Dan Lee
06-21-2011, 07:32 PM
LỄ KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Chủ đề: Thiên Chúa là lương thực
I. Dẫn vào Thánh lễ
Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho mạnh; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng; nếu chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
Chúng ta lo tìm lương thực phần xác hơn là lương thực phần hồn.
Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết yêu thương nhau.
Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I: Ðnl 8,2-3,14-16
Cuối cuộc hành trình trong sa mạc và trước khi bước vào Ðất hứa, Môsê khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Chúa đã ban cho họ, đặc biệt Ngài đã nuôi sống họ bằng Manna từ trời rơi xuống và nước từ tảng đá vọt ra.
2. Ðáp ca: Tv 147
Thánh vịnh này kêu gọi tín hữu ca tụng Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Ngài ban xuống cho họ.
3. Bài đọc II: 1 Cr 10,16-17
Thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô ý thức rằng vì họ cùng ăn một bánh và cùng uống một chén nên họ không được chia rẽ, trái lại phải đoàn kết yêu thương nhau.
4. Tin Mừng: Ga 6,51-58
Ðây là bài diễn từ của Ðức Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Dân chúng đã được ăn no nê thừa thãi thư bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ cho có nhiều. Bây giờ Ngài hướng họ đến một thứ lương thực cao quý hơn, đó chính là Mình và Máu Ngài: "Tôi là bánh trường sinh... Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống...Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết".
IV. Gợi ý giảng
1. Tại sao Thánh Thể là của ăn?
Mỗi khi một nơi nào đó xảy ra nạn đói thì hầu như cả thế giới xúc động gởi thực phẩm đến tới tấp để cứu đói. Nhưng có mấy ai quan tâm đến những cái đói tinh thần: đói yêu thương, đói công bình, đói chân lý, đói tha thứ, đói cảm thông...? Mà loại đói sau này không ai cứu nỗi, ngoại trừ một mình Ðức Giêsu.
Tuy nhiên không phải hễ cứ rước lễ là chúng ta sẽ no. Muốn cho Ðức Giêsu thực sự trở thành của ăn bổ dưỡng thì chúng ta cần phải kết hợp với Ngài, cũng như cành nho có kết hợp với cây nho thì mới nhận được nhựa sống truyền sang.
2. Người đói mới cần ăn
Theo quy định của Giáo Hội, người đang mang tội trọng trong mình thì không được rước lễ. Ðúng vậy, vì rước lễ như thế là xúc phạm Mình Thánh Chúa.
Nhưng từ ý thức tôn trọng Mình Thánh Chúa trên đây, nhiều người đã vô tình xa cách thứ lương thực tuyệt vời Chúa ban: họ không dám rước lễ khi thấy mình yếu đuối về đức tin, chao đảo trong đức cậy và nguội lạnh về đức mến. Nghĩ vậy là sai, chẳng khác gì nghĩ rằng khi nào tôi đói thì tôi không được ăn.
Ngày xưa trong sa mạc, mặc dù dân Do Thái luôn làm Chúa buồn lòng, nhưng Ngài vẫn ban cho họ Manna mỗi ngày; Trong Thánh lễ đầu tiên ở nhà Tiệc ly, Ðức Giêsu đã cho tất cả các tông đồ rước Mình và Máu Ngài, mặc dù trước đó họ còn tranh cãi với nhau, và sau đó họ đã bỏ Chúa mà trốn chạy.
Ðúng là chúng ta bất xứng, và sẽ mãi mãi còn bất xứng với Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng ý thức bất xứng ấy không được làm chúng ta xa cách thứ lương thực tuyệt vời cứu chữa cho ta bớt bất xứng.
Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
3. Thánh Thể là bí tích thông hiệp
Ngày xưa ở giáo đoàn Côrintô có một thói quen tốt, đó là mỗi khi cử hành bữa tiệc Thánh Thể, tức Thánh lễ (Cena), người ta cũng tổ chức một bữa ăn huynh đệ (Agape): mọi người mang thức ăn đến góp chung để mọi người cùng ăn. Nhưng thói quen tốt này đã biến thành một tệ nạn là những người giàu đem nhiều thức ăn và toàn thức ăn ngon. Họ vội vã cùng nhau ăn trước, không chia sẻ cho những người nghèo. Bởi thế bữa ăn Agape này đã mất đi ý nghĩa yêu thương huynh đệ, trái lại là dịp gây chia rẽ đố kỵ nhau.
Thánh Phaolô rất buồn về tình trạng đó, nên trong đoạn thư này Ngài nhắc tín hữu mình nhớ đến ý nghĩa chung của bữa ăn: bữa ăn là dấu chỉ thông hiệp yêu thương. Tín hữu cùng tham dự một bữa ăn thì lẽ nào lại chia rẽ nhau? Huống chi trong bữa tiệc Thánh Thể, họ cùng ăn một thức ăn chung là Mình Máu Thánh Ðức Giêsu! Vì thế mỗi khi tham dự Thánh Lễ, họ phải lưu ý đến việc thông hiệp: chẳng những thông hiệp với Ðức Giêsu mà còn thông hiệp với nhau.
Hình như những ý nghĩa căn bản này không được chúng ta lưu ý lắm: mỗi khi dự lễ và rước lễ, nhiều người chỉ coi đó là một việc đạo đức mình phải làm. Họ không chú ý kết hiệp với Ðức Giêsu bao nhiêu; và càng không lưu ý thông hiệp với nhau bao nhiêu.
4. Bánh và những thứ đói
Ðức Giêsu là một thứ Bánh có thể thoả mãn mọi cơn đói của loài người:
Với những người theo Ngài trong sa mạc đã ba ngày và đang đói, Ngài đã cho họ bánh tự nhiên thỏa mãn cơn đói thể xác của họ.
Với người cùi bị mọi người ghê tởm lánh xa, Ngài đã cho anh bánh chữa lành cơn bệnh.
Với người phụ nữ nhiều chồng bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã cho chị thứ bánh nhân ái làm thỏa mãn cơn đói muốn được chấp nhận.
Với những người tội lỗi, Ngài ban bánh thứ tha.
Với những người bị xã hội ruồng bỏ, Ngài cùng ăn với họ và ban cho họ bánh cảm thông để thỏa mãn cơn đói muôn được người ta nhìn nhận phẩm giá của mình.
Với người mẹ Naim đang đi chôn đứa con độc nhất của mình, và với Matta, Maria đang khóc vì Ladarô vừa mới chết, Ngài ban bánh sự sống cho người thân của họ sống lại.
Với người thu thuế Giakêu bấy lâu nay đã quen ăn cắp phần bánh của người nghèo, Ngài đến nhà và ăn cùng bàn với ông, ban cho ông bánh một đời sống mới tốt đẹp hơn.
Với tên trộm bên phải thập giá Ngài, Ngài ban cho hắn bánh hòa giải và một chỗ trên bàn tiệc thiên quốc.
Tuy nhiên, cũng có những người không rộng tay đón nhận bánh của Ngài:
Ðó là người thanh niên giàu có đã buồn bã bỏ đi khi Ngài khuyên anh từ bỏ tài sản.
Ðó là những người biệt phái và luật sĩ nhiều lần cố tình không muốn hiểu Tin Mừng của Ngài.
Ðó là dân thành Giêrusalem đã khiến Ngài phải khóc vì họ không đón nhận bình an Ngài
mang tới.
Và đó là Philatô đã mỉa mai khi Ngài xứng mình là chứng nhân của Sự Thật.
5. Ý nghĩa tấm bánh
Tấm bánh mà hằng ngày ta dâng lên trên bàn thờ và sau đó rước vào lòng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa:
Ðó là thành quả của biết bao công lao: của đất, của ánh mặt trời, của những giọt mưa, của lao động và trí óc con người.
Trước khi đến tay chúng ta, nó cũng đã qua tay người thợ gặt, người thợ xay và người thợ làm bánh.
Và được nhiên chúng ta không thể quên vai trò của Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng.
Là một tấm bánh, nhưng nó là kết hợp của rất nhiều hạt bột từ rất nhiều hạt lúa rải rác trên các cánh đồng.
Bởi thế, khi chủ tế dâng bánh lên, ngài đã đọc: "Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và lao công của con người".
Còn Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay thì coi tấm bánh ấy là biểu tượng của sự hợp nhất các tín hữu: "Chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh"
6. Chuyện minh họa
a/ Ðói tình thương
Nước Êthiôpia phải chịu một nạn đói khủng khiếp trong những năm 1984 đến 1986. Ðức Hồng Y Hume của giáo phận Wesminster kể về một câu chuyện xảy ra lúc ngài đến thăm xứ này giữa thời gian đó. Người ta đã dùng một chiếc trực thăng chở ngài đến một ngọn đồi nơi dân chúng đang tập trung chờ cứu trợ.
Khi ngài vừa bước xuống chiếc trực thăng thì một cậu bé khoảng 10 tuổi chạy đến níu lấy cánh tay của ngài. Em chẳng mặc gì ngoài một chiếc khố. Em cũng chẳng biết ngoại ngữ nên chỉ làm cử điệu tay chân: tay trái em chỉ vào miệng, và tay phải em cầm lấy tay ngài đặt lên má em.
Ðức Hồng Y hiểu: chỉ vào miệng nghĩa là em đói thức ăn, và đặt lên má nghĩa là em đói tình thương.
Người ta không chỉ đói thức ăn, mà còn đói nhiều thứ khác.
b/ Không thể hiểu được
Một người đến gặp linh mục và muốn khôi hài một chút về niềm tin của mình, nên anh hỏi: "Làm thế nào mà bánh và rượu trở nên thịt và máu Chúa Giêsu được?"
- Chẳng khó gì. Chính anh cũng biến đổi thức ăn thành thịt và máu. Tại sao Chúa Giêsu lại không làm được điều tương tự như vậy?
Chưa chịu thua, anh hỏi: "Bằng cách nào mà Chúa Giêsu ngự trọn vẹn trong tấm bánh nhỏ như vậy?"
- Cũng tương tự, quang cảnh bao la ở trước con mắt nhỏ bé của bạn.
Nhưng anh vẫn cố chấp: "Làm sao Chúa Giêsu có thể hiện diện ở tất cả các nhà thờ cùng một lúc?"
Linh mục cầm chiếc gương, đập bể nát, rồi cho anh nhìn vào và nói: "Chỉ có một mình anh nhưng bây giờ anh có thể nhìn thấy mặt mình được phản chiếu trong mỗi mảnh gương vỡ này cùng một lúc".
V. Lời nguyện cho mọi người
CT: Anh chị em thân mến
Lời Chúa cũng như Mình Máu Thánh Chúa Kitô là hai nguồn lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin của người kitô hữu. Với tâm tình mến yêu bí tích kỳ diệu này, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.
1. Hội Thánh không ngừng khuyên các kitô hữu tham dự thánh lễ một cách ý thức / linh động / tích cực và có hiệu quả / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / hiểu được tầm quan trọng của thánh lễ trong đời sống đức tin / và tham dự thánh lễ đúng như Hội Thánh dạy.
2. Trên thế giới ngày nay / việc phan phối tài nguyên thiên nhiên / cũng như của cải vật chất không đồng đều / vì thế có những vùng quá giàu / trong khi đó có những vùng lại quá nghèo / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nước giàu / biết quảng đại giúp đỡ các nước nghèo / mà một phần dân chúng phải sống dưới mức tối thiểu.
3. Nghèo đói / lạc hậu / dốt nát / cũng là những thứ giặc mà mọi người cần phải hợp sức tận diệt / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết tích cực cộng tác với những người thành tâm thiện chí / để diệt trừ những thứ giặc đáng sợ này.
4. "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết rộng rãi chia sẻ cơm áo cho những anh chị em nghèo đói / để mọi người đều có lương thực hằng ngày.
CT: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng thánh lễ là trung tâm đời sống thờ phượng của Hội Thánh và của từng người chúng con, vì trong thánh lễ Hội Thánh dùng Lời Chúa để giáo dục đức tin của chúng con, và dùng Mình Máu Thánh Chúa để bồi dưỡng đời sống đức tin ấy. Xin cho chúng con siêng năng tham dự thánh lễ với ý thức đầy đủ, và rước lễ một cách xứng đáng. Chúa hằng sống...
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Chút nữa đây khi đọc câu "Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày", chúng ta hãy nhớ rằng lương thực ấy không phải chỉ là cơm nước vật chất, mà còn là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy tha thiết xin Cha trên trời ban cho chúng ta cả hai thứ lương thực ấy.
- Trước lúc rước lễ: Rước lễ chính là kết hợp với Mình Máu Thánh Ðức Giêsu, là được hưởng dùng lương thực tuyệt hảo. Xin cho việc rước Mình Máu Chúa thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Chúa. "Ðây Chiên Thiên Chúa..."
VII. Giải tán
Chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Ðức Giêsu. Khi ra về, chúng ta hãy quan tâm chia sẻ và giúp đỡ anh chị em chúng ta để họ cũng được thoát khỏi những cơn đói cả vật chất lẫn tinh thần.
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Chủ đề: Thiên Chúa là lương thực
I. Dẫn vào Thánh lễ
Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho mạnh; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng; nếu chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
Chúng ta lo tìm lương thực phần xác hơn là lương thực phần hồn.
Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết yêu thương nhau.
Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I: Ðnl 8,2-3,14-16
Cuối cuộc hành trình trong sa mạc và trước khi bước vào Ðất hứa, Môsê khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Chúa đã ban cho họ, đặc biệt Ngài đã nuôi sống họ bằng Manna từ trời rơi xuống và nước từ tảng đá vọt ra.
2. Ðáp ca: Tv 147
Thánh vịnh này kêu gọi tín hữu ca tụng Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Ngài ban xuống cho họ.
3. Bài đọc II: 1 Cr 10,16-17
Thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô ý thức rằng vì họ cùng ăn một bánh và cùng uống một chén nên họ không được chia rẽ, trái lại phải đoàn kết yêu thương nhau.
4. Tin Mừng: Ga 6,51-58
Ðây là bài diễn từ của Ðức Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Dân chúng đã được ăn no nê thừa thãi thư bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ cho có nhiều. Bây giờ Ngài hướng họ đến một thứ lương thực cao quý hơn, đó chính là Mình và Máu Ngài: "Tôi là bánh trường sinh... Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống...Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết".
IV. Gợi ý giảng
1. Tại sao Thánh Thể là của ăn?
Mỗi khi một nơi nào đó xảy ra nạn đói thì hầu như cả thế giới xúc động gởi thực phẩm đến tới tấp để cứu đói. Nhưng có mấy ai quan tâm đến những cái đói tinh thần: đói yêu thương, đói công bình, đói chân lý, đói tha thứ, đói cảm thông...? Mà loại đói sau này không ai cứu nỗi, ngoại trừ một mình Ðức Giêsu.
Tuy nhiên không phải hễ cứ rước lễ là chúng ta sẽ no. Muốn cho Ðức Giêsu thực sự trở thành của ăn bổ dưỡng thì chúng ta cần phải kết hợp với Ngài, cũng như cành nho có kết hợp với cây nho thì mới nhận được nhựa sống truyền sang.
2. Người đói mới cần ăn
Theo quy định của Giáo Hội, người đang mang tội trọng trong mình thì không được rước lễ. Ðúng vậy, vì rước lễ như thế là xúc phạm Mình Thánh Chúa.
Nhưng từ ý thức tôn trọng Mình Thánh Chúa trên đây, nhiều người đã vô tình xa cách thứ lương thực tuyệt vời Chúa ban: họ không dám rước lễ khi thấy mình yếu đuối về đức tin, chao đảo trong đức cậy và nguội lạnh về đức mến. Nghĩ vậy là sai, chẳng khác gì nghĩ rằng khi nào tôi đói thì tôi không được ăn.
Ngày xưa trong sa mạc, mặc dù dân Do Thái luôn làm Chúa buồn lòng, nhưng Ngài vẫn ban cho họ Manna mỗi ngày; Trong Thánh lễ đầu tiên ở nhà Tiệc ly, Ðức Giêsu đã cho tất cả các tông đồ rước Mình và Máu Ngài, mặc dù trước đó họ còn tranh cãi với nhau, và sau đó họ đã bỏ Chúa mà trốn chạy.
Ðúng là chúng ta bất xứng, và sẽ mãi mãi còn bất xứng với Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng ý thức bất xứng ấy không được làm chúng ta xa cách thứ lương thực tuyệt vời cứu chữa cho ta bớt bất xứng.
Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
3. Thánh Thể là bí tích thông hiệp
Ngày xưa ở giáo đoàn Côrintô có một thói quen tốt, đó là mỗi khi cử hành bữa tiệc Thánh Thể, tức Thánh lễ (Cena), người ta cũng tổ chức một bữa ăn huynh đệ (Agape): mọi người mang thức ăn đến góp chung để mọi người cùng ăn. Nhưng thói quen tốt này đã biến thành một tệ nạn là những người giàu đem nhiều thức ăn và toàn thức ăn ngon. Họ vội vã cùng nhau ăn trước, không chia sẻ cho những người nghèo. Bởi thế bữa ăn Agape này đã mất đi ý nghĩa yêu thương huynh đệ, trái lại là dịp gây chia rẽ đố kỵ nhau.
Thánh Phaolô rất buồn về tình trạng đó, nên trong đoạn thư này Ngài nhắc tín hữu mình nhớ đến ý nghĩa chung của bữa ăn: bữa ăn là dấu chỉ thông hiệp yêu thương. Tín hữu cùng tham dự một bữa ăn thì lẽ nào lại chia rẽ nhau? Huống chi trong bữa tiệc Thánh Thể, họ cùng ăn một thức ăn chung là Mình Máu Thánh Ðức Giêsu! Vì thế mỗi khi tham dự Thánh Lễ, họ phải lưu ý đến việc thông hiệp: chẳng những thông hiệp với Ðức Giêsu mà còn thông hiệp với nhau.
Hình như những ý nghĩa căn bản này không được chúng ta lưu ý lắm: mỗi khi dự lễ và rước lễ, nhiều người chỉ coi đó là một việc đạo đức mình phải làm. Họ không chú ý kết hiệp với Ðức Giêsu bao nhiêu; và càng không lưu ý thông hiệp với nhau bao nhiêu.
4. Bánh và những thứ đói
Ðức Giêsu là một thứ Bánh có thể thoả mãn mọi cơn đói của loài người:
Với những người theo Ngài trong sa mạc đã ba ngày và đang đói, Ngài đã cho họ bánh tự nhiên thỏa mãn cơn đói thể xác của họ.
Với người cùi bị mọi người ghê tởm lánh xa, Ngài đã cho anh bánh chữa lành cơn bệnh.
Với người phụ nữ nhiều chồng bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã cho chị thứ bánh nhân ái làm thỏa mãn cơn đói muốn được chấp nhận.
Với những người tội lỗi, Ngài ban bánh thứ tha.
Với những người bị xã hội ruồng bỏ, Ngài cùng ăn với họ và ban cho họ bánh cảm thông để thỏa mãn cơn đói muôn được người ta nhìn nhận phẩm giá của mình.
Với người mẹ Naim đang đi chôn đứa con độc nhất của mình, và với Matta, Maria đang khóc vì Ladarô vừa mới chết, Ngài ban bánh sự sống cho người thân của họ sống lại.
Với người thu thuế Giakêu bấy lâu nay đã quen ăn cắp phần bánh của người nghèo, Ngài đến nhà và ăn cùng bàn với ông, ban cho ông bánh một đời sống mới tốt đẹp hơn.
Với tên trộm bên phải thập giá Ngài, Ngài ban cho hắn bánh hòa giải và một chỗ trên bàn tiệc thiên quốc.
Tuy nhiên, cũng có những người không rộng tay đón nhận bánh của Ngài:
Ðó là người thanh niên giàu có đã buồn bã bỏ đi khi Ngài khuyên anh từ bỏ tài sản.
Ðó là những người biệt phái và luật sĩ nhiều lần cố tình không muốn hiểu Tin Mừng của Ngài.
Ðó là dân thành Giêrusalem đã khiến Ngài phải khóc vì họ không đón nhận bình an Ngài
mang tới.
Và đó là Philatô đã mỉa mai khi Ngài xứng mình là chứng nhân của Sự Thật.
5. Ý nghĩa tấm bánh
Tấm bánh mà hằng ngày ta dâng lên trên bàn thờ và sau đó rước vào lòng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa:
Ðó là thành quả của biết bao công lao: của đất, của ánh mặt trời, của những giọt mưa, của lao động và trí óc con người.
Trước khi đến tay chúng ta, nó cũng đã qua tay người thợ gặt, người thợ xay và người thợ làm bánh.
Và được nhiên chúng ta không thể quên vai trò của Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng.
Là một tấm bánh, nhưng nó là kết hợp của rất nhiều hạt bột từ rất nhiều hạt lúa rải rác trên các cánh đồng.
Bởi thế, khi chủ tế dâng bánh lên, ngài đã đọc: "Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và lao công của con người".
Còn Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay thì coi tấm bánh ấy là biểu tượng của sự hợp nhất các tín hữu: "Chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh"
6. Chuyện minh họa
a/ Ðói tình thương
Nước Êthiôpia phải chịu một nạn đói khủng khiếp trong những năm 1984 đến 1986. Ðức Hồng Y Hume của giáo phận Wesminster kể về một câu chuyện xảy ra lúc ngài đến thăm xứ này giữa thời gian đó. Người ta đã dùng một chiếc trực thăng chở ngài đến một ngọn đồi nơi dân chúng đang tập trung chờ cứu trợ.
Khi ngài vừa bước xuống chiếc trực thăng thì một cậu bé khoảng 10 tuổi chạy đến níu lấy cánh tay của ngài. Em chẳng mặc gì ngoài một chiếc khố. Em cũng chẳng biết ngoại ngữ nên chỉ làm cử điệu tay chân: tay trái em chỉ vào miệng, và tay phải em cầm lấy tay ngài đặt lên má em.
Ðức Hồng Y hiểu: chỉ vào miệng nghĩa là em đói thức ăn, và đặt lên má nghĩa là em đói tình thương.
Người ta không chỉ đói thức ăn, mà còn đói nhiều thứ khác.
b/ Không thể hiểu được
Một người đến gặp linh mục và muốn khôi hài một chút về niềm tin của mình, nên anh hỏi: "Làm thế nào mà bánh và rượu trở nên thịt và máu Chúa Giêsu được?"
- Chẳng khó gì. Chính anh cũng biến đổi thức ăn thành thịt và máu. Tại sao Chúa Giêsu lại không làm được điều tương tự như vậy?
Chưa chịu thua, anh hỏi: "Bằng cách nào mà Chúa Giêsu ngự trọn vẹn trong tấm bánh nhỏ như vậy?"
- Cũng tương tự, quang cảnh bao la ở trước con mắt nhỏ bé của bạn.
Nhưng anh vẫn cố chấp: "Làm sao Chúa Giêsu có thể hiện diện ở tất cả các nhà thờ cùng một lúc?"
Linh mục cầm chiếc gương, đập bể nát, rồi cho anh nhìn vào và nói: "Chỉ có một mình anh nhưng bây giờ anh có thể nhìn thấy mặt mình được phản chiếu trong mỗi mảnh gương vỡ này cùng một lúc".
V. Lời nguyện cho mọi người
CT: Anh chị em thân mến
Lời Chúa cũng như Mình Máu Thánh Chúa Kitô là hai nguồn lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin của người kitô hữu. Với tâm tình mến yêu bí tích kỳ diệu này, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.
1. Hội Thánh không ngừng khuyên các kitô hữu tham dự thánh lễ một cách ý thức / linh động / tích cực và có hiệu quả / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / hiểu được tầm quan trọng của thánh lễ trong đời sống đức tin / và tham dự thánh lễ đúng như Hội Thánh dạy.
2. Trên thế giới ngày nay / việc phan phối tài nguyên thiên nhiên / cũng như của cải vật chất không đồng đều / vì thế có những vùng quá giàu / trong khi đó có những vùng lại quá nghèo / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nước giàu / biết quảng đại giúp đỡ các nước nghèo / mà một phần dân chúng phải sống dưới mức tối thiểu.
3. Nghèo đói / lạc hậu / dốt nát / cũng là những thứ giặc mà mọi người cần phải hợp sức tận diệt / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết tích cực cộng tác với những người thành tâm thiện chí / để diệt trừ những thứ giặc đáng sợ này.
4. "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết rộng rãi chia sẻ cơm áo cho những anh chị em nghèo đói / để mọi người đều có lương thực hằng ngày.
CT: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng thánh lễ là trung tâm đời sống thờ phượng của Hội Thánh và của từng người chúng con, vì trong thánh lễ Hội Thánh dùng Lời Chúa để giáo dục đức tin của chúng con, và dùng Mình Máu Thánh Chúa để bồi dưỡng đời sống đức tin ấy. Xin cho chúng con siêng năng tham dự thánh lễ với ý thức đầy đủ, và rước lễ một cách xứng đáng. Chúa hằng sống...
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Chút nữa đây khi đọc câu "Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày", chúng ta hãy nhớ rằng lương thực ấy không phải chỉ là cơm nước vật chất, mà còn là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy tha thiết xin Cha trên trời ban cho chúng ta cả hai thứ lương thực ấy.
- Trước lúc rước lễ: Rước lễ chính là kết hợp với Mình Máu Thánh Ðức Giêsu, là được hưởng dùng lương thực tuyệt hảo. Xin cho việc rước Mình Máu Chúa thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Chúa. "Ðây Chiên Thiên Chúa..."
VII. Giải tán
Chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Ðức Giêsu. Khi ra về, chúng ta hãy quan tâm chia sẻ và giúp đỡ anh chị em chúng ta để họ cũng được thoát khỏi những cơn đói cả vật chất lẫn tinh thần.
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái