Dan Lee
06-18-2011, 03:04 PM
Nhớ Bố
Đêm lạnh lẽo. Giật mình thức giấc. Nó nhận ra đôi mắt mình đã ướt đẫm từ lúc nào. Một lần nữa nó lại khóc, một lần nữa Bố lại trở về với nó trong giấc mơ. Người ta thường bảo làm con trai thì phải mạnh mẽ và không được khóc. Nó biết, nhưng dường như những giọt nước mắt cứ rơi không theo sự kiểm soát của lý trí mà theo từng nhịp đập của con tim.
* * *
Nó thu mình vào một góc giường, hơi thở trở nên gấp gáp, ngồn ngột. Nó đã mơ thấy mình đang chạy trên một con đường thật dài như cố theo đuổi một cái gì đó, con đường nhỏ hẹp không trơn tru mà đầy chướng ngại. Nó gồng mình cố hết sức để vượt qua những vật cản đó, dù khó khăn nhưng nó vẫn băng băng hướng về phía trước…Rồi bỗng nhiên nó rơi bõm xuống một vũng nước sâu, nó cố gắng đứng dậy nhưng càng vùng vẫy thì nó càng lún thêm, càng mệt mỏi và ngột ngạt hơn. Đến lúc tưởng chừng tuyệt vọng buông xuôi thì bất chợt một bàn tay cứng rắn nắm lấy tay nó và từ từ kéo lên. Nó nhận ra bàn tay này, cái siết tay này không ai khác ngoài Bố. Đang còn cảm giác lo lắng khi vừa bước lên khỏi hố sâu, nó cảm nhận được đôi tay ấm áp đặt lên đôi vai đang mềm nhũn không biết vì lạnh hay sợ hãi của nó và khẽ nói: “Tiếp tục con nhé!”.
Với tay bật bóng đèn học trên bàn, nó như cố tìm cho mình một chút ánh sáng để thắp lại những nhớ nhung, những nỗi niềm còn chất chứa. Những câu thơ nó vô tình đọc được ở đâu đó cứ chực tuôn ra như đã bị kìm nén biết bao ngày thay cho cảm xúc của nó:
“Con chưa kịp về, ba đã đi
Chiều đông buồn tiễn Người lặng lẽ
Lá úa vàng phủ ngõ qua nhỏ bé
Khẽ đưa Người cùng năm tháng đi xa
….
Con trở về , không thấy bóng ba đâu
Nước mắt ngược lòng khóc người chín suối
Nắng vẫn vàng mà cây không xanh nổi
Dõi theo Người trong cõi hư vô”.
Đôi mắt chăm chú nhìn ảnh Bố dán trên tường, tim nó như thắt lại. Tâm hồn xúc động mãnh liệt. Bố đã ra đi, thật sự, nhưng sao những hình ảnh thân quen cứ từ từ hiện ra trước mắt như vẫn còn hiện hữu. Nó vẫn nghe thấy tiếng Bố, vẫn cảm nhận được hơi ấm đang ôm trọn con người nó. Cổ nó tắc lại, đăng đắng với những tiếng nấc nghẹn ngào, những tiếng nấc nhớ nhung và hối hận. Khi mất đi một người mà mình yêu thương thì mới thật sự cảm nhận được sự mất mát, sự trống trãi, đau buồn đến dường nào.
Bố không phải là người sinh ra nó, nhưng là người đã nuôi dưỡng nó, là người có ảnh hưởng lớn nhất trên con đường mà nó đang đi. Mười hai tuổi, nó được Bố gọi vào ở trong nhà xứ để phụ giúp lễ. Lúc đó, nó còn là một thằng bé nghịch ngợm và ham chơi. Nó ở với Bố từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, tất cả mọi thứ đều do Người lo lắng. Bao nhiêu ơn nghĩa làm sao kể hết được. Có biết bao kỷ niệm vui buồn trong đời nó gắn chặt với Bố. Dù không nói ra nhưng nó thương Bố lắm và nó biết Bố cũng thương nó như vậy. Nhớ lắm ánh mắt lo lắng của Bố khi nó bị bệnh phải nằm bệnh viện, rất khác với vẻ lạnh lùng có phần khó tính người ta vẫn thường thấy nơi Bố. Và nhớ lắm nhiều đêm Bố bị tăng huyết áp và lên cơn co giật. Nhìn gương mặt đỏ bừng đau đớn của Bố nhưng nó chẳng làm gì được, chỉ biết đứng khép vào góc tường vừa sợ vừa cầu nguyện…
Nhưng đã có nhiều lúc nó chán ghét cái cảnh sống gò bó, ghét cái cảnh Bố áp đặt mọi thứ lên cuộc sống của nó. Sự ngang bướng của tuổi trẻ đã nhiều lần làm cho Bố phải phiền lòng. Nó muốn được tự do, được tự ý làm những điều mình thích, muốn thoát ra khỏi cái áo khuôn khổ mà Bố muốn mặc cho nó. Để rồi cuối cùng nhận ra nơi mình chỉ là một cậu bé non nớt và thiếu chính chắn trong cách suy nghĩ. Nó dần hiểu ra rằng tất cả mọi việc Bố làm là chỉ muốn tốt cho nó. Bố đã giúp nó trưởng thành hơn trong cuộc sống, Bố dạy từng tí một cách ăn nết ở, cách đối nhân xử thế…Và khi bắt đầu chập chững những bước chân yếu ớt bước vào đời, Bố đã chỉ cho nó cách đón nhận cuộc sống, sống như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, biết chấp nhận thất bại, chấp nhận đau khổ để hướng đến thành công. Bố bảo, một người trẻ lúc mới đối diện với cuộc sống cũng giống như một chú bé lúc bắt đầu tập chạy xe đạp vậy, chắc chắn sẽ bị vài cú ngã đau. Để rồi sau đó tự nhận ra, tại sao mình lại bị ngã? Phải chăng là cảm giác sợ sệt khi lần đầu tiên cầm lái, phải chăng là mình cứ lo nhìn vào chiếc bánh xe, chiếc ghi-đông mà không dám ngước mắt lên nhìn con đường phía trước. Nếu mình can đảm nhìn lên phía trước, bỏ qua những sợ sệt, những lo lắng và nắm chắc tay cầm thì sẽ không bị ngã.
Thế mà, giờ Bố đã không còn nữa. Mọi chuyện đã diễn ra quá nhanh, Bố ra đi quá bất ngờ, không một lời từ biệt, không một lời trăn trối. Có lẽ đến bây giờ nó mới tin đó là sự thật. Ngày Bố mất trời mưa dữ lắm. Cơn mưa vô tình làm cho khóe mắt nó thêm cay nồng và tim nó thêm lạnh ngắt… Nhiều lần khi đi ngang qua những nơi Bố từng sống, tim nó quặng đau. Nó đã dừng lại để mong giữ cho mình những ký ức còn xót lại. Cảnh vật này, mái nhà này đã từng quá thân quen với nó, đã in đầy dấu chân của nó, nhưng giờ lại trở nên xa lạ quá, trống vắng quá. Những chiếc lá vàng rơi xuôi theo chiều gió như một quy luật tất yếu chẳng làm ngơi ngớt dòng lệ tiếc thương.
Nó sợ. Rồi đây nó sẽ phải tiếp tục bước đi trên những cung đường có lắm nụ cười và cả nước mắt mà không có Bố bên cạnh, sẽ có những cái nóng gắt gỏng và những cơn mưa bất chợt trên hành trình của nó. Nó thèm lắm được thấy ánh mắt mãn nguyện của Bố khi thấy nó vững vàng, thèm lắm những lời chỉ dẫn, những lời khuyên răn chân thành và cả bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, tiếp sức những lúc nó mệt mỏi, chán chường.
Trời càng lúc càng lạnh, bàn tay của nó đã run lên bần bật, nó cố hít thật sâu để ngăn những tiếng nấc cứ chực trào dâng và vội vã dấu nhẹm tất cả nỗi niềm vào tận sâu cõi lòng. Bất giác, nó thấy, Bố vẫn nhìn nó trìu mến như muốn nói: “Bố sẽ luôn dõi mắt theo con trên mọi nẻo đường con đi, cố lên con nhé!”. Trên bàn, trang nhật ký với tựa “Ngày Của Bố” đã thấm đẫm những giọt nước mắt vẫn còn ấm nồng …
JB. Nguyễn Linh Kha
Đêm lạnh lẽo. Giật mình thức giấc. Nó nhận ra đôi mắt mình đã ướt đẫm từ lúc nào. Một lần nữa nó lại khóc, một lần nữa Bố lại trở về với nó trong giấc mơ. Người ta thường bảo làm con trai thì phải mạnh mẽ và không được khóc. Nó biết, nhưng dường như những giọt nước mắt cứ rơi không theo sự kiểm soát của lý trí mà theo từng nhịp đập của con tim.
* * *
Nó thu mình vào một góc giường, hơi thở trở nên gấp gáp, ngồn ngột. Nó đã mơ thấy mình đang chạy trên một con đường thật dài như cố theo đuổi một cái gì đó, con đường nhỏ hẹp không trơn tru mà đầy chướng ngại. Nó gồng mình cố hết sức để vượt qua những vật cản đó, dù khó khăn nhưng nó vẫn băng băng hướng về phía trước…Rồi bỗng nhiên nó rơi bõm xuống một vũng nước sâu, nó cố gắng đứng dậy nhưng càng vùng vẫy thì nó càng lún thêm, càng mệt mỏi và ngột ngạt hơn. Đến lúc tưởng chừng tuyệt vọng buông xuôi thì bất chợt một bàn tay cứng rắn nắm lấy tay nó và từ từ kéo lên. Nó nhận ra bàn tay này, cái siết tay này không ai khác ngoài Bố. Đang còn cảm giác lo lắng khi vừa bước lên khỏi hố sâu, nó cảm nhận được đôi tay ấm áp đặt lên đôi vai đang mềm nhũn không biết vì lạnh hay sợ hãi của nó và khẽ nói: “Tiếp tục con nhé!”.
Với tay bật bóng đèn học trên bàn, nó như cố tìm cho mình một chút ánh sáng để thắp lại những nhớ nhung, những nỗi niềm còn chất chứa. Những câu thơ nó vô tình đọc được ở đâu đó cứ chực tuôn ra như đã bị kìm nén biết bao ngày thay cho cảm xúc của nó:
“Con chưa kịp về, ba đã đi
Chiều đông buồn tiễn Người lặng lẽ
Lá úa vàng phủ ngõ qua nhỏ bé
Khẽ đưa Người cùng năm tháng đi xa
….
Con trở về , không thấy bóng ba đâu
Nước mắt ngược lòng khóc người chín suối
Nắng vẫn vàng mà cây không xanh nổi
Dõi theo Người trong cõi hư vô”.
Đôi mắt chăm chú nhìn ảnh Bố dán trên tường, tim nó như thắt lại. Tâm hồn xúc động mãnh liệt. Bố đã ra đi, thật sự, nhưng sao những hình ảnh thân quen cứ từ từ hiện ra trước mắt như vẫn còn hiện hữu. Nó vẫn nghe thấy tiếng Bố, vẫn cảm nhận được hơi ấm đang ôm trọn con người nó. Cổ nó tắc lại, đăng đắng với những tiếng nấc nghẹn ngào, những tiếng nấc nhớ nhung và hối hận. Khi mất đi một người mà mình yêu thương thì mới thật sự cảm nhận được sự mất mát, sự trống trãi, đau buồn đến dường nào.
Bố không phải là người sinh ra nó, nhưng là người đã nuôi dưỡng nó, là người có ảnh hưởng lớn nhất trên con đường mà nó đang đi. Mười hai tuổi, nó được Bố gọi vào ở trong nhà xứ để phụ giúp lễ. Lúc đó, nó còn là một thằng bé nghịch ngợm và ham chơi. Nó ở với Bố từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, tất cả mọi thứ đều do Người lo lắng. Bao nhiêu ơn nghĩa làm sao kể hết được. Có biết bao kỷ niệm vui buồn trong đời nó gắn chặt với Bố. Dù không nói ra nhưng nó thương Bố lắm và nó biết Bố cũng thương nó như vậy. Nhớ lắm ánh mắt lo lắng của Bố khi nó bị bệnh phải nằm bệnh viện, rất khác với vẻ lạnh lùng có phần khó tính người ta vẫn thường thấy nơi Bố. Và nhớ lắm nhiều đêm Bố bị tăng huyết áp và lên cơn co giật. Nhìn gương mặt đỏ bừng đau đớn của Bố nhưng nó chẳng làm gì được, chỉ biết đứng khép vào góc tường vừa sợ vừa cầu nguyện…
Nhưng đã có nhiều lúc nó chán ghét cái cảnh sống gò bó, ghét cái cảnh Bố áp đặt mọi thứ lên cuộc sống của nó. Sự ngang bướng của tuổi trẻ đã nhiều lần làm cho Bố phải phiền lòng. Nó muốn được tự do, được tự ý làm những điều mình thích, muốn thoát ra khỏi cái áo khuôn khổ mà Bố muốn mặc cho nó. Để rồi cuối cùng nhận ra nơi mình chỉ là một cậu bé non nớt và thiếu chính chắn trong cách suy nghĩ. Nó dần hiểu ra rằng tất cả mọi việc Bố làm là chỉ muốn tốt cho nó. Bố đã giúp nó trưởng thành hơn trong cuộc sống, Bố dạy từng tí một cách ăn nết ở, cách đối nhân xử thế…Và khi bắt đầu chập chững những bước chân yếu ớt bước vào đời, Bố đã chỉ cho nó cách đón nhận cuộc sống, sống như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, biết chấp nhận thất bại, chấp nhận đau khổ để hướng đến thành công. Bố bảo, một người trẻ lúc mới đối diện với cuộc sống cũng giống như một chú bé lúc bắt đầu tập chạy xe đạp vậy, chắc chắn sẽ bị vài cú ngã đau. Để rồi sau đó tự nhận ra, tại sao mình lại bị ngã? Phải chăng là cảm giác sợ sệt khi lần đầu tiên cầm lái, phải chăng là mình cứ lo nhìn vào chiếc bánh xe, chiếc ghi-đông mà không dám ngước mắt lên nhìn con đường phía trước. Nếu mình can đảm nhìn lên phía trước, bỏ qua những sợ sệt, những lo lắng và nắm chắc tay cầm thì sẽ không bị ngã.
Thế mà, giờ Bố đã không còn nữa. Mọi chuyện đã diễn ra quá nhanh, Bố ra đi quá bất ngờ, không một lời từ biệt, không một lời trăn trối. Có lẽ đến bây giờ nó mới tin đó là sự thật. Ngày Bố mất trời mưa dữ lắm. Cơn mưa vô tình làm cho khóe mắt nó thêm cay nồng và tim nó thêm lạnh ngắt… Nhiều lần khi đi ngang qua những nơi Bố từng sống, tim nó quặng đau. Nó đã dừng lại để mong giữ cho mình những ký ức còn xót lại. Cảnh vật này, mái nhà này đã từng quá thân quen với nó, đã in đầy dấu chân của nó, nhưng giờ lại trở nên xa lạ quá, trống vắng quá. Những chiếc lá vàng rơi xuôi theo chiều gió như một quy luật tất yếu chẳng làm ngơi ngớt dòng lệ tiếc thương.
Nó sợ. Rồi đây nó sẽ phải tiếp tục bước đi trên những cung đường có lắm nụ cười và cả nước mắt mà không có Bố bên cạnh, sẽ có những cái nóng gắt gỏng và những cơn mưa bất chợt trên hành trình của nó. Nó thèm lắm được thấy ánh mắt mãn nguyện của Bố khi thấy nó vững vàng, thèm lắm những lời chỉ dẫn, những lời khuyên răn chân thành và cả bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, tiếp sức những lúc nó mệt mỏi, chán chường.
Trời càng lúc càng lạnh, bàn tay của nó đã run lên bần bật, nó cố hít thật sâu để ngăn những tiếng nấc cứ chực trào dâng và vội vã dấu nhẹm tất cả nỗi niềm vào tận sâu cõi lòng. Bất giác, nó thấy, Bố vẫn nhìn nó trìu mến như muốn nói: “Bố sẽ luôn dõi mắt theo con trên mọi nẻo đường con đi, cố lên con nhé!”. Trên bàn, trang nhật ký với tựa “Ngày Của Bố” đã thấm đẫm những giọt nước mắt vẫn còn ấm nồng …
JB. Nguyễn Linh Kha