PDA

View Full Version : KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG



Nguyenct
10-08-2011, 07:46 AM
KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG

Thói quen suy nghĩ miên man của con người hầu hết đều có tính tự động , thiếu tự chủ và lặp đi lặp lại . Thói quen này không khác gì một loại nhiễu sóng của trí năng , và nó không giúp ích gì cho mục đích thực sự của đời bạn . Chính xác mà nói , không phải là bạn suy nghĩ mà suy nghĩ là cái xảy ra trong bạn . Câu nói “Tôi nghĩ” hàm ý như thể bạn muốn có động thái suy tư xảy ra . Mệnh đề này cũng ngụ ý rằng bạn có quyền chủ động trong chuyện “suy nghĩ” , rằng bạn có chọn lựa . Tuy nhiên , điều này chưa hề xảy ra đối với hầu hết mọi người . Câu nói “Tôi nghĩ” cũng mang tính sai lầm như câu “Tôi có thể làm cho máu huyết ở trong người tôi lưu chuyển” hoặc “Tôi có thể ra lệnh cho thức ăn ở trong dạ dày tôi phải tiêu hóa” . Tiêu hóa tự nó xảy ra , máu huyết tự lưu chuyển và suy nghĩ tự diễn ra ở trong bạn.

Tuy nhiên , tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn có một đời sống riêng của nó . Mọi người hầu hết đều nằm dưới quyền điều khiển của tiếng nói đó . Họ bị tiếng nói đó chiếm hữu ; họ bị suy tư ở trong họ chiếm hữu . Vì suy tư của bạn thường bị ám ảnh bởi quá khứ , do đó bạn buộc phải diễn đi diễn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ . Ở phương Đông gọi đó là Nghiệp Báo . Khi bạn nhầm lẫn tự cho rằng tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn chính là bạn thì dĩ nhiên bạn không biết được mình đang tự đồng nhất mình với tiếng nói đó . Khi bạn nhận ra tình trạng này thì bạn sẽ không còn bị chiếm hữu , vì bạn chỉ có thể chiếm hữu khi bạn nhầm lẫn cái thực thể chiếm hữu kia chính là bạn . Nói một cách khác, bạn đã vô thức trở thành thực thể đó .

(Cái thực thể chiếm hữu kia: Tức là tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn , tức cũng là bản ngã của bạn )

Hàng ngàn năm qua , con người ngày càng bị thói quen suy nghĩ miên man ở trong đầu họ điều khiển , vì họ không phân biệt được cái thực thể đang chiếm hữu mình đó không phải là mình . Vì bạn vô thức tự đồng hóa mình với suy tư nên cảm nhận sai lầm về chính mình đó , tức là bản ngã , mới có thể xuất hiện . Mức độ nặng nhẹ của bản ngã tùy thuộc vào mức độ tự đồng nhất giữa bạn ( tức nhận thức ) với suy tư. Suy nghĩ thực ra chỉ là một khía cạnh nhỏ của nhận thức – tức bản chất chân thực của bạn .

Mức độ tự đồng nhất mình với suy tư ở trong mỗi người rất khác nhau . Nhiều người thích hưởng những phút giây , dù ngắn ngủi , khi họ vượt thoát khỏi sự đồng nhất này , và cảm giác an bình , niềm vui , vẻ sống động mà họ có được trong giờ phút đó làm cho họ cảm thấy cuộc đời rất đáng sống . Những giây phút này cũng là lúc sức mạnh sáng tạo , tình yêu và lòng xót thương nảy sinh . Một số khác thì rơi vào những trạng huống đặt họ nằm dưới sự khống chế của bản ngã . Những lúc đó , họ cảm thấy rất xa lạ với chính họ , với những người chung quanh . Khi ta nhìn họ , ta có thể nhận ra vẻ căng thẳng thể hiện ở đôi lông mày nhíu lại , và đôi mắt thì lơ đảng hoặc nhìn chăm chăm vào một vật gì đó . Vì họ đang bị cuốn hút vào những suy nghĩ miên man nên họ thực sự không nhìn thấy bạn và cũng không nghe được bạn nói gì . Họ không có mặt trong bất cứ tình huống nào , vì họ chỉ chú tâm đến quá khứ hoặc tương lai , mà dĩ nhiên là quá khứ và tương lai chỉ hiện hữu ở trong đầu họ dưới dạng những ý nghĩ . Cũng có thể họ giao tiếp với bạn qua một vai diễn nào đó mà bạn biết đó thực sự không phải là con người chân thật của họ . Hầu hết con người đều cảm thấy xa lạ với bản chất chân thực của mình , nhưng ở một số người thì cảm giác xa lạ đó đã lên cao đến mức mọi người đều cho là cách cư xử và giao tiếp của họ là “giả dối” , ngoại trừ đối với những người cũng cư xử giả dối như thế , tức là những người cũng quá xa lạ với bản chất chân thực của chính họ .


Cảm giác xa lạ ở đây có nghĩa là bạn không còn cảm thấy dễ chịu trong bất kỳ tình huống nào , ở bất kỳ nơi nào , với bất kỳ một ai , ngay cả với chính mình . Bạn như thể đang cố gắng để trở “về nhà” , nhưng bạn lại không bao giờ cảm thấy mình đang ở nhà . Một số văn hào lớn của thế kỷ 20 như Franz Kafka , Eliot , James Joyce …. Là những người đã nhận ra sự lạ lẫm này ; đó chính là tình thế nan giải rất phổ quát đối với thân phận con người hiện nay . Họ cảm nhận điều đó trong chính mình một cách sâu sắc đến mức họ có thể chuyển tải nó một cách sống động qua các tác phẩm văn chương . Dù họ không đưa ra một giải pháp hiện hữu nào nhưng đóng góp của họ là phản ánh được tình trạng nan giải của con người thời hiện đại , giúp vấn đề trở nên rõ ràng hơn , bởi ý thức về tình trạng ấy cũng chính là bước đầu tiên để vượt qua nó .

SỰ PHÁT SINH CỦA CẢM XÚC

Một chiều không gian khác của bản ngã ngoài thói quen suy nghĩ miên man chính là cảm xúc , dù cảm xúc không hoàn toàn tách biệt khỏi ý nghĩ . Khi nói như vậy , tôi không có ý cho rằng cảm xúc và ý nghĩ là những thứ thuộc về bản ngã . Chúng chỉ trở thành một phần của bản ngã khi bạn đồng nhất với chúng và chúng hoàn toàn chiếm hữu bạn , tức là chúng trở thành cái “Tôi” của bạn .


Cơ thể là một cơ cấu vật chất , nó có sự thông minh sáng tạo của riêng nó giống như ở mọi thể sống khác . Sự thông thái đó đang phản ứng với những gì mà đầu óc của bạn đang “nghĩ” , phản ứng với những ý nghĩ tiêu cực đang xảy ra trong đầu bạn . Và cảm xúc chính là phản ứng của cơ thể với những ý nghĩ đang xảy ra ở trong đầu bạn . Dĩ nhiên sự thông minh của cơ thể con người là một phần không thể tách rời của cơ chế thông minh của vũ trụ ; nó là một trong vô số biểu hiện của cơ chế thông mình này . Sự thông minh đó tạo ra sự liên kết tạm thời giữa các phân tử và nguyên tử tạo nên cơ thể của bạn . Sự thông minh đó là nguyên lý cấu thành đứng đằng sau mọi hoạt động của tất cả các tổ chức của cơ thể , đằng sau cự chuyển đổi ô xi và thực phẩm thành năng lượng , đằng sau nhịp đập của trái tim và sự tuần hoàn của máu , đằng sau hệ miễn dịch che chở cho cơ thể khỏi bị vi trùng xâm nhập . Các giác quan thu nhận những kích thích từ bên ngoài và chuyển thành các xung động thần kinh để đưa lên não bộ , ở đó chúng được giải mã và tập hợp lại thành những hình ảnh rõ ràng về thế giới bên ngoài ở trong bạn . Cái cơ chế thông minh sáng tạo đó phối hợp nhịp nhàng đến độ hoàn mỹ với hàng ngàn các chức năng phức tạp khác nhau . Chính cái cơ chế thông minh này đang điều hành cơ thể của bạn . Chứ bạn không phải là người điều hành cơ thể mình . Nó cũng chịu trách nhiệm cho những phản ứng của cơ thể đối với môi trường xung quanh .


Điều này cũng đúng cho mọi thể sống . Sự thông thái đó cũng là cơ chế đưa cây cối nên hình nên dạng , rồi biểu hiện thành hoa , những cánh hoa xòe ra để đón những tia sáng mặt trời buổi sáng rồi khép lại khi đêm về . Nó cũng là cái cơ chế thông minh được thể hiện ra thành Gaia , tức là sinh thể phức tạp mà người ra gọi là Địa Cầu .

Cái cơ chế thông thái này làm nảy sinh phản ứng mang tính bản năng khi bạn gặp thách thức hay đe dọa . Nó tạo ra ở súc vật những phản ứng có vẻ tương tự như các cảm xúc sợ hãi , giận dữ , vui mừng ở con người . Những phản ứng có tính chất bản năng này có thể được xem là các dạng cảm xúc nguyên thủy . Trong một số tình huống , con người cũng phản ứng có tính chất bản năng như ở loài vật . Khi gặp nguy hiểm , khi sự tồn tại của bản thân bị đe dọa thì tim ta đập nhanh hơn , các cơ bắp co lại và hơi thở trở nên gấp rút để chuẩn bị giao chiến hay bỏ chạy – đây là nỗi sợ hãi nguyên thủy . Khi bị dồn vào chân tường là lúc nguồn năng lượng mạnh mẽ bật lên giúp cơ thể có sức mạnh chưa từng có trước đây - đó là nỗi giận dữ nguyên thủy . Những phản ứng thuộc bản năng này có vẻ tương tự như cảm xúc nhưng không phải là cảm xúc theo cái nghĩa thực của từ này . Sự khác biệt về một phản ứng bản năng và một cảm xúc là ở chỗ : bản năng là phản ứng trực tiếp của cơ thể đối với những trạng huống có thật ở bên ngoài , trong khi cảm xúc lại là phản ứng của cơ thể đối với một ý nghĩ chỉ có ở trong đầu bạn . Một cách gián tiếp , cảm xúc có thể là một phản ứng cho một tình huống hay một sự kiện thực tế nhưng đó là những phản ứng qua những suy diễn của trí năng , thông qua lăng kính chọn lọc của suy nghĩ , tức là thông qua những khái niệm về tốt/xấu , yêu/ghét, về Tôi, của Tôi ,…. Ví dụ , bạn chẳng động lòng khi nghe một người nào đó vừa bị mất xe nhưng nếu đó là chiếc xe “của bạn” thì có thể bạn sẽ rất bối rối. Điều đáng kinh ngạc là một khái niệm cỏn con ở trong đầu như là “của tôi” lại sản sinh ra biết bao là cảm xúc .

Dù cơ thể của bạn rất thông minh nhưng nó không phân biệt được sự khác biệt giữa một ý nghĩ ở trong đầu bạn và một tình huống có thật . Nó phản ứng lại với một ý nghĩ như thể đó là một điều có thật . Cơ thể bạn không biết nó chỉ là một ý nghĩ . Đối với cơ thể , một ý nghĩ lo sợ nào đó ở trong đầu bạn đều mang cảm giác rằng “Chết , mình đang lâm nguy”. Và cơ thể bạn sẽ phản ứng với ý nghĩ đó tức thì , cho dù lúc đó bạn vẫn đang nằm an toàn trên một chiếc giường ngủ tiện nghi , ấm áp thì ti bạn vẫn thở nhanh hơn , các cơ co lại và hơi thở của bạn trở nên gấp rút . Năng lượng sợ hãi được tích tụ nhưng vì đó chỉ là một hư cấu của trí óc bạn và tạo thêm những ý nghĩ lo âu khác . Còn phần năng lượng sợ hãi còn lại trong cơ thể sẽ đầu độc và ngăn cản sự vận hành điểu hòa của cơ thể .

CẢM XÚC VÀ BẢN NGÃ


Bản ngã không những là phần trí năng không được kiểm soát của bạn , là tiếng nói luôn vang vang ở trong đầu bạn , thường giả vờ là bạn , mà bản ngã còn là phần cảm xúc , mà bạn thường không ý thức , được gây ra do phản ứng của cơ thể đối với những tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn.

Như ta đã biết , tiếng nói của bản ngã này hầu như lúc nào cũng tạo ra loại ý nghĩ đi kèm , và sự tha hóa hiển nhiên diễn ra trong cơ cấu của các quá trình suy nghĩ của bản ngã , bất kể chúng mang nội dung gì . Cơ thể bạn luôn phản ứng lạ lối suy nghĩ mang tính tha hóa này bằng cách tạo ra những cảm xúc tiêu cực .

Tiếng nói ở trong đầu bạn kể ra một câu chuyện mà cơ thể bạn tin như thể đó là một điều có thật và cơ thể bạn sẽ phản ứng dưới dạng những cảm xúc tiêu cực . Đến lượt những cảm xúc đó lại cung cấp thêm năng lượng cho những ý nghĩ vô thức đã tạo nên cảm giác ban đầu đó . Đây là cái vòng lẩn quẩn giữa những ý nghĩ và cảm xúc không được bạn kiểm chứng , và điều này tạo điều kiện cho lối nghĩ gây nên bởi cảm xúc và tạo nên những câu chuyện đầy cảm tính.

Phần cảm xúc của bản ngã thay đổi theo từng người . Một số người có phần cảm xúc mạnh hơn ở những người khác . Những ý nghĩ kích thích những đáp ứng đầy xúc cảm ở trong cơ thể bạn có lúc đến quá nhanh đến nỗi trí năng bạn chưa đủ thời gian để hình thành lên thành lời nói thì cơ thể bạn đã phản ứng bằng một xúc cảm , và xúc cảm ấy được kích thích để trở thành hành động . Những ý nghĩ đó có mặt trước khi bạn có thể diễn tả chúng thành lời , và ta có thể gọi đó là những thành kiến sai lầm từ thuở nguyên sơ. Chúng thường có nguồn gốc từ những ý nghĩ sai lầm có sẵn trong con người , thường là vào lúc ta còn rất bé . “Không nên cả tin vào người khác” có thể là một ví dụ về những định kiến vô thức có sẵn , trước khi người ấy có thể diễn tả những định kiến sai lạc này thành lời . Trường hợp này có thể xảy ra ở một người mà những mối quan hệ đầu tiên trong đời họ - thường là với bố mẹ và anh chị em trong gia đình – đã không tạo nên nền móng vững chắc cho sự tin cậy lẫn nhau . Một vài ý nghĩ vô thức khác còn phổ biến hơn nữa là :

“Không ai cần tôi cả”

“Tôi luôn phải đấu tranh để sống còn”

“Tôi không bao giờ làm đủ tiền để nuôi sống mình”

“Đời sống luôn làm cho tôi thất vọng”

“Tôi không xứng đáng được thành công”

“Tôi không đáng được yêu thương”

Những định kiến vô thức đó tạo ra cảm xúc trong cơ thể , rồi cảm xúc lại tạo ra nghĩ hoặc những phản ứng cấp thời . Như thế , chúng tạo nên thực tại của bạn .


Tiếng nói của bản ngã liên tục ngăn cản trạng thái khỏe mạnh tự nhiên của cơ thể . Hầu như mọi người đều phải chịu những căng thẳng và bức xúc không phải vì những yếu tố bên ngoài gây ra , mà là do suy nghĩ của họ gây ra. Bản ngã có mặt trong cơ thể bạn và cơ thể chẳng làm gì được hơn ngoài việc phản ứng lại với mọi mô thức suy nghĩ có tính chất tha hóa của bản ngã . Cứ như thế , những ý nghĩ tiêu cực mang theo một chuỗi những cảm xúc tiêu cực , không thoát ra được .

Vậy cảm xúc tiêu cực là gì ? Đó là cảm xúc độc hại đối với cơ thể , gây trở ngại cho sự vận hành quân bình và hài hòa của cơ thể . Sợ hãi , lo lắng , giận dữ , thù hận , buồn bả , ác cảm , ganh tị , ghen tuông … tất cả những cảm xúc tiêu cực này đều có khả năng làm gián đoạn dòng năng lượng chảy qua cơ thể , tác động đến hệ tim , hệ tiêu hóa , hệ miễn dịch , đến việc sinh sản hocmon …. Ngay cả ngành y học hiện đại , dù không biết nhiều về cách thức hoạt động của bản ngã , cũng bắt đầu nhận ra mối liên hệ giữa những trạng thái tiêu cực với bệnh tật . Một cảm xúc có tác hại cho cơ thể bạn cũng sẽ tác động đến những người mà bạn đang tiếp xúc và qua một chuỗi các phản ứng gián tiếp sẽ làm ô nhiễm cho biết bao nhiêu người mà bạn chưa hề gặp . Có thể dùng một từ để chỉ chung cho tất cả mọi cảm xúc tiêu cực , đó là cảm giác bất bình .

Vậy những cảm xúc tích cực có gây tác động tích cực đối với cơ thể không ? Những cảm xúc tích cực có làm gia tăng sức mạnh của hệ miễn nhiễm, tạo ra sinh lực và chữa lành cơ thể không ? Quả thật là có . Nhưng ta cần phân biệt các cảm xúc tích cực có tính phiến diện do bản ngã tạo ra và các cảm xúc tích cực sâu hơn , xuất phát từ trạng thái tự nhiên khi có sự kết nối giữa bạn với Hiện Hữu .

Những cảm xúc tích cực của bản ngã vốn đã chứa đựng trong đó cái đối cực và có thể rất nhanh chóng chuyển sang trạng thái đối lập đó . Ví dụ mà cái bản ngã thường gọi là yêu thực ra chỉ là những mong muốn được sở hữu và là những bám bíu có tính nghiện ngập , vì chỉ trong thoáng chốc , nó dễ dàng chuyển sang thù hận .Sự trông ngóng về một chuyện gì đó ở tương lai , tức khuynh hướng quá coi trọng tương lai của bản ngã , sẽ nhanh chóng trở thành những thứ đối nghịch – thất vọng và buồn bả - khi những điều bạn mong chờ không đến hay không như ý bạn mong đợi . Ngày hôm nay ta thấy vui vì được ngợi khen và nhìn nhận thì hôm sau những chỉ trích và sự thờ ơ sẽ làm cho ta cảm thấy buồn . Niềm vui của một cuộc truy hoan dễ hóa thành vẻ ảm đạm và choáng váng ngay sáng hôm sau . Trong thế giới của hai đối cực , bạn không thể có tốt mà chẳng có xấu , không thể có vui mà chẳng có buồn.

Những cảm xúc do bản ngã sinh ra đều do tự đồng hóa giữa trí năng với những yếu tố bên ngoài , mà rõ ràng những yếu tố bên ngoài , mà rõ ràng những yếu tố ngoại lai này là không bền vững và có thể thay đổi bất cứ lúc lúc nào . Những cảm xúc sâu xa hơn ở trong bạn không phải là một cảm xúc , theo ý nghĩa thông thường , mà đó chính là trạng thái Hiện Hữu sâu xa . Cảm xúc chỉ có thể trong thế giới nhị nguyên , tức có sự đối nghịch . Còn trạng thái Hiện Hữu thì đôi khi có thể bị che mờ , nhưng chúng không có sự đối nghịch . Từ trong bạn , chúng thể hiện ra thành niềm vui , niềm an bình và đó là những trạng thái Hiện Hữu sâu xa , phản ánh bản chất chân thực của con người bạn.


NẾU NHƯ CON VỊT CÓ ĐẦU ÓC NHƯ CON NGƯỜI


Trong cuốn “Sức mạnh của Hiện Tại” tôi có nói đến chuyện là hai con vịt sau một hồi đánh nhau , chúng tách nhau ra và bơi đi , mỗi con bơi theo một hướng riêng. Rồi chúng vỗ cánh rất mạnh một vài lần , như để giải tỏa nguồn năng lượng thừa tích lũy trong trận đấu . Sauk hi vỗ cánh , chúng bình thản bơi đi như chưa hề có chuyện gì xảy ra .

Nếu con vịt mà có đầu óc suy như con người thì nó sẽ nghĩ ra chuyện này chuyện nọ và trận chiến dễ gì đã kết thúc. Có thể đây là mẫu chuyện mà một chú vịt có đầu óc suy nghĩ như con người sẽ nghĩ : “Tớ không thể nào tin được những gì mà cậu đã làm”. Cậu ngang nhiên bơi vào cái ao của tớ . Cậu cho rằng cái ao này là của cậu đấy hử! Cậu không hề nghĩ rằng “đây là cái ao của tớ”. Tớ không thể nào còn tin cậu được nữa . Vì cậu sẽ còn tính toán những chuyện gì nữa đây . Rồi đây cậu sẽ không được còn yên thân đâu . Tớ sẽ cho cậu một bài học nhớ đời “. Rồi cứ thế trí óc của chú vịt cứ thêu dệt ra những mẫu chuyện , cứ suy nghĩ và lặp đi lặp lại mẫu chuyện đó hàng ngày , hàng tháng , hàng nhiều năm sau , làm như thể kinh nghiệm về cuộc tranh cãi ấy vẫn còn đang tiếp diễn ở bên trong vậy .Suy nghĩ tiêu cực sinh ra nguồn năng lượng cho những cảm xúc tiêu cực đó , và đến lượt những cảm xúc tiêu cực này lại tạo thêm những suy nghĩ tiêu cực mới . Đây là lối suy nghĩ tạo ra những cảm xúc tiêu cực của bản ngã . Ta có thể thấy được rằng cuộc sống của chú vịt sẽ trở nên có vấn đề đến thế nào nếu nó có đầu óc suy tư của một con người . Thế mà đây lại là cách mà hầu hết mọi người trong chúng ta đang sống . Không có một tình huống hay một vấn đề nào thực sự chấm dứt . Trí năng của chúng ta và cái kiểu kể lể , thêu dệt những chuyện về “cuộc đời tôi” , “bản thân tôi” như thế chỉ để làm cho sự việc hay tình huống đó được tiếp diễn.

Loài người chúng ta quả là một loài đã đánh mất hướng đi. Trong khi đó , những gì đang có mặt trong thiên nhiên , mỗi bông hoa , mỗi cành cây hay mỗi con thú đều có thể dạy cho ta nhiều bài học , nếu chúng ta biết dừng lại , nhìn và lắng nghe . Ở đây bài học từ những chú vịt là : Hãy vỗ cánh đi , tức là hãy bỏ qua chuyện ấy đi và hãy trở lại nơi duy nhất mà bạn thực sự có sức mạnh : Phút giây hiện tại.


CƯU MANG QUÁ KHỨ

Lý trí con người không thể , hay nói đúng hơn là không muốn cho quá khứ qua đi , và điều này được minh chứng rất hay trong câu chuyện về hai nhà sư trẻ Tanzan và Ekido .

Một lần kia , hai nhà sư trẻ đi bộ dọc theo một con đường đất lầy lội ở miền quê. Đến gần một làng , họ tình cờ gặp một phụ nữ còn rất trẻ đang cố băng qua con đường ngập bùn , nhưng vì bùn quá sâu nên chiếc kimono bằng lụa cô đang mặc có nguy cơ bị vấy bẩn . Ngay lập tức Tanzan nâng cô lên và đưa cô sang bờ đê ở bên kia.

Sau đó hai nhà sư trẻ tiếp tục bước đi trong im lặng . Khoảng năm giờ sau , họ về gần đến chùa thì Ekido không còn nén được nữa , buột miệng chất vấn :” Tại sao sư huynh – một nhà tu hành- lại dám chạm vào người một cô gái , và còn đưa cô ta sang bờ ? “ Chúng ta không được làm những chuyện như thế kia mà ?”.

“Tôi đã để cô ấy xuống từ lâu rồi” ,Tanzan nói .”Tại sao sư đệ vẫn còn mang cô ấy theo ?”.

(Tại sao sư đệ vẫn còn mang cô ấy theo:Ý nói tại sao Ekido vẫn còn bị ám ảnh bởi một chuyện đã qua, tức là chuyện Tanzan giúp cô gái trẻ lúc ban sáng )

Bạn hãy tưởng tượng đời sống sẽ như thế nào đối với những người mà lúc nào cũng sống như cách của Ekido , không thể hay không muốn cho một việc gì qua đi , mà lại luôn cưu mang quá khứ ở trong mình . Ta có thể tưởng tượng đời sống của đại đa số người trên hành tinh này thật nặng nề biết bao khi họ luôn cưu mang quá khứ ở trong lòng .

Ở trong ta , quá khứ chính là những ký ức . Nhưng ký ức nó không phải là vấn đề . Thật ra , nhờ ký ức mà ta học hỏi được từ quá khứ, từ những lỗi lầm trong quá khứ . Chỉ khi nào ký ức , tức là những suy nghĩ của bạn về quá khứ hoàn toàn xâm chiếm lấy bạn , đến độ quá khứ trở thành một gánh nặng , trở thành một phần cảm nhậnvề bản thân bạn , thì lúc đó bạn mới thật có vấn đề . Cá tính của bạn , vốn là thứ bị điều kiện bởi quá khứ , bây giờ bỗng dưng trở thành ngục tù giam giữ chính bạn . Lúc đó , ký ức bạn chứa đầy cảm nhận sai lầm về chính mình , và những câu chuyện hoang đường do trí óc bạn vẽ vời ra trở thành những gì bạn tin là bản chất chân thực của chính mình . Nhưng thật ra đây chỉ là những ảo tưởng , nó che mờ bản chất chân thực của bạn . Vì bản chất đó chính là Hiện Hữu không hình tướng , siêu việt và phi thời gian.

Những câu chuyện vẽ vời ra như thế không chỉ nằm trong ý nghĩ mà còn đi kèm theo những cảm xúc tiêu cực của bạn , những cảm xúc tiêu cực này liên tục được bạn liên tưởng và làm sống lại nhiều lần . Như trong trường hợp sư Ekido , cảm giác bât bình ( về chuyện sư huynh Tanzan đã nhấc cô gái trẻ đưa sang bờ đê ban sáng ) đã trở thành gánh nặng của ông trong suốt năm tiếng đồng hồ sau đó . Hầu hết chúng ta đều mang theo rất nhiều gánh nặng trong tư tưởng và cảm xúc trong suốt cuộc đời mình . Ta tự giới hạn chính mình qua những buồn khổ , những nuối tiếc , oán hận và những lỗi lầm ta đã mắc phải . Những suy nghĩ và cảm xúc của ta trở thành là biểu tượng cho con người ta , vì thế mà ta luôn bám bíu vào những cảm xúc xưa cũ , bởi nó làm mạnh thêm hình ảnh của ta về chính mình .


Vì con người thường có xu hướng thích làm sống lại những cảm xúc xưa cũ nên hầu hết chúng ta thường mang trong mình trường năng lượng của những khổ đau xưa cũ được tích lũy qua thời gian mà tôi tạm gọi đó là “khối khổ đau sâu nặng”.

Tuy nhiên , chúng ta có khả năng dừng lại việc chất chứa thêm vào khối khổ đau sâu nặng đã có sẵn ở trong ta . Nói một cách hình tượng là bạn hãy tập vỗ đôi cánh , như chú vịt mà tôi kể ở trên , để buông bỏ những căng thẳng ở trong người , ngăn mình khỏi rơi vào thói quen mải mê suy nghĩ về quá khứ , cho dù chuyện đó xảy ra ngày hôm qua hay đã xảy ra mấy chục năm trước . Ta có thể học cách để đừng cho tình huống , hay một sự việc đã cũ , sống lại trong trí óc mình mà ta còn biết thực tập để luôn hướng sự chú tâm của mình vào phút giây hiện tại , thay vì bị mắc kẹt vào những câu chuyện vẽ vời nào đó của trí óc ta . Lúc đó bản thể của ta , chứ không phải là những suy nghĩ hay cảm xúc nào đó , sẽ được phơi bày.

Không một chuyện gì của quá khứ có thể ngăn cản bạn có mặt ngay giây phút hiện tại này , và nếu quá khứ đã không thể làm điều đó thì nó đâu có sức mạnh gì đối với bạn nữa ?.

KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG Ở CÁ NHÂN VÀ Ở TẬP THỂ

Một cảm xúc tiêu cực sẽ không hoàn toàn biến mất nếu bạn không chịu đối diện với nó , cũng như không muốn nhận biết một cách trọn vẹn từ lúc nó mới phát sinh . Nếu bạn cố tình phớt lờ , nó sẽ lưu lại dấu tích của khổ đau .

Điều này càng có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ . Nếu không được một người lớn có nhận thức đầy đủ hướng dẫn bằng tình thương , sự cảm thông và hiểu biết để giúp trẻ đối diện trực tiếp thì giải pháp duy nhất của trẻ là né tránh để khỏi phải cảm nhận những cảm xúc đó . Không may là cơ cấu phòng ngự thuở thơ ấu ấy thường được giữ nguyên khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành . Những cảm xúc tiêu cực ngày xưa vẫn còn đó mà vì không được nhận biết nên khi trẻ trưởng thành , những cảm xúc này thường được thể hiện ra một cách gián tiếp như : tâm trạng lo âu , giận dữ , khuynh hướng bạo hành ,…., thậm chí có thể trở thành một chứng bệnh về thể chất .Trong khi đó , hầu như không ai có thể sống qua thời thơ ấu mà không phải trải qua một khổ đau nào . Ngay cả khi bố mẹ của bạn là những người đã tỉnh thức thì bạn vẫn phải lớn lên trong một thế giới mà phần lớn là mê mờ.

Những khổ đau còn xót lại của một cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ chưa được đối diện một cách hoàn toàn để chấp nhận và buông bỏ sẽ tạo nên một trường năng lượng khổ đau trong mỗi tế bào cơ thể . Khối khổ đau đó bao gồm những nỗi khổ đau thời thơ ấu , thời niên thiếu và trong suốt quảng đời trưởng thành . Phần lớn khổ đau của bạn gây nên bởi thói quen tự đồng hóa mình một cách sai lầm với tiếng nói ồn ào của bản ngã ở trong bạn. Đó là khối khổ đau sâu nặng , người bạn đồng hành mà bạn không thể nào trốn tránh được chừng nào bạn còn tự đồng hóa mình với những cảm nhận sai lầm về bản thân.

Trường năng lượng của những cảm xúc khổ đau xưa cũ nhưng còn rất sống động này chính là khối khổ đau sâu nặng ở hầu hết mọi người .

Tuy vậy , khối khổ đau sâu nặng này không chỉ có tính chất cá nhân . Khối khổ đau đó cũng dự phần vào khổ đau vô vàn của con người suốt chiều dài lịch sử nhân loại , lịch sử của các cuộc nội chiến hoặc chiến tranh liên miên giữa nước này với nước kia , của tình trạng nô lệ , cướp bóc , hãm hiếp , tra tấn và các hình thức bạo lực khác .

Khối khổ đau sâu nặng này vẫn còn sống trong tâm thức tập thể nhân loại và ngày ngày đang được bổ sung thêm . Bạn có thể xác minh điều này khi xem tin tức buổi tối trên TV hay chứng kiến những bi kịch trong các mối quan hệ xung quanh bạn. Khối khổ đau tập thể đó còn có thể được mã hóa vào tận các nhiễm sắc thể của con người , dù điều này chưa được khoa học công nhận.




(Chứng kiến những bi kịch trong các mối quan hệ xung quanh bạn : Nhìn những quan hệ trong gia đình bạn , trong bạn bè và những người chung quanh , bạn sẽ có chứng kiến rất nhiều bi kịch đã cũ kỹ nhưng vẫn luôn lặp đi lặp lại .Bạn dễ nhìn ra vấn đề này ở người khác hơn và có khuynh hướng chê bai những người đó rằng :”Rồi lại đi vào bi kịch nữa”. Nhưng chính bạn cũng có những bi kịch tương tự , xảy ra một cách định kỳ . Nếu bạn hiểu được cơ chế hoạt động của những bi kịch ở trong người khác thì bạn dễ nhìn ra cơ chế hoạt động của những bi kịch ở trong chính bạn hơn . Ý nghĩ nào đã nảy sinh trong đầu mỗi người , ý nghĩ nào đã được bạn cả tin một cách tuyệt đối để tạo ra bi kịch này ? Trong mối quan hệ của mình , bạn có thường cảm thấy khổ sở và có ý nghĩ từ tấm bé rằng :” Không ai hiểu , không ai thương tôi cả” và bạn cả tin vào ý nghĩ này để không thấy , rằng từ xưa đến giờ , bạn chưa bao giờ hiểu và thương chính mình . Mình chưa hiểu chính mình thì làm sao một người khác , vợ mình , bạn mình , cha mẹ mình ,…, có thể hiểu được mình . Bạn nghĩ :” Tôi quay quắt khổ sở vì người tôi yêu không hiểu tôi”, nhưng nhìn sâu bạn sẽ thấy , những khổ sở quay quắt này của bạn thực ra là bạn quay quắt khổ sở vì chính bạn không hiểu bạn , nhưng nỗi khổ ấy được bạn vô thức phóng chiếu thành một điều mà phần lỗi nằm ở người kia . Điều quan trọng không phải là có một người khác hiểu bạn , mà quan trọng là bạn hiểu được chính bạn .)


Mỗi đứa trẻ sinh ra trên đời đều mang sẵn khối khổ đau sâu nặng này dưới các mức độ nặng nhẹ khác nhau . Bạn có thể thấy một số trẻ lúc nào cũng tỏ ra vui tươi ngay từ thuở sơ sinh , một số đứa trẻ khác thì dường như chất chứa sẵn một nỗi buồn khổ nào đó . Quả thực là trẻ con thường khóc nhiều nếu chúng không được quan tâm chăm sóc , nhưng ở một số trẻ , dù được chăm sóc tốt thì chúng cũng hay khóc lóc mà không có một lý do rõ rệt nào . Có vẻ như chúng có sẵn năng lượng không vui tươi nên muốn làm cho mọi người xung quanh cũng không được vui như chúng , và thường thì chúng rất thành công . Chúng đi vào thế giới này với phần chia rất lớn khối khổ đau sâu nặng của con người . Còn một số trẻ khác thường hay khóc thảm , có lẻ vì chúng cảm nhận được những cảm xúc tiêu cực đang phát sinh từ bố mẹ . Điều đó làm chúng cảm thấy rất đau khổ và khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng cũng được gia tăng do thu nhận thêm năng lượng từ nỗi khổ đau của bố mẹ . Bất luận trong trường hợp nào thì khi một đứa trẻ lớn lên , khối khổ đau sâu nặng này cũng lớn dần theo .

Tuy nhiên , không cần thiết là một đứa trẻ có khối khổ đau nhẹ hơn sẽ trở thành một người có đẳng cấp tâm linh “cao cấp hơn” những người có khối khổ đau rất nặng nề. Thật ra , chúng ta thường thấy những trường hợp ngược lại , một người có khối khổ đau ở mức độ nặng thì người đó có cơ hội tỉnh thức tâm linh nhiều hơn những người mang một khối khổ đau tương đối nhẹ nhàng . Trong khi nhiều người vẫn còn giam cầm trong khối khổ đau sâu nặng của chính họ thì một số khác nhờ đã đi đến mức quá sức chịu đựng của họ nên khối khổ đau sâu nặng trở thành một động cơ mạnh mẽ đưa họ đến với trạng thái thức tỉnh .

Tại sao hình ảnh đau đớn của Chúa Jesus , với khuôn mặt bị biến dạng vì thống khổ và hình hài đẫm máu bởi những vết thương , lại trở thành một hình ảnh đầy ý nghĩa trong tâm thức tập thể của loài người ? Hàng triệu người , đặc biệt là vào thời Trung cổ , hẳn sẽ không thể nào đồng cảm một cách sâu sắc như thế nếu họ không nhìn nhận trong vô thức rằng đây là biểu hiện bên ngoài của một hiện thực bên trong họ , đó là biểu hiện của khối khổ đau sâu nặng ở trong họ . Dù họ chưa đủ mức độ tỉnh thức để nhận biết một cách trực tiếp ở trong chính mình , nhưng đây cũng là bước khởi đầu rất quan trọng của quá trình tỉnh thức đó . Chúa Jesus có thể được xem là một biểu tượng nguyên thủy của loài người , là hiện thân của khổ đau và khả năng vượt thoát khổ đau .


(Chúa jesus là hiện thân của khổ đau và khả năng vượt thoát khổ đau : Bạn hoặc người thân của bạn đã trải qua những biến cố kinh hoàng trong quá khứ , bạn có muốn tha thứ và chấp nhận những gì xảy ra , tha thứ cho những người làm khổ bạn như Chúa Jesus đã chấp nhận và tha thứ cho những kẻ đã tra tấn , hành hình Ngài . Chấp nhận và tha thứ cho những hành động tối tăm và sai lầm của người khác là cách chúng ta có thể làm để vượt thoát những đau thương , thống khổ của quá khứ ở trong mình )


CÁCH KHỐI KHỔ ĐAU NÀY TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH


Khối khổ đau sâu nặng này là một cấu trúc năng lượng có khả năng tự quản một phần nào đó . Nó sống trong hầu hết mỗi người và là một thực thể gồm những cảm xúc . Khối khổ đau sâu nặng này có sự thông minh nguyên thủy của nó , giống như một con vật rất giảo hoạt . Sự thông minh này chủ yếu để bảo vệ khả năng sống còn của nó . Cũng giống như mọi thể sống khác , Khối khổ đau sâu nặng này cần được thường xuyên nuôi dưỡng bởi thức ăn , tức là lấy thêm năng lượng , và loại thức ăn mà nó cần là loại năng lượng tương thích với loại năng lượng của nó , tức là năng lượng có tần số rung tương tự . Bất cứ trải nghiệm đau khổ nào cũng có thể là thức ăn cho khối Khối khổ đau sâu nặng này . Đó là lý do tại sao lối suy nghĩ tiêu cực cũng như các màn bi kịch trong những mối quan hệ luyến ái làm Khối khổ đau sâu nặng này ngày càng phát triển hơn . Khối khổ đau sâu nặng là một cơn nghiện , nó rất ghiền những cảm giác bất bình.

(Các màn bi kịch trong những mối quan hệ luyến ái làm Khối khổ đau sâu nặng này ngày càng phát triển hơn : Trong mối quan hệ luyến ái này , bạn có sự khoáng đạt ,thong dong của một con người không ? Bạn có tự chủ , tư cách và giữ được lòng tự trọng đối với chính mình ? Bạn có e rằng nếu bạn có thái độ thích đáng trong những bi kịch thường xảy trong quan hệ thì “Cô ấy sẽ không cho tôi chạm vào cô ấy”…? Đây là những bi kịch thường diễn ra trong quan hệ luyến ái của bạn làm cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn ngày càng lớn hơn . Tất cả những nỗi khổ này của bạn chỉ phản ánh sự vướng mắc hoặc khiếm khuyết nào đó ở trong bạn , nên bạn không thể đổ lỗi , hoặc trách móc người kia , vì quả thực không ai có thể uy hiếp bạn khi trong bạn không còn những thói quen nghiện ngập hoặc những nhu yếu không thể thỏa mãn được ở trong mình . Hãy tưởng tượng bạn sẽ sung sướng và tự do biết bao khi bạn đã chuyển hóa và vượt lên trên những nghiện ngập này )


Có thể bạn cảm thấy rúng động khi lần đầu nhận ra rằng ở trong bạn có một cái gì đó , mà theo một chu kỳ nhất định , cần phải được cung cấp những cảm xúc tiêu cực , cần có thêm những cảm giác bất hạnh để nuôi dưỡng nó . Thường thì bạn cần phải có nhận thức sâu sắc hơn để tự nhận ra biểu hiện của khối khổ đau sân nặng này ở trong mình ( ở người khác thì bạn dễ nhìn thấy hơn ) . Một khi nỗi thống khổ này đã chiếm lấy bạn , không những bạn không muốn nó kết thúc , mà bạn còn muốn những người khác chung quanh bạn cũng bất bình , khổ sở như bạn , để khối khổ đau sâu nặng này thu nhận thêm năng lượng từ những cảm xúc tiêu cực ở trong họ .


Trong hầu hết các trường hợp thì khối khổ đau sâu nặng này có giai đoạn ngủ yên và giai đoạn hoạt động . Khi nó ngủ yên thì người người ta dễ dàng quên rằng họ đang cưu mang một đám mây đen kịt hay một núi lửa đang ngủ yên . Trạng thái nằm im lâu hay mau tùy thuộc vào từng người . Phổ biến nhất là nó thường ngủ yên trong vài tuần , nhưng cũng có thể vài ngày hay vài tháng . Có trường hợp khối khổ đau sâu nặng này ấp ủ cả nhiều năm trước khi bùng nổ vì một sự cố nào đó kích động đến chúng .








CÁCH SUY NGHĨ CỦA BẠN NUÔI LỚN KHỐI KHỔ ĐAU NÀY

Khi đói , hoặc khi cần tự bổ sung sức mạnh thì khối khổ đau sâu nặng này thức dậy từ trạng thái ngủ yên . Nó có thể bị kích động và thúc đẩy bởi một sự kiện nào đó bất cứ lúc nào . Khi cần bổ sung sức mạnh thì khối khổ đau sâu nặng này có thể bị kích thích vì những sự việc có khi là rất bình thường , ví dụ như một lời nói , suy nghĩ hay một việc nào đó từ người khác . Nếu bạn sống một mình thì khối khổ đau sâu nặng này sẽ tự nuôi dưỡng chính nó bằng những suy nghĩ của bạn . Lúc đó , những suy tư của bạn bỗng trở nên rất tiêu cực , nhuốm mùi bi quan . Rất có thể bạn không tự nhận biết rằng trước khi một suy nghĩ tiêu cực nào ập đến thì lòng bạn đã tràn ngập một đợt cảm xúc nào đó , chẳng hạn như một tâm trạng nặng nề tối tăm , hay một cơn buồn đau , hoặc nóng giận . Mỗi ý nghĩ đều là một biểu hiện của năng lượng nên giờ đây khối khổ đau sâu nặng đó đang tự nuôi dưỡng chính nó bằng năng lượng tiêu cực của những gì bạn suy nghĩ . Tuy nhiên , không phải ý nghĩ nào cũng làm cho chúng mạnh lên được . Bạn không cần phải nhạy cảm để nhận ra rằng một ý nghĩ tích cực có một cảm nhận hoàn toàn khác với một ý nghĩ tiêu cực . Nó có cùng năng lượng nhưng rung động ở các tần số khác nhau . Đối với khối khổ đau sâu nặng này thì nó không thể tiêu hóa được một ý nghĩ tích cực , vui tươi ở trong bạn . Nó chỉ có thể tiếp thu được những ý nghĩ tiêu cực và chỉ có những đó mới tương thích được với trường năng lượng tiêu cực của chính nó .

Trong một cách nào đó , tất cả các vật thể đều là các trường năng lượng đang rung động trong những chuyển động không ngừng . Chiếc ghế mà bạn đang ngồi , cuốn sách mà bạn đang cầm đọc trong tay , tất cả đều có vẻ chắc chắn và không chuyển động , nhưng đó chỉ là cách mà các giác quan của bạn cảm nhận về tần số rung củ chúng . Nói khác đi , bạn không thể cảm nhận được chuyển động không ngừng của các phân tử , của điện tử , hạt nhân và của các hạt khác , của những gì tất thảy tạo nên cái mà bạn gọi là cái ghế , cái bàn , cuốn sách hay một cơ thể . Những gì chúng ta cảm nhận là vật chất chính là một trường năng lượng đang rung động với một tần số riêng biệt nào đó . Ý nghĩ cũng là năng lượng như vật chất nhưng ý nghĩ rung ở một tần số cao hơn , vì thế bạn thường không thể nhìn thấy , hay chạm vào chúng được . Ý nghĩ có một tần số riêng của nó , trong đó ý nghĩ tiêu cực nằm ở tần số thấp, ý nghĩ tích cực nằm ở tần số cao hơn . Tần số rung của khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn tương ứng với tần số rung thấp của những ý nghĩ tiêu cực . Đó là lý do tại sao chỉ có những suy nghĩ tiêu cực mới có thể tiếp sức mạnh , nuôi dưỡng cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn.

Thông thường thì những suy nghĩ tạo nên cảm xúc , nhưng trong trường hợp này thì mô thức ấy bị đảo ngược , ít ra là ở giai đoạn đầu .Khi bị những cảm xúc từ khối khổ đau sâu nặng chi phối thì suy nghĩ ở trong bạn bỗng nhiên trở nên tiêu cực . Rồi tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn sẽ bắt đầu kể lể những câu chuyện về chính bạn, về cuộc đời của bạn , về những người khác , về quá khứ , tương lai hay những sự việc tưởng tượng nào đó .Những câu chuyện này thường làm cho bạn cảm thấy buồn đau , lo âu hay giận dữ . Tiếng nói đó của bản ngã sẽ quở trách , tố cáo , than vãn hay tưởng tượng. Và bạn sẽ hoàn toàn tự đồng hóa một cách vô thức vào những gì bản ngã của bạn nói ; bạn cả tin vào mỗi ý nghĩ mà bản ngã của bạn nhào nặn lên . Lúc đó thì cơn nghiện những cảm giác bất bình ở trong bạn đã bắt đầu .


Không phải là bạn không thể ngưng lại được dòng suy nghĩ tiêu cực đó , mà chính là bạn không muốn làm như vậy . Sở dĩ bạn không muốn ngưng dòng suy nghĩ tiêu cực vì lúc này khối khổ đau sâu nặng đang sống thông qua bạn , và nó đang giả vờ là bạn. Đối với khối khổ đau sâu nặng thì khổ đau khiến nó cảm thấy thỏa mãn . Nó ngấu nghiến và tiêu hóa mỗi suy nghĩ tiêu cực . Quả thực , tiếng nói của bản ngã ở trong đầu bạn bây giờ đã trở thành tiếng nói của khối khổ đau sâu nặng.Nó đã chiếm lấy cuộc hội thoại ở trong đầu bạn . Một chu kỳ ác nghiệt đã được thiết lập giữa khối khổ đau sâu nặng và những suy nghĩ của bạn . Mỗi ý nghĩ tiêu cực sẽ tiếp sức cho khối khổ đau sâu nặng này , và đến lượt mình , nó lại tạo thêm những suy nghĩ tiêu cực mới . Đến một lúc nào đó , vài giờ hay vài ngày sau , khi nó đã no đủ thì khối khổ đau sâu nặng sẽ trở về trạng thái ngủ yên , để lại đằng sau một cơ thể đã bị hành hạ đến suy nhược và dễ mắc phải bệnh tật . Bạn có thể cảm thấy khối khổ đau sâu nặng này giống như một thứ ký sinh ở trong tâm thức của bạn vậy .

(Khối khổ đau sâu nặng đang sống thông qua bạn , và nó đang giả vờ là bạn: Vì không ý thức về những khổ đau lưu từ quá khứ của chúng ta , chúng ta vô tình tạo thêm khổ đau mới vì bản chất của khối khổ đau sâu nặng là tạo thêm khổ đau và bất hạnh mới để nó tiếp tục sống còn . Vì vô minh nên bạn thường nhằm lẫn rằng bạn chính là những khổ đau này , tuy nhiên nếu để ý , bạn sẽ thấy tiếng nói của khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn đang giả vờ rằng nó chính là bạn )



BI KỊCH CỦA BẠN LÀM CHO KHỐI KHỔ ĐAU ĐÓ MẠNH HƠN


Nếu có người chung quanh , nhất là những người thân , thì khối khổ đau sâu nặng này ở trong bạn sẽ cố ý nhấn vào những nhược điểm của họ , khiêu khích họ để tạo nên một tấn tuồng bi kịch nào đó nhằm tạo thêm sức mạnh cho chính nó. Những khối khổ đau sâu nặng này được tiếp sức nhiều nhất qua các quan hệ gần gũi như quan hệ vợ chồng , quan hệ gia đình và các quan hệ luyến ái , yêu đương . Thật khó cho bạn cưỡng lại được khối khổ đau sâu nặng ở người khác khi họ cương quyết một cách vô thức muốn lôi kéo bạn vào vòng phản ứng . Nhờ bản năng , khối khổ đau sâu nặng biết rất rõ những điểm yếu , những chỗ dễ gây tổn thương nhất ở trong bạn . Nếu lần đầu không thành công , thì chúng sẽ thử đi thử lại nhiều lần . Chẳng qua đây chỉ là khối khổ đau có sẵn đang đi tìm thêm khổ đau mới . Khối khổ đau sâu nặng ở ngưởi kia muốn đánh thức khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn để hai khối khối khổ đau ấy có thể bổ sung năng lượng khổ đau cho nhau .

Nhiều mối quan hệ của bạn sẽ đi qua những tấn tuồng hủy diệt và bạo lực vào những chu kỳ rất đều đặn . Đối với một đứa trẻ thì quả là một nỗi đau quá sức chịu đựng cho chúng khi phải chứng kiến những bi kịch bạo lực gây ra do khối khổ đau sâu nặng này ở bố mẹ chúng . Tuy nhiên , đó là điều đang diễn ra với hàng triệu trẻ em trên thế giới , là cơn ác mộng chúng phải chứng kiến hằng ngày . Đó cũng là một trong những phương cách chính để khối khổ đau sâu nặng này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác . Nhưng sau mỗi bi kịch kết thúc , hai bên sẽ làm hòa với nhau trong một khoảng thời gian , khi nào bản ngã trong bạn còn cho phép .

(Sau mỗi bi kịch kết thúc , hai bên sẽ làm hòa với nhau : Thực ra sự hòa hoãn này chỉ là sự ngưng chiến có tính chất tạm thời , nếu bạn vẫn chưa nhìn ra khuôn mẫu vô thức gì thường hoạt động khi có bi kịch . Phải tìm cho ra những ý nghĩ tiêu cực mà bạn vẫn cả tin về chính mình hay về đời sống thường đi kèm theo khuôn mẫu bó buộc này . Ví dụ :”Không ai tin tôi cả”. Nếu đây là niềm tin sai lạc của bạn thì thử xem trong bi kịch , bạn có làm điều gì để tạo cơ hội cho người kia có thể tin vào bạn , khiến từ đó bạn càng củng cố niềm tin sai lạc của mình :”Không ai tin tôi cả”.)


Uống rượu quá độ thường kích thích khối khổ đau sâu nặng này ở đàn ông , và ngay cả ở phụ nữ . Khi say , khối khổ đau sâu nặng này chiếm lĩnh lấy người đàn ông và làm cho họ thay đổi tâm tính hoàn toàn . Một người thiếu nhận thức sâu sắc mà lại có một khối khổ đau sâu nặng thì thường tự nuôi nấng khối khổ đau sâu nặng ấy qua thói bạo hành đối với vợ hoặc con cái mình . Khi tỉnh rượu , anh ta cảm thấy hối tiếc và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa , và anh ta quả thực muốn làm được như thế . Tuy nhiên , cái người thốt lên lời hứa đó không phải là người đã gây ra bạo hành , nên trừ khi anh ta có mặt , tức là có khả năng nhận ra và làm chủ được khối khổ đau sâu nặng ở trong mình , nếu không thì tình trạng bạo hành với vợ con sẽ không bao giờ chấm dứt . Trong vài trường hợp , sự cố về tâm lý có thể có tác dụng giúp cho đương sự hiểu rõ được tình trạng .

Hầu hết những người có khối khổ đau sâu nặng vừa thích gây đau khổ cho người khác , vừa thích nhận chịu khổ đau . Nhưng một số khác thì hoặc chủ yếu là nạn nhân hoặc là những kẻ bạo hành . Dù gì đi nữa , họ cũng sống nhờ vào bạo hành về mặt thể xác hoặc tinh thần. Nhiều cặp vợ chồng cứ tưởng rằng họ yêu nhau , nhưng thực ra họ chỉ bị cuốn vào nhau vì khối khổ đau sâu nặng của mỗi người bù đắp cho nhau . Trong nhiều trường hợp , thì vai trò kẻ bạo hành và nạn nhân đã được quy định rõ ngay từ lúc họ mới gặp nhau . Nhiều cuộc hôn nhân mà bạn ngỡ là được tác hợp ở thiên đàng thì thực ra đã được tác thành ở địa ngục .


(Họ chỉ bị cuốn vào nhau vì khối khổ đau sâu nặng của mỗi người bù đắp cho nhau : Đây là lực hấp dẫn của hai khối khổ đau , mà bạn cứ ngỡ là tình yêu , sức hút này thường bạn khó cưỡng lại được )


Quan sát một con mèo , bạn sẽ thấy rằng ngay cả khi ngủ thì dường như nó vẫn biết những gì đang xảy ra ở chung quanh , vì chỉ cần một tiếng động bất thường , dù nhỏ nhặt nhất thì tai nó sẽ vểnh lên hướng về phía đó và hé mắt nhìn . Những khối khổ đau sâu nặng đang nằm im trong bạn cũng vậy . Ở một mức độ nào đó , chúng vẫn còn rất tỉnh táo và sẵn sang lao vào hành động khi gặp bất kỳ kích thích nào .


Trong quan hệ vợ chồng , khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn khôn khéo nằm rất yên cho đến khi hai người bất đầu cuộc sống chung . Khi đó bạn không chỉ kết hôn với người kia , mà bạn cũng kết hôn với khối khổ đau sâu nặng ở trong người đó và ngược lại . Quả là choáng váng nếu chỉ sau một thời gian ngắn chung sống hay chỉ sau tuần trăng mặt , bạn bất ngờ nhận ra có sự thay đổi hoàn toàn trong cá tính người mình yêu . Rất có thể là một chuyện nhỏ nhặt mà giọng người kia bỗng đanh lên , lên giọng tố cáo , trách móc bạn . Hoặc người ấy bỗng thu mình trở lại một cách vô cùng khó hiểu. Bạn quan tâm hỏi han thì được câu trả lời :”Không , Anh/Em không sao cả “. Tuy vậy , bạn cảm thấy một nguồn năng lượng thù nghịch từ phía người ấy thoát ra như muốn nói :”Mọi thứ đã hỏng cả rồi”.Và khi bạn nhìn vào đôi mắt người yêu thì sự linh động trong đôi mắt ấy giờ đây không còn nữa , nó như có một tấm màn u ám kéo xuống che mờ những gì bạn từng yêu thích trước đây . Dường như một con người xa lạ đang nhìn bạn , và trong ánh mắt của người ấy có đầy cả sự thù nghịch , đắng cay và oán hận. . Khi người bạn yêu nói bạn một điều gì , thì đó không phải là người mà bạn đã từng yêu đang nói, mà chính là khối khổ đau sâu nặng của người ấy nói . Tất cả những gì được thốt lên chỉ là một phiên bản méo mó từ khối khổ đau sâu nặng của người đó về hiện thực , một hiện thực hoàn toàn bị biến dạng bởi sự sợ hãi , thù ghét và giận dữ ; có khuynh hướng muốn gây khổ cho người kia , cũng như muốn nhận thêm khổ đau mới cho chính mình . Vào giây phút đó , có thể bạn sẽ tự hỏi :”Đây là bộ mặt thật mà mình chưa biết ở người bạn đời , hoặc mình đã sai lầm khi chọn một người hôn phối như thế ?”. Dĩ nhiên đó không phải là bản chất chân thật của người mình yêu mà chỉ bởi vì họ đang tạm thời bị khối khổ đau sâu nặng chiếm hữu . Thật khó tìm được người không có sẵn một khối khổ đau sâu nặng nằm ở bên trong nên bạn thật may mắn nếu người bạn đời của bạn có khối khổ đau không quá nặng nề.


CÁC KHỐI KHỔ ĐAU NẶNG NỀ

Một số người có khối khổ đau sâu nặng và khối khổ đau ấy không bao giờ chịu ngủ yên hoàn toàn . Có thể họ vẫn mỉm cười và ăn nói rất lịch sự , nhưng bạn không cần phải nhạy bén lắm để nhận ra rằng có một năng lượng khổ đau đang sôi sục bên trong họ , và những cảm giác bất bình đó đang chực chờ cơ hội thuận tiện để tuôn ra những phản ứng trách móc hoặc khó chịu về một người hay một việc nào đó .Khối khổ đau sâu nặng của họ không bao giờ cảm thấy no đủ , nó luôn luôn cảm thấy đói khát nên thường phóng đại nhu cầu cần có kẻ thù của bản ngã ở trong họ .


Qua phản ứng của họ , một chuyện chẳng đáng gì sẽ được thổi phồng lên một cách quá đáng để lôi kéo nhiều người khác vào những tuồng bi kịch đang diễn ra . Một số người thích những cuộc tranh luận hay kiện cáo kéo dài , không có chủ đích với người khác . Còn số khác thì héo mòn vì nuôi dưỡng lòng oán thù đầy ám ảnh đối với người hôn phối cũ của mình . Vì không ý thức được nỗi đau mà họ cưu mang , những người này thường phản ứng bằng cách phóng chiếu nỗi đau của họ vào các sự việc và tình huống trong đời sống . Do hoàn toàn mất nhận thức , họ không phân biệt được sự khác biệt giữa một tình huống với phản ứng của họ về tình huống đó. Đối với họ , nỗi bất bình và nỗi thống khổ của họ nằm ở bên ngoài họ , nằm ở những sự kiện đó . Vì không ý thức được trạng thái tâm lý bên trong của mình , họ không biết rằng họ đang bất bình , rằng họ đang khổ sở.

(Còn số khác thì héo mòn vì nuôi dưỡng lòng oán thù đầy ám ảnh đối với người hôn phối cũ của mình : Trong giây phút này bạn không còn chung sống với người kia nữa , bạn có sẵn sàng buông bỏ những khổ đau cũ trong quá khứ để bước ra khỏi tâm thức nạn nhân? Bạn có cho phép những cảm giác bất hạnh trong bạn ngày trước được lắng yên và vui sống với nhữrng gì bạn đang có trong hiện tại ? Bạn có đang vật lộn , tranh cãi với quá khứ không ? như thể điều đó vẫn còn đang xảy ra hoặc chưa kết thúc ? Thực ra mọi chuyện đã xảy ra rồi và đã kết thúc . Bạn có nghĩ chuyện ấy không nên xảy ra hoặc người ấy không nên phụ rẫy bạn? Thật ra nên hay không nên thì người ấy đã làm những điều mà bạn nghĩ là người ấy không nên làm và dù muốn hay không muốn thì người ấy cũng đã phụ rẫy bạn. Lòng oán thù ở trong bạn không thể gây tổn thương cho người ấy. Người bị tổn thương nhất chính là bạn , người mà trong giây phút này vẫn còn đeo đẳng những gánh nặng khổ đau của quá khứ . Dù bạn có bao nhiêu khiếm khuyết hay có sai lầm lớn đến đâu , nhưng những gì người kia đã làm là chỉ vì người kia , vì những gì người ấy muốn làm , và cần làm ,…., chứ không phải vì những khuyết điểm , hay sai lầm của bạn . Vậy thì bạn đã sẵn sàng tha thứ cho chính mình chưa ? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhận ra rằng :”Ồ , con người khổ đau , bị phụ rẫy mà Tôi cho chính là Tôi ấy chỉ là một hư cấu , một cái gì không có thực trong đời sống “, vì rằng đời sống chỉ là một giấc mơ và chúng ta đang khổ sở vì phản ứng với những gì mình nhìn thấy trong giấc mơ.)


Cũng có lúc những người có khối khổ đau sâu nặng như thế lại trở thành những người thích đấu tranh cho một mục đích nào đó .Có thể đó là một mục tiêu xứng đáng và ban đầu họ có thể rất thành công ; tuy nhiên chính năng lượng tiêu thoát ra từ những gì họ nói , họ làm và chính nhu cầu có kẻ thù , có xung đột ở trong họ ( dĩ nhiên là họ không nhận biết được điều này ) đã góp phần tạo ra sự chống đối ngày càng nhiều với mục tiêu của họ . Họ thường đi đến chỗ tự tạo ra những mối thù nghịch ngay bên trong tố chức của họ vì họ luôn cảm thấy không hài lòng , dù ở bất kỳ đâu , ngay cả trong tổ chức của họ ; và do đó khối khổ đau sâu nặng này ở trong họ sẽ tìm thêm được đúng cái mà chúng cần tìm : những nỗi khổ đau mới .

MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC GIẢI TRÍ , TRUYỀN THÔNG VÀ CÁC KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG


Nếu bạn chưa quen với nền văn minh đương đại hoặc nếu bạn đến từ một hành tinh khác hay một thời đại khác , bạn sẽ hết sức kinh ngạc khi thấy hàng triệu người ngày nay thích thú và trả tiền để xem người gây đau khổ cho nhau và gọi đấy là “cách giải trí”.

Tại sao các loại phim bạo lực lại có nhiều người xem như vậy ? Một bộ phận lớn của ngành công nghiệp điện ảnh đang tiếp sức cho con nghiện những cảm giác bất hạnh của con người . Rõ ràng người ta muốn xem những bộ phim đó là vì họ ghiền những cảm giác bất hạnh . Cái gì ở trong bạn lại ưa thích những cảm giác bất hạnh và cho đó là một điều hay ho ? Đó chính là khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn . Phần lớn “ngành công nghiệp giải trí” thời nay phục vụ cho khối khổ đau sâu nặng đó . Vì thế ngoài những phản ứng , những cách suy nghĩ tiêu cực và những tuồng bi kịch trong đời sống riêng, khối khổ đau sâu nặng này còn tự phục hồi sức mạnh tàn phá của chúng qua phim ảnh và truyền hình . Những khối khổ đau sâu nặng trong các nhà làm phim đã dựng nên và sản xuất ra những bộ phim này , và những khối khổ đau sâu nặng ở trong chúng ta là người chịu trả tiền để xem những bộ phim bạo lực đó.

Vậy chiếu và xem những bộ phim bạo lực trên truyền hình hay trong rạp chiếu phim có phải luôn là điều “sai”? Có phải tất cả những phim bạo lực đều phục vụ cho khối khổ đau sâu nặng này ? Dù rằng sự diệt vong của bản ngã là điều tất yếu , nhưng vào giai đoạn tiến hóa hiện nay của nhân loại thì bạo lực không những vẫn tồn tại mà còn trên đà gia tăng vì thứ nhận thức cũ mang tính bản ngã vẫn đang mạnh hơn so sự phóng đại của khối khổ đau sâu nặng của tập thể . Nếu phim chiếu về bạo lực trong một bối cảnh rộng lớn , tức là nói lên được nguyên nhân và hậu quả của bạo lực , giúp ta thấy được những tác hại của bạo lực đối với những kẻ bạo hành cũng như những người hứng chịu , nếu nó chỉ ra được sự thiếu nhận thức mang tính tập thể nằm phía sau đó và cách mà khối khổ đau sâu nặng trong chúng ta được truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác ( tức khối khổ đau sâu nặng trong con người do giận dữ và oán thù tạo ra ) thì lúc đó phim ảnh có thể hoàn thành môt sứ mệnh trọng yếu trong việc thức tỉnh loài người . Chúng như những tấm gương để nhân loại nhìn vào đó mà nhận ra sự điên rồ của chính mình . Sự cảnh tỉnh ở đây chính là bạn nhận thức rõ ràng sự điên rồ quả thực là sự điên rồ , chứ không phải là một cái gì khác ( trước hết ở ngay trong chính bạn ) , và đó là sự tỉnh thức , là sự phát sinh của thứ nhận thức mới , là sự cáo chung của những mê lầm cũ .


Những bộ phim như thế đã có và chúng không hề tiếp lửa cho các khối khổ đau sâu nặng trong chúng ta . Một số phim về chiến tranh đã nói lên được những thực tiễn của chiến tranh hơn là những tô điểm hào nhoáng cho chiến tranh . Khối khổ đau sâu nặng trong chúng ta chỉ lớn mạnh hơn khi ta xem những bộ phim mô tả bạo lực như là một chuyện bình thường hoặc thậm chí đó như là một hành vi tự nhiên mà một người bình thường nên làm , hay những phim chủ ý chỉ để ca ngợi bạo lực với mục đích duy nhất là tạo nên những cảm giác tiêu cực ở người xem , khiến chúng trờ thành một “nhát tiêm” để thỏa cơn nghiện những cảm giác bất hạnh của khối khổ đau sâu nặng ở trong ta.

Những tờ báo lá cải chuyên đăng những tin kiểu “ngồi lê đôi mach” phanh phui hoặc đặt điều những câu chuyện về đời tư của những người nổi tiếng , không chú tâm đến những tin tức quan trọng mà chủ yếu chỉ là buôn bán những cảm xúc tiêu cực , thức ăn cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn .”Đó là một sự sỉ nhục” hoặc “ Đồ khốn khiếp” là những dòng tít lớn mà bạn thường thấy trên những tờ báo loại này ở Anh. Họ biết rằng cảm xúc tiêu cực là thứ giúp bán nhiều báo hơn hẳn những bản tin thông thường.

Nói chung giới báo chí và truyền hình phương Tây có xu hướng thiên về những tin tức tiêu cực ; họ kiếm được nhiều tiền nhờ phát đi những tin tức loại này . Tin càng xấu thì người đọc càng hứng khởi , bởi các khối khổ đau sâu nặng chỉ thích những tin tức loại đó mà thôi .

KHỐI KHỔ ĐAU TẬP THỂ SÂU NẶNG Ở PHỤ NỮ


Ở phương diện tập thể , các khối khổ đau sâu nặng thường phát triển theo nhiều dòng chảy khác nhau . Mỗi bộ tộc , mỗi quốc gia , mỗi chủng tộc … đều có khối khổ đau sâu nặng tập thể của riêng họ , và hầu như mỗi thành viên trong tập thể ấy đầu có phân chia , không ít thì nhiều , từ khối khổ đau sân nặng chung này .

Hầu hết phụ nữ đều có phân chia từ khối khổ đau sâu nặng tập thể ở phụ nữ và khối khổ đau sâu nặng này trong họ thường có xu hướng hoạt động mạnh mẽ , đặc biệt là trước chu kỳ kinh nguyệt . Vào thời điểm đó , nhiều phụ nữ chìm ngập trong những cảm xúc tiêu cực nặng nề .

Sự áp chế đối với nữ giới , ít ra là trong hơn hai ngàn năm qua , đã tạo điều kiện cho bản ngã nam giới chiếm ưu thế tuyệt đối trong tâm thức tập thể loài người . Nữ giới cũng có bản ngã nhưng bản ngã của họ không cắm rễ và lớn mạnh như bản ngã nam giới . Sở dĩ như vậy là vì phụ nữ , so với nam giới , ít có khuynh hướng tự đồng hóa bản thân với tư duy của mình . Họ dễ dàng tiếp cận với thế giới nội tâm và khả năng trực giác vốn có . Phụ nữ ít cứng nhắc và bó buộc như nam giới , họ cởi mở , nhạy cảm và hòa điệu hơn sơ với những thể sống khác và với thế giới thiên nhiên quanh họ .

Nếu sự quân bình năng lượng giữa nam và nữ không bị phá hủy thì chắc chắn sự lớn mạnh của bản ngã sẽ dễ kiểm soát hơn nhiều . Con người hẳn đã không xâm phạm đến thiên nhiên và không cảm thấy hoàn toàn xa lạ với trạng thái an nhiên tự tại của chính mình đến mức độ như hiện nay .

Dù không có số liệu chính xác nhưng điều chắc chắn là trong khoảng thời gian 300 năm , có khoảng từ 3 đến 5 triệu phụ nữ đã bị tra tấn và hành quyết bởi những “Tòa án Dị giáo” , một tổ chức đã được thành lập ra để đàn áp những người có niềm tin khác với niềm tin của nhà thờ Thiên Chúa La Mã . Như vậy cùng với những trại tập trung của Hiler trong Thế chiến thứ 2 thì đây rõ ràng là những chương đen tối nhất trong lịch sử loài người. Chỉ cần bày tỏ tình yêu thương đối với súc vật , hay thả bộ một mình ở ngoài đồng , hoặc lang thang đi hái thuốc trong những khu rừng vắng là đủ để một phụ nữ bị kết tội là phù thủy , bị đem đi khảo tra và thiêu sống trên những giàn hỏa . Bản chất nữ tính thiêng liêng đã bị cho là ma quái và chiều hướng tâm linh lớn đó bị xóa sổ trong đời sống con người .Những tôn giáo khác như Do Thái giáo , Hồi giáo và ngay cả Phật Giáo cũng đã từng áp chế nguyên lý nữ tính này , tuy mức độ có nhẹ hơn . Địa vị của phụ nữ lúc bấy giờ chỉ còn là cỗ máy sinh sản và trở thành của cải riêng của đàn ông . Và những người phủ nhận vai trò của phụ nữ - phủ nhận phần nữ tính trong chính bản thân họ - lại là những người điều khiển thế giới ấy , khiến cho xã hội loài người trở thành một thế giới hoàn toàn bị mất quân bình . Đó là một phần của lịch sử , hay đúng hơn là phần bệnh sử cho chứng điên rồ của con người.

Ai chịu trách nhiệm cho nỗi sợ hãi tất cả những gì thuộc về nữ tính này , nỗi sợ mà ta có thể mô tả như là một chứng hoang tưởng tập thể rất mạnh mẽ ? Dĩ nhiên là đàn ông. Nhưng tại sao trước đó , trong một số nền văn minh cổ như ở Sumerian , Ai Cập và văn minh Celtic thì phụ nữ và nguyên lý nữ giới lại được tôn trọng ? Cái gì làm cho đàn ông đột nhiên cảm thấy phụ nữ là mối đe dọa cho họ ? Đó chính là cái bản ngã đang lớn mạnh trong họ . Bản ngã này chỉ biết rằng chỉ có thông qua nam giới nó mới hoàn toàn kiểm soát được thế giới này và để làm được chuyện đó , nó phải làm cho nữ giới không còn quyền năng.

Dần dần , bản ngã cũng thâm nhập vào đa số phụ nữ dù gốc rễ của nó không được cắm sâu và chắc chắn như ở đàn ông .

Giờ đây chúng ta rơi vào một bối cảnh mà tình trạng áp chế phụ nữ đã ăn sâu vào rất nhiều người , thậm chí cả trong phụ nữ . Do bị áp chế mà cái nữ tính thiêng liêng giờ chỉ còn là một nỗi cảm xúc đớn đau ở nhiều phụ nữ . Quả thực , nó đã trở thành một phần của khối khổ đau sâu nặng ở trong cùng với bao nỗi khổ khác do bị tra tấn , hãm hiếp , do mang nặng đẻ đau , nô lệ , bạo hành….

Nhưng điều này hiện đang thay đổi một cách nhanh chóng . Sự tỉnh thức đang xảy đến với nhiều người và kèm theo đó là việc bản ngã đang dần mất chỗ đứng trong tâm trí con người . Vì bản ngã ở nữ giới không có căn cơ sâu đậm như ở nam giới nên họ dễ dàng thoát khỏi sự kiềm tỏa của nó tốt hơn so với đàn ông .






KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG Ở CÁC CHỦNG TỘC VÀ QUỐC GIA


Những nước phải hứng chịu nhiều bạo lực tập thể thì thường có khối khổ đau tập thể sâu nặng hơn những nước khác . Điều này giải thích tại sao khối khổ đau sâu nặng ở những nước có lịch sử lâu đời thì thường mạnh hơn ; còn những nước có lịch sử non trẻ như Canada và Úc cùng một số nước như Thụy Sĩ – tách biệt với cơn điên rồ đang xảy ra chung quanh – thì khối khổ đau tập thể của họ thường nhẹ hơn . Dĩ nhiên là ở các nước đó , mỗi người cũng phải đối diện với khối khổ đau sâu nặng của riêng họ . Nếu bạn có đủ nhạy cảm , bạn có thể cảm nhận được vẻ nặng nề trong trường năng lượng ở một số nước khi bạn vừa bước chân ra khỏi máy bay . Trong khi ở những nơi khác , trường năng lượng của bạo lực chỉ ở mức độ tiềm ẩn sau những sinh hoạt thường nhật thì tại một số nước ( như ở Trung Đông ) khối khổ đau tập thể này sâu nặng đến mức nhiều người buộc phải phát tiết nó ra trong một vòng lẩn quẩn không lối thoát của sự oán thù và trả đũa , khiến qua đó khối khổ đau tập thể sâu nặng này liên tục được tiếp thêm sức mạnh.Người ở Đức và Nhật có xu hướng làm giảm bớt nhạy cảm của họ đối với khối khổ đau tập thể, dù vẫn còn nặng nề trong họ , qua sự tìm quên trong công việc , trong khi cư dân các nước khác thì tìm quên bằng cách uống rượu . Ở Trung Quốc , nhiều người nhờ tập luyện Thái Cực Quyền mà khối khổ đau sâu nặng của họ được giảm bớt phần nào . Hằng ngày , trên các đường phố hoặc công viên , có hàng triệu người tham gia luyện tập phương pháp giúp tĩnh tâm này . Phương pháp này tạo ra sự khác biệt đáng kể trong trường năng lượng tập thể theo hướng làm giảm bớt suy nghĩ và tăng cường khả năng có mặt của giây phút hiện tại.

Những phương pháp rèn luyện tâm linh có liên quan đến vận động của cơ thể như Thái Cực Quyền , khí công hay yoga ngày càng được ưa chuộng ở phương Tây . Những cách luyện tập này không tạo ra sự chia tách giữa thể chất và tinh thần , lại rất có ích trong việc làm suy yếu khối khổ đau sâu nặng ở trong mỗi con người . Chúng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp nhân loại tỉnh thức .

Người Do Thái bị ngược đãi qua nhiều thế kỷ nên khối khổ đau sâu nặng của tập thể một chùng tộc được thể hiện ở họ rất rõ . Chẳng mấy ngạc nhiên khi ta thấy rằng người thổ dân da đỏ ỡ Mỹ cũng có khối khổ đau sâu nặng rất lớn , vì dân số của họ ngày càng suy giảm còn nền văn hóa của họ hầu như bị xóa sổ bởi những di dân đến từ Châu Âu .Khối khổ đau sâu nặng tập thể này cũng được thể hiện rõ ở người Mỹ da đen . Tổ tiên của họ bị buộc phải rời xa nơi chon nhau cắt rốn , phải chịu khuất phục kẻ khác và bị bán làm nô lệ . Sức lao động của 4 – 5 triệu người da đen đã tạo cơ sở cho sự phồn vinh về kinh tế của nước Mỹ . Thật ra đau khổ mà thổ dân da đỏ ở Mỹ và người Mỹ da đen không chỉ giới hạn ở hai chủng tộc này mà đã trở thành một phần của khối khổ đau sâu nặng tập thể của tất cả mọi người ở nước Mỹ . Lúc nào cũng vậy , hậu quả của mỗi hành vi bạo lực , áp bức , hay ác tâm đều không những chỉ xảy ra cho nạn nhân mà còn xảy ra cho chính kẻ đã gây tội ác . Với những gì ta gây ra cho kẻ khác , thì chúng ta cũng gánh chịu những hậu quả tương ứng .

(Người Do Thái bị ngược đãi qua nhiều thế kỷ nên khối khổ đau sâu nặng của tập thể một chùng tộc được thể hiện ở họ rất rõ : Tương tự như thế , hậu quả của trên 10 thế kỷ Bắc thuộc , các cuộc nội chiến liên miên trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam , và gần đây là những cuộc chiến tranh lớn với các siêu cường quốc phương Tây đã để lại những hậu quả khốc liệt của chiến tranh : tinh thần vị kỷ , óc phân hóa , kỳ thị , chia rẽ ,… trong tâm hồn nhiều người Việt Nam. Nhưng người Do Thái đáng cho chúng ta khâm phục vì sự dứt khoát dẹp bỏ thái độ hẹp hòi , đặt lợi ích của cá nhân và gia đình qua một bên khi quyền lợi của đất nước và dân tộc họ bị đe dọa )


Bạn không cần bận tâm là trong khối khổ đau sâu nặng của bạn có bao nhiêu phần là thuộc tập thể và bao nhiêu phần thuộc cá nhân . Bất luận thế nào , bạn chỉ cần vượt ra khỏi nó bằng cách chịu trách nhiệm cho trạng thái nội tâm của bạn ngay phút giây này . Đừng trách móc người khác cho dù điều đó là chính đáng vì khi làm như thế , bạn sẽ tiếp sức cho khối khổ đau sâu nặng ở trong bạn và bạn sẽ còn mắc kẹt trong bản ngã của bạn . Trên thế giới này , chỉ có một thứ gây ra tội lỗi – đó là vô minh – tức là sự thiếu nhận thức của con người . Khi nhận ra điều này là lúc bạn có thể tha thứ cho người khác . Khi có tha thứ , bạn sẽ thoát ra được tâm thức “tôi là nạn nhân” và năng lực thật sự của bạn sẽ trỗi dậy – đó là năng lực của sự Có Mặt . Thay vì trách móc bong tối , bạn mang đến ánh sáng

Nguyenct
10-08-2011, 08:09 AM
THUC TINH MUC DICH SONG ( CHƯƠNG 5 ) tac gia ECKHART TOLLE