PDA

View Full Version : B - Bất Tử Hay Phục Sinh



Dan Lee
06-14-2011, 06:39 PM
BẤT TỬ HAY PHỤC SINH


Nhân dịp Mùa Chay và Phục sinh, Thời sự Thần học xin trình bày một cuộc tranh luận thần học liên quan tới sự phục sinh của con người. Nguồn gốc của vấn đề như thế này. Theo thần học công giáo cổ truyền, sau khi chết, thân xác tan rã tro bụi còn linh hồn bất tử sẽ ra trước tòa Chúa phán xét, rồi từ đó sẽ lên thiên đàng hay xuông hỏa ngục (luyện ngục chỉ có tính cách tạm thời). Đến ngày tận thế, thân xác sẽ được sống lại và tái hợp với linh hồn để cùng chia sẻ hạnh phúc hay chung phần luận phạt.

Thế nhưng, từ thập niên 50, ông Oscar Cullman, một thần học gia Tin lành đã dặt lại toàn bộ vấn đề (Immortalité de I’âme ou Résurrection des morts?, Neuchâtel – Paris 1956). Theo ông, thần học công giáo cổ điển dựa theo triết học hy lạp chứ không dựa theo Kinh thánh. Giáo sư Cullman vạch ra hai điểm khác biệt giữa quan điểm của Kinh thánh và thần học cổ truyền:


1/ Kinh thánh quan niệm con người như một toàn bộ, chứ không có chuyện phân lìa hai yếu tố hồn xác.

2/ Kinh thánh quan niệm sự phục sinh như là một hồng ân Chúa ban thưởng cho người lành.

Từ hai nhận xét vừa nói, một số nhà thần học Tin lành chủ trương rằng: Kinh thánh không nói tới chuyện linh hồn bất tử nhưng chỉ nói tới sự phục sinh, và sự phục sinh chỉ dành cho những người lành. Do đó, sau khi chết rồi thì con người hoàn toàn trở về với tro bụi (chứ không có chuyện linh hồn bất tử). Những người bất lương thì sẽ bị tiêu tan thành hư không; chỉ có những người lành mới được ơn sống lại, nhưng mà việc sống lại sẽ xảy ra vào thời tận thế. Cho tới ngày đó, cả những người lành cũng an nghỉ hoàn toàn chứ không có chuyện linh hồn bất tử.

Những vấn nạn do các nhà thần học Tin lành nêu lên căn cứ theo Kinh thánh; vì vậy thần học công giáo bỏ cuộc phải duyệt lại các luận đề của mình, để xem chúng có phù hợp với Kinh thánh chăng, hay chỉ là sản phẩm của triết học hy lạp. Trước hết sẽ trình bày quan điểm về số phận con người sau khi chết dựa theo Cựu ước, và cuối cùng là sự phục sinh theo Tân ước.

A. Con người theo Kinh thánh

Ngay từ khi bắt đầu theo học các lớp giáo lý khai tâm chúng ta đã được nghe dạy rằng con người gồm có hai yếu tố: yếu tố vật chất gọi là thân xác, và yếu tố tinh thần (thiêng liêng) gọi là linh hồn. Từ đó mỗi lần nghe nói tới “xác” thì chúng ta nghĩ tới cái gì vật chất, còn cái “hồn” được hiểu như là cái gì linh thiêng. Thế nhưng quan điểm trong Kinh thánh về con người thì lại không đơn giản như vậy.

I. Cựu ước

Kinh thánh có nói tới “xác”, “hồn”, “tinh thần”; nhưng mà chúng không có nghĩa là ba yếu tố cấu tạo nên con người, song chúng ám chỉ ba chiều kích của con người.


1/ Xác, hay “xác thịt, nhục thể” (basar theo tiếng do-thái, sarx theo hy-lạp và caro tiếng latinh) ám chỉ con người xét trong điều kiện mỏng dòn của nó ví như hoa đồng sớm nở chiều tàn (xc. Is 40,7). Đó cũng là ý nghĩa của mầu nhiệm nhâph thể, khi thánh Gioan viết rằng: “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt”, có nghĩa là Ngài đã trở thành con người yết ớt mỏng dòn như chúng ta. Đôi khi tiếng “xác thịt” cũng được hiểu về con người xét theo tương quan với tha nhân, thí dụ như khi ông Adong nhìn thấy bà Eva như xác thịt của mình và cả hai đã kết hợp thành một xác thịt (St 2,23-24).

2/ Hồn, (nephesh theo do-thái, psyché theo Hy-lạp, anima theo tiếng latinh) ám chỉ con người theo nghĩa là một chủ thể sống động, có sức sống và tình cảm ước muốn. Trong thánh vịnh ta đọc thấy nhiều đoạn nói tới “hồn tôi khao khát, mong chờ” (Tv 42: Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa… hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn… ). Điều đáng ghi nhận là có nơi cả hồn cả xác đều được dùng để nói tới toàn thể con người, thí dụ như Tv 62,2: “linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân (=xác) này mòn mỏi đợi trông; Tv 83,2: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi / mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân (=xác) con cùng là tấc dạ (=tìm) / những hướng lên Chúa Trời hằng sống”.

3/ Tinh thần, hay “thần khí – thần trí”, (ruah theo do-thái, pneuma theo hy-lạp, spiritus theo latinh) ám chỉ con người nhìn theo mối tương quan với Thiên Chúa. Con người lãnh nhận được sinh khí bởi Thiên Chúa, vì vậy cần phải duy trì mối quan tâm chính của Kinh thánh về con người (nghĩa là mối tương giao với Thiên Chúa); còn vấn đề cấu tạo siêu hình, vật lý hay sinh học của con người chỉ là chuyện thứ yếu.

II. Tân ước

Quan niệm Do thái về con người vẫn còn được duy trì trong Tân ước. Chúng ta có thể trưng dẫn vài thí dụ điển hình. Trong dụ ngôn về người phú hộ ngu xuẩn (Lc 12,19), ông ta tự chủ rằng: “Hồn ta ơi, nghỉ ngơi đi, ăn uống vui chơi cho đã đi”. Ở đây, “hồn” không phải là yếu tố thiêng liêng của con người mà là toàn thể con người: cái hồn đó có thể hưởng thụ ăn chơi sung sướng bởi bì nó bao gồm cả miệng lưỡi bụng dạ nữa. Cũng vậy, khi đức Maria cất tiếng ca: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng” (Lc 1,46) thì hai từ “hồn, thần trí” bao gồm toàn thể con người chứ không phải chỉ riêng một yếu tố nào đó. Ngoài ra, trong thư thứ nhất gửi Têsalônica (5,23) chúng ta thấy thánh Phaolô nói tới ba chiều kích của con người: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn”.

Tuy nhiên, Tân ước đã du nhập vài ý nghĩa mới vào các từ có sẵn, hoặc đã du nhập từ ngữ mới.


1) Trong các tác phẩm của thánh Gioan và thánh Phaolô đôi khi ta thấy có sự đối chọi giữa “xác thịt” và “tinh thần”. Xác thịt ám chỉ cái gì tội lỗi đưa tới sự chết, còn tinh thần (thần khí) ám chỉ ơn thánh đưa ta tới sự cứu rỗi và sự sống trường sinh. Thí dụ thánh Phaolô viết cho tín hữu Galát: “tôi xin anh em hãy sống theo thần khí, và như vậy anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với thần khí” (Gl 5,16-23; Rm 8,5-13; Ga 6,63). “Xác thịt” và “thần khí” không còn phải là hai thành phần cấu tạo nên con người cho bằng hai nguyên lý điều khiển các hành vi luân lý của con người.

2) Tân ước du nhập một từ ngữ mới soma trong hy lạp (“corpus” trong tiếng la tinh), tạm dịch là “thân mình, thân thể”. Thực ra thì vào cuối thời Cựu ước, người ta đã thấy cặp “linh hồn/ thân thể” trong sách khôn ngoan (viết khoảng thế kỷ 1 trước Chúa giáng sinh), thí dụ như: 8,19-20; 9,15. Phải chăng đã có sự tiến triển về tư tưởng? Phải chăng người ta đã đi từ chỗ quan niệm con người như một toàn bộ tới chỗ phân biệt ra hai yếu tố biệt lập do ảnh hưởng triết học Hy lạp? Nên biết là sách Khôn ngoan ra đời tại Alexandria bên Ai cập, một nơi chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa Hy lạp. (Sách này không được nhận vào sổ bộ Kinh thánh của Do thái và Tin lành). Trong Phúc âm nhất lãm, ta thấy nói tới sự đối chiếu giữa “linh hồn” với “thân thể”, chẳng hạn như Mt 10,28: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Anh em hãy sợ Đấng có thể giết cả hồn cả thân thể trong hỏa ngục” (Lc 12,4-5). Trong các tác phẩm của mình, có một lần thánh Phaolô ra như đã quan niệm sự chết như là việc rời bỏ thân thể để về với Chúa (2 Cr 5,1-10). Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng việc chú giải những đoạn văn đó gặp nhiều khó khăn: lý do là vì không rõ thánh Phaolô có chấp nhận quan điểm về con người theo triết học Hy lạp (gồm với hai phần tách biệt nhau) chăng, hay là Ngài vẫn còn duy trì quan điểm toàn bộ về con người? Dù sao thì những đoạn văn nói về sự ly tách giữa “linh hồn / thân thể” rất là hiếm trong Tân ước.

Từ những nhận xét vừa ghi nhận trên đây, ông Cullman và nhiều nhà thần học Tin lành cho rằng: Kinh thánh từ đầu đến cuối đều quan niệm rằng con người là một toàn bộ. Do đó, khi chết thì toàn thể con người chết, chứ không phải chỉ có xác mới chết, còn hồn thì bất tử. Niềm hy vọng mà Đức Kitô mang lại cho nhân loại là phục sinh, nghĩa là phục hồi sự sống cho toàn thể con người, chứ không có chuyện hồn bất tử tái hợp với thân xác!

Trên đây là nguồn gốc của tranh luận về “bất tử hay phục sinh?”, dựa theo quan điểm về linh hồn trong Kinh thánh: phải chăng kinh hồn là một yếu tố linh thiêng bất tử, có thể tách rời khỏi thân thể? hay là linh hồn họp với thân xác thành một toàn bộ bất khả ly, cho nên cùng chết theo con người?

B. Sự tiến triển của mặc khải Cựu ước về số phận người chết

Sau khi chết rồi, con người se đi đâu? Không lẽ con người chết cũng giống như chó chết ư? Đây là mối băn khoăn mà chỉ có con người mới đặt ra, chứ con chó không hề nghĩ tới! Các tôn giáo đã cố gắng tìm cách giúp cho con người trả lời cho mối băn khoăn đó. Khi tra cứu Kinh thánh, chúng ta nhận thấy có một sự tiến triển rất lớn từ Cựu ước sang Tân ước. Trước khi nhận được câu trả lời của Đức Kitô về sự sống lại toàn diện, các tác giả Cựu ước đa phải mò mẫm hàng chục thế kỷ.

Trong vòng 20 thế kỷ (từ thời các tổ phụ cho đến những tác phẩm cuối cùng của Cựu ước), ta thấy có sự tiến triển quan trọng về quan điểm chung quanh số phận của những người đã chết.


1/ Trong giai đoạn đầu tiên, người ta quan niệm rằng sau khi chết tất cả mọi người dù tốt dù xấu đều xuống cõi dưới âm ti; dần dần do ảnh hưởng của các ngôn sứ người ta mới biết được là ở dưới âm ti có sự phân biệt giữa người lành với người dữ (người lành thì ở chỗ ngon hơn); về sau, người ta thâm tín rằng người lành sẽ không ở mãi trong cõi âm ti, Chúa sẽ đưa các tôi trung của Ngài ra khỏi nơi tối tăm đó. Từ đó ta bước sang giai đaọn hai.

2/ Giai đoạn hai được đánh dấu với các sách Đaniel, Maccabê quyển 2, viết vào thế kỷ thứ hai trước Chúa Kitô. Người ta thấy nói tới việc người lành sẽ sống lại. Duy có sách Khôn ngoan mới nói tới linh hồn bất tử. Chúng ta hãy điểm qua những chặng vừa nói.

I. Cõi âm ti dành cho người chết

Hầu hết các sách trong Cựu ước đều nói rằng sau khi chết, con người sẽ xuống dưới cõi âm ti. Cõi âm ti ấy như thế nào? Tiếng Do thái gọi nó là Sheol (dịch ra tiếng hy lạp là Hades, và inferi trong tiếng latinh). Thật ra các tác giả Cựu ước không bận tâm cho lắm tới chuyện mô tả hình thù của nó, hay điều kiện sinh sống ra sao. Điều làm cho họ rầu rĩ hơn cả là ai đã vào đó rồi thì mất liên lạc với Chúa.


1/ Đôi khi “sheol” ám chỉ một cái ngục ở dưới lòng đất, nơi tối tăm dành cho người đã chết (Tv 88,7.13). Đó là một chốn thinh lặng, bụi tro (Tv 94,17; Đn 12,2). Đôi khi nó ám chỉ cái mồ huyệt: nhưng nói chung nó ám chỉ nơi quy tụ hết mọi người đã chết (St 49,29). Thí dụ như sau khi nghe tin là Giuse bị chết, ông Gia-cóp đòi xuống âm ti để gặp đứa con cưng của mình tuy dù ông chẳng biết xác nó được chôn ở đâu nữa (St 37,35)!

2/ Sau khi đã nghe nói về môi trường tối tăm tẻ lạnh của cõi âm ti như vậy, một câu hỏi tức khắc được đặt lên: âm ti dành cho ai? Người Do thái quan niệm con người như một toàn thể khác với quan niệm triết học Hy lạp (hồn xác tách rời nhau). Như vậy, toàn thể con người sẽ bị ảnh hưởng bởi cái chết chứ không phải chỉ có một thành phần nào đó? Nói cách khác, đã chết là hết; đâu còn có cái gì sót lại để mà xuống âm ti? Thực ra, các tác giả Cựu ước không phải là những nhà siêu hùnh học, vì thế xem ra họ không nghĩ tới vấn nạn đó. Tuy vậy họ không hề nghĩ rằng chết đồng nghĩa với trở về với hư vô. Vẫn còn có cái gì tồn tại đó, và cái yếu tố đó xuống âm phủ. Trong tiếng do thái, cái yếu tố được gọi là rephaim (Is 14,19; 26,14,19; Tv 88,11; Gb 26,5; Cn 2,18; 9,18; 21,16), tạm dịch là: “bóng ma, âm hồn”. Niềm tin đó cũng được biểu lộ qua tục chiêu hồn, tuy rằng Kinh thánh đã tuyệt đối ngăn cấm việc đó (Xh 22,17; Lv 19,31; Đnl 18,11; 1 Sm 28,8-15).

3/ Tuy tin rằng sau khi chết, con người vẫn còn có cái gì tồn tại ở chốn âm ti (tạm gọi là “âm hồn”) nhưng các tác giả Cựu ước đồng ý rằng cuộc sống ở dưới âm ti không đáng gọi là sự sống đúng nghĩa. Theo họ, “sống” có nghĩa là sinh hoạt, yêu thương, chia sẻ hiệp thông. Thế mà trong cõi âm ti, con người chỉ thoi thóp, cầm hơi chứ đâu phải là sống thực! Hơn thế nữa, theo các tác giả Sách thánh, sự “sống” chỉ có ý nghĩa ki được thông hiệp với Thiên Chúa: một đàng vì được Chúa nhớ đến, và đàng khác vì được tham dự các buổi hội với công đoàn để ca ngợi Chúa. Tiếc thay, cả hai điều đó đều thiếu trong cõi âm ti. Trong bối cảnh đó, ta mới hiểu được những lời than khóc của thánh vịnh 88 (đọc ở Kinh tối ngày thứ 6):

“Con nằm đây giữa bao người chết,

như các tử thi vùi trong mồ mả

đã bị Chúa quên đi

và không được tay Ngài săn sóc…

Trong mồ mả, ai nói về tình thương của Chúa?

Cõi âm ty, ai kể lại lòng thành tín của Ngài?

Những kỳ công Chúa, nơi tối tăm ai rõ?

Đức công chính Ngài, chốn quên lãng ai hay?”

Xem thêm lời than van của vua Edêkia ở Is 38,10-20, - Kinh sáng, thứ Ba tuần 2

“ Vì ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa,

và trong nơi âm phủ, chẳng ai ngợi khen Ngài.

Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy

vào lòng Chúa tín trung.

Chỉ người sống, vâng chỉ người sống

mới ca tụng Ngài như thế con nay”

4/ Ngoài vấn đề thiếu thông hiệp với Thiên Chúa, nguồn của sự sống, một mối băn khoăn khác của tác giả Sách thánh là chuyện thưởng phạt. Vào lúc đầu, người Do thái tin rằng sự thưởng phạt xảy ra ở trên đời này mà thôi, chứ còn qua thế giới bên kia thì ai cũng như ai. Vì thế người nào trung thành tuân giữ giao ước thì sẽ được Chúa ban phúc lành, cụ thể là được tiền tài phúc lộc, con đàn cháu đống. (Chỉ cần trưng dẫn những lời chúc lành và chúc dữ kèm theo giao ước ở chương 28 sách Đệ nhị luật thì đủ rõ). Tuy nhiên, thực tại cho thấy rằng trên đời này thiếu chi kẻ thất nhân ác đức mà lại được giàu sang phú quý; còn bao nhiêu kẻ tuân giữ luật Chúa thì nghèo rớt mùng tơi, đó là chưa nói tới chuyện bị bách hại nữa. Lẽ nào Chúa lại đối xử bất công như vậy sao? Chừng nào Chúa mới thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ? Nếu sự thưởng phạt chưa xảy ra ở đời này thì ắt phải xảy ra ở thế giới bên kia chứ? Dần dần, chúng ta thấy rằng trong cõi âm ti có sự phân biệt người lành với người dữ, chứ không phải tất cả đều chịu số phận như nhau: Ed 32,22; Is 14,15 cho thấy người dữ bị nhốt ở tận dưới đáy âm phủ (như vậy thì hiểu là các người lành thì ở tầng trên). Nhưng nhất là càng tới gần tới Tân ước, người ta thấy niềm thâm tín mãnh liệt rằng Thiên Chúa sẽ không để những người tôi trung ở mãi trong âm phủ: Ngài se đưa họ ra để họ được sống kề bên Ngài. Tư tưởng này được phản ánh qua 3 thánh vịnh 16,49 và 73 (quen gọi là thánh vịnh thần bí):

“Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,

không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:

trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn trề,

ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi” (Tv 16,10-11).

“Nhưng Chúa Trời sẽ cứu mạng tôi,

gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ” (Tv 49,15).

“Dẫu cho hồn xác suy tàn,

thì nơi ẩn n áu, kỷ phần lòng con,

muôn đời là Chúa cao tôn…

Hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa,

chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời.” (Tv 73,26-27).

Nhưng mà điều đó sẽ xảy ra như thế nào? Chỉ có hồn được về với Chúa hay là cả xác nữa? Vịnh gia chưa trả lời được.

II. Phục sinh: người chết sẽ sống lại

Đế tài “phục sinh” xuất hiện vào cuối thời Cựu ước. Thực ra thì lúc đầu từ ngữ này chỉ có nghĩa là “phục hồi, chỗi dậy” và được áp dụng vào việc khôi phục của dân Ít-ra-en. Sau một thời kỳ phân tán tiêu vong do cảnh lưu đầy, dân tộc Ít-ra-en được hồi phục lại. Hình ảnh này xuất hiện ở ngôn sứ Hôsê 6,1-3 và nhất là Êdêkien chương 37. Việc khôi phục Ít-ra-en là kết quả của sự can thhiệp cứu độ của Thiên Chúa, một tác động của Thần khí Chúa. Từ ý tưởng khôi phục dân tộc Ít-ra-en, từ ngữ “phục hồi” được áp dụng cho sự khôi phục sức sống của con người do quyền năng của Thiên Chúa. Sự chuyển ý được thấy ở Isaia chương 26, cách riêng ở câu 19: “Những vong nhân của Người sẽ sống lại, thây ma của chúng sẽ trỗi dậy”. Sự “chỗi dậy” áp dụng cho sự sống lại của người chết càng trở thành rõ rệt hơn ở sách Maccabê quyển 2, chương 7. Các người anh em Maccabê bị giết vì lòng trung thành với đức tin; nhưng họ tin rằng Chúa sẽ trả lại sự sống cho những kẻ đã hiến mạng sống vì Ngài (câu 9.11.14.23). Nên biết rằng sự phục sinh chỉ được ban thưởng cho người lành; còn quân bất lương sẽ không được sống lại đâu! Tuy nhiên, sách Đaniel 12,2-3 thì nói rằng cả quân bất lương cũng sẽ sống lại; có điều là người lành sẽ sống lại trong tủi nhục. Cả quyển hai Maccabê lẫn sách Đaniel được viết vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên.

III. Phục sinh và Bất tử

Dĩ nhiên, theo quan điểm Do thái về con người, sự “phục sinh” ảnh hưởng tới toàn thể con người. Bên cạnh từ ngữ “phục sinh”, chúng ta gặp thấy từ ngữ “bất tử” ở nhiều đoạn của sách Khôn ngoan, một tác phẩm ra đời tại Alexandria, chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp. Theo tác giả này, sau khi chết, linh hồn (psyché, anima) của người công chính về với Chúa (3,1), sống bên Chúa mãi mãi (5,15). Sự thưởng phạt dành cho kẻ lành người dữ xảy ra liền ngay sau khi chết (3,1-10; 4,7-5,23). Tuy nhiên, tư tưởng về linh hồn bất tử tách rời khỏi thân xác rất là họa hiếm trong các sách Cựu ước.

C. Mặc khải Tân ước về sự phục sinh

Người ta cho rằng sau khi chết rồi, hết mọi người dù tốt dù xấu đều cùng chung số phận như nhau ở dưới cõi âm ti. Dần dần, có sự tiến triển về sự thưởng phạt bên kia thế giới: người xấu ở tận dưới đáy âm ti, còn người tốt thì ở tầng trên. Vào cuối thời Cựu ước, người ta tin rằng không những Chúa sẽ đưa người lành ra khỏi âm ti mà còn cho họ được sống lại.

I. Phúc âm


1) Vào thời Chúa Giêsu, nhiều người Do thái đã tin rằng con người sẽ sống lại vào thời cánh chung. Khi đọc Phúc âm, chúng ta nhận thấy Đức Kitô nói tới sự phục sinh của chính mình sau khi tử nạn, nhiều hơn là nói tới sự phục sinh của loài người. Tuy vậy, Ngài đã bày tỏ lập trường trong một cuộc tranh luận giữa nhóm Biệt phái và nhóm Sađốc (Mc 12,18-27; Mt 22,22-23; Lc 20,27-40). Nhóm Sađốc bảo thủ chỉ chấp nhận giáo huấn cổ truyền từ thời Maisen; vì thế họ không tin có sự sống lại. Để biện minh cho lập trường của mình, họ đưa ra vấn nạn về một bà có 7 đời chồng. Gỉa như có sự sống lại thì sẽ xảy ra bao nhiêu cảnh rối ren trong xã hội! Chúa Giêsu đã vặn lại thế này: “Các ông tự hào là chấp nhận thế giá của ông Maisen hả? thế thì các ông quên rằng Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Maisen như là Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cópb hay sao? Ngài là Chúa của người sống chứ đâu phải là Chúa của người chết? Như vậy thì hiểu rằng các tổ phụ phải sống chứ?”. – Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng sửa sai một quan niệm bình dân (nói được là duy vật) về cuộc sống mai sau: Ngài nhấn mạnh rằng vào ngày sống lại, con người sẽ không còn cưới hỏi sinh sản kiểu như thời nay nữa đâu!

2) Phúc âm thánh Gioan có vào điểm mới về sự sống. Sự sống không phải chỉ được nhìn dưới khía cạnh vật lý, nhưng còn được nhìn dưới khía cạnh thần học. Sự sống được gắn với bản thân của Đức Kitô. Ngài tự xưng là “đường, sự thực, sự sống” (Ga 14,16). Nhất là trong cuộc đối thoại với bà Marta, ngài nói: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,25). Những tư tưởng “sự sống, sống lại, trường sinh” trở thành chủ đề nổi bật của Phúc âm theo thánh Gioan. Con người sẽ lãnh nhận sự sống vĩnh cửu nếu tin nhận Đức Kitô, lời hằng sống, bánh hằng sống (5,25; 6,39.40.44.54). Đối lại, ai khước từ Đức Kitô thì sẽ bị luận phạt, bị chết. Sự sống và sự phục sinh là hồng ân ban cho các tín hữu, chứ không phải là cái gì tự nhiên dành cho hết mọi người. Chỉ có một chỗ (5,28-29) nói tới việc người dữ cũng sẽ sống lại để là chịu luận phạt. Xét trong toàn bộ Tân ước, xem ra chỉ có một nơi nói tới sự sống lại của tất cả mọi người, bất luận tốt xấu (Cv 24,15). Ngoài ra, khi nói tới người dữ bị phạt cả hồn cả xác trong hỏa ngục (Mt 5,29-30), thì Phúc âm cũng giả thiết rằng thân xác họ cũng sẽ sống lại (để mà chịu phạt).

3) Như vậy, hồng ân quý giá nhất mà Đức Kitô đã mang lại cho nhân loại là sự phục sinh. Tuy nhiên, sự phục sinh chỉ xảy ra vào ngày sau hết (Ga 6,39.40.44.54; 12,46-48). Vậy thì từ nay cho đến ngày tận thế, những người chết sẽ đi đâu? Họ ngủ yên trong mồ hay sao? Phúc âm chỉ có một chỗ hé mở câu trả lời, đó là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người trộm lành trên thập gia. Anh ta nghĩ rằng nếu mà chuyện thưởng phạt có đặt ra thì ắt sẽ chỉ xảy tới vào thời cánh chung mà thôi; vì vậy anh ta thưa với Chúa: “Ông Giêsu à, khi nào ông vào Nước của ông, thì xin nhớ đến tôi!”. Nhưng Ngài đã trả lời cho anh ta rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,43). Như vậy, người trộm lành sẽ được hạnh phúc ngay từ hôm đó, chứ không cần phải chờ tới khi thân xác sống lại trong ngày tận thế. Anh ta sẽ được vào thiên đàng bằng cách nào? Bản văn Phúc âm không đi vào vấn nạn siêu hình đó. Một điều chắc là hôm đó thân xác của anh ta vẫn còn bị chết trên thập giá, rồi tới tối thì được hạ xuống an táng, giống như bao nhiêu con người khác (Ga 19,31).

II. Thánh Phaolô

Trong các tác phẩm còn lại của Tân ước, không có ai nói nhiều tới việc con người phục sinh như là thánh Phaolô. Theo sách Tông đồ công vụ (23,6-8), vì thánh Phaolô thuộc nhóm Biệt phái, nên Ngài tin có sự sống lại (đối lại với nhóm Sađốc). Tuy nhiên, trên đường truyền giáo, thánh Phaolô không phải chiến đấu chống lại với nhóm Sađốc cho bằng phải chống lại người Hy lạp. Vào thời ấy, văn hóa Hy lạp chịu ảnh hưởng của triết học Platon. Họ quan niệm rằng linh hồn đã được dựng nên từ trên thiên giới, nhưng vì phạm tội cho nên bị đày đọa xuống hạ giới vào trong thân xác. Thân xác là cái tù ngục của linh hồn. Linh hồn cố gắng đền tội để được giải thoát ra khỏi thân xác và trở nên thiên giới. Vì vậy đối với người Hy lạp, nói tới chuyện thân xác sống lại là một điều phi lý: thân xác là cái gì đồi trụy, đáng khinh; vì thế cho nó sống lại làm gì? Trong khung cảnh ấy, chúng ta hiểu được vì sao khi thánh Phaolô diễn thuyết tại thành phố Athen, các thính giả đã đứng lên rời bỏ hội trường khi nghe nói tới chuyện người chết sống lại. Lý do là vì họ nghĩ rằng ông Phaolô mát dây (Cv 17,32). Đây là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời truyền giáo của thánh Phaolô: làm sao thuyết phục được người ta chấp nhận mặc khải về sự phục sinh? Nên biết là những đối thủ không phải là hạng người duy vật vô thần, song là những người chỉ chấp nhận hồn thiêng bất tử chứ không chấp nhận thân xác sẽ sống lại! Thánh Phaolô đã nói đi nói lại đề tài này trong các thư gửi cho các giáo đoàn, đặc biệt hơn cả là Ngài đã dành trọn chương 15 trong thư thứ nhất Côrintô để trình bày đạo lý. Những lập luận chính trong đoạn văn này có thể tóm lại 4 điểm sau đây:


1/ Nếu chúng ta cho rằng việc người chết phục sinh là chuyện không thể có được, thì rồi cả chuện Đức Kitô phục sinh cũng chẳng có thể xảy ra được. Thế nhưng, giả như mà Đức Kitô không phục sinh thì công cuộc cứu rỗi nhân loại chưa có hoàn thành. Chúng ta đâu có được cứu rỗi? Từ đó đức tin của chúng ta trở thành vô nghĩa, bởi vì thiếu cơ sở! (câu 13-17).

2/ Nếu mà người chết không được sống lại, thì thân phận của chúng ta quả là tang thương: tu thân tích đức để làm chi, nếu sau khi chết rồi chẳng còn có gì tồn tại nữa hết! Biết vậy thì ăn chơi cho đã đời đi, kẻo mai ngày mà chết thì đâu còn được hưởng thụ sung sướng nữa? (câu 19,33).

3/ Sau hai luận cứ nhằm bày tỏ cho thấy hậu quả tai hại của việc chối bỏ sự phục sinh, thánh Phaolô lật ngược lại thế cờ. Ngài khẳng định rằng: có sự phục sinh (câu 20). Lời khẳng định này dựa trên niềm tin rằng Đức Kitô đã phục sinh. Đây là một sự thực đã được nhiều người làm chứng. Có tới hơn 500 người đã thấy Chúa phục sinh hiện ra với họ, trong đó có cả thánh Phaolô nữa (câu 3-8). Nếu Đức Kitô đã phục sinh, thì việc con người phục sinh là chuyện có thể được. Đức Kitô được ví như hoa trái đầu mùa: ngày khai trương một giai đoạn trong lịch sử của nhân loại. Đức Kitô mở đường dẫn đầu, và chúng ta lần lượt tiến theo Ngài (câu 20-24).

4/ Mặt khác, thánh Phaolô cảm thấy cũng cần phải sửa sai vào hiểu lầm về sự sống lại. Sự sống lại sẽ xảy ra vào ngày quang lâm chứ không phải ngay lập tức đâu (câu 23). Ngoài ra, thân xác mai sau sẽ không hoàn toàn y như bây giờ đâu! Hiện giờ thân xác chúng ta hư nát, yếu đuối; nhưng mai ngày thân xác sẽ bất diệt, vinh quang. Thân xác sẽ được thần khí biến đổi (câu 42-46).

Khi nói tới sự sống lại, thánh Phaolô không bao giờ dừng lại ở sự sống vật lý. Đối với Phaolô, sống lại có nghĩa là sống với Đức Kitô. Đức Kitô là tiêu chuẩn mẫu mực cho sự sống lại của chúng ta: sự sống lại của chúng ta là kết quả của việc chúng ta kết hợp gắn bó với Ngài, bắt đầu từ khi chúng ta lãnh bí tích rửa tội (Rm 6,4-11; 8,11.23; Cl 1,18; 3,4). Sự sông lại là kết quả cao nhất của ơn cứu rỗi: Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và hết mọi hình thức của sự dữ: sự dữ cuối cùng cần phải diệt là cái chết (1 Cr 15,54-57). Hậu nhiên, sự sông lại là một hồng ân được ban cho các tín hữu được thông dự vào ơn cứu rỗi của Đức Kitô. Thánh Phaolô không coi sự sống lại như là cái gì tự nhiên dành cho tất cả mọi người.

Từ những điều vừa trình bày, hai câu hỏi được đặt ra.


1/ Nếu sự sống lại là hồng ân ban cho các Kitô hữu, thì số phận của các người dữ sẽ ra sao? Họ sẽ không được sống lại ư? Họ sẽ bị tiêu diệt ra hư vô ư? Thánh Phaolô không để ý tới câu hỏi này. Có lẽ tại vì Ngài là một mục tử lo lắng cho phần rỗi của các tín hữu, chứ không phải là một triết gia siêu hình!

2/ Sự sống lại sẽ xảy ra trong ngày Chúa quang lâm. Trong khi chờ đợi, các người chết sẽ đi đâu? họ sẽ ngủ yên trong mồ, hay là họ được hưởng hạnh phúc ngya từ khi qua đời? Về điểm này, ta nhận thấy có sự tiến triển trong tư tưởng của thánh Phaolô. Trong những thư đầu tiên, thánh Phaolô nghĩ rằng ngày quang lâm sẽ xảy ra trong đời mình (1 Tx 4,15-17); vì vậy mà Ngài không đặt ra vấn nạn. Vào lúc cuối đời, khi thấy rằng ngày chết đã kề mà ngỳa quang lâm chưa tới, Ngài mới thấy vấn nạn. Thánh Phaolô đã để lại câu trả lời trong thư 2 Corintô 5,8: sau khi rời bỏ thân xác này, Ngài sẽ về gặp Đức Kitô. Điều này còn rõ hơn nữa ở thư gửi Philippê 1,21-22: khi chết rồi, mình sẽ với Đức Kitô.

D. Vấn đề bất tử và phục sinh trong lịch sử của Giáo hội

Khi khảo sát Kinh thánh Cựu ước và Tân ước, chúng ta nhận thấy có sự tiến triển rất lớn về mặc khải chung quanh số phận của người chết. Trong cựu ước, người ta tin rằng sau khi chết, con người sẽ xuống dưới cõi âm ti. Cuộc sống ở dưới âm ti chỉ thoi thóp và không đáng gọi là sự sống đúng nghĩa, bởi vì chẳng có sinh hoạt gì và nhất là bởi vì chẳng được thông hiệp với Thiên Chúa. Vào cuối thời Cựu ước, người ta tin rằng Thiên Chúa tín trung sẽ không để cho những người tôi trung của mình ở mãi trong cõi âm ti, nhưng Ngài sẽ đưa họ ra khỏi đó: Ngài sẽ cho họ được sống lại. Sang Tân ước, sự sống lại được công bố như là cao điểm của công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô. Tuy nhiên có hai điểm gây ra thắc mắc không nhỏ:


1/ Sự phục sinh sẽ diễn ra vào thời cánh chung: thế thì từ nay cho tới ngày ấy, số phận của những người chết sẽ ra sao? Vấn nạn này được nêu lên bởi vì theo quan điểm Do thái, con người là một toàn bộ, chứ không phải gồm bởi hai yếu tố thiêng liêng và chất thể như là quan niệm Hy lạp.

2/ Sự phục sinh là một hồng ân cứu độ dành cho những ai tin nhận Đức Kitô. Thế thì những người tội lỗi có được sống lại hay không, hay là họ sẽ bị hủy diệt ra hư vô?

I. Số phận của những người chết

Trên con đường truyền giáo, thnáh Phaolô gặp trở ngại rất lớn khi trình bày đạo lý về sự phục sinh thân xác. Đối thủ của Ngài không phải là những người duy vật vô thần cho bằng những người chịu nảh hưởng của triết học Hy lạp, theo đó hồn thiêng đã sống kiếp trước trên thiên giới và sau đó bị đày xuống hạ giới nhốt trong thân xác để đền tội. Do đó, đối với họ, sự cứu rỗi hệ tại việc linh hồn được giải thoát ra khỏi thân xác chứ không phải là ở tại chỗ thân xác được sống lại.

Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các giáo phụ cũng phải đương đầu với những khó khăn tương tự về phía phe ngộ đạo: những người này chỉ chấp nhận linh hồn bất tử chứ không chấp nhận thân xác sẽ sống lại. Trong bầu khí như vậy, ta có thể hiểu được vì sao một số giáo phụ cho rằng đạo lý về linh hồn bất tử đe dọa niềm tin Kitô giáo về sự phục sinh. Xem ra như hia điểm đó tương phản với nhau. Mặt khác, vào thời đó, triết học Hy lạp nổi bật là thuyết của Platon chứ không phải là thuyết của Aristote. Chính vì thiếu một cơ sở triết học vững chắc về linh hồn cho nên các giáo phụ đã có những ý kiến khác nhau về số phận của những người chết.

Tất cả mọi người đều tin rằng sau khi chết, vẫn còn có cái gì tồn tại. Niềm tin này được diễn tả qua các buổi cử hành phụng vụ an táng cũng như qua thói tục cầu nguyện cho người chết. Niềm tin đó cũng được diễn tả qua việc tôn kính các vị tử đạo: Hội thánh tin rằng họ đang được hưởng vinh quang trên thiên quốc. Còn số phận của những người khác thì sao? Đa số các bản văn Tân Ước nói tới sự phục sinh vào thời cánh chung; duy chỉ có hai đoạn văn Luca 23,42-43 và Philipphe 1,21-23 (có lẽ 2 Cr 5,8 nữa) nói tới việc hưởng phúc với Chúa liền sau khi chết. Bởi vì chỉ có hai đoạn văn thì quá ít, cho nên không mấy ai để ý tới. Vì vậy một số giáo phụ (thí dụ Giustinô, Irênêo, Tertullianô) cho rằng sau khi chết thì hồn con người được giữ ở một nơi đặc biệt, cho tới ngày tận thế thì mới được hưởng nhan Chúa. Mãi tới thời thánh Bênađô (thế kỷ 12), thì mới nói được là hầu như thần học Kitô giáo đã nhất trí về số phận của con người sau khi chết, tứclà: sau khi chết linh hồn sẽ ra trước tòa Chúa phán xét, và sẽ lãnh phần thưởng và hình phạt ngay lập tức. Đạo lý này được khẳng định dứt khoát với tông hiến Benedictus Deus của Đức Thánh Cha Beneđictô XII (29/1/1336). Chúng ta có thể đọc một vài đoạn của văn kiện đó ở Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo số 1023.

II. Những cuộc tranh luận cận đại

Vào hậu bán thế kỷ 20, đạo lý vừa kể đã bị vài nhà thần học Tin lành đòi xét lại. Họ cho rằng Kinh thánh quan niệm con người là một toàn bộ, chứ không phải gồm bởi hồn với xác. Vì thế, cái chết ảnh hưởng tới toàn thể con người: con người chết hoàn toàn: tới ngày tận thế, chỉ những tín hữu nào lành thánh mới được Chúa ban ơn phục sinh mà thôi. Có những nhà thần học công giáo cũng có cảm tình với lý thuyết đó, nhưng họ sửa đổi vài chi tiết. Dần dần, trong thần học cả về phía công giáo lẫn về phía Tin lành có ba chủ trương khác nhau về số phận người chết:


1/ Thuyết cổ điển phân biệt hai giai đoạn bất tử và phục sinh. Sau khi chết, linh hồn bất tử sẽ lãnh phần thưởng hay án phạt. Đến ngày tận thế, thân xác sẽ sống lại và chia sẻ sự thưởng phạt vĩnh viễn với linh hồn.

2/ Thuyết của Oscar Cullman chỉ chấp nhận phục sinh vào ngày tận thế. Khi đã chết thì không còn gì tồn tại nữa. Ngày tận thế, Chúa sẽ cho người lành chỗi dậy. Sự phục sinh là một cuộc tái tạo.

3/ Một thuyết thứ ba thì chủ trương trung dung như sau: sau khi chết, con người sống lại liền, chứ không cần chờ đến ngày tận thế. Khi đã ra khỏi cuộc đời này, thì yếu tố thời gian (trước sau, quá khứ vị lai) không còn ý nghĩa gì nữa.

Những thuyết vừa nói đã gây hoang mang không nhỏ cho các tín hữu. Vì thế, ngày 17/5/1979 Bộ Giáo lý đức tin đã gửi một lá thư đến các Hội đồng Giám mục, nhằm khẳng định lại những điểm thuộc về đức tin công giáo cần phải đặt ra ngoài vòng tranh luận. Văn kiện lưu ý rằng khi nói đến sự tồn tại của linh hồn sau khi chết, đức tin công giáo không có lệ thuộc vào một hệ thống triết học nào cả. Một tài liệu của Ủy ban Thần học quốc tế xuất bản năm 1990 còn nói rõ hơn về điểm này. Trong lịch sử tư tưởng triết học, đã có nhiều quan điểm về linh hồn. Thâm chí trong triết học Hy lạp ta cũng thấy chủ trương của Platon thì khác với chủ trương của Aristote. Platon cho rằng hồn đã được hiện hữu từ xa xưa, rồi sau đó vì phạm tội nên bị đày xuống thân xác. Còn Aristote thì quan niệm linh hồn hiện hữu cùng với thân xác. Dù hiểu bản chất của linh hồn thế nào đi nữa, đức tin công giáo nhìn nhận rằng trong con người có một yếu tố thiêng liêng, có ý thức và ý muốn. Cái yếu tố đó duy trì sự liên tục của bản ngã (“tôi”, chủ thể của các hành vi). Yếu tố đó được gọi là “hồn”, và vẫn còn tồn tại sau khi con người chết. Niềm tin đó đã được phát biểu qua việc cầu nguyện cho người quá cố cũng như qua việc tôn kính các thánh. Hội thánh tin rằng người chết sẽ sống lại và sự sống lại ảnh hưởng cả tới thân xác nữa: đối với người công chính, sự sống lại là hoa trái của ơn cứu độ của việc Đức Kitô phục sinh. Điều kiện của con người vào ngày Chúa quang lâm sẽ khác với điều kiện của con người liền sau khi chết. Trong vấn đề này, Giáo hội tin rằng Đức Maria được hưởng ân huệ độc đáo qua việc phục sinh thân xác, không như các tín hữu khác.

Qua cuộc tranh luận vừa kể, chúng ta có thể rút ra bốn nhận xét sau đây.


1. Khi đọc Kinh thánh, chúng ta hãy chú ý tới vài từ ngữ ra đời trong một khung cảnh văn hóa khác biệt với văn hóa hiện đại. Những từ ngữ “hồn, xác, thần khí” cần phải được hiểu tùy theo sự tiến triển của từng thời. Hai từ ngữ “linh hồn” (anima) và “tinh thần” (hay thần trí, tâm tri: spiritus) không đồng nghĩa với nhau. Cũng vậy hai từ ngữ “xác thịt” (caro) và “thân xác” (thân thể: corpus) cũng không đồng nghĩa với nhau. – Vì lý do đó, khi đọc thấy sự đối chọi giữa “xác thịt” và “thần trí”, thì chúng ta đừng vội kết luận về sự đối chọi giữa “linh hồn” với “thân xác”.

2. Cách riêng thánh Phaolô là người nói nhiều tới sự đối lập giữa “tinh thần” và “xác thịt”. Nhưng đó là ngài hiểu về nguyên lý tội lỗi và thần khí ở trong con người: xác thịt (hay tội lỗi) thì dẫn tới sự chết: còn thần khí thì đưa tới sự sống. Tuy nhiên, thánh Phaolô không hề có ý tưởng khinh chê thân xác. Trái lại, Ngài phải chiến đấu với người Hy lạp để bảo vệ niềm tin Kitô giáo về việc thân xác này se sống lại.

3. Không thiếu lần, vô tình chúng ta rơi vào thuyết của Palaton khi quan niệm rằng thân xác này là tù rạc của linh hồn. Linh hồn cần được mau mau giải thoát khỏi tù rạc xác thịt để về với Chúa. Chúng ta quên rằng thân xác này cũng cần được hưởng ơn cứu chuộc của Đức Kitô qua sự phục sinh.

4. Sau cùng, khi nói tới sự phục sinh thân xác, chúng ta cũng đừng hình dung nó một cách quá duy vật. Chúng ta tin rằng thân xác sẽ sống lại. Nhưng thân xác phục sinh sẽ không hoàn toàn y hệt như thân xác hiện thời. Ngay cả trong cuộc sống tại thế này, cái thân xác của ta cũng đâu có y nguyên từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi xuống mồ! Cái thân xác biến hình biến dạng nhiều lần từ khi còn nhỏ cho tới khi lớn, đó là chưa kể các tế bào da thịt không ngừng thay cũ đổi mới: dù vậy ta cũng nhận rằng vẫn là một cái thân thể của ta. Một cách tương tự như vậy, chúng ta tin rằng thân xác tương lai sẽ có phần giống như thân xác hiện tại (chẳng vậy, nó sẽ không còn phải là thân xác của tôi nữa), nhưng đồng thời nó sẽ được biến đổi hoàn toàn, tựa như thân xác của Đức Kitô phục sinh, không còn bị chi phối bởi thời gian và không gian nữa. Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo nhắc cho chúng ta những điểm đó ở các đ.997-1001. Đành rằng tất cả người lành kẻ dữ sẽ đều sống lại, nhưng mà sự sống lại chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi nó được thông dự vào sự sống lại chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi nó được thông dự vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa, sự sống trong tình yêu thông hiệp với Ba ngôi và với các anh chị em khác. Trái lại, sự sống mà bị đày đọa thì không đáng gọi là sống: những người dữ dù có sống lại thì cũng như chết lần nữa!

Hoa Trang