PDA

View Full Version : S - Suy niệm Lời Chúa - Ơn Gọi Của Đức Maria



Dan Lee
12-16-2011, 09:46 PM
Chúa Nhật IV Mùa Vọng – B

Ơn Gọi Của Đức Maria



Điểm rất quan trọng trong bài Tin Mừng này, là giáo huấn của tác giả Lc về Đức Giêsu: Người là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa.



1.- Ngữ cảnh

Câu truyện thứ hai của Tin Mừng Luca trong bài tường thuật về thời thơ ấu song song với câu truyện thứ nhất: cũng như cuộc chào đời lạ lùng của Gioan được loan báo cho cha là Dacaria (1,5-25), cuộc chào đời lạ lùng của Đức Giêsu sẽ được loan báo cho mẹ Người là Đức Maria (1,26-38). Cũng giống như trong lời loan báo cuộc chào đời của Gioan, ở đây cũng có một cái khung gồm năm yếu tố thuộc về thể văn loan báo các cuộc chào đời trong Cựu Ước (xem các cuộc chào đời của Ítmaên, Isaác, Samson, Samuên):

a) thiên thần đi vào (1,28),

b) Đức Maria bối rối (1,29),

c) sứ điệp của trời cao (1,30-33),

d) vấn nạn của Đức Maria (1,34bc),

e) thiên thần trấn an và cho dấu chỉ: bà Êlisabét có thai (1,35b-37).

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Khung cảnh và các nhân vật (1,26-27);

2) Cuộc đối thoại giữa thiên thần Gabriel và Đức Maria (1,28-37):

a) Chặng 1 (cc. 28-33),

b) Câu hỏi trung tâm (c. 34),

c) Chặng 2 (cc. 35-37);

3) Sự chấp thuận của Đức Maria (1,38).

3.- Vài điểm chú giải


- Gabriel (26): Tác giả Lc nhận ra rằng “sứ thần của Chúa” là thiên thần thuộc lời sấm của Đaniel 9 về bảy mươi tuần; ngài đã đến với Đanien “vào lúc dâng lễ vật ban chiều” (Đn 9,21; x. 8,16). Cùng với Micaen (Đn 10,13; 12,1) và Raphaen (Tb 3,17), Gabriel là một trong ba thiên thần được nêu tên rõ ràng trong Cựu Ước. Tên Gabrý-’êl có nghĩa là “Thiên Chúa là anh hùng / chiến sĩ của tôi”.

- Nadarét (26): Nadarét không được nhắc đến cả trong Cựu Ước lẫn trong các tác phẩm của Gioxép hoặc các tác phẩm chú giải của các kinh sư. Ta biết đến thôn làng này nhờ một mảnh bản văn khắc bằng tiếng Híp-ri tìm ra năm 1962 ở Xêdarê bờ biển, trong đó liệt kê hai mươi bốn nhóm tư tế (x. 1,5) và các làng hoặc thành phố nơi các nhóm ấy cư trú. Nhóm thứ mười tám là nhóm Happozzez được ghi là cư trú tại Nsrt, “Nazareth”. Bản văn khắc này thuộc về cuối thế kỷ iii hoặc đầu thế kỷ iv CN. Ở đây tên Hy Lạp được ghi là Nazareth, nhưng ở Lc 4,16, tên được ghi la Nazara (cũng như ở Mt 4,13).

- thành hôn (27): Thuật ngữ “thành hôn” hay “đính hôn” ở đây là dạng perfect participle passive emnêsteumenên của động từ mnêsteuô, “đính hôn”, “betroth”. Dạng ngữ pháp này có nghĩa là việc đính hôn đã xảy ra và vẫn còn tồn tại. Giáo sư Fitzmyer (chuyên về truyền thống Luca) đã dịch emnêsteumenên là “engaged to a man”; Bản dịch Đại kết (TOB) dịch là “accordée en mariage à un homme”; Bản dịch của École de Jérusalem (BJ) dịch là “fiancée à un homme”. Dường như toàn câu văn Luca lấy từ bản LXX của Đnl 22,23 (parthenos memnêsteumenê andri, “khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông”; x. Mt 1,18). Ở bên Paléttina, việc kết hôn của người con gái diễn ra thành hai giai đoạn:

(1) Lễ “cam kết” (Híp-ri êrusin = La-tinh sponsalia), hay là việc trao đổi về hình thức sự ưng thuạn kết hôn trước mặt những người chứng (x. Ml 2,14) và trả khoản môhar, “giá cô dâu” (một khoản tiền trả cho cha mẹ cô gái; x. St 34,12; Xh 22,16; 1 Sm 18,25);

(2) Chính lễ “thành hôn” (Híp-ri nissuin) hoặc là lễ “mang (rước)” cô gái về nhà chàng trai (x. Mt 1,18; 25,1-13).

Lễ cam kết đã cho chàng rể có những quyền pháp lý trên cô gái, và cô này đã có thể được gọi là “vợ” (Hy Lạp gynê, x. Mt 1,20.24) của anh. Việc cam kết chỉ bị phá hủy khi anh ta ly dị cô. Do đó bất cứ hành vi nào của cô vi phạm các quyền làm chồng của anh đều bị coi là ngoại tình. Sau lễ nghi cam kết, người con gái thường vẫn ở tại gia đình mình khoảng một năm trước khi được mang về nhà chồng.

Như vậy, vào lúc được truyền tin tại Nadarét, Maria đã cam kết thành hôn với Giuse rồi, có nghĩa là đã kết hôn đúng pháp lý với Giuse, đã thật sự là “vợ” của ông; cô chỉ chưa được rước về nhà Giuse thôi. Với lại, nếu đọc Lc 2,5, chúng ta thấy: Dù lúc đó Maria đã về chung sống với Giuse rồi, tác giả Luca vẫn gọi Maria là emnêsteumenê: Ở đây, Fitzmyer cứ dịch sát là “his fiancée”; TOB dịch thẳng ra là “épouse”; còn BJ cũng dịch là “sa fiancée”. Dù sao, dựa vào bản Luca Hy Lạp, có thể hiểu hứa hôn cũng là thành hôn. Bản Vulgata đã dịch là desponsatam, “hứa hôn”, nhưng đến Lc 2,5, bản văn đã dịch và thêm từ ngữ uxor để giải thích từ desponsata thành một câu như sau: “cum Maria desponsata sibi, uxore praegnante”, “cùng với Maria đã đính hôn với ông, vợ đang có thai”. Như thế Bản Vulgata vừa giữ từ ngữ có nghĩa “đính hôn”, vừa giải thích theo nghĩa truyền thống Híp-ri: “đính hôn” đây có nghĩa là “vợ” về pháp lý. Bản Nova Vulgata lấy lại y nguyên kiểu dịch của Bản Vulgata.


- Giuse (27): Hầu chắc đây là dạng gọi tắt của tên Yôsýp-yah, “Ước gì Đức Chúa thêm cho” (các đứa con khác ngoài đứa con vừa chào đời) (x. Er 8,10; St 30,24).

- Maria (27): Đây là tên của chị Môsê (Híp-ri Miryam, Xh 15,20). Bản LXX thường viết là Mariam, cũng như Lc ở đây, nhưng cách đọc tốt hơn, là Maria, được chứng thực trong các bản văn ngoài Kinh Thánh (x. Lc 2,19). Miryam (và Mariam) là một tên Sê-mít, có nguồn gốc Canaan, có liên hệ với danh từ mrym (Ugarít và Híp-ri) nghĩa là “độ cao, đỉnh cao”.

- Mừng vui lên (28): Chaire là kiểu chào thông thường trong văn chương Hy Lạp và được cả người Sê-mít dùng trong Tân Ước (x. Mt 26,49; 28,9). Nhưng theo nhiều nhà chú giải, kiểu chào Sê-mít quen thuộc hơn, là eirênê (Lc 10,5; 24,36; Ga 20,19.21.26), dịch từ tiếng Híp-ri shalôm hay tiếng A-ram shelâm. Dạng mệnh lệnh chaire (do động từ chairein), “Mừng vui lên” xuất hiện bốn lần trong Bản LXX (Xp 3,14; Ge 2,21; Dcr 9,9; Ac 4,21). Ba ví dụ đầu là một lời sấm ngỏ với Israel hoặc Giêrusalem để nói về cuộc tái thiết Dân Thiên Chúa: “Thiếu nữ Sion”, tức Dân Chúa, được mời gọi vui lên, vì được Đức Chúa đến viếng thăm. Rất có thể Lc đang quy chiếu về Xp 3,14-17, và như thế ám chỉ Đức Maria là “thiếu nữ Sion”, cũng với cùng một lý do: “Đức Chúa ở cùng bà”.

- Hỡi đấng đầy ân sủng (28): Công thức này chính là một tên riêng thiên thần đặt cho Đức Maria (x. Tl 6,12), trong tiếng Hy Lạp là kecharitômenê (pf. pass. ptc). Từ ngữ này cho thấy Đức Maria giống như một bình chứa sự sủng ái của Thiên Chúa; do đó nên dịch là “đấng [đã và vẫn còn đang] được [Thiên Chúa] sủng ái” (vì “được sủng ái” nên cũng “đầy ân sủng” như là kết quả của sự sủng ái: Bản Vg dịch là gratia plena). Câu này sẽ được giải thích bởi câu 30, “vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (NTT: “người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa”). Xem thêm St 6,8; 18,3. Trong Tân Ước, từ charis trước tiên có nghĩa là lòng sủng ái của Thiên Chúa tỏ ra nơi hành vi thi ân giáng phúc nhưng-không.

- Đức Chúa ở cùng bà (28): Công thức này được dùng thường xuyên trong Cựu Ước, nhưng dưới dạng lời chào thì chỉ có hai lần (R 2,4; Tl 6,12). R 2,4 là một lời cầu chúc; Tl 6,12 là một tuyên bố. Do Lc 1,28 tương tự Tl 6,12, có thể hiểu đây là một tuyên bố.

- Người sẽ nên cao cả (32): x. St 16,12.

- Đấng Tối Cao (32): Có thể danh hiệu này liên hệ đến danh hiệu Híp-ri ‘Elyôn hoặc danh hiệu A-ram ‘Illây, “Đấng Cao cả, Đấng được tôn dương”.

- tôi không biết đến việc vợ chồng (34): dịch sát là “vì tôi không biết một người nam (hoặc: một người chồng, HL. andra)”. Động từ ginôskein, “biết”, thường được dùng như một uyển ngữ để chỉ quan hệ vợ chồng (St 19,8; Tl 11,39; x. Mt 1,25).

- Thánh Thần (35): Sự song đối giữa “Thánh Thần” và “quyền năng Đấng Tối Cao” khiến ta hiểu là hai công thức này giải thích lẫn nhau: Thần Khí được hiểu theo nghĩa Cựu Ước là quyền lực sáng tạo và năng động của Thiên Chúa hiện diện nơi các con người.

- ngự xuống (35): eperchesthai. Câu văn có nghia là con trẻ sẽ sinh ra sẽ là một “quà tặng” của Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn.

- sẽ rợp bóng (35): Động từ episkiazein được dùng trong Xh 40,35 cho đám mây vinh quang Thiên Chúa tràn đầy Lều Tạm trong sa mạc.

- không có gì là không thể làm được (37): Câu này nhắc đến St 18,14 (LXX) liên hệ đến Sara, vợ son sẻ của Abraham.

- xin Người thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói (38): Lc dùng thể opt. genoito, diễn tả một một nguyện ước có thể đạt được.



Các điểm gặp nhau giữa Lc 1 và 2 Sm 7 (bản văn NTT):
2 Sm 7

c. 9: “một danh lớn”
c. 13: “ngai vương quyền nó”
c. 14: “nó sẽ là con Ta”
c. 16: “nhà ngươi, vương quyền của ngươi”

Lc 1
c. 32: “Ngài sẽ làm lớn”
c. 32: “ngai Đavít cha Ngài”
c. 32: “Con Đấng Tối cao”
c. 33: “vua trên nhà Yacob cho đến đời đời”

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Khung cảnh và các nhân vật (26-27)

Tác giả Luca cho thấy vẫn là thiên thần Gabriel loan báo cuộc chào đời của Đức Giêsu. Khung cảnh thời gian là “tháng thứ sáu” rõ ràng phản ánh bút pháp của Lc, vì nhằm nối kết truyện này với phần kết của truyện Gioan Tẩy Giả (1,24b-25). Ông Dacaria đã được loan báo về cuộc chào đời và nhiệm vụ của con ông là Gioan. Nay đến lượt Đức Maria được loan báo về cuộc chào đời và định mệnh của con ngài là Đức Giêsu. Đức Maria được giới thiệu là “trinh nữ” hai lần, còn Giuse được gọi là vị hôn phu chứ không phải là chồng (như Mt 1,18-20) thuộc nhà Đavít.

* Cuộc đối thoại giữa thiên thần Gabriel và Đức Maria (28-37)

a) Liên hệ đến Thánh Mẫu học

Đức Maria không những được biết là con của mình sẽ chào đời, mà còn được Thiên Chúa kêu gọi và được làm cho có khả năng trở thành mẹ của người con ấy. Bà được tháp vào trong chuỗi những người được gọi trứ danh, đã nhận được từ nơi Thiên Chúa một nhiệm vụ đặc biệt nhằm đưa lại sự thiện hảo của Dân Thiên Chúa. Trong lời chào của thiên thần “Mừng vui lên, hỡi Đấng được sủng ái, Thiên Chúa ở cùng bà” (1,28), khung cảnh của ơn gọi của Bà được xác định, đó là: niềm vui, ân sủng và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lời đầu tiên của thiên thần theo sự thường được dịch ra thành một lời chào chung chung: “Kính chào bà!”. Nhưng luôn luôn khi xuất hiện trong bối cảnh là những bước khởi đầu của Đức Giêsu, vị sứ thần của Chúa đưa lại niềm vui lớn lao: cho Dacaria (1,14) và các mục đồng (2,10). Tất cả có đó để cho thấy rằng nét tiêu biểu của sứ điệp trung tâm và quan trọng hơn của ngài là niềm vui; do đó lời đầu tiên của ngài có nghĩa chính xác là Chaire, “Hãy vui lên!”. Điều đầu tiên Đức Maria nhận được từ thiên sứ của Thiên Chúa là: “Bà có mọi lý do để vui lên. Điều tôi có nhiệm vụ đến nói cho bà thì liên hệ đến bản tính thâm sâu nhất của bà. Hãy vui lên!”. Công thức này sẽ được nhắc lại dưới dạng phủ định: “Xin đừng sợ”.

Đức Maria được mô tả là “Đấng đầy ân sủng/Đấng được sủng ái”, được chọn làm Mẹ của Đấng được chào là Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô, Đức Chúa (2,11). Yếu tố này của mẫu tính của Đức Maria sẽ lại xuất hiện trong TM III (Lc 8,19-21; 11,27-28) và trong sách Cv (Cv 1,14). Đức Maria không trả lời ngay với niềm vui chan hòa. Bà bị đánh động, Bà suy nghĩ, xin một giải thích, rồi chấp nhận nhiệm vụ với niềm tin. Chỉ trong cuộc gặp gỡ với bà Êlisabét, niềm vui của Đức Maria mới bung mở ra, trong bài thánh ca ngợi khen (1,46-55).

Câu nói thứ hai của thiên thần là “bà được sủng ái”, cho hiểu lý do của niềm vui này: “Bà được sủng ái, nghĩa là Thiên Chúa đã ban cho bà cách vĩnh viễn ân sủng của Ngài, sự sủng ái của Ngài, sự bằng lòng của Ngài. Tình yêu đầy nhân ái của Ngài được ngỏ với bà”. Thiên thần nói tiếp: “Vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (1,30); câu này diễn tả ý nghĩa của cụm từ “bà đầy ân sủng”. Đặc điểm này nơi Đức Maria nổi bật đến nỗi thiên thần đã chào Bà không bằng tên riêng “Maria”, mà bằng “Bà-được-sủng-ái” như một tên riêng mới. Quan hệ của Thiên Chúa với Bà được diễn tả ra như thế. Nền tảng ơn gọi của Đức Maria và của mọi niềm vui được xác định như thế. Hầu như có thể nói “Maria” là tên Bà đã nhận được từ cha mẹ; còn “Bà-đầy-ân-sủng/được-sủng-ái” là tên đã được Thiên Chúa ban cho Bà.

Thiên thần lại nói: “Đức Chúa ở cùng bà”, nhắm tới sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Đây không phải là một sự hiện diện tổng quát (và mơ hồ) của Thiên Chúa, nhưng là sự trợ giúp thực sự, hữu hiệu. Lời đảm bảo này chỉ được ban cho những vĩ nhân được kêu gọi trong lịch sử dân Thiên Chúa (Giacóp, Môsê, Giôsuê, Ghít-ôn, Đavít). Thiên Chúa không chỉ giới hạn vào việc kêu gọi, rồi bỏ mặc người ta, nhưng đồng hành với họ và làm cho họ có khả năng chu toàn nhiệm vụ. Ngài đảm bảo là Ngài hiện diện và trợ giúp họ thường xuyên. “Đức Chúa ở cùng bà” sẽ được chứng thực bằng cuộc chào đời của con trẻ.

Đức Maria đã phản ứng lại lời chào của thiên thần vừa trên bình diện cảm xúc vừa trên bình diện lý trí: bà ngạc nhiên (“rất bối rối”) và suy nghĩ (“tự hỏi”). Bà mở ra với sứ điệp này và cố gắng hiểu sâu xa hơn. Thiên thần liền trình bày nhiệm vụ của Đức Maria: “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Trên nền tảng là khả năng tự nhiên của Bà là phụ nữ, Đức Maria được gọi đưa lại sự sống cho Đức Giêsu, Bà phải đón nhận cuộc sống con người của Bà vào lòng. Đức Maria cũng phải cho Người một cái tên, rồi trước và hơn những người khác, Bà phải dành hết thì giờ và trọn bản thân mà chăm sóc Người cả về thân xác lẫn tinh thần trong nhiều năm.

Khi hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (c. 34), Đức Maria xin thêm một giải thích nữa. Bà đón nhận các lời của thiên thần trọn vẹn, không đòi bổ sung cũng không góp vào những suy tư riêng. Bà tuyên bố về tình trạng của Bà là không có khả năng chu toàn nhiệm vụ được ký thác (x. Gr 1,6tt). Câu hỏi với hàm ý là Đức Maria thiếu khả năng là một bản lề trong cuộc đối thoại của Bà với thiên thần, đã đưa đến một mạc khải rõ ràng hơn: thiên thần đã loan báo sự chào đời của Đấng Mêsia, bây giờ ngài phải loan báo về thể thức trinh khiết của cuộc chào đời ấy. Thiên thần cho biết sự trợ giúp quyền năng của Thiên Chúa: chính quyền lực tác sinh, sáng tạo của Thiên Chúa sẽ làm cho Đức Maria có khả năng phục vụ cuộc sống của Đức Giêsu.

b) Liên hệ đến Kitô học

Lời loan báo chính thức bắt đầu với lời chào của thiên thần Gabriel. Lời này gồm hai tuyên bố về đặc tính lạ thường của con trẻ ngài sẽ cho chào đời và về sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa trong cuộc đời con trẻ.

Cũng như nỗi bất hạnh của bà Êlisabét đã được cất đi do sự can thiệp của Thiên Chúa nơi một người con trai sẽ trở thành “nhân viên” của Đức Chúa (Yhwh), một ngôn sứ trước khi Ngài đến, thì tình trạng đồng trinh của Đức Maria sẽ được ảnh hưởng của Thiên Chúa tận dụng để Bà mang thai một người con trai, người này sẽ là thừa kế vua Đavít và là Con Thiên Chúa. Người sẽ là “Cao Cả” (một danh hiệu dành riêng cho Yhwh trong Bản LXX), sẽ được chào là Con Đấng Tối Cao, và sẽ ngự trên ngai vàng Đavít để trị vì tới muôn đời. Đây là tầng ý nghĩa thứ nhất (cc. 32-33). Ở tầng ý nghĩa thứ hai (c. 35), Người được xác định là Đấng Thánh, Con Thiên Chúa. Nếu sự thành thai của Gioan đòi hỏi một phép lạ, sự thành thai của Đức Giêsu, được trình bày song song, cần có một phép lạ lớn hơn, đó là sự thụ thai do một trinh nữ.

Sự thành thai Đức Giêsu xảy đến do Chúa Thánh Thần xuống trên Đức Maria và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Mẹ (1,35); kết quả là Đức Giêsu sẽ là Con Thiên Chúa. Các động từ eperchesthai và episkiazein đều có nghĩa bóng, diễn tả sự can thiệp huyền bí của Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa đưa tới kết quả là vai trò của Đức Giêsu trong dòng tộc Đavít và tư cách Con Thiên Chúa của Người.

Trong cả hai tuyên bố cho Đức Maria, Đức Giêsu được xác định là thuộc dòng dõi Đavít và vai trò của Người là Đấng Mêsia theo lời sấm của Nathan trong 2 Sm 7 (so sánh 2 Sm 7,9.13-14.16 với Lc 1,32-33). Tuy nhiên, bởi vì không có chỗ nào trong nền văn chương Do Thái tiền Kitô giáo ghi rằng Đấng Mêsia được mong đợi có tên “Con Thiên Chúa” cách minh nhiên, chúng ta hiểu rằng danh hiệu “Con Thiên Chúa” không được hiểu theo nghĩa thiên sai. Như vậy, nếu Đức Giêsu là Đấng Mêsia thuộc dòng tộc Đavít (x. cc. 32-33), Người không chỉ là “Con Thiên Chúa” theo nghĩa thiên sai; không chỉ là Đấng Mêsia nhà Đavít, Người còn là Con Thiên Chúa nữa.

Ở tầng thứ hai, một cấu trúc song song được vận dụng để nói rằng Bà sẽ thụ thai nhờ can thiệp của Thiên Chúa, và do đó, con của Bà sẽ là Con Thiên Chúa: “Thánh Thần” đến trên Bà và “quyền năng Đấng Tối Cao” rợp bóng trên Bà là những công thức song song để nói về can thiệp của Thiên Chúa.

* Sự chấp thuận của Đức Maria (38)

Đối với Lc, Đức Maria là kiểu mẫu cho người tín hữu, được loan báo là có phúc. Và bởi vì Bà đã được sủng ái, Bà sẽ được tuyên bố là có phúc bởi mọi thế hệ (1,48). Trong Cv 1,14, Bà ngồi giữa các tín hữu để chờ đợi Thánh Thần mà Đức Giêsu đã hứa. Một điểm quan trọng hơn nữa, đó là Đức Maria là “nữ tỳ của Chúa” (1,38). Ở đây Lc báo trước cách ngài sẽ mô tả Đức Maria trong Tin Mừng, đặc biệt ở 8,19-21: tại đây, Đức Maria sẽ là người “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Còn ở 1,38, Đức Maria tỏ ra như là người cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi cho thiên thần gọi Đức Maria là “đầy ân sủng”, Thiên Chúa đã cho Bà biết đâu là tương quan của Ngài với Bà. Nay tự nhận mình là “nữ tỳ của Chúa”, Đức Maria diễn tả đâu là tương quan của Bà với Thiên Chúa. Bà nhìn nhận mình được gọi phục vụ Thiên Chúa. Bà muốn lắng nghe Chúa và đi theo ý muốn của Ngài. Trong toàn bộ Kinh Thánh, không có một phụ nữ nào, ngoại trừ Đức Maria, được gọi là “nữ tỳ của Chúa”.

+ Kết luận

Đức Maria được ký thác một nhiệm vụ đặc biệt. Hẳn là chúng ta phải nhìn nhận ơn gọi của Bà là một ơn gọi đặc biệt và vui mừng với Bà. Nhưng xuyên qua nhiệm vụ của Bà, chúng ta có thể ghi nhận các đặc tính tổng quát của mọi ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa. Ơn gọi đến từ lòng nhân từ và sủng ái của Thiên Chúa và có kèm theo sự trợ giúp hữu hiệu của Ngài. Con người phải dấn thân trọn vẹn và tận dụng hết thì giờ để phục vụ Đức Giêsu. Khi đó, ơn gọi sẽ đưa lại niềm vui, niềm vui phát xuất từ việc phục vụ ấy.

Nhưng điểm còn quan trọng hơn nữa, đó là giáo huấn của tác giả Lc về Đức Giêsu: Người là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa. Danh hiệu này, không phải là Đức Giêsu sẽ chinh phục được, nhưng thuộc về Người theo quyền ngay khi Người đến trần gian.

5.- Gợi ý suy niệm


1. Để có thể thực sự hiểu Đức Maria đầy ân sủng và Thiên Chúa bày tỏ lòng thương yêu Mẹ có nghĩa là gì, ta cần phải trước tiên hiểu Thiên Chúa là ai. Đọc Tv 8, chúng ta nhận ra sự ngỡ ngàng kinh ngạc của tác giả khi đứng trước công trình của Thiên Chúa và sự cao cả uy hùng của Ngài được bày tỏ ra trong đó: “Con người là ai mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì mà Chúa phải chăm lo?”. Mỗi ơn gọi có đặc điểm là người được gọi càng lúc càng để cho tiếng gọi nắm bắt lấy mình sâu xa hơn. Họ mở cả bản thân ra với tiếng gọi và tìm cách hiểu hết ý nghĩa của nó.

2. Sứ mạng của Đức Maria nối dài và kết thúc sứ mạng của Israel. Đức Maria là “thiếu nữ Sion” sẽ mang Đấng Mêsia trong lòng. Mẹ là “nữ tỳ của Chúa” để đảm nhận và làm trọn ơn gọi của dân Thiên Chúa, là tôi tớ của Thiên Chúa, cũng như ơn gọi của những tôi tớ trứ danh của Thiên Chúa trong Cựu Ước (Abraham, Giacóp, Môsê, Đavít, Salômôn, Isaia và Người Tôi Tớ của Đức Chúa ở Is 40–55).

3. Khi nghe loan báo Gioan Tẩy Giả sẽ chào đời, ông Dacaria đã yêu cầu một dấu chỉ chứng tỏ sứ điệp đáng tin. Còn Đức Maria thì tin ngay sứ điệp, không đòi hỏi dấu chỉ. Câu hỏi của Mẹ không phải là dấu chứng tỏ một sự hoài nghi, nhưng là một lời xin ánh sáng để soi sáng đức tin của Mẹ. Chính những giải thích sau đó của thiên thần Gabriel xác nhận điều này. Thánh Anselmô đã nói: Tin là lý trí đi tìm sự hiểu biết. Nhưng rồi thiên thần đã cho một dấu chỉ: Bà Êlisabét có thai được 6 tháng rồi.

4. Là nữ tỳ của Đức Chúa, Đức Maria gắn bó với chương trình của Thiên Chúa và diễn tả ao ước được thấy chương trình đó được thể hiện. Mẹ đón nhận ơn gọi của mình không mù quáng cũng không theo cách chẳng đặng đừng, nhưng với ý thức sáng suốt về nhiệm vụ của mình và tự do quyết định đi theo ý muốn của Thiên Chúa. “Trong các công trình của Ngài, Thiên Chúa luôn muốn sử dụng các dụng cụ … Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta có ý chí tự do, muốn rằng chúng ta phục vụ Ngài cách tự do trong tư cách là những dụng cụ, bằng việc ý chí của ta ưng thuận ý muốn của Ngài, giống như cách của Mẹ rất thánh khi Mẹ nói: «Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói»” (Thánh Maximilianô Kolbe)

5. Lời đầu tiên được ngỏ với Maria trong Tân Ước là một lời mời gọi vui tươi: “Mừng vui lên!”. Một lời chào như thế được liên kết với biến cố Đấng Cứu Thế ngự đến. Với Maria là người đầu tiên được loan báo một niềm vui sau đó sẽ được loan báo cho toàn dân; Mẹ tham dự vào đó theo một cách thức và trong một mức độ phi thường. Nơi Mẹ, niềm vui của Israel cũ được tập trung và được viên mãn; nơi Mẹ, niềm hạnh phúc thời đại thiên sai dứt khoát nổ tung ra. Niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria đặc biệt là niềm vui của “phần dư tồn” Israel (Is 10,20t), là những người nghèo đang chờ đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa và trải nghiệm lòng trung thành của Ngài (Đức Gioan-Phaolô II).

Lm PX Vũ Phan Long, ofm