PDA

View Full Version : T - Thiên Chúa của người nghèo



Dan Lee
11-23-2011, 08:47 PM
Thiên Chúa của người nghèo



Những ai quan tâm đến thần học giải phóng đều thấy rõ là vào những năm sau này, Gustavo Gutierrez, ông tổ của nền thần học giải phóng, lại quan tâm đặc biệt đến chiều kích thiêng liêng. Cụ thể là mới đây, nhà thần học 83 tuổi này đã muốn tóm tắt công trình nghiên cứu cũng như sự dấn thân của ông trong một câu: “Tôi hi vọng cuộc đời tôi làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng, trên hết mọi sự là sứ điệp Thiên Chúa yêu thương nhân loại và yêu thương những người nghèo khổ nhất trong nhân loại”. Tâm tình này được ghi lại trong cuốn Gustavo Gutierrez: Spiritual Writings do cha Daniel Groody thực hiện (Nxb. Orbis Books, 2011).

Bằng sự quan tâm đến chiều kích thiêng liêng, Gutierrez cho thấy thần học giải phóng không chỉ là những nghiên cứu và suy tư mang tính khoa bảng và bàn giấy, nhưng là những thao thức và dấn thân được khơi nguồn từ sự gặp gỡ Thiên Chúa và làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng. Nói cách khác, có một linh đạo giải phóng.

Để thấy rõ hơn điều này, cần trở lại với sự phân biệt của Gutierrez về khó nghèo vật chất, khó nghèo thiêng liêng, và khó nghèo tự nguyện.

Khó nghèo vật chất là tình trạng thiếu thốn phương tiện để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất của con người như giáo dục, y tế, đồng lương hạn hẹp, bị phân biệt đối xử vì mầu da, chủng tộc, giới tính. Sự nghèo khổ đó là cái ác tự thân, hủy hoại phẩm giá con người. Sự nghèo khổ đó không phải do định mệnh hay lười biếng nhưng do cơ cấu bất công của xã hội, thứ cơ cấu ưu đãi một thiểu số và dìm số đông vào tình trạng đói nghèo. Tóm lại, đó là một thực tại phức hợp chứ không chỉ là chuyện kinh tế vật chất, và nó thách thức lương tri nhân loại, cách riêng lương tâm Kitô giáo.

Còn khó nghèo về mặt thiêng liêng là sự mở rộng tâm hồn trước thánh ý Thiên Chúa, là sự tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa quan phòng và tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Theo ý nghĩa đó, khó nghèo thiêng liêng cũng còn được gọi là thơ ấu thiêng liêng, từ đó tự ý khước từ mọi của cải vật chất, để thuộc về Chúa và phụng sự Người trọn vẹn hơn.

Ngoài ra, theo Gutierrez, còn có sự khó nghèo tự nguyện được hiểu là sự phản kháng cách ý thức trước bất công, thể hiện qua việc tự ý chọn lựa sống chung với những người nghèo về vật chất. Cội nguồn của lối sống này là chính Đức Giêsu, Đấng đã liên đới với thân phận nhân loại để giúp con người vượt qua tội lỗi là cái làm cho họ thành nghèo nàn và nô lệ. Sự nghèo khó này khẳng định rằng Đức Giêsu đã sống như một người nghèo không phải vì nghèo khổ ở tự nó có giá trị gì, nhưng để phê phán những cơ cấu và con người đang áp bức người nghèo và tước đoạt phẩm giá của họ.

Chọn lựa sống nghèo tự nguyện này phát xuất từ cảm nghiệm tình yêu phong phú của Thiên Chúa: “Chúng ta được tạo dựng bởi tình yêu và cho tình yêu. Chỉ bằng đời sống yêu thương, chúng ta mới hoàn thiện bản thân, nghĩa là đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu cho không chứ chúng ta không xứng với tình yêu ấy. Đó là một quà tặng ta đón nhận từ trước khi có mặt trên đời, hay nói đúng hơn, chính vì quà tặng ấy mà ta được tạo thành. Tình yêu cho không ấy ghi dấu cuộc đời chúng ta để chúng ta cũng biết yêu thương cách nhưng không”.

Đây cũng chính là suối nguồn đích thực của việc chọn lựa người nghèo, phục vụ người nghèo: “Sự trở lại của chúng ta với Chúa hàm nghĩa trở lại với tha nhân. Trở lại hay hoán cải có nghĩa là dấn thân cách sáng suốt, thực tiễn và cụ thể cho tiến trình giải phóng người nghèo và người bị áp bức… Nền linh đạo giải phóng sẽ tập trung vào việc trở lại với người nghèo, người bị áp bức, những thành phần bị bóc lột, nhóm thiểu số bị khinh miệt, những quốc gia bị thống trị”.

Trong thực tế, có những Kitô hữu dấn thân đấu tranh cho người nghèo nhưng vì thiếu vắng cảm nghiệm về tình yêu cho không của Thiên Chúa, nên họ cũng đi vào con đường đấu tranh mà nhiều phong trào xã hội khác chủ trương, và không còn thấy đâu là đường lối cũng như ánh sáng của Tin Mừng. Ngược lại, vô cảm trước những bất công xã hội và nỗi cùng khổ của tha nhân, không thể là dấu chỉ đích thực của người thực sự cảm nghiệm được tình yêu cho không của Thiên Chúa.

Kể từ khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, nền thần học giải phóng xem ra cũng thoái trào vì không ít nhà thần học giải phóng đã quá gắn bó tư tưởng của họ với chủ nghĩa Marx. Tuy nhiên, thiết nghĩ những định hướng thiêng liêng và suy tư thần học mà Gutierrez khai triển vẫn còn có giá trị cho ngày nay, khi tình trạng cách biệt giàu nghèo càng lúc càng gia tăng cùng với những bất công xã hội dưới nhiều hình thức, nhất là khi những bất công ấy được che đậy bằng cái gọi là công bằng pháp lý. Nhận định của Gutierrez vẫn đáng cho người Kitô hữu quan tâm: “Các Kitô hữu chưa làm đủ trong việc quan tâm đến tha nhân, lịch sử, công bằng xã hội. Họ chưa nhận thức sáng suốt cho đủ rằng nhận biết Chúa chính là thực thi công lý. Họ chưa đặt chân lên trên con đường dẫn họ đến sự bình an của Chúa ngay giữa lòng những đấu tranh xã hội”.


HTT