó, hấp dẫn con người mọi thời đại không phải vì những gam màu chói chang, những hình khối cứng cỏi, hay những chuyển động dữ dội, mà là ở nét đẹp kín đáo toát ra từ nụ cười vừa bí ẩn lại vừa cao sang quyến rũ. Nét đẹp ki-tô giáo xuất phát từ một nếp sống luân lý không nhằm trau chuốt cho bản thân mình trở nên giá trị, đáng nể trọng vì những hoạt động trổi vượt mà nhằm đạt đến cuộc sống thánh thiện chỉ để cho "Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo" biết và ân thưởng mà thôi. Nét đẹp ki-tô giáo hấp dẫn bởi vì để hiến dâng cho Thiên Chúa chứ không phải chỉ để thưởng thức hay đánh giá ở cấp độ nhân loại.
Mời Bạn: "Hữu xạ tự nhiên hương." Làm điều tốt tất nhiên sẽ phát sinh danh thơm tiếng tốt. Nhưng điều chính yếu chúng ta tìm kiếm không phải ở điểm đó mà là làm đẹp lòng Chúa và làm vinh danh Ngài.
Chia sẻ: Phân biệt, tìm ra những điểm khác nhau giữa một việc tốt nhưng để làm vinh danh mình với việc tốt để làm vinh danh Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên cầu nguyện vắn tắt bằng tâm tình của Chúa Giê-su "Xin đừng theo ý con nhưng làm theo ý Cha."
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không phải cho chúng con nhưng để cho danh Cha được cả sáng. (Hoặc đọc kinh Lạy Cha)
16/06/11 THỨ NĂM TUẦN 11 TN-A
Mt 6,7-15
DÁM ĐẾN GẦN CHA
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời." (Mt 6,9)
Suy niệm: Trong bản văn của Thánh Mátthêu, kinh Lạy Cha hay "kinh của Chúa" có bảy lời cầu xin, được chia làm hai phần: (1) Ba lời đầu tiên hướng về Chúa Cha, tập trung vào Vinh Quang của Chúa Cha: "Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện"; (2) Bốn lời sau, như những con đường dẫn tới Thiên Chúa, trình bày những khốn khó của chúng ta với Người: "lương thực... nợ... chước cám dỗ... sự dữ." Kinh Lạy Cha đưa chúng ta vào trong mối tương quan mới mẻ với Thiên Chúa trong tình Cha–Con, cũng như mối quan hệ với tha nhân, vì lời cầu xin mang tính cộng đồng, không loại trừ một ai: "Lạy Cha chúng con..." Do đó, trong thánh lễ, cộng đoàn phụng vụ được mời gọi: "Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng..."
Mời Bạn: "Dám" bước vào mối tương quan với Thiên Chúa bằng cầu nguyện bởi vì: "Mọi lời cầu khẩn luôn diễn tả sự thật về con người đang sống trong sự yếu đuối, khốn cùng và nài xin sự giúp đỡ từ trời cao. Ta cũng có thể thấy trong những lời cầu nguyện của người xưa cả một giá trị lớn lao, bởi khi sẵn sàng đón nhận sự mặc khải của Chúa, con người cho thấy mình có thể bước vào sự kết hiệp với Ngài" (ĐTC Bênêđitô XVI).
Sống Lời Chúa: Chậm rãi đọc kinh Lạy Cha, với ý thức của người con đang thưa chuyện với Cha của mình.
Cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin Chúa soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con biết sống mối tương quan sâu đậm với Chúa trong cầu nguyện. Một lần nữa chúng con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện! Amen."
17/06/11 THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Mt 6,19-23
NƠI NÀO CẤT GIỮ CỦA CẢI BẢO ĐẢM?
"Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó." (Mt 6,21)
Suy niệm: Con người tồn tại ở thế gian là nhờ của cải mà mình làm ra. Có thứ dùng để ăn liền, có thứ để dành phòng khi hữu sự. Bản năng sinh tồn cộng với hệ luỵ của tội tổ tông khiến của cải trở nên thiết thân. Chính vì thế, "của cải, kho tàng ta ở đâu, thì lòng ta cũng ở đó!" Có nhiều người coi của cải là cùng đích chứ không như phương tiện, nên cứ lao đầu vào như con thiêu thân, khiến họ không biết gì và biết ai ngoài của cải. Họ được mệnh danh là "duy vật," chỉ biết tôn thờ vật chất. Lời Chúa phán vừa thực tế và cũng vừa mỉa mai đối với những ai chỉ biết đặt cả tương lai mình vào những của cải phù vân ấy.
Mời Bạn: Kinh nghiệm cho thấy càng có nhiều của cải bao nhiêu càng bất an bấy nhiêu. Cất dấu chỗ nào cũng sợ người ta biết. Tâm trí lúc nào cũng suy tính chuyển dịch của để dành hết nơi này đến nơi kia. Dù gởi ngân hàng cũng không yên! Như thế còn thời gian đâu mà nghĩ tới những sự cao siêu trên trời?
Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng chỉ những ai coi của cải là phương tiện mới có thể sử dụng nó cho nhiều mục đích khác: nuôi sống bản thân và gia đình, giúp đỡ người đau khổ... không?
Sống Lời Chúa: Thánh Phaolô dạy: ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta ở trên trời (2 Cr 5,1). Vì thế, ta hãy dùng của cải mình để mua lấy ngôi nhà ấy khi biết chia sẻ và cho đi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi vào trần gian, Chúa đã sống không nhà không cửa, không có nơi gối đầu (Lc 9,58). Xin dạy con biết dùng của cải chóng qua ở đời này để mua lấy hạnh phúc đời sau, biết cho đi để được lãnh nhận từ Chúa nhiều hơn. Amen.
18/06/11 THỨ BẢY TUẦN 11 TN
Mt 6,24-34
ĐỪNG QUÁ LO LẮNG!
"Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?... Cha của anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho." (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Nhởn nhơ ca hót như chim trời, vô tư khoe sắc như hoa huệ, ai lại không thích đời sống thi vị, nhàn nhã như vậy! Chắc chắn Đức Giêsu không có ý dạy ta thái độ vô lo, thiếu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình cũng như của người khác. Ngài muốn nói với chúng ta: nếu Thiên Chúa là Cha nhân lành, đã ban cho ta món quà quý giá hơn mọi món quà trong cuộc đời là sự sống, thì những món quà ít quý giá khác giúp ta duy trì sự sống ấy chắc chắn Ngài cũng ban cho. Vì thế, ưu tư cho chuyện cơm ăn áo mặc không phải và không nên là ưu tư số một của ta.
Mời Bạn: Điều chỉnh lại cuộc sống của bạn: bớt đi những lo lắng quá về tiền bạc, tiện nghi vật chất, thú vui... sẵn sàng dành thời gian để sống cho Chúa và cho người chung quanh nhiều hơn.
Chia sẻ: Ưu tư lớn nhất của tôi hiện nay là ưu tư gì? Nỗ lực để sống cho Chúa và cho hạnh phúc đời đời có trong ưu tư của tôi không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi dành 5 phút cảm tạ Chúa đã ban cho tôi mạng sống và tôi sẽ có thái độ tín thác tin tưởng vào Ngài hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải. Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người. (Rabbouni).
19/06/11 CHÚA NHẬT 12 TN – A
Chúa Ba Ngôi Ga 3,16-18
CHUYỆN TÌNH CỦA THIÊN CHÚA
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,16)
Suy niệm: Dành cho chúng ta, mầu nhiệm Ba Ngôi không là chuyện riêng của trí óc, nhưng là chuyện của trái tim, chuyện của tình yêu, bởi Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu. Chúa Cha là Tình Yêu nên Ngài đã biểu lộ tình yêu của Ngài bằng cách trao ban Con Một và Sức Mạnh yêu thương của Ngài là Chúa Thánh Thần cho nhân loại. Chúa Con là Tình Yêu nên Ngài hiến thân cho nhân loại và qua Ngài, Sức Mạnh yêu thương của Chúa Cha được chuyển thông cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, một Tình Yêu có năng lực làm cho sống lại, đang làm sống lại niềm vui được cứu độ và niềm vui sống tình thân với Chúa nơi mỗi tín hữu. Dù là một bậc thầy trong Israel, Ni-cô-đê-mô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước chuyện tình của Thiên Chúa dành cho con người được Chúa Giê-su mạc khải, mà cao điểm của tình yêu ấy là cuộc hiến dâng trên thập giá.
Mời Bạn: Hiệp với tâm tình Gioan, người tông đồ đã hiện diện trong khoảng khắc cao độ của tình yêu Thiên Chúa trên đồi trên đồi Golgotha, mời bạn chiêm niệm tình yêu này và đáp trả cân xứng bằng tình yêu.
Chia sẻ: "Thiên Chúa yêu thế gian" Theo bạn, "thế gian" ở đây là gì? là ai? Hãy kể rõ khuôn mặt nào đã được Chúa quá yêu thương.
Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta tìm cách nhân rộng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, Chúa đã quá yêu thương gia đình con và chính con nữa. Con xin hết lòng cám ơn Chúa!
20/06/11 THỨ HAI TUẦN 12 TN
Mt 7,1-5
ĐỪNG XÉT ĐOÁN, HÃY BAO DUNG
"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em." (Mt 7,1-2)
Suy niệm: Xét trên bình diện nhân loại chúng ta đã có nhiều lý do để không xét đoán người khác. Trước hết, không bao giờ chúng ta có thể biết toàn thể sự việc hay toàn thể một con người; thứ đến, cho dù người khác có những khuyết điểm, những họ vẫn là những người sống và có thể hoán cải và trở nên tốt. Và Lời Chúa dạy chúng ta lý do chủ yếu tại sao chúng ta không được xét đoán: bởi vì chúng ta xét đoán người khác thế nào thì Ngài cũng sẽ xét đoán chúng ta bằng một cách thức như vậy.
Mời Bạn: Chúng ta thường dễ dàng và vội vàng lên án anh em, thậm chí đồng lõa hay a dua theo người khác để xét đoán anh em. Bạn có biết câu ngạn ngữ: "Đừng xét đoán ai cho đến khi chính bạn đã ở trong hoàn cảnh của người ấy" không? Tin Mừng hôm nay còn gợi ý cho chúng ta đi xa hơn: Đừng xét đoán ai theo chuẩn mực giới hạn của loài người, nhưng Chúa mong muốn con người là hình ảnh của Thiên Chúa cũng phải xét đoán bằng tấm lòng rộng lượng như Thiên Chúa.
Chia sẻ: Tôi có lên tiếng bênh vực cho anh em, đặc biệt với những người vắng mặt, kể cả khi họ không hợp với tôi về tính nết hay quan niệm sống... không?
Sống Lời Chúa: Thiên Chúa muốn môn đệ của Ngài biết rằng phê phán rộng lượng là một bổn phận thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết chú tâm đến những khuyết điểm và lầm lỗi của mình để sửa chữa và thay đổi. Còn những lầm lỗi của anh em con, xin Chúa thương giúp họ sửa đổi. Amen.
21/06/11 THỨ BA TUẦN 12 TN
Th. Luy Gondaga, tu sĩ Mt 7,6.12-14
MUỐN CHO MÌNH, LÀM CHO NGƯỜI
"Vậy tất cả những gì các con muốn..." (Mt 7,12)
Suy niệm: Rất nhiều người thích lấy câu "Muốn là được!" của Napoléon để làm châm ngôn, nhưng lại quên rằng chính tác giả của nó đã không thực hiện được câu nói này. Mới ở đời thường, hoặc trên bình diện chính trị mà thôi, mà đã khó, huống chi trên phương diện tâm linh, tu đức, luân lý, trở lực còn lớn lao hơn nhiều. "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm" (Rm 7,19). Thánh Phaolô không phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là người cuối cùng phải đối diện với kinh nghiệm này. Ai trong chúng ta dám nói rằng mình thoát khỏi quy luật ấy? Vì thế, các bậc thánh hiền, các thầy tu đức vẫn hằng tìm kiếm phương dược giúp chúng ta. Đức Khổng Tử khuyên: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" ("điều gì mình không muốn, đừng làm cho người khác"). Còn Chúa Giêsu, Ngài dạy cách tích cực hơn: "Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!" ("Kỷ sở dục dã, thi chi ư nhân"). Và Ngài kết luận: "Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy."
Mời Bạn: Bạn liên hệ Lời Chúa hôm nay với kinh Mười điều răn, nhất là lời tóm kết ở cuối kinh, như thế nào?
Chia sẻ: Khi suy niệm việc thánh Phaolô tìm sức mạnh của mình nơi chính Chúa, bạn học được điều gì?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút xét mình: Là người Kitô hữu, bạn thực sự cần điều gì hơn cả, và làm sao thi hành điều ấy cho người khác?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết ước muốn điều lành, và cũng xin ban sức mạnh cho con để thi hành điều lành ấy cho anh em con. Amen.
22/06/11 THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Th. Gioan Phisơ, giám mục tử đạo
và th. Tôma Mô tử đạo
Mt 7,15-20
HOA THƠM TRÁI NGỌT CHO ĐỜI
"Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai." (Mt 7,20)
Suy niệm: Đất phương nam được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt: tôm cá đầy đồng, trái cây trồng ở đây nổi tiếng ngon nhất nước. Tuy vậy, để có được các hoa quả ngon ngọt này, nhà nông thường phải đôn đáo chạy tìm những cây giống tốt. Theo kinh nghiệm của họ, đặc tính ngon ngọt của trái cây lệ thuộc vào chất lượng tốt của cây giống. Đức Giêsu dùng hình ảnh tương tự để cho thấy sự thống nhất của con người: lời nói và hành động bên ngoài sẽ diễn tả, cho thấy tâm hồn bên trong của con người. Vì thế, muốn lượng giá người khác, chỉ cần nhìn vào lối ứng xử, thái độ sống hằng ngày, nhất là trong những lúc gặp thách đố hay khủng hoảng, để từ đó biết được con người thật của họ.
Mời Bạn: Bạn được mời gọi trở thành trái cây thơm ngọt cho đời. Để kiểm định trái cây bạn thuộc loại nào (thơm ngọt hay chua chát, độc hại), hãy xem xét thái độ, hành vi, lời nói, cử chỉ của bạn thường mang lại những hậu quả nào cho người lân cận và cộng đoàn: an bình vui tươi hay bất bình chia rẽ.
Chia sẻ: Là người môn đệ Chúa Kitô, bạn đã sản sinh được những hoa trái thơm ngọt cho đời sống chưa?
Sống Lời Chúa: Khởi đầu ngày sống với một ý tưởng tích cực, dựa trên một lời dạy của Chúa Giêsu, để mỗi ngày đem lại một hoa trái thơm ngọt cho người thân quen và cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những hoa trái thơm ngọt qua cuộc đời phục vụ và Lời ban phúc trường sinh của Chúa. Xin cho chúng con cũng trở thành những trái cây thơm ngọt cho cuộc đời bằng cách sống theo Lời Chúa dạy. Amen.
23/06/11 THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Mt 7,21-29
ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI
"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi." (Mt 7,21)
Suy niệm: Có một cách hiểu thành ngữ "đánh trống bỏ dùi", theo đó "dùi" là những tiếng trống lẻ theo sau hồi trống dài. Gọi là "lẻ" nhưng những "dùi" này rất quan trọng vì nó giúp phân biệt các mệnh lệnh khác nhau. Như "ba hồi chín dùi" là họp toàn dân, trong khi "ba hồi ba dùi" nghĩa là có cha về dâng thánh lễ. Vậy "đánh trống bỏ dùi" là chỉ đánh những trống hồi, còn bỏ những tiếng trống lẻ theo sau. Nó ám chỉ cung cách làm việc thiếu chu đáo, thiếu tinh thần trách nhiệm, không làm đến nơi đến chốn, nửa làm nửa không. Theo cách hiểu này, cũng là "đánh trống bỏ dùi" nếu nói tin Chúa mà không sống đức tin trong đời thường. Chúa Giê-su cho biết đức tin ấy không thể đem lại ơn cứu rỗi: "Không phải bất cứ ai nói lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu."
Mời Bạn: Tin trong lời mà không tin trong đời, người ta mắc phải căn bệnh "đánh trống bỏ dùi" với các triệu chứng: nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, làm nửa vời, bỏ dở dang. Khi Chia Sẻ Lời Chúa, ta mắc bệnh này khi chỉ đề ra những lý giải thật hay mà không hoán cải đời sống, không thực thi Lời Chúa. Nó biến việc chia sẻ Lời Chúa thành giờ lý thuyết suông, biện bác bằng những "ngôn từ" vô bổ.
Chia sẻ: Trong đời bạn, nhiều lần bạn đã sống Lời Chúa. Xin chia sẻ cho nhau một lần bạn thấy ý nghĩa nhất.
Sống Lời Chúa: Tôi làm một việc hi sinh (tránh một dịp tội, bớt một ly rượu, một điếu thuốc, nhịn một lời nói chua cay...) để sống Lời Chúa hôm nay.
Cầu nguyện: Hát : "Gặp gỡ Đức Kitô".
24/06/11 THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Sinh nhật th. Gioan Tẩy Giả Lc 1,57-66.80
BÀN TAY CHÚA
"Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em." (Lc 1,66)
Suy niệm: Hai ông bà Giacaria và Êlisabét là cặp vợ chồng hiếm muộn, sống với nhau tới tuổi già mà không có con nối dòng. Tuổi sinh con của họ đã qua; cuộc đời họ như cây không trái, như giếng không nước. Nhưng bàn tay Thiên Chúa đã can thiệp. Chúa có thể làm cho cây khô trổ hoa, cho ông bà già Giacaria và Êlisabét sinh con, tẩy xoá được nỗi tủi nhục vì không có con, theo quan niệm thời bấy giờ. Cây già, trái của nó thường còi cọc. Khi cha mẹ lớn tuổi sinh con, đứa con dễ bị bệnh tật và kém thông minh. Đó là quy luật tự nhiên. Thế nhưng Gioan, con hai ông bà, lại không lệ thuộc quy luật đó, vì "có bàn tay Thiên Chúa ở cùng em." Theo ý định ngàn đời của Thiên Chúa, bàn tay Thiên Chúa đã sắp đặt để Gioan đóng vai trò vị Tiền Hô cho Đức Giêsu.
Mời Bạn: Ngày chúng ta lãnh nhận bí tích thánh tẩy, bàn tay Thiên Chúa đã khắc vào tâm hồn chúng ta dấu ấn không bao giờ tàn phai, cho ta chia sẻ sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Giêsu. Chính bàn tay Thiên Chúa đã nâng chúng ta lên từ thân phận thấp hèn trở thành bạn nghĩa thiết của Đức Giêsu. Vì thế, ta hãy sống sao để người khác nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động trên cuộc đời chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng rằng Chúa luôn hiện diện và hoạt động trên cuộc đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng vô hình và hoạt động của Ngài luôn sống động. Xin cho chúng con cảm nhận ngày một sâu sắc hơn bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa, và xin biến chúng con thành dụng cụ đắc lực trong bàn tay của Ngài. Amen.
25/06/11 THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Mt 8,5-17
KHẨN NÀI VỚI CHÚA
"Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm." Chúa Giêsu nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó." (Mt 8,6-7)
Suy niệm: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn ngày 24/5, lễ Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu, làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, một Giáo Hội đang bị lôi kéo vào cơn cám dỗ tự trị, muốn tách lìa khỏi sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha và có nguy cơ đánh mất tính duy nhất trong Thân Thể Chúa là Giáo Hội. Những áp lực hiện nay, không chỉ từ phía những người có quyền lực, mà còn từ những tín hữu tham lam quyền bính, đang thách thức lòng trung thành của các tín hữu trong Hội Thánh tại Trung Quốc và đang làm cho Hội Thánh toàn cầu lên cơn "đau đớn." Trước tình cảnh này, không phải là lúc Ki-tô hữu kể tội người này hay người khác, nhưng cần hơn hết, như Đức Thánh Cha kêu gọi, các tín hữu cùng cầu nguyện cho cơn "đau đớn" của Hội Thánh tại Trung Quốc được qua khỏi, và cho những ai đang manh tâm gây đau nhức cho Nhiệm Thể của Chúa Ki-tô được can đảm từ bỏ những mưu tính đen tối ấy. Chính Chúa sẽ đến chữa lành mọi sự.
Mời Bạn: Tình cảnh của Giáo Hội tại Trung Quốc có làm lòng bạn đau xót không? Vậy, bạn hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc nhé!
Chia sẻ: Tại sao sự hiệp nhất cần thiết cho đời sống và sứ mạng của Hội Thánh?
Sống Lời Chúa: Nài xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong lòng mỗi tín hữu tại Trung Quốc, để họ trung thành với Chúa và Hội Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin ban cho những tín hữu tại Trung Quốc và khắp nơi, luôn yêu mến Chúa và gắn bó với Hội Thánh Chúa.
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ Ga 6,51-58
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
"Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống muôn đời." (Ga 6,54)
Suy niệm: "Trường sinh bất lão", có thể nói, là một trong những khát vọng lớn nhất của con người ở mọi thời đại. Và để hiện thực hóa khát vọng này, con người đã tiêu tốn không biết bao nhiêu của cải và sức lực, với ước mong sẽ tìm ra một phương thức khả dĩ giúp con người được trường sinh. Thế nhưng, chưa từng có một nỗ lực nào đã đem lại một kết quả nào như mong đợi. Người ta đã không thể tìm thấy một phương dược nào hay một thứ lương thực nào có thể đem lại cho con người sự sống đời đời cả. Con người như thể đành bất lực, bó tay trước cái chết. Thế nhưng, cái tưởng chừng như không thể thì bây giờ lại có thể. Đúng như vậy, với Mình và Máu Chúa Kitô, khát vọng sống mãi của con người đã trở thành hiện thực. Mình và Máu Chúa Kitô giờ đây đã trở thành Lương Thực Trường Sinh, đúng như Lời Chúa phán: "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống muôn đời".
Mời Bạn: Chúng ta thật hạnh phúc khi được Chúa Giêsu yêu thương và hiến thân mình làm tấm bánh bẻ ra để nuôi sống chúng ta. Tấm bánh đó không gì khác hơn chính là Thịt và Máu Chúa Kitô. Bạn và tôi được mời gọi cung kính, mến yêu và siêng năng rước lấy Mình và Máu Thánh Ngài để được sự sống đời đời.
Chia sẻ: Bạn có tin Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Thánh Thể không? Bạn thể hiện niềm tin ấy thế nào?
Sống Lời Chúa: Cúi mình sâu thờ lạy Thánh Thể Chúa mỗi khi vào nhà thờ.
Cầu nguyệnb Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con biết cung kính và siêng năng rước lấy lương thực trường sinh của Chúa. Amen.
27/06/11 THỨ HAI TUẦN 13 TN
Th. Syrilô, giám mục Alêxanri, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 8,18-22
ĐÒI HỎI QUYẾT LIỆT
"Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8,22)
Suy niệm: Thánh Phanxicô Assidi từng gọi Chúa là Đấng đòi hỏi không nhân nhượng, không sợ mất lòng ai. Tin Mừng hôm nay minh chứng cho nhận định ấy: với người xin về mai táng cha già rồi sẽ đi theo, Chúa không đồng ý, lại còn nói khá nặng nề là cứ để kẻ chết chôn kẻ chết; với người ngỏ ý sẽ theo Chúa đến tận cùng trời góc biển, Chúa không dấu diếm rằng theo Ngài là đi vào con đường khốn khổ, hòn đá gối đầu cũng không có. Chúa huấn luyện môn đệ Ngài như thế đó: bài học đầu tiên là phải mạnh dạn dứt bỏ những gì cản trở mình theo Chúa. Theo Chúa không phải là gặp chăng hay chớ, muốn sao cũng được, mà là một chọn lựa, một nếp sống, một lý tưởng, đòi phải có lập trường dứt khoát và theo tới cùng.
Mời Bạn: Xem xét lại việc bạn theo đạo có thật sự là đi theo Chúa hết mình không, hay gặp chăng hay chớ, nghĩa là gặp một khó khăn hay thách đố thì buông xuôi, chán nản, quay lui...
Chia sẻ: Bạn có tin rằng Chúa không bao giờ đòi hỏi bạn quá mức, và luôn đồng hành để nâng đỡ bạn, nhất là trong gian nan thử thách không?
Sống Lời Chúa: "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, các ngươi đừng cứng lòng nữa." Tôi sẽ chú tâm để nhận ra Chúa muốn tôi làm gì hôm nay qua một biến cố, một con người, một sự kiện xảy đến với tôi. Khi đã nhận ra ý Chúa rồi, tôi mau mắn, mạnh dạn làm theo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không muốn chúng con lừng khừng, nhưng mau mắn đáp lại tiếng Chúa. Xin giúp chúng con kiên tâm lắng nghe, mau mắn nhận ra và trung thành làm theo thánh ý Chúa, vì tin rằng không bao giờ Chúa thôi nâng đỡ chúng con. Amen.
28/06/11 THỨ BA TUẦN 13 TN
Th. Irênê, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 8,23-27
CHUA LA CHỐN CON TỰA NƯƠNG
"Các ông lại đánh thức Người và nói: Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất." (Mt 8,25)
Suy niệm: Chuyện kể về một học sinh bị phỏng nặng nửa thân dưới trong một trận hoả hoạn tại ngôi trường cậu đang học. Trên giường bệnh, nửa tỉnh nửa mê, cậu nghe nói về bệnh trạng của mình rằng cậu sẽ bị liệt suốt đời. Bàng hoàng vì tương lai như sụp đổ, nhưng với ý chí và niềm tin, cậu kiên trì tập luyện và cuối cùng cậu đã có thể bước đi trên đôi chân của mình. Lắm lúc chúng ta cũng chạm trán với những khó khăn, những phút đen tối trong đời. Chúng ta cũng sợ hãi bối rối. Nhưng ít ra chúng ta cũng như các môn đệ nhớ rằng có Chúa đồng hành với mình và chạy đến Chúa với lời cầu xin: "Thưa Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!" Chúng ta sẽ thấy rằng chỉ nhờ một lời của Chúa thôi, chúng ta sẽ được bình an.
Mời Bạn: Đôi khi Chúa để những khó khăn, hay nghịch cảnh xảy đến trong cuộc đời chúng ta; nhưng Ngài không bỏ chúng ta, bởi vì Ngài vẫn ở bên cạnh chúng ta, bảo vệ chúng ta quyền năng của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra điều đó và tuyệt đối tin tưởng tuyệt đối vào Ngài hay không. Chúa không cất khó khăn khỏi bạn nhưng với niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa, bạn sẽ bình an và vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.
Chia sẻ: Kinh nghiệm Chúa "cứu" bạn vượt qua một vụ khó khăn hay thử thách trong đời.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt đầu một công việc bạn cầu nguyện: "Lạy Chúa Trời, xin đến giúp con; muôn lạy Chúa xin mau phù trợ."
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con dù gặp bao thăng trầm của cuộc sống, chúng con vẫn vững tin vào Ngài.
29/06/11 THỨ TƯ TUẦN 13 TN
Th. Phêrô và Phaolô, tông đồ Mt 16,13-19
BẠN THẬT CÓ PHÚC!
"Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời." (Mt 16,17)
Suy niệm: Anh thật là người có phúc! Vì đâu mà Phêrô được Chúa Giêsu khen tặng như vậy? Phải chăng vì ngài là đá tảng Hội thánh, là thủ lãnh tông đồ? Không. Một Phêrô hèn nhát, nói dối để chối Thầy trước một cô hầu gái thì không xứng với một thủ lãnh. Vậy bởi đâu? Bởi vì, Phêrô được ơn từ trời của Chúa Cha –"Không phải phàm nhân mặc khải cho anh, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." Ơn thiêng ban cho Phêrô, khiến Phêrô mạnh mẽ đến nỗi ma quỷ không chiến thắng nổi – "Trên đá này, quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." Phêrô được Chúa Giêsu gọi là đá tảng Hội thánh, được đặt là thủ lãnh các tông đồ, đó chưa phải là phúc cho Phêrô. Phêrô thật có phúc vì được ơn mặc khải từ Chúa Cha. Đó là ơn nhận biết và tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian.
Mời Bạn: Người Việt Nam cũng khen ai đó thật có phúc, để diễn tả việc một người nào đó được sự may lành ngoài sự mong đợi như được tích luỹ từ muôn kiếp trước, như được xếp đặt từ ơn trên. Bạn thật có phúc vì từ muôn thuở bạn đã được Chúa yêu thương, và được Chúa kêu gọi bạn làm con cái của Ngài qua ơn Bí tích Rửa Tội. Chẳng phải bởi công trạng của bạn, mà chỉ vì tình Chúa yêu thương. Bạn quả là diễm phúc!
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần Danh Thánh Chúa Giêsu với tâm tình cảm tạ.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì qua Bí tích Rửa tội, con được biết và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Chí Ái Cha và là Đấng Cứu độ chúng con.
30/06/11 THỨ NAM TUẦN 13 TN
Các Thánh Tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma
Mt 9,1-8
DẤNG XOA TỘI TRẦN GIAN
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, tội con đã được tha rồi." (Mt 9,3)
Suy niệm: Không những người Do-thái thời xưa mà chính người thời nay cũng vẫn đặt câu hỏi về Bí tích Giải tội: "Làm sao con người có thể tha tội được?" Quả thật, con người không có quyền năng đó nếu không được Thiên Chúa trao ban. Chúa Giê-su đã trao ban quyền ấy cho những người mà Ngài tuyển chọn. Ngài biết thân phận con người yếu đuối và sẽ vấp ngã. Chính vì thế, Bí tích Giải tội là cách thể hiện cụ thể lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Ai từ chối nó hay ngại ngùng đến là đang từ chối một cách nào đó tình yêu bao la của Thiên Chúa. Thiên Chúa như một người cha dang tay chờ bạn trở về, sẵn sàng tha thứ cho bạn dù bạn có phạm tội nặng nề thế nào đi nữa.
Mời Bạn: Trình bày Bí tích Hòa giải như là Bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa, Bí tích của sự chữa lành tận căn, Bí tích đem lại sự bình an đích thực trong tâm hồn; không ngần ngại chia sẻ chính những trải nghiệm của bạn mỗi lần đến với Bí tích chữa lành này.
Chia sẻ với nhóm của bạn về một lần mình đi xưng tội với tâm tình sốt sắng và cảm nghiệm mình được chữa lành.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng vào lời khẳng định của Chúa Giêsu khi ban quyền tha tội cho các Tông Đồ: "Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha" (Ga 20, 23) sẽ giúp bạn can đảm đến với tòa giải tội mỗi lần bạn sa ngã.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con Bí tích Hòa giải như một bảo chứng về lòng thương xót của Ngài. Xin cho con và những tội nhân khác biết năng chạy đến với Bí tích tình yêu này.
Thanh_Tam