Hôm nay PO lướt qua một vài trang Web có bài viết hay hay....nói về phong cách và nét Nhạc Việt trong chiều hướng chạy theo trào lưu của lố sống thác loạn và xác thịt...........mượn âm nhạc làm bối cảnh ,giống như phần nhạc đệm của buổi biểu diễn khỏa thân hơn là trình diễn nét âm nhạc !? Nó không phải dỡ nhưng mà nó không hay vì xử dụng và trình diễn âm nhạc bị lợi dụng bằng Tiền và Nhục dục !
Mời các bạn xem qua một vài suy nghĩ trong bài viết sau đây :
- Gào rống lên, và nhảy chồm chồm, khoe đùi khoe rốn... là thứ nghệ thuật gì vậy? Sao lại cứ liên tục xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc gia như "Bài hát Việt", "Sao mai điểm hẹn", " Con đường âm nhạc"...
>> Nghe nhạc Hàn Quốc, trông người mà ngẫm đến ta
“Trong cõi người ta”, ai cũng biết và thấy rằng: những lời nói yêu thương nhất, tâm huyết nhất và sâu sắc nhất của mỗi người, là những lời nói nhỏ nhẹ, nhỏ nhẹ tới mức thì thầm, đó là khi chúng ta nói với con cái, nói với cha mẹ, nói với những người thân yêu...

Còn một khi ta phải to tiếng thì rõ ràng là đã có vấn đề, ta đã bắt đầu phải “gồng”, phải căng cứng và những lúc đó, đôi khi lý trí và tình cảm còn bị che lấp. Vậy ta có thể khẳng định rằng: gào lên, là điểm bắt đầu của sự bất lực. Nếu muốn diễn đạt một ý gì đó bằng lời nói. Khi đã phải nói rất ”to” thì cái muốn truyền cho người nghe thường lại rất “nhỏ”, hoặc chẳng có ý nghĩa gì.

Trong âm nhạc cũng vậy thôi, nhất là ca khúc chính là những lời nói đã được thăng hoa, và một lần nữa thăng hoa, đó là các giai điệu khí nhạc

Những bài dân ca nhỏ nhẹ như hơi thở, có sức lay động sâu thăm thẳm tâm hồn người Việt như “Ru con nam bộ”, “Lý qua cầu”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Gọi đò” v.v.. và v.v... nhiều nhiều lắm! Trong nền âm nhạc kinh điển của thế giới, ta hãy xem những giai điệu cũng nhỏ nhẹ nhưng vô cùng lắng đọng, sâu sắc và trường tồn vĩnh cửu như của Beethoven, Chopin,Tchaikovsky…Tôi xin lấy một thí dụ rất điển hình, đó là giai điệu mê hồn của bản Habanera của M. Ravel ( nhạc sỹ ấn tượng Pháp, TK 20), từ đầu đến cuối đều được chơi rất nhỏ (chỉ có khoảng 8 nhịp trong cả bản nhạc là được chơi mạnh hơn).

Chơi rất “nhỏ” nhưng sức truyền cảm của nó thì thật, thật là vĩ đại, thật là “to”. Đối với tôi, đó là một trong những giai điệu đẹp nhất của loài người.

Tất nhiên, trong âm nhạc, sử dụng sắc thái tương phản giữa to và nhỏ là một phương tiện biểu hiện rất quan trọng. Nhưng to để mà nhỏ, cũng như nhỏ để mà to, chứ không phải cứ gào rống lên từ đầu đến cuối thì thật là phản cảm, phản thẩm mỹ. Ta hãy tưởng tượng ta nói những lời như: “Bố, Mẹ rất yêu con”, “Anh rất yêu em”… mà cứ phải gào lên thật to thì thật là kệch cỡm!

Một hiện thực rất đáng lo ngại cho âm nhạc VN, đó là, các nhà lý luận âm nhạc được học hành ở các nhạc viện trong và ngoài nước, nhưng có thể do khả năng còn hạn chế và nhút nhát, chưa có tiếng tăm trên diễn đàn, nên họ không tham gia viết báo, không tham gia các diễn đàn về âm nhạc. Chính vì vậy, hiện nay, định hướng cho công chúng về âm nhạc hoàn toàn là do các nhà báo, các nhà thơ. Họ là những người rất am hiểu về chuyên môn của họ là làm báo, làm thơ, nhưng trong lĩnh vưc âm nhạc chuyên nghiệp thì rõ ràng còn phải bàn (ví dụ: họ đó bình chọn album “Chat với Mozart” là album hay nhất của năm, trao giải cống hiến, album này thế nào thì mọi người đó rõ). Điều này nói lên thực trạng của nền ca khúc Việt Nam còn nghiệp dư từ sáng tác, tới biểu diễn và phê bình.

Gào rống lên, và nhảy chồm chồm, khoe đùi khoe rốn... là thứ nghệ thuật gì vậy? Sao lại cứ liên tục xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc gia như “Bài hát Việt”, “Sao mai điểm hẹn”, “Con đường âm nhạc”...? À, đó là ngành công nghiệp giải trí xuất phát từ phương Tây đó mà, mục đích của họ là tiền, họ “làm thịt” nghệ thuật đem bán để lấy tiền. Chỉ tội nghiệp cho đa số người dân (không chỉ riêng ở nước ta, mà là trên toàn thế giới) nhất là giới trẻ, đang bị họ lợi dụng và phá hỏng thẩm mỹ mà không biết. Kẻ trí giả hãy tránh xa những thứ “văn hoá” đó!

*
Đặng Hữu Phúc