PDA

View Full Version : T - Thánh Thần được ban cho Giáo Hội



Dan Lee
06-07-2011, 10:30 PM
THÁNH THẦN ĐƯỢC BAN CHO GIÁO HỘI

A. DẪN NHẬP.

Sau khi Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn, các tông đồ trở nên hoang mang, sợ sệt, đang tụ họp trong nhà Tiệc ly, chưa biết phải xử sự làm sao, thì chiều ngày phục sinh, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các ông, trấn an và thổi hơi trao ban Thánh Thần cho các ông :”Anh em hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần”. Và 50 ngày sau nữa, vào sáng ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống một cách công khai để ban cho các ông những đặc sủng của Ngài để các ông mạnh dạn đi loan báo Tin mừng và xây dựng Giáo hội.

Thực ra, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay khi Ngài hiện ra lần thứ nhất tại nhà Tiệc ly vào buổi chiều hôm Phục sinh. Sau khi chào các ông, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các ông khi Ngài thở hơi và nói :”Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội ai, thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ””(Ga 20,22-23). Còn ngày lễ Ngũ tuần chỉ là dịp Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các ông một cách đặc biệt, với đặc sủng ngôn ngữ, đồng thời cũng là dịp giới thiệu Giáo hội cho muôn dân và chính thức sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho mọi người.

Lịch sử cứu rỗi còn tiếp tục qua lịch sử nhân lọai và ngày hôm nay lại khai mở một giai đọan mới khi Thánh Thần hiện xuống cách huy hòang vĩ đại trên một nhóm người và biến cải họ nên cột trụ một tập đòan mới là Hội thánh. Hôm nay trong nhà Tiệc ly chỉ có 120 người, nhưng rồi đây sẽ lan tràn khắp thế giới, trở thành Giáo hội hòan vũ. Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn còn được ban xuống cho chúng ta, đặc biệt với đặc sủng ngôn ngữ, để chúng ta biết cao rao những kỳ công của Chúa, giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người và góp phần xây dựng Hội thánh của Chúa ở trần gian này.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1 : Cv 2,1-11.

Bài sách Công vụ tông đồ hôm nay tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ trong nhà Tiệc ly ngày lễ Ngũ tuần.

Theo lời căn dặn của Đức Kitô phục sinh, các tông đồ tập họp lại trong nhà Tiệc ly để đón nhận Chúa Thánh Thần. Đây chính là Đấng Bảo trợ mà Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ trước khi đi vào cuộc tử nạn. Hôm nay ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Giêsu chính thức gửi Chúa Thánh Thần cho các tông đồ để Ngài cư ngụ và hoạt động nơi các ông bằng sức mạnh của Ngài, thôi thúc họ và ban cho họ những đặc sủng, đặc biệt là đặc sủng ngôn ngữ.

Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ bằng hình lưỡi lửa cho mỗi người. Lưỡi tượng trưng cho lời nói, Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ sẽ đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Ngài khắp mọi nơi.

+ Bài đọc 2 : 1Cr 20,19-23.

Chúa Thánh Thần được ban cho các tông đồ và Giáo hội đặc biệt trong ngày lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần là hồn sống của Giáo hội, Ngài luôn hoạt động trong Giáo hội cách tích cực. Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô hãy hiệp nhất trong Thánh Thần. Trong Giáo hội sơ khai, Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc sủng khác nhau cho các tín hữu, những đặc sủng ấy nhằm ích lợi cho mọi người. Vì thế, các tín hữu phái tránh chia rẽ, đừng làm gì khả dĩ gây phương hại cho sự đoàn kết ; trái lại, phải dùng các ơn ấy để xây dựng thân thể Giáo hội.

+ Bài Tin mừng : Ga 20,19-23.


Trong các sách Tin mừng, không chỗ nào nói tới việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, chỉ trừ sách công vụ tông đồ (Cv 2,1-11). Tuy nhiên, Hội thánh muốn lấy lại bài Tin mừng Chúa nhật II Phục sinh để cho biết : ngay buổi chiều hôm lễ Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ trong nhà Tiệc ly và đã ban Chúa Thánh Thần cho các ông :”Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Như thế, trước khi ủy thác sứ vụ cho các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông, và nhờ đó, các môn đệ giờ đây thực thi sứ mạng trong ân sủng và quyền năng của Chúa Thánh Thần.


C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Đặc sủng ngôn ngữ.

I. CHÚA THÁNH THẦN ĐƯỢC BAN XUỐNG.

Trong lễ Hiện xuống hôm nay, Giáo hội đọc bài Tin mừng kể việc Đức Giêsu hiện ra lần thứ nhất với tập thể tông đồ chính ngày Phục sinh.

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu đã hiện ra với một số phụ nữ (Mt 28,9) trong đó có bà Maria Magdala (Ga 20,11t), bà Gioanna và bà Maria mẹ Giacôbê (Lc 24,9t). Buổi chiều Ngài đã hiện ra với hai môn đệ đi đến làng Emmau (Lc 14,13t) và cũng chiều đó, Ngài lại hiện đến với các tông đồ, có thể có một số môn đệ ở cùng các ông.

Có lẽ Đức Giêsu hiện ra với các ông về đêm khuya. Đang lúc hai môn đệ đi làng Emmau về kể cho các ông nghe việc Chúa hiện ra với mình, thì Đức Giêsu hiện ra. Đường đi từ Giêrusalem đến Emmau khá xa, đi về phải muộn mới tới nơi.

Các cửa phòng đều đóng kín, Đức Giêsu đột ngột hiện ra đứng giữa các ông và nói :”Bình an cho các con”. Đây là lời chào bình thường của người Do thái mỗi khi gặp nhau. Trong bối cảnh của các tông đồ khi đó, lời chúc của Đức Kitô chắc chắn đã có ý nghĩa đặc biệt cụ thể chứ không thể như ta chào bình thường, vì liền sau đó Ngài đã trao ban sứ mạng cho các ông.

Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Phải chăng Đức Kitô lưu giữ các dấu thương tích như một kỷ niệm… Hay để cho các tông đồ và môn đệ xem thấy dấu vết rành rành đó mà vững tin vào sự Phục sinh của Ngài ? Và Ngài thổi hơi và ban Thánh Thần :”Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Hành động của Đức Kitô như lặp lại hình ảnh cuộc sáng tạo của Thiên Chúa Cha (St 1,1t). Đức Kitô qua cuộc Tử nạn và Phục sinh đã trở thành Đấng tái tạo một nhân lọai mới (Ga 3,5t ; Is 32,16).

Trong bài đọc 2 trích sách Công vụ tông đồ, thánh Luca còn cho chúng ta biết thêm về ngày lễ Hiện xuống : Khi đến lễ Ngũ tuần, mọi người đang tề tựu tại một nơi, có lẽ là tại nhà Tiệc ly, với số người là 120. Bỗng nhiên trời phát ra một tiếng, nghe như tiếng gió ào ào, vang dội khắp cả nhà. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tan ra đậu xuống từng người một và ai nấy đều được đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói được tiếng nước ngòai. Sự kiện này làm cho các khách hành hương phải kinh ngạc vì ai nấy đều nghe nói tiếng bản xứ của mình. Họ phải sửng sốt và thán phục.

Chúng ta không biết Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội lúc nào, nhưng chúng ta biết chắc lễ Hiện xuống là ngày Đức Giêsu khai trương Giáo hội, Ngài giới thiệu Giáo hội cho muôn dân và cũng từ hôm nay các môn đệ chính thức được sai đi đến với muôn dân :”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”, để các ông rao giảng Tin mừng về Nước Trời và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa Kitô.

II. CHÚA THÁNH THẦN BAN ĐẶC SỦNG NGÔN NGỮ.

Được đầy tràn Thánh Thần trong buổi sáng lễ Hiện xuống, các Tông đồ cũng đón nhận được ơn đặc sủng về ngôn ngữ. Vì thế, các ông có thể nói cho những người đến hành hương tại Giêrusalem từ khắp nơi trên thế giới : mọi người đều hiểu theo ngôn ngữ của mình. Thánh Phêrô đã dùng đặc sủng ấy màø giới thiệu Đức Giêsu Nazareth cho những người tại Giêrusalem, và qua bài giảng nảy lửa ấy, đã có 3000 người trở lại. Đặc sủng ấy vẫn còn được ban cho Giáo hội và cho mọi thành phần trong Giáo hội hôm nay.

1. Ơn nói các thứ tiếng lạ.

Sách Công vụ tông đồ thuật lại việc chúa Thánh Thần ban đặc sủng ngôn ngữ cho các tông đồ như sau :”Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác , tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 6). Mọi người đến xem đều lấy làm lạ khi thấy các ông nói được các tiếng thổ ngữ của mình một cách thành thạo.

Đây là một đặc sủng ngôn ngữ. Có hai cách chú giải về phép lạ ngôn ngữ này : có nhà chú giải cho rằng các tông đồ nói tiếng lạ hoặc chỉ nói một thứ tiếng nhưng Thánh Thần tác động trên người nghe để họ hiểu được theo tiếng của họ. Cách thứ hai thì cho rằng quả thực Thánh Thần tác động trên các tông đồ để các ngài có khả năng nói được các thứ tiếng ngoại ngữ. Theo mạch văn thì cách thứ hai có sức thuyết phục hơn : chính các thính giả la lên :”Chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Chúa” (Cv 2,11).

Phép lạ ngôn ngữ này là hình ảnh đối lại với câu chuyện tháp Babel xưa (St 11,1-11). Câu chuyện đó là ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Noe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi dục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không qui tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không còn thông cảm với nhau được..

Hôm nay, với tác động của Chúa Thánh Thần, mọi dị biệt ngôn ngữ đã bị xóa bỏ để mọi người cùng nghe được sứ điệp Tin mừng. Nhân loại được giao hòa và hiệp nhất với nhau.

2. Nói về ngôn ngữ.

Theo tự điển Đào duy Anh thì : tự mình nói ra là ngôn, đáp lại kẻ khác gọi là ngữ. Hay nói cách khác, ngôn ngữ là “nói năng”. Ngôn ngữ bất đồng là tiếng nói không giống nhau, không thể nói chuyện cùng nhau. Có nhiều loại ngôn ngữ, ta tạm chia làm 3 loại :

a) Ngôn ngữ bằng lời nói.

Đây là thứ ngôn ngữ dành riêng cho con người có trí khôn. Con vật dù có thông minh mấy cũng không thể xử dụng được thứ ngôn ngữ này vì nó đòi hỏi phải có lý trí để hiểu biết lời mình nói. Con yểng, con nhòng, con sáo... có thể bắt chước tiếng người nói lại được một vài câu, nhưng chúng chỉ nói lại như cái máy vi âm chứ không hiểu biết gì cả.

Vì con người có thể hiểu được lời mình nói và phải chịu trách nhiệm về lời nói đó, nên người ta mới khuyên :

Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

(Ca dao)

Ngôn ngữ này cũng liên quan đến tiếng cười, tiếng khóc. Cười hay khóc đều biểu lộ niềm vui hay nỗi buồn của con người. Cười khóc cũng là đặc tính riêng biệt của con người, cần phải có sự hiểu biết thì mới có thể cười hay khóc được, con vật không có khả năng này. Vì thế người ta nói :

Làm người có miệng có môi,

Khi buồn thì khóc, khi vui lại cười.

(Ca dao)

b) Ngôn ngữ bằng chữ viết.

Ngày xưa, người ta có những tư tưởng rất hay, rất thâm thúy, có cả những phát minh nữa như Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, giáo lý của Phật Thích Ca, triết lý của Socrates, Platon, Aristote, Lão Tử, Khổng Tử... làm thế nào có thể truyền lại cho hậu thế , nếu không dùng đến ký tự, chữ viết đủ mọi loại vì ngày xưa chưa có máy vi âm như ngày nay ?

Trong những kim tự tháp ở Ai cập, còn có nhiều loại chữ viết kỳ bí mà ngày nay người ta cũng chưa giải mã được, chưa hiểu được ý nghĩa của những chữ viết đó.

c) Ngôn ngữ bằng cử chỉ.

Khi nói tới ngôn ngữ thì không nhất thiết là phải nói tới lời nói hay nói năng, còn có một thứ ngôn ngữ khác không cần phải nói năng mà ai cũng hiểu được, đó là “cử chỉ”. Ngôn ngữ cử chỉ đây là một qui ước người ta đặt ra với nhau và cho nó một ý nghĩa để người ta có thể hiểu nhau được.

Có những cử chỉ mang một ý nghĩa phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được, ví dụ : cười biểu lộ sự vui tươi, khóc biểu lộ sự buồn bã, gật đầu tỏ vẻ đồng ý, lắc đầu tỏ ý từ chối.

Dĩ nhiên có một số cử chỉ khác mang ý nghĩa theo qui ước mà người ta phải học thì mới hiều được, ví dụ “xê-ma-pho, hay cử điệu bằng tay của những người câm.

3. Ngôn ngữ của chúng ta.

a) Ngôn ngữ tự nhiên.

Trong đời sống hằng ngày, việc trao đổi tư tưởng và tâm tình thường diễn tả bằng lời nói vì đó là thứ truyền thông rất hiệu nghiệm và phổ biến. Chỉ có người nào câm mới bị loại trừ ra khỏi thứ ngôn ngữ này.

Chúng ta cũng phải lưu ý trong việc dùng ngôn ngữ bằng lời nói vì nó dễ đưa tới hậu quả xấu khi chúng ta cẩu thả trong lời nói, thiếu suy nghĩ như người ta khuyên :”Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Người xưa khuyên ta phải thận trọng trong lời nói :

Nhất ngôn thuyết quá, tứ mã nan truy.

(Một lời nói sai trái thì bốn con ngựa đuổi không kịp)

Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta là sẽ bị lên án về lời nói của mình :”Loài rắn độc kia, xấu như các ngươi, thì làm sao nói điều tốt được ? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình ; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh em mà anh em sẽ được trắng án ; và cũng tại lời nói của anh em mà anh sẽ bị kết án”(Mt 12,34-37 ; Mc 3,29 . Lc 12,10).

b) Ngôn ngữ thiêng liêng hay thần bí.

Trong đời sống thiêng liêng chúng ta còn có loại ngôn ngữ thần bí mà không có cách nào diễn tả được. Đó là ngôn ngữ đức tin và ngôn ngữ của tình yêu. Chúng ta chỉ có thể có được ngôn ngữ này khi chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa, hai tâm hồn đã kết hợp với nhau để không còn phân biệt được Chúa nói với ta hay ta nói với Chúa , vì lúc đó “tôi sống mà không phải tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi”, tôi đã nên một với Người.

Bình thường khi cầu nguyện thì ta nói , Chúa nghe , đôi lúc Chúa nói, ta nghe, nhưng đến giai đoạn cao nhất là không còn nói, không còn nghe. Chúng ta có thể chia thành 4 giai đoạn theo tứ tự sau đây:


1/ Ta nói, Chúa nghe.

2/ Chúa nói, ta nghe.

3/ Không ai nói, cả hai chỉ nghe.

4/ Không ai nói mà cũng không ai nghe.

Tất cả chỉ là một sự im lặng tuyệt đối.

Truyện : Trong phòng thông dịch viên.

Người ta mới phát minh được một cái máy kỳ diệu. Nó là một óc điện tử có thể dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Hiện thời, máy chỉ có thể dịch tiếng Nga sang tiếng Anh. Nhưng bước đầu đã thành công, một bước tiến vĩ đại, và chắc thế nào những bước sau cũng sẽ thành công hơn.

Hiện nay trong những hội nghị quốc tế chẳng hạn như hội nghị Minh ước Bắc Đại tây dương ở Paris, hay tại Liên hiệp quốc ở New York, người ta còn phải dùng thông dịch viên, đây cũng là một thành công chói lọi của kỹ thuật tân tiến. Các đại biểu trong hội nghị chỉ cần đưa máy nghe lên tai thì tức khắc họ sẽ nghe diễn giả đang nói tiếng Ba tư nói thành tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Ý… từng câu một, tòan thể bài diễn văn được dịch ra và chuyền lại cho các thính giả nghe.

Người ta có thể so sánh việc này với phép lạ về ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lúc các tông đồ còn đang sợ sệt lo ngại vì Đức Giêsu đã lên trời. Họ đóng cửa ở trong phòng, không biết làm thế nào để thực hiện được lời Chúa dạy là biến đổi thế gian. Rồi một buổi sáng nọ, bỗng nhiên Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình thức cơn gió lốc. Các tông đồ tự nhiên thấy vững tâm mạnh dạn. Họ mở cửa, ra ngòai đường và bắt đầu giảng.Trước mặt họ là một đám đông dân chúng hỗn độn, gốc cả 15 nước và nói 15 thứ tiếng. Thế mà khi tông đồ nói, mỗi người nghe như tông đồ nói tiếng xứ mình. Tất cả đều hiểu rằng tông đồ giảng về Tình thương và Hòa bình. Thông dịch viên là ai ? Đó là Đức Chúa Thánh Thần.

4. Ngôn ngữ và loan báo Tin mừng.

Thánh Phaolô bảo : có nhiều đặc sủng, có nhiều cách phục vụ khác nhau trong Giáo hội. Nhưng các đặc sủng ấy chỉ nhằm phục vụ lợi ích chung… Khi chúng ta được chịu phép rửa tội và đặc biệt trong ngày lễ hôm nay, Chúa Thánh Thần đều ban cho mỗi người chúng ta đặc sủng ngôn ngữ để chúng ta loan báo Tin mừng, để làm trọn sứ mạng tiên tri của mình.

Ngôn ngữ đây không nhất thiết phải là lời nói hay chữ viết, mà là cử chỉ, điệu bộ ; hay nói cách khác, ngôn ngữ này là chính con người chúng ta, cuộc sống thực tế hằng ngày của ta. Loan báo Tin mừng bằng lời nói hay chữ viết có thể vượt trên khả năng của ta, nhưng ngôn ngữ bằng cuộc sống hằng ngày thì phù hợp với tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Chính cuộc sống gương mẫu của ta là một bằng chứng hùng hồn nói lên sự hiện hữu của Thiên Chúa. Gương sáng của ta là một sức mạnh lôi kéo mọi người đến với Chúa, một việc làm có tính cách thuyết phục đến nỗi không thể từ chối được. Vì :

Lời nói như gió lung lay,Gương bày như tay lối kéo.
(Tục ngữ)

Ánh sáng soi vào trong đêm tối sẽ làm cho bóng tối biến đi. Sứ mạng của ánh sáng là phải chiếu vào nơi tối tăm, mà chúng ta là ánh sáng thế gian (Mt 5,14) thì chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho thế gian u tối phải bừng lên ánh sáng Chúa Kitô như lời Ngài dạy :”Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Chính cuộc đời gương mẫu của ta sẽ trở thành một bài giảng hùng hồn khiến họ cảm phục, một bài giảng không cần dùng lời nói mà có sức lôi kéo không thể cưỡng lại được, dĩ nhiên phải cùng với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá Giáo hội và mỗi người.

Truyện : Bài giảng biết đi.

Một buổi chiều của năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phủ tập trung tại một nhà ga xe lửa ở Chicago, Hoa kỳ để chào đón một người được giải thưởng Nobel hoà bình năm 1952.

Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông to lớn, tóc ngắn và mang một chòm râu cắt gọn ghẽ. Các máy hình chớp liên hồi. Các nhân viên cao cấp của thành phố đang rộng tay để đón chào vị thượng khách.

Người được giải Nobel hoà bình cám ơn mọi người rồi bỗng đưa mắt nhìn vào một chỗ nào đó trên sân ga. Ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng ấy. Mọi người đều tưởng ông đã để quên một hành lý nào chăng.

Ông băng qua đám đông đi thẳng tới một người đàn bà có tuổi đang khệ nệ với hai vali nặng. Ông giơ tay đỡ lấy một chiếc vali, mỉm cười với bà rồi dẫn bà ra một chiếc xe buýt gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông đang chờ đợi, ông nói :”Xin lỗi quí vị vì đã bắt quí vị chờ đợi”.

Người được giải Nobel hoà bình năm 1953 ấy, không ai khác hơn là bác sĩ Albert Schweitser, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho những người nghèo tại Phi châu. Chứng kiến cử chỉ của ông, một người trong ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó, đã nói với một ký giả :”Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng biết đi”.

(R.D. Wahrheit, Ánh sáng hy vọÏng, tr 41-42)
Lm Giuse Đinh lập Liễm