Results 1 to 18 of 18

Thread: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

  1. #1
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...



    À ơi, mù u…

    Không biết những hàng cây mù u soi bóng bên dòng sông quê tôi có tự bao giờ, có lẽ từ thuở người xưa đi mở đất đã gieo trồng rồi cây bám đất sinh sôi.

    Ông nội tôi kể thời ông mới đến cù lao này, ngọn mù u đã cao xấp xỉ mái đình.Thân cây tròn thẳng, có thể cao trên chục mét ; lá mọc đối, thon dài, phía gần cuống hơi thắt lại.Hằng năm cứ vào đầu tháng hai, lẩn trong vòm lá xanh rộng là những chùm hoa trắng tinh nở rộ. Hoa mù u lớn, thơm dịu và có nhiều cánh như hoa mai. Lúc ấy, lúa cũng vừa vàng đồng, thế là hương hoa, hương lúa cùng hòa quyện theo làn gío xuân lan toả khắp nơi nơi…Rồi khoảng giữa tháng mười, quả mù u bắt đầu ửng chín. Quả căng tròn cỡ quả nhãn. Lúc này vỏ của chúng không xanh mà dần ngã sang màu vàng nhạt, và mỗi khi gió giật quả lặng lẽ xa cành …

    Gặp những năm cơ khổ, ông nội tôi cùng những người dân trôi nổi, tìm nhặt qủa mù u đem về giã nhuyễn, xe tròn quanh mảnh tre khô thắp sáng thay đèn. Lợi ích khác là gỗ mù u còn dùng để đóng ghe, làm cột nhà; chất dầu trong quả nếu nấu cô đặc lại sẽ là thứ dùng thay xà phòng hay làm thuốc trị ghẻ lở, hấp khớp ở những nơi xa thầy, xa chợ…

    Nghe ông kể vậy nhưng mãi về sau, khi lần đầu về thăm quê nội, tôi mới có dịp ngắm kĩ càng cây mù u và còn nhặt trái nhờ nội làm đèn. Đêm ấy bên ánh đuốc chập chờn, bốc khói cay xè…Tôi không hiểu ông bà và cha tôi nghĩ gì, nhớ gì hay là do chất cay nồng ấy mà khóe mắt ai nấy đều đọng lệ…

    Nhẩm tính mới đấy đã hơn mươi năm sống xa quê. Ngày cha tôi dìu dắt vợ con lên thành phố tìm việc , tôi hãy còn khóc nhè trên tay mẹ. Kỉ niệm tuổi thơ của tôi gắn chặt với phố phường . Lẫn trong những mơ ước, buồn vui là lắm thứ ồn ào, là mùi hôi hám của cống rãnh, rác rưởi…Hình ảnh nơi chôn nhau có dòng nước mát lành, ruộng vườn xanh ngát với những con người thật thà, cần mẫn lắm lúc chỉ là nỗi nhớ mong lung …


    Mấy hôm rày không hiểu sao chị tôi theo chồng chẳng được bao lâu, lại bế con rời bỏ chốn sang giàu ấy, trở về cùng buồn vui dưới mái gia đình . Những lúc vỗ về cho con ngủ, chị hát : “ Con nước lên sông sâu à ơi… mù u chưa chín. Con nước lên sông sâu à ơi …mù u đã rơi !…” mà tôi nghe ngỡ chừng như là tiếng thở than của một bước lỡ lầm …


    Bùi Thụy Đào Nguyên


    Last edited by thuydaonguyen; 07-30-2007 at 02:48 PM. Reason: them hinh

  2. #2
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...



    Nhớ xóm Quýt , quê xa…



    “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới cũng vừa soi ấm vô vàn chùm quýt loà xòa, đung đưa…Đến giữa tháng, quýt chín đỏ vườn …”
    Đoạn văn trên tôi tả cảnh quê mình khi còn ngồi học lớp 5, mãi đến hôm nay vẫn còn in trong trí…


    Quê nội, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, vỏn vẹn hơn 20 hộ, nằm rải rác hai bên bờ một nhánh sông nhỏ thuộc dòng nước Hậu giang hiền hoà.Chốn ấy từ bao đời có tiếng vì giống quýt hồng thơm ngọt.Nhờ lẽ đó miền đất được người dân quen gọi bằng cái tên mộc mạc: xóm Quýt, dù đất đã có một tên khác khá thơ mộng: Yên Hạ .

    Năm ấy cha tôi làm ăn thua lỗ, cha như người dại; còn mẹ tôi ngồi đâu dáng cũng thẫn thờ.Cuối mùa nước nổi cha phải bán nhà để trả nợ. Ông nội lụm cụm theo chú Tám từ dưới Cần thơ lên bàn bạc, dẫn dắt gia đình tôi về lại quê hương. Với số tiền ít ỏi còn lại , cha chỉ đủ mua hơn 2 công vườn quýt, cả nhà tôi đành ở tạm trong kho chứa củi của ông .

    Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đó.Trời vừa bửng mắt, chú Tư đầu xóm cùng đứa cháu hè hụi vác đến mấy cây tre to, dài sọc . Chưa kịp lau mồ hôi, chú gọi vọng:“Sáu ơi, tao đem cho mấy cây tre đây…”.Cảm động xiết bao khi thím Bảy ở tận Bà Vèn bơi xuồng đem lại hơn 200 lá chằm dùng để che lợp. Còn chị Phương cũng vồn vã qua làm quen tôi bằng mấy bó dây buộc chẻ từ cọng lạt vừng …

    Vậy đó, người góp công, người giúp của.Và ngày cha mẹ tôi dựng nhà, chòm xóm thân sơ đến dùm gíup thật đông.Không chỉ có vậy, nghe theo lời chú út Võ Tòng :“ Làm nghĩa phải cho trót…”, liên tiếp nhiều ngày sau , bà con tạm gác việc nhà đến làm cỏ, be bờ; tận tình chỉ vẽ cách bón phân , chiết nhánh …Sau này, gia đình tôi còn chịu ơn nhiều tấm lòng đáng qúi khác như thím Tư chia sẻ cặp heo giống, chị hai Liên dạy cho chị tôi nghề dệt chiếu bông …

    Tôi cũng không quên được đêm giao thừa năm ấy.Tiết trời lành lạnh, nhà nhà đỏ lửa, mùi bánh tét, bánh phồng tỏa ngát xóm thôn. Nhờ tiền bán Quýt, sau khi trang trải một phần nợ, mẹ tằn tiện lo được nồi thịt kho rệu , sắm cho chị em tôi mỗi người một bộ áo quần.Chú Chín, bạn thân thiết của cha, sai con mang đến biếu một rổ bánh ít còn bốc khói.Bác Giáo cũng đem qua chè xôi, hai lít rượu nếp cẩm thơm để cúng ông bà. Còn đám trẻ mặt mày ai nấy đều hớn hở, xênh xang với áo màu, dép mới rủ tôi lên đình xem hội… Đã lâu, tôi vẫn như còn thấy sắc mai vàng, quýt đỏ khoe tươi; đôi má chị ửng hồng, mắt cha mẹ ánh trong và dòng sông nhỏ chảy thầm thì kia cũng ấm…

    Lại có những đêm sân nhà ngập ánh trăng, hương hoa quýt thơm lừng. Các người thân hiểu gia đình tôi vừa gặp chuyện không may nên thường rủ nhau đến ngồi trước sân, đàn ca rôm rả.Già trẻ, gái trai trong xóm cũng xúm xít góp vui.Lẫn tiếng đàn cò, kìm, sáo, nhị là giọng ca mộc mạc, vụng về …vậy mà vẫn có sức quyến rũ lạ …

    Và cũng thật xốn xang, khác với bạn bè trên phố phường , các bạn nơi xóm Quýt như Tí Cộc, 14 tuổi, chưa học xong lớp 4; Nghĩa Đen còn ễnh bụng tuyên bố:“ Làm cỏ mướn có tiền, đi học chẳng có xu nào!’. Đổi lại, các bạn ấy nói vanh vách từng loại chim : thằng chài, chích choè, thầy bói…; tháng nào mù u trổ bông , cá lên đồng , xiết nước lúc nào cho quýt chín kịp tết .

    Ngày trước làm văn, tôi hay ca ngợi thú vui nơi thôn dã, như trẻ thơ được mặc sức đùa giỡn, lặn hụp trên sông; được thi nhau vớt trái mù u để lấy dầu thắp sáng hoặc nhồi đất sét nặn voi, nắn ngựa…Sống lâu miệt đồng , tôi mới hiểu mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Sau giờ học các bạn ấy còn phải đi giăng câu, vớt bèo nuôi vịt hoặc làm cỏ, tưới cây …nghĩa là phải lem lấm, phải đổ mồ hôi để có thêm cái ăn, cái mặc, gánh vác tiếp mẹ cha mà phần lớn đều đông con, nghèo và ít hiểu biết …

    …Sống nơi quê nội vui buồn như thế mấy năm , cậu Tám sắm được xe, mời cha tôi lên phụ giúp . Gia đình lại dắt díu nhau đi. Đêm trước khi xa quê, tôi lặng lẽ khóc, tuy lòng hé vui vì biết mẹ cha và chị sẽ vơi bớt nỗi nhọc nhằn . Nhưng không bùi ngùi sao được khi tôi phải xa ông bà nội, mặc dù tuổi cao vẫn hết lòng lo lắng, yêu thương con cháu; xa bà con xóm Quýt nghèo tiền nhưng giàu chữ nghĩa nhơn . Nhất là phải xa đám bạn bè hôi như cú mà thật thà như đất, xa vuông vườn tuổi thơ bé nhỏ đã cho gia đình tôi không biết bao nhiêu là hoa trái ngọt lành …

    ***
    Tết này tôi có về xóm Quýt, quê xa . Thăm lại ông bà cùng bao người ơn đã giang tay đùm bọc gia đình tôi suốt một thời khốn khó . Tuy trên gương mặt, nếp nhăn có nhiều theo năm tháng ; nhưng qua ánh mắt tôi hiểu tấm lòng bà con vẫn đôn hậu như xưa.

    Tôi chỉ buồn, khi nhịp sống nơi thành thị ngày một sôi nổi đi lên; những cảnh đời chốn vùng sâu chưa đổi thay mấy.Vẫn nhiều những tol, lá … nóng bức, ẩm thấp với mớ đồ đạc cũ kỹ.Vẫn là thứ ánh sáng qua nhiều trung gian , le lói buồn thiu…

    Tôi nghe đâu mấy năm trước quýt được mùa, được giá ; nhiều hộ đã sắm được xe gắn máy , tivi…Mấy năm gần đây chén cơm của họ khá bấp bênh do giá thuốc sâu, phân bón vùn vụt tăng cao, nguồn nước tưới bị ô nhiễm và sâu “vẽ bùa” kháng thuốc nên chồi lá cứ vàng úa , quăn queo, hoa trổ rồi lại rụng, lũ kiến vàng lũ lượt bỏ đi . Đến khi vào mùa vụ thì quýt hồng không sao cạnh tranh nổi với lê,\táo nhập nên giá cả rẻ như bèo, như cho…

    Tôi cũng dành nhiều thì giờ đi thăm hỏi bạn bè . Gặp lại nhau, ai nấy đều nửa mừng nửa tủi. Sáu Đèo, Khách, Bích; con nhà kha khá còn được học . Số đông bạn đành chịu dở dang về lam lũ với ruộng vườn . Thương Tí Cộc , Tâm Hô theo cha chú làm phụ hồ tận Sông Bé, ngày tết vẫn không về được .

    Đêm đó , tôi ngồi bên nội cùng canh lửa cho nồi bánh nếp lá dừa, nghe bà kể chuyện người, chuyện đất … Về giống quýt hồng nhờ ai mà có, về bao nổi gian lao của cha ông thuở mở đất, khai nguồn . Bà cũng phiền trách mấy đứa con của thím Sáu không chịu làm gì chỉ ham mê rượu chè, đàn đúm, ngày đêm cứ tơ tưởng số tiền đất sẽ được bồi hoàn .

    Tôi nghe mà lòng chạnh xót xa . Chợt nhớ lại ánh trăng đêm nào cùng lời ca cũ :“ Đất như người mẹ hiền tần tảo, vắt kiệt sức mình nuôi lớn các con …” Và cũng đêm đó tôi mơ thấy những đoàn tàu chở đầy quýt đỏ, những áo màu dự lễ hội kỳ yên, nghe lại giọng hát hò trên cánh đồng lúa mới và tiếng chị tôi reo vui khi đàn kiến trở về ….

    Lẽ ra, tôi không nên viết thêm những câu buồn bã vào cuối mẩu chuyện này. Không hiểu sao có những chiều như hôm nay, lẫn trong những kỉ niệm êm đềm nơi xóm Quýt, hình bóng chị Phương thân thiết lại cứ hiện về.Nhớ mà đau, cha chị mất sớm; rồi vì mẹ vì em, chị bằng lòng lấy chồng người Đài loan cao tuổi và nghe đâu phải lâm cảnh đắng cay, mặn nhạt ở xứ người… Những ngày nơi xóm Quýt xưa kia, chiều nào chị cũng sang nhà rủ tôi đi quét lá quýt khô để dành nhóm bếp. Có lẽ chiều nay chị âm thầm ngồi đâu đó một mình , nhớ mẹ nhớ quê, nhớ cả khói lên trời …


    Bùi Thuỵ Đào Nguyên


  3. #3
    Nhím Xí Xọn Chiêu-An's Avatar
    Join Date
    Nov 2005
    Posts
    147

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    TDN, những bài này là của TDN viết đó huh??? văn đơn giản mà hay lắm, xin cho Chiêu An làm quen nha

  4. #4
    hìn nhứt Động Nhím Hien Kho's Avatar
    Join Date
    May 2007
    Location
    nhà em dzí ngừi iu
    Posts
    1,373

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Quote Originally Posted by Chiêu-An View Post
    TDN, những bài này là của TDN viết đó huh??? văn đơn giản mà hay lắm, xin cho Chiêu An làm quen nha
    văn rất hay , không có đơn giản





    Em nì hìn lém chị anh ui Khô nên hổng thích í chọc thui Ai mùh luạn wuạn em dzập mỏ Còn hìn dzễ chịu thì em dzui .... hi hi ... chơi dzí em nha

  5. #5
    Moderator phu ong's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,945

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Nè cho PO một vé nữa ha.....
    Hay lắm.......như là một Văn sĩ chuyên nghiệp có khác?!
    Lời văn và cách dùng từ mạng đậm nét dân gian đáng quý...PO sẳn sàng ký
    hợp đồng mua Tác quyền tác phẩm của Đào Nguyên đó?

  6. #6
    Nhím Xí Xọn Chiêu-An's Avatar
    Join Date
    Nov 2005
    Posts
    147

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    hey, 2 ông này sao theo đuôi tui dzị ta??? Hổm rày khong khen, giờ tui khen thì 2 ông mới nhào vô vuốt đuôi hộ! Kỳ nghen....

    tui nói văn đơn giản bởi không có từ ngữ màu mè, không có kiểu tắc kè hoa lá cành. Từ ngữ mang đậm nét dân dã miệt vườn (chớ không phải dân gian). Đọc wa lời văn thì dù TDN không nói ở khu nào thì mình vẫn đoán ra khu nam bộ.

  7. #7
    hìn nhứt Động Nhím Hien Kho's Avatar
    Join Date
    May 2007
    Location
    nhà em dzí ngừi iu
    Posts
    1,373

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Quote Originally Posted by Chiêu-An View Post
    hey, 2 ông này sao theo đuôi tui dzị ta??? Hổm rày khong khen, giờ tui khen thì 2 ông mới nhào vô vuốt đuôi hộ! Kỳ nghen....

    tui nói văn đơn giản bởi không có từ ngữ màu mè, không có kiểu tắc kè hoa lá cành. Từ ngữ mang đậm nét dân dã miệt vườn (chớ không phải dân gian). Đọc wa lời văn thì dù TDN không nói ở khu nào thì mình vẫn đoán ra khu nam bộ.
    hihi.. tui theo đầu , chứ hong có theo đui à nha ( tui said thanx hôm 7/30 đoá )
    dzị , dzờ văn của CA có... tắc kè hoa lá cành... đoá , thì seo đây

    mờ CA cũng nam bộ phải hong




    Em nì hìn lém chị anh ui Khô nên hổng thích í chọc thui Ai mùh luạn wuạn em dzập mỏ Còn hìn dzễ chịu thì em dzui .... hi hi ... chơi dzí em nha

  8. #8
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...


    BÔNG SÚNG TRẮNG


    Thật đáng buồn vì một số người sớm ngã qụy trước những cám dỗ. Ở đấy, tôi thật sự cảm phục trước bao tấm lòng biết sống đẹp như một loài hoa…

    Chiếc xe đò cũ kỹ, chật kín người, thở hồng hộc đưa chúng tôi đến chợ Tri Tôn, trời đã xế chiều.Cuộc chiến vừa lụi tàn nên đó đây hãy còn nguyên dấu tích đạn bom . Từ phía trái cạnh chiếc cầu sắt gỉ, chúng tôi phải sang xe ngồi thêm mươi cây số nữa , mới đến được nơi cần đến…

    Thuở ấy lối về Hòn Me, Hòn Đất (Kiên Giang ) là một con lộ trải dất đỏ lem lấm, nhỏ hẹp . Nó gập ghềnh men theo những triền đá lởm chởm, có đoạn nó uốn lượn bên một dòng kênh nhuốm phèn đỏ quạch mà ven bờ là những bụi dừa nước, ô rô, bình bát…chen chúc de ra như muốn chắn đường .

    Bấy giờ nhà việc ban ấp Hòn chỉ là một túp lều bằng tre lá, nép bên ngôi chùa Khơme cổ. Ở đấy có những hàng cây thốt nốt nâu xù xì mang chòm lá vươn cao, trông giống như tóc người ốm lâu xõa xượi. Ra đón chúng tôi là một người đàn ông tròn trèm 50 tuổi, dáng dong dỏng cao, mặc bộ bà đen sờn bạc.Trên gương mặt xạm khô vì nắng gió của ông hằn vài vết sẹo đã chai và cánh tay trái bị cụt gần đến khủyu.Chính dáng dấp ấy khiến lòng tôi phấp phỏng, bởi e ngại tánh ý giống như hình dạng bên ngoài .

    Đợi chiếc xe lam tuôn hết mớ đồ đạt lỉnh kỉnh , ông mới chậm rãi cho bọn tôi biết ông tên Sáu, trưởng tổ Đảng tạm kiêm nhiệm Trưởng ban ấp Hòn . Đang lúc mệt mỏi, tôi ngồi bệt xuống ghế tre rồi đảo mắt nhìn hết Hòn Đất lại Hòn Me.Vài chòm nhà dựng bằng cây tràm, lợp lá dừa nước… trống huơ, rệu rã; dăm ba thửa ruộng đầy lau cỏ khô cằn .

    Đêm đó một mình tôi trên vạt tràm vênh nghe tiếng ếch nhái kêu, lá khua mà lo lắng, thao thức . Phần vì lần đầu xa nhà nên tôi nhớ mẹ , nhớ em ; phần khác bởi cha tôi làm việc cho chế độ cũ , còn đang ở nơi học tập . Có lẽ chú Sáu đọc được ý nghĩ của tôi qua ánh mắt và bản khai lý lịch , nên chú thường đến trường, trò chuyện động viên : “Bà con, trẻ nhỏ ấp Hòn đói chữ lắm , trông thấy các thầy cô đến ai nấy đều mừng vui. Chú nói thật lòng, những người trẻ lại có học như cháu rất cần cho xã hội , cho cách mạng …Chú tin một khi đã mến người , mến cảnh, cháu sẽ không còn muốn rời bỏ chốn này đâu …”

    Vâng, tôi đã không rời bỏ chốn ấy ngót mười năm .Và tất cả những gì tôi có được từ chốn ấy, dù trải qua hơn hai mươi năm , mỗi lần nhớ lại vẫn không nguôi xúc cảm.

    Trong số đó, tôi nhớ thật nhiều cái không khí náo nức của ấp Hòn vào những ngày đầu độc lập . Với cánh tay còn lại, chú Sáu cùng bà con , đồng đội tất bật bất kể ngày đêm . Nào là cất trường học, lập trạm xá, đón dân hồi cư,tìm thóc giống, tháo gỡ bom min vv…mà xét kĩ việc nào cũng gấp, cũng cần có chú. Có lần chúng tôi nhắc chú giữ gìn sức khoẻ, chú hề hà nói : Nước nhà được giải phóng , vui lắm ! Mà lòng vui thì thân không thể bệnh . Ví có bệnh , nếu chưa theo ông bà ngay thì cũng cố làm một chút gì , kẻo phụ tình dân đã trông đợi nơi mình …”.

    Nghe chú Sáu nói vui mà sâu , chúng tôi chỉ còn biết ngó nhau cười theo, mà lòng cộm lên nỗi xốn xang.Bỗng dưng từng gốc cây, mỏm đá , con suối… xứ Hòn sao mà thân thương qúa đổi, chừng như bóng dáng các anh hùng, liệt sĩ vẫn còn lẩn khuất đó đây . Lặng ngắm những triền đồi trơ trụi bởi bom B52 cày xới, những cánh đồng quạnh quẽ chi chít hố bom; ngẫm lời chú nói càng thấm thía. Tôi tin đó không còn là lời nói mà chính là ngọn lửa ấm áp từ trái tim người Cộng sản đích thực, khi đứng trước những mất mát qúa lớn của quê hương, của đồng chí, đồng bào…

    Dù được chú xem như con cháu, nhưng quãng đời xa của chú không ai trong bọn tôi biết thật tỏ tường.Chắp nối lại lời kể của người này, người khác, chúng tôi đoán chừng cha mẹ chú ngày xưa nghèo lắm . Mới mười hai tuổi , chú phải rời nhà đi chăn bò, chăn vịt cho hội đồng Thu . Vừa lớn khôn chú đến với Cách mạng ,rồi được cấp trên phân công đi chăn ngỗng, làm vệ sinh …trên Tòa Bố tỉnh . Việc lớn lộ, chú bị khảo tra đến chết đi, sống lại; nhận lãnh án tù nơi Côn Đảo ngót 8 năm.Mãn hạn, chú lại tiếp tục cầm súng cùng bà con chống càn giữ đất . Trong một lần bị giặc vây bủa, để giải nguy cho đồng đội , chú bị miễng bom cắt mất một cánh tay …

    …Sau ngày giải phóng , chú cùng vợ con lam lũ, giản dị như bao người dân ở ấp Hòn . Một mái lá đơn sơ nằm chon von bên ghềnh đá , vài công ruộng trũng tỉa cấy lúa , cà…Nhớ cơn lụt lớn năm 78 , như nhiều nơi khác , khắp xứ Hòn cũng trắng nước. Ruộng vườn , ao cá, vuông tôm…mất sạch ! Ai nấy đều đói lay lắt.Trong cảnh thừa nước, thừa mưa gió ấy, chú Sáu xăn quần chống xuồng băng đồng hơn mười cây số đến huyện vay lúa cứu dân.Biết tôi có mang, ngoài phần bo bo chú còn chia thêm hơn nửa thúng giê gạo trắng ( sau tôi mới biết đó là phần ưu tiên của chú ) . Nghĩ đến nghĩa tình này, lần nào mắt tôi cũng cay !…

    Mùa hè năm ngoái tôi có về thăm lại ấp Hòn. Xóm nhỏ khô cằn buổi nào giờ là một xã trù phú của huyện . Dọc theo con lộ trải nhựa phẳng phiu là những đồng lúa vàng mơ, những vườn xoài xanh trĩu trái . Tôi đã dành nhiều thời giờ đi thăm bà con xưa, học trò cũ; đến thắp hương trước bia mộ của các liệt sĩ. Và tôi đã đứng rất lâu bên mộ phần của chú Sáu – chú mất vì vết thương cũ tái phát- thầm hứa sẽ thận trọng nghĩ suy để không phải nuối tiếc những khi phải đối mặt với chông gai, với cám dỗ của cuộc đời.

    Bất giác tôi nhớ lại ngày chú dẫn chúng tôi thăm căn cứ địa hang Hòn . Bên dưới hàng chữ đỏ còn in dấu trên vách đá ‘‘Vì lí tưởng Cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân …Tất cả hãy quên mình !’’, tôi ngờ rằng trong mắt chú có ánh trăng , khi chú say sưa nói về một miền xanh mênh mông rợp màu bông súng trắng …



    Lời chú của người ghi chuyện :





    Bài viết về một địa danh có thật , con người cùng sự việc có thật . Bởi ngay sau ngày giải phóng, mẹ tôi đã đến đấy dạy học.Trong ngót mười năm ở đó,người đã nhận được không ít tình cảm lẫn vật chất của bao tấm lòng , ngay cả khi bà con còn phải chạy ăn từng bữa … Tôi chỉ tiếc rằng nơi quê hương của những anh hùng, do khả năng viết hạn chế nên tôi chỉ miêu tả được một phần rất nhỏ những gì tốt đẹp nhất của TÌNH NGƯỜI

    Bùi Thụy Đào Nguyên
    Last edited by thuydaonguyen; 08-06-2007 at 01:55 PM.

  9. #9
    Moderator phu ong's Avatar
    Join Date
    Nov 2006
    Posts
    1,945

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Hay ! Như là lời kể rất mạch lạc.....Dường như cũng trục lộ nầy đi tiếp sẽ gặp Thị trấn Kiên Lương ( nơi có nhà máy xi- măng ) và đi tiếp là Hà Tiên?!

  10. #10
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Vâng, đúng như bạn viết.
    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài của mình
    Chào thân…

    Bùi Thụy Đào Nguyên

  11. #11
    I'll brb! Deathle's Avatar
    Join Date
    Jun 2007
    Location
    sumwhere that i belong to ... but ... looolz ...
    Posts
    1,443

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    oh Lord !!
    Động mình xuất hiện nhìu anh tài quá !!
    Văn viết hay lém !!! Đơn giản mà có thể giúp người đọc cảm nhận được cái hay trong đó !!
    Kat thik cái truyện đầu tiên !! Và ko hỉu sao đặc biệt thik đoạn cúi ! ^^

    Chắc hùi đó bạn học văn giỏi lém hén !! Kat thì .. dzốt tệ !

    姜大偉

    =[D]3at[H]=


    Vietnhim chỉ chấp nhận phim Asian( Viet Nam, Trung Quoc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan ... )
    KHÔNG chấp nhận phim UK, US, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ....






  12. #12
    Nhím Xí Xọn Chiêu-An's Avatar
    Join Date
    Nov 2005
    Posts
    147

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Quote Originally Posted by Hien Kho View Post
    dzị , dzờ văn của CA có... tắc kè hoa lá cành... đoá , thì seo đây

    mờ CA cũng nam bộ phải hong
    đọc văn CA viết chưa mà bảo tắc kè màu mè??? CA là dân xì gòn, không biết cây xoài với cây ổi nó khác nhau ra sao đâu! Trái của nó thì biết ăn thôi chớ hỏi trồng bao lâu có trái thì... mụ à!

  13. #13
    hìn nhứt Động Nhím Hien Kho's Avatar
    Join Date
    May 2007
    Location
    nhà em dzí ngừi iu
    Posts
    1,373

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Quote Originally Posted by Chiêu-An View Post
    đọc văn CA viết chưa mà bảo tắc kè màu mè??? CA là dân xì gòn, không biết cây xoài với cây ổi nó khác nhau ra sao đâu! Trái của nó thì biết ăn thôi chớ hỏi trồng bao lâu có trái thì... mụ à!
    hihi... thì CA viết có 2 ,3 câu , trong đó có chữ ... tắc kè hoa lá cành... nên Hk chọc CA , mà CA hong thấy
    thì tui cũng dân xègo`n nè , có thấy gì đâu , lâu lâu dìa cầntho* vài ngày , ăn hàng




    Em nì hìn lém chị anh ui Khô nên hổng thích í chọc thui Ai mùh luạn wuạn em dzập mỏ Còn hìn dzễ chịu thì em dzui .... hi hi ... chơi dzí em nha

  14. #14
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên, bài viết...

    Cảm đề Liêu trai

    Đọc truyện Liêu trai ngẫm chuyện đời
    Ai ma ? Ai quỷ ? Hỡi con người…?
    Ai mưu danh lợi bằng gian trá,
    Nhơn nghĩa vì đâu, dở khóc cười ?

    Hỏi bóng - buồn sao bóng nín lời
    Hỏi người - người khuất nẻo xa xôi
    Hỏi trăng- trăng nép miền lau lách,
    Như chẳng cùng ai xót đổi dời

    Sao chẳng cùng ai nơi quán lạnh
    Đêm nào hé cửa đếm mưa rơi
    Trót xây sự nghiệp, lầm oan nghiệp
    Trót để tình chia, bến lở bồi

    Ôi ! rượu lưng bầu, lạnh chẳng vơi
    Kể từ sao rụng xuống môi tươi
    Tàn đêm hoa hé màu trinh trắng ,
    Ngỡ áo người đi gửi đến người…

    Thôi, cố mà quên duyên ước cũ
    Hồn về cõi ấy có trăng soi
    Có hong tơ tóc ngày mưa lũ,
    Có dám kêu oan khắp cổng trời ?

    Có vớt phù dung tàn giữa mộng
    Có chờ đưa đón một thuyền côi
    Có mơ khi bóng rèm lay động,
    Có kể cùng ai chuyện của người ? …


    Bùi Thụy Đào Nguyên



  15. #15
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên,thơ & bài viết...

    Đến Trấn Ninh, Nhật Lệ
    Nhớ Đô đốc Bùi Thị Xuân…(phần II)




    Ảnh: Thành cổ Đồng Hới

    Và viết về bà (trích “Còn mãi đến bây giờ”. bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường) :

    Các gia đình họ Bùi hiện còn ở làng này đều là phái nhánh, còn phái chánh đã bị Gia Long giết sạch.

    Bà sanh ở ấp Xuân hòa, nay gọi là Phú Xuân. Lớn lên, bà đi học võ nghệ với một võ sư người việt ở Thuần Truyền. Lò võ đó nổi tiếng từ thời Lê đến nay. Môn sinh rất đông, cả nam lẫn nữ và bà làm trưởng môn. Ít lâu sau ngày Tây Sơn khởi nghĩa, bà dẫn cả đoàn võ sinh đến tòng quân, theo Nguyễn Huệ đánh Đông dẹp Bắc, sự nghiệp lừng lẫy. Ở bên Phú An nay còn một đám đất gọi là Trường Võ, đó là nơi bà mở trường dạy võ nghệ cho các nghĩa sĩ trong quân đội Tây Sơn

    Ngoài tài năng võ nghệ, cầm binh, huấn luyện voi rừng (nghe đâu dãy gò Dinh, sông Côn là bãi tập voi của bà) …bà còn giỏi cả việc khai hoang, làm thủy lợi như biến lòng một con suối khô, chỉ toàn là cát đá thành vùng đất màu mỡ “nhất đẳng điền” tên là ruộng Trại, rộng hơn hai chục héc-ta để lấy lúa nuôi quân…

    …Chúng tôi đi thêm một quãng đường làng, rẽ vào một xóm nhỏ gồm ba bốn túp nhà xúm xít trên một khu đất chật chội, dừng lại trước một căn nhà hoang vắng .

    …Đó là một căn nhà nhỏ, quá nhỏ đến không ngờ, nhà rường ba gian nhưng tất cả chỉ rộng độ 5 mét, nên 2 gian bên bị ép lại thành hai cái chái chật chội chỉ vừa đủ đặt một chiếc chõng đơn cho một người nằm…Đồ đạc không còn lại gì, ngoài một chiếc tủ gỗ mộc, phía dưới có những ngăn kéo, hình như xưa dùng để đựng quầm áo.Tất cả chỉ có thế, từ thế kỷ mười tám cho đến bây giờ !…

    III.Lời kết :

    Thật lòng nếu không đọc được bài bút ký của Hoàng Phủ vừa nêu trên, chắc tôi không có ý định tìm hiểu thêm về Bùi Thị Xuân và soạn lại đề tài đã được nhiều người luận bàn rồi. Nhưng chẳng hiều sao khi đọc trong sách sử đến đoạn Nguyễn Ánh dụ hàng vợ chồng Bùi Thị Xuân nhiều lần mà không được, khiến tôi nảy ra băn khoăn : Vua Nguyễn có “màu mè” không khi tánh vua vốn là người hay sợ, hay nghi kỵ người tài, nhất là vợ chồng bà đã từng là kẻ khác phía và đã bao lần khiến quan quân nhà Nguyễn phải điêu đứng ?

    Và ta nên hiểu chuyện Nguyễn Ánh dành cho gia đình họ những hình phạt quá thảm khốc như thế nào đây? Bởi lẽ nếu nhà vua sẵn tấm lòng khoan thứ; thật tâm mến mộ hiền tài, nhân cách ấy thì dù không chiêu hàng được, theo tôi, vua cũng sẽ lấy cái cớ “Trần Quang Diệu tha chết cho cả bọn tướng sĩ và còn sai người làm lễ liệm táng Võ Tánh & Ngô Tùng Châu tại thành Qui Nhơn vào năm 1801” để dòng tộc họ không bị giết sạch, gia đình họ được chết toàn thây hay chí ít ra cô con gái vô tội vừa vào độ tuổi xuân thì có được một con đường sống…

    Và “đó là một căn nhà nhỏ, quá nhỏ đến không ngờ…hai cái chái chật chội chỉ vừa đủ đặt một chiếc chõng đơn cho một người nằm…Đồ đạc không còn lại gì, ngoài một chiếc tủ gỗ mộc…”.Những câu văn giản dị này sao mà có sức gây nhói lòng người . Ngẫm chồng là Thái phó, vợ là Đô đốc, quyền lực nằm trong tay một thời gian dài, ấy vậy mà “nhà cửa, của cải đơn sơ đến không ngờ”, chẵng đáng cho những người hôm nay tìm đọc về bà rồi sống tốt hơn sao ?…


    IV.Tư liệu :

    Trấn Ninh, Ðâu Mâu, Nhật Lệ đều thuộc Quảng Bình. Ðó là ba căn cứ quân sự rất trọng yếu ở địa đầu trấn Thuận Hóa.

    -Trấn Ninh ở địa phận xã Phú Ninh, huyện Phong Lộc. Năm Nhâm Dần (1662) Theo lời tâu của Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tấn, Chúa Hiền vương cho đắp lũy Trấn Ninh và đắp lũy Sa Phụ để nương tựa nhau để chống ngăn giặc.Họ Trịnh đem quân vào đánh Thuận Hóa, đánh mấy tháng không qua khỏi hệ thống lũy này, phải rút quân trở về Bắc.

    -Phá Nhật Lệ ở đông bắc huyện Phong Lộc, cũng thuộc xã Phú Ninh. Chu vi ước 5 dặm. Phía đông có gò cát bao la, đồi cao xanh rậm, biển cả chạy quanh ở đông bắc, các núi triều cũng ở tây nam sông Nhật Lệ, tức sông Ðồng Hới, chạy ra Phá.

    -Núi Ðâu Mâu ở phía tây huyện Phong Lộc, tọa lạc xã Lệ Kỳ. Núi gò trùng điệp, cây cối sầm uất. Ðỉnh cao nhọn hình như mão đâu mâu, khí thế hùng vĩ. Chân núi gối sông Nhật Lệ, lũy do chúa Nguyễn đắp để ngăn quân Trịnh, chạy dài dưới chân núi…

    -Tư liệu cần xác minh, bổ sung thêm

    1/ Tương truyền Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân có chung một nguồn gốc. Thời chúa Nguyễn (1533- 1775), hai anh em Lê Kim Bảng và Lê Kim Bôi gốc người Nghệ An vào lập nghiệp ở vùng Phú Phong. Để tránh sự chú ý của chính quyền về gốc tích của mình, họ hẹn nhau khi sanh con, cải sang họ mẹ. Sau Lê Kim Bảng lấy con gái họ Bùi ở Phú Phong, sinh hạ Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Thu và Bùi Thị Nhị, không có con trai. Lê Kim Bôi làm rể nhà họ Võ ở Phú Mỹ (?) sinh được con trai, Võ Văn Dũng là con út . Vậy Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng là chị em thúc bá.

    Một thuyết khác cho rằng nữ tướng Bùi Thị Xuân là ái nữ của Bùi Đắc Chí và gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, quê quán ở ấp Xuân Hòa khách hộ, thôn An Hòa, thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bà được theo đòi nghiên bút, lại khéo tay nổi tiếng viết chữ đẹp và công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Tuy vậy, địa thế và phong thổ ảnh hưởng rất lớn đến con người, quê hương bà chỉ có phía tây liền với Phú Phong, còn phía đông lấy suối làm ranh giới, nam giáp núi, bắc giáp sông; bà được hun đúc bởi đất hiểm nên không theo nếp nữ nhi thường tình mà thích võ hơn văn…

    (Theo tài liệu trong Dactrung.net)

    2/Vua Quang Toản(1713-1802) bị bắt:


    Ngày 18, Nguyễn Ánh tiến ra Thăng Long, vua Quang Toản chạy lên phía Bắc, qua Xương Giang (thuộc tỉnh Bắc Giang) ban đêm vào chùa Thọ Xương xin ngủ trọ, bị thôn dân vây bắt, quân lính tùy tùng đều tan rã cả.Em là Nguyễn Quang Thùy và vợ chồng đô đốc Tú treo cổ tự tử.

    ***

    Cụ Nguyễn Đức Đài, ở thôn Long Trì, xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, năm nay đã ngoài 90 tuổi kể:
    …Khi các cụ nhà tôi bắt được, cất giấu vua ngoài chuông Rậm, chuông Rí( hồ nước đầy cỏ năn cỏ lác giữa đồng) Họ dể ngài nằm chìm mình dưới nước, chỉ thò mũi lên để thở, trên mặt nước có ngụy trang bằng một chiếc lá sen. Rồi họ nấu cơm mang ra mời, vua bảo: trẫm không ăn đâu, trẫm hết lộc rồi, chẳng sống làm gì nữa…

    Anh Nguyễn Đức Đoan, con cụ Đài, tuổi đã gần 50, dựa vào gia phả viết bằng chữ Hán đã có từ 300 trước, kể tiếp:

    …Không ngờ có kẻ chỉ điểm cho quân lính, voi ngựa kéo về lùng sục bắt bớ, nhiều người dân tham vàng bỏ ngãi đã bắt nhà vua, đóng gông, bỏ vào cũi sơn son đem nộp cho quan quân lĩnh thưởng. Hai cụ nhà tôi dò la mới biết vợ chồng tên phường chèo làm chỉ điểm. Họ bèn đem anh chồng ra giết, riêng con vợ của nó quá xinh nên một ông gạ ép làm vợ; không ngờ chị ta cũng là người tiết nghĩa nên bế con, lao đầu xuống mộ chồng tự vẫn…

    Người trong dòng tộc đời sau kể vậy, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phong, dẫn trong sách Nhìn ngược từ nóc nhà Đông Dương của Đỗ Doãn Hoàng, tr 349 ghi:

    Chúng tôi đã nghiên cứu từ lâu, dòng họ Nguyễn Đức có 18 đời Quận công, có 2 người Quận công sau cùng được phong nhờ vào thành tích “bắt vua” mà có…

    ***
    Vài tháng sau, Gia Long về Phú Xuân, sửa lễ cáo miếu dâng tù. Quang Toản lúc bấy giờ mới 19 tuổi, cùng những người con khác của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều bị Gia Long sai dùng cực hình 5 voi xé xác.
    Còn Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc cũng bị trả thù rất dã man:
    Mồ mả bị khai quật, hài cốt bị giã nát vứt đi; đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Nguyễn Huệ đều bị giam ở nhà Đồ Ngoại, sau lại đưa vào cấm cố vĩnh viễn trong ngục thất
    Triều Tây Sơn từ đây chấm dứt.

    Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn




    Ảnh :Quảng Bình Quan

  16. #16
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Re: Bùi Thụy Đào Nguyên,thơ & bài viết...

    Đến Trấn Ninh, Nhật Lệ
    Nhớ Đô đốc Bùi Thị Xuân



    1.Điểm vài tư liệu trên các web du lịch nói về Quảng Bình:

    Quảng Bình là một tỉnh thuộc miền Trung, phía bắc giáp Hà Tĩnh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp Lào, phía nam giáp Quảng Trị.

    Nằm ở cửa ngõ đường vô xứ Huế, gối đầu lên đỉnh đèo Ngang thơ mộng, dải đất Quảng Bình trải ra như một bức tranh hoành tráng về non xanh nước biếc. Phong cảnh ở đây thật kỳ vĩ, sơn thuỷ hữu tình…

    Quảng Bình có bốn khu danh thắng nổi tiếng là: Đèo Ngang, Lý Hòa, cửa biển Nhật Lệ và Phong Nha.

    Bờ biển có một số bãi tắm và điểm nghỉ ngơi giải trí kỳ thú như Cửa Nhật Lệ, cảng Giang, vịnh Hòn La, bãi tắm Đá Nhảy…

    Đặc biệt Quảng Bình có vùng Karst trẻ Phong Nha - Kẻ Bàng – Him Nậm Nô rộng lớn (khoảng 200 nghìn ha) và là điển hình không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Vùng Karst này có trên 300 hang động lớn nhỏ, được mệnh danh là “vương quốc hang động”, đang tiềm ẩn trong nó nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn các nhà thám hiểm, các nhà khoa học và du khách.

    Khu động Phong Nha còn có cả một hệ di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học tiền sử, di tích văn hoá Chàm, di tích các trọng điểm trong cuộc chiến giành lại độc lập. Hệ thống động Phong Nha được đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với bốn điểm nhất (dòng sông ngầm dài và sâu nhất – 13.969 m, cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất). Vào tháng 7/2003, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

    Quảng Bình có 140 di tích đã được kiểm kê, đánh giá, trong số đó nổi bật nhất là quần thể di tích và danh thắng thị xã Đồng Hới gồm lũy Đào Duy Từ và Quảng Bình Quan; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng làng Ho (tuyến đường mòn lịch sử Hồ Chí Minh), di tích Bàu Tró (nơi ở của người nguyên thuỷ thời kỳ đồ đá cách đây 5.000 năm)

    Ngoài ra còn có những di tích &danh thắng như: chùa Hoằng Phúc, Thành Đồng Hới; mộ Nguyễn Hữu Cảnh; Suối nước khoáng Bang; Làng biển Cảnh Dương,xã Bảo Ninh - quê hương mẹ Suốt anh hùng vv…

    Và nhiều lễ hội như: Lễ hội Cầu Ngư; Hò khoan Lệ Thuỷ; Hội trải Quảng Bình…

    2.Bùi Thị Xuân- nỗi ngậm ngùi bên cửa Nhật Lệ:

    -“Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ(1) không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà…”

    Triều vua Quang Trung có vài nữ tướng, trong số đó nổi bật hơn cả là Đô đốc Bùi Thị Xuân.

    I.Tiểu sử: Bùi Thị Xuân (?- 1802) Quê ở làng Phú Xuân, xã Bình Phú huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.Chưa rõ tên cha mẹ, chỉ biết bà là cháu thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bà là người phụ nữ xinh đẹp, nhờ sớm học võ với đô thống Ngô Mạnh nên bà rất giỏi võ nghệ, nhất là môn song kiếm. Chuyện kể rằng, trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa Trần Quang Diệu (2) đã đánh nhau với một con hổ lớn, hung dữ. Nhân đi qua đấy, bà Xuân đã rút kiếm xông vào cứu trợ. Quang Diệu bị hổ vồ trọng thương nên phải theo bà về nhà chữa trị.

    Sau hai người thành gia thất rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.Nhờ vào tài nghệ về chiến thuật, binh bị cộng với lòng dũng cảm; vợ chồng bà nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ dậu 1789 và so tranh quyết liệt với quân Nguyễn Ánh hơn 10 năm …

    Người ta còn kể, khi đến với Nguyễn Huệ, người con gái trẻ đẹp làng Xuân Hòa này không chỉ tòng quân một mình mà còn dẫn theo một đội nữ binh do mình đào tạo và một đoàn voi rừng đã được bà rèn luyện thuần thục.Trước khi gia nhập quân Tây Sơn, bà đã tự phong là “Tây Sơn nữ tướng”. Sau này bà được hội kiến với Nguyễn Huệ, Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó; và vương còn ban tặng thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng”.

    Giữa lúc Tây Sơn đang rất thành công với các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao và phát triển kinh tế thì đột ngột vào ngày 29/7/1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, để lại nhiều thương tiếc.

    Cũng từ đây triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh ( Quang Toản) còn nhỏ, bất tài nên đã không giữ được việc triều chính, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu số đó là cậu họ Thái sư Bùi Đắc Tuyên, làm cho các đại thần kết bè phái, quay sang giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi, khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...Và đây thật sự là một cơ hội vàng cho đối phương.

    Vì vậy, tức thì Nguyễn Ánh xua quân chiếm lại Quy Nhơn vào năm 1799. Bùi Thị Xuân cùng chồng một mặt tham gia củng cố triều chính, một mặt chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân Nguyễn.Tuy nhiên trước sức tấn công mạnh mẽ của Nguyễn vương, các thành luỹ của Tây Sơn nhanh chóng bị mất. Bà Xuân cùng chồng con bị quân Nguyễn bắt được ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An .

    Khi nghe bà bị bắt, Nguyễn Ánh sai người đem đến trước mặt hỏi giọng đắc chí: Ta và Nguyễn Huệ ai hơn? Bà trả lời: Chúa công ta; tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với Chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng. Ánh gằn giọng: Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?

    Bà đáp: Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà…

    Ngày 6 tháng 11 năm Nhâm tuất (20-11-1802), vua tôi nhà Tây Sơn trong đó có Bùi Thị Xuân cùng chồng con bị đưa ra pháp trường tại Phú Xuân.Chồng bà bị xử tội lột da, còn bà cùng con gái độc nhất 15 tuổi tên Trần Bích Xuân bị xử voi dày (bãi chém An Hoà, ngoại ô Huế,ở đó khoảng 200 tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đã hiên ngang ra pháp trường )

    Theo tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De La Bissachère viết năm 1807- người có dịp chứng kiến - đã miêu tả buổi hành hình được tóm lược như sau:

    “Đứa con gái trẻ của bà ( Bùi Thị Xuân) bị lột hết y phục. Một thớt voi từ từ tiến đến .Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy.Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách : Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta !…

    Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo,đâm cây nhọn sau đít con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời…Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo”…(3&4).




    II.Những tư liệu liên quan :


    (1)Trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng:

    Tóm tắt theo Sử sách, bà Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ, từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi.Lúc bấy giờ Nguyễn vương cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân.Nào ngờ vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh.Ngay lúc đó bà cũng nhận được tin Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh của Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình) cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng .

    Trước tình thế đang thắng thành bại này đội quân của bà bỏ cả vũ khí, đạn dược để chạy tháo thân…
    Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà để hòng cứu vãn tình thế.Nhưng ngờ đâu nhà Tây sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa…

    *Trích thêm tư liệu cùng đề tài trong web vn thu quan :

    Bùi Thị Xuân đánh lũy Trấn Ninh, từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp.

    Trong bài Bùi phu nhân ca của cụ Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì có đoạn rằng:

    Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
    Xuân phong xuy huyết nhiễm chinh bào
    Hoàng hôn thành dốc bi già động
    Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
    Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
    Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc
    Thùy ngôn cân quắc bất như nhân ?
    Dĩ cổ phương kim tam đinh túc

    Nghĩa là:
    Khí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi dao bén thoát ra.
    Gió xuân thổi máu bay thẩm đẩm tấm chinh bào
    Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
    Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung
    Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
    Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà
    Ai bảo khăn yếm không bằng người ?
    Từ xưa đến nay vững vàng thế ba chân v
    ạc

    Ðây là tác giả tả BTX lúc đánh Ðâu Mâu (Quảng Bình).Thành lũy sắp bị hạ được thì có tin thủy quân Nhật Lệ bị quân nhà Nguyễn đánh tan. Nguyễn Quang Toản hoảng hốt ra lệnh lui binh. Không sao cản được, Bùi nữ tướng đành phải mở đường máu để lui binh…

    (2)Trần Quang Diệu ( 1746–1802) .


    Danh tướng dưới triều Tây Sơn, người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ) (sau đời Trần Quang Diệu, họ Trần dời ra làng Tú Sơn, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức)
    Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng quê quán của ông ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định…

    Ông tham gia phong trào Tây Sơn từ đầu .Năm 1789,ông được Nguyễn Huệ cử làm Đốc trấn Nghệ An, xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô. Những năm 1790 - 91,ông chỉ huy các cuộc đánh dẹp lực lượng chống đối do Lê Duy Chỉ cầm đầu. Năm 1792, Quang Trung mất, ông giữ chức Thái phó, là một trong "Tứ trụ triều đình để giúp vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Tuy vua mới hay nghe lời gièm pha nhưng vợ chồng ông vẫn tận tình giúp nhà Tây Sơn.Có thể nói thời bấy giờ, ông là chủ tướng quan trọng nhất trong việc đánh dẹp thế lực Nguyễn Ánh.

    Năm 1800–1801, ông vây kinh thành Quy Nhơn cũ của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) vừa mới bị quân Nguyễn Ánh đánh chiếm. Trận vây thành rồi bị cầm chân kéo dài gần một năm ở đây, tạo thời cơ tốt cho Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân rồi bắt sống Quang Toản.( tướng thủ thành của nhà Nguyễn là Võ Tánh tự vẫn chứ không giao thành ) Lực lượng của Nguyễn Ánh sau đó phản công ngày càng ác liệt .Cuối cùng Quang Diệu và vợ con đều bị bắt sống và bị giết

    Những bậc cao niên nhất trong tộc đã kể rõ rằng, sau khi ông chịu án: bị xử lột da sống, có hai người hầu thân cận đã lén đánh cắp được chỉ một mảnh áo nhỏ dính máu của ông để mang về táng trong “mộ gió”… ( chỉ nghĩ đến thôi, tôi thật sự rùng mình vì phương pháp giết người này.)

    (3)Theo Thiên Nam nhân vật chí, bà bị xử lăng trì, thi hài bị thiêu rụi.

    (4)Người đời sau có́ thơ vịnh bà:

    Vận nước đang xoay chuyển
    Quần thoa cũng vẫy vùng
    Liều thân lo cứu chúa
    Công trận quyết thay chồng.
    Khảng khái khi lâm nạn!
    Kiên trinh lúc khốn cùng
    Ngàn thu gương nữ liệt
    Gương sáng hãy soi chung[/SIZE
    ]


    Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn

    Ảnh trên: Cửa bể Nhật Lệ
    Ảnh dưới: Toàn cảnh Phong Nha-Kẻ Bàng


  17. #17
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Phan Xích Long

    Phan Xích Long (1893 - 1916), tên thật là Phan Phát Sanh tự Lạc, là người đã tự xưng là Đông cung (con vua Hàm Nghi), tự phong là hoàng đế và đã được tôn làm lãnh tụ một phong trào kháng Pháp mang màu sắc tôn giáo tại Nam Bộ, Việt Nam.

    I.Thân thế:
    Phan Phát Sanh là con trai của Phan Núi, một viên chức cảnh sát ở Chợ Lớn.

    Thời nhỏ, Phan Phát Sanh lười học, làm bồi (Bồi: phiên âm của ''boy'', chỉ người sai việc ở nhà, ở khách sạn hoặc ở tiệm ăn (theo Thanh Nghị, ''Việt Nam tân từ điển'', TP HCM, 1991) cho Pháp. Sau rời quê nhà để đi rong chơi, đến Tân Châu rồi Bảy Núi (Thất Sơn) tìm học bùa phép, cách chế tạo những quả bom cỡ nhỏ.

    Lúc bấy giờ, ở làng Đa Phước (tỉnh Chợ Lớn) có Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp đang nuôi lòng đánh Pháp. Tháng 7 năm 1911, lúc đi Tân Châu mua bắp về bán, họ tình cờ gặp Phan Phát Sanh, được Sanh chỉ dạy đạo giáo và phương thức tập hợp quần chúng. Về Chợ Lớn, Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp chọn một ông lão tên Kế, tuyên truyền đó là Phật sống. Nhận được tin, chủ tỉnh Chợ Lớn đến bắt ông Kế rồi không hiểu vì sao ông này lại được trả tự do, khiến uy tín cả nhóm tăng thêm.

    Chuyện đang thuận lợi thì ông Kế chết, Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp bèn trở lại Tân Châu tìm Phan Phát Sanh tôn làm lãnh tụ. Kể từ đấy Phan Phát Sanh tự xưng là Phan Xích Long, con vua Hàm Nghi và cũng tự phong là hoàng đế.

    Buổi đầu, Phan Xích Long đặt cơ sở đầu tiên ở Cần Vọt (Cao Miên). Ở đó, nhờ tiền quyên góp, ông cho cất một ngôi chùa để làm nơi tụ họp, lập đảng kín, chế tạo lựu đạn, trái phá, in truyền đơn kêu gọi nhân dân chống Pháp... Sau này, ông lập căn cứ ở vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc, tỉnh An Giang).

    II.Khởi sự thất bại:
    Sau vụ rải truyền đơn và đặt bom do nhóm Phan Xích Long tổ chức vào rạng sáng ngày 24 tháng 3 năm 1913 thất bại, vì bom không nổ và vì kế hoạch đã bị lộ (Phan Xích Long đã bị bắt 2 ngày trước đó tại Phan Thiết), nên đồng đảng cả thảy 111 người đều bị bắt giam.

    Tòa Áo đỏ của Nam Kỳ đã đưa ông ra xét xử từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 11 năm 1913, tha bổng 57 người, nặng hơn hết là án chung thân khổ sai 6 người: Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp; riêng Nguyễn Màng, Nguyễn Ngọ, Trương Phước, trốn thoát được nên bị án khiếm diện.

    Lãnh án, Phan Xích Long bị giam cầm ở khám lớn Sài Gòn. Việc làm của ông khiến chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mã thượng.

    Năm 1916, nhân Pháp bại trận trong Thế chiến thứ nhất, khoảng 300 hội viên của hội kín "Thiên Địa Hội" ở Gia Định, Chợ Lớn (1), Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tìm cách phá ngục cứu ông.

    Đêm 12 tháng Giêng [[âm lịch]] năm 1916, với khẩu hiệu "Cứu đại ca", các hội viên thảy đều uống bùa, cổ mang phù chú, tay cầm giáo mác xông lên phá ngục. Pháp giết chết tại trận 6 người và bất kỳ ai mặc quần đen áo trắng buổi sáng ấy, đang lẩn quẩn ở khu vực xảy ra chuyện, đều bị bắt nhốt.

    Sau đó, tòa kết tội tử hình 38 người tại Đồng Tập(2) Trận vào ngày 22 tháng 2 năm 1916, trong đó có ông là kẻ cầm đầu. Ngày 16 tháng 3 năm 1916, tử hình thêm 13 người nữa, cũng tại địa điểm trên. Như vậy, sau 2 lần bắn và 6 người đã chết trước, tổng cộng là 57 người. Vụ xét xử và hành quyết vội vàng này đã khiến vài người Pháp bất mãn, trong đó có Chưởng lý Tricon đã công khai phản đối hành động trên của Thống đốc Nam Kỳ (Sơn Nam, ''Cá tính miền Nam'', NXB Trẻ, 1997, tr, 90).

    Khi ấy Phan Xích Long mới 23 tuổi và Nguyễn Văn Hiệp chỉ mới 27 tuổi (theo Đặng Lễ Nghi, ''Thơ Phan Xích Long hoàng đế bị bắt'', NXB Định Thái sơn, 1914. Chưa biết Nguyễn Hữu Trí khi mất được bao nhiêu tuổi, nhưng chắc cũng cùng trang lứa với Nguyễn Văn Hiệp)

    III.Đánh giá:
    Cuộc khởi nghĩa này được các sử gia gọi là "Quái kịch Phan Xích Long ở Nam Kỳ", là "việc làm như giả ngộ, chưa chi mà lậu sự bị bắt bớ lung tung". Tuy nhiên, đây cũng là một trang sử trong lịch trình chống ngoại xâm của nhân dân Việt. (theo Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, NXB Tự Do, 1961, tr. 175 và Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB. KHXH, năm 1992, tr.792)

    Hiện nay, tên Phan Xích Long được đặt tên cho một đường phố tại quận Phú Nhuận (TP. HCM) và tại nhiều thành phố khác ở Việt Nam.

    Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn.


    Chú thích:
    (1) Nhóm Chợ Lớn có Tư Mắt (Nguyễn Văn Trước), bắt chước Đơn Hùng Tín trong truyện Tàu ''Thuyết Đường'', nghĩa là chuộng lối sống "trọng nghĩa khinh tài", "hoạn nạn tương cứu", nên rất có uy tín trong giới giang hồ lúc bấy giờ. Về sau Tư Mắt vào tu ở chùa Giác Lâm (Chợ Lớn).

    (2) Ngày xưa, cả vùng quận 10 ngày nay (và một phần quận 3) là nơi Tả Quân Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định thành, thường xuyên thao dượt binh sĩ (tập trận) nên có tên gọi là đồng tập trận.
    Khi cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi (1833 – 1835)bị dẹp tan, 1.831 thân xác của những người lính nổi loạn bị bắt, bị chém chết hết và rồi chôn chung một chỗ, cũng nằm trong cánh đồng này.(chỗ ấy ngày nay nằm ở vị trí ngã sáu công trường Dân Chủ, Q.3, TP. HCM (đầu đường 3 Tháng 2))
    Sang thời Pháp thuộc, khu vực này được mệnh danh là đồng mả mồ, dịch theo tên gọi “Plaine des Tombeaux” của người Pháp.
    Theo miêu tả của các tác giả Pháp vào thời kỳ này như Jean Bouchot, J.C. Baurac, Silvestre..., đồng mả mồ là một vùng rộng lớn giới hạn bởi hai con đường Nguyễn Thị Minh Khai (xưa là đường Chasseloup Laubat và Jean-Jacques Rousseau) và Hai Bà Trưng (xưa là Impériale, rồi Nationale và Paul Blanchy), chạy về hướng Chợ Lớn với hàng trăm ngôi mộ nằm rải rác.
    Theo học giả Vương Hồng Sển, tác giả Sài Gòn năm xưa, thời Pháp thuộc đường xe lửa giữa nối liền Sài Gòn - Chợ Lớn chạy xuyên qua cánh đồng mả mồ, trong đó có đường Lý Thái Tổ ngày nay: “...Sách nói khi xưa, làm con đường này, gặp nhiều mồ mả (ắt chốn đồng tập trận cũ), Lang sa (thực dân Pháp) có lệ phát ba quan tiền và một xấp vải cho mỗi ngôi mộ và mả bị cải táng...” (NXB TP.HCM, 1997, tr. 148).

  18. #18
    Junior Member
    Join Date
    Jul 2007
    Posts
    11

    Default Khởi nghĩa Đoàn Hữu Trưng.

    Khởi nghĩa Đoàn Hữu Trưng.

    Cuộc khởi nghĩa Đoàn Hữu Trưng xảy ra vào ngày 16 tháng 9 năm 1866 do Đoàn Hữu Trưng (còn được gọi là Đoàn Trưng) khởi xướng, có thể gọi là một cuộc đảo chính lần thứ ba dưới triều vua Tự Đức (lần thứ nhất do Hồng Bảo mưu sự vào năm 1854. Việc không thành, ông chết thảm trong ngục. Lần thứ hai do Hồng Tập mưu sự vào năm 1864. Việc không thành, ông cũng bị hành hình).

    Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tin rằng việc đưa Đinh Đạo (tức Ưng Đạo, con trai trưởng của Hồng Bảo) lên thay Tự Đức sẽ cải thiện được tình hình rối ren trong nước và công cuộc kháng Pháp sẽ hiệu quả hơn.

    Do lực lượng khởi nghĩa dùng chày vôi (dụng cụ lao động) làm vũ khí, nên sử nhà Nguyễn và người dân quen gọi sự kiện này là “Loạn chày vôi” hoặc “Giặc chày vôi”.(1)

    I.Nguyên nhân:
    Tự Đức lên ngôi trong lúc chế độ phong kiến ngày càng mục nát, kiệt quệ và cuộc sống của người dân vốn chịu nhiều tai ách đã hết sức cùng cực. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều năm liền, loạn lạc nhiều nơi, thực dân Pháp đang lấn chiếm nước Việt và nội bộ hoàng tộc cũng đang ran vỡ, phân hóa trầm trọng.
    Nhắc lại, trước cuộc khởi nghĩa của Đoàn Trưng, triều Tự Đức đã xảy ra hai sự kiện gây rạn vỡ lớn, đấy là vụ Hồng Bảo (1854) và vụ Hồng Tập (1864, xem chú thích 2) Đoàn Hữu Trưng đứng về phía những người chủ chiến và những người dân bị bóc lột, bị áp bức. Ông nhận thấy cần phải thay thế Tự Đức, bằng một ông vua yêu nước tiến bộ khác, mới có thể chỉnh đốn và bảo vệ được đất nước trước họa ngoại xâm.

    II. Diễn biến:
    Khởi đầu, Đoàn Hữu Trưng xin ra khỏi Ký Thưởng viên của cha vợ là Tùng Thiện Vương, đồng thời trả vợ là Thể Cúc với cớ “ bất kính với cha mẹ chồng” (rất có thể đây chỉ là cái cớ, phòng khi cuộc khởi nghĩa thất bại, vợ và gia đình bên vợ ít bị liên lụy. Theo Đỗ Bang, sách dẫn bên dưới, tr. 137).

    Được tự do, Đoàn Hữu Trưng liền “rượu sớm trà trưa” để có dịp kết giao với những người cùng chí hướng.

    2.1 Bước I: Đông Sơn thi tửu hội:
    Có lẽ, Đông Sơn thi tửu hội ra đời trong khoảng từ 1864-1865 với chủ trương “uống rượu, ngâm thơ, tiêu khiển phóng khoáng”. Nhưng thực tế, tổ chức này chính là “bộ tham mưu” của cuộc khởi nghĩa, còn chuyện “thơ rượu” chẳng qua chỉ là vỏ bọc để che mắt những quan lại, sai nha khác chính kiến đang rình rập khắp nơi...

    Buổi đầu, hội có năm người gồm Đoàn Hữu Trưng (đứng đầu) và hai em ruột là Đoàn Tư Trực, Đoàn Hữu Ái cùng hai người bạn thân thiết là Trương Trọng Hòa và Phạm Lương.

    Sách lược thầm kín của của hội là tôn phù Đinh Đạo lên ngôi vua và tôn Tự Đức lên làm Thái thượng hoàng:
    “...Trước tôn vua Thái thượng hoàng,
    Sau tôn ngũ đại đồng đường lên ngôi...” (trích Trung nghĩa ca của Đoàn Hữu Trưng.)

    Để rồi:
    “...Trong trừ tả đạo cho thanh,
    Ngoài cùng Tây tặc tranh giành một phen...”(tả đạo ám chỉ đạo Thiên Chúa, Tây tặc chỉ thực dân Pháp. Trích Trung nghĩa ca của Đoàn Hữu Trưng.)

    2.2 Bước II: Tuyên truyền, vận động:
    Theo sách lược trên, ba anh em họ Đoàn đã thực hiện được những việc:
    - Đoàn Tư Trực: khảo sát tình hình nội thành, cải trang thành người bán sách để bí mật gặp Đinh Đạo đang bị quản thúc trong cung.

    Đỗ Bang cho biết khi vào được trong cung, Đoàn Tư Trực đã kết nghĩa với Đinh Đạo. Dự kiến Tư Trực sẽ tìm cách giải thoát cho Đinh Đạo và đưa ông vào Nam gặp Trương Định, để cùng kháng Pháp...(sách ghi bên dưới, tr. 141). Phạm Văn Sơn cho biết “ năm Tự Đức thứ 17 (1864) nhân vì phát giác ra vụ án của tên nghịch Võ Tập nên lại phải giam vào ngục tối ở phủ Thừa Thiên. Đinh Đạo giam riêng một nơi...”(sách ghi bên dưới, tr.24). Như vậy, việc gặp mặt này nếu có, chắc chắn phải xảy ra trước khi Đinh Đạo và ba em bị giam cầm trong ngục tối.

    - Đoàn Hữu Ái: năm 1885, cạo đầu giả làm nhà sư, để lôi kéo các sư sãi và một số tín đồ Phật Giáo, vốn rất được xem trọng ở Huế, vào tổ chức. Đặc biệt, là đã vận động được sư Nguyễn Văn Quý, trụ trì chùa Long quang có chùa riêng là Pháp Vân (chùa Khoai), nhận giúp mấy việc: làm “quân sư” cho hội Đông Sơn, cho hội mượn chùa làm cơ sở bí mật dùng để hội họp, chế tạo khí giới, may cờ và sẽ là bản doanh khi cuộc khởi nghĩa nổ ra.

    Đây là một thành công lớn của hội, vì thuở đó, nơi chùa Pháp Vân tọa lạc là một vùng đồi núi hiểm trở, đi lại rất khó khăn, ít người lui tới. Chùa Pháp Vân cách kinh thành 5 km, chỉ cách Vạn Niên cơ (lăng Tự Đức) khoảng 1 km, nơi mà ngày cũng như đêm luôn có khoảng ba ngàn quân lính, phu thợ đang chịu khổ sở vì việc xây lăng.
    Bấy giờ, trong dân gian có câu: “Vạn Niên là Vạn Niên nào? Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Và câu: “Một thằng Biện Chất nên ghê, Xem quân như cỏ chẳng hề xót thương”. Phạm Văn Sơn nhận xét: Hai câu này có ý khích động lòng công phẩn của nhân dân. Nhưng chưa dễ là của nhân dân mà có thể là do phe đảo chính tung ra.(sách dẫn bên dưới, tr.19). Và đây chính là đối tượng cần tuyền truyền, để trở thành lực lượng nồng cốt cho cuộc khởi nghĩa.

    - Đoàn Hữu Trưng: lôi kéo được các quan lại cao cấp nhận làm nội ứng, chuẩn bị được hàng trăm chiếc thuyền chờ sẳn khi khởi sự ở bến đò Trường Súng...
    Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, hội có thêm một số người tham gia, như: Tôn Thất Cúc (hữu quân), Tôn Thất Giác (vệ úy), Lê Chí Trực (đội trưởng), Lê Văn Cơ (đội trưởng), Bùi Văn Liệu (suất đội), Lê Văn Tề (lính vũ lâm), Nguyễn Văn Quí (nhà sư trụ trì chùa Long Quang, có chùa riêng là Pháp Vân), Nguyễn Văn Viên (nhà sư), Nguyễn Văn Lý (nhà sư) v.v...

    2.3 Bước III: Khởi nghĩa:
    Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, bộ chỉ huy do Đoàn Hữu Trưng lãnh đạo quyết định chọn đêm 16 rạng ngày 17 tháng 9 năm 1866, là ngày hữu quân Tôn Thất Cúc trực ở kinh thành và suất đội Bùi Văn Liệu đã có mặt ở công trường Vạn Niên, làm thời điểm xuất kích.

    Để có cớ tập trung đông người, Đoàn Hữu Trưng bàn với mẹ và vợ Đinh Đạo xin lập đàn chay cho Hồng Bảo. Lúc này Hồng Bảo chết đã lâu và các con ông đều đã bị giam cầm, nên nhà vua chấp thuận.

    2.3.1 Đến Vạn Niên cơ:
    Buổi lễ cúng kéo dài đến ngày thứ ba, khoảng 3 giờ sáng, ngày 16 tháng 9 năm 1866, từ lễ đàn Pháp Vân, Đoàn Hữu Trưng dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa kéo sang công sở Vạn Niên. Ông tự xưng tham tri bộ Công, ngồi trên chiếc võng điều có lọng che và lính hầu quạt theo lệnh vua để khám xét công trường. Bắt hai tên đốc công cay nghiệt là Nguyễn Văn Chất (ngẫu nhiên đêm hôm ấy ông Chất lén về thành nên thoát nạn) và Nguyễn Văn Xa, điều về kinh trị tội. Còn các binh phu hễ ai đang cầm chày giã vôi trong tay thì được đổi phiên về nghỉ. Binh phu nghe nói cả mừng đổ xô vào bắt thống chế Xa trói lại rồi vác chày vôi theo.

    Đội trưởng Lê Văn Cơ và Nguyễn Tăng Hựu do nhận lời làm nội ứng từ trước nên cũng dẫn quân gia nhập.
    Với lực lượng hơn ba ngàn người, nghĩa quân được chia đều làm 3 đạo:
    -Tiền đạo: Đoàn Tư Trực và Nguyễn Văn Vũ chỉ huy.
    -Trung đạo: Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Ái và Phạm Lương chi huy.
    -Hậu đạo: Trương Trọng Hòa và nhà sư Nguyễn Văn Quí chỉ huy.
    Tất cả đoàn quân trên trương cao lá cờ “Ngũ đại hoàng tôn”, từ công trường Vạn Niên nhanh chóng vượt sông Hương.

    2.3.2 Vào Đại Nội:
    Vào cuối canh năm, sau khi nghe mấy phát súng hiệu ở Kỳ Đài (kinh thành Huế) nổ, báo hiệu các cửa thành được mở. Lập tức tiền và trung đạo tiến đến cửa Hữu (Tây Nam), vào Ngọ Môn (hoàng thành Huế) rồi rẽ qua hai bên đến các kho Kim Ngô và Cẩm y để đoạt vũ khí. Khi ấy, hữu quân Tôn Thất Cúc cũng vừa mở Đại Cung Môn (kinh thành Huế) để đón nghĩa quân vào. Nghe huyên náo, phó vệ úy Hùng chạy ra ngó khiến Tôn thất Cúc phải tránh mặt. Chỉ huy sứ Phạm Viết Trang và vệ úy Nguyễn Thịnh định đóng cửa lại thì bị chém bị thương. Quân khởi nghĩa vừa tiến vào vừa đánh lui được quân triều.

    Chiếm được Điện Cần Chánh (hoàng thành Huế) Đoàn Hữu Trưng chưa biết đâu là cửa Tấu Môn thì chưởng vệ long võ quân Hồ Oai xuất hiện. Thấy quân nổi dậy đông quá, Hồ Oai hoảng sợ chạy lui về cửa Điện Càn Thành (hoàng thành Huế), nơi vua đang ngủ. Thủ lĩnh Trưng nhanh chóng đuổi theo rồi lia gươm qua khe cửa, chém mất tai phải của Hồ Oai, nhưng viên tướng này vẫn ghì chặt cửa nên Đoàn Hữu Trưng không vào được nơi vua ngủ.
    Bắt không được vua, Đoàn Hữu Trưng cho tập trung quân tại sân Điện Thái Hoà (hoàng thành Huế) sai Đoàn Tư Trực đến khám đường rước Đinh Đạo về tấn phong. Nhưng Hồ Oai đã kịp thời dẫn quân đến phản công. (Đoàn Hữu Trưng truyền lệnh thu quân mà không cho quân truy đuổi và chiếm lĩnh những nơi trọng yếu, lại lo đem kiệu đi rước Đinh Đạo để làm lễ đăng quang là bỏ lỡ thời cơ, sơ hở về mặt chiến đấu, là tạo điều kiện cho Hồ Oai và các tướng lĩnh khác kịp thời tập họp binh lính, thị vệ để phản công. Dựa theo Phạm Khắc Hòe, ''Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn'', Nxb Thuận Hóa, 1986, tr. 67).

    2.4 Thất bại:
    Quân triều do Hồ Oai cầm đầu, đánh nhau một hồi với nghĩa quân thì thủ lĩnh Trưng phát chứng đau bụng nên chóng kiệt sức rồi bị bắt.

    Đoàn Tư Trực bị Hồ Oai đâm bị thương. Đoàn Hữu Ái thấy không thể thoát thân được, chạy vào nhà bếp của đội hộ vệ định thắt cổ nhưng cũng bị quân triều bắt lại. (Phạm Văn Sơn kể khác: Phó vệ úy Hùng đem quân cẩm y đến Điện Thái Hòa, thấy Hữu Ái đang ngồi bên Long ỷ (ghế tựa của vua), liền thét lớn “giặc đó”. Quân triều nghe vậy xô nhau nhẩy tới đâm Ái gần chết. Xong, tiến vào phía trong gặp Hữu Trưng và Hữu Trực ở ngoài Tấu Môn, hai bên đánh nhau một hồi rút cục Trưng, Trực đều bị bắt sống. (Bổn triều bạn nghịch liệt truyện, tài liệu do trường Viễn Đông Bác cổ tàng trữ, Phạm Văn Sơn dẫn lại, sách ghi bên dưới, tr. 26). Nguyễn Văn Vũ hốt hoảng nhảy xuống hồ Thái Dịch định tự tử, bị cử võ Nguyễn Văn Thịnh nhảy theo kéo lên...

    Khi tiền và trung đạo của nghĩa quân đều đã tan tác, hậu quân chuẩn bị vượt sông Hương. Nhà sư Nguyễn Văn Quí biết cơ sự đã vỡ, lẻn trốn về chùa Pháp Vân trước, còn Trương Trọng Hòa, do không biết gì nên vẫn cho quân xông vào trại Thần Cơ, bên ngoài hoàng thành để thu khí giới, nghi trượng. Chỉ huy trại là hiệp quản Võ Giác sau khi giao nộp mọi thứ, liền dẫn quân lính xin theo. Nhưng khi đến cửa Chương Đức, hậu quân bị quân triều do Nguyễn Hùng, Lê Binh, Lê Sĩ chỉ huy chặn lại. Hai bên đánh nhau quyết liệt một lát thì hàng ngũ nghĩa quân rối loạn, Trương Trọng Hòa cũng bị bắt trói...

    Ngay sau đó, một đội quân ở Đại Nội được lệnh đi ngay lên chùa Pháp Vân bắt giam nhà sư Nguyễn Văn Quí...

    III. Kết cục:
    Cuộc khởi nghĩa thất bại, ba anh em Đoàn Hữu Trưng (Đoàn Hữu Trưng bị giết khi mới 22 tuổi), Đoàn Hữu Trực, Đoàn Hữu Ái bị xử lăng trì. Đoàn Thi bị án tử hình. Đoàn Khóa mất tích, Đoàn Hào chết, Đoàn Thị Châu bị kết án tù đày 20 năm sau mới về... Cả họ Đoàn bị đổi sang họ Đoạn, con cháu phải lưu tán, không được thi cử...(theo Đỗ Bang, gia đình Đoàn Hữu Trưng bị “án tru di tam tộc” , sách trong danh mục tham khảo, tr. 152).

    Tự Đức cho tịch thu gia sản của Đoàn Hữu Trưng, chỉ để lại một phần nhỏ cho bà mẹ vì bà đã lớn tuổi lại bị mù. Thể Cúc, vợ Đoàn Hữu Trưng, nhờ trước ngày khởi sự, bà đã bị “đuổi” về nhà bố mẹ ruột vì tội “bất kính với mẹ chồng” nên được miễn nghị, nhưng buộc cải sang họ mẹ và phải đi tu...Đối với Tùng Thiện vương, là chú vua và là cha vợ Đoàn Hữu Trưng, bị tình nghi có liên quan, nhưng vì không có chứng cớ nên “sau ba ngày đêm cùng Thể Cúc phủ phục ở cửa Đông Ba để chịu tội”, ông chỉ bị phạt truất bổng một năm, đóng cửa Ký Thưởng viên và không được tiếp xúc với bất kỳ ai ở bên ngoài.

    Đoàn Hữu Trưng và Thể Cúc có một đưa con trai tên là Ngáo. Vì quá nhỏ nên chưa xử, đưa cho người bà con đang ở rể trong phủ Tuy Lý vương nuôi. Khoảng 13 tuổi, Ngáo bổng dưng "mất tích" (theo gia phả, bản I. Đỗ Bang dẫn lại, sách ghi bên dưới, tr. 152).

    Cả gia đình Hồng Bảo gồm 8 người là Đinh Đạo (Ưng Đạo), Đinh Tự, Đinh Chuyên, Đinh Tương (đều là con Hồng Bảo), Thị Thụy (vợ Hồng Bảo, mẹ Đinh Đạo) và hai đứa con Đinh Đạo (một trai, một gái) đều bị xử giảo (treo cổ).

    Hữu quân Tôn thất Cúc (Tôn Thất Cúc đã tự tử bằng thuốc độc, vẫn bị Tự Đức sai đem xác ra lăng trì, bêu đầu và con cái đều phải đổi sang họ mẹ - theo Phạm Khắc Hòe, sách đã dẫn, tr. 68), vệ úy Tôn Thất Giác người phải uống thuốc độc, người thì bị chém đầu. Nhà sư Nguyễn Văn Quí bị chém bêu đầu, thiêu xác. Chùa Pháp Vân bị triệt hạ.

    Quan kinh doãn Nguyễn Văn Tường và phủ thừa Vũ Khắc Bôn đều bị cách chức, nhưng cho lập công để chuộc tội, đề đốc Nguyễn Hữu vì mới nhậm chức nên bị giáng bốn cấp và đổi đi nơi khác...

    Để đối phó hậu quả cuộc khởi nghĩa, Tự Đức phải triệu ngay Nguyễn Tri Phương về lo việc phòng thủ kinh thành. Đến Huế, ông thấy những người tham gia cuộc khởi nghĩa đã lãnh án hết mà người bị tố cáo làm phản vẫn còn mãi, bèn xin vua cho kết thúc để yên ổn lòng người...

    Và cũng do biến động này, vua Tự Đức phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung. (sau khi Tự Đức mất, được đổi tên là Khiêm Lăng) và viết bài “ biểu trần tình” dài để biện bạch, trong đó có câu: ''dân chúng nhất thời dại dột mà nghe theo chứ không thật tình thù oán triều đình.''

    IV.Nhận xét:
    Phạm Văn Sơn viết:
    “...Binh sĩ và dân chúng đi theo họ Đoàn bấy giờ chỉ có tính cách tạm bợ, nên sau tiếng quát mắng của Hồ Oai, họ rời ngay hàng ngũ. Ví thử bọn Đoàn Trưng có thành công cũng chỉ được nhất thời mà thôi. Nắm được kinh thành Huế đâu phải là đã nắm được toàn quốc. Lực lượng của vua Tự Đức còn nhiều võ tướng đại thần trung thành...”

    “Bảo rằng Trưng dựa vào uy tín của Hồng Bảo, của Tùng Thiện Vương và lòng căm phẫn của dân chúng tại Huế đối với việc xây dựng Khiêm Lăng, là đủ sức mạnh để lôi cuốn nhân tâm cà ba Kỳ thì thật quá nông cạn...''(sách trong danh mục tham khảo, tr. 21.)

    Đỗ Bang đánh giá:
    “Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa cũng đã hiện hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, yêu nhân dân của Đoàn Hữu Trưng và của một số người tham gia...” (sách trong danh mục tham khảo, tr. 154).

    Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn.
    Long Xuyên, tháng 7 năm 2008.

    Chú thích:
    (1) Lăng mộ xưa hay dùng ô dước (hay còn gọi là hợp chất) để xây dựng. Ô dước gồm ba thành phần chính: cát ,vôi, chất kết dính. Trong đó, cát là loại cát sông mịn; vôi là vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò, san hô nghiền vụn; chất kết dính là nhựa cây ô dước, mật mía, mật ong, nhựa dây tơ hồng hoặc bời lời. Ngoài ra, còn có chất phụ gia như: than hoạt tính, đá ong nghiền vụn, giấy dó... Mỗi chất trên lại phải chế biến theo yêu cầu riêng. Như vôi phải là loại chưa nung, tức vớt lấy vỏ sò, hoặc san hô ở biển về để "tươi" như thế, bỏ vào cối bằng đá, dùng chày đẽo bằng gỗ lim là loại gỗ cứng như sắt (thiết mộc) để giã thiệt nát, thành bột gọi là "vôi sống" (chứ "vôi chết" đã nung sẽ không dùng được vì thiếu độ quyện chặt với các chất khác). Việc sản xuất "vôi sống" quả là rất cực nhọc. Do lăng Tự Đức đồ sộ nên cần nguyên liệu này rất nhiều. Nhà khảo cổ lão thành Đỗ Đình Truật kết luận: Thợ giã vôi làm lăng do chịu đựng mưa nắng nhiều ngày và vì việc làm quá nặng nề nên đã dùng chày vôi (dụng cụ lao động) làm vũ khí, nổi dậy chống triều đình, bị tầng lớp quan lại gọi nôm na "giặc chày vôi" là vậy.

    (2) Sau khi nhà Nguyễn phải ký hòa ước năm 1862 nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Một số người chủ chiến không bằng lòng và không còn tin phục vua Tự Ðức nữa. Hồng Tập, con hoàng thân Miên Áo (em chú bác của Hồng Nhậm tức vua Tự Đức) một số quan lại, quí tộc theo theo đường lối kháng Pháp (phe chủ chiến), mưu sự giết Phan Thanh Giản và Trần Tiễn Thành, bởi theo quan điểm của những người mưu sự, hai ông này chính là đại diện của phe chủ hòa. Việc không thành, Hồng Tập bị chém bêu đầu, những người trong hoàng tộc tham gia bị Tự Đức kết án trảm giam hậu và bắt đổi sang họ mẹ..

    Tài liệu tham khảo:
    - Đỗ Bang, “Đoàn Hữu Trưng” trong Danh nhân bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1986 tr.127 - 154.
    - Phạm Văn Sơn, “Việt sử tân biên”, quyển 5, tập thượng, Sài Gòn, 1962, tr 17 - 28.
    - Lê Văn Hảo, ''Huế giữa chúng ta'', Nxb Thuận Hóa, 1894, tr. 84 - 8

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts