PDA

View Full Version : M - Màu nhiệm cứu chuộc



Dan Lee
06-25-2011, 08:24 AM
MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC

Người Do thái vì không tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nên khi nghe Đức Ki-tô nói: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6, 51), thì ngay lập tức những "người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6, 52).

Nếu họ tin và chịu khó suy nghĩ thì hiểu ngay là Đức Ki-tô muốn nói đến sứ vụ của Người được Chúa Cha sai xuống trần cứu độ nhân loại. Sự cứu độ nhân loại sống trong tội lỗi cũng ví như đem cơm bánh đến cho con người đang trong cảnh đói khó ngặt nghèo. Vì tội lỗi loài người mà Đức Ki-tô bị chết treo trên thập giá, bị lưỡi đòng đâm thấu con tim khiến máu đổ ra, thì chẳng phải là Người đã mang chính thịt và máu bản thân mình làm của nuôi trần gian (ăn thịt và uống máu Người để được sống) đó sao?
Cứ tưởng chỉ ở thời đó mới có đám người Do-thái nói như vậy; thật không ngờ ngày nay số người không tin vào Lời Đức Ki-tô còn nhiều gấp bội. Có lẽ con người càng văn minh thì lại càng hoài nghi về những dấu chỉ rất thật, rất đời thường về sự hiện diện của Thiên Chúa chăng? Hoá cho nên khi đọc và suy niệm Kinh Thánh cần phân biệt nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Chính Thiên Chúa đã dùng cái bất toàn của con người để công bố Lời toàn năng, dùng miệng lưỡi nhơ uế của con người để nói Lời Chí Thánh. Cụ thể hơn là Thiên Chúa đã thông qua những vật chất bình thường, rất đời thường, để mạc khải cho con người hiểu những mầu nhiệm ân sủng cực cao cực trọng Người đã ban cho nhân loại. Công việc mạc khải ấy Thiên Chúa không dành cho những người được coi là thông thái (cỡ như các kinh sư Pha-ri-siêu), mà dành cho những kẻ bé mọn, những con người cũng rất bình thường (thậm chí còn bị đám kinh sư coi là tầm thương, tội lỗi nữa). Thật vậy, "Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn".(Mt 11, 25).
Thử tìm hiểu Lời Chúa vì sao khiến đám người Do thái tranh luận sôi nổi và không tin. Theo Giáo lý HTCG (các điều 115, 116, 117) thì "Theo một truyền thống cổ xưa, có thể phân biệt hai nghĩa được dùng trong Kinh Thánh: nghĩa văn tự - nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng được chia thành nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý, nghĩa thần bí. Sự hoà hợp sâu xa của bốn nghĩa này bảo đảm cho vịêc đọc Thánh Kinh được phong phú tối đa... Hai câu thơ trung cổ ("Littera gesta docet, quid credas allegoria,/ Moralis quid agas, quo tendas anagogia") tóm tắt ý của bốn nghĩa như sau : Nghĩa văn tự dạy về biến cố, - Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, - Nghĩa luân lý dạy điều phải làm, - Nghĩa thần bí dạy điều phải vươn tới" (xin coi thêm Tông huấn "Lời Chúa", mục "Nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng" và "Cần phải vượt quá chữ viết"). Riêng Thánh Tô-ma A-qui-nô thì cho rằng : "Tất cả các nghĩa trong Thánh Kinh đều dựa vào nghĩa văn tự" ("Tổng luận" 1,1; 10,1)

Lời Chúa "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6, 51) theo nghĩa văn tự thì thật rõ ràng nói về bánh và thịt là những thứ nhìn thấy, cầm nắm, ăn uống được, nhưng "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6, 52). Đó là vì "Nghĩa văn tự dạy về biến cố", mà biến cố ở đây là biến cố hy tế thập giá, biến cố này chưa xảy ra, nên đám người Do thái không tin. Còn đối với chúng ta ngày nay thì vì không được chứng kiến hoặc trực tiếp tham dự vào biến cố ấy, nên rốt cuộc cũng lại bán tín bán nghi chẳng kém gì đám người Do thái. Vậy thì phải hiểu Lời Chúa theo ý nghĩa nào? Rõ ràng ở đây Chúa muốn nói đến sứ mạng được Chúa Cha trao phó cho Người: cứu độ nhân loại bằng sự hy sinh chính mạng sống mình trên thập giá. Chúa đã dùng hình ảnh cụ thể (bánh, thịt) để nói về ý nghĩa trừu tượng (mầu nhiệm cứu chuộc). Đó chính là "Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin". Tiến tới một bước nữa: Chúa muốn cho con người được ăn bánh hằng sống từ trời xuống là chính Thịt và Máu Chúa, để làm gì ? Phải chăng là để đem lại hạnh phúc đích thực, hạnh phúc vĩnh cửu (sự sống vĩnh hằng nơi cõi phúc Thiên đàng) cho con người? Rõ ràng (theo điều 116/GLHTCG) "các biến cố được Kinh Thánh thuật lại phải dẫn chúng ta đến một cách ăn ở chính trực. Các biến cố đó được viết ra "để răn dạy chúng ta" (1Cr 10,11)". Cụ thể hơn, đó là "Nghĩa luân lý dạy điều phải làm". Với nghĩa này, thì không dừng lại ở việc đọc và suy niệm Kinh Thánh, mà phải là đem những điều mình hiểu biết ra thực hành, bởi vì "Đức tin không có hành động là đức tin chết". Cuối cùng thì phải hiểu Lời Chúa theo nghĩa thần bí, mà "Nghĩa thần bí dạy điều phải vươn tới". Chính ý nghĩa cuối cùng này thúc đẩy chúng ta phải củng cố đức tin để kiên trì vươn tới vậy.

Trong một dịp chia sẻ về Đức Trinh Nữ Maria, tôi cũng đã phân tích "Nếu chúng ta thực sự tin rằng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, tạo dựng con người, thì vấn đề để Chúa Con hoài thai trong cung lòng người nữ mà vẫn giữ vẹn sự trinh tiết cho người nữ ấy, chỉ là chuyện nhỏ". Giờ đây, nếu chúng ta tin rằng chính thực Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thì vấn đề Người truyền phép cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu của Người cũng chỉ là chuyện nhỏ, quá nhỏ đối với Thiên Chúa. Cũng đã có nhiều người cắc cớ đặt câu hỏi "Thế nhưng tại sao hình dáng, màu sắc, mùi vị của bánh và rượu vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi ?". Vấn đề chính ở điểm này. Chỉ xin đưa ra một hình ảnh đặc thù, đó là Thánh Phao-lô. Nếu chỉ nhìn hình dáng, cử chỉ, thái độ, giọng nói của ngài trước và sau biến cố Đa-mát thì chẳng có gì thay đổi, nhưng thần trí thì thay đổi hoàn toàn. Trước đó thì năng nổ nhiệt tình đi lùng bắt những người theo Ki-tô, rồi về sau cũng lại rất nhiệt tình năng nổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì Ki-tô, làm nhân chứng sống động cho Đức Ki-tô phục sinh. Chính nhân chứng độc đáo này đã khẳng định: "Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể". (1Cr 10, 16-17). Vâng, cái dáng vẻ bên ngoài của Thánh Phao-lô trước và sau biến cố Đa-mát vẫn không có gì thay đổi, nhưng thần trí tiềm ẩn bên trong đã hoàn toàn đổi khác. Cũng vậy, hình dáng và mùi vị bánh rượu vẫn không có gì thay đổi sau khi được truyền phép (kể từ bữa Tiệc Ly cách đây 2000 năm, cho đến mãi muôn đời), nhưng bản tính rượu và bánh đã hoàn toàn đổi khác. Một cách cụ thể, bánh rượu trước khi được truyền phép chỉ là những vật chất bình thường, vô hồn, nhưng sau khi truyền phép thì rượu bánh đã có hồn, tức là có Chúa Ki-tô thực sự hiện diện trong đó vậy.

Thật là rõ ràng "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." (Ga 6, 56-58). Vâng, không còn nghi ngờ gì nữa về nguyên lý bất biến: Giáo Hội là một cộng đồng hiệp thông trong mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi. Toàn thể Giáo Hội đều cùng uống chung một chén, cùng ăn chung một tấm bánh, để cùng thi hành chung một sứ vụ Rao giảng Tin Mừng Cứu Độ (“Người đã thiết lập trong Giáo Hội của Người nhiệm tích Thánh Thể kỳ diệu, vừa là dấu chỉ vừa thể hiện sự hiệp nhất của Giáo Hội. Người ban cho các môn đệ Người một giới răn mới là tình yêu thương nhau, và hứa ban Thánh Thần an ủi, Ðấng vừa là Chúa vừa ban sự sống để ở với họ mãi mãi” – SL về Hiệp Nhất”, số 2).

Trong mỗi Thánh Lễ – một cuộc tái hiện Hy tế Thập Giá của Chúa Giê-su Ki-tô – thì việc cử hành Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm, là trọng điểm. Cùng với nghi thức Truyền Phép Thánh Thể, vị chủ tế nhắc lại chính Lời của Đấng Cứu Độ: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em” và “Đây là chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới, Giao ước vĩnh cửu”. Mình của Đức Giê-su Ki-tô bầm giập, nát bấy vì đòn roi, gai góc, Máu từ Trái Tim Người bị đòng, giáo, gươm, đao tội lỗi loài người đâm thâu, không chỉ ở trên Golgotha năm xưa, mà cho đến tận ngày nay vẫn còn tiếp diễn. Tất cả là tấm bánh huyền diệu nằm trong một trái tim ngút ngàn Máu và Nước (Máu Dưỡng Nuôi + Nước Thanh Tẩy) của suối nguồn Tình Yêu. Mầu nhiệm Thánh Thể cũng là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Biểu tượng sống động nhất cho mầu nhiệm cứu chuộc luôn luôn và mãi mãi vẫn là : "Thập giá Đức Ki-tô, niềm vinh dự của ta, Thập giá Đức Ki-tô đã khơi nguồn ơn thánh hoá. Nhờ Máu Nước Tim Người từ khổ giá tuôn trào, thành nguồn ơn giải thoát cứu độ ta" ("Thập giá Đức Ki-tô" – TCCĐ).

JM. Lam Thy ĐVD.