Dan Lee
10-07-2011, 07:18 PM
TIỆC CƯỚI CHO MUÔN DÂN
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay vẽ lên bức tranh đầy màu sắc hy vọng của ơn cứu độ được ban cho muôn dân. Ngôn sứ Isaia không chỉ tiên báo cảnh hồi hương cho một dân tộc bị lưu đày nhưng ông còn cho thấy một viễn tượng lớn lao hơn nữa qua hình ảnh Thiên Chúa sẽ mở tiệc thiết đãi muôn dân. Đó là hình ảnh của ngày viên mãn, của bữa tiệc cánh chung mà tất cả những ai đáp lời đều tìm thấy cho mình một chỗ trong bữa tiệc ấy. Tuy nhiên “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”, tuỳ thuộc vào sự đáp trả thế nào của mỗi người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Lời đáp trả xứng đáng là không cậy vào sức riêng của mình để thấy mình đáng được dự phần trong bữa tiệc ấy nhưng là hoàn toàn tin rằng Đức Giêsu Kitô có thể làm cho chúng ta, vốn là những kẻ tội lỗi không đáng dự phần, được trở nên những vị thánh trong nước của Người.
Những lời loan báo đầy tính khải huyền của ngôn sứ Isaia không chỉ hướng đến việc Thiên Chúa sẽ phán xét và phá tan các thế lực dân ngoại, Người sẽ làm cho thành trì chúng ra bình địa tan hoang, Người sẽ cho Giêrusalem được phục hồi, mà còn cho thấy viễn cảnh của ngày cánh chung, ngày Đức Chúa hoàn tất mọi sự. Quả thế, Thiên Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc, không phải là tiệc mừng chiến thắng mang tính tạm thời, nhưng là tiệc của tất cả những ai được tuyển chọn, sau cuộc xét xử, khi Thiên Chúa sẽ huỷ diệt sự chết. Đó là hình ảnh của ngày muôn dân thiên hạ, chẳng kể gì dân Do-thái, sẽ đến dự tiệc của Đức Chúa bởi chính Người là Đức Chúa họ từng trông đợi.
Quả thế, hình ảnh Nước Trời trong dụ ngôn “Tiệc cưới” của Đức Giêsu cũng là bữa tiệc được mở ra cho hết thảy mọi người. Đức Giêsu cho thấy người Do-thái chính là “các quan khách đã được mời trước”. Họ là dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Họ đã được các ngôn sứ rao giảng về sự công bằng, lòng thương xót và sự tín thác vào một Thiên Chúa duy nhất. Họ đã nghe nhưng lại không đón nhận những lời rao giảng ấy. Thế nên, họ là những kẻ không nghe lời mời gọi “dự tiệc” của Thiên Chúa và đã khước từ Người bằng nhiều lý do. Vì lẽ đó, họ cũng khước từ chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, Đức Giêsu chứng tỏ cho họ thấy kế hoạch của Thiên Chúa không thất bại khi các Tông đồ được sai đến “các ngả đường”, đến với mọi dân. Do vậy, Hội thánh được mở ra cho hết thảy mọi người chứ không chỉ là người Do-thái.
Đối với các Kitô hữu, thánh lễ là bàn tiệc duy nhất của Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô Phục Sinh đã quy tụ những con người phải chết và bị chia rẽ, để nhờ Thần Khí Thiên Chúa, họ được biến đổi và được sống lại hầu có thể tham dự bữa tiệc dành cho kẻ sống. Chính trong ý nghĩa phong phú ấy mà mỗi Kitô hữu cần nhớ hơn rằng Thiên Chúa, qua tiệc Mình và Máu Con Chiên, mời gọi chúng ta mỗi ngày sẵn sàng tham dự tiệc cưới dành cho toàn thể nhân loại. Thế nên, mỗi tín hữu mang lấy nơi mình nhiệm vụ làm sao cho tất cả mọi người được hợp nhất và được hoà giải với nhau trong Chúa Kitô. Vì vậy, điều đòi hỏi nơi những ai đang dự tiệc cưới là ý thức về ơn gọi của mình. Y phục lễ cưới không phải là một đòi buộc của hình thức bên ngoài nhưng là dấu chỉ của niềm tin và sự trung tín vào Thiên Chúa. Đó là chiếc áo của những người không cậy vào sức riêng mình để thấy mình xứng đáng được dự phần nhưng tin vào Đấng đã đổ máu mình ra hầu tẩy xoá tội nhân loại, có thể làm cho mình được nên sạch và đáng được cùng Người chung phần trong Nước Trời.
Thế giới hôm nay đang cần những chứng nhân của niềm hy vọng về một bữa tiệc viên mãn cho hết thảy những ai khắc khoải kiếm tìm những giá trị chân thật và vĩnh cửu. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới của sự từ chối hoặc xem nhẹ các giá trị vĩnh cửu. Sự đánh đổi giữa “bữa tiệc” và những toan tính riêng tư kéo theo một trào lưu của sự tục hoá và giản lược các giá trị. Nguy cơ chủ nghĩa vô thần thống trị có thể khiến chúng ta chao đảo trước câu trả lời về tính chân thật cho một bữa tiệc cánh chung khả dĩ tồn tại. Thế nên, đời sống Kitô hữu là một đòi hỏi khẩn thiết minh chứng cho bữa tiệc cánh chung và lời mời gọi muôn dân hiệp nhất nên một trong một thân thể duy nhất là Hội thánh, có Đức Kitô là Đầu và là Đấng đưa Hội thánh đến sự viên mãn trong ơn gọi của mình.
Tóm lại, bữa tiệc của Thiên Chúa là cuộc thiết đãi lớn dành cho muôn dân. Đó là ơn cứu độ được ban cho hết thảy những ai đáp lời mời tham dự “tiệc cưới” Chiên Thiên Chúa. Quả thế, trong Đức Kitô Giêsu, mọi người được mời gọi trở nên khách mời của Thiên Chúa. Chính niềm tin vào Đấng đã chết và sống lại làm cho hết thảy những ai không cậy vào sức riêng mình được dự phần trong bữa tiệc dành cho kẻ sống. Nhờ niềm tin ấy, họ kiên trì tiến bước và nhẫn nại chịu đựng những khốn khó khi phải đối mặt với lời từ chối của thế gian. Đó là kinh nghiệm chúng ta nhận được từ thánh Phaolô, để cùng người, chúng ta sống như một Kitô hữu và chiến đấu như một chiến sĩ của đức tin vì Đức Kitô, bởi lẽ: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu đựng được hết” (Pl 4,13).
Học viện Đaminh
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay vẽ lên bức tranh đầy màu sắc hy vọng của ơn cứu độ được ban cho muôn dân. Ngôn sứ Isaia không chỉ tiên báo cảnh hồi hương cho một dân tộc bị lưu đày nhưng ông còn cho thấy một viễn tượng lớn lao hơn nữa qua hình ảnh Thiên Chúa sẽ mở tiệc thiết đãi muôn dân. Đó là hình ảnh của ngày viên mãn, của bữa tiệc cánh chung mà tất cả những ai đáp lời đều tìm thấy cho mình một chỗ trong bữa tiệc ấy. Tuy nhiên “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”, tuỳ thuộc vào sự đáp trả thế nào của mỗi người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Lời đáp trả xứng đáng là không cậy vào sức riêng của mình để thấy mình đáng được dự phần trong bữa tiệc ấy nhưng là hoàn toàn tin rằng Đức Giêsu Kitô có thể làm cho chúng ta, vốn là những kẻ tội lỗi không đáng dự phần, được trở nên những vị thánh trong nước của Người.
Những lời loan báo đầy tính khải huyền của ngôn sứ Isaia không chỉ hướng đến việc Thiên Chúa sẽ phán xét và phá tan các thế lực dân ngoại, Người sẽ làm cho thành trì chúng ra bình địa tan hoang, Người sẽ cho Giêrusalem được phục hồi, mà còn cho thấy viễn cảnh của ngày cánh chung, ngày Đức Chúa hoàn tất mọi sự. Quả thế, Thiên Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc, không phải là tiệc mừng chiến thắng mang tính tạm thời, nhưng là tiệc của tất cả những ai được tuyển chọn, sau cuộc xét xử, khi Thiên Chúa sẽ huỷ diệt sự chết. Đó là hình ảnh của ngày muôn dân thiên hạ, chẳng kể gì dân Do-thái, sẽ đến dự tiệc của Đức Chúa bởi chính Người là Đức Chúa họ từng trông đợi.
Quả thế, hình ảnh Nước Trời trong dụ ngôn “Tiệc cưới” của Đức Giêsu cũng là bữa tiệc được mở ra cho hết thảy mọi người. Đức Giêsu cho thấy người Do-thái chính là “các quan khách đã được mời trước”. Họ là dân tuyển chọn của Thiên Chúa. Họ đã được các ngôn sứ rao giảng về sự công bằng, lòng thương xót và sự tín thác vào một Thiên Chúa duy nhất. Họ đã nghe nhưng lại không đón nhận những lời rao giảng ấy. Thế nên, họ là những kẻ không nghe lời mời gọi “dự tiệc” của Thiên Chúa và đã khước từ Người bằng nhiều lý do. Vì lẽ đó, họ cũng khước từ chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, Đức Giêsu chứng tỏ cho họ thấy kế hoạch của Thiên Chúa không thất bại khi các Tông đồ được sai đến “các ngả đường”, đến với mọi dân. Do vậy, Hội thánh được mở ra cho hết thảy mọi người chứ không chỉ là người Do-thái.
Đối với các Kitô hữu, thánh lễ là bàn tiệc duy nhất của Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô Phục Sinh đã quy tụ những con người phải chết và bị chia rẽ, để nhờ Thần Khí Thiên Chúa, họ được biến đổi và được sống lại hầu có thể tham dự bữa tiệc dành cho kẻ sống. Chính trong ý nghĩa phong phú ấy mà mỗi Kitô hữu cần nhớ hơn rằng Thiên Chúa, qua tiệc Mình và Máu Con Chiên, mời gọi chúng ta mỗi ngày sẵn sàng tham dự tiệc cưới dành cho toàn thể nhân loại. Thế nên, mỗi tín hữu mang lấy nơi mình nhiệm vụ làm sao cho tất cả mọi người được hợp nhất và được hoà giải với nhau trong Chúa Kitô. Vì vậy, điều đòi hỏi nơi những ai đang dự tiệc cưới là ý thức về ơn gọi của mình. Y phục lễ cưới không phải là một đòi buộc của hình thức bên ngoài nhưng là dấu chỉ của niềm tin và sự trung tín vào Thiên Chúa. Đó là chiếc áo của những người không cậy vào sức riêng mình để thấy mình xứng đáng được dự phần nhưng tin vào Đấng đã đổ máu mình ra hầu tẩy xoá tội nhân loại, có thể làm cho mình được nên sạch và đáng được cùng Người chung phần trong Nước Trời.
Thế giới hôm nay đang cần những chứng nhân của niềm hy vọng về một bữa tiệc viên mãn cho hết thảy những ai khắc khoải kiếm tìm những giá trị chân thật và vĩnh cửu. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới của sự từ chối hoặc xem nhẹ các giá trị vĩnh cửu. Sự đánh đổi giữa “bữa tiệc” và những toan tính riêng tư kéo theo một trào lưu của sự tục hoá và giản lược các giá trị. Nguy cơ chủ nghĩa vô thần thống trị có thể khiến chúng ta chao đảo trước câu trả lời về tính chân thật cho một bữa tiệc cánh chung khả dĩ tồn tại. Thế nên, đời sống Kitô hữu là một đòi hỏi khẩn thiết minh chứng cho bữa tiệc cánh chung và lời mời gọi muôn dân hiệp nhất nên một trong một thân thể duy nhất là Hội thánh, có Đức Kitô là Đầu và là Đấng đưa Hội thánh đến sự viên mãn trong ơn gọi của mình.
Tóm lại, bữa tiệc của Thiên Chúa là cuộc thiết đãi lớn dành cho muôn dân. Đó là ơn cứu độ được ban cho hết thảy những ai đáp lời mời tham dự “tiệc cưới” Chiên Thiên Chúa. Quả thế, trong Đức Kitô Giêsu, mọi người được mời gọi trở nên khách mời của Thiên Chúa. Chính niềm tin vào Đấng đã chết và sống lại làm cho hết thảy những ai không cậy vào sức riêng mình được dự phần trong bữa tiệc dành cho kẻ sống. Nhờ niềm tin ấy, họ kiên trì tiến bước và nhẫn nại chịu đựng những khốn khó khi phải đối mặt với lời từ chối của thế gian. Đó là kinh nghiệm chúng ta nhận được từ thánh Phaolô, để cùng người, chúng ta sống như một Kitô hữu và chiến đấu như một chiến sĩ của đức tin vì Đức Kitô, bởi lẽ: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu đựng được hết” (Pl 4,13).
Học viện Đaminh