PDA

View Full Version : M - 18 Chân Dung Đức Giêsu Theo Dòng Lịch Sử - Thời Thượng Cổ



Dan Lee
06-14-2011, 07:36 PM
Thời Thượng Cổ

18 Chân Dung Của Đức Giêsu Qua Dòng Lịch Sử

I. Rabbi

Có lẽ tước hiệu đầu tiên mà người đương thời đã tặng cho đức Giêsu là "Rabbi", "thầy Giêsu". Tước hiệu rabbi không phải là xa lạ gì đối với xã hội Do thái thời đó (Mt 23,8). Dĩ nhiên ở đây, "thầy" không hiểu như là thầy nho, thầy đồ dậỵ chữ nghĩa, nhưng là "kinh sư" (theo bản văn Tân ước của nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ), những nhà chuyên môn về Kinh thánh, giải thích và áp dụng luật Chúa vào hoàn cảnh mới. Thánh sử Luca (4,16-30) tả lại rằng đức Giêsu khai mạc sứ vụ của mình tại hội đường Nadareth, mở Kinh thánh (sách Isaia ch.61), đọc và chú giải, giống kiểu các kinh sư thời đó. Cũng vậy, lối văn giảng dậy của Ngài mang nhiều sắc thái của các đồng nghiệp, thí dụ như bằng cách giải những vấn nạn được thính giả nêu lên : “Thưa thầy, một bà kia có bảy chồng liên tiếp, đến ngày sống lại bà sẽ là vợ của ông nào ?” (Mt 22,24) “Thưa thầy, có được nộp thuế cho hoàng đế Rôma không ?” (Mt 22,16) “Thưa thầy, phải làm gì để được vào nước trời ?” (Mt 19,16)

Thể văn xem ra độc đáo của rabbi Giêsu là dùng dụ ngôn. Ngài dùng một biến cố vừa mới xảy ra hay một sự kiện quen thuộc trong đời sống hằng ngày để so sánh với thực tại về Nước Chúa. Dù sao, thì thính giả tinh ý hơn có thể nhận thấy có vài nét độc đáo trong những bài giảng của thầy Giêsu, thí dụ ngài thường thêm tiếng "Amen". Người Do thái dùng tiếng "Amen" để kết thúc các kinh nguyện (Tl 27,14-26), ra như ngụ ý nói : "Đúng thế! mong thay ! ước sao cho được như vậy". Còn thầy Giêsu thì lại gắn ở đầu lời tuyên ngôn : "Amen legô hymin" (Quả thật, tôi nói cho các anh biết). Người ta đếm được trong 4 quyển Phúc âm có tới 75 lần thầy Giêsu dùng lối nói đó, thường là để kiện toàn Luật Maisen, thí dụ như trong bài giảng trên núi (Mt 5,21-48).

Như thế thầy Giêsu không phải chỉ giải thích luật như những kinh sư khác, mà thầy còn dám sửa chữa luật nữa. Thầy tỏ ra mình có uy quyền ngang hàng với Maisen mà toàn dân Do thái đều nhất trí coi như là Ngôn-Sứ đệ nhất hạng (Tl 18,15-22). Vì vậy mà cũng có người gọi thầy Giêsu là Ngôn sứ nữa (Ga 6,14; 7,40). Ngoài ra không ít người cũng coi Ngài như là Messia (Ga 1,41) - người được xức dầu - dịch ra tiếng Hy lạp là ho Christos, phiên âm là Kitô. Trong các thư của Phaolo, tước hiệu Kitô và Đức Chúa trở nên nổi bật hơn (Rm 1,1-6), và lấn át đi bức chân dung nguyên thủy của Rabbi Giêsu Nadareth.

II. Khúc quặt của lịch sử

Thực ra, sự tiến triển vừa nói không phải là gò bó gượng ép. Như vừa thấy trên đây, rabbi Giêsu đã biểu lộ vài nét độc đáo trong lối giảng của mình. Ngay từ khi mới bắt đầu sứ vụ, Thầy đã nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,14-15). Thế hệ các Kitô hữu tiên khởi đã nhận thức rằng nơi đức Giêsu Thiên Chúa đã đánh dấu một giai đoạn mới của thời viên mãn. Việc đức Giêsu xuất hiện không phải chỉ giống như là một kinh sư, một ngôn sứ, nhưng nó đánh dấu cả một giai đoạn mới trong lịch sử nhân loại. Tác giả của sách Khải huyền đã ghi lại rằng Ngài là "Alpha và Omega", nguyên thủy và cùng đích của lịch sử (Kh 1,8). Thực ra, vào thời ấy, có lẽ có người đã hiểu câu nói ấy theo nghĩa thế mạt : họ tin rằng đức Kitô thiết lập triều đại của Thiên Chúa trên dương thế, như bao người đang mong đợi (Tđcv 1,6-7), và kết liễu dòng lịch sử nhân loại đã mang dấu vết của bao nhiêu cảnh bất công, bóc lột chém giết. Tuy nhiên, dần dần, người ta mới hiểu chính xác hơn vai trò của đức Kitô trong lịch sử: Ngài không đến để kết liễu lịch sử nhân loại, nhưng đánh dấu một khúc quặt mới. Ngài không tiêu hủy các thể chế của nhân loại, nhưng tiêm nhiễm cho nó một chiều hướng mới.

Tác giả của thư gửi người Hi bá đã gắn liền tất cả các lần Thiên Chúa mặc khải trong lịch sử nhân loại thành một chuỗi tiệm tiến liên tục hướng đến đức Kitô: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dậy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1). Tuy nhiên, đức Kitô không phải chỉ đánh dấu một khúc quặt trong lịch sử tôn giáo, liên can tới mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người. Thánh Augustinô (De Civitate Dei, viết vào những năm 413-426) đã đặt đức Kitô như một khúc quặt mang lại ý nghĩa cho toàn thể lịch sử nhân loại. Những suy tư đó còn mang ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay. Quyển lịch chúng ta đang dùng dựa theo lối tính của tu sĩ Đionysius Exiguus, sống vào thế kỷ thứ 6: niên lịch sẽ được tính không căn cứ vào năm lập quốc của Rôma hay năm lên ngôi của hoàng đế, nhưng căn cứ vào ngày ra đời của đức Kitô. Lịch sử nhân loại được chia thành hai khúc: trước Chúa giáng sinh và sau Chúa giáng sinh. Các biến cố khác của nhân loại sẽ dựa theo đó mà tính, dù là vua Herốt (kẻ đi truy nã hài nhi Giêsu để thủ tiêu) hay là những người muốn tiêu diệt Kitô giáo như Nêrô, Stalin. Thí dụ lịch sử sẽ ghi lại rằng Stalin qua đời năm 1953 kể từ khi Chúa Kitô giáng sinh. Tiếc rằng vì những hạn chế cá nhân, tu sĩ Điônysiô đã tính lệch biến cố Chúa giáng sinh từ 4 cho tới 7 năm. Nhưng dù sao, lịch sử của nhân loại vẫn xoay quanh biến cố đó.

III. Ánh sáng muôn dân

Sau khi vẽ xong bức chân dung thứ hai (Đức Kitô khúc quặt của lịch sử), các Kitô hữu không còn coi đức Kitô như là vị giáo chủ của đạo mình mà thôi, nhưng còn dành một chỗ đứng trong cả lịch sử của nhân loại nữa. Không những họ giải thích các lời Kinh thánh (gọi là Cựu ước) như là lời tiên báo về Ngài, nhưng họ còn muốn tìm thấy những lời ám chỉ về Ngài trong các tác phẩm văn chương triết học cổ điển nữa, tựa như thi sĩ Virgilius của Rôma (70-19 A.C.) đã nói tới ngày sinh nhật của một hài nhi con trời khai trương kỷ nguyên của trời mới đất mới: "thời đại đồng sắt nhường chỗ cho thời đại hoàng kim; địa cầu được giải thoát khỏi lo sợ" (Eclogues IV, 5-52). Những lời của thi sĩ Virgilius cũng như những lời sấm của nữ tiên tri Sibilla của dân Cuma đã được Augustinô, Giêrônimô giải thích như là loan báo sự xuất hiện của đức Kitô.

Thực ra, từ thế kỷ thứ hai, Clêmentê Alexandria (tác phẩm Paedagogus, Stromata) đã cho thấy rằng đức Kitô không phải chỉ là một nhân vật lịch sử xuất hiện vào một thời điểm bên Palestina, nhưng Ngài chính là sự Khôn ngoan, Thượng Trí của Thiên Chúa, đã hiện diện với nhân loại ngay từ lúc khai thiên lập địa. Ngài chính là Lời Chân Lý; Ngài đã dùng các triết gia để dạy dỗ muôn dân. Vì thế mà Clêmentê Alexandria không gặp khó khăn gì để chấp nhận những tác phẩm của Plato đã viết về Đấng Tạo hóa, bởi vì thấy trong đó có nhiều điểm giống với Kinh thánh.

Một cách tương tự, nhà hiền triết Socrate cũng được sánh với Maisen trong vai trò dậy dỗ dân Hy lạp biết sống hợp với lý trí, khai trừ việc thờ ngẫu tượng. Thậm chí Socrate còn được ví như tiền hô cho đức Kitô, một người công chính bị hãm hại vì yêu chuộng và rao giảng chân lý. Tertullianô cũng nói tới những linh hồn tự nhiên là Kitô hữu rồi (anima naturaliter christiana). Nếu trước đây tại Athenes, thánh Phaolo đã nói tới việc người dân xứ này đang đi tìm kiếm một "Chúa vô danh" (Cv 17, 23) thì nay các tác giả Clementê Alexanđria, Tertulliano, Giustinô, Eusebiô cũng có thể nói đến những người đi tìm "đức Kitô vô danh". Đức Kitô là ánh sáng của muôn dân, kẻ mà thiên hạ trông mong từ bao thế kỷ.

IV. Vua các vua

Hồi Chúa Giêsu mới sinh ra ở Bê lem, các nhà đạo sĩ đã tới hỏi vua Hêrôđê rằng: "Vua dân Do thái mới sinh ra ở đâu ?" (Mt 2,2). Nghe câu hỏi đó, Hêrôđê giật mình lo ngại cho cái ngai của mình sẽ bị lung lay, nên đã truyền giết hết các hài nhi ở Bêlem để trừ hậu họa. Khi người Do thái điệu Chúa Giêsu ra trước tòa tổng trấn Philatô, nhằm tìm cho ra một nguyên cớ hợp pháp để xin xử tử Ngài, họ đã buộc tội rằng ông Giêsu đã tự xưng mình là Vua, và như vậy là làm loạn chống Hoàng đế Rôma. Lúc đầu, Philatô tưởng thực; vì thế ông chất vấn Ngài: "Ông có phải là vua dân Do thái không ?" (Ga 18,37). Nhưng sau khi nghe trả lời, ông không thấy Ngài là một thành phần nguy hiểm cho an ninh; tuy vậy, để chế nhạo dân Do thái, ông cũng truyền đóng bản án lên trên đỉnh thập giá : "Giêsu Nadareth, vua dân Do thái" (Ga 19,19).

Nhưng sau đó, các nhà cầm quyền Rôma không coi bản án như là đồ diễu cợt. Nhiều Kitô hữu vẫn tiếp tục tin rằng đức Kitô là Vua. Sách Khải huyền (17,14) đã tuyên xưng Ngài là "Chúa các Chúa và Vua các vua". Dĩ nhiên, nếu họ chỉ là hạng cuồng tín hoặc mơ mộng thì không thèm chấp làm gì. Nhưng mà lời tuyên xưng ấy còn mang tới những hậu quả chính trị sâu xa hơn nhiều. Mỗi lần có lễ lạy, nhân dân Rôma phải tụ nhau tung hô Hoàng đế Cesarê là Chúa (Kyrios Kaisar) và dâng hương để tỏ lòng tùng phục; còn các Kitô hữu ương ngạnh đã từ chối, viện lẽ là họ phải trung thành với Vua Kitô. Những cuộc khảo cứu lịch sử cho thấy rằng một trong những nguyên nhân của những cuộc bách hại các Kitô hữu trong đế quốc Rôma vào những thế kỷ đầu chính là vì Nhà nước nghi ngờ lòng trung thành của họ. Hoàng Đế Rôma cho rằng các Kitô hữu không thực bụng với mình bởi vì họ đang chuẩn bị phục vụ cho Vua Kitô của họ.

Dù các Kitô hữu đã giải thích rằng sự phục vụ Vua Kitô và Vương triều của Chúa không có dính dáng gì với hoạt động chính trị, nhưng nhà cầm quyền Rôma vẫn không yên tâm. Theo họ, phàm ai đã suy tôn đức Kitô là Vua thì không thể nào tận tụy hết lòng với vua Cêsarê được nữa. Đó là lý do vì sao các hoàng đế anh minh nhất của đế quốc (tựa như Marcô Aureliô và Điocletianô) lại là những người ký những sắc lệnh bách hại Kitô giáo cách dữ dội nhất. Những cuộc bách hại ấy chỉ chấm dứt với Constantinô.

Theo tài liệu đương thời, Constantinô đã làm hòa với Kitô giáo vì ông đã thắng trận ở cầu Milviô nhờ dấu thập tự. Tuy nhiên, các sử gia ngày nay đã đặt nghi vấn không hiểu ông ta có thực sự trở lại đạo hay không, hoặc chỉ nhắm ý đồ chính trị khác. Thực vậy, thay vì chỉ cai trị cái xác của các Kitô hữu, Constantinô muốn cai trị cả linh hồn của họ nữa: các Kitô hữu có thể an tâm khi thấy một vua có đạo, được Chúa đặt làm vua thay mặt Ngài. Qua lễ tấn phong (đội vương miện), Constantinô và các người kế vị muốn lãnh nhận quyền hành của Vua Kitô để cai trị cả mặt đời lẫn mặt đạo. Để biểu lộ quan niệm mới về vương quyền, Constantinô dời thủ đô sang thành phố mang tên của ông (Constantinôpôli). Hoàng đế tự coi mình như thay mặt cho đức Kitô ở trần thế, kể cả trong những vấn đề nội bộ của Giáo hội (như việc xác định tín điều về đức Kitô, chống lạc giáo ariô). Quan niệm về thế quyền bao cấp Giáo hội còn tồn tại khá lâu dài bên Đông phương. Nhưng bên Tây phương thì quan niệm đó không đứng vững: quyền bính của Chúa Kitô đã được trao cho Phêrô và các tông đồ, chứ không phải cho hoàng đế. Chính Đức Giáo hoàng mới là đại diện của đức Kitô, với quyền tháo gỡ: các vua chúa trần gian lãnh nhận quyền hành nơi Đức Giáo hoàng.

Dù sao, chúng ta thấy rằng bức chân dung của đức Kitô Vua đã vô tình mang theo những ảnh hưởng không nhỏ về mặt chính trị trong lịch sử Kitô giáo.

V. Lý càn khôn – Logos (tk 4-5)

Đang khi mà các nhà chính trị còn đăm chiêu trước bức chân dung của đức Kitô Vua, thì các tư tưởng gia Kitô giáo của thế kỷ thứ 4 và thứ 5 chú trọng tới một bức chân dung khác. Công đồng Nixêa năm 325 đã tuyên bố rằng đức Kitô là Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha, đã hiện hữu từ muôn thuở.

Điều đó đã được thánh Gioan nói tới ngay từ những dòng đầu của Phúc âm rồi: "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa". Thế nhưng, trong tiếng Hy lạp Logos không phải chỉ có nghĩa là "lời", nhưng còn có nghĩa là : "lý lẽ", "sự cấu thành", "kế hoạch". Như vậy, đức Kitô không những là lời mà Thiên Chúa dùng để nói với nhân loại, nhưng còn là lời tạo dựng của Thiên Chúa vào lúc khai nguyên. Vì thế mà chúng tôi xin mạn phép dịch là "lý càn khôn", khởi điểm cho nền triết học Kitô giáo, và nói được là của khoa học hiện đại.

Thực ra, các triết gia Hy lạp (tựa như Platon) đã bắt đầu tư duy về nguồn gốc của vũ trụ rồi. Đức tin nơi đức Kitô Logos sẽ giúp cho triết học về vũ trụ tiến xa hơn nữa. Khi tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ nhờ Logos, các triết gia Kitô giáo rút ra kết luận rằng vũ trụ này không phải do ngẫu nhiên mà thành: nó đã được tạo dựng nên do một Lý trí; và nó mang trong mình cả một kế hoạch chương trình. Do đó, lý trí chúng ta cần phải cố gắng khám phá ra lý lẽ, bản chất và cùng đích của sự vật. Hơn thế nữa, Logos của Chúa đã thông ban ánh sáng của Ngài cho lý trí con người; vì thế con người cần phải biết dùng lý trí của mình để khám phá ra lý lẽ của vạn vật, chứ không nên dựa vào chiêm tinh bói toán, hay phó mặc cho số mạng may rủi. Nhờ những thâm tín ấy, Grêgoriô Nazianzênô, Basiliô Cesarêa, Grêgoriô de Nyssa đã đặt nền móng không những cho hữu-thể-học, vũ-trụ-học Kitô giáo, mà còn cho cả khoa học tương lai nữa. Thực vậy, khoa học thành hình được bởi vì dựa trên giả định là vũ trụ này vận hành theo một chương trình kế hoạch, chứ không phải như con cờ súc sắc.

Việc chiêm ngắm đức Kitô Logos (Lý càn khôn) không những đã thúc đẩy lý trí con người tìm hiểu căn gốc và kết cấu của vũ trụ. Dựa trên thần học của thánh Phaolô về sự liên đới chặt chẽ giữa con người với vũ trụ (Rôma 8,19-23; 1Cr 15,20-28), Grêgôriô de Nyssa cho thấy rằng đức Kitô không những đã cứu chuộc con người, trả lại cho con người hình ảnh Thiên Chúa đã bị méo mó vì tội lỗi; nhưng đức Kitô cũng đã tái tạo vũ trụ, mang lại cho nó một hướng đi mới. Nói khác đi, nơi đức Kitô Logos (Lý càn khôn) chúng ta vừa tìm thấy nguồn gốc và ý nghĩa của vũ trụ, lại vừa tìm thấy cứu cánh tối hậu của nó nữa.

VI. Con người (tk 5)

Khi đọc Phúc âm, ta thấy đức Kitô nhiều lần tự xưng là "con người" (khoảng 70 lần trong nhất lãm, và 11 lần trong Gioan). Trong tiếng Do thái "con người" có nghĩa là bản chất con người dòn mỏng hay chết; vào thời của Chúa Giêsu, thì thêm tư tưởng Khải huyền về một nhân vật từ trời đến (Mt 24,27.30 // Đn 7,13-14).

Trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội đề cao thiên tính của đức Kitô, chống lại những lạc thuyết và giáo phái chỉ coi Ngài như một ngôn sứ hay vĩ nhân không hơn không kém. Tuy nhiên, sau khi đức tin về thiên tính của đức Kitô đã được khẳng định với những hệ luận mà chúng ta đã thấy nơi những chân dung mô tả trên đây, người ta mới quay sang nhân tính của Ngài. Đức Kitô là con người: Ngài tỏ lộ cho ta thấy bộ mặt đích thực của con người.

Có thể coi thánh Augustinô như tác giả đã nghiên cứu tâm lý con người dựa vào đức Kitô. Đường hướng này tiếp tục qua các thế hệ sau, và tầm quan trọng của sự đối chiếu ấy đã được Blaise Pascal phát biểu như sau: "Nếu chỉ biết Chúa mà không biết sự hèn mạt của con người thì sẽ đâm ra kiêu ngạo; nhưng nếu chỉ biết sự hèn mạt của con người mà không biết Chúa thì sẽ đâm ra tuyệt vọng; việc biết đức Kitô có tính cách trung dung, vì ở nơi Ngài ta vừa thấy cả sự cao cả của Chúa lẫn sự hèn mạt của con người" (Pensées 526; 421). Thánh Augustinô đã kể lại cảm nghiệm đó trong sách "Xưng thú" (Confessiones): Augustinô không hổ thẹn thuật lại những sa ngã của mình; nhưng đồng thời, nhờ gặp gỡ đức Kitô qua các thánh vịnh, Augustinô đã lĩnh nhận được sự tha thứ của Chúa. Nơi đức Kitô, Đấng vô tội nhưng đã chấp nhận thân phận con người với những thử thách cay đắng của nó, Augustinô tìm được niềm hy vọng: chính những đam mê dục vọng của con người có thể trở thành tốt. Nói cho cùng, cái động lực then chốt nơi con người là tình yêu.

Tùy việc lựa chọn đối tượng yêu, mà con người trở nên thánh nhân hay quỷ sống. Nhưng nhất là, nơi đức Kitô, con người dù tội lỗi đến đâu cũng có thể được tình yêu Chúa tha thứ. Đức Kitô, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người, đã giúp Augustinô hiểu biết tâm lý con người cách sâu xa hơn. Vào thời chúng ta ở thế kỷ XX, Công đồng Vaticano II, trong hiến chế "Vui mừng Hy vọng" số 22 cũng viết rằng : “Đức Kitô đã mặc khải con người cho con người”.


(Xem tiếp...)

18 Chân Dung Đức Giêsu Theo Dòng Lịch Sử (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=42570)

1 Thời Thượng Cổ (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=42571)

2. Thời Trung Cổ (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=42572)

3. Thời Phục Hưng (p1) (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=42574)

4. Thời Phục Hưng (p2) (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=42575)