PDA

View Full Version : T - Thiên Chúa của Tình Yêu



Dan Lee
10-25-2011, 09:36 PM
THIÊN CHÚA CỦA TÌNH YÊU

Một vài năm trước đây William Golding có viết một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mang tên Lord of the Flies. Đó là câu chuyện về một nhóm học sinh khoảng 14 tuổi.

Các học sinh này sống vất vưởng trên một hoang đảo sau khi chiếc máy bay cứu họ từ Anh Quốc, trong Thế Chiến II, bị rớt trên biển Thái Bình Dương. Phi công và người phụ tá đều bị chết ngay lập tức, chỉ có các cậu trai này là còn sống sót.

Lúc đầu, mọi sự đều êm đẹp. Chúng vui thích thám hiểm hòn đảo này và trở nên những chủ nhân mới.
Nhưng sau đó mọi sự trở nên tồi tệ. Chúng cãi nhau, và chia làm hai phe đối nghịch. Dần dà chúng trở nên man rợ và bắt đầu tiêu diệt lẫn nhau.

Một trong những điểm phát xuất từ câu chuyện của Golding là, nếu để tự ý, bản chất con người sẽ trở nên hung bạo.

Nói cách khác, nếu không có lề luật và cơ cấu để hướng dẫn, bản chất con người có xu hướng thiên về sự dữ. Nó sẽ đi theo chiều hướng ít trở ngại nhất, và kết quả là sự xáo trộn.

Nói một cách tích cực, điểm mà Golding muốn nói là: Xã hội cần có lề luật và cơ cấu để tồn tại. Nếu không có lề luật và cơ cấu, không bao lâu xã hội sẽ suy thoái thành một loại rừng rú. Không có gì là linh thiêng; không ai được tôn trọng.

Người Do Thái xưa có một triết lý tương tự về bản tính con người. Họ tin rằng cần phải có lề luật và cơ cấu để dân Israel tồn tại và phát triển thành một quốc gia.

Đó là một khung cảnh được thấy trong sách Nêhêmia (8:1-8), trong đó toàn thể dân tộc tụ tập lại và tự hứa sẽ tuân giữ lề luật.

Từ ngày đó trở đi, việc nghiên cứu lề luật trong Israel trở thành một trong những nghề quan trọng nhất. Những luật gia cổ xưa này, được gọi là luật sĩ, tự khoác cho mình một trách nhiệm là áp dụng lề luật vào những chi tiết nhỏ bé nhất trong đời sống hàng ngày.

Thí dụ, hãy lấy điều luật cấm người ta không được làm việc vào ngày Sabát. Các luật sĩ dành cả giờ đồng hồ để thảo luận về việc áp dụng luật này vào các hành động tỉ như bước đi. Thí dụ, người ta có thể bước đi bao xa để coi đó là sự giải trí thay vì làm việc?

Và vì thế có những điều luật nói rằng, trong ngày Sabát có thể bước đi nửa dặm, nhưng ai bước đi xa hơn quãng đường đó thì bị coi là phạm luật.

Các luật sĩ còn đi xa hơn nữa. Họ “xây những hàng rào chung quanh lề luật,” để giữ dân chúng khỏi vi phạm luật vì sự tình cờ.

Nói cách khác, bước đi nửa dặm trong ngày Sabat thì không sao; nhưng để giữ cho dân chúng khỏi tình cờ vi phạm luật, các luật sĩ đặt ra một điều luật rằng người ta chỉ có thể bước đi hai phần năm dặm.

Nhận xét về thói vụ luật quá đáng này, William Barclay, một người nghiên cứu luật Do Thái, đã viết như sau:

Vào lúc sự dẫn giải lề luật chấm dứt, phải mất trên năm mươi bộ sách để ghi lại các quy tắc phát sinh từ việc dẫn giải đó.

Kết quả sau cùng của việc này là nhiều thường dân ở Israel từ bỏ việc tuân giữ lề luật mà các luật sĩ đặt trên vai họ. Họ thực sự chán nản và không còn hy vọng gì để làm vừa lòng Thiên Chúa. Nhiều thường dân còn bỏ cả việc tuân giữ các điều luật chính.

Hậu quả là những người này bị các luật sĩ và Biệt Phái tẩy chay, coi họ là những người tội lỗi và bị ruồng bỏ.

Điều này giải thích lý do tại sao Đức Giêsu đối xử rất khắc nghiệt đối với các luật sĩ và Biệt Phái. Đó là vì họ làm ô uế tôn giáo và biến tôn giáo thành một bộ lề luật.

Điều này cũng giải thích lý do tại sao Đức Giêsu nói với các luật sĩ và Biệt Phái trong bài phúc âm hôm nay:

“Họ cột những gánh nặng không thể khiêng nổi trên lưng người dân; nhưng họ lại không muốn nhấc ngón tay để giúp người dân mang những gánh nặng ấy.”

Trái với thói vụ luật này, Đức Giêsu chủ trương tình yêu và sự tha thứ. Người nói rằng tâm điểm của tôn giáo thì không phải là một cuốn sách đầy luật mà chỉ có một ít người có thời giờ rảnh rỗi để học biết và tuân giữ.

Đúng hơn, đó là một tâm hồn đầy tràn tình yêu và trắc ẩn, mà mọi người đều có khả năng.

Đức Giêsu nhấn mạnh đến điều này trong bài phúc âm tuần trước khi Người tóm lược các giới răn của lề luật thành hai điều: Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sư và yêu thương tha nhân như chính mình.

Tất cả các giới răn khác đều lệ thuộc vào hai điều này.

Nói cách khác, Đức Giêsu nói rằng quý vị có thể đặt ra mọi lề luật quý vị muốn và tuân giữ những điều luật quý vị đặt ra. Nhưng nếu lý do để thi hành như vậy không phải là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, quý vị đã quên đi điểm chính của lề luật và tôn giáo.

Thánh Phaolô, từ một người Biệt Phái trở lại Kitô Giáo, trong thư gửi Tín Hữu Côrintô ngài đã nhấn mạnh đến cùng một điểm này khi nói:

Tôi có thể có được mọi đức tin đến độ chuyển cả ngọn núi – nhưng nếu tôi không có tình yêu, tôi cũng chẳng là gì. Tôi có thể cho đi mọi sự tôi có… nhưng nếu tôi không có tình yêu,
điều này chẳng ích gì cho tôi.

Yêu thì nhẫn nại, yêu thì ân cần.
Yêu không phải là ghen tương, không phải là khoe khoang,
không phải là tự mãn, không phải là thô lỗ,
yêu không tìm lợi ích riêng cho mình,
không hay nóng giận, không cay đắng,
yêu không vui khi làm điều sái quấy nhưng vui khi thấy sự thật.
Tình yêu không bao giờ bỏ cuộc; và sự tin tưởng, sự hy vọng và sự kiên nhẫn của tình yêu
thì không bao giờ thất bại.”
1 Cor. 13:2-7

Nếu có hồ nghi về địa vị hàng đầu của tình yêu trong tôn giáo, những lời trên của T. Phaolô đã xua tan tất cả.

Hãy kết thúc bằng lời của Mẹ Têrêsa, là người hơn ai hết đã duy trì sự quân bình mỹ miều giữa tình yêu và lề luật khi đề cập đến sự thực hành tôn giáo. Mẹ nói:

Nhiệm vụ của mỗi người là một nhiệm vụ yêu thương…
Hãy khởi sự ngay nơi bạn đang ở, với những người gần gũi nhất với bạn.
Hãy biến nhà bạn thành các trung tâm đầy trắc ẩn và tha thứ không ngừng.
Đừng để ai sau khi đến với bạn mà không trở nên tốt hơn và vui hơn…
Vào lúc chết khi chúng ta đối diện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ được xét xử dựa trên tình yêu; không phải bao nhiêu công việc mà chúng ta đã làm,
nhưng bao nhiêu tình yêu mà chúng ta đã biến thành hành động.

Cha Mark Link, SJ