PDA

View Full Version : N - Nhân đức kính mến Chúa



Dan Lee
01-22-2012, 11:23 AM
NHÂN ĐỨC KÍNH MẾN CHÚA



"Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22, 34-37). Đây là sự đòi buộc có tính cách tuyệt đối, khi Thiên Chúa truyền lệnh cho dân thời xưa và Đức Giêsu cũng đã trả lời cho một người thông luật. Nay chúng ta vẫn đọc đi đọc lại trong kinh kính mến.

Sự đòi hỏi này mang tính gay gắt, dứt khoát, nhằm xác định cho con người một mối tương quan duy nhất mang tính bền vững, không chia sẻ với một loại thần linh nào khác, và chỉ có Thiên Chúa xứng đáng được yêu mến, tôn thờ như vậy. Hơn nữa, nhân đức này cho ta hiểu về một sự đáp trả hợp lý giữa thụ tạo và Tạo Hoá luôn là vô cùng. Đây không phải là đòi hỏi ích kỷ nhưng thực ra là sự mời gọi, chia sẻ cho ta đi vào mối hiệp thông với sự sống và tình yêu của Ngài qua lòng mến của ta. Các thánh đã cảm nghiệm, đã sống và diễn tả điều ấy rất đa dạng và phong phú.

Một nhà tu đức đã nói : Lòng kính mến Chúa là dịp "Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào sự hiện diện của Người và tẩy rửa để chúng ta có thể trở nên những tôi tớ của Ngài" (x. ơn gọi nên thánh). Nhân đức kính mến động chạm tới cõi lòng, con tim, đường gân thớ thịt,mạch máu con người. Thiên Chúa nhạy cảm vô cùng về việc này, vì bản chất của Ngài là tình yêu. Thế nên, Ngài sẵn sàng khiển trách: "dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta" (Mt 15,8).

Lòng kính mến Chúa biểu lộ sự trưởng thành về sự thánh thiện và lòng yêu thương của mỗi người. Các vị tổ phụ và những thánh tông đồ đều là những người đã được thử thách về lòng mến Chúa. Các thánh đều là những người yêu mến Chúa ở mức độ cao nhất ; nên thánh Phaolôđã khuyên chúng ta : "Hãy đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn hảo" (2 Cr 7,1). Bản thân Ngài đã cảm nghiệm và sống điều đó qua một loạt tư tưởng được viết trong thư: "không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (Rm 8,39) nên "dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1Cr 10,31). Vì "mọi sự đều ích lợi cho những ai có lòng mến".

Những động tác sinh hoạt hằng ngày của người có lòng kính mến Thiên Chúa đều được biến thành hành động copy và lưu trữ tình yêu Thiên Chúa vào lòng mình để thăng hoa thành động tác thờ phượng. Chính nó lại trở thành nguồn năng lượng cung cấp và dưỡng nuôi tình yêu con người.

Thực tế, nền văn minh đương đại đang phải trả giá cho lối sống con người. Con tim nhân loại đang mất sức đề kháng. ĐTC Bênêđictô 16 như một vị bác sĩ chẩn mạch đúng căn bệnh của nền văn minh bây giờ. Trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, Ngài viết: "Một thế giới đôi khi gắn kết thánh danh TC với thù hận, thậm chí căm hờn bạo lực được coi như một bổn phận. Cho nên trong thông điệp đầu tiên này tôi muốn nói đến tình yêu TC chan chứa trong ta, để rồi đến lượt chúng ta cũng phải chia sẻ tình yêu ấy với người khác". Quả vậy, tư cách làm con TC là biết yêu mến Ngài và đối xử với nhau bằng tình thương để trở nên giống TC. Nhưng có khi chiếc kim dò tần số tình yêu bị lệch, bị nhiễu sóng làm ta mất quân bình khiến một đời độc thân có khi khô cằn, gắt gỏng, nóng nảy....Thánh Gioan thánh giá, một nhà thần bí nổi tiếng nói : "nơi nào không có tình yêu chảy ra thì bạn hãy làm cho tình yêu trào tràn". Maria Mađalêna đã thể hiện lòng mến Chúa bằng bình thuốc thơm xức chân Chúa, hương bay ngào ngạt khắp phòng. Kết quả "kẻ yêu nhiều thì được tha nhiều".

Bị lệch lạc về lòng mến Chúa sẽ bị tổn thương nặng nề về tâm linh và tinh thần. Thánh Phaolô đã diễn tả của cao cả của đức mến vượt trên tất cả mọi nhân đức; sau này trên trời cũng chỉ tồn tại duy nhất đức mến. Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu đã nhận ra ơn gọi và chỗ đứng của mình trong lòng hội thánh là lòng mến yêu (x. tự thuật THĐG).

Nhân đức kính mến Chúa là thước đo trạng thái sống đạo, đời sống nọi tâm của người kitô hữu, đặc biệt người sống đời thánh hiến; và là một thách đố ta giữa một thế giới tục hoá, nhiều thần tượng, giáo phái, những luận điệu hấp dẫn.

Đức Giêsu mang trái tim của một TC - "là lò lửa mến hằng cháy" (kinh cầu trái tin Chúa Giêsu) luôn mong mỏi con người đáp trả lại lòng yêu mến khi nói những lời cuối cùng trên thánh giá :"Ta khát". Sau khi sống lại,sự khát khao ấy còn mãnh liệt và rõ ràng hơn được gắn kết cho mỗi cá nhân. Ba lần thẩm vấn và trác nghiệm Phêrô: "Anh có mến Thầy hơn những anh em này không?" Phêrô đã trả lời chân thành : "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy" nên Chúa mới trao đoàn chiên, trao Hội thánh, trao cộng đoàn giáo xứ tiên khởi cho Phêrô lãnh đạo, phục vụ(x. Ga 21, 15-17). Trách nhiệm càng cao, địa vị càng lớn thì càng phải được thử thách và thanh luyện về lòng mến nhiều hơn.

Một thời gian sống lòng mến Chúa và phục vụ cộng đoàn, thánh Phêrô đã căn dặn chúng ta trong thư của Ngài : "Anh em đã được TC tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đó nên vững mạnh" (2Pr 1,10). Lời mời gọi này phải được đáp trả từng giây phút ngang qua những tình huống, khung cảnh, môi trường, sự vật và con người. Vì nhân đức kính mến là một sự tổng hợp tất cả để quy chiếu trực tiếp về TC và là một cách gọi, cách diễn tả về lòng kiên trì, khiêm nhu, phó thác và sự trung thành. Mà TC luôn cần chúng ta trung thành hơn là những thành công.

Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại nhiều lần với các môn đệ : "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ tuân giữ các điều răn của Thầy" rồi "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy . Mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy"(Ga 14, 15; 21)

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng mến chân thành như Phêrô, can đảm như Maria Mađalêna, đơn sơ nồng nàn như Têrêxa hài đồng, mãnh liệt dấn thân như Phaolô và Auguttinô. Lạy Chúa, xin ban thêm lòng mến cho chúng con.



Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn