PDA

View Full Version : B - Bánh chưng bánh giầy



Dan Lee
01-22-2012, 01:09 PM
BÁNH CHƯNG BÁNH GIẦY



Nhân một lần viết bài cho một nguyệt san Công Giáo (tại Saigon) số Xuân, bắt gặp trên số báo đó có một bài viết về truyền thống dân tộc Việt Nam cứ đến ngày Tết là gói bánh tét và bánh dầy. Khi cúng tổ tiên thì để bánh dầy ở phía dưới và để bánh tét dựng đứng lên trên. Họ lý luận: Đó là tượng trưng cho công việc truyền sinh của dân tộc. Ngay lập tức tôi viết bài phản đối, khẳng định: Truyền thống Việt Nam không hề có vấn đề thờ “sinh thực khí” như ở Champa, mà Champa họ đắp thành tượng bộ phận sinh dục nam và nữ, chớ cũng không mượn hình ảnh bánh tét bánh dày. Còn truyền thồng dân tộc Việt, cứ đến Tết Nguyên Đán là cúng Trời Đất, Ông Bà Tổ Tiên bằng Bánh Chưng và Bánh Giầy (*). Hình dáng của bánh chưng tượng trưng cho Đất, bánh giầy tượng trưng cho Trời (Trời tròn Đất vuông). Tờ báo đó không đồng tình với cách giải thích của tôi, nên tôi cũng ngưng không cộng tác nữa, và gần đây tờ báo đó cũng đình bản luôn.

Sự tích Bánh Chưng Bánh Giầy ai mà chẳng biết. Đó là do Hoàng tử thứ 18 của Hùng Vương thứ VI, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) làm ra: Nhân dịp đầu năm, Vua Cha muốn thử tài và lòng hiếu thảo của các hoàng tử, liền phán: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho". Tiết Liêu đã được thần nhân mách bảo "Vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành". Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đủ cả sơn hào hải vị đến bày trên mâm cỗ, nhưng Lang Liêu thì chỉ có Bánh Giầy và Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu. Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

Cũng có nhiều người thắc mắc nói: Gọi Trời tròn thì còn có lý, nhưng tại sao lại gọi Đất vuông. Ngày xưa khoa học chưa tiến bộ, chưa hiểu được trái đất tròn, nên chỉ coi đất là một mặt phẳng nằm ngang vô cùng vô tận (câu chuyện cổ: một bà già xách một bị vừng (mè) đi về hướng mặt trời lặn để tìm chân trời, mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng, ăn hết bị vừng vẫn chẳng thấy chân trời đâu) và Trời chỉ là một cái vòm hình tròn chụp lên trên Đất (gọi là vòm Trời). Ngay trong Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng mạc khải cho con người (bằng ngôn ngữ và sự hiểu biết của loài người): “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất. Thiên Chúa phán: "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước." Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai”.(St 1, 1-8).

Khi định hướng thì lấy hường đi của mặt trời làm chuấn, nơi nào mặt trời xuất hiện vào buổi sáng là phương Đông, khuất lặn vào buổi chiều là Tây. Có 4 hướng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc; nhưng vì qúa rộng nên gọi thêm 4 hướng phụ: Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc. Có một điều rất đáng lưu ý là cũng theo truyền thống, khi cắt bánh chưng để ăn thì bóc lá, rồi dùng 4 sợi lạt (lấy từ những sợi lạt gói bánh) đặt lên mặt bánh để cắt (2 sợi để theo dấu + và 2 sợi để theo dấu x). Bánh sẽ được cắt ra thành 8 miếng hệt như 8 hướng trong cách định hướng nói trên. Gọi Bánh Chưng tượng hình Đất là rất chính xác. Thờ kính Trời Đất bằng Bánh Chưng và Bánh Giầy là quá đúng, nhưng còn ghi nhớ công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất bóng? Bánh Giầy có nhân là đỗ (đậu) thì Bánh Chưng cũng có nhân đỗ, còn kèm theo nhân thịt nữa, để tượng hình công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên truyền tử lưu tôn vậy.

Cũng xin nói thêm về chữ Tết vì đã có sự nhầm lẫn chữ Tết là do chữ Tét (Bánh Tét) mà ra. Thực ra không phải vậy, mà chữ Tết là do chữ Tiết trong “tứ thời, bát tiết” (4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; 8 tiết: lập Xuân - Xuân phân, lập Hạ - Hạ chí, lập Thu - Thu phân, lập Đông - Đông chí) theo luật biến trại âm tiết mà ra. Vậy thì Tết Nguyên Đán được viết là: 節 元 旦 và có nghĩa: buổi sáng sớm ngày khởi đầu một năm. Và Tết cổ truyền Việt Nam thường được gói ghém trong đôi câu đối:


+ THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
+ CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH.

Với Ki-tô hữu Việt Nam cũng vẫn luôn giữ được truyền thống cha ông để lại: MÙNG MỘT: Tôn kính Trời (thờ phượng Chúa, cầu binh an cho Năm Mới); MÙNG HAI : Kính nhớ Tổ tiên và Ông bà Cha mẹ; MÙNG BA : Thánh hoá công ăn việc làm của bản thân. Trong tâm tình đó xin gửi tới mọi người, mọi nơi câu đối Tết Nhâm Thìn:


TÂN MÃO ĐÃ QUA, CẦU CHÚA THA MUÔN VÀN TỘI LỖI
NHÂM THÌN LẠI TỚI, XIN NGƯỜI BAN CHAN CHỨA HỒNG ÂN.



JM. Lam Thy ĐVD.
------------------------------------

(*) Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Bánh giầy (có người viết là bánh dầy hay thậm chí bánh dày) là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở.(theo Wikipedia, Bách khoa Toàn thư Mở).

Theo thiển ý của kẻ viết bài này, dùng từ “Bánh Giầy” chính xác hơn, vì khi làm loại bánh này phải lấy chày (hoặc vồ) nhồi gạo (đã nấu chín thành cơm) cho thật nhuyễn như keo, sau đó quết và nặn từng nắm cho mỏng để có thể gói nhân đỗ (đậu) vào trong thành bánh. Công việc nhồi bột rất nặng nề và phải kiên trì giống như giầy đạp vậy. Vì thế, mới gọi là Bánh Giầy, chớ không phải bánh có độ dày hay dầy (trái với mỏng).