PDA

View Full Version : C - CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY



Dan Lee
03-09-2016, 09:35 PM
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Chủ Ðề: Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót (Lc 15,20)


I. Dẫn vào Thánh lễ

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện đứa con hoang đàng hối hận trở về và được Cha mở rộng vòng tay tha thứ. Chúng ta là những đứa con hoang đàng và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn chờ đón chúng ta trở về để tha thứ và phục hồi tư cách làm con. Thánh lễ hôm nay là một dịp tốt để chúng ta trở về.

II. Gợi ý sám hối

Chúng ta hãy mượn lời đứa con hoang đàng để bày tỏ với Chúa tâm tình sám hối chân thành:

Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã rời bỏ nhà Cha để chạy theo những cám dỗ của thế gian.
Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã không yêu thương anh chị em của con.
Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã nuông chìu xác thịt mà làm mất lòng Cha.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Gs 5,9-12)

Giai đoạn thứ ba của lịch sử cứu độ: Thiên Chúa cho dân Do Thái được vào chiếm hữu đất hứa.

Việc đầu tiên khi vừa vào Đất Hứa là cử hành Lễ Vượt Qua. Lễ này được ấn định sẽ cử hành hàng năm từ đó về sau vào ngày 14 tháng Nisan, nhằm giúp dân Do Thái luôn nhớ đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ.
Sau khi dân đã vào Đất hứa rồi thì manna không còn rơi xuống nữa, vì từ nay họ sẽ sống bằng hoa màu của đất đai mà Thiên Chúa ban cho họ.

2. Đáp ca (Tv 33)

Ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa.

3. Tin Mừng (Lc 15,1-3.11-32)

Dụ ngôn người cha nhân từ: Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh họa rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đến độ không thể ngờ của Thiên Chúa.

11-12 - "Xin cha ban cho con phần gia tài thuộc về con": Thông thường cha chỉ chia gia tài cho các con khi gần chết. Tuy thực tế có những trường hợp cha chia gia tài cho con ngay lúc ông còn mạnh khoẻ (x Tb 8,21), nhưng đó là tự ý người cha chứ không do đòi hỏi của con. Hơn nữa sách Huấn ca, 1 quyển sưu tập những lời dạy khôn ngoan, đã khuyên đừng bao giờ làm như thế bởi vì "nắm tiền là nắm quyền", khi đã chia gia tài cho con rồi thì không còn điều khiển chúng nỗi nữa, trái lại có thể còn bị chúng ngược đãi (Hc 33,20-24). Người cha trong dụ ngôn này đã không khôn ngoan tính kỹ như vậy, vì ông quá thương con.

Người cha này là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhiều người trách Thiên Chúa sao quá hiền lành không trừng phạt "nhãn tiền" những người tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên khi dựng nên loài người thì đã ban cho họ Tự Do. Mà tự do nghĩa là có thể vâng lời hoặc không vâng lời Thiên Chúa. Vậy không nên trách Thiên Chúa mà chỉ nên cám ơn Thiên Chúa đã quá yêu thương loài người. Có trách là trách loài người đã xử dụng sai quyền tự do của mình.

13-20a Sau khi lãnh gia tài, đứa con thứ liền ra đi sống bê tha phung phí hết của cải và rơi vào tình trạng khốn khổ.

"Chăn heo": người Do Thái coi heo là đồ ghê tởm. Thịt heo họ còn không ăn. Thế mà đứa con này phải đi chăn heo. Tệ hơn nữa là muốn ăn thức ăn của heo mà còn không được. Nghĩa là tình trạng xuống dốc đến tột cùng.
Trong lúc xuống dốc tột cùng như thế, nó muốn quay trở về với cha. Đây cũng là tâm lý của kẻ tội lỗi: khi sung sướng thì quên Chúa, quên đạo lý. Lúc khổ sở mới biết hối hận.
Trước lúc quay về, nó soạn sẵn 1 bài tự thú. Ta hãy chú ý là bài tự thú này khá dài (2 câu 18-19)

20b Câu này chứa nhiều chi tiết chứng tỏ tình thương vô bờ bến của người cha nhân lành:

"Khi cậu còn ở đàng xa, Cha cậu trông thấy": Một người cha bình thường khi con bỏ nhà ra đi thì tức giận và có thể còn từ con luôn. Nhưng người cha này không như vậy. Chi tiết ông trông thấy con từ xa có nghĩa là sau khi nó ra đi ông rất thương tiếc nó, thường xuyên đứng trước ngõ trông chờ nó, nhờ đó mới thấy bóng dáng nó từ đàng xa. Ý nghĩa: khi con người đi đàng tội lỗi, TC không từ bỏ con người nhưng luôn trông chờ con người hối hận quay về.
"Liền động lòng thương": Đối với những người cha bình thường, cho dù độ lương bao nhiêu đi nữa với đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi, khi thấy nó về thì phản ứng đầu tiên là chửi mắng, hoặc ít ra là lạnh nhạt. Người cha này không thế, phản ứng đầu tiên của ông là "liền động lòng thương".
"Chạy lại": Ta nên hiểu chi tiết này theo tâm lý người phương đông. Những người phương đông (trong đó có Do Thái) giỏi kềm chế cảm xúc của mình, nhất là những người đàn ông. Đàn ông càng lớn tuổi càng phải đi đứng chửng chạc. Nhưng người cha phương đông trong dụ ngôn này chẳng những không kềm chế tình cảm mà còn "chạy"! Vì tình cảm thương con quá lớn, ông không kềm chế nỗi nữa rồi.
"Ôm vào lòng hôn con tha thiết": cử chỉ này không chỉ là biểu lộ một tình thương mãnh liệt mà còn có ý nghĩa tha thứ. Ôm hôn là biểu lôï sự tha thứ (xem chuyện Đavít ôm hôn tha thứ cho Absalom ở 2Sm 14,33). Đáng chú ý là khi đó đứa con chưa mở lời xin lỗi.

21-24 - Khi đó đứa con bắt đầu đọc bài tự thú mà nó đã học thuộc lòng. Nên lưu ý là nó đọc chưa xong thì người cha đã không nghe nữa. Ông không cần lời lẽ của nó, nguyên việc nó quay về với ông đã đủ. Ông còn bận tổ chức tiệc mừng.

"Mau mau đi": tha thứ nhanh chóng, nôn nóng mở tiệc mừng.
"Đem áo dài tốt nhất mặc cho cậu": Áo chỉ thân phận của người mặc áo. Đứa con này đã đánh mất chiếc áo làm con để thay vào chiếc áo chăn heo. Nay nó được cho mặc "áo dài tốt nhất" tức là nó được trả lại quyền làm con. Chú ý là nó đã tự thú "Con không đáng cha nhận làm con cha nữa. Xin cha cứ coi con như đứa làm thuê".
"Đeo nhẫn vào tay": nhẫn là món chỉ có những người quý phái mới mang.
"Xỏ giầy vào chân cậu": theo tục lệ Do Thái, đầy tớ không mang giầy (mà chỉ xách giầy cho chủ).
"Bắt con bò tơ chúng ta đã nuôi cho béo": không phải bất cứ con bò béo nào, mà con bò "chúng ta đã nuôi cho béo". Nghĩa là người cha đã dự trù sẵn bữa tiệc mừng này nên đã chỉ định một con bò phải nuôi cho béo. Một chi tiết nữa cho ta thấy người cha lúc nào cũng trông con quay về.

c.29 Phần thứ hai của dụ ngôn nói về người anh

"Bao nhiêu năm trời tôi phục vụ ông": biệt phái và thông giáo cũng nghĩ rằng họ "phục vụ" Thiên Chúa hết lòng bằng cách tuân giữ mọi lề luật không sai phạm chút nào.

c.30 "Thằng con của ông đó": người con trưởng không coi người con thứ là em mình.

c.32 "Em con đây": người cha sửa lại lời lẽ sai lầm của người con trưởng.

Thật là 1 dụ ngôn cảm động. Những nét mô tả tình cảm của người cha trong dụ ngôn này khó mà có được nơi một người cha bình thường trong thế gian này mà chỉ có thể áp dụng vào Thiên Chúa nhân lành vô cùng.

4. Bài đọc II (2 Cr 5,17-21)

Chúa Giêsu Kitô đã hòa giải loài người tội lỗi lại với Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Giáo Hội có sứ mạng làm cho những ơn ích của sự hòa giải ấy được đến với mọi người.

IV. Gợi ý giảng

* 1. Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Gandhi kể rằng khi ông 15 tuổi, ông đã ăn cắp của anh mình một đồng tiền vàng. Tuy nhiên sau đó ông rất áy náy nên quyết định thú tội với cha mình. Ông viết lên một tờ giấy những gì mình đã làm, sau đó xin cha tha thứ, và cuối cùng hứa sẽ không tái phạm nữa. Khi ấy cha ông đang bệnh phải nằm trên giường. Gandhi đến đưa tờ giấy cho cha và hồi hộp chờ cha xét xử. Người cha ngồi dậy, cầm tờ giấy, trong khi ông đọc thì hai dòng lệ từ đôi mắt ông chảy xuống. Gandhi cũng không cần được nước mắt mình. Cuối cùng khi đã đọc xong, người cha không hề nổi giận và cũng chẳng trách móc Gandhi lời nào. Ông ôm chầm lấy con và sung sướng vì con mình đã biết hối hận.

Cảm nghiệm được yêu thương ngay khi mình còn tội lỗi là một cảm nghiệm vô cùng sâu sắc đối với Gandhi. Sau này ông nói: "Chỉ có người nào đã trải qua cảm nghiệm về loại tình yêu như thế mới có thể hiểu được nó thôi".

Đó cũng là cảm nghiệm của đứa con hoang đàng trong bài Tin Mừng hôm nay. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta hiểu được lòng thương xót bao là của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài muốn nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta phạm tội thì Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Ngài không những không bớt thương mà còn thương nhiều hơn nữa. Không phải đợi chúng ta trở nên hoàn hảo thì Thiên Chúa mới thương, mà Ngài yêu thương chúng ta chính vì chúng ta tội lỗi, yêu thương ngay khi chúng ta còn trong tội lỗi.

Tất cả chúng ta, dù nhiều hay ít, đều là những người tội lỗi. Nhưng chính trong tội lỗi và qua tội lỗi mà chúng ta cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta không bao giờ phạm tội thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nhận được niềm vui được tha thứ. Nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ tha hồ phạm tội. Nói như thế là để chúng ta càng hiểu được tấm lòng của Thiên Chúa. (FM)

* 2. Những con tim

Dụ ngôn này là một câu chuyện về những con tim:

- Con tim ích kỷ và con tim quảng đại.
- Con tim hẹp hòi và con tim rộng mở.
- Con tim lạnh lùng và con tim nồng ấm.
- Con tim tan vỡ và con tim vui mừng.
- Con tim sám hối và con tim không sám hối.
- Con tim biết tha thứ và con tim không thứ tha.
- Con tim oán giận và con tim biết ơn. (Theo FM)

* 3. Người con gái hoang đàng

Dụ ngôn người con trai hoang đàng đã khiến Anon liên tưởng tới hoàn cảnh của những người con gái hoang đàng. Anon có những dòng mà đại ý như sau:

Biết bao thi sĩ đã viết nên những bài thơ đẹp nói về tình thương tha thứ của người cha và hạnh phúc của người con trai hoang đàng khi nó trở về. Nhưng đối với những người con gái hoàng đàng thì sao?

Người con gái hoang đàng cũng có thể quay về ngôi nhà mình đã bỏ đi. Nhưng không có gì còn giống như trước: Áng mây mờ vẫn còn nấn ná trên nét mặt những người thân; lại còn những lời chế diễu dèm pha của bà con lối xóm.

Có lẽ vì thế mà khi người con gái hoang đàng còn đang bơ vơ trên những nẻo đường lưu lạc, chỉ cần nghĩ đến những môi miệng cong cớn đó là không còn chút can đảm nào để trở về.

Vậy, hãy mở rộng cửa để đón người con trai hoang đàng trở về; hãy giết bò, hãy mở tiệc ăn mừng.

Nhưng xin đừng đóng sập cánh cửa trước mặt người con con gái hoang đàng trở về, bởi vì, hãy nhớ đừng quên, nàng cũng có một linh hồn.

* 4. Trừng phạt và tha thứ

Người con hoang đàng biết mình xứng đáng bị trừng phạt và sẵn sàng chờ đợi bị trừng phạt.
Thế nhưng người cha không trừng phạt, mà tha thứ.
Trừng phạt giống như dội một thùng nước lên que củi sắp tàn. Kết quả là ngọn lửa tắt ngúm.
Tha thứ giống như thổi hơi vào tàn lửa sắp tắt, giúp cho ngọn lửa lại bùng lên. (FM)

* 5. Trong đôi mắt cha

Một cô bé đang ngồi trên gối mẹ, chợt lên tiếng hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, con có thể nhìn thấy lòng mẹ không?

Bà mẹ đáp:
- Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ xem có thấy gì trong đó?

Cô bé nhướng mắt nhìn chăm chú vào đôi mắt người mẹ, rồi sung sướng kêu lên:
- Mẹ ơi! Con nhìn thấy lòng mẹ rồi, ở đó có một cô bé tí xíu là chính con đó mẹ ạ?

*

Trong đôi mắt của cha mẹ, con cái là tất cả. Trong đôi mắt Thiên Chúa chỉ có con người, nhất là những con người tội lỗi đáng thương. Vua Đavít đã cầu nguyện cùng Chúa: "Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở" (Tv 17,8).

Vâng, tấm lòng yêu thương khôn tả của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu bày tỏ trong dụ ngôn "Người cha nhân hậu". Một người cha rất đỗi hiền từ, luôn tôn trọng tự do của con cái, sẵn sàng trao phần gia tài cho người con thứ. Sau khi anh ta đã "sống phóng đãng, phung phí hết tài sản" trở về, người cha ấy cũng không trách mắng, nghiêm phạt, từ con. Trái lại, khi thấy bóng dáng cậu từ xa, ông đã vội vã chạy đến ôm chầm lấy cậu hôn hít vui mừng đến chảy nước mắt.

Lòng nhân hậu, yêu thương, tha thứ đã khiến ông quên hết lỗi lầm của đứa con hoang đàng, mà chỉ còn thấy trước mặt ông, trong vòng tay âu yếm, là đứa con ông hằng mòn mỏi đợi trông. Đứa con mà ông tưởng đã mất vĩnh viễn nay lại tìm thấy được. Ông vui sướng mở tiệc liên hoan, đàn ca múa hát, ăn mừng người con trở về. Một cuộc đón tiếp quá sức nồng hậu, ngoài sức tưởng tượng của đứa con.

Người anh đi làm về, chẳng những đã không vui mừng mà con nổi giận, trách móc cha già, khiến ông lại phải nhẫn nhục ra tận cổng phân trần, năn nỉ, mời cậu vào nhà chung vui với ông và gặp lại đứa em "đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Ông khẳng định với cậu rằng: "Tất cả những gì của cha đều là của con" (Lc 13,31).

Đó là câu chuyện có thật về một Thiên Chúa yêu thương, quảng đại, và hay tha thứ. Một Thiên Chúa không thích dùng hình phạt nhưng luôn tỏ lòng khoan dung. Một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. "Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 135).

Chỉ tiếc một điều là người anh cả đã không chịu vào nhà. Anh không chịu vào vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào vì anh không hiểu được tấm lòng quá nhân hậu bao dung của người cha.

Hoá ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: Anh không trái lệnh cha chỉ để tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là "em tôi" mà là "đứa con của cha kia". Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con.

Anh chỉ nghĩ về mình, quyền lợi của mình, hạnh phúc của mình. Anh là người đại tiện cho nhóm Pharisêu và các kinh sư, luôn tự hào về đời sống đạo đức của mình, và muốn cho những kẻ tội lỗi phải chết hơn là được cứu chữa.

Vậy cả hai người con đều phải quay trở về vôi cha, cả hai đều phải bước vào nhà cha, cả hai đều phải rũ bỏ nếp sống cũ, nếp nghĩ xưa để về ẩn mình trong trái tim cha: Nhân hậu, bao dung, tha thứ và tròn đầy yêu thương.

Trở về với cha là giang tay ôm lấy người em lầm lỡ.
Trở về với cha cũng là về với anh em, con cùng một cha.
Trở về với cha để thấy mình là tất cả, trong đôi mắt cha.

*

Lạy Chúa. tình Chúa lớn hơn tội lỗi chúng con bội phần. Xin cho chúng con mỗi lần được Chúa thứ tha cũng biết rộng lượng tha thứ cho nhau, để mỗi ngày chúng con càng nên xứng đáng với Chúa. Amen. (TP)
* 6. Mảnh suy tư

- "Lúc đứa con hoang đàng quỳ gối xuống và khóc là lúc nó biến những khoảng thời gian phung phí cuộc đời với bọn đĩ điếm, với việc chăn heo, với việc ăn cháo heo cho đỡ đói thành những khoảng thời gian đẹp nhất và thánh thiện nhất trong đời nó. Dễ có mấy ai ý thức được như vậy. Tôi dám nói rằng cần phải vào tù mới hiểu được điều đó. Và nếu thế thì có vào tù cũng đáng lắm chứ" (Oscar Wilde)

- Chẳng có gì khó khi trở về nhà như một vị anh hùng với những chiến công hiển hách. Nhưng trở về nhà với vóc dáng tả tơi, hai bàn tay trắng và một con tim tan nát vì mặc cảm tội lỗi là một điều khó vô cùng.

- Đứa con hoang đàng biết mình đáng bị trừng phạt. Do đó nếu người cha trừng phạt thì nó cũng sẵn sàng chịu đựng. Lòng nó nhẹ đi. Nhưng nó không vui. Chính sự tha thứ của người cha mới đem lại cho nó niềm vui thực sự.

- Các vị thánh làm chứng về ân sủng và lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn những người tội lỗi thì làm chứng về tình thương và lòng thương xót của Ngài.

]V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là một người Cha giàu lòng thương xót. Người không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó sám hối ăn năn để được sống. Tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. Hội thánh là một người mẹ hiền luôn thương yêu con cái của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / luôn thể hiện tình thương trong cung cách xử sự thường ngày.

2. Hiện nay / tình trạng thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi bụi đời rất đáng báo động / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ / luôn sống hòa thuận yêu thương nhau / và nhất là quan tâm giáo dục con cái của mình.

3. Phải từ bỏ nếp sống tội lỗi mà quay về với Chúa / là điều mà người Kitô hữu cần thực hiện trong mùa Chay thánh này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu biết đoạn tuyệt với tội lỗi / để xứng đáng đón mừng đại lễ Phục sinh.

4. Ganh tỵ và ghen ghét gây ra biết bao đau khổ cho con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng sống bác ái yêu thương như Chúa dạy / nhờ đó dẹp bỏ được những tật xấu đáng ghét này.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con có thể sống trọn vẹn lời Chúa đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ

- Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta thật hạnh phúc vì được làm con của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Vậy chúng ta hãy dâng lên Ngài những tâm tình kính mến chân thành của chúng ta.

VII. Giải tán

Hôm nay chúng ta đã cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy là những sứ giả loan báo cho mọi người về lòng nhân từ thương xót bao la ấy. Chúc anh chị em luôn bình an.


Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái