PDA

View Full Version : T - Tinh thần Assisi



Dan Lee
10-20-2011, 09:45 PM
Tinh thần Assisi




Cách đây 25 năm, ngày 27/10/1986, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện một giấc mơ lớn: ngài đã mời đại diện các tôn giáo trên thế giới đến Assisi để một bài ca hoà bình được dâng lên Thiên Chúa Duy nhất từ nhiều tâm hồn và nhiều ngôn ngữ. Lời mời gọi này được 70 đại diện các tôn giáo lớn chấp nhận. Họ trao ban niềm hy vọng về một thế giới khác: được canh tân, anh em với nhau cách sâu xa và nhân bản đích thực. Chính biến cố đã mang theo một sứ điệp quan trọng: khát vọng hoà bình đều được mọi người thiện chí chia sẻ; nhưng khi để ý đến hoàn cảnh của thế giới và mối tương quan giữa các dân tộc, hoà bình đích thực chỉ có thể đạt được nhờ một sự can thiệp của Thiên Chúa.

Cuộc gặp gỡ là để cầu nguyện. Lời cầu nguyện nảy sinh từ bối cảnh thiêng liêng của mỗi tôn giáo đang hiện diện. Nó mời gọi các tham dự viên đi vào trong nội tâm riêng của chính mình, mang lấy lời cầu nguyện của toàn thể nhân loại và dâng lên Thiên Chúa. Họ nhìn nhận rằng con người về phần mình không thể đạt được hoà bình mà họ đang tìm kiếm.

Dường như bầu khí huynh đệ phổ quát tìm thấy trong thành phố của thánh Phanxicô đã ngập tràn tâm hồn của những con người đến từ những nguồn gốc khác biệt nhất. Kinh nghiệm ấy đã được gọi là tinh thần Assisi, và trong sứ điệp ngày Hoà bình thế giới năm đó cũng còn được gọi là “lô-gích Assisi”. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên trước thềm nhà thờ Portiuncula, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng, ngài chọn “thành phố Assisi làm nơi cầu nguyện hôm nay là vì ý nghĩa đặc biệt của vị thánh được tôn kính nơi đây, thánh Phanxicô, đấng được nhiều người trên hành tinh biết đến như là biểu tượng của hoà bình, hoà giải và tình huynh đệ.” Vì thế Đức Giáo hoàng quyết định cổ võ sáng kiến đó nhân danh thánh Phanxicô, con người đã phá đổ các hàng rào, con người biết cách mở các cánh cửa và là anh em của mọi người.

Cộng đoàn SantʼEgidio, dấn thân cho khởi xướng này ngay từ đầu, đã tổ chức những cuộc hội họp tương tự hằng năm trong các thành phố Châu âu và Địa Trung hải. Tháng Giêng năm 1993 biến cố quay trở về lại Assisi trong thời gian chiến tranh Balkan. Đức Gioan Phaolô II, khi đối diện với những bạo lực cực đoan và thấy các nước cựu Yugoslavia không thể sống chung hoà bình, đã khẳng định rằng "chỉ trong sự chấp nhận lẫn nhau và tôn trọng lẫn nhau, được thêm đằm thắm nhờ tình yêu, mà có được bí quyết làm cho nhân loại được hoà giải”.

Khi các chương trình cho cuộc gặp gỡ năm 2002 đang xúc tiến, Đức Giáo hoàng một lần nữa mời gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo đến tại Assisi. Những lời mời gọi này tan biến khi tháp đôi vẫn còn đang cháy và bom đang thả xuống Kabul. Hoàn cảnh đã nêu bật cho thế giới thấy những sức mạnh hận thù gây đổ vỡ và chính sách khủng bố có thể nổ tung tại bất cứ ngõ hẻm nào của thế giới. Đức Giáo hoàng đã mời gọi các tôn giáo trên thế giới biến mình trở nên những khí cụ của hoà bình bởi vì hận thù và bạo lực chẳng sản sinh điều gì ngoại trừ hận thù và bạo lực nhiều hơn nữa.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tinh thần Assisi vào năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh đến tính vô thời hạn của sáng kiến này, khi nói rằng dầu thế giới đã thay đổi vẫn còn cần hết sức tìm kiếm những đường lối để xây dựng hoà bình, khi ghi nhận rằng “...thiên niên kỷ thứ ba đã mở đầu bằng những cảnh khủng bố và bạo lực, chẳng có chút dấu hiệu dịu đi.” Dù đôi khi dường như các tôn giáo đổ dầu vào các xung đột thay vì giải quyết chúng, Đức Giáo hoàng khẳng định: "Khi cảm thức tôn giáo đạt tới sự trưởng thành, nó làm nảy sinh trong các tín hữu một nhận thức: lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo vũ trụ và là Cha của mọi người, phải khuyến khích các mối tương quan huynh đệ phổ quát giữa con người. Quả thế, mọi truyền thống tôn giáo lớn đều chứng thực về mối giây mật thiết giữa mối tương quan với Thiên Chúa và nguyên tắc đạo đức của tình yêu."

Năm 2011 chúng ta sẽ cử hành kỷ niệm 25 năm cuộc tụ họp đầu tiên của Tinh thần Assisi. Nó sẽ được diễn ra tại những nơi chốn độc đáo của thành phố Assisi. Cần có một sứ điệp hoà bình ngày hôm nay cũng như 25 năm trước, cùng với một sự dấn thân cụ thể để xây dựng hoà bình trên thế giới chúng ta. Như Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định 5 năm trước, thế giới đã thay đổi kể từ cuộc cử hành đầu tiên. Các tôn giáo không chỉ được mời gọi đối thoại giữa họ với nhau, nhưng phải giơ tay ra với mọi người, dù họ là tín hữu hay không. Hơn thế nữa, giờ đây họ bị thách thức vươn ra vượt quá nhân loại, bởi vì bạo lực cũng đang thăm viếng trên tạo thành của Thiên Chúa nữa. Có một ý thức ngày càng gia tăng trong các truyền thống tôn giáo là sự tôn trọng và những tương giao hoà bình phải được cổ võ giữa các dân tộc cũng như giữa con người và cả tạo thành.

Chỉ nhờ mối tương quan mạnh mẽ của ngài với Chúa Cha mà thánh Phanxicô có khả năng nhận ra mọi người và mọi tạo vật như là anh chị em của mình. Chính tinh thần của thành ngữ Tinh thần Assisi sẽ giúp chúng ta dấn thân cách tích cực vào việc cổ võ hoà bình giữa loài người và vượt xa hơn nữa.

Nếu chúng ta đến với nhau trong Tinh thần Assisi và cầu nguyện như những tín hữu theo cách mà các truyền thống tôn giáo liên quan đã dạy chúng ta, chúng ta sẽ được vững mạnh để dấn thân trong những hoạt động cụ thể giúp chúng ta hành động với nhau để đối diện với những đe doạ đối với hoà bình và đối với môi trường mà chúng ta đối diện trong thế giới hôm nay.

Phan sinh Việt Nam