PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Chúa Nhật 19 Thường Niên - năm A (2011)



Dan Lee
08-03-2011, 12:15 AM
Suy Niệm Chúa Nhật 19 Thường Niên - năm A (2011)

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy giới thiệu cho chúng ta Thiên Chúa là nguồn bình an.


1V 19: 9, 11-13

Trong sách Các Vua quyển thứ nhất, Thiên Chúa tỏ mình ra với ngôn sứ Ê-li-a trên núi Khô-rếp. Ngài không đến với ông trong cảnh sấm chớp kinh thiên động địa, cũng không trong cảnh trời đất rung chuyển đến hồn xiêu phách lạc, nhưng trong “làn gió mát hiu hiu thổi”, tức là “trong tiếng động của cõi thinh lặng tinh tế”. Ngài đến với ông trong bầu khí chứa chan ân tình.

Rm 9: 1-5

Bài đọc thứ hai, trích từ thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Rô-ma, là lời tâm sự đầy xao xuyến của thánh nhân trước sự cứng lòng tin của đồng bào Do thái của mình, tuy họ đã được đổ tràn biết bao thánh ân.

Mt 14: 22-33

Tin Mừng tường thuật việc Đức Giê-su đi trên mặt nước để đến cứu giúp các môn đệ đang lâm nạn. Ngay khi Ngài gặp lại các môn đệ trên thuyền, bảo tố trở nên dịu êm. Sự hiện diện của Ngài đem lại sự bình yên cho thiên nhiên và cõi lòng của con người.

BÀI ĐỌC I (1V 19: 9, 11-13)

Sách Các Vua quyển thứ nhất và quyển thứ hai dành một chỗ ưu tiên cho các ngôn sứ, đặc biệt cho ba ngôn sứ: Ê-li-a, Ê-li-sa và I-sai-a.

Ngôn sứ Ê-li-a là một nhân vật thật lạ lùng, kỳ bí và có quyền năng hô phong hoán vũ, nhưng trên hết, một con người của đức tin. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình ở vương quốc phương Bắc, vào triều đại của vua A-kháp (874-853 BC). Sứ mạng của ông gặp nhiều gian truân. Vua A-kháp là một vị quân vương vô đạo. Vợ vua, hoàng hậu I-de-ven, ngoại đạo, công chúa của vua Xi-đon, ông này vừa là vua đồng thời cũng là tư tế của thần Ba-an. Vua A-kháp sùng bái việc cúng tế ngẫu tượng. Vì thế, vua không chịu được những lời khiển trách của ngôn sứ Ê-li-a. Trong khi đó, hoàng hậu I-de-ven quyết tâm truy sát vị ngôn sứ này.

1. Hành trình tâm linh của ngôn sứ Ê-li-a.

Trước cuộc bách hại của vương triều, ngôn sứ Ê-li-a rời bỏ vương quốc phương Bắc, trốn chạy vào vương quốc phương Nam cho đến tận biên giới sa mạc xa xôi. Ở đó, ông quyết định thực hiện một cuộc hành hương về cội nguồn của đức tin, đến núi thánh Khô-rếp (cũng còn gọi núi Xi-nai theo truyền thống vương quốc miền Bắc), nơi Chúa đã hiện ra cho ông Mô-sê. Chán nản vì những công sức của mình đã thành mây khói, vị ngôn sứ cố gắng tôi luyện niềm tin của mình ở chính nơi Thiên Chúa đã tỏ mình ra.

Bốn thế kỷ cách biệt giữa ngôn sứ Ê-li-a và ông Mô-sê. Dường như núi Khô-rếp đã trở thành địa danh hành hương vào thời ngôn sứ Ê-li-a. Vị ngôn sứ nằm nghỉ trong một chiếc hang xưa kia ông Mô-sê đã trú ngụ, nơi mà truyền thống đã xem như thánh địa.

2. Tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa.

Hai hoàn cảnh thần hiện không như nhau. Xưa kia, dân Do thái cắm lều ở dưới chân núi Xi-nai. Vào lúc đó, Thiên Chúa đã ngỏ lời với dân trong tiếng sấm chớp rền vang đến kinh thiên động địa, trời đất rung chuyển đến hồn xiêu phách lạc, ngỏ hầu toàn dân nhận biết sự hiện diện đầy quyền uy của Ngài mà lắng nghe ông Mô-sê, người trung gian của Ngài.

Trái lại, ngôn sứ Ê-li-a đã đơn thương độc mã chống lại với các thế lực thờ ngẫu tượng, không gặp thấy nơi nương tựa nào ngoài một mình Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa tỏ mình ra cho vị ngôn sứ không trong cơn bão tố, cũng không trong trận động đất, cũng không trong lửa, nhưng trong “làn gió mát hiu hiu thổi”, dịch sát từ: “trong tiếng động của cõi thinh lặng tinh tế”. Chính để an ủi ông, Thiên Chúa đến với ông trong bầu khí chan chứa ân tình.

Đây không phải là cách thức khác Thiên Chúa bày tỏ sự thánh thiêng của Ngài sao? Thiên Chúa là Đấng cao vời khôn sánh, nhưng cũng là Đấng rất mực thân tình và gần gũi. Vì thế, Ngài không tất yếu nói với chúng ta trong những biến cố ngoạn mục, nhưng thường nhất là trong cõi thinh lặng của tâm hồn. Vì thế, chỉ những ai biết chăm chú lắng nghe Ngài trong tâm tình yêu mến chân thật, thì mới nhận ra sự hiện diện của Ngài: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3: 20).

Trong trường hợp của ngôn sứ Ê-li-a, Thiên Chúa muốn ông hiểu rằng Ngài đang lắng nghe lời ông cầu nguyện. Chính trong bầu khí ân tình trìu mến mà Ngài muốn chuyện trò với ông. Ngoài ra, không ngoại trừ rằng tác giả muốn cho dân Do thái bất tín và thờ ngẫu tượng một bài học. Thần Ba-an của dân Ca-na-an là thần bão tố; còn Đức Chúa, Thiên Chúa chân thật, thì hoàn toàn khác.

Phụng Vụ hôm nay chủ ý đối chiếu bản văn này với Tin Mừng để giới thiệu Đức Giê-su là Đấng dẹp yên bão tố. Sự hiện diện của Ngài đem lại bình an cho thiên nhiên và cõi lòng con người. Chính Ngài là nguồn mạch bình an.


BÀI ĐỌC II (Rm 9: 1-5)

Bài đọc thứ hai là phần mở đầu chương 9 thư thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Rô-ma. Trong phần mở đầu này, thánh Phao-lô thổ lộ những tâm tư sâu kín khi thú nhận nỗi phiền muộn bao la của ngài trước sự cứng lòng tin của đồng bào mình.

1. Nỗi ưu phiền bao la.

Nỗi phiền muộn của thánh nhân lớn lao đến mức ngài sợ người ta không tin. Vì thế, thánh nhân viện dẫn Đức Ki-tô ra làm chứng: “Có Đức Kitô chứng giám”, đoạn Chúa Thánh Thần: “Lương tâm tôi, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi”. Khi viện dẫn hai nhân chứng này, thánh nhân cho thấy ngài vẫn trung thành với truyền thống Do thái, theo đó một sự kiện được cho là thật nếu có hai nhân chứng.

Thánh nhân vừa mới trình bày hết mực nồng nàn vận mệnh vinh quang được chuẩn bị cho người Ki-tô hữu (chương 8). Quả thật là nỗi đau đến xé lòng nếu như đồng bào của mình đã không dự phần vào vinh quang nầy. Thánh nhân chấp nhận chịu nguyền rủa để cứu anh em đồng bào của mình theo huyết thống, dù phải hy sinh bản thân mình, thì ngài cũng cam lòng. Tiếng kêu tận đáy lòng, tiếng kêu quá đổi bi thương cùng cực, có lẽ được gợi hứng từ tiếng kêu của ông Mô-sê trước sự bất trung của dân Do thái cúi mình thờ lạy con bê vàng: “Lạy Đức Chúa, xin hãy tha thứ tội lỗi của họ! Nếu không, xin hãy xóa tôi ra khỏi Sách sự sống mà Ngài đã viết” (Xh 32: 32).

2. Một dân phản loạn.

Thánh nhân nhắc lại tất cả những ân ban mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài: “Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng giao ước, lề luật, nền phụng tự và những lời hứa” và sau hết, đặc ân cao vời nhất, đó là “Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ”. Thánh nhân còn nói thêm: “Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn đời”. Đây là một trong những điển hình hiếm hoi, ở đó thánh Phao-lô gọi Đức Kitô là Thiên Chúa. Chúng ta còn gặp một điển hình duy nhất khác ở Tt 2: 13: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa vĩ đại và là đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang”.

TIN MỪNG (Mt 14: 22-33)

Chuyện tích Đức Giê-su đạp trên mặt biển phong ba bão táp mà đến với các môn đệ đang lâm nguy trong một con thuyền giữa biển khơi được định vị vào ban đêm sau phép lạ bánh hóa nhiều. Vào buổi chiều hôm trước, Đức Giê-su đã hối thúc các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ hồ bên kia trước, còn Ngài ở lại giải tán đám đông dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình thâu đêm.

Thánh Mát-thêu không đưa ra cho chúng ta bất kỳ lời giải thích nào về việc Đức Giê-su hành xử như vậy. Chúng ta biết được nhờ Tin Mừng thứ tư: “Đức Giê-su biết người ta sắp tôn Ngài làm vua, một lần nữa, một mình rút lui lên núi” (Ga 6: 15). Đức Giê-su cẩn trọng tách riêng các môn đệ của mình ra khỏi đám đông, vì sợ rằng các ông bị đám đông lôi cuốn mà nẩy sinh trong lòng ước muốn tái lập vương triều Ít-ra-en.

1. Tách riêng một mình để cầu nguyện.

Bất cứ khi nào các thánh ký kể ra việc Đức Giê-su cầu nguyện, họ đều nhấn mạnh bầu khí thanh vắng và đơn độc của Ngài: “Đức Giê-su cầu nguyện riêng một mình, trên núi cao, ở một nơi vắng vẽ”. Ngài cầu nguyện vào những thời điểm trang trọng (phép rửa, Biến Hình), trước khi đưa ra những quyết định quan trọng (thử thách trong hoang địa, ở vườn Cây Dầu). Việc Đức Giê-su cầu nguyện sau phép lạ bánh hóa nhiều chính xác đóng vai trò bản lề của câu chuyện. Đám đông tán dương Ngài như một nhà thần thông biến hóa; họ ước mơ một Đấng Thiên Sai quyền năng trần thế; họ để ngoài tai sứ điệp của Ngài. Thất vọng, Đức Giê-su sắp hướng sứ vụ của Ngài theo một hướng đi khác: để hết tâm trí vào việc ưu tiên đào tạo các môn đệ của Ngài. Trước khi đưa ra quyết định nầy, Đức Giê-su cầu nguyện thâu đêm. “Vào khoảng canh tư, Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với họ”. Ngày xưa, đêm được chia thành bốn canh: canh một từ sáu giờ chiều đến chín giờ đêm, canh hai từ chín giờ đêm đến mười hai giờ khuya, canh ba từ mười hai giờ khuya đến ba giờ sáng, canh tư từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng.

2. “Thầy đây, đừng sợ”:

Các môn đệ đang ra sức chèo chống con thuyền trong cơn bảo tố giữa biển khơi trong đêm vắng. Vì thế, các ông hốt hoảng khi thấy một bóng người trong đêm tối đang đạp trên sóng biển dữ dội mà tiến đến con thuyền của mình. Trước tiếng kêu hoảng hốt của các môn đệ, Đức Giê-su đáp trả: “Thầy đây, đừng sợ”. “Thầy đây” theo nguyên bản Hy lạp “Ego Eimi” (tiếng La-tin: “Ego sum”) nghĩa là: “Ta là”. Với thành ngữ nầy, Đức Giê-su khẳng định thần tính của Ngài. “Ta là” quy chiếu đến việc Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê (Xh 3: 13-15). Không phải Kinh Thánh đã không nói: “Trên đại dương là đường Ngài” (Tv 77) sao?

“Lạy Chúa, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Chúng ta tự hỏi phải chăng khi thánh Phê-rô gọi Thầy “Lạy Chúa”, lời kêu cầu chỉ dành riêng cho Đức Chúa, thánh nhân thật sự hiểu lời trấn an này của Thầy là mặc khải thần tính của Ngài? Được Chúa nhận lời, ông hăm hở và liều lĩnh lao mình xuống nước. Ba lần trong Tin Mừng của mình, thánh Mát-thêu nêu bật bản tính của Phê-rô, ông hành động theo cảm tính chứ không suy nghĩ chính chắn, không cân nhắc kỷ lưỡng, như trong câu chuyện nầy, hay vào lúc tuyên xưng đức tin ở Xê-da-rê, hoặc vào lúc Biến Hình.

Tuy nhiên, thánh Phê-rô không hoàn toàn vững tin, thấy sóng to gió lớn, ông hoảng hốt la lên: “Lạy Chúa, xin cứu con”. Đây là lần đầu tiên, một trong các tông đồ đã kêu cầu Đức Giê-su là “Đấng Cứu Độ”. Điều kỳ diệu của thánh Phê-rô chính là cứ mỗi lần hành động theo tính khí nông nỗi của mình, ông vấp ngã; nhưng mỗi lần vấp ngã, ông lại chỗi dậy. Những lần vấp ngã càng giúp ông hiểu Thầy mình hơn và càng gần Thầy hơn.

Ngay lập tức, thánh Phê-rô và các bạn phủ phục trước Đấng, không chỉ chế ngự biển dậy sóng, nhưng còn dẹp yên bão tố, nghĩa là, những thế lực hung dữ, cuồng dại. Các ông đồng thanh tuyên xưng: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.

3. Con thuyền Giáo Hội giữa trần thế:

Chuyện tích này ẩn chứa một hậu cảnh Giáo Hội. Sự kiện Chúa Giê-su dùng quyền năng của Ngài, không những cứu các môn đệ khỏi bị vùi dập trong bảo tố, mà còn cứu cả thánh Phê-rô khỏi chìm xuống biển, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận lời tuyên xưng của thánh Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16: 16) và lời công bố của Chúa Giê-su: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (16: 18-19). Ngoài ra, thánh Mát-thêu mô tả con thuyền bị sóng dữ vùi dập bằng động từ Hy-lạp “tra tấn”, “hành hạ”, chứ không như thánh Mác-cô “Các ông vất vả chèo chóng” (Mc 6: 48). Có lẽ khi thuật lại câu chuyện này, thánh Mát-thêu nhằm gởi sứ điệp đầy hy vọng đến cho Giáo Hội trong cơn bách hại. Quả thật, câu chuyện một con thuyền mong manh nổi trôi trên mặt biển cuồng nộ trong cơn bão tố vào đêm tối mù mịt và việc Đức Giê-su can thiệp để con thuyền được đến bến bình yên là hình ảnh gợi lên trong người đọc biết bao ý tứ về Giáo Hội tại thế. Tét-tu-liên, và sau nầy thánh Âu-tinh, sẽ khai triển chủ đề con thuyền Giáo Hội, dù bị vùi dập trong phong ba bão tố, nhưng Đức Giê-su không bỏ mặc Giáo Hội của Ngài.


Lm Inhaxiô Hồ Thông