Dân Pháp đổ xô đi bầu tổng thống
Cử tri Pháp dồn về các phòng phiếu để bầu chọn tổng thống trong kỳ bầu cử được cho là khó đoán kết quả nhất trong nhiều thập niên nay.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, số người đã bỏ phiếu tính đến 1500GMT đã là 73,87%, là mức đi bầu cao nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên kể từ hồi năm 1981 cho tới nay.
Các phóng viên nói nhiều cử tri Pháp đi bầu trong tâm trạng vừa lo ngại vừa hy vọng. Họ tin rằng nước Pháp cần phải thay đổi sau 12 năm dưới quyền Tổng Thống Jacques Chirac, nhưng lại không rõ nên đi theo hướng nào.
Trong số các ứng viên chính, ông Sarkozy cam kết sẽ "đoạn tuyệt" với quá khứ và sẽ tiến hành cải tổ kinh tế một cách thực sự.
Trong khi cùng vợ đi bỏ phiếu tại quận Neuilly-sur-Seine ở Paris, ông nói ông không chắc chắn lắm là mình có thể vượt qua vòng loại để vào vòng tiếp theo hay không. Ông thúc giục mọi người hãy sử dụng lá phiếu của mình
Người dân bắt đầu đi bỏ phiếu từ lúc 0800 giờ sáng. 12 ứng cử viên đang tranh tài để lọt vào vòng hai, sẽ tổ chức hôm 6 tháng Năm.
Các ứng cử viên sáng giá nhất là chính trị gia phe trung hữu Nicolas Sarkozy, đảng viên Xã hội Segolene Royal, nhân vật trung dung Francois Bayrou và thủ lĩnh phe cực hữu Jean-Marie Le Pen.
Dân Pháp sống tại hải ngoại cũng đã đi bỏ phiếu, có thể sớm hơn vì chênh lệch thời gian.
Ứng cử viên của đảng Xã hội, bà Segolene Royal, người hy vọng trở thành tổng thống nữ đầu tiên của Pháp, thì cam kết xây dựng một xã hội công bằng hơn; trong khi ông Francois Bayrou tuyên bố ông sẽ kết nối cả hai phe tả và hữu trong chính phủ để có đoàn kết dân tộc.
Thủ lĩnh phe cực hữu Jean-Marie Le Pen thì nói nhiều ý tưởng của ông về ái quốc và chủ đề di dân nay đã xâm nhập vào chiến dịch tranh cử của những người khác.
uy nhiên ông Le Pen vẫn tự tin dự đoán rằng ông sẽ lọt vào vòng hai giống như lần trước, hồi năm 2002.
Ngày Chủ nhật 22/4 người dân Pháp đi bầu tổng thống vòng một. Hai ứng cử viên đạt nhiều phiếu nhất vòng này sẽ đối đầu nhau trong vòng hai vào tháng Năm tới. Thay đổi ưu tiên?
Lần này, có thêm hơn một triệu cử tri mới đăng ký đi bầu cử, con số tăng lớn nhất trong 25 năm nay.
Nhiều người trong số đó là thanh niên Pháp sống ở hải ngoại, và thật khó đoán trước họ sẽ bầu cho ai.
Khoảng một triệu rưởi cử tri sẽ dùng máy bỏ phiếu điện tử lần đầu tiên được áp dụng, tuy bị phe xã hội và một số đảng đối lập khác chỉ trích là độ tin cậy kém.
Dân trên hòn đảo Saint Pierre và Miquelon ngoài khơi Canada đi bầu cử đầu tiên, sau đó là dân ở các lãnh thổ hải ngoại khác và Pháp kiều tại châu Mỹ.
Đây là điểm mới được đưa vào trong quy định bầu cử, nhằm ngăn chặn việc cử tri ở châu Mỹ nghe được trước kết quả bỏ phiếu tại Pháp vì điều đó có thể ảnh hưởng tới quyết định của họ.
Bà Monique Lesmon tại Martinique nói: "Hôm nay tôi có cảm giác rằng lá phiếu của tôi sẽ có đóng góp gì đó cho kết quả cuối cùng."
Phân tích gia ngoại giao của BBC, Jonathan Marcus, nói dù ai thắng cử thì cũng có sự thay đổi về thế hệ trong nền chính trị Pháp và có thể dẫn tới thay đổi trong các ưu tiên về ngoại giao của nước này, điều có tầm quan trọng lớn với những người sống bên ngoài nước Pháp.
Nhiều cử tri đi bỏ phiếu với tâm trạng vừa lo ngại, vừa hy vọng
(sưutầmbyjen Paris new)