PDA

View Full Version : C - Chúa Thánh Thần hiện xuống



Dan Lee
06-08-2011, 06:19 PM
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

“Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần ”(Ga.20,22)

Ba nhân đức Đối Thần như: Tin, Cậy, Mến, là nguồn ơn cao trọng Thiên Chúa ban tặng cho người Kitô hữu trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhờ đó, người Kitô hữu mạnh dạn tuyên xưng và xác tín Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Đấng tác dựng sự sống và thông ban sự sống, nhờ Đức Tin; cậy trông và phó thác cuộc đời, gia đình, cùng với những vui, buồn, sướng khổ trong cuộc sống vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, nhờ Đức Cậy; yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh chị em mình như yêu chính bản thân, nhờ Đức Mến. Có thể nói, ba nhân đức Đối Thần là những “hạt giống” tốt mà Thiên Chúa đã yêu thương gieo vào tâm khảm của người Kitô hữu, và Ngài ước mong những hạt giống đó ngày càng triển nở và sinh nhiều hoa trái.

Khởi đi từ Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, thế nên, Ngài đã ban tặng nhưng không cho con cái của Ngài những “hạt giống”, nhờ những “hạt giống” này mà đời sống của người Kitô hữu ngày càng thăng hoa và nhất là biết đón nhận nguồn ơn cứu độ và hạnh phúc Nước Trời. Nhưng, để những “hạt giống” là ba nhân đức Đối Thần được triển nở và sinh nhiều hoa trái không phải dễ đối với ta là những con người luôn yếu đuối, thờ ơ và có thể nói là biếng nhác. Vì thế mà sự hiện diện và những hoạt động của Chúa Thánh Thần rất quan trọng nơi đời sống của ta. Chính Chúa Thánh thần soi sáng, dẫn dắt và giúp ta trong từng ngày sống, nhờ nguồn ơn của Ngài tác động ta mới có khả năng làm cho những hạt giống là quà tặng Thiên Chúa ban được triển nở và sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa ước mong.

Vâng! Vai trò và nguồn ơn của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống của ta, trên bước đường làm con cái Thiên Chúa và là anh em với nhau, như lời minh định của Đức Giêsu với các thánh Tông Đồ trước khi Ngài chịu tử nạn, và về ngự bên hữu Chúa Cha “ Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em….Khi nào Thần Khí sự thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn…” (Ga.16,7-13). Chính tầm quan trọng về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã đặt ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày lễ trọng, “lễ họ”, lễ cầu cho giáo dân (Theo giáo luật, ngày lễ cầu cho giáo dân. Giáo Hội buộc các vị mục tử phải dâng thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho đàn chiên và không nhận bổng lễ).

Thế nhưng, Chúa Thánh Thần một trong ba ngôi vị Thiên Chúa thường bị lãng quên trong sinh hoạt, suy nghĩ, trong lời cầu nguyện…của ta. Dẫu rằng trong cuộc đời ta, để đánh dấu bước trưởng thành trong đời sống Đức Tin, ta đã được Giáo Hội giúp lãnh nhận bảy nguồn ơn của Ngài, trong ngày ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức qua nghi thức đặt tay và lời cầu nguyện của Đức Giám Mục hoặc Linh Mục: “ Lạy Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát tôi tớ Chúa khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong người này; xin ban cho người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức. Xin ban cho người này ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con” (trích nghi thức ban bí tích Thêm Sức), dẫu trong ngày ta lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần để bước ra đời, trong ngày ta tuyên hứa Bao Đồng; dẫu rằng trước khi bước vào nghi thức phụng tự, hay giờ kinh nguyện ta thường khởi đầu bằng lời kinh hoặc bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần, nhưng đôi khi chỉ là hình thức, máy móc.. Đây là một thực tế và rất phổ biến.
Vì sao lại nói rằng ta quên lãng sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của ta? Hay nói đúng hơn là ta chưa thực sự mở lòng để đón nhận Ngài. Thánh Phaolô đã dạy: “ Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em không còn thỏa mãn những đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì trái ngược với ước muốn của Thần Khí….Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén…Còn hoa quả của Thần khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa tiết độ… ” (Gl.5,16-22). Vâng, nếu trong đời sống ta còn đó những điều do bản tính xác thịt yếu đuối chi phối, dẫn dắt, thì thử hỏi nơi ta đã sống theo Thần Khí và hình bóng của Chúa Thánh Thần có ngự trị và hoạt động trong ta không? Đây chính là điều mà cá nhân ta cảm và nhận ra một cách rõ nét nhất nơi đời sống, trước tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ta không chỉ dừng lại với ý nghĩa kỷ niệm một biến cố vĩ đại trong đời sống thời Giáo Hội sơ khai, ngày mà Chúa Thánh Thần đến với 11 thánh Tông Đồ qua hình lưỡi lửa, nhưng qua biến cố vĩ đại này ta được mời gọi chiêm ngắm, suy tư và lược lại những hồng ân, sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi những người con của Thiên Chúa qua Tin Mừng.

- Nơi Mẹ Maria. Nhờ tình yêu và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài đã thánh hiến và biến cung lòng của Mẹ Maria trở thành một nơi xứng đáng cho Ngôi Hai giá ngự, và đã dùng quyền năng của Ngài giúp Mẹ Maria mang thai Đấng Cứu Thế “ Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế. Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Lc. 1,35.
- Nơi bà thánh Êlisabét, nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, thánh nữ đã nhận ra Hài Nhi mà cô thôn nữ Maria đang mang trong dạ là Thiên Chúa và Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, khi thánh Nữ hân hoan cất tiếng: “ Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bời đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này..” (Lc.1,42-43).

- Nơi Thánh Gioan Tẩy Giả, nhờ sự hiện diện và tình yêu của Chúa Thánh Thần, dù mới chỉ là hài nhi trong dạ mẹ, nhưng đã nhảy lên vui sướng.

- Nơi Đức Giêsu khi Ngài vâng lệnh Chúa Cha mặc lấy kiếp phàm nhân Chúa Thánh Thần đã ngự xuống Đức Giêsu với hình chim bồ câu ngày Ngài chịu phép rửa tại sông Giođan, Sau đó Thần Khí đưa Ngài vào hoang địa để ăn chay cầu nguyện và chịu cám dỗ. Nhờ Thần Khí Chúa Cha ở trong Ngài, đã giúp Ngài chiến thắng sự cám dổ của ma quỷ (x.Mt. 3,13-17;4,1-11).
- Nơi các thánh Tông Đồ trong ngày lễ ngũ tuần, nhờ quyền năng và tình yêu của Chúa Thánh Thần qua hình lưỡi lửa, đã biến đổi đời sống các ngài và giúp các ngài thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đức Giêsu giao phó. Đó là can đảm, mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng Phục sinh (Cv. 2,1-47).

- Nơi thánh Phaolô, nhờ tình yêu và quyền năng của Chúa Thánh Thần đã biến đổi thánh Nhân từ một người hăng say đi bách hại đạo Chúa đã trở thành người nhiệt huyết loan báo Tin Mừng, trở thành khí cụ của Chúa giữa dân ngoại (x.Cv.9,1-30).

- Nơi Giáo Hội, trải qua những chống đối, bách hại, cấm cách xuyên suốt hơn 2000 năm qua, nhưng nhờ tình yêu, quyền năng và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội vẫn trường tồn, vẫn phát triển cả về chất lượng và số lượng.

Quả thật! Chúa Thánh Thần đã và đang hoạt động nơi Giáo Hội, nơi mỗi con người đã và đang tin nhận Đức Kitô. Ngài là một vị Thiên Chúa âm thầm lặng lẽ, nhưng quyền năng của Ngài thì siêu việt, Ngài chính là ngọn lửa mở tung những cách cửa luôn khép kín vì sợ sệt, lo âu, vì nhát đảm, vì sợ mất mát tài sản và mạng sống, khi được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng; Ngài chính là ngọn lửa phá tan đi những tảng băng của hoài nghi, của thất vọng, của tranh dành quyền lực, của nghi kỵ, của hận thù và chia rẽ, giữa con người với con người;

Ngài chính là ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn băng giá, nguội lạnh và khô khan, những tâm hồn nghèo hèn và đau khổ; Ngài chính là ngọn lửa thiêu cháy những ngôn ngữ, chữ viết xúc phạm và phỉ báng Thiên Chúa, những lý lẽ lạc xa chân lý; Ngài chính là Người Thầy soi lòng mở trí cho ta nhận ra Thiên Ý, giúp và dạy ta cầu nguyện, hướng dẫn ta thực thi giới răn của Thiên Chúa một cách chu toàn và Ngài là Thầy dạy ta am hiểu Kinh Thánh một cách chuẩn mực nhất. Cuối cùng Ngài chính là Đấng kiến tạo sự Bình An và Hiệp Nhất.

Vì thế, với nhiệm vụ và vai trò của người loan báo Tin Mừng, ta đang bị nhốt trong những cánh cửa của sợ sệt, nhát đảm và lo âu; trong mối tương quan gia đình, cộng đoàn, xã hội ta đang bị những nhấn chìm bởi tảng băng của hoài nghi, của đố kỵ, của cái tôi, của danh vọng, chức quyền, của bè phái, chia rẽ; với đời sống Đức Tin ta đang bị những tảng băng của bệnh tật, đói nghèo, khổ đau, gia đình ly tán, người thân bỏ rơi, đang bị những lạc thuyết, những giáo lý sai lạc, những luận ngữ của khoa học vô thần… làm ta lung lạc Đức Tin, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta, kiện toàn cho ta và nâng đỡ ta, nếu ta mở lòng đón nhận Ngài và thường xuyên cầu khẩn Ngài đến ở trong ta và hành động giúp ta.

Trong đời sống cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần đến với ta, thiết tưởng rằng, ta không thể nào không học nơi các thánh Tông Đồ khi xưa.

Thứ nhất: Vâng nghe lời răn dạy của Đức Giêsu khi Ngài phán với các ông: “ Phần Thầy, thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc.24,49). Các ông đã vâng nghe và hiệp nhất với nhau trong đời sống chuyên tâm cầu nguyện “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện ” (Cv.1,12-13)
Thứ hai: Đón nhận Mẹ Maria, lắng nghe Mẹ và cùng cầu nguyện với Mẹ Maria như sách Công Vụ đã diễn tả: “ Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv.1,14)

Thứ ba: Tin tưởng vào lời dạy của Đức Giêsu: “ Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? ” (Lc.11,9-13)

Xin mượn lời kinh “ Xin Ngự Đến” để cầu nguyện và kết thúc đôi dòng suy tư.
Xin ngự đến, Lạy Thánh Thần sáng tạo
Dến viếng thăm và tuôn đổ ơn Trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có

****
Tôn hiệu Chúa chính là người bảo trợ
Là món quà của Thiên Chúa tối cao
Là lửa thiêng, tình mến suối dạt dào
Ấn Thiên Chúa, đóng vào hồn tín hữu

****
Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu
Là ngón tay thần diệu Chúa Thiên Đàng
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu

****
Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn dòn mỏng của chung con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng

****
Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại

****
Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân
Và hằng tin Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt. Amen

Sài Gòn Ngày 08/06/2011
Antôn Lương Văn Liêm