PDA

View Full Version : C - Chúng tôi lên tiếng la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa



Dan Lee
08-02-2011, 03:16 PM
“Chúng tôi lên tiếng la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa”

Trong bài học đầu tiên của các khoá Kỹ Năng Truyền Thông Công giáo, bài “Tầm nhìn Truyền Thông Công Giáo Việt Nam”, cha giáo An Thanh có nhấn mạnh điều này: “Truyền Thông điều thiện hảo nhờ Đức Yêsu Kytô, Đấng là nhà Truyền Thông vĩ đại nhất” (x.GLCG 947).

Đã đến lúc phải nhấn mạnh Đức Yêsu Chúa chúng ta là nhà Truyền Thông. Chỉ khi nhìn nhận Người là nhà Truyền Thông, chúng ta mới xác tín rằng đức tin của chúng ta đã đặt hoàn toàn đúng chỗ và niềm hy vọng của chúng ta hoàn toàn được bảo đảm.

Khi đọc lại tài liệu “Một Tầm Nhìn Mới, Một Trái Tim Mới và Một Ơn Gọi Đổi Mới” của Diễn Đàn Phúc Âm Hoá Thế Giới 2004, chúng ta lại được chiêm ngắm hình ảnh đẹp ấy: “Trong Chúa Yêsu, chúng ta đạt đến khả năng hiểu được ngôn ngữ của bức tranh (về công trình sáng tạo), Người là nhà truyền thông đồng cảm đã đến với chúng ta, chấp nhận trở nên phận người, và nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của chúng ta”.

Giữa bao nhiêu báo chí, truyền thanh, truyền hình, theo nhận xét của Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng là “những âm thanh ồn ào và những màu sắc xanh đỏ mà chúng ta thấy trên các làn sóng”, chúng ta hoang mang. Vâng, “hoang mang” chứ không chỉ là khó nghĩ, giữa một khu rừng mà lối đi nào cũng quanh co.

Bạn hãy tưởng tượng mình đang đi vào một khu rừng, quá nhiều lối rẽ, quá nhiều âm thanh và quá nhiều bảng chỉ đường trái ngược nhau, bạn sẽ làm gì? Và hãy tưởng tượng lúc ấy có một bàn tay dịu dàng đưa ra dẫn bạn đi với những lời lẽ êm ái và rất chân tình, bạn sẽ cảm thấy gì?

Bàn tay ấy đã đưa ra. Đức Yêsu đã đưa bàn tay của Người cho chúng ta ngay khi Người giang tay chịu đóng đinh vì chúng ta. Không có một truyền thông nào trong xã hội này dám chịu “đóng đinh” cho con người vì thông tin mình đưa ra. Vâng, không thể có được, bởi vì mấy ai tin vào điều chính mình nói!

Đức Yêsu là Lời của Chúa Cha. Chúng ta đọc Tin Mừng “và Lời đã làm người”, chúng ta cảm được một mầu nhiệm cao sang và sâu thẳm. Và khi Lời cao cả ấy cúi xuống nói với chúng ta bằng chính ngôn ngữ của chúng ta, chúng ta thấy sững sờ. Người không bắt chúng ta đi học ngôn ngữ của Người ở trường này lớp nọ. Không. Người nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của chúng ta, trình bày chân lý cao cả qua ngôn ngữ bình dân của con người.

Ai đã từng học và sử dụng ngoại ngữ mới thấy hết tính nhiêu khê phức tạp của ngôn ngữ. Không đơn thuần là câu này trong ngôn ngữ này dịch ra ngôn ngữ kia thế nào. Dịch ra rồi chưa chắc đã đúng ý. Đúng ý rồi chưa chắc đã đúng nghĩa trong ngữ cảnh. Đúng nghĩa trong ngữ cảnh rồi chưa chắc đã đúng về mức độ biểu cảm. Vân vân.
Nếu Đức Yêsu bắt chúng ta học ngôn ngữ của Trời cao, thì điều ấy sẽ là vô vọng đối với chúng ta. Sau nhiều ngàn năm thiên hạ đợi chờ “trời cao đổ xuống sương mai”, Thiên Chúa không chỉ đổ xuống sương mai, mà chính Người đi xuống, và nói với con người bằng ngôn ngữ con người. Tuyệt vời. Chỉ có Thiên Chúa mới là chủ của mọi ngôn ngữ và thấu đáo mọi ngôn ngữ.

Do đó mà giáo huấn Hội Thánh dạy cho chúng ta biết Đức Yêsu chính là Nhà Truyền Thông vĩ đại. Và đến lượt mình, chúng ta phải làm truyền thông như Người. Phải làm truyền thông vì chúng ta nhận được lệnh truyền của Người: “Hãy đi và rao giảng”. Phải làm truyền thông như Đức Yêsu vì chúng ta là môn đệ Người.
Có người nghĩ mình đọc bài về truyền thông Công giáo cho vui, học truyền thông cho biết. Không. Chúng ta phải nói, phải loan truyền, phải thực hiện. Đó là lệnh truyền của Đức Yêsu, và đó là bổn phận người Kytô hữu. Không thể nói tôi không biết vì chưa học. Không thể nói tôi không học vì thiếu khả năng. Không thể nói tôi không có khả năng làm truyền thông. Chúa Yêsu bảo: “Hãy đến với muôn dân”. Và vì vậy mà chúng ta ra đi.

Có nhiều cách để làm truyền thông, chứ không chỉ là viết báo, đọc tin cho Radio hay xuất hiện trên TV. Chị Chiara Lubich của phong trào Focolare diễn tả ngắn gọn: “Chúng tôi lên tiếng la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa”. Hãy la lớn lên, hãy rảo khắp núi đồi mà ca vang lên, hãy đi vào giữa lòng đời mà nói lên, rằng Thiên Chúa, Vương quốc của Ngài và công lý bình an đang đi vào giữa lòng đời.

Xin Mẹ Maria là Đấng đã “vội vã lên đường” khi Mẹ vừa nhận được Tin Vui về Đấng Cứu chuộc rất thánh, giúp chúng con cũng vội vã như Mẹ khi dấn thân vào con đường chúng con đã chọn, con đường mang tên Yêsu.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
(Viết tặng các bạn học viên các lớp Truyền Thông DCCT)