TẬN HIẾN KHẢ NĂNG VÀ TIỀN CỦA CHO NGƯỜI NGHÈO

Xuất thân từ đại học bách khoa của thủ đô Paris, ông Thierry Viard, 45 tuổi, đủ điều kiện để tạo sự nghiệp và cuộc sống an nhàn sung túc. Thế nhưng ông muốn không sống tầm thường chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình và kiếm thật nhiều tiền. Trái lại, ông nghĩ đến tha nhân và mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân.

Thierry Viard sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Thân sinh là trưởng phòng các chuyên viên cơ khí hải quân. Nhưng suốt đời ông chỉ hối tiếc một điều: không theo học tại đại học bách khoa. Vì thế ông thúc đẩy tất cả năm đứa con trai theo học các ngành kỹ sư khoa học tại các đại học nổi tiếng.

Vâng lời thân phụ và theo gót các hiền huynh, chàng sinh viên Thierry ghi danh tại đại học bách khoa. Tương lai chàng hứa hẹn sự nghiệp lớn lao và thành công rực rỡ. Nhưng tâm tình Thierry không thích dừng lại nơi giấc mộng tầm thường của con người sống trong xã hội tân tiến ngày nay.

Chàng còn nhớ như in ngày nhập trường sĩ quan cơ khí thuyền hạm, vị chỉ huy trưởng nói:

- Các bạn là những người được ưu đãi và đây là điều bình thường!

Câu nói ông giám đốc khiến chàng sinh viên Thierry kinh ngạc. Chàng tự nhủ:

- Nếu tôi trau dồi kiến thức thì mục đích là để một ngày kia trở thành người hữu dụng và giúp ích cho tha nhân, chứ không phải để có cảm tưởng mình đứng trên người khác!

Vào một buổi chiều trong năm 1972, Thierry được biết Cha Joseph Wrésinski (1917-1988) mở cuộc thuyết trình về tình trạng nghèo đói, cách đại học bách khoa của chàng không xa. Thierry liền đến nghe Cha nói chuyện. Bài thuyết trình làm đảo lộn tư tưởng và tâm tình của Thierry. Chàng không ngờ ngay tại một nước văn minh giàu có như nước Pháp của chàng mà lại nhan nhản người sống trong cảnh túng thiếu bần cùng. (Cha Joseph Wrésinski xả thân trong hoạt động tông đồ chăm sóc người nghèo, người kém may mắn và người lang thang, không cửa không nhà).

Thierry cảm thấy lôi cuốn vào việc tìm hiểu thêm về tình trạng nghèo đói trên thế giới và cách riêng tại nước Pháp. Chàng tìm đọc sách báo nói về nạn nghèo đói. Càng đọc chàng càng khám phá ra những hoàn cảnh thê thảm. Chẳng hạn có người phải luôn sống trong tăm tối, chôn vùi cuộc đời trong bốn bức tường vì không ai đến viếng thăm an ủi họ.

Thierry bỗng như khám phá ra hướng đi cho tương lai đời mình. Chàng quyết định chọn đứng về phía người nghèo và xả thân phục vụ người nghèo. Chàng gia nhập Hội Từ Thiện do Cha Joseph Wrésinski khởi xướng. Chàng dâng cúng ba phần tư số lương cho Hội Từ Thiện để giúp người nghèo. Dâng cúng tiền bạc thôi chưa đủ, chàng tận hiến thời giờ rãnh rỗi để phục vụ người nghèo. Chẳng hạn chàng dành ngày nghỉ cuối tuần để sơn quét một thư viện dành cho trẻ em.

Sau khi tốt nghiệp đại học bách khoa, Thierry gặp Mireille, một thiếu nữ đồng chí hướng và hai người đi đến hôn nhân. Cả hai vợ chồng đều là thành viên của Hội Từ Thiện và dọn đến sống tại Reims, thành phố ở miền Bắc nước Pháp, nơi có nhiều gia đình nghèo đói cơ cực.

Tại đây, năm đứa con lần lượt chào đời. Các con của ông bà Thierry và Mireille chia sẻ cuộc sống của các trẻ em đồng lứa tuổi nghèo nàn. Ông bà chia căn nhà thành hai phần: phần dành riêng cho cuộc sống của gia đình, phần kia dành tiếp đón người khác. Tất cả ai cảm thấy cô đơn và sầu khổ, đều có thể đến tìm kiếm chút hơi ấm tình người, lòng cảm thông và sự giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất. Đây là kinh nghiệm vô cùng quý hiếm. Chính nơi người nghèo khổ lại tiềm ẩn tài năng tinh thần cao cả nhất.

Tuy nhiên cuộc sống anh hùng không phải dễ dàng. Ông bà Viard gặp nhiều chống đối từ họ hàng thân thích. Rồi năm đứa con - tuổi từ 7 đến 19 - đôi khi cũng tỏ ra luyến tiếc khi thấy không được tự do phung phí như những đứa trẻ con nhà giàu khác. . Dầu vậy, ông bà Viard vẫn không thay đổi lý tưởng sống phục vụ người nghèo. Niềm vui bao la của ông bà là chứng kiến cảnh những người ở tột cùng nấc thang xã hội có thể ngóc đầu lên, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời và sống xứng đáng với cuộc sống làm người. Ngoài ra, ông bà nêu cao cho các con tấm gương thương yêu và kính trọng người nghèo, người lâm cảnh khốn khổ.

Vincent - một trong các đứa con trai của ông bà - có lần hãnh diện nói với người hàng xóm:

- Ba cháu làm nghề an ủi những người âu sầu khóc lóc!

... Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu. . Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn; Ta khát, các con đã cho uống; Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước; Ta trần truồng, các con đã cho mặc; Ta đau yếu, các con đã thăm nom; Ta ngồi tù, các con đã đến thăm” (Mát-thêu 25,31-36).

(”Reader's Digest SÉLECTION”, Octobre/1996, trang 63-64).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt