PDA

View Full Version : T - Từ Một Lần Gặp Gỡ (35): Cảm Thông



Dan Lee
06-10-2011, 07:19 AM
Từ Một Lần Gặp Gỡ (35): Cảm Thông



Các bạn trẻ thân mến,

Suốt hành trình cuộc sống, ai tránh được những lầm lỗi lớn nhỏ. Vì thế, người ta cần đến sự cảm thông và chia sẻ, không phải để tiếp tục phạm những lỗi lầm nhưng để họ có cơ hội sửa lỗi và làm lại. Trịnh Công Sơn cũng có câu hát “sống trên đời cần có một tấm lòng”, câu này rất được yêu thích và hiện nay, cụm từ “sống trên đời cần có một tấm lòng” trở thành một trong những từ khoá nổi bật trong công cụ tìm kiếm Google.

Biết là thế, ai cũng muốn mình là người biết cảm thông và chia sẻ, có ai lại muốn mình bị người ta đặt cho biệt danh là “khó như ma…!”. Tuy nhiên, đứng trước một người có tội lồ lộ ra đó, bao nhiêu phần trăm trong lòng chúng ta dành chỗ cho sự cảm thông! Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng gặp một tình huống cần có sự cảm thông như thế. Vừa tảng sáng, người ta đã đem đến trước mặt Đức Giê-su một người phụ nữ. Họ tố cáo là chị bị bắt quả tang đang ngoại tình. Họ hăng say tố cáo đến nỗi dường như không còn thấy chỗ cho sự cảm thông. Còn Đức Giê-su thì khác…

Về đề tài này, chúng ta cùng gặp lại một tác giả quen thuộc, Lưu Minh Gian, với nội dung ngồ ngộ: thư của Chúa Giê-su gởi thánh Giu-se, Ngài kể cho cha nghe chuyện xảy ra sáng nay với chị phụ nữ và ngay cả với chính Ngài. Kinh nghiệm Ngài học được từ thánh Giu-se trở nên lối hành xử của Ngài khi đối diện với tình huống tế nhị này.

Giêrusalem, ngày… tháng…năm…
Cha yêu,
Sáng nay con nhớ đến Cha, nhớ đến bài học mà Cha đã dạy con từ những chiêm nghiệm sâu xa của một người thợ mộc.

Người ta lôi đến và quẳng trước mặt con một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Người ta muốn xử chị như xử lý một phế phẩm. Vì sự trong sạch của cả cộng đồng, một phế phẩm như thế cần phải bị tiệt trừ…

Lúc ấy, con chợt nhớ đến kỷ niệm về khúc gỗ được cha lấy lên từ vũng bùn. Đó là một khúc gỗ vừa sần sùi xấu xí vừa cáu bẩn tanh hôi. Thế mà khi con bịt mũi nhăn nhó, cha chỉ nhìn con cười ý nhị. Cha đem khúc gỗ vào nhà, rồi cần mẫn lau khô những lớp bùn bẩn và rong rêu bám quanh. Cha nâng niu khúc gỗ như nâng niu một bảo bối.

Đặt khúc gỗ trên chiếc ghế bào, Cha thực hiện những thao tác của một người thợ mộc. Chiếc bào con con lướt nhẹ trên mặt gỗ. Sau những mảnh dằm rời rạc và xám xỉn ban đầu, những cuộn hoa mỏng mảnh trắng hồng bắt đầu xuất hiện và uốn lượn nhảy múa dưới đôi bàn tay Cha. Con nhớ mãi đôi bàn tay ấy, đôi bàn tay mềm mại uyển chuyển mà không kém phần kiên quyết rõ ràng. Trước ánh mắt ngỡ ngàng của con, lớp vỏ sần sùi thô kệch cứ mất dần, thay vào đó là lớp thịt trắng mịn bên trong của khúc gỗ…

Với đôi tay của một người thợ, Cha gọt sạch tất cả những gì là cặn bẩn rác rưới, để trả lại cái vẻ đẹp tươi tắn nguyên sơ. Là một người thợ mộc, Cha đã không nhìn khúc gỗ bằng đôi mắt, nhưng bằng cả con tim. Cha dạy con rằng, cũng thế, chỉ bằng con tim người ta mới có thể nhìn ra được giá trị thực của một con người. Mỗi con người là một kho tàng vô giá; nhưng giữa cuộc đời, kho tàng ấy bị che phủ bởi nhiều lớp bụi bẩn rong rêu. Cha dạy rằng không có con người nào vô dụng xấu xa, chỉ có những con người không biết nhìn ra giá trị sâu xa của những con người khác.

Cha ạ,
Bài học ấy hôm nay đã trở nên một Lời Tin Mừng sống động. Khi chị phụ nữ ngước nhìn con bằng ánh mắt run rẩy, con đã nghe con tim mình rung lên. Ánh mắt thống hối của chị mở toang khung cửa để suối nguồn ơn cứu độ chảy ùa vào. Bất chấp dáng vẻ bên ngoài rách rưới tả tơi, bất chấp tất cả những lời miệt thị mà người ta gán cho chị, con nhìn thấy vẻ đẹp tươi tắn nguyên sơ trong con người chị đang dần dần hiển lộ ra. Con nhìn chị bằng ánh mắt của Cha… Và bất chợt, những đóa hoa dăm bào của năm nào như đang nhảy múa trước mắt con bằng những vũ khúc tuyệt diệu ngoại thường. Khi thốt lên lời yêu thương –“Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” – con như thấy cả cõi thiên quốc đang cùng con hát mừng trong niềm vui đón nhận một linh hồn được cứu rỗi.

Cha ạ,
Từ cuộc sống của Cha, từ cả sự im lặng khiêm nhu của Cha, con đã học được biết bao bài học quý giá về con người, về cuộc đời, về tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả những gì Cha trao cho con, con đã trao lại cho đời như Lời Tin Mừng cứu độ. Trong công trình cứu chuộc nhân loại từ khởi đầu cho đến viên mãn, Cha luôn mãi là Cha của con.

Con của Cha
Giêsu.

Hà Thanh Bình