PDA

View Full Version : N - Ngày Quốc tế Thiếu nhi



Dan Lee
05-31-2011, 11:19 PM
Ngày Quốc tế Thiếu nhi

http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/main_img/sites/default/files/vannam33/international_children_of_the_world.jpg

(TTCG) - Kể từ khoảng giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, cứ vào ngày mồng 1 tháng 6 hằng năm là hầu hết các cha mẹ trên thế giới lại có lý do để ôm con vào lòng và chia sẻ thời gian với con cái và để cảm nhận được sự gắn bó thiêng liêng giữa cha mẹ với con cái. Đó là một truyền thống được thành lập năm 1925 tại Geneva, Thụy Sĩ, trong buổi Hội nghị Thế giới cho sự An sinh của Trẻ em, và ngày này được gọi là “Ngày Quốc tế Thiếu nhi - The International Children's Day”. Nhiều quốc gia còn có một ngày khác dành cho thiếu nhi gọi là “Ngày Thiếu nhi Hoàn vũ - Universal Children's Day được mừng vào ngày 20-11 hằng năm do việc Hội đồng Liên Hiệp Quốc tiếp nhận Tuyên ngôn về Quyền Trẻ em.

Việc tại sao chọn ngày 1-6 làm Ngày Quốc tế Thiếu nhi cũng không rõ, có một giả thuyết cho rằng Toà Lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco (USA) đã tụ tập một số trẻ em mồ côi Trung Quốc vào ngày 1-6 năm đó để mừng Lễ hội Thuyền Rồng (Dragon Boat Festival), đồng thời cũng trùng với Đại hội Thế giới đang diễn ra tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Ngày này được khuyến khích tổ chức nhằm thể hiện tình huynh đệ và sự cảm thông giữa các trẻ em trên khắp thế giới qua nhiều hình thức vui chơi ngoài trời, du ngoạn. Cha mẹ cũng thường tặng các em những món quà nhỏ, bé nhỏ hơn thì nhận “gói” quà lớn hơn.

Nhiều quốc gia trong vùng Đông Âu cũng mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi như tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Slovakia, Nga, Cộng hoà Baltic, Đức. Tại Bulgari, thêm vào các sinh hoạt trong ngày lễ, các tài xế còn được khuyến khích mở đèn sáng khi lái xe.

Ngày Thiếu Nhi tại Úc được mừng vào ngày thứ Tư của tuần lễ thứ tư trong tháng 10. Brazil lại mừng vào ngày 12-10 cũng là ngày lễ kính Đức Mẹ Aparecida, một ngày lễ công cộng tại Brazil. Bên Ấn Độ, Ngày Thiếu Nhi được mừng vào ngày 14-11 là ngày sinh nhật của Thủ tướng Jawaharlal Nehru (thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tự do), người luôn có lòng yêu mến trẻ em.

Tại Hoa Kỳ, ngày đặc biệt dành cho thiếu nhi có từ những năm 1860 và ngay cả trước đó nữa. Năm 1856, Tiến sĩ Charles H. Leonard là mục sư thuộc Hội thánh Tin lành First Universalist tại thành phố Chelsea, bang Massachutsette, đã dành riêng một ngày Chúa Nhật để dâng hiến các trẻ em cho Thiên Chúa, đồng thời cũng dâng hiến lại các cha mẹ và những người giám hộ trong việc hướng dẫn các em thành những Kitô hữu trưởng thành. Ngày lễ này thường được tổ chức vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng 6. Ngày dành cho trẻ em vốn được mừng trước cả Ngày của Mẹ và Ngày của Cha (Mother’s and Father’s day), tuy rằng ngày này không còn được mừng như trước đây vì nhiều bà mẹ tuyên bố “mỗi ngày phải là Ngày Cho Trẻ Em”.

Tại Việt Nam, năm nay, nhiều sân chơi dành cho các bé nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức tại nhiều điểm ở Hà Nội và TP.HCM. Các bé được tham gia trò chơi dân gian, thưởng thức tiết mục văn nghệ với các nhân vật trong truyện cổ tích, làm đồ chơi…

Tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Làm quen với Đông Nam Á” trong 2 ngày 28-29/5. Đây là cơ hội cho trẻ em Việt Nam và các nước ASEAN tự giới thiệu về văn hoá đất nước mình qua hoạt động trình diễn cũng như trò chơi.

Trong phần trình diễn, sẽ có các điệu múa của Indonesia (Tari pendet, Chào mừng khách), của Lào (Tiếng khèn Lào, Quê hương tươi đẹp)...; các bài hát Malaysia, Campuchia và Việt Nam. Bên cạnh đó là trình diễn y phục của Brunei, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Tại Công viên nước Hồ Tây, chương trình “Tuổi thần tiên” bắt đầu từ 17h đến 21h các ngày 28-31/5. Tại sân khấu Thiên đường tuổi thơ, Công viên Mặt trời mới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ biểu diễn nhiều tiết mục thú vị.

Vào ngày 1/6, tại sân khấu Khuê Văn Các, Công viên Mặt trời mới, sân khấu Trung tâm và sân khấu Sâm Cầm (Công viên Hồ Tây), các bé sẽ được nghe những tiết mục ca hát do chính nghệ sĩ nhí biểu diễn. Ngoài ra còn có nhảy Hip hop, biểu diễn múa dân vũ, các trò chơi đồng đội. Đặc biệt là sự kiện công diễn Roadshow mới nhất “Nàng tiên cá”.

Dịp này, Nhà hát múa rối Việt Nam tổ chức chương trình rối cạn đặc biệt với vở diễn “Chú chuột nghịch ngợm”. Ngoài ra còn có các tiết mục hoạt cảnh dưới đáy đại dương độc đáo như: cua nhảy Hip hop, cuộc chiến đấu giữa cua và bạch tuộc, cá ngựa... Các chương trình sẽ diễn ra trong một giờ, từ 20h các ngày trong tuần.

Tại TP.HCM, tới công viên Đầm Sen, các em nhỏ học giỏi, xuất sắc, hoặc những cặp song sinh đều được ưu tiên miễn vé. Tương tự công viên văn hoá Suối Tiên cũng miễn phí cho những em nhỏ đi theo cùng bố mẹ. Đối với những em đi theo đoàn của các tổ chức được miễn 50% vé cổng.

Các show diễn như “Công chúa chích choè”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Sơn tinh thuỷ tinh”… được các điểm vui đầu tư chuẩn bị công phu phục vụ cho các em trong dịp này cũng như suốt mùa hè.

Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên đất nước, nhiều trẻ em đang là nạn nhân của thất học, bạo hành, phân biệt đối xử, bị lạm dụng tình dục, bị ép buộc lao động… mà đối với chúng, những sân chơi xa xỉ chỉ có thể xuất hiện trong những giấc mơ.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày để cử hành cuộc sống và niềm hy vọng, là dịp để vinh danh các thế hệ tương lai, nhưng với tình trạng phá thai lan tràn như hiện nay, nhiều sinh linh bé nhỏ đã “không được phép” hưởng cái “quyền được sống” của mình. Chỉ riêng tại Trung Quốc, với chính sách “Một Con”, nhiều bà mẹ, trẻ em và gia đình Trung Quốc phải trả một giá đắt! Dưới chính sách này, hơn 400 triệu em bé, hầu hết là bé gái, đã bị tước đoạt sự sống một cách tức tưởi. 400 triệu tiếng nói không bao giờ có cơ hội cất tiếng cười với niềm vui hồn nhiên. Số người phá thai tại Việt Nam cũng đạt con số kỷ lục với khoảng 2 triệu ca/năm.

Nhiều quốc gia trên thế giới mừng Ngày Thiếu Nhi vào các thời điểm khác nhau với nhiều hình thức đa dạng. Nhưng cũng tại nhiều quốc gia khác, trẻ em không có ngày đặc biệt dành cho chúng, hay là… suốt cả năm ngày nào cũng là ngày đặc biệt dành cho trẻ em!

Mai Trang