Ông Thiềng bèn cởi trói cho tôi và thằng Tèo, thằng Tèo bỗng vụt chạy và kéo tôi cùng chạy. Nhưng tôi có ý kể thật chứ không có ý lừa ông Thiềng nên tôi tần ngần đứng lại. Thầy tôi vẫn thường bảo: “Con nít không được lừa đảo”. Thế là tôi đã tường thuật vanh vách chuyện tôi thấy ở đồi sim cho ông Thiềng nghe. Nghe đến đâu, mặt ông Thiềng tím tái lại đến đó. Chả gì ông cũng là người danh giá nhất ở làng Đấu này

Thầy à, con xin thầy, thầy hãy cứu lấy con, lấy cháu của thầy...”, tiếng chị Thắm van lơn. Qua khe cửa, ánh mắt lạnh lùng bất động của ông Thiềng hiện lên. Như biết không có tác dụng gì, chị Thắm vuốt nước mắt ngồi vào bàn máy khâu, đảo mắt nhìn xuống cái bụng đã lùm lùm mặc dù được “đậy” bởi chiếc áo thùng thình. Lời ong tiếng ve về cái bụng của chị Thắm ong ỏng ve vẻ lan ra ở khắp cái thôn Đấu này. Không ai qua mắt được bà “tám”, bà “chín”, bà “chẵn chục”, trong đó có cả u tôi - một người vốn rất... ít chuyện.

Chuyện cũng chẳng có gì to tát, nếu có ai hỏi tôi, tôi sẽ kể lại một cách rành mạch về chuyện của chị Thắm.

Tôi là con bé mới nhớn, ưa tò mò và hóng hớt. Tôi hay học bài khuya khi cả nhà đã đi ngủ, không những cả nhà mà cả thôn Đấu này đã “lên chuồng”, nôm na cho dễ hiểu là vậy. Nói khuya cho oách thôi, chứ khoảng 9 giờ, 9 giờ hơn là cùng. Tôi với thằng Tèo có cái thói quen sau khi học bài xong ra đồi sim bắt ma trơi, tức là những con đom đóm, bỏ vào gáo dừa.

Một hôm, trong ánh trăng nhàn nhạt, tôi thấy một bụi sim cứ chao qua đảo lại. Tôi bấm tay thằng Tèo, ý bảo im lặng. Thế rồi tôi và thằng Tèo giống như hai thám tử tư trong phim hành động của Mỹ thường chiếu trên ti vi, bò đến gần bụi sim. Tim tôi đập như cào cào nhảy vì thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang quấn chặt với nhau giống như hai con cún con vờn nhau ở đám dây lang sau vườn nhà tôi. Tôi nhận ra người đàn ông là chú Đức phó thôn, còn người đàn bà là chị Thắm. Đến đoạn hai người cởi áo quần ra thì đột nhiên tôi thấy miệng thằng Tèo chu vào má tôi. Tôi liền bò thật nhanh. Không phải tôi bò chạy những “thước phim” tình cảm của người lớn mà với sự tò mò con nít tôi vẫn rất muốn coi, tôi bò chạy bởi cái miệng chu lên nhìn thấy ghét của thằng Tèo. Tôi nhớ lại lời thầy tôi thường răn: “Tụi mày không được xem phim “hun” nhau trên ti vi, dễ bị ảnh hưởng”. Thầy tôi nói quả là đúng. Nhưng rồi tôi và Tèo vẫn chỉ là hai đứa trẻ ranh, giận nhau đấy rồi lại thôi. Chúng tôi vẫn chơi với nhau.

Chuyện cũng chẳng có gì nếu như không có cái buổi trưa tôi và thằng Tèo bị bắt tại trận đang ăn trộm ổi của ông Thiềng, tức bố chị Thắm. Ông véo ngược tai tôi và tai thằng Tèo rồi cột hai đứa vào gốc ổi. Chúng tôi van xin mãi cũng không được. Cuối cùng tôi nghĩ ra một kế nhằm thoát thân. Tôi nói với ông Thiềng:

- Ông thả cháu ra, cháu sẽ kể cho ông nghe một bí mật...

- Mày lẻo mép ra giá hả? Trẻ ranh như bọn mày thì có bí mật quái gì?

- Chuyện bí mật của chị Thắm nhà ông.

- Hả?

- Chuyện yêu đương...

Khi nói đến “yêu đương”, ông Thiềng tỏ ra chú ý lắm. Ông ngẩn người rồi gí sát miệng vào tai tôi vẻ chăm chú.

- Với ai?

- Trước tiên ông phải cởi trói cho chúng cháu, chúng cháu sẽ kể.

Ông Thiềng bèn cởi trói cho tôi và thằng Tèo, thằng Tèo bỗng vụt chạy và kéo tôi cùng chạy. Nhưng tôi có ý kể thật chứ không có ý lừa ông Thiềng nên tôi tần ngần đứng lại. Thầy tôi vẫn thường bảo: “Con nít không được lừa đảo”. Thế là tôi đã tường thuật vanh vách chuyện tôi thấy ở đồi sim cho ông Thiềng nghe. Nghe đến đâu, mặt ông Thiềng tím tái lại đến đó. Chả gì ông cũng là người danh giá nhất ở làng Đấu này. Vậy mà con gái ông lại... Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ông không cho rằng con gái ông hư hỏng, mà do thằng Đức đó nhăng nhít rủ rê. Ông lạ gì thằng Đức con lão Đạo trưởng ban văn hóa xã. Chính lão Đạo không ưa gì ông vì cho rằng danh giá, đạo đức nhất làng Đấu là lão chứ không phải ông. Hừ. Ai danh giá đạo đức hơn ai? Ông phải cho nhà đó một bài học nhớ đời. Và cái cơn giận muốn cho chú Đức một bài học đã làm ông quên cái chuyện tôi kể lẽ ra phải im lặng, vì làm ầm ĩ lên con gái ông sẽ mất giá chứ không phải ai khác.

Tối đó, ông Thiềng đã mò ra tận bãi sim bắt quả tang đôi giai gái đang thập thò với nhau, ông chỉ vào mặt chú Đức, nói: “Hẹn hò tán tỉnh nhau thì vào nhà mà ngồi, có phải tao không có nhà đâu... Mày đừng ỷ mày là thôn phó thì mày muốn làm gì thì làm. Con Thắm, về ngay cho tao, mày học ở đâu kiểu nói dối thầy mày là đi họp chi đoàn chi điếc hả con...!”. Qua ánh sáng nhờ nhờ của đám ma trơi, tôi thấy mắt chú Đức vằn lên đỏ rực nhìn theo bóng chị Thắm và ông Thiềng mất hút sau đám sim.

Tôi và thằng Tèo cứ nghĩ chú Đức sẽ giận bố chị Thắm lắm mà không dám đến nhà chị Thắm nữa. Ai ngờ chú rất bình thản vác mặt đến nhà chị Thắm không những một tối trong tuần mà mỗi tối. Mọi người chắc như đinh đóng cột, chú Đức và chị Thắm sẽ lấy nhau, là một cặp “thanh mai trúc mã” của làng Đấu này. Chú Đức sắp thay ông Ty già về hưu làm trưởng thôn, chị Thắm đẹp người, lại chăm chỉ. U tôi thường nói với thầy tôi: “Thầy nó ạ, lão Thiềng thật là có phước, vợ chết sớm may mà ông trời không phụ công lão...”. Thầy tôi là người hay uống rượu, mà rượu vào rồi thì hay nói thật: “U nó thấy không, tôi nhìn đôi mắt thằng Đức, đôi mắt ấy chẳng vừa chút nào đâu...”. Tôi không mấy quan tâm chuyện của người lớn, dích dắc và đầy phức tạp.

Bẵng đi một thời gian vì lo học hành thi lên lớp sáu trường huyện, tôi và thằng Tèo không còn ra đồi sim nữa và cũng không mấy để ý đến chuyện chị Thắm xem như thế nào.

Hôm nay cả nhà đang ăn cơm, u tôi to nhỏ với thầy tôi: “Thầy nó ạ, sáng nay đi chợ mọi người kháo nhau ầm ĩ về cái bụng của con Thắm. Thằng Đức thì tuyên bố ỏm tỏi khắp nơi, nếu khi nào ông Thiềng chịu quỳ xuống xin hắn thì hắn mới chịu rước con gái lão về”. Thầy tôi vẫn một câu xưa như trái đất: “Tôi đã nói với u nó rồi, nhìn cái mắt thằng đó nó...”.

Tôi chỉ không hiểu một điều, chú Đức yêu thương chị Thắm sao lại không chịu cưới chị mà làm cho bụng chị “ễnh” lên rồi bảo bố chị Thắm đến xin mới chịu cưới? Ông Thiềng bảo thương chị Thắm mà chị Thắm nài nỉ dài cổ không biết bao nhiêu lần cũng không đến xin chú Đức để chú cưới chị Thắm? “Người lớn thật rắc rối” lần này thì chính thằng Tèo nói chứ không phải tôi nói.

Thế rồi ông Thiềng và chú Đức thù nhau ra mặt, họ tránh mặt nhau. Đám cưới, đám giỗ nào có ông Thiềng thì không có chú Đức và ngược lại. Nhiều người khuyên ông Thiềng nên nhịn nhục vì con để con có chồng, cháu có cha. Ông Thiềng khăng khăng: “Tôi thà để con gái mang tiếng chửa hoang còn hơn là mang con gả cho thằng mất dạy đó...”. Chú Đức thì thách thức: “Để xem, lão già đó có phải đến đây quỳ rạp xuống chân mà xin ông làm rể không?”.

Chị Thắm sinh em bé, một bé trai. Bé trai giống chú Đức như hai giọt nước. Một đêm trăng lu, chị Thắm ẵm con bỏ làng đi.

Ông Thiềng từ ngày chị Thắm bỏ đi thì đổ đốn qua rượu và mau chóng nhập vào hội những kẻ say khướt ở thôn Đấu này. Với ông, danh giá nhất làng đâu còn cái ý nghĩa gì nữa.

Ít lâu sau chú Đức thay ông Ty làm trưởng thôn, nghiễm nhiên rước về một người vợ làng bên. Và đến tận bây giờ qua bao nhiêu năm, khi tôi đã là nữ sinh cấp ba trường huyện thì vợ chồng chú Đức vẫn chưa có em bé. U tôi thủ thỉ với thầy tôi: “Ác giả, ác báo thầy nó ạ!”.

Còn tôi, tôi luôn nghĩ trong câu chuyện này có lỗi của tôi, nếu tôi không quá hèn vì để được tha khi ăn trộm ổi, đã đem chuyện yêu nhau của người lớn ra kể, thì có khi giờ này chị Thắm và chú Đức đang sống hạnh phúc với nhau! Lỗi tại tôi! Giời ạ, lỗi tại tôi! Không biết giờ này mẹ con chị Thắm lưu lạc nơi đâu?...
Truyện ngắn của Lê Thùy Vân.










Lê Thùy Vân sinh năm 1984, tại Thanh Hóa. Hiện là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học KHXH& NV TPHCM. Đã in tập thơ Tắm trăng. Giải nhì cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Tiếp thị & Gia đình tổ chức 2007.

Khác với những cây bút cùng lứa tuổi thường viết về thành phố, Lê Thùy Vân chọn viết về một vùng nông thôn Bắc Bộ. Hai người yêu nhau đã phải xa nhau vì bệnh “sĩ” của người lớn, hay vì lời nói thật của một cô bé lớp 5?

Lê Thùy Vân đã viết rất khéo khi để cho một cô bé kể lại sự việc của người lớn. Chuyện tưởng chẳng có gì mà ầm ĩ nhưng dưới mắt trẻ thơ nó đã khác và nó cũng khiến người lớn đọc xong phải nghĩ về luật nhân- quả.

Đoàn Thạch Biền