-
Moderator
Thừa Tác Vụ và Thừa Tác Viên
Thừa Tác Vụ và Thừa Tác Viên
Nói đến thừa tác vụ và thừa tác viên, ta gặp ngay khá nhiều hỗn độn gây hiểu lầm, nên cần phân biệt rõ ý nghĩa của các từ ngữ ấy và cách sử dụng chúng. Những từ ngữ trên gây hỗn độn vì hai lý do chính sau đây:
Thứ nhất, khi nói đến các thừa tác vụ trong Giáo hội, ta liền nghĩ tới một vài đặc tính của ngôn ngữ. Vì hạn từ "thừa tác vụ" hầu như trở thành cây dù che cho rất nhiều ý niệm khác nhau. Có quá nhiều loại việc và phục vụ đã được đơn giản và một cách nào đó lầm lẫn gọi là "thừa tác vụ".
Thứ hai, thừa tác vụ đã chịu không biết bao nhiêu cách tiếp cận khác nhau. Nhiều luật lệ và qui định đã được đưa ra mà không qui chiếu đến cái nhìn tổng thể thế nào là thừa tác vụ trong Giáo hội. Thành ra ta bị mù mờ lẫn lộn về ý niệm.
1. Tình Huống Hiện Nay:
Tình huống hiện nay là như thế này. Trước hết, có một thừa tác vụ được xác định rõ ràng, đó là thừa tác vụ do bí tích Truyền Chức Thánh mang lại. Hiến chế về Giáo hội Ánh Sáng Muôn Dân (ASMD-Lumen Gentium) đã cho ta một định nghĩa rõ ràng về thừa tác vụ này như sau: "thừa tác vụ giáo sĩ do Chúa thiết lập đã được đảm nhiệm ở nhiều cấp bậc khác nhau do những người mà ngay từ thời cổ xưa đã được gọi là giám mục, linh mục và phó tế" (ASMD 28). Họ là các thừa tác viên được thụ phong vì họ được Thiên Chúa mời gọi đảm nhiệm một ơn gọi phục vụ đặc biệt. Nhóm này đã được định nghĩa một cách rõ ràng, vì họ là thừa tác viên do hiệu quả bí tích. Không ai, ngay cả các thầy dòng khổ tu nhiệm nhặt nhất, sau khi đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, mà lại không tham dự thừa tác vụ này.
Thứ đến, có hai thừa tác vụ giáo dân đã được miêu tả chuyên biệt. Đó là thừa tác vụ "thày tư" (acolyte) phục vụ thánh thể và thừa tác vụ đọc sách (lector) phục vụ Lời Chúa. Hai thừa tác vụ này, vốn đã có từ những ngày đầu của Giáo hội, nay được Đức Phaolô Đệ VI thiết lập lại qua Tự Sắc 'Ministeria Quaedam' năm 1973. Trong văn kiện đó, các chức nhỏ xưa kia được phong ban như là những bước chuẩn bị lên chức linh mục, được bãi bỏ và thay thế bằng hai thừa tác vụ vừa kể. Với các qui định mới này, Đức Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh sự khác nhau giữa hai bậc giáo sĩ và giáo dân. Ngày nay, không ai được kể là giáo sĩ trước khi được thụ phong phó tế, tuy nhiên hai thừa tác vụ vừa kể vừa được phong cho giáo dân vừa được phong cho các ứng viên chuẩn bị làm linh mục. Trên thực tế, phần lớn sự tối nghĩa và các khó khăn liên quan đến hai thừa tác vụ thánh thể và đọc sách đã phát sinh từ đòi hỏi này là chúng cũng phải được phong cho các linh mục tương lai trước khi họ được lãnh chức phó tế. Tài liệu trên xác định rõ ràng rằng phụ nữ không được lãnh nhận hai thừa tác vụ đó, một điều khoản khiến nhiều hội đồng giám mục trên thực tế đã không áp dụng hai thừa tác vụ này cho hàng ngũ giáo dân trong xứ sở họ. Tài liệu trên cũng xác định rằng các hội đồng giám mục có thể thêm các thừa tác vụ khác nữa nếu hoàn cảnh đòi hỏi. Tuy nhiên cho đến nay, điều đó chưa thấy xẩy ra ở nơi nào.
Thứ ba, ý niệm thừa tác vụ thường được sử dụng với nghĩa rộng để chỉ bất cứ việc phục vụ nào do những người đã rửa tội thực hiện trong hiệp nhất với Chúa Kitô. Công Đồng Vatican II đôi khi sử dụng hạn từ này theo nghĩa này. Tại nhiều nơi trong Giáo hội, dường như có thói quen coi bất cứ việc phục vụ tha nhân nào cũng là 'thừa tác vụ' theo một nghĩa nào đó và vì vậy cùng chia sẻ thừa tác vụ của Chúa Kitô. Do vậy, mọi việc phục vụ, mọi hoạt động Kitô giáo, đều được nghĩ như là các thừa tác vụ của Giáo hội và các cá nhân như là những thừa tác viên. Điều này theo thiển ý không giúp ích bao nhiêu nếu không muốn nói là sai lầm.
Thành ra ở đây cần phải làm cho vấn đề được sáng tỏ và mạch lạc. Bộ Giáo Luật mới đã miêu tả rõ rệt các quyền lợi và trách nhiệm của người giáo dân và cách thế họ được mời gọi tích cực chia sẻ sứ mệnh của Giáo hội. Lối phát biểu, đúng như lòng mong chờ của mọi người, rất tỉnh táo đúng mức và theo ngôn từ luật lệ. Điều 225 nói rằng: "Xét vì các giáo dân cũng như mọi tín hữu được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ do Phép Rửa tội và Phép Thêm sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét từng cá nhân hoặc kết hiệp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận."
Điều luật trên tiếp tục nói rằng: "Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe theo Phúc âm và biết Chúa Kitô". Ở đây ta thấy Giáo hội minh nhiên nhìn nhận rằng có những hoàn cảnh trong đó sứ mệnh của Giáo hội chỉ có thể được làm trọn qua các giáo dân. Điều Luật khác còn minh nhiên hơn nữa: "Nơi nào nhu cầu Giáo hội đòi hỏi và thiếu thừa tác viên, thì các giáo dân dù không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số việc, tỉ như thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ toạ các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các qui tắc luật định" (Điều 230, tiết 3).
Như thế, Giáo hội thừa nhận rằng người giáo dân ngoài thừa tác vụ chung cho mọi tín hữu Kitô trong việc tham dự vào sứ mệnh của toàn thể Giáo hội, đôi lúc và trong nhiều hoàn cảnh còn phải nhận lãnh phần lớn trách nhiệm thi hành sứ mệnh trên. Họ có thể thi hành các nhiệm vụ thừa tác ngay khi không được liệt vào hàng thừa tác vụ chính thức.
Một điều cũng rõ nữa là trong sinh hoạt Giáo hội, có những hoạt động và phục vụ không được nhìn nhận là thừa tác vụ theo cùng nghĩa như các ‘thầy đọc sách’ và các 'thầy tư’. Tuy nhiên chúng cũng quan yếu không kém đối với sứ mệnh của Hội thánh. Các công việc ấy cũng đòi phải đuợc nhìn nhận chuyên biệt và được huấn luyện cẩn thận để có được những người khác với các giáo dân khác là những người chỉ có một trách nhiệm tổng quát đối với sứ mệnh của Giáo hội. Một trong những nhóm này hiển nhiên là các giáo lý viên. Giáo luật cho hay: "Các Đấng bản quyền phải chăm lo sao cho các giáo lý viên được chuẩn bị thích đáng để chu toàn trách vụ của họ cách đúng đắn, nghĩa là phải liên tục đào tạo họ, ngõ hầu họ có được kiến thức thích đáng về giáo huấn của Giáo hội cũng như học hỏi các qui phạm thích đáng của các khoa sư phạm cả trong lý thuyết lẫn trong thực hành" (Điều 780).
Các đóng góp chuyên biệt đáng kể của các giáo lý viên trong các giáo hội cũ và mới dường như đã đủ không cần phải nói thêm ở đây; nơi các xứ truyền giáo, vai trò của họ thật không thể nào thay thế được. Thế nhưng chức năng của các giáo lý viên lại chưa được dành cho một sự nhìn nhận giống như các thừa tác vụ chuyên biệt phục vụ phụng vụ thánh.
2. Suy Nghĩ Mục Vụ:
Trên đây chỉ là vài hàng chấm phá về trạng huống ngày nay. Rõ ràng trạng huống ấy không mấy thỏa đáng, thực tế khá hàm hồ tối nghĩa. Trong đó có những điều cần phê phán và có những điều cần cải tổ cách xây dựng. Cơ cấu hiện nay không thoả đáng nếu ta nhìn riêng vào hai thừa tác vụ thánh thể và đọc sách đã được nhìn nhận chính thức. Trong chủ đích, chúng đuợc coi là các thừa tác vụ giáo dân nhưng trong thực tế chúng vẫn tiếp tục có hướng giáo sĩ. Vì các ứng viên linh mục cũng vẫn còn được tạm thời ủy nhiệm cho các thừa tác vụ này. Chúng lại chỉ dành riêng cho nam giới, mặc dù, trong việc canh tân Bộ Giáo Luật, đã có nguyên tắc hướng dẫn là phải làm nhẹ, khi có thể, bất cứ hình thức kỳ thị nào giữa nam giới và nữ giới. Cũng là điều không thỏa đáng khi không có thừa tác vụ mới nào được đưa vào kể từ một thập niên qua dù việc ấy đã được dự liệu. Ngoài ra cũng còn lộn xộn trong việc ủy nhiệm các thừa tác viên cũng như phạm vi của sự ủy nhiệm này và cách thế thiết định (installation) họ.
Chính vì thế, tháng 10 năm 1987, tại Thượng hội đồng giám mục thế giới họp tại Rôma, Đức Hồng Y Basil Hume của Anh Quốc đã đưa ra một số đề nghị để làm sáng tỏ ý nghĩa của thừa tác vụ như sau. Theo Ngài, nên áp dụng một cấu trúc duy nhất cho toàn bộ lãnh vực thừa tác vụ, một cấu trúc bắt rễ chắc chắn trong quan điểm của chúng ta về Giáo hội và nhằm mục đích có được sự tham dự có hiệu quả hơn vào sứ mệnh của Giáo hội. Ngài đề nghị chỉ nên dùng hạn từ thừa tác vụ và thừa tác viên cho những hoạt động và những con người có thể đại diện cho cộng đoàn tín hữu một cách nào đó và hành động với sự ủy quyền của giám mục hoặc vị đại diện giám mục. Điều này không hề chối bỏ hoặc giảm thiểu lời mời gọi và trách nhiệm phổ quát của mọi chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô phải trở thành hiện thân của Ngài trong thế giới. Điều này tất cả chúng ta đều làm khi, với tư cách Dân Chúa, chúng ta thực hiện các công việc thường ngày, khích lệ, xây đắp, làm chứng, lớn lên trong sự thánh thiện bản thân. Nhưng những công việc ấy chỉ nên miêu tả như là việc tông đồ Kitô giáo; mọi thừa tác vụ đều là việc tông đồ, nhưng không phải bất cứ việc tông đồ nào cũng là thừa tác vụ. Dưới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, ta đem mọi tài năng và năng khiếu của mình phục vụ việc tông đồ nói trên. Nhưng thừa tác vụ và thừa tác viên có một nghĩa chuyên biệt hơn và hạn chế hơn thế.
3. Ba Loại Thừa Tác Vụ:
Đức Hồng y đề nghị ra ba loại thừa tác vụ trong Giáo hội đó là thừa tác vụ thụ phong (ordained), thừa tác vụ thiết lập (instituted) và thừa tác vụ ủy nhiệm (commissioned).
Đi từ dưới lên, các thừa tác viên ủy nhiệm bao gồm những người, vì những khả năng, tài năng hoặc vai trò chuyên môn đặc biệt, được cộng đoàn giáo hội địa phương ủy nhiệm cho các trách vụ chuyên biệt trong một thời kỳ đặc thù và giới hạn nào đó. Tỷ dụ, những viên chức quản lý công việc của xứ đạo hay giáo phận, những người phụ trách việc thù tiếp hoặc chào đón nhân danh cộng đoàn, những người chăm nom người già hoặc những người quanh quẩn trong nhà ở một khu vực nào đó. Một kiến trúc sư, một nhà nghệ sĩ hay một nhà thầu xây cất được giáo xứ mời để xây nhà thờ, trường học hay một cơ sở cộng đòan nào khác cũng có thể là các thừa tác viên ủy nhiệm cho đến khi hoàn thành công tác. Các thành viên trong hội đồng giáo xứ, các thủ lãnh giới trẻ, các đại biểu dự các hội nghị, những người đặt chương trình và hướng dẫn mục vụ phụng vụ cũng nên được để riêng ra và ủy nhiệm để hành động nhân danh cộng đoàn. Thừa tác vụ ủy nhiệm như thế liên quan đến những người không những tham gia việc tông đồ và chia sẻ sứ mệnh của Giáo hội một cách chung mà thêm vào đó còn được kêu gọi phục vụ cách chuyên biệt hơn trong cộng đoàn và nhân danh cộng đoàn vì họ có những tài năng đặc biệt và đảm nhiệm những trách nhiệm đặc biệt. Thừa tác vụ này có thể được miêu tả như một chức vụ (office) và có thể được phong ban (confer) với một nghi thức phụng vụ nào đó hoặc không cũng được. Thừa tác vụ này sẽ kéo dài cùng thời gian với công tác đảm nhiệm; thí dụ, các thành viên hội đồng giáo xứ hoặc các ban mục vụ có thể được ủy nhiệm bao lâu họ còn là thành viên của các ban đó; một nhạc sĩ sẽ còn là thừa tác viên ủy nhiệm bao lâu ông còn đảm nhận công việc với cộng đoàn.
Việc nhìn nhận loại phục vụ này như một thừa tác vụ có cái giá trị của nó. Vì không gì đúng cho bằng các cá nhân được nhìn nhận và xác nhận khi họ đảm nhiệm những trách vụ có tầm mức quan yếu đối với cộng đoàn. Một số trong các trách vụ này đi xa hơn việc xây đắp nhiệm thể Đức Kitô và liên hệ nhiều hơn đến vấn đề sứ mệnh. Vì trong chúng, ta thấy ý niệm giáo xứ sinh hoạt và làm việc như một 'công đồng' (in council), nghĩa là như một cơ thể sống động. Dần dà, ta sẽ chấp nhận ý niệm coi các hội đồng giáo xứ như phương thế phát triển tinh thần đồng trách nhiệm thực sự và thực thi lý tưởng hiệp thông tại địa phương. Ta cần đi xa hơn, ít nhất là thỉnh thoảng và cho những phạm vi quan tâm đặc thù, với sự phát triển ý niệm cho rằng giáo xứ, được xây dựng trên sự hiệp nhất nhiệm tích, phải hành động một cách chính thức và theo tinh thần hiệp đoàn (corporately) để chu toàn sứ mệnh của Chúa Kitô trong một nơi chốn đặc thù. Như thế, giáo xứ, dưới sự lãnh đạo của vị mục tử, có thể chuẩn nhận các ứng viên cho loại thừa tác vụ này, ủy nhiệm cho họ nhân danh cộng đoàn, nhận các báo cáo của những người nay đã chính thức có trách nhiệm phải báo cáo cho mình và nâng đỡ cũng như khuyến khích họ xuyên suốt thời gian phục vụ của họ. Một thí dụ có thể là gửi một thanh niên đi làm việc tại một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba. Với phương thức này, giáo xứ hoặc giáo phận có thể cùng liên hiệp với nhau như một cơ phận (corporately) để đẩy xa hơn sứ mệnh mà Chúa Kitô đã tự nhận cho mình tại hội đường Nagiarét xưa, trong khi vẫn không làm giảm sự can dự của mọi tín hữu khác. Và kinh nghiệm cũng cho hay thừa tác vụ được đảm nhiệm theo lối nhân danh cộng đoàn này có thể biến cải và canh tân sự cam kết và lý tưởng bản thân của chính các thừa tác viên ủy nhiệm.
Loại thừa tác vụ và thừa tác viên kế tiếp có thể miêu tả là "thiết lập". Ở đây ta theo sát hơn ý niệm về thừa tác vụ của Đức Phaolô VI trong Tự sắc 'Ministeria Quaedam'. Các thừa tác vụ này nên được truyền cho giáo dân và phải có liên hệ đến đời sống bí tích của Giáo hội. Khác với thừa tác vụ ủy nhiệm, loại thừa tác vụ thiết dựng này đòi các thừa tác viên phải dấn thân trong một thời hạn lâu hơn và phải được nhậm chức (inaugurated) bằng một nghi lễ ‘thiết lập’ (installation) để chính thức tiếp nhận chức vụ. Các thừa tác viên thiết lập phải được chuẩn bị để nhận lãnh vai trò của mình và phải được nâng đỡ bằng việc huấn luyện sơ khởi và liên tục (in-service) do đức giám mục giáo phận lo liệu. Các ứng viên phải là những người được giám mục, hay các cố vấn của ngài, xét là xứng đáng. Loại thừa tác vụ này cũng phải có đặc tính công khai vì nó liên hệ rất gần gũi với phụng vụ và việc thông truyền Lời Chúa. Hai thừa tác vụ đọc sách và giúp phụng vụ thánh thể được Đức Phaolô VI nêu danh trong Tự sắc 'Ministeria Quaedam' rất khít khao thuộc loại thừa tác vụ này, tuy nhiên có thể thêm vào đó các thừa tác vụ khác. Trên đây đã nhắc đến thừa tác vụ của giáo lý viên. Đã đành, mọi người trong Giáo hội đều đóng vai trò thông truyền đức tin, và trách nhiệm đặc biệt là của cha mẹ ông bà, nhưng hiển nhiên có một thừa tác vụ dành cho những người đảm nhận nhiệm vụ này cách công khai và chính thức hơn. Vì tầm ưu tiên gắn liền với mục vụ gia đình trong thời đại ta và nhu cầu khẩn thiết phải cổ vũ một đời sống gia đình bền vững và hạnh phúc, tưởng cũng cần thêm rằng các huấn đạo viên hôn phối (marriage counsellor) nên được kể vào loại thừa tác vụ này. Vì mối liên hệ của họ với bí tích hôn phối thật là gần gũi và hiển nhiên. Ngoài ra, ngày nay ta thấy các nữ tu phụ tá giáo xứ (parish sister) cũng như các phụ tá mục vụ (pastoral assistant) đóng vai trò khá chủ chốt trong các giáo xứ. Họ đang góp phần làm phong phú toàn bộ việc thi hành mục vụ. Thiết tưởng việc phục vụ của họ cũng đáng được kể là thừa tác vụ thiết lập. Tuy nhiên, không nên bạ bất cứ hình thức phục vụ nào cũng phong là thừa tác vụ, ngay cả những phục vụ liên hệ gần gũi với các bí tích. Chỉ những phục vụ nào đáp ứng những nhu cầu hiển nhiên và thúc bách của cộng đoàn, có liên hệ trực tiếp tới đời sống bí tích của Giáo hội và việc công bố Lời Chúa mới nên coi là thừa tác vụ. Cũng cần tránh việc lạm dụng phát triển bừa bãi các thừa tác vụ loại này, kẻo vô tình ta sẽ giáo sĩ hóa cả hàng ngũ giáo dân. Loại thừa tác vụ này không cần phải là một định chế phổ quát. Thực vậy, nên để các hội đồng giám mục thiết lập lấy theo nhu cầu và hoàn cảnh quốc gia hoặc giáo phận. Tuy nhiên nên mở rộng loại thừa tác vụ này cho cả nam lẫn nữ giới, cũng như nên dành riêng cho giáo dân chứ không như những bước chuẩn bị tiến lên chức linh mục. Phép Rửa đủ là lý do lãnh nhận thừa tác vụ này, vì nó chia sẻ các vai trò tiên tri, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Thượng hội đồng Giám mục năm 1987 đã cân nhắc các đề nghị trên cũng như cân nhắc tự sắc 'Ministeria Quaedam'. Các Nghị phụ ủng hộ việc duyệt xét tài liệu trên theo kinh nghiệm và nhu cầu địa phương. Thiển nghĩ, trong vấn đề này, ta cũng nên học hỏi kinh nghiệm phong phú của các giáo hội Kitô giáo anh em.
Hai thừa tác vụ trên khác biệt với thừa tác vụ thứ ba, tức thừa tác vụ thánh và thụ phong. Các thừa tác viên thụ phong được Chúa kêu gọi sống một cam kết suốt đời, và để sống sự cam kết ấy họ được chuẩn bị rất cẩn thận. Ơn gọi và sự chuẩn bị ấy được đóng ấn bằng dấu ấn bí tích khi thụ phong. Để phục vụ anh em trong sự cộng tác với giám mục hoặc bề trên nhà dòng nếu họ tận hiến trong đời sống tu trì. Ba bậc trong thừa tác vụ thánh này là giám mục, linh mục và phó tế đã được chứng nghiệm ít nhất từ thế kỷ thứ hai và được Công đồng Vatican xác nhận. Trong những lúc xẩy ra các biến đổi xã hội cũng như phát triển về thần học sâu sắc, vai trò và thừa tác vụ của những người thụ phong không tránh khỏi bị nhiều áp lực và kinh qua nhiều biến đổi. Quan điểm thần học về Giáo hội như một koinonia hay hiệp thông và việc giảm không nhấn mạnh nhiều đến cấu trúc phẩm trật đã mang lại nhiều hậu quả sâu rộng đối với cái nhìn của chúng ta về thừa tác vụ tấn phong. Đức giám mục và vị linh mục đại diện ngài ở cấp giáo xứ không còn được nhìn như những đỉnh tháp chót vót đơn độc và đầy quyền uy nữa mà như trái tim của cộng đoàn, hành xử thừa tác vụ xứ ngôn và bí tích, biểu tượng và suối nguồn của sự hiệp nhất cũng như hiệp thông đức tin và tình yêu là chính giáo hội địa phương. Phương cách thực thi thừa tác vụ thụ phong đã phản ảnh một phát triển mới của thần học về Giáo hội. Không còn thích hợp nữa hiện tượng thừa tác vụ linh mục được thi hành một cách tách biệt đầy huy hoàng bóng nhoáng hoặc dưới hình thức chuyên chế thánh thiện. Sự tham dự của toàn thể Dân Chúa vào sứ mệnh và thừa tác vụ của Chúa Kitô đòi phải tham khảo, cộng tác và chia sẻ.
4. Cơ Thể Duy Nhất:
Nói như thế không có nghĩa là làm giảm thế giá của các linh mục trong tư cách chia sẻ thừa tác vụ của giám mục tại một giáo hội đặc thù, tức giáo phận. Các cha xứ vẫn, và phải, đưa ra các quyết định. Không phải ai ai cũng thấy điều này dễ dàng. Nhiều căng thẳng có thể chồng chất nơi giáo xứ hoặc giáo phận nếu các mục tử hoặc giáo dân không đếm xỉa gì tới sợi dây duy nhất nối kết họ lại với nhau thành một cơ thể duy nhất của Chúa Kitô. Chúng ta không nên suy nghĩ theo những hạn từ thượng đẳng và quyền lực nhưng phải là hạn từ phục vụ thương yêu, mỗi người biết nhận ra nơi nhau khuôn mặt và sự hiện diện của Chúa Kitô. Để cộng đoàn có thể lớn lên trong sự sống và tình yêu Thiên Chúa, người ta phải biết nhìn nhận và kính trọng thừa tác vụ của giám mục hiểu như một phục vụ và như trung tâm hiệp nhất nhân danh Chúa Kitô. Linh mục, người chia sẻ thừa tác vụ của giám mục tại giáo xứ của mình, phải biết nhận trách nhiệm và được giáo dân chấp nhận trong cùng một tinh thần. Thế giá của linh mục không do các thành viên của cộng đoàn ban cho nhưng do chính chức linh mục đem lại vì lợi ích của cộng đoàn. Một hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm của Giáo hội chắc chắn sẽ tác động tới cả việc thi hành lẫn chấp nhận uy quyền (authority) trong Giáo hội.
Trong phúc đáp cho Đại hội Mục vụ Toàn quốc năm 1980, Các Giám mục Anh và Wales đã viết như sau: "Chúng tôi tin rằng vai trò được linh hứng từ Phúc Âm của các giáo dân càng có hiệu quả, thì vai trò thiêng liêng của linh mục càng thoả mãn cũng như căn tính thừa tác vụ của các ngài càng rõ ràng hơn. Sự cộng tác không hề làm mờ nhạt sự khác nhau giữa các thừa tác vụ. Nó làm sáng tỏ sự khác biệt ấy và cho thấy các thừa tác vụ phải bổ xung nhau trong sinh hoạt và sứ mệnh của gia đình Giáo hội" (Dân Phục Sinh, 30).
Sự hiểu biết mới về Giáo hội đang từ từ nhưng chắc chắn biến đổi các thái độ và tập tục của ta. Với việc hiểu biết có tính cách thánh kinh nhiều hơn, mọi kiểu thức trong liên hệ mục vụ của chúng ta đang được tái thẩm định từ căn bản. Một trong những hậu quả của thần học về koinonia (giáo hội như hiệp thông) và của ý thức ngày càng tăng về việc mọi người rửa tội đều chia sẻ thân thiết sự sống và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chính là càng ngày ta càng học được cảm thức sâu sắc hơn để tin tưởng vào Chúa và vào nhau. Tin tưởng nhau là biết lắng nghe nhau như những người sở hữu phần nào Thánh Thần Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta đều có một cái gì quí giá để đóng góp cho nhau; mỗi người đều có một chứng ngôn để cho đi. Vì Chúa Kitô đã ủy thác Giáo hội Ngài cho mọi người chúng ta, đến lượt ta, ta được mời gọi thâm hậu hóa lòng tin tưởng của ta vào Thánh Thần của Ngài và vào nhau. Điều này hẳn phải dẫn ta đến một Giáo hội biết lắng nghe, biết học hỏi, biết chuẩn bị để làm việc trong tinh thần cộng tác mà không thao túng và kỳ thị.
5. Thừa Tác Vụ Có Tính Hợp Tác:
Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1987, một phần của diễn trình trên được miêu tả là 'thừa tác vụ hợp tác'. Một quan sát viên giáo dân người Anh, Cô Pat Jones, là người đầu tiên phác thảo ý niệm này trước các giám mục. Cô diễn tả ý niệm đó như là 'giáo dân, linh mục và tu sĩ cùng chia sẻ các tài năng của mình, làm việc với nhau trong tin tưởng và tín thác lẫn nhau'. Cô nói tiếp: "Chúng ta cần cộng tác trong thừa tác vụ vì cộng tác biểu lộ bản chất của Giáo hội một cách hiệu quả nhất. Chúng ta cần cộng tác vì tự nó cộng tác đào tạo nên tinh thần cộng đoàn cho toàn thể giáo xứ. Khi người ta nhìn thấy thừa tác vụ có tính cộng tác là họ hiểu ngay chữ 'chúng ta' có nghĩa gì. Họ có được sự an tâm và thúc đẩy khi tham dự vào thừa tác vụ và sứ mệnh... Quan trọng nhất, thừa tác vụ có tính cộng tác có nghĩa là sự đào luyện được dành cho mọi người chứ không chỉ một số nhỏ vì nó thu hút nhiều người hơn vào hàng ngũ lãnh đạo. Nó kêu gọi phải nhìn nhận và sử dụng những quà phúc bất tận của Chúa dành cho mọi người như là ưu tiên trong việc đặt kế hoạch mục vụ."
Quan niệm trên và việc thực hiện nó trong thực hành được tin là bước tiến tốt nhất để phát triển giáo xứ và các cộng đoàn vốn có khả năng biến đổi các hoàn cảnh địa phương của mình. Thừa tác vụ có tính cộng tác là thí dụ điển hình của tính liên thuộc (interdependence), phải được coi là đặc điểm của Giáo hội và mọi kinh nghiệm nhân bản của ta. Cộng tác và chia sẻ không phải là chuyện dễ thực hiện và duy trì. Chúng không thể sống còn nếu chỉ được coi như việc chia sẻ quyền hành hay hơn một chút. Giáo hội không phải là một định chế để theo đuổi và thi hành quyền hành. Từ chính định nghĩa, thừa tác vụ liên hệ với phục vụ. Cho nên, thừa tác vụ có tính cộng tác là kết quả của việc từ bỏ thái độ tự xác quyết và phục vụ tư lợi. Nó chỉ triển nở khi các thừa tác viên được chuẩn bị để trở thành các máng chuyển tình yêu và sự chữa lành của Chúa đến người khác và biết nhận ra hình ảnh và sự sống của Chúa trong người khác.
6. Chuyện Thánh Chuyện Đời:
Cộng tác và liên thuộc là chủ yếu nếu ta muốn vượt qua các tập tục, các thói quen suy nghĩ và các phương thức thi hành thừa tác vụ vốn nặng tính nhị nguyên hơn là hiệp thông. Nhiều người thích tạo nên tính lưỡng phân giữa chuyện thánh và chuyện đời (sacred & secular), và điều này dẫn họ tới một đáp trả không thực tế trong Giáo hội. Tuy nhiên, quả là lầm nếu ta cho rằng đời sống bên trong của Giáo hội và giáo xứ nên để cho các giáo sĩ lo, còn việc cứu vớt xã hội phàm trần thì nên dành riêng cho giáo dân.
Chúng ta đang dần hiểu ra rằng chủ nghĩa nhị nguyên ấy không thể nào duy trì được. Thân thể duy nhất của Chúa Kitô chỉ có một sứ mệnh và một thừa tác vụ, tuy được thực hiện khác nhau, cho một thế giới, một nhân loại, một sáng thế. Mọi người đã được rửa tội đều được mời gọi tham dự vào thừa tác vụ và vào sứ mệnh này, mặc dù một số ít sau đó được mời gọi xa hơn tham dự vào thừa tác vụ thụ phong. Ở bất cứ lãnh vực nào, dù được coi là thánh hiến hay thế tục, toàn dân Chúa đều tham dự vào. Hiệu quả là các thừa tác viên thụ phong cũng như các thừa tác viên giáo dân đều có vai trò cộng tác vào cả Giáo hội lẫn trần đời; các thừa tác viên giáo dân có nhiều chuyện đóng góp vào việc thánh cũng như các thừa tác viên thụ phong có nhiều chuyện đóng góp vào việc đời.
Hiện vẫn chưa có được sự lượng giá rõ ràng và phổ quát trong toàn thể dân Chúa về sự cao cả trong ơn gọi và sứ mệnh của họ. Quá thường khi, vẫn còn tồn tại cái chủ nghĩa nhị nguyên tiềm ẩn kia, cái vực ngăn cách giữa đức tin và đời sống, giữa cái liên hệ đến tư cách thành viên của Giáo hội và phần còn lại thuộc đời sống thế tục và các trách nhiệm của nó. Ta cần chú ý tránh việc biến các phân biệt thành phân rẽ (distinctions into divisions). Công Đồng Vatican 2 đã cố gắng hết sức tránh việc đó để duy trì tính thống nhất mà không phải lúc nào chúng ta cũng thực hiện được trong thực tế. Hiến chế về Giáo Dân của Công Đồng nói như sau: "Người giáo dân, khi bắt tay chu toàn sứ mệnh này của Giáo hội, thực sự đã làm việc như những tông đồ cả trong Giáo hội lẫn ngoài trần thế, giữa các thực tại thiêng liêng lẫn các việc trần thế. Vì ngay cả khi có khác biệt giữa chúng, tức giữa thực tại thiêng liêng và thực tại mau qua, chúng cũng đã được cột lại với nhau thành một kế hoạch và chỉ một kế hoạch thôi của Chúa đến nỗi Ngài muốn đem toàn thể vũ trụ trở lại với Ngài sau khi đã tái tạo như mới trong Đức Kitô." (AA. 5)
7. Thừa Tác và Nữ Giới:
Như một suy tư cuối cùng về sự tái tạo trong Chúa Kitô này, ta không thể bỏ qua một vấn đề đã được nêu lên trong Thượng Hội Đồng năm 1987 như một quan tâm chính của nhiều miền trên thế giới. Đó là vấn đề vị trí của phụ nữ trong Giáo hội và trên thế giới. Quả là tương đối dễ, và hoàn toàn nhân bản, khi ta tranh luận về sự bình đẳng về giá trị và cơ hội dành cho phụ nữ trên thế giới trong khi trên thực tế lại khước từ cũng một sự bình đẳng ấy trong Giáo hội. Trên đây, khi đề cập đến các thừa tác vụ ủy nhiệm và thiết lập, chúng ta đã đề nghị để các thừa tác vụ ấy được mở rộng cho cả nam lẫn nữ giới. Việc chấp nhận cho phụ nữ vào các thừa tác vụ thụ phong lại là vấn đề khác và đây là vấn nạn đã gây nên nhiều vấn đề mới cho phong trào hiệp nhất Kitô giáo. Trong suốt cuộc tranh luận hiện thời với Giáo Hội Anh Giáo, Đức Hồng Y Basil Hume luôn luôn cho rằng đây là một bước có tầm quan trọng và là một bước khá khác biệt với tập tục lâu đời của các Giáo Hội Công giáo và Chính thống suốt trong lịch sử Kitô giáo đến nỗi không nên thực hiện trước khi có sự thỏa thuận trước của toàn thể Giáo hội. Các đức giáo hoàng gần đây từng tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng đây không phải là một vấn đề mở rộng và rằng không hề có một căn bản nào trong thánh kinh, trong thần học cũng như trong truyền thống cho phép phụ nữ đảm nhận hình thức thừa tác vụ này. Tuy nhiên, nói như thế rồi vẫn còn lý do để thẩm định các khuynh hướng và tập tục hiện thời đối với phụ nữ trong Giáo hội và đảm bảo rằng không khuynh hướng hoặc tập tục nào bị điều kiện hoá bởi các kỳ thị về xã hội và văn hóa của quá khứ. Bản văn điều hướng phải là thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát: "Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô" ( 3: 27-28). Người tín hữu được giải phóng khỏi chủ nghĩa quốc gia mù quáng nhưng vẫn là người ái quốc; khỏi những trói buộc của địa vị xã hội nhưng vẫn tiếp tục kính trọng quyền bính dân sự, và khỏi mọi hình thức kỳ thị phái tính nhưng vẫn nhìn nhận tính cách bổ xung và sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.
Không ai chối cãi rằng việc giải phóng phụ nữ là một diễn trình chậm chạp và tranh luận gắt gao trong lịch sử nhân loại cho đến tận ngày nay. Nó phải được nhìn nhận là một trong những dấu chỉ đích thực của các thời đại. Giáo hội không nên bị kéo một cách miễn cưỡng theo đuôi các tiến bộ nhưng nên ở vị thế tiền phong của những người biết nhìn nhận và tranh đấu để thực hiện sự bình đẳng và đồng phẩm giá cho nữ giới. Trong những năm gần đây ta thấy ít nhất ở một vài nơi trên thế giới có khuynh hướng đáng ngại cho thấy phụ nữ đang thất vọng về điều họ coi Giáo hội không muốn ban cho họ vai trò thực sự của họ và một số đông vì thế đã thôi không còn tham dự tích cực vào đời sống và công việc của Giáo hội nữa. Đã từ lâu chúng ta coi lòng nhiệt tâm và lòng trung thành của nữ giới trong Giáo hội như chuyện đương nhiên đến nỗi không thấy ra những dấu báo nguy cho đến lúc quá trễ.
Hiển nhiên ở nhiều miền thế giới khác nhau có nhiều trình độ ý thức, phát triển về xã hội và chính trị, thái độ văn hóa khác nhau về phụ nữ. Nhưng cũng như các giáo hội trẻ đang hoàn toàn có lý trong việc tìm cách bản vị hóa các phát biểu về đức tin của mình vào nền văn hóa đang thịnh hành của xứ sở họ, các giáo hội cũ cũng cần phải áp dụng cùng một trách vụ bản vị hóa (inculturation) ấy. Ta không thể làm ngơ điều Thánh Thần đang nói trong lòng xã hội hiện đại cũng như trong lòng Giáo hội. Điều quan trọng là ta phải nhận ra và rửa tội cho bất cứ điều gì là nhân bản thực sự. Và do đó, các giáo hội địa phương và các hội đồng giám mục nên đánh giá các đặc sủng và các đóng góp đặc biệt của nữ giới. Trong hoàn cảnh riêng của mình, ta nên sẵn sàng nhìn nhận vai trò của nữ giới trong sinh hoạt Giáo hội và trong các diễn trình quyết định của Giáo hội. Về phương diện thừa tác vụ, nên để nữ giới được thong dong tham dự vào các thừa tác vụ không thụ phong. Việc tái thẩm định tự sắc 'Ministeria Quaedam' nên xem sét đến kinh nghiệm của các giáo hội địa phương.
Để kết luận, xin đề nghị không nên coi các vấn đề thừa tác viên và thừa tác vụ như những vấn đề xa xôi với kinh nghiệm hàng ngày của Giáo hội và chắc chắn không là những vấn đề quan tâm ngoại biên. Chúng liên hệ chặt chẽ với việc hiểu biết của chúng ta về bản chất Giáo hội và với việc chúng ta chia sẻ sứ mệnh của Chúa Kitô trong công trình thiết lập Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô tóm tắt điều đó khi Ngài viết: "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen." (1 Pet. 4:10-11).
Tài Liệu
Hồng Y Basil Hume, Towards A Civilisation of Love, Being Church in Today's World, New Edition, Hodder & Stoughton, 1988
Vũ Văn An
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules