PDA

View Full Version : G - Giá trị của đau khổ



Dan Lee
09-17-2011, 08:52 AM
Giá trị của đau khổ

Thứ Năm sau Chúa Nhật XXIV Thường niên A

Lời Chúa: Ga 19,25-27

25Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. 26Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." 27Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.


Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người (Ga 19,25)

Suy niệm:

“Đứng bên khổ giá Đức Giêsu...”

Tại đền thờ Thánh Phêrô La Mã, có pho tượng thời danh do một nhà điêu khắc trứ danh Michel Ange sáng tác và hiện đang được trưng bày bên phải, gần cửa ra vào của đại Thánh đường Phêrô ở La Mã. Đứng trước pho tượng ấy, người ta có cảm tưởng hình dung được sự đau khổ hiện hình lên, khi nhìn thấy Đức Mẹ sầu bi ôm con chết nằm rũ rượi trong vòng tay.

Đức Mẹ là hiện thân của sự đau khổ. Đức Mẹ tượng trưng cho sự đau khổ trong đời sống. Chúng ta cùng thương Đức Mẹ và tìm hiểu vấn đề đau khổ. Người ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống, trong tiếng khóc chân thật hoặc giả dối của người khác. Đời là bể khổ, vì sao? Xưa nay các nhà hiền triết đã nát óc đi tìm một câu trả lời thỏa đáng. Đức Phật Thích Ca đi tu cũng vì muốn tìm một câu trả lời cho câu hỏi gai góc ấy.

Không hiểu lý do sự đau khổ, người ta tìm cách hủy diệt người đau khổ mà họ cho là những chiếc gai phản tiến hóa. Đã có một thời chính phủ Nhật ra lệnh tập trung tất cả các người bệnh phong hủi trên một hòn đảo nằm giữa biển Thái Bình Dương và tưới xăng lên thiêu rụi cả hòn đảo chứa đầy bệnh nhân ấy. Họ mắc bệnh nan y, họ không có quyền sống. Trong đại thế chiến thứ hai, nhà độc tài Hitler đã ra lệnh cho giám đốc bệnh viện Bethel thủ tiêu tất cả mọi bệnh nhân mắc bệnh thần kinh, vì họ là thành phần vô dụng, ăn hại xã hội và tổ quốc.

Không tin ở Thiên Chúa thì người ta không làm sao hiểu nổi vấn đề đau khổ. Và người ta có thể tuyệt vọng khi không làm sao tránh được đau khổ và bệnh tật. Văn hào vô thần Heney de Montherlant, thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, lúc về già, bị mù. Vì không chịu được sự đau khổ ấy, Montherlant đã dùng súng lục bắn vào họng tự sát.

Vấn đề đau khổ, ai sẽ đem lại cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng? Chỉ có một Chúa là Chúa Giêsu mà Tiên tri Isaia gọi là con người đau khổ, mới có thể trả lời cho chúng ta. Và nhờ ánh sáng Phúc Âm của Chúa mà chúng ta mới hiểu được nguyên do của sự đau khổ.

1. Nguyên do sự đau khổ là gì? Thưa chính là tội lỗi. Sự đau khổ đã xuất hiện từ khi loài người bắt đầu phạm tội và sẽ hứa mãi cho đến ngày tận thế. Mở trang đầu của Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa dựng nên vạn vật, chim trời cá biển, muôn chim cầm thú và chính con người và Thánh Kinh kết luận: “Mọi sự Chúa dựng nên tốt đẹp, rất tốt đẹp” (St 1,31). Nhưng rồi chương trình tốt đẹp ấy bị đổ vỡ. Tội lỗi đã len vào thế gian. Và vì tội thì sự chết nữa” (Rm 5,20). Nghĩa là từ ngày nguyên tổ phạm tội thì đau khổ báo trước sự chết đã ngự trị trên trần gian. Mỗi ngày có bao nhiêu tiếng khóc, có bao nhiêu dòng nước mắt. Bản án còn vang: “Vì ngươi phạm tội thì trái đất sẽ sinh gai góc, ngươi phải làm ăn vất vả, đổ mồ hôi trán mới có ăn và người là bụi tro thì sẽ hoàn về tro bụi”.

Từ đó đời là bể khổ. Đau khổ là do tội lỗi phát sinh. Chúa Giêsu ra đời, Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại. Nhờ sự chết và sống lại, Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Thánh Phaolô nói: “Chúa Giêsu là Đấng đã phó mình vì tội lỗi ta, hầu giải thoát ta khỏi đời hiện tại xấu xa tội lỗi”. (Gl 1,4). Ngài cứu chúng ta khỏi tội nhưng Ngài không cất đi hình phạt của tội lỗi là gian lao đau khổ. Hơn nữa, Ngài dùng đau khổ làm giá chuộc chúng ta.

2. Vì thế, đời sống Chúa Giêsu là một đời đầy gian lao đau khổ. Cuộc sống ấy đi dần đến một cái chết ghê sợ nhất trên đời, nhưng Ngài chấp nhận, Ngài mong chờ nữa vì không có máu đổ ra thì không có ơn cứu chuộc.

Và Chúa cũng muốn rằng người Mẹ mà Ngài thương yêu hơn cả cũng thông phần đau khổ để, trở nên người Mẹ sầu bi. Dưới cây Thập giá, Đức Mẹ đứng. Đứng như một vị Thượng tế dâng của lễ. Trên cây Thánh giá con chết đi trong thân xác thì dưới cây Thập giá, Mẹ cũng chết lịm đi trong tâm hồn.

3. Chúa đã chịu đau khổ để đền tội chúng ta thì Ngài cũng thánh hóa sự đau khổ để nêu gương sáng cho chúng ta. Hơn nữa, Ngài lấy sự nhẫn nại chịu đau khổ như là một điều kiện để theo Ngài, để làm đồ đệ của Ngài.

Ngài long trọng tuyên bố: “Ai muốn theo Ta, thì hãy từ bỏ mình, vác Thập giá và theo Ta” (Mt 16,24). Từ đây không ai có thể tự hào là môn đệ Chúa mà không tham gia vào cuộc thương khó của Chúa, không vui lòng lãnh nhận phần đau khổ riêng tư của mình.

Chúa phán cùng các môn đệ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị giết đi”. Chúng ta hãy nghe rõ: chúng ta hãy lên Giêrusalem, nghĩa là cả Thầy lẫn môn đệ, Chúa và chúng ta.

Vậy khi gặp đau khổ. Chúa dạy ta đừng buông xuôi, đừng thất vọng, đừng lồng lộn, rủa trời, chửi đất mà hãy lại gần Chúa, hãy cầu xin với Đức Mẹ, mẹ sầu bi, Chúa và Đức Mẹ sẽ nâng đỡ ta.

Và nhớ lại phần thưởng lớn lao Chúa dành cho nếu chúng ta biết thánh hóa đau khổ. Thánh Giacôbê Tông đồ nói: “Khi gian nan đau khổ đổ xuống trên anh em, anh em hãy vui mừng vì triều thiên sự sống Chúa dành cho những ai yêu mến Người”.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con hiểu mầu nhiệm Thánh giá trong đời chúng con và được can đảm, nhẫn nại vui lòng lãnh nhận Thánh giá Chúa gửi đến hàng ngày, như xưa Mẹ đã từng đón nhận với tất cả niềm tin yêu và tín thác.