PDA

View Full Version : R - Ra khỏi chính mình



Dan Lee
09-28-2011, 07:52 PM
Ra khỏi chính mình

Thứ Ba sau Chúa Nhật XXVI Thường niên A

Lời Chúa: Lc 9, 51-56



51Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. 52Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. 53Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. 54Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? " 55Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. 56Rồi Thầy trò đi sang làng khác.


Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem (Lc 9,51)

Suy niệm:

Ðể lại một tên tuổi, có được một danh thơm tiếng tốt, đó vốn là ước mơ chung của mọi người. Tuy nhiên, được người khác trân trọng nhắc nhớ và mến thương hay không là tùy cách sống của mỗi người. Nói chung, cuộc đời hy sinh cho người khác, dù chỉ là hy sinh âm thầm cũng luôn được nhớ đến. Phải chăng đó không là ao ước của cố nhạc sĩ Văn Cao khi ông nói: "Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì? Tôi sẽ để lại gì nếu tôi chỉ khư khư giữ cho riêng mình? Nhưng nếu tôi có ra khỏi tôi, có trao ban chính mình, thì điều tôi để lại chính là bản thân tôi; bản thân tôi tìm gặp đã đành, mà đó cũng là quà tặng tôi để lại cho đời".

Có thể đó cũng là ý nghĩa chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nếu mỗi tác giả Tin Mừng có một sợi chỉ xuyên suốt nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, thì theo sự trình bày của thánh Luca, sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu chính là cuộc hành trình lên Giêrusalem. Với thánh Luca, cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình ra đi không ngừng để đạt tới đích điểm là Giêrusalem, nơi gặp gỡ chung cục giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do thái cũng như chính quyền Roma. Giêrusalem là cao điểm của cuộc song đấu giữa quyền lực sự dữ và tình yêu diễn ra trong con người Chúa Giêsu. Giêrusalem, xét cho cùng, chính là cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu; đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người.

Nếu đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.

Ra đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao "đi qua khỏi mình" chính là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.

Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết rùng rợn, khủng khiếp đang chờ đợi, Chúa vẫn ung dung, tự tin và bình thản. Tấm lòng nhân hậu của Chúa vẫn không bị mất đi vì sự cau có, nóng giận của các môn đệ và thái độ bất kính của dân miền Samari. Xin Chúa ban cho chúng con biết học gương của Ngài. Luôn có cái nhìn bình thản và một tấm lòng nhân ái. Ðể trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, chúng con biết xử sự một cách khôn khéo và khoan dung như Chúa. Amen