CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI ĐAU KHỔ



Cầu nguyện là nhiệm vụ căn bản của người sống đức tin. Họ cầu nguyện với Chúa thường xuyên. Họ cầu nguyện như một nhu cầu, với những mục đích thiết thân: Như để tìm nhan thánh Chúa, để mình trở thành người của Chúa, người của mọi người, người của chính mình với nội tâm luôn tìm thực thi ý Chúa.

Riêng đối với người đau khổ, cầu nguyện còn là một an ủi.

Mỗi người đau khổ có thể cầu nguyện với tâm tình riêng tư. Dù rất riêng tư, những tâm tình đó thiết tưởng có thể tập trung vào bốn loại. Bốn loại này thường đi chung với nhau, chen kẽ vào nhau, nối tiếp nhau, lúc mạnh lúc yếu. Và cứ thế, cầu nguyện của người đau khổ ví được như một dòng sông chuyên chở những tâm tình rất chân thành của mình về Chúa là biển cả tình yêu giàu lòng thương xót.



Bốn loại tâm tình đó tạm mang tên sau đây:



1/ Than vãn.

Than vãn là một hình thức tâm sự, giãi bày tình trạng thiếu thốn, cần được giúp đỡ. Đây là một thực tế gây nên nhiều xúc động trong thi ca, văn học và tôn giáo.

Khi người đau khổ than vãn với Chúa, thì than vãn đó là một hình thức cầu nguyện khiêm tốn, thiết tha.

Kinh Thánh ghi lại rất nhiều hình thức cầu nguyện như thế. Ở đây tôi chỉ xin được nêu lên vài thí dụ:

Thánh Gióp kêu:

“Ôi, phải chi ai cảm được nỗi sầu của con, và đặt lên bàn cân nỗi đau con đang chịu!” (G 6,1).
Vua David than:

“Rên xiết đã nhiều, nên con mệt mỏi:

trên giường ngủ, những thổn thức năm canh,

từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối,

mắt hoen mờ vì quá khổ đau” (Tv 6,7-8).


Chính Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu cũng đã than van thảm thiết: “Linh hồn Thầy đau buồn đến chết được” (Mt 26,38).

Thấy một người bị đau khổ hành hạ, khi họ than vãn với Chúa, ta đừng vô cảm, hoặc phán đoán sai về họ. Họ là thầy dạy ta nhiều bài học về thân phận con người, về liên đới, về đức tin. Những bài học đó rất sống động. Phải học bằng trái tim biết tế nhị, nhạy cảm và bác ái.

2/ Cầu cứu.
Đứng trước đau khổ, nhất là bị chìm vào đau khổ, bản năng bảo vệ sự sống nơi mỗi người đều phản ứng như nhau: Phản ứng đó là muốn thoát khỏi đau khổ.

Chính Chúa Giêsu đã có phản ứng như thế. Trước giờ chịu nạn, trong vườn Cây Dầu Chúa Giêsu đã cầu cứu với Đức Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén đắng này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha!” (Mt 26,39).

Một lát sau, Người lại cầu cứu thảm thiết: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26,42).

Sự kiện trên cho thấy: Cầu xin Chúa cứu ta khỏi đau khổ, nếu đẹp ý Chúa, đó là việc nên làm. Hoặc cầu xin Chúa giúp ta chịu đau khổ một cách tốt nhất theo ý Chúa, đó cũng là việc nên làm.

Đọc Phúc Âm, tôi thấy nhiều trường hợp Chúa Giêsu muốn cứu người ta khỏi đau khổ, miễn là người ta biết cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa bằng sự khiêm nhường cầu xin khẩn khoản. Thí dụ trường hợp Chúa chữa hai người mù ngồi ở vệ đường ngoài thành Giêricô. Nghe tiếng dân ồn ào theo Chúa đi ngang qua, hai người mù vội la lên: “Lạy Ngài, lạy con vua David, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Chúa Giêsu dừng lại, gọi họ và hỏi: “Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?”. Họ thưa: “Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra”. Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ. Tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Ngài (Mt 20,32-34).

Như vậy, việc người đau khổ cầu khấn ơn được trút khỏi gánh nặng đau khổ là việc bình thường. Cũng có thể gọi việc như thế là việc đạo đức Chúa muốn và Chúa đợi ta làm.

3/ Tín thác tạ ơn.

Khi con người cảm thấy rõ nơi bản thân sự sống của mình càng ngày càng xuống dốc, họ chỉ còn cách bám vào Chúa là nguồn sự sống. Họ than vãn, họ cầu cứu. Và Chúa ban cho họ những an ủi khích lệ. Có khi họ thấy bớt được khổ đau. Có khi họ cảm được khổ đau của họ mang một giá trị cứu độ, cho họ và cho người khác. Như dòng sông bên lở bên bồi, đau khổ của họ nhiều khi cũng có giá trị đền bồi. Nhận thức đó khơi dậy tâm tình tạ ơn và tin tưởng. Thánh vương David đã nhìn lên Chúa và loan báo Tin Mừng:

“Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao, và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối. Hãy thưa với Chúa rằng:

Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con ẩn náu, là đồn luỹ che chở, con tin tưởng vào Ngài (Tv 91,1-2).

Chính Chúa Giêsu, trong giây phút khổ đau nhất, đã nói một lời mang tính cách tin tưởng tuyệt đối và tạ ơn tuyệt đối: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 25,46).

Khi đến Lộ Đức và nhiều nơi hành hương, tôi được đọc rất nhiều tấm bảng ghi lời tạ ơn của những người khấn cầu có liên quan đến đau khổ của họ. Hiện tượng này cho phép tôi nghĩ rằng: Rất nhiều người đau khổ đã cầu nguyện và họ đã được Chúa và Đức Mẹ ban ơn, không ơn này thì ơn khác. Tất nhiên chỉ một số người đã ghi lời tạ ơn trên bia đá, nhưng tất cả những người được ơn đều đã tạ ơn Chúa và Đức Mẹ bằng những cách thích hợp và tuỳ khả năng.

4/ An tĩnh.

Kinh nghiệm cho tôi thấy: Rất nhiều trường hợp, người đau khổ không than vãn, không xin cầu cứu, không nói lời cảm tạ. Họ chỉ an tĩnh nhìn Chúa, nhìn Đức Mẹ. Đó cũng là cầu nguyện. Bởi vì cái nhìn an tĩnh đó chìm vào tình yêu của Chúa, của Mẹ.

An tĩnh đó là một thứ dứt bỏ những gì là phù phiếm, mau qua, sóng gió, để hoà mình vào một tình yêu vĩnh cửu, đầy bình an, êm đềm, hạnh phúc.

An tĩnh đó là “ở lại trong tình thương của Chúa” (Ga 15,9). Đau đớn vẫn còn, nhưng nó chỉ giúp con người đi sâu vào tình thương Chúa mà thôi.



Mấy chia sẻ vắn tắt trên đây chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Nhưng hy vọng, nhờ đó, những ai đau khổ bất cứ vì lý do nào, cũng có thể nhặt được một chút nào đó giúp ích cho mình.

Số người đau khổ hiện nay rất đông. Họ sẽ không trở thành dư thừa, trái lại họ sẽ có khả năng góp phần cứu độ, nếu họ biết sống đau khổ một cách có ý nghĩa.

+ GB. BÙI TUẦN