PDA

View Full Version : T - Tâm tình với Thiên Chúa



Dan Lee
06-15-2011, 11:33 PM
Tâm tình với Thiên Chúa

Thứ Năm sau Chúa Nhật Hiện Xuống

Lời Chúa: Mt 6,7-15

7"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;

13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

14 "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.


Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. (Mt 6,14)

Suy niệm:

Trong các kinh chúng ta đọc, có kinh Lạy cha là quan trọng và đủ ý nghĩa nhất của việc cầu nguyện. Trong kinh này, Chúa dạy chúng ta hai điểm:

1. Cầu nguyện là cầu nguyện với chính Chúa chứ không ai khác.

2. Cầu nguyện là tương giao với Chúa chứ không phải để thỏa mãn những nhu cầu tiêng tư.

Phân tích lời cầu nguyện mẫu này, chúng ta thấy có hai phần rõ rệt: phần đầu là tôn thờ Chúa, phần thứ hai là xin cho mỗi người.

Kinh lạy Cha cho chúng ta thấy hai chiều: chiều dọc thẳng lên là Thiên Chúa và chiều ngang là anh em cùng con một Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa đầy yêu thương bằng một tên gọi là Cha. Trong gia đình còn gì đoàn tụ thân tình, hạnh phúc, uy quyền hơn chữ Cha.

Chữ Cha gợi lên sự gần gũi, tin tưởng, âu yếm, bao che, thương mến. Trước hết Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy đối tượng của lời cầu xin là ai ? Thưa, là Thiên Chúa Cha, một người Cha gồm mọi tình phụ tử của trần gian. Một người Cha biết cả sợi tóc trên đầu, bông huệ ngoài đồng và chim trên trời (Mt 6,25t) bay lượn nhởn nhơ. Một người cha biết trước cả nhu cầu của con cái trước khi nó xin (Mt 6,32). Ngài đã dự bị sửa soạn sẵn tất cả, đến nỗi Ngài bảo chúng ta đừng lo gì cho ngày mai (Mt 6,34). Một người cha đã ban Ngôi con (Ga 3,16). Ban Chúa Thánh linh (Lc 11,13). Đó là một người cha thật tình vì con cái. Cho nên khi chúng ta cầu nguyện, là cần xác tín rằng chúng ta đang cầu nguyện với một người Cha tốt lành, luôn dọn phần tốt nhất cho con mình (Lc 10,42). Đấng mà chúng ta cầu xin không phải là một vị hung thần sẵn sàng giáng họa như cái kiểu “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Ngài cũng không phải là vị phúc thần chuyên môn mở kho ban ơn khi ta biết nịnh hót. Vậy thì đối tượng của lời cầu nguyện là một người cha yêu thương.

Có thể anh chị em đã từng chứng kiến cảnh tâm sự một người con đối với cha mẹ chưa. Nhất là những trẻ lên ba hầu như lúc nào cũng có chuyện để hỏi, để nói. Đấy có lẽ là hình ảnh của chính chúng ta đứng trước Thiên Chúa Cha. Cho nên cầu nguyện là thưa chuyện với một người cha đầy hiểu biết chứ không phải có gì phải lo âu sợ hãi, mà trái lại rất thân tình. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha ở trên trời là để cho chúng ta thấy rằng chúng ta thật là con cái Ngài và chúng ta có thể cầu nguyện với tất cả tin tưởng vui mừng, biết rằng cha chúng ta trên trời sẽ trả lời việc chúng ta cầu nguyện hôm nay.

Khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (c.9). Trời là nơi Chúa ngự. Trời diễn tả tính siêu việt, huyền nhiệm khôn tả, ở ngoài tầm tay của chúng ta. Trời là hạnh phúc, nơi Chúa ngự trị. Điều này hàm ý Chúa điều khiển muôn lòai muôn vật. Vậy nếu chúng ta gọi Thiên Chúa Cha ở trên trời mà quên đi Ngài có quyền trên muôn loài muôn vật và trên cả chính chúng ta, thì chúng ta trở thành nao núng buồn phiền. Giả sử chúng ta có một người cha có địa vị trong xã hội, chúng ta có hãnh diện không ? Ở đây chúng ta có một người cha ở trên trời thì sao ? Hãy nhớ rằng Ngài đang điều khiển mọi sự dù nhỏ nhặt đến đâu, nếu Ngài không muốn thì không thể nào xảy ra được đâu.

Phần thứ hai của Kinh lạy Cha dạy chúng ta cầu nguyện là cầu cho phần hồn trước, phần xác sau. Cho phần hồn, là cầu cho mình sống xứng đáng là Con trời, là biết tha thứ , biết thắng vượt chước cám dỗ mà về trời.

Hãy ý thức rằng chúng ta đang cầu xin với một Thiên Chúa Cha tốt lành đang dành phần cho con cái.

Tác phẩm “Con đường hành hương” kể câu chuyện như sau:

Một người kia đọc Thánh kinh thấy lời khuyên hãy cầu nguyện không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vì thế ông hành hương đến một tu viện và xin một tu sĩ chỉ dạy cho ông. Vị Tu sĩ mời người khách hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi và đọc câu “lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.

Một ngày kia vị Tu sĩ qua đời. Người khách hành hương khóc sướt mướt khi đưa vị Tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông rời tu viện tiếp tục cuộc hành hương, bởi vì vị Tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho ông thế nào là cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông làm theo thói quen như vị Tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa” khi ông thở ra, ông đọc tiếp “ Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã trở thành hơi thở của ông. Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng. Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái tim ông đều trở thành lời cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu: “Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng”.

Thao thức của một tập sinh:
Ngày kia một tập sinh đến hỏi Đức Viện Phụ cao niên của đan viện :
- Thưa Cha, xin Cha giúp con vài lời khuyên để con thực sự trở thành người của Chúa.
Vị Viện Phụ già trả lời :
- Con hãy vào phòng, đóng kín cử lại và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ dạy con mọi sự.
Thầy tập sinh trả lời :
- Thưa Cha, đâu là điều kiện chính giúp cầu nguyện đích thực?
- Ô, dĩ nhiên, đó là bầu khí yêu thương. Ai cầu nguyện với tội lỗi và tâm tình thù hận trong lòng thì cũng giống như một người dọn thức ăn thịnh soạn trên một cái đĩa bẩn, hay như một người nói hay nhưng có hơi thở hôi thối.
Thầy tập sinh lại hỏi tiếp :
- Thưa Cha, con rất hay chia trí khi cầu nguyện. Làm sao để khỏi chia trí đây ?
Đức Viện Phụ đáp :
- Các chia trí cũng giống như con chim sẻ bay ngang trên trời. Không thể ngăn cản chúng bay qua mái nhà con ở. Nhưng con có thể ngăn cản không cho nó làm tổ trên mÿi nhà của con chứ? Riêng đối với ngững tư tưởng xấu xa thì chúng giống như bọn ong bầu. Nếu con ngồi yên, chúng sẽ bay đi nơi khác. Nhưng nếu con càng động đậy, chúng sẽ càng bổ nhào đến hành hạ con.
Thầy tập sinh lại hỏi thêm:
-Tại sao khi cầu nguyện con lại hay bị chán nản ngã lòng, thưa cha ?
Bởi vì con chưa thấy đích điểm đời mình là gương mặt tuyệt vời của Thiên Chúa.
-Thưa Cha, cho con hỏi câu cuối cùng:
- Lời cầu nguyện có quan trọng thực không ? Nó có quan trọng hơn hành động không ?
- Quan trọng lắm chứ. Bằng chứng là ma quỷ hằng tìm mọi cách để quấy phá và khiến cho lời cầu nguyện trở nên nặng nề. Nó tìm mọi phương thế khiến cho chúng ta ươn lười không muốn cầu nguyện và làm cho chúng ta tin rằng cầu nguyện là vô ích.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa. Chúa cũng dạy cho chúng con hiểu rõ và hiểu đúng mối liên hệ giữa chúng con với Chúa Cha và với nhau. Xin cho chúng con biết một lòng làm vinh danh Chúa qua việc thực thi giới luật yêu thuơng một cách nhiệt thành và quảng đại. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để chúng con cũng biết sống ôn hoà và tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con luôn biết vì Chúa để sống hy sinh cho nhau và đối xử tốt với nhau. Xin giúp chúng con tháo gỡ những bất hoà ghen ghét trong gia đình, trong giáo xứ đang làm mất hoà khí anh em con một Cha trên trời. Xin giúp chúng con đừng vì những ích kỷ cá nhân mà làm mất vẻ đẹp Hội Thánh bởi những hành vi thiếu bác ái, cảm thông, tha thứ của chúng con.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần cùng nhau đọc kinh lạy Cha, chúng con cũng biết làm cho Nước Chúa hiển trị bằng đời sống huynh đệ trong yêu thương và bác ái chân thành. Amen