PDA

View Full Version : T - Tại sao dùng dụ ngôn



Dan Lee
07-20-2011, 11:04 PM
Tại sao dùng dụ ngôn

Thứ Năm sau Chúa Nhật XVI Thường niên A

Lời Chúa: Mt 13,10-17


10Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? " 11Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 16"Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.


Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe (Mt 13,16)

Suy niệm:

Kitô giáo là đạo từ trời xuống, vì những giáo lý và niềm tin Kitô do chính Thiên Chúa truyền xuống. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa chính là mạc khải về Thiên Chúa cho con người.

Trong lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.

Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Để hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”. Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và là ai người ngoài cuộc: “Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được nghe”

Ước gì chúng ta được vào số những người mà Chúa Giêsu cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chúc phúc cho những ai nghe và thực hành lời Chúa. Chúa còn nhận những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa vào gia đình của Chúa. Ước gì chúng con được vào số những người được Chúa chúc phúc. Ước gì chúng con luôn là thành viên của gia đình Chúa để được Chúa yêu thương, chăm sóc và ủi an. Xin giúp chúng con luôn mặc lấy tâm tình đơn sơ ngoan hiền để dễ dàng đón nhận lời giáo huấn của Chúa. Xin dạy bảo chúng con những lời cao quý để chúng con luôn đi trong đường ngay nẻo chính.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời. Xin giúp chúng con biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Amen