PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật 4 Thường Niên - B - Chủ đề: Hãy theo Đức Giêsu, vì Người là đấng rất uy quyền.



Dan Lee
01-28-2012, 11:35 PM
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Chủ đề: Hãy theo Đức Giêsu, vì Người là đấng rất uy quyền.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến
Có khi nào anh chị em đặt vấn đề : Thực ra sống đạo chủ yếu là gì không ? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng sống đạo không chỉ là gia nhập tổ chức Giáo Hội, cũng không phải là cố gắng tuân giữ những quy luật và lễ nghi, mà sống đạo chủ yếu là đi theo Chúa. Mà Chúa là người rất đáng được chúng ta đi theo, bởi vì Ngài là Đấng rất uy quyền.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta kiên trì đi theo Ngài.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

Tuy mang danh là tín hữu của Chúa, nhưng chúng ta ít khi chú ý lắng nghe tiếng Ngài.
Chúng ta cố gắng đọc kinh, dự lễ, nhưng không quan tâm học hỏi gương Chúa để sống theo gương Ngài.
Nhiều khi chúng ta không tin tưởng vào uy quyền của Chúa, mà lại cậy dựa vào những uy quyền thế tục như tiền bạc, địa vị, thậm chí có khi mê tín dị đoan nhờ đến quyền lực của ma quỷ.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Đnl 18,15-20)

Dân do thái đã đi trong sa mạc 40 năm dài. Bây giờ họ sắp vào Đất Hứa, Môsê thì sắp từ giã cõi đời.
Trong những lời từ biệt dân chúng, Môsê an ủi bảo họ đừng buồn tiếc, và ông nói tiên tri rằng Thiên Chúa sẽ cho nổi lên một vị Ngôn Sứ chẳng kém gì ông mà còn trổi vượt hơn ông để dẫn dắt họ.

2. Đáp ca (Tv 94)

Thánh vịnh này triển khai ý tưởng của bài đọc I. Vì Thiên Chúa sẽ cho nổi dậy một Ngôn Sứ trổi vượt mọi ngôn sứ, cho nên các tín hữu hãy lắng nghe tiếng Ngài.

3. Tin Mừng (Mc 1,21-28)

Đức Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ ưu việt mà Môsê tiên báo. Thánh Marcô trình bày Ngài là một Đấng rất uy quyền :


Uy quyền trong lời nói : "Dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Ngài, vì Ngài giảng dạy người ta như một Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ".
Uy quyền trong hành động : Ngài chỉ cần nói một lời thì quỷ ô uế phải xuất khỏi người bị nó ám : "Ngài dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế".

4. Bài đọc II (1 Cr 7,32-35) (chủ đề phụ)

Thánh Phaolô đề cập đến các bậc sống : bậc độc thân thì thảnh thơi lo việc Chúa hơn bậc có gia đình.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Đi tìm "minh chủ"

Trong lịch sử nước Trung Hoa, có những thời kỳ hỗn loạn vô chính phủ. Những tay hảo hán nổi lên xưng hùng xưng bá, mỗi người cát cứ một vùng. Có những bậc anh hùng hào kiệt bỏ công chịu khó tìm hiểu và cân nhắc để nhận định ai là minh chủ để dốc sức phò tá.

Trong kho tàng truyền thuyết của Giáo Hội, cũng có một câu chuyện tương tự. Nhân vật chính là một người không tên. Chàng có sức mạnh hơn người và chỉ muốn dùng sức mạnh đó để phục vụ cho kẻ nào mạnh nhất. Thoạt đầu chàng nghĩ chẳng ai mạnh bằng tướng cướp nên xin đi theo hộ vệ cho một tướng cướp. Nhưng mỗi lần sắp đi cướp, viên tướng cướp này phải nhờ một thầy phù thuỷ làm phép xuất quân, thế là chàng rời bỏ tướng cướp để đi theo phù thuỷ. Một hôm, thấy phù thuỷ đang đi bỗng gặp một cây Thánh giá thì sợ hãi dừng lại không dám đi tiếp. Thế là chàng lực sĩ bỏ rơi phù thuỷ đến đứng bên cạnh cây Thánh giá để chờ chủ nhân nó đến mà xin đi theo. Chàng cứ đứng đó chờ mãi mà chẳng thấy chủ nhân cây Thánh Giá. Nơi đó gần một khúc sông cạn. Một hôm, một câu bé đến nhờ chàng cõng minh qua sông, vì không có đò ngang. Chàng lực sĩ sẵn sàng. Nhưng mới bơi được một đoạn ngắn, chàng cảm thấy chú bé quá nặng, liền hỏi lý do. Cậu bé đáp "Ta nâng đỡ cả trái đất trên tay Ta, làm sao mà không nặng cho được" Cậu bé còn cho biết thêm mình chính là chủ nhân của cây Thánh Giá. Thế là chàng lực sĩ xin theo phò tá vị Chúa Tể trái đất ấy. Chúa dạy : muốn phụng sự Ta, ngươi cứ đứng ở khúc sông này, mỗi lần có ai muốn sang sông thì ngươi hãy cõng người ấy sang. Chàng lực sĩ tuân theo. Từ đó trở đi, người ta gọi tên chàng là Chistophe, nghĩa là người đã mang Chúa Kitô trên vai.

Nếu chúng ta muốn tìm một minh chủ để phụng sự, chúng ta cũng hãy làm như thánh Christophe, bởi vì không ai xứng đáng hơn ngoài Đức Giêsu Kitô để cho ta đi theo phụng sự.

2. Sức mạnh siêu phàm

Hoàng đế César Augustô của đế quốc La Mã là người đã biến La Mã gạch ngói thành một La Mã nguy nga tráng lệ, với những tòa nhà cẩm thạch. Nhưng trong triều đại của César Augustô, một biến cố đã thay đổi cục diện của thế giới và lịch sử nhân loại, mà ông không hề biết tới.

Ông làm sao có thể biết trẻ Giêsu chào đời trong một tỉnh lẻ xa xôi, sẽ biến La Mã cẩm thạch của ông thành những vương cung thánh đường vĩ đại nhất. Ông đâu có ngờ các thần minh của ông sẽ phải lui bước để nhường chỗ cho một Thiên Chúa duy nhất, thánh thiện và chân thật. Ông cũng không ngờ trẻ Giêsu ấy lại có một sức mạnh siêu phàm đảo lộn mọi giá trị hiện có, và thiết lập một bậc thang giá trị hoàn toàn mới mẻ.


*

Sức mạnh siêu phàm ấy hôm nay đã bắt đầu xuất hiện. Đức Giêsu giải thích Thánh Kinh trong hội đường khiến cho nhiều người phải kinh ngạc, vì : "Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ" (Mc.1,22).


Có uy quyền vì Người dùng quyền mình mà giảng dạy chứ không lệ thuộc vào thế giá của người khác. Quyền này được chứng tỏ khi Người sửa sai các tập tục tiền nhân : "Người xưa đã dạy rằng… Phần Ta, Ta bảo các ngươi" (Mt.5,21).

Khác với các luật sĩ, họ chỉ đọc và giải thích kinh thánh, mà không dám thêm một ý tưởng mới. Họ gò bó con người vào lề luật hơn là dùng luật để giải thoát con người.

Lời Người là "Giáo lý mới mẻ". Cái mới mẻ đó làm cho người ta tin nhận Người là Đấng Cứu Thế. Cái mới mẻ đó làm cho danh tiếng Người lan tràn khắp vùng lân cận Galilê.

Lời Người là : "Lệnh truyền cho cả các thần ô uế và chúng phải vâng theo" (Mc.1,27). Chính thái độ tuân phục của ma quỉ trước uy quyền của Đức Giêsu, đã nói lên thời cứu độ đã tới.

Là tín hữu Kitô, chúng ta cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, để khám phá ra sự mới mẻ của Lời Người, đồng thời nhận ra quyền năng Chúa tỏ bày trong vũ trụ.

G. Courtois khẳng định : "Nếu chúng ta khiêm nhu sống Lời Chúa trong môi trường của mỗi người, chúng ta sẽ âm thầm trở nên "muối men" cho cả nhân loại vì "ánh sáng" của những người sống Lời Chúa chiếu tỏa xa hơn người ta tưởng rất nhiều".

Jacques Delarue viết : "Mọi phần tử trong Giáo hội phải sống Lời Chúa và yêu mến với cùng một tình yêu của Đức Giêsu, chính vì thế mà ngày Chúa Nhật họ đi gặp gỡ Chúa trong Lời Người và trong Thánh Thể trước khi nghe đọc : "Hãy ra đi bình an". Hãy ra đi, đừng ở lại. Các bạn được sai đi cho mọi tạo vật".

Sống Lời Chúa là soi mình vào tấm gương Giêsu để tìm cho mình một phong cách đẹp nhất, vì :
"Lời Chúa là đèn soi cho con bước.
Là ánh sáng chỉ đường cho con đi" (Tv.118,105).


*

Lạy Chúa, qua Kinh thánh, Chúa vẫn giảng dạy cho chúng con ; qua bí tích giải tội Chúa vẫn trừ quỷ cho chúng con ; qua bí tích Thánh thể, Chúa vẫn sống trong chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sử dụng những phương tiện Chúa ban để nên giống Chúa hơn và làm sáng danh Chúa nhiều hơn. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 3. "Hãy để tôi yên"

Khi vừa gặp Đức Giêsu, người bị quỷ ám liền la lớn "Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?" Nói như thế cũng có nghĩa là nói "Hãy để cho tôi yên. Tôi tội lỗi đấy, xấu xa đấy, nhưng mặc kệ tôi, đừng quấy rầy tôi".


Đây không chỉ một lần, mà nhiều lần những người bị quỷ ám trong Tin Mừng đều la lên như vậy. Họ biết là họ đang ở trong tình trạng xấu đó, nhưng họ không muốn thay đổi tình trạng, vì thay đổi thì đau đớn.

Ngày nay cũng có rất nhiều người đang ở trong tình trạng xấu nhưng không muốn thay đổi. Các nhà tâm lý cho biết rằng nhiều người không muốn được chữa trị, vì chữa trị thì phải thay đổi, mà thay đổi thì đau đớn.
Một bà mẹ kia vừa sinh con ra thì khám phá con mình bị mù. Bà gọi tất cả những người nhà đến căn dặn đừng ai cho đứa bé biết nó bị mù, cũng đừng ai bao giờ nói đến ánh sáng hay màu sắc gì cả trước mặt nó. Đứa trẻ cứ thế lớn lên, vẫn tưởng nó cũng bình thường như mọi người khác. Thế nhưng một hôm, một đứa trẻ hàng xóm leo hàng rào vào và gặp đứa bé mù. Do không được căn dặn trước, nó đã nói tất cả những gì mà người mẹ không muốn nó nói. Thế là mọi sự sụp đổ tan tành.

Câu chuyện trên phần nào minh họa cho thái độ của chúng ta. Chúng ta không muốn nhìn nhận những khuyết tật của mình, và cũng không muốn ai chữa trị cho mình, vì nhìn nhận thì đau khổ và chữa trị thì nhọc nhằn.

Nhưng không thể tự lừa dối mình bằng cách trốn tránh sự thật như thế mãi. Hãy can đảm đối diện với sự thật và cầu xin Chúa cứu chữa. Chắc hẳn Ngài sẽ cứu được chúng ta, bởi vì Người là Đấng rất uy quyền (Viết theo Flor Mc Carthy)

4. Bệnh tật

Bài Tin Mừng hôm nay thuật chuyện Đức Giêsu chữa khỏi một người bệnh. Chúng ta hãy suy nghĩ đôi điều về vấn đề bệnh tật và chữa bệnh.

Trong vấn đề này có một sự chuyển biến từ chỗ mù mờ đến chỗ càng ngày càng sáng tỏ hơn nhờ ánh sáng mặc khải soi chiếu :

Các dân quanh Israel xưa coi bệnh tật là hình phạt của thần linh trừng trị một sự xâm phạm đến các Ngài. Vì thế để khỏi bệnh luôn luôn họ kêu cầu đến thần linh. Việc chữa bệnh không phải là việc của thầy thuốc mà là việc của các đạo sĩ.
Dân Israel xưa cũng coi bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Vì người ta phạm tội nên Chúa phạt cho mang bệnh. Muốn khỏi bệnh thì phải xin Chúa tha tội.
Nhưng dần dà người ta thấy có những người hoàn toàn vô tội lại đạo đức mà phải bệnh tật. Cho nên người ta thấy được những ý nghĩa khác của bệnh tật : đó là việc Chúa thử thách lòng trung tín của loài người, hay đó còn là dịp cho người ta chịu khổ mà đền tội cho kẻ khác. Truyện ông Gióp là một bằng chứng rõ ràng nhất về những tư tưởng này.
Đến thời Đức Giêsu, Ngài mặc khải thêm một ý nghĩa nữa cho việc chữa bệnh. Trong khi đi rao giảng ơn cứu độ, Đức Giêsu đã chữa lành rất nhiều bệnh tật, và Ngài coi việc chữa bệnh là một dấu chỉ rằng ơn cứu rỗi đã đến. Bởi lẽ ơn cứu rỗi là ơn giải phóng người ta khỏi mọi sự dữ như tội lỗi, nô lệ, đau khổ, tật bệnh... Ơn cứu rỗi muốn giải phóng con người khỏi tất cả những sự dữ đó. Nhưng trong số những sự dữ đó, tật bệnh là cái dễ thấy nhất và việc chữa bệnh là một bằng chứng rõ ràng nhất, cho nên Đức Giêsu đã chữa bệnh để làm dấu chỉ cho thấy ơn cứu rỗi đã đến.


Như vậy, đối với Đức Giêsu, chữa bệnh không phải là một điều dị đoan, chữa bệnh cũng không phải là mục đích duy nhất và tối hậu của hoạt động cứu rỗi. Chữa bệnh chỉ là một dấu chỉ, là một tiếng kêu mời người ta tiến đến đức tin. Chính vì thế mà mặc dù Đức Giêsu đã chữa bệnh rất nhiều nhưng không phải là chữa tất cả các người bệnh thời đó. Ngài chỉ chữa bệnh để làm cho người ta tin hơn và nhờ tin mà được cứu rỗi. Ngày nay cũng thế, có nhiều phép lạ chữa bệnh xảy ra ở Lộ Đức, ở Fatima, ở nơi này nơi nọ. Nhưng đâu phải tất cả mọi người tới Lộ Đức, Fatima đều được chữa khỏi. Một số phép lạ thôi cũng đủ để cho mọi người tin tưởng hơn.

Có những kẻ rất thờ ơ với việc đạo, chỉ khi gặp bệnh tật, khốn đốn mới biết cầu nguyện nhưng lời cầu nguyện cũng chỉ là xin cho tai qua nạn khỏi. Rồi khi tai đã qua nạn đã khỏi thì lại trở về với nếp sống nguội lạnh.

Có những người khác gặp bệnh tật tai ương đã hết sức sốt sắng cầu nguyện xin Chúa giúp. Nhưng cầu nguyện nhiều mà chưa được ơn thì đâm ra ngã lòng, mất đức tin.

Đó là những người có một đức tin còn ở một trình độ hết sức thấp kém : tin vì một quyền lợi vật chất chứ không phải tin vì yêu. Tin để được ơn chứ không phải tin mà phó thác cả cuộc đời cho Chúa dù khi vui dù lúc buồn, dù khi giàu hay khi nghèo, dù khi mạnh hay khi đau yếu.

Đức tin trưởng thành phải là Đức tin ở trình độ của ông Gióp. Gióp đã thốt lên trong cơn khốn khổ cùng cực : "Chúng ta biết nhận điều lành nơi Thiên Chúa, sao lại không biết nhận sự khổ sở Chúa gởi đến ?"

Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả mọi sự dù là sướng dù là khổ đều làm cho đức tin của chúng ta càng vững mạnh hơn. Bởi vì ơn cứu rỗi chính là cái đức tin vững mạnh ấy, đúng như lời Chúa đã nói "Ai tin thì sẽ được rỗi" vậy.

5. Dị đoan

Theo nghĩa chữ, "đoan" là đầu mối, "dị" là kỳ lạ. Tin "dị đoan" là tin vào những việc mà liên hệ giữa chúng với nhau kỳ lạ, không hợp lý ; hay nói cách khác, không có liên hệ nhân quả với nhau rõ ràng. Thí dụ chữa bệnh không bằng y khoa mà bằng bùa ngãi, thần chú ; tìm hiểu sự việc không bằng trí óc, phán đoán mà bằng bói toán v.v.

Đạo công giáo bài bác những chuyện dị đoan vì dị đoan vừa ngược với lý trí vừa nghịch với đức tin. Là tín hữu của Chúa, một mặt chúng ta phải biết sử dụng những khả năng Chúa ban để giải quyết những việc khó khăn xảy đến trong đời mình, và mắt khác hãy biết phó thác cuộc đời cho Chúa dẫn dắt. Đừng vì yếu đức tin mà chạy theo những việc mê tín dị đoan khi gặp phải chuyện khó khăn.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, quỉ dữ vẫn đang hoành hành trên trần gian, chúng ta rất cần được Đức Giêsu cứu độ giải thoát khỏi quyền lực của quỉ dữ. Chúng ta hãy sốt sắng kêu xin Người :

Quỉ dữ luôn quyết tâm phá hoại công trình Tin mừng hóa của Hội thánh / Xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh luôn vững tin và can đảm thi hành sứ vụ Chúa đã trao phó.
Quỉ dữ luôn tìm cách lôi cuốn những người có quyền lực chống lại công lý và hòa bình / Xin Chúa cho các nhà cầm quyền trên thế giới biết quan tâm đến công ích và xây dựng hạnh phúc thật cho mọi người.
Quỉ dữ luôn cám dỗ thử thách những người đang gặp đau khổ hoạn nạn / để họ ngã lòng trong bất mãn và tuyệt vọng / Xin Chúa cho họ biết chạy đến cầu cứu Chúa để được giải thoát.
Quỉ dữ luôn cám dỗ thử thách mỗi người chúng ta ham mê vật chất, tiền bạc, danh vọng / để cắt đứt tình hiệp thông với Chúa và với mọi người / Xin Chúa giúp mọi người trong họ đạo chúng ta luôn trung thành thờ phượng một mình Chúa và sẵn sàng phục vụ anh chị em chúng ta.

Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã đến trần gian để loại trừ quyền lực của quỉ dữ, xin Chúa đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cưu chúng con cho khỏi quỉ dữ. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

VI. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha : Trong lời Kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy đặc biệt xin Chúa uy quyền giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỷ và các thế lực gian tà.
Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin chữa chúng con khỏi những bệnh tật thể xác và tâm hồn, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…"
Trước lúc rước lễ : Mình Thánh Chúa là thần dược chữa trị những bệnh tật xác hồn. Chúng ta hãy dọn lòng cho xứng đáng để rước lấy thần dược ấy. "Đây Chiên Thiên Chúa….. Lạy Chúa con chẳng đáng… nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành sạch"

VII. GIẢI TÁN

Tuần này chúng ta hãy quyết tâm luôn đi theo Chúa, làm theo ý Chúa trong tất cả mọi biến cố xảy đến.

L. M. Carôlô Hồ Bặc Xái