Dan Lee
12-24-2011, 06:46 PM
Giáng sinh và Sứ điệp Hòa bình
Với người Công giáo, Lễ Đêm Giáng Sinh là cao điểm của việc cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, và ở thời điểm ấy, Hội Thánh công bố Tin Mừng Luca 2,1-14.
Trong trình thuật này, thánh Luca cung cấp những chi tiết lịch sử: “Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn Syria” (2,1-2). Những chi tiết này nhấn mạnh mầu nhiệm Thiên Chúa làm người là một biến cố đã thực sự xảy ra trong lịch sử, chứ không chỉ là sáng tạo của trí tưởng tượng; nếu không, e rằng sống đức tin chỉ là sống trong thế giới ảo! Tuy nhiên, xem ra thánh Luca còn muốn công bố sứ điệp lớn lao hơn thế nhiều.
Augustô được xem là người thiết lập đế quốc Rôma và mang lại hòa bình cho thế giới. Chiến thắng vang dội của ông đã chấm dứt những năm dài chiến tranh tàn phá Rôma, kể từ khi Julius Caesar bị ám sát. Vào năm 13-19 trước Công nguyên, người ta đã dựng bàn thờ và đền đài lớn để tôn vinh nền hòa bình ông mang lại (Ara Pacis Augustae). Cũng vào thời kỳ đó, nhiều thành phố Hi Lạp vùng Tiểu Á lấy ngày sinh nhật của ông, ngày 23 tháng 9, làm ngày đầu năm mới. Người ta còn gọi ông là “vị cứu tinh của thế giới”.
Thánh Luca đã nhắc đến hoàng đế Augustô để nhấn mạnh rằng chính Chúa Giêsu mới là vị cứu tinh của thế giới, là Đấng Cứu Độ, Đấng đem lại nền hòa bình đích thực cho nhân loại: “Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (2, 10-11). Dấu chứng cho nền hòa bình mà Chúa Kitô mang lại (pax Christi) không phải là bàn thờ và đền đài như đối với Augustô (pax Augusta), nhưng là cả đạo binh thiên thần cất tiếng ngợi khen vinh quang Thiên Chúa và bình an cho loài người Chúa yêu thương: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (2,13-14).
Trong bản hợp xướng vĩ đại của đạo binh thiên thần, “bình an dưới thế” gắn liền với “vinh quang Thiên Chúa”. Sẽ không có bình an dưới thế nếu vinh quang Thiên Chúa không được trân trọng. Nội dung ấy liên kết chặt chẽ với một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt: máng cỏ.
Xem ra thánh Luca mô tả việc Đức Maria hạ sinh Chúa Giêsu thật đơn giản: “Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai, đứa con đầu lòng” (2,6-7a). Chi tiết “con đầu lòng” cũng chỉ để chuẩn bị cho trình thuật Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (2,22-40). Đang khi đó, “máng cỏ” lại được chú trọng đặc biệt: “Bà sinh con trai, con đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (2,7); “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (2,12); “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (2,16). Máng cỏ được nhắc đi nhắc lại đến ba lần. Hơn thế nữa, lại còn được coi như một dấu chỉ. Vậy thánh Luca muốn nói điều gì?
Máng cỏ ở đây nhắc nhớ lời than phiền của Thiên Chúa: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu biết gì” (Is 1,3). Theo truyền thống, khi làm hang đá Giáng Sinh, người Công giáo qua bao đời vẫn đặt con bò và lừa nằm bên máng cỏ, lại chẳng phải vì muốn diễn tả chân lý này sao? Các mục đồng được sai đến máng cỏ để gặp Đấng Cứu Độ, Đấng là suối nguồn hạnh phúc và bình an cho Dân Ngài. Nói theo ngôn ngữ của Isaia, Dân Chúa đã biết được “máng cỏ nhà chủ”, nhìn nhận Chúa là Chủ của mình, và chỉ khi ấy, họ mới được hưởng bình an.
Như thế, sứ điệp mà thánh Luca muốn trao gửi cho người đọc là: Chỉ có Đức Giêsu Kitô mới là Đấng Cứu Độ, Đấng đem lại nền hòa bình chân chính và vĩnh cửu cho nhân loại. Sứ điệp ấy vẫn cần được lặp lại ngay hôm nay. Nền hòa bình của hoàng đế Augustô và của biết bao vua chúa, lãnh tụ trong lịch sử thế giới… tất cả rồi cũng qua đi chứ không trường tồn, và nhiều khi cái gọi là hòa bình ấy lại được mua bằng giá của hằng triệu sinh linh ngã xuống cách oan uổng và tức tưởi! Trong nhiều đất nước, dù tiếng súng đã im nhưng không hẳn đã có hòa bình trong tương quan giữa người với người, nhiều khi ngay trong một gia đình. Chỉ có nền hòa bình mà Đấng-Thiên-Chúa-làm-người đem lại mới vĩnh viễn trường tồn, nền hòa bình được khơi nguồn từ trong tâm hồn và thể hiện ra bên ngoài qua từng hành vi nhỏ bé của đời thường.
Nền hòa bình ấy chỉ thành hiện thực với điều kiện: bình an nhân thế gắn liền với vinh quang Thiên Chúa. Nhân loại chỉ hưởng được hòa bình khi biết nhìn nhận “máng cỏ của chủ”, máng cỏ trong đó có Hài Nhi Giêsu. Nghĩa là nền hòa bình chân chính chỉ có được khi con người đón nhận Hài Nhi Giêsu, để “mang trong lòng mình những tâm tư của Người” (Phil 2,5), bước đi trong đường lối yêu thương và bỏ mình, hiền lành và khiêm tốn, dấn thân và phục vụ mà chính Người đã đi trước đến độ hiến dâng mạng sống trên thập giá.
Trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2012, Đức Bênêđictô XVI mời gọi mọi người xây dựng công lý và hòa bình qua nẻo đường giáo dục, nhất là giáo dục người trẻ. Và ngôi trường đầu tiên cho công trình giáo dục ấy chính là gia đình. Thiên Chúa đã làm người trong một mái ấm gia đình. Dù nghèo vật chất nhưng lại giàu tình thương. Và chính trong mái ấm ấy mà Hài Nhi Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,41).
Ước mong khi các thành viên trong gia đình cùng nhau làm hang đá mừng lễ Giáng Sinh, thì cũng cùng nhau xây đắp gia đình mình thành mái ấm của tình thương, ngôi trường giáo dục hòa bình và là khí cụ bình an của Chúa trong đời sống xã hội.
+ Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Với người Công giáo, Lễ Đêm Giáng Sinh là cao điểm của việc cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, và ở thời điểm ấy, Hội Thánh công bố Tin Mừng Luca 2,1-14.
Trong trình thuật này, thánh Luca cung cấp những chi tiết lịch sử: “Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn Syria” (2,1-2). Những chi tiết này nhấn mạnh mầu nhiệm Thiên Chúa làm người là một biến cố đã thực sự xảy ra trong lịch sử, chứ không chỉ là sáng tạo của trí tưởng tượng; nếu không, e rằng sống đức tin chỉ là sống trong thế giới ảo! Tuy nhiên, xem ra thánh Luca còn muốn công bố sứ điệp lớn lao hơn thế nhiều.
Augustô được xem là người thiết lập đế quốc Rôma và mang lại hòa bình cho thế giới. Chiến thắng vang dội của ông đã chấm dứt những năm dài chiến tranh tàn phá Rôma, kể từ khi Julius Caesar bị ám sát. Vào năm 13-19 trước Công nguyên, người ta đã dựng bàn thờ và đền đài lớn để tôn vinh nền hòa bình ông mang lại (Ara Pacis Augustae). Cũng vào thời kỳ đó, nhiều thành phố Hi Lạp vùng Tiểu Á lấy ngày sinh nhật của ông, ngày 23 tháng 9, làm ngày đầu năm mới. Người ta còn gọi ông là “vị cứu tinh của thế giới”.
Thánh Luca đã nhắc đến hoàng đế Augustô để nhấn mạnh rằng chính Chúa Giêsu mới là vị cứu tinh của thế giới, là Đấng Cứu Độ, Đấng đem lại nền hòa bình đích thực cho nhân loại: “Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (2, 10-11). Dấu chứng cho nền hòa bình mà Chúa Kitô mang lại (pax Christi) không phải là bàn thờ và đền đài như đối với Augustô (pax Augusta), nhưng là cả đạo binh thiên thần cất tiếng ngợi khen vinh quang Thiên Chúa và bình an cho loài người Chúa yêu thương: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (2,13-14).
Trong bản hợp xướng vĩ đại của đạo binh thiên thần, “bình an dưới thế” gắn liền với “vinh quang Thiên Chúa”. Sẽ không có bình an dưới thế nếu vinh quang Thiên Chúa không được trân trọng. Nội dung ấy liên kết chặt chẽ với một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt: máng cỏ.
Xem ra thánh Luca mô tả việc Đức Maria hạ sinh Chúa Giêsu thật đơn giản: “Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai, đứa con đầu lòng” (2,6-7a). Chi tiết “con đầu lòng” cũng chỉ để chuẩn bị cho trình thuật Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (2,22-40). Đang khi đó, “máng cỏ” lại được chú trọng đặc biệt: “Bà sinh con trai, con đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (2,7); “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (2,12); “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (2,16). Máng cỏ được nhắc đi nhắc lại đến ba lần. Hơn thế nữa, lại còn được coi như một dấu chỉ. Vậy thánh Luca muốn nói điều gì?
Máng cỏ ở đây nhắc nhớ lời than phiền của Thiên Chúa: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu biết gì” (Is 1,3). Theo truyền thống, khi làm hang đá Giáng Sinh, người Công giáo qua bao đời vẫn đặt con bò và lừa nằm bên máng cỏ, lại chẳng phải vì muốn diễn tả chân lý này sao? Các mục đồng được sai đến máng cỏ để gặp Đấng Cứu Độ, Đấng là suối nguồn hạnh phúc và bình an cho Dân Ngài. Nói theo ngôn ngữ của Isaia, Dân Chúa đã biết được “máng cỏ nhà chủ”, nhìn nhận Chúa là Chủ của mình, và chỉ khi ấy, họ mới được hưởng bình an.
Như thế, sứ điệp mà thánh Luca muốn trao gửi cho người đọc là: Chỉ có Đức Giêsu Kitô mới là Đấng Cứu Độ, Đấng đem lại nền hòa bình chân chính và vĩnh cửu cho nhân loại. Sứ điệp ấy vẫn cần được lặp lại ngay hôm nay. Nền hòa bình của hoàng đế Augustô và của biết bao vua chúa, lãnh tụ trong lịch sử thế giới… tất cả rồi cũng qua đi chứ không trường tồn, và nhiều khi cái gọi là hòa bình ấy lại được mua bằng giá của hằng triệu sinh linh ngã xuống cách oan uổng và tức tưởi! Trong nhiều đất nước, dù tiếng súng đã im nhưng không hẳn đã có hòa bình trong tương quan giữa người với người, nhiều khi ngay trong một gia đình. Chỉ có nền hòa bình mà Đấng-Thiên-Chúa-làm-người đem lại mới vĩnh viễn trường tồn, nền hòa bình được khơi nguồn từ trong tâm hồn và thể hiện ra bên ngoài qua từng hành vi nhỏ bé của đời thường.
Nền hòa bình ấy chỉ thành hiện thực với điều kiện: bình an nhân thế gắn liền với vinh quang Thiên Chúa. Nhân loại chỉ hưởng được hòa bình khi biết nhìn nhận “máng cỏ của chủ”, máng cỏ trong đó có Hài Nhi Giêsu. Nghĩa là nền hòa bình chân chính chỉ có được khi con người đón nhận Hài Nhi Giêsu, để “mang trong lòng mình những tâm tư của Người” (Phil 2,5), bước đi trong đường lối yêu thương và bỏ mình, hiền lành và khiêm tốn, dấn thân và phục vụ mà chính Người đã đi trước đến độ hiến dâng mạng sống trên thập giá.
Trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2012, Đức Bênêđictô XVI mời gọi mọi người xây dựng công lý và hòa bình qua nẻo đường giáo dục, nhất là giáo dục người trẻ. Và ngôi trường đầu tiên cho công trình giáo dục ấy chính là gia đình. Thiên Chúa đã làm người trong một mái ấm gia đình. Dù nghèo vật chất nhưng lại giàu tình thương. Và chính trong mái ấm ấy mà Hài Nhi Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,41).
Ước mong khi các thành viên trong gia đình cùng nhau làm hang đá mừng lễ Giáng Sinh, thì cũng cùng nhau xây đắp gia đình mình thành mái ấm của tình thương, ngôi trường giáo dục hòa bình và là khí cụ bình an của Chúa trong đời sống xã hội.
+ Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm