PDA

View Full Version : H - Hành trình ơn gọi



Dan Lee
07-14-2011, 06:06 PM
Hành trình ơn gọi

http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/main_img/sites/default/files/vannam33/chung-vien-nicola-phan-thiet.jpg



Tin Mừng hôm nay chỉ là một trình thuật nhỏ về việc Chúa Giêsu khiến bão biển lặng yên, nhưng được đọc trong thánh lễ trao áo chùng thâm cho các chủng sinh nên cũng gợi lên những ý tưởng liên quan đến hành trình ơn gọi đời linh mục.

1. Các môn đệ xuống thuyền với Chúa Giêsu

Giả như Thánh sử có ghi kiểu khác là: “Khi ấy Chúa Giêsu xuống thuyền cùng với các môn đệ của mình”, có lẽ tình huống không gian cũng không thay đổi, đồng hội đồng thuyền đồng chí hướng vượt biển qua bờ bên kia mà, nhưng bởi vì Phúc Âm ghi nhận là “các môn đệ xuống thuyền với Chúa Giêsu”, nên về mặt thời gian Chúa Giêsu đã xuống thuyền trước rồi các môn đệ tiếp bước theo sau.

Theo Chúa Giêsu là đi sau Người. Người đi đâu, môn đệ cũng theo đi đó. Người rời bỏ bến bờ với những công việc bận rộn và với tình cảm bịn rịn của đám đông, môn đệ cũng giã từ tất cả để xa bờ và ra khơi với Người. Khung cảnh hoàn toàn yên tĩnh cho thấy tâm hồn môn đệ rất bình an. Trong mắt các môn đệ, Chúa Giêsu hôm đó là một nhân vật uy tín, một vị thầy đáng kính, một con người đáng khâm phục. Thế thôi đã phúc mười đời, chẳng phải so đo làm gì.

Áo chùng thâm được nhận hôm nay là một nghi thức biểu tượng. Mặc áo dòng là mặc tu phục của đời dâng hiến, nhưng đúng hơn là mặc lấy Chúa Kitô, là tiếp bước theo Người và phấn đấu trở nên giống Người. Như các môn đệ xuống thuyền rong ruổi với Chúa Giêsu, các chủng sinh nhận áo dòng cũng khởi đầu cuộc hành trình theo Chúa Giêsu trong ơn gọi đời linh mục.

2. Bão tố ập đến

Bước theo Chúa Giêsu ai chả muốn cuộc đời bình lặng, năm tháng êm trôi hết học hành tu luyện vài năm là sẽ đến bến hạnh phúc trong chức linh mục. Theo chương trình huấn luyện tuần tự nơi đại chủng viện thì có vẻ như thế, hết Dự bị qua Triết lên Thần là chuẩn bị các kiểu áo lễ, chén lễ là vừa, nhưng theo Chúa đâu phải là một trình tự giáo dục hễ kinh qua đầy đủ các giai đoạn là tất nhiên đến đích, như tấm bằng tốt nghiệp, mà thực ra theo Chúa là một hành trình có khởi hành có đồng hành và cũng có đủ mọi thứ bị “hành” trên nẻo đường đi.

Nếu các môn đệ năm xưa nghĩ mình nhiều năm nghề biển quen chèo khéo chống biết trước gió bão để cuối cùng cuồng phong ập đến, phải í ới đánh thức cầu cứu Chúa Giêsu, thì những người nhận áo chùng thâm hôm nay cũng vậy, cần ghi nhận: đường theo Chúa còn dài và trên con đường ấy, gió bão thường đến bất ngờ. Được chuẩn bị tinh thần và được trang bị sẵn sàng bao giờ cũng hơn. Có những cơn bão mạnh của đam mê tuổi trẻ, có những cơn bão nhẹ của cuộc sống chung, có những cơn bão rớt đó đây trên nẻo hành trình, và không thiếu những lúc mưa giông rải rác khiến ẩm ướt hoặc mốc meo tâm hồn. Những lúc ấy là lúc hiểu ra: theo Chúa là bám sát Người bằng nỗ lực và cậy trông.

3. “Người là ai mà sóng biển cũng phải tuân lời?”

Phúc Âm kết thúc bằng câu hỏi môn đệ tự đặt ra, khi Chúa Giêsu đứng dậy dẹp tan giông tố. Câu hỏi này cho thấy các môn đệ khi bắt đầu xuống thuyền với Chúa Giêsu vẫn chưa hiểu biết hết về Người. Mãi tới biến cố Phục sinh các ông mới xác quyết lòng tin để dấn thân truyền giáo và sẵn sàng hiến thân vì Người. Theo Chúa Giêsu như vậy là cả một hành trình vừa tìm hiểu suy tư, vừa khám phá cầu nguyện, thậm chí chấp nhận cọ sát để biết Chúa là ai và cũng để biết mình là ai hòng đón nhận chân lý yêu thương cứu độ.

Lạ lùng lắm, càng biết Chúa bao nhiêu càng có cơ hội biết mình bấy nhiêu. Một tỷ lệ thuận ngàn năm bất biến. Như Thánh Phêrô khi tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”, ngài đã được Chúa Giêsu cho biết về ơn gọi và sứ mạng cuộc đời: “Con là Phêrô nghĩa là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, người nhận áo dòng cũng ngày từng ngày thực tập gắn bó với Chúa Kitô mong được nên “đồng hình đồng dạng” với Người, nghĩa là biết Người rõ hơn để điều chỉnh đời mình cho tương thích với đời cứu độ của Người hơn. Sẽ không dễ dàng hay dễ chịu trong nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Chúa Kitô là ai?”, nhưng sẽ là một niềm vui lớn khi gặp được ánh sáng cuối đường đọng lại qua tâm tình tuyên xưng: “Chúa là hạnh phúc đời con, Chúa ôi!”

Trong cuốn phim “Ngọc trong đá”, người ta trình bày hạnh phúc như là kết quả của một cuộc tìm kiếm dài lâu và vất vả, nhưng ai bền chí sẽ tới đích ước mong. Nhạc phim là một điệp khúc đẹp: “Hạnh phúc như ngọc trong đá, không đến với ai đi qua hững hờ; hạnh phúc như mật trong hoa, không có cho ai không nhọc nhằn tìm kiếm”. Cầu nguyện và cầu chúc những người nhận áo dòng hôm nay được bền lòng theo đuổi lý tưởng và sẽ gặp hạnh phúc là chức linh mục mai ngày.

+ Gm. Giuse Vũ Duy Thống

(Bài giảng Lễ trao tu phục cho quý thầy Chủng viện Thánh Nicôla Phan Thiết, 28.6.2011)