PDA

View Full Version : C - Có một chủ vườn kia



Dan Lee
09-30-2011, 10:45 PM
Có một chủ vườn kia


“Chủ vườn” là từ quan trọng trong dụ ngôn này, cùng với một từ khác tương ứng với từ đó: “hoa trái”. Người chủ vườn này muốn có những hoa trái đặc biệt. Với lòng quan tâm chăm sóc, ông trồng một vườn nho và mong đợi một mùa thu hoạch tốt đẹp, nhưng các tá điền không có vẻ gì là hoạt động cả. Chủ vườn sai đầy tớ tới: tá điền giết chết họ. Thế là chủ vườn thực hiện một hành vi điên rồ: ông sai chính con trai của mình đến và con trai ông cũng bị giết.

Chúng ta biết rằng người con trai này chính là Chúa Giêsu, nhưng vườn nho này là vườn nho nào? Những thợ làm vườn nho là ai? Chúng ta phải làm gì trong câu chuyện này?

Từ một vườn nho ở trên một sườn đồi, dụ ngôn kể chuyện những tương quan giữa Thiên Chúa và con người, điều mà Tin Mừng gọi là Nước Trời: “Ta sẽ là Chúa của các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta”, Chúa đã nói như thế. Đây là món quà đẹp nhất của Thiên Chúa, ông chủ của mọi sự, người thầy của mọi sự.

Thiên Chúa mong ước ban Nước Trời cho chúng ta. Là tình yêu Thiên Chúa muốn làm cho tất cả mọi người thành một dân tộc của tình yêu. Điều này muốn nói lên hai điều luôn luôn liên kết với nhau một cách chặt chẽ: một dân tộc gồm những con cái được Thiên Chuá yêu thương và yêu thương Thiên Chúa; một dân tộc gồm những người anh em yêu thương nhau. Đó là vườn nho và đó là những mùa hái nho.

Để thực hiện dự định vĩ đại này, Thiên Chúa đã chọn một dân tộc nhỏ làm hạt giống, làm men, đó là Israel. Ngài đã giao phó vườn nho của Ngài, tức là dự án về Nước trời cho dân tộc này.

Thất vọng. Được các vị lãnh đạo tôn giáo dẫn dắt tồi, Israel không sử dụng cho đúng những đặc ân của mình. Chúa sai đến cho Israel những sứ ngôn, những tiên tri, nhưng nước này không nghe họ. Coi thường chủ vườn, các tá điền xấu tin rằng họ có thể một mình làm chủ vườn nho của Chúa. Họ chăm sóc vườn nho không tốt bởi vì các ân sủng của Thiên Chúa chỉ sinh hoa kết quả với Thiên Chúa mà thôi.

Trong một nhiệt tình yêu thương tối hậu, Thiên Chúa sai Con Trai của Ngài để dạy cho các thợ làm vườn nho biết cách làm cho vườn nho của Chúa sinh lợi, biết cách sống vì Nước Trời như thế nào. Nhưng hết rồi, vào cuối Tin Mừng, Chúa Giêsu nhận thấy rằng chính Ngài cũng không được lắng nghe, các nhà lãmh đạo dân chúng muốn bóp nghẹt tiếng nói của Ngài.

Thế rồi Ngài đưa ra một lời đe doạ hoàn toàn không khoan nhượng cho những ai tự xem mình là những người được ưu tiên vĩnh viễn, những người chủ của các ân sủng của Thiên Chúa. Cho tới lúc đó, Chúa thường đe doạ họ và thậm chí sửa phạt họ một cách nghiêm khắc, nhưng không hề có ai dám nói với họ rằng Thiên Chúa sẽ giao phó vườn nho của Ngài cho những người khác. Dầu sao thì đây cũng chính là ý nghĩa của dụ ngôn ghê gớm này mà những từ cuối cùng rơi xuống như một cái máy chém: “Nước Trời sẽ được cất khỏi các ngươi và sẽ được trao cho dân khác làm cho trổ sinh hoa trái”,

Lời đe doạ đã được thực hiện, người Kitô hữu tiếp tục sự nghiệp của người Do thái. Điều này không xoá bỏ sự vĩ đại của dân tộc đã được chọn đầu tiên và vẫn là một dân tộc được chọn này (Rm 11, 28-29). Dân Do thái vẫn tiếp tục loan báo Đấng Tối Cao bằng đức tin sâu xa và thường rất anh hùng của họ. Tiếp theo sau và cùng với dân Do thái chúng ta nên giòng mạc khải Do thái –Kitô giáo. Và dụ ngôn này phải làm cho chúng ta suy nghĩ về sự vĩ đại và trách nhiệm của chúng ta. Thật là một sứ mạng nặng nề! Sống tình yêu, loan truyền tình yêu khắp nơi, tạo ra những kết quả thực sự của Nước Trời. Chúng ta có xứng đáng không? Người Kitô hữu và những nhà lãnh đạo tín hữu có tỏ ra trên khắp thế giới như là những tá điền tốt, những thợ làm vườn nho tốt của ông chủ duy nhất của vườn nho hay không?