PDA

View Full Version : M - Món quà tặng Chúa của ta



Dan Lee
11-09-2011, 12:23 AM
Món quà tặng Chúa của ta



Bài Tin Mừng Chúa Giêsu kể một dụ ngôn để mỗi chúng ta suy nghĩ và nhận thức những tài năng của chúng ta đang có là quà tặng mà Thiên Chúa thương ban để chúng ta có thể hoàn toàn tự hiến cho người khác bằng sự phục vụ. Mỗi một lần cho đi cách rộng rãi bằng chính tấm lòng, chúng ta đã thực sự can đảm liều lĩnh như hai người đầy tớ trung tín trong phần đầu của dụ ngôn. Mỗi người đầy tớ đó dám đánh cuộc tất cả tài sản mà chủ đã trao cho để đầu tư sinh lợi mà không giữ lại phần nào cho mình, cho dù sự khôn ngoan thế gian có thể làm khác đị. Từ sự can đảm và nhận thức mọi của cải, mọi tài năng đều do Chúa ban, chúng ta có thể học được bài học mọi thứ được Chúa ban tặng ta đều là tăng ân, do đó, chúng ta cũng sẽ cho đi như những món quà mà không phân biệt hay chọn lựa người nhận có đáng được nhận hay không, họ sẽ dùng vào việc gì, có lợi hay có hại, hoặc họ có lạm dụng sự rộng rãi của mình hay không.

Khác với hai người đầy tớ rộng rãi vừa nói, người đầy tớ thứ ba đã “thủ,” hành động với ý riêng của mình. Người nầy cho rằng làm như vậy mới chắc ăn, và sẽ không thua thiệt gì cả. Anh ta đã không dám liều lĩnh, không can đảm đầu tư của cải của chủ giao để sinh lợi. Nói cách khác, anh đã không cho đi, chỉ giữ bo bo cho mình mà thôi. Cuối cùng, vì từ chối cho đi những gì mà Chúa đã ban tặng như thì giờ, sức lực, của cải, tài năng cho lợi ích của Nước Trời. Những thứ đó, cuối cùng rồi cũng có thể nguyên vẹn là vật chất, nhưng sự tốt lành sẽ lan tỏa và ảnh hưởng tới người khác mà chúng ta sẽ không thể nào biết được cho tới giờ chết của mỗi người.

Khi bắt đầu kể dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu cố ý dùng như một câu chuyện ngụ ngôn để răn bảo người thời đó. Nếu họ dám liều lĩnh đầu tư con người cá nhân họ qua đức tin để sống như thông điệp Chúa kêu mời, họ sẽ làm vui lòng Chúa, và Ngài sẽ trọng thưởng cho sự cố gắng của họ. Trái lại, nếu họ chọn lựa con đường “ù-lì, mũ ni che tai” nghĩa là làm biếng, không làm gì cả (như trong bảy mối tội đầu), hậu quả sẽ rất tai hại không thể lường được. Họ sẽ bị ném vào ngục tối, ở đó chỉ có khóc lóc và nghiến răng.

Sau khi Chúa đã về trời, giáo hội sơ khai đã dùng thông điệp của dụ ngôn nầy để thách đố các tín hữu của Ngài xử dụng những tặng ân được ban một cách hoàn hảo trong khi chờ đợi Chúa đến lần thứ hai, nghĩa là tận thế. Cho dù không nói ra nhưng các tín hữu tin rằng những cuộc bách hại đạo Chúa do đế quốc Roma khởi xướng để bắt bớ, giam cầm, hành hạ và giết chết những người có đạo, ai can đảm tuyên xưng tin vào Chúa Kito, đều được chính Chúa chào đón trên Nước Trời, và những ai nhát đảm đều phải hứng chịu hậu quả do hành động của mình.

Thông điệp của dụ ngôn vẫn còn đang tiếp diễn cho chúng ta ngày nay. Ai trong chúng ta cũng được Chúa ban cho ân sủng và tài năng, và trong phạm vi Chúa cho, chúng ta cũng phải trở nên ân sủng và tài năng cho người khác, ngay cả chúng ta chỉ là một mầm nhỏ so với các cây cổ thụ, chúng ta cũng sẽ là bóng mát cho người khác nghỉ ngơi. Thực sự, khi Chúa sinh ra ta là tặng ân từ Ngài; Khi chúng ta trưởng thành là tặng ân của ta cho Chúa. Chúng ta cùng suy nghĩ về cuộc đời của hai người phụ nữ sau đây:

Bà Dorothy Day là một phụ nữ người Mỹ rất can đảm, một đời xả thân phục vụ cho những ai cần giúp đỡ vùng New York. Bà qua đời vào ngày 29 tháng 9 năm 1980. Thánh lễ an táng của bà gồm có đủ thành phần như các phụ nữ bị ruồng bỏ, đánh đập; các thiếu niên bụi đời; các người ăn xin, nghiện ngập và thợ thuyền, các linh mục, và các soeurs v.v… Trong khi mọi người đang quây quần bên quan tài của bà để chờ Đức HY Terence Cooke làm phép xác, một người mắc bệnh loạn trí đã đẩy một số người dạt ra một bên để tiến vào cúi phủ phục trước linh cửu bà. Không một ai ngăn cản hay cấm đoán anh ta vì những người có mặt biết khi còn sống, chính bà Dorothy Day đã săn sóc giúp đỡ anh như săn sóc chính khuôn mặt Đức Kitô.

Đám tang của chân phước Têrêsa Calcutta năm 1997 được chính phủ Ấn Độ long trọng cử hành như một lễ quốc giáo dành cho các nguyên thủ quốc gia của họ. Trong khi 21 phát súng đại bác canon được bắn ra, mấy chục nguyên thủ các nước trên thế giới đứng cúi đầu kính cẩn chào, cùng với hàng vạn người nghèo khổ, neo đơn, mồ côi, tật nguyền…gạt lệ tiếc thương! Khi còn sống, Mẹ đã tận tụy phục vụ những kẻ khốn cùng như săn sóc chính khuôn mặt Đức Kitô.

BĐI tác giả sách Châm Ngôn khẳng định rằng một người đàn bà tốt là một bức tranh biết nói của sự Khôn ngoan của Thiên Chúa. “Nàng sẵn sàng ra tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.” Những phụ nữ như bà Dorothy Day, như Mẹ Têrêsa đáng để chúng ta chiêm ngưỡng như là những người đàn bà tốt lành, thánh thiện được xưng tụng trong sách Châm Ngôn và được Chúa Kitô làm cho họ trở thành những chứng nhân sống động trong thời đại chúng ta.
Chỉ còn hơn 1 tuần lễ nữa là hết Năm Phụng Vụ A, GH sẽ mời chúng ta bước vào Năm PV mới, năm B -2012-. Nếu tính sổ cuối năm, chúng ta có gì để dâng tặng cho Chúa trong năm nay?


Phó Tế Phêrô Đặng Phi Hùng