Bắc Giang:
Làng mổ bò ngắc ngoải vì... xương bò thối
hộ làm nghề giết mổ trâu bò ở thôn Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh, huyện Việt
Yên) giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, hơn 400 hộ còn lại
(với khoảng 2.000 nhân khẩu) đang... ngắc ngoải trong bẩn thỉu và bệnh tật.
Cảnh làm thịt bò
22h là bắt đầu vào "ca" giết mổ.
Từ nhà ra ngõ, đến phố... toàn xương bò thối
Thời điểm này, cả làng có hơn 30 hộ làm nghề giết mổ trâu bò. Trong đó có 6 lò lớn như các lò: Phú - Xiu, Cảnh - Nhận, Hoán - Mười; quy mô nhất là lò Xứng - Hậu. Mỗi lò này hàng đêm "trảm" từ 10-15 con.
Như vậy, trung bình mỗi đêm có khoảng 150 con trâu bò được giết mổ, cung cấp cho những thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng hàng chục tấn thịt mỗi ngày.
Song, những phụ phẩm như da, xương, răng, sừng... được "giữ lại" làng và đang huỷ hoại môi trường sống vốn yên lành của làng quê này, trở thành nỗi khiếp sợ của những cư dân làng mổ bò.
Ven con đường bê tông từ cổng làng vào sâu khoảng 300m, đâu đâu cũng có những đống xương, răng bò chất cao bốc lên một mùi khó tả, dân quen gọi là mùi "hoi" (hoi chứ không phải hôi).
Dân kêu quá, những người giết mổ bèn chuyển chỗ tập kết ra vệ đường 1A cũ, cách cổng làng chừng 200m, thậm chí, những bao tải chất đầy xương còn được "chuyển" qua đất của thị trấn Nếnh, khiến nhiều người dân dọc phố Nếnh cũng không thể im lặng.
Bà Trần Huyền cho biết, ngoài mùi hôi thối bốc lên thường xuyên, đặc biệt có những hôm người ta đốt xương, mùi lờm lợm xông thẳng vào họng, cả ngày không nuốt nổi cơm. Những ai qua đoạn đường này chỉ còn cách bịt mũi phóng nhanh, chẳng còn thiết kêu ca một lời.
Theo Trưởng thôn Đỗ Văn Thuý, cả thôn có 25 mẫu (bắc bộ) ao hồ, phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp và thả cá, thế nhưng, ba năm trở lại đây, 90% ao hồ đã không thể thả được cá nửa vì hầu hết ao hồ đều được dùng để "ngâm" xương.
Điều đáng nói là, trước đây, nhờ xương bò mà cá lớn nhanh hơn. Rồi đến khi ăn cá cũng ngán vì có mùi... bò, còn nay thì, cá cũng chẳng sống được vì xương bò và nguồn nước bị nhiễm mặn. Những bao tải đầy xương nổi lềnh bềnh trên các mặt hồ.
Nước các hồ này cũng không còn là nước mà là một màu vàng bóng nhẫy, tụ lại đặc quánh.
Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa cái ao này sẽ được lấp kín xương.
Trong những ao hồ này, sen đã chết trụi hết từ lâu, "nhường" chỗ lại cho loài bèo tây, loài cây gần như duy nhất "trụ" lại được trong hững hồ đầy xương trâu bò này.
Làng "ướp muối"
Ông Đỗ Văn Tế cho hay, nguồn nước ở làng đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng vì việc ủ muối ngâm da trâu bò. "Mùa khô năm ngoái, nhiều người bí quá, đành tát nước hồ Thanh Niên tưới lúa, vụ đó, năng suất giảm đến 1/3 vì bị bệnh táp lá và chết. Nhà tôi năm nào cũng phải đào sâu thêm giếng. Giếng nhà ông từ chỗ 5m, được đào sâu xuống đến 9m vào năm ngoái, năm nay đã sâu đến 15m mà không thể dùng được vì mặn chát như nước muối".
Ông Tế cũng cho biết thêm, trong thôn nhiều nhà cũng đã khoan đến hai, ba giếng nhưng vẫn không dùng được nước, đành chuyển sang lọc đi lọc lại rồi "cắn răng" mà dùng!
Chúng tôi được biết, xương bò sau khi được lọc sạch sẽ được bán cho các công ty chế biến thức ăn gia súc.
Song trong năm trở lại đây, nhất là khi cúm gia cầm bùng phát, người làm nghề giết mổ cũng vì thế mà phất lên. Thêm vào đó, giá mua xương giảm mạnh (trước đây trên dưới 1.000 đ/kg, nay không đến 500 đ/kg) nên nhiều người chẳng buồn bán, cứ để ra đường, ra vườn, ra ao hồ, ra bất cứ chỗ nào... trống!
Nhưng nguyên nhân quan trọng khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng là việc muối da
Theo chị Quyên, chủ một lò mổ nhỏ, để muối mỗi tấm da trâu, bò, cần 10-15kg muối. Những lò nhỏ như nhà chị thì phải đợi đủ vài ba tạ da (khoảng 15-20 ngày) mới cho xuất đi.
Như vậy, mỗi tháng, cả làng giết mổ cần ít nhất là vài... tấn muối để ướp da. Công việc ướp da này được triển khai ngay trong sân, trong vườn, gần cả... giếng nước ăn. Thế nên, nguồn nước dùng không nhiễm mặn mới là điều lạ!
Xung quanh, từng đàn ruồi xanh, nhặng, to bằng... ngón tay cái rào rào, tuy nhiên chúng lại di chuyển hết sức chậm chạp vì bụng căng tròn... thịt bò.
Ruồi to bằng ngón... tay ...... vì được nuôi bằng thịt bò
Nhiều người dân nói nửa đùa nửa thật rằng, làng này giờ chuyển sang mổ bò nuôi ruồi, "giết hết" lúa, cá, sen, thậm chí cả... người!
Một cuộc khảo sát của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã cho thấy mức độ ô nhiễm của làng nghề Phúc Lâm được xếp vào loại nghiêm trọng, đứng thứ 7/11 làng nghề bị ô nhiễm nặng trên cả nước.
Cũng theo con số chưa đầy đủ mà chúng tôi thu thập được từ Trạm Y tế xã Hoàng Ninh, trong khoảng từ năm 2003-2006, có trên 20 trường hợp người làng chết vì các bệnh hiểm nghèo, nhiều nhất là bệnh ung thư.
Chính quyền địa phương cùng những ban ngành liên quan từ xã đến huyện từng đưa ra phương án tập trung làng mổ bò lại và chuyển ra đồng nhằm "cách li" khu vực dân cư.
Tuy nhiên, phương án vẫn chưa thể triển khai vì các hộ giết mổ cho rằng... không thuận tiện!!! Và trong khi ấy, hơn 2.000 người dân vô tội của làng giết mổ Phúc Lâm vẫn phải sống chung với mùi hôi thối, trong nỗi lo nơm nớp bởi ô nhiễm và bệnh tật.
Bài viết của
Chí Hiếu
Ảnh: Phạm Hải