PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 23 TN năm A



Dan Lee
09-03-2011, 12:54 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 23 TN năm A


Kính thưa quí ông bà anh chị em, có lẽ ai cũng đã từng một lần nghe những lời như: thuốc đắng giã tật- sự thật mất lòng, hay nhà ai nấy ở - đèn ai nấy sáng. Rồi lại nữa, sống trong thời đại đề cao chủ nghĩa cá nhân quá lẽ, thì vấn đề chuyện riêng tư của người khác, bất cứ là chuyện gì, không ai được đụng đến. Với một chiều hướng như thế, cộng thêm bản tính tự nhiên của con người là: “Thích an thân, muốn co cụm lại trong cái vỏ vò của ích kỷ, lạnh lùng.” Và như thế thì, lời Chúa của Chúa Nhật tuần 23 này ta phải tính làm sao?

Bài Tin Mừng đề cập đến vấn đề sửa lỗi cho nhau. Chúa Giêsu đưa ra trường hợp về người mắc lỗi và kẻ bị làm tổn thương cần được giải quyết như thế nào đây? Thông thường thì ai có lỗi, người đó phải đi bước trước, nghĩa là xin lỗi; còn ở đây, Chúa dạy rằng: “Nếu người anh em của ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.” Ở đây ta phải hiểu rộng ra hơn nữa là, không những người ta có lỗi với mình mà ngay cả khi thấy người ta có sự sai trái, tội lỗi nào đó thì mình cũng phải có bổn phận đi tới để sửa lỗi cho họ, hay nói cách khác là, với tình bác ái để giúp họ nhận ra việc sai trái để mà sửa đổi cho tốt. Đây là một công việc không chỉ dành riêng cho các đấng các bậc, nhưng là của tất cả mọi người; biết rằng đây là một vấn đề tế nhị và đầy khó khăn; khó khăn ở chỗ, ai cũng nói: “Tôi đâu dám sửa dạy người khác, vì tôi đâu có tốt gì hơn ai mà lại dám đi sửa lỗi họ.” Rồi lại nữa, điều Chúa dạy: “Ngươi hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,5). Nghĩ như thế, lại làm cho ta ngại ngùng hơn nữa, nhưng sợ rằng con người dễ vịn cớ vào đó để tranh né, thoái thác điều này, điều kia.

Nói cho cùng, con người sống với nhau cần được dạy dỗ và chỉ bảo lẫn nhau trên phương diện đời sống xã hội và cả trên phương diện thiêng liêng nữa, như lời Chúa trong thơ Do-thái nhắn nhủ: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì Người mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Thật vậy, có người con nào mà người cha không sửa dạy? Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. nhưng ngay sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là sự bình an và công chính” (Dt 12,5-7.11). Nhưng vấn đề khó là ở chỗ: sửa dạy làm sao?

Về điều này, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thức rất hay: “Nếu người anh em của ngươi lỗi phạm, thì ngươi hãy đi sửa lỗi nó, một mình ngươi với nó. Nếu nó chịu nghe ngươi, thì ngươi đã chinh phục được người anh em” (Mt 18,15). Thông thường, chúng ta vẫn nói: ai có lỗi, người đó phải xin lỗi, hoặc là: mặc kệ nó, khỏi chơi với nó nữa là xong. Nhưng ở đây, Chúa muốn những người con của Chúa phải hành xử khác thường, nghĩa là, mặc dù người ta có lỗi với mình, nhưng mình là người chủ động tới sửa dạy người có lỗi với mình một cách nhẹ nhàng và kín đáo. Sửa dạy người ta làm sao cho thật khôn khéo và đi đôi với lời cầu nguyện để xin ơn Chúa soi sáng cho mình và cho người có lỗi.

Khi ta bước thứ nhất mà không thành công thì ta lại tiến tới bước thứ hai: gọi thêm một hay hai người nữa, để cùng với mình sửa dạy người anh em ấy. Thêm một hay hai người nữa không phải là để uy hiếp đối phương bằng số đông mà là, để thêm người nói điều hay lẽ phải mà giúp cho người sai phạm thấy rõ hơn cái lỗi của mình, nhưng cũng đừng quên kèm theo lời cầu nguyện xin Chúa giúp cho mình phải nói làm sao,và soi sáng cho người có lỗi thấy được điều mình làm là sai trái.

Nếu bước thứ hai này không được nữa, thì mời thêm nhiều người, tức là Giáo Hội, và khi tất cả đã dùng hết lời khuyên giải với tình bác ái huynh đệ, mà kẻ có lỗi vẫn không chịu nghe; nghĩa là vẫn khăng khăng cứng đầu cứng cổ cho mình là đúng, là hay, nên không cần phải xin lỗi và cũng chẳng cần sửa đổi gì cả, lúc đó ta bó tay đầu hàng, bởi ‘Hết thuốc chữa” nên biện pháp cuối cùng là nghiêm nghị cứng rắn; kể họ như người ngoài cộng đoàn, người không thuộc về Chúa. Những người như thế ta hãy phó mặc cho Chúa, phần ta vẫn dâng lời cầu nguyện.

Tóm lại, sửa lỗi cho nhau là bổn phận của mỗi người; cách riêng là của những người có trách nhiệm cần phải lên tiếng, cần phải sửa dạy người có tội, có lỗi; vì người có tội cũng như người không, tất cả đều có một mối tương quan với nhau. Tương quan của trách nhiệm và bổn phận vì, như lời của tiên tri Êdêkien, trong bài đọc 1, Chúa Nhật 23 này đã viết: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn người phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ez 33,7). Hiểu như thế thì, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa muốn an thân sẽ không thể biện hộ và tránh né trách nhiệm về lời nói sự thật để sửa lỗi người khác và giúp họ hoán cải, đổi mới.

Khi ta nói lên sự thật, công lý, sự thiện là ta đang đứng về phía Thiên Chúa để chống lại sự ác, tội lỗi. Đây là điều mà mọi con cái của Thiên Chúa phải làm, cho dù phải bị thiệt thòi mất mát, mất tình nghĩa bạn bè anh em hay bất cứ người nào. Vì bước theo Chúa thì đòi buộc như thế. Bởi vì Chúa là chân lý, là sự thật và là sự sống chứ không phải do một sự suy tư nào của con người khởi xướng chủ nghĩa cá nhân triệt để, nên dẫn đến: ai muốn làm gì thì làm, mặc kệ họ, tôi hơi đâu mà bận tâm đến những hành động sai trái, của người khác. Với một não trạng như thế, để rồi lẩn trốn và dung túng cho sự dữ, tội lỗi tung hoành, tác oai, tác quái khắp nơi như ngày nay ta thấy đó, phải chăng đó là một hệ lụy của một xã hội chủ trương tự do cá nhân chủ nghĩa qúa trớn.

Vậy thì, vấn đề chỉ bảo và sửa lỗi cho nhau là vấn đề cần phải có, vì đây là lời của Đấng chân lý truyền dạy chứ không phải là do một sự suy tư nào của con người để rồi, họ đưa ra triết thuyết này, chủ trương kia về cá nhân chủ nghĩa, không được đụng chạm đến đời sống riêng tư cá nhân bất cứ dưới hình thức nào. Ở đây, tiêu chuẩn của người Kitô hữu là chính Chúa Kitô và những gì Ngài truyền dạy, cho nên không ai có lý do gì để mà tránh né hay dựa vào một triết thuyết hay chủ trương nào để mà thoái thác hay trốn tránh trách nhiệm.

Xin cho mỗi người chúng ta biết sống chu toàn bổn phận đối với Chúa và bổn phận đối với anh em, nhờ ơn Chúa giúp, mỗi người hãy can đảm nhận lỗi của mình và hãy đến với anh em trong tình bác ái huynh đệ mà dạy bảo lẫn nhau, và giúp nhau nên thánh. Amen.

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD.