PDA

View Full Version : C - Chiếc Áo Tình Yêu



Dan Lee
10-10-2011, 07:11 AM
CHIẾC ÁO TÌNH YÊU

http://www.nguoitinhuu.com/phungvu/baigiang/NamA/cn28tn.mp3

Nói đến đám cưới của hoàng tử, công chúa, có lẽ chúng ta còn nhớ bầu khí nhộn nhịp cách đây nửa năm khi giới truyền thông loan báo các tin tức liên quan đến đám cưới của Công Tước William và Catherine Middleton của Hoàng Gia Anh vào tháng Tư, 2011.

Trong đám cưới này có ba danh sách khách được mời: danh sách thứ nhất khoảng 1,900 người được mời tham dự lễ cưới trong Tu Viện Anh Giáo Westminster; danh sách thứ hai gần 600 người được mời tham dự cuộc tiếp tân tại Điện Buckingham do Nữ Hoàng Anh khoản đãi; và danh sách thứ ba chỉ có khoảng 300 người được mời tham dự dạ tiệc do Hoàng Tử Wales (bố chú rể) khoản đãi. Chi phí đám cưới này được ước lượng khoảng 20 triệu bảng Anh, đó là chưa kể chi phí về an ninh và tiền hoa. Tổng số khán thính giả theo dõi đám cưới trên các đài truyền hình được ước lượng trên mười triệu người.1

Một vài con số nói trên giúp chúng ta cảm được vinh dự lớn lao biết chừng nào khi được mời tham dự một tiệc cưới hoàng gia. Không phải ai ai cũng được mời. Người được mời phải xứng đáng với vinh dự đó, và dĩ nhiên, quà cưới của họ cũng có một giá trị đáng kể.

Dụ ngôn tiệc cưới trong bài phúc âm hôm nay nằm trong một chuỗi dụ ngôn mà Đức Giêsu đã dùng để diễn tả Nước Trời hay Vương Quốc Thiên Chúa. Điều ngạc nhiên trong dụ ngôn này là sự từ chối của khách được mời, và sự kiên nhẫn của nhà vua khi sai gia nhân đi mời lần thứ hai. Nhưng vẫn có nhiều người từ chối vinh dự này với lý do bận công việc riêng, vì thế, nhà vua đã ra lệnh cho mời tất cả mọi người khác vào tham dự tiệc cưới.

Qua các dụ ngôn về Nước Trời (kể từ Chúa Nhật cách đây ba tuần), chúng ta có thể hiểu rằng Nước Thiên Chúa, như một vườn nho, đã được giao cho dân Israel chăm sóc, làm cho sinh hoa quả tốt, nhưng họ đã không chu toàn bổn phận nên Thiên Chúa đã lấy lại và giao cho một dân tộc khác, một dân tộc của giao ước mới có tên là Kitô Giáo, những người theo Chúa Kitô.

Có thể nói chúng ta là những khách được mời tham dự tiệc cưới thiên đàng. Dù chúng ta là ai – tốt hay xấu, giỏi hay dở, giầu hay nghèo – tất cả đều được Thiên Chúa mời gọi và gửi “thiệp cưới” cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội.

Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa sẵn sàng quên đi quá khứ của chúng ta, dù tội lỗi đến đâu đi nữa, Thiên Chúa cũng tha thứ và nhận chúng ta vào đại gia đình thánh thiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện. Nhưng, tình yêu vô điều kiện không có nghĩa nhu nhược. Một người cha thương con thì không để con mình tiếp tục hư hỏng, sa đọa, nhưng ông ta phải can thiệp, phải lên tiếng để hướng dẫn và cải thiện, dù rằng người con có muốn nghe hay không. Tương tự như vậy, bí tích Rửa Tội chỉ là khởi đầu của một hành trình đức tin mà trong đó sự tự do ý muốn của chúng ta góp phần quan trọng. Ý nghĩa này được thấy trong dụ ngôn tiệc cưới hôm nay.

Trong dụ ngôn này, điểm khác thường khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, đó là sau khi những khách được mời từ chối đến tham dự, nhà vua đã sai gia nhân ra khắp đường phố để quy tụ bất cứ ai họ gặp – dù tốt hay xấu – tất cả đều được vào tham dự tiệc cưới, nhưng sau đó, nhà vua lại trừng phạt một người không mặc áo cưới, “Hãy trói chân tay nó lại và quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” (c. 13). Chúng ta không thể hiểu dụ ngôn này theo nghĩa đen, vì nó tương phản với bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Sự kết thúc ghê sợ của dụ ngôn có mục đích khiến người nghe phải giật mình, suy nghĩ đến ý nghĩa của áo cưới.

Một số nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng, hồi xưa, khách đến tham dự tiệc cưới thì được phát cho một chiếc áo khoác, giống nhau về mầu sắc cũng như chất liệu, với mục đích làm cho y phục của cô dâu và chú rể được nổi bật lên. Như vậy, người không mặc áo cưới không phải là vì họ quá nghèo, nhưng vì họ không muốn tuân theo một quy tắc thông thường, và rồi tự họ bị lẻ loi, bị cô đơn giữa đám người được hạnh phúc, hình ảnh đó được diễn tả qua cảnh khóc lóc nghiến răng trái với bữa tiệc bò tơ và thú béo!

Nếu Chúa Giêsu dùng tiệc cưới để ám chỉ một phần thưởng cho những ai tuân giữ lời Chúa thì áo cưới ở đây có thể hiểu là kết quả của một lối sống. Chúng ta sẽ tìm hiểu lối sống đó qua ý nghĩa hôn nhân.

Một đám cưới, dù sang trọng hay đơn giản, điểm chính yếu là tình yêu. Không yêu nhau thì không ai làm đám cưới. Và đám cưới chỉ là khởi đầu của một hôn nhân kéo dài suốt cả đời, trong đó hai người có hạnh phúc hay không thì tuỳ thuộc vào một điều căn bản: họ có sống tình yêu mà họ dành cho nhau hay không? Họ có hy sinh cho người mình yêu hay không? Tình yêu của họ có sức mạnh để thay đổi con người của họ hay không?

Tình yêu là yếu tố quan trọng trong hôn nhân, nhưng giữa hôn nhân Công Giáo và hôn nhân dân sự, có điểm khác biệt lớn, đó là tinh thần hôn nhân. Hôn nhân Công Giáo hướng về một mục đích ở ngoài hôn nhân và cao hơn. Người Công Giáo không coi hôn nhân là đích điểm sau cùng của đời sống, mà đó chỉ là một phương tiện để giúp cho vợ chồng thăng tiến về mọi mặt, nhất là về tinh thần.

Nói thực tế, người Công Giáo không kết hôn với nhau chỉ để làm giầu, chỉ để nghĩ đến hạnh phúc gia đình của mình hay để giúp nhau chiếm được các địa vị quan trọng trong xã hội. Nhưng mục đích sâu xa của hôn nhân Công Giáo là để giúp vợ chồng đạt được sự chính trực và sự thánh thiện dễ dàng hơn.

Nếu khi còn độc thân, tôi ích kỷ sống cho riêng mình, khi lập gia đình, tôi tập sống cho người khác, tập hy sinh cho người mình yêu – là vợ/chồng hay con cái. Nếu khi độc thân tôi thường tự ái, khó thấy được khuyết điểm của mình, khi sống chung với người mình yêu, tôi dễ chấp nhận sự sửa đổi và nhờ đó tôi khiêm tốn hơn. Nếu khi độc thân tôi không muốn thay đổi những thói hư tật xấu của mình, khi lập gia đình tôi nhận ra sự cần thiết phải thay đổi tính tình để chung sống hạnh phúc.

Hôn nhân hạnh phúc là một kết quả nhờ sự cố gắng của hai vợ chồng, và cũng là một phương tiện để giúp vợ chồng thay đổi từ xấu đến tốt, từ ích kỷ đến vị tha, từ tội lỗi đến thánh thiện. Hạnh phúc của hôn nhân giúp tâm hồn vơ chồng rộng mở, quảng đại hơn trước để can đảm chia sẻ tất cả những gì họ có cho tha nhân – trước hết là vợ/chồng, con cái – và sau đó là người ngoài. Nói tóm lại, tình yêu giúp chúng ta trở nên giống Chúa Kitô hơn vì chúng ta dám hy sinh chính mình cho người mình yêu.

Bài đọc một hôm nay cũng đề cập đến một bữa tiệc mà Thiên Chúa thết đãi mọi dân tộc với thịt béo, rượu ngon tinh chế. Nhưng lý do chính yếu để ăn mừng là vì Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ, vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Con người sẽ không phải đau khổ vì sự chết, mà được sống mãi với Thiên Chúa. Đó là ngày Chúa Kitô kết hợp với Hội Thánh, mà chúng ta là một phần tử. Đó là ngày mà chúng ta sẽ mặc “áo cưới” để được kết hợp với Chúa Kitô. Nếu hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người tâm đầu ý hợp, liệu rằng “áo cưới” của chúng ta có xứng đáng với vinh dự ấy hay không?

Trong dụ ngôn hôm nay, khi thấy có người không mặc áo cưới, đích thân nhà vua đã đến gặp và hỏi, “Này bạn, sao bạn đến đây mà không mặc áo cưới?” Một câu hỏi chân tình và thân mật, “Này bạn”, nhưng người ấy không sao trả lời được. Họ im lặng, có lẽ vì họ không ngờ rằng vinh dự đó có thật? Họ im lặng, có lẽ bấy giờ họ cảm thấy hối tiếc về một cuộc đời thiếu chuẩn bị? Họ im lặng vì hiểu rằng họ đã tự tách mình ra khỏi một phần thưởng quá lớn lao được dành sẵn cho những người sống đức tin? Những người vô thần trong thế giới hôm nay cũng thế, khi chết đi, có lẽ họ sẽ sững sờ im lặng vì không ngờ rằng có Thiên Chúa ở đời sau!

Thiên Chúa vô cùng độ lượng và muốn mọi người được hưởng ơn cứu độ, và điều kiện duy nhất của Thiên Chúa là chúng ta hãy sống một cuộc đời cho tình yêu và vì tình yêu.

Xin Thiên Chúa ban ơn đức tin cho mọi người chúng ta, để những hành động yêu thương của chúng ta sẽ dệt thành một tấm áo xứng đáng với hạnh phúc Nước Trời.

Pt Giuse Trần Văn Nhật


1. http://en.wikipedia.org/wiki/Wedding_of_Prince_William_and_Catherine_Middleto