Samaritanô Hay Không Samaritanô

Câu truyện xẩy ra bất ngờ, xem ra y hệt mọi biến cố hè phố khác. Tiếng súng nổ, rồi mấy giây sau, một người chết, hai người khác bị thương nặng. Hung thủ đào thoát. Lại một bọn người thanh toán lẫn nhau? Trả thù chuốc oán? Một cái tin đáng buồn nữa cho các nhà báo chạy tít lớn trên trang nhất? Không hẳn thế, lần này có khác: một khách bàng quan vô tội, một ai đó muốn ra tay giúp người, đã bị bắn gục.

Liều Mạng Đến Đâu

Lúc đó là buổi sáng Thứ Hai cách nay 10 tuần, lúc hai người qua đường, theo bản năng, chạy tới để ngăn chặn một cuộc tấn công nhằm vào một thiếu phụ xẩy ra ngay tại trung tâm Thành Phố Melbourne. Họ đâu ngờ người đàn ông đang nắm tóc kéo lê người đàn bà kia lại có súng trong tay.

Trong cái giờ phút thành phố bắt đầu đông người qua lại ấy, hai người qua đường và người thiếu phụ đã bị bắn. Người thiếu phụ, Kaera Douglas và một trong hai người qua đường và là “tây balô” (backpacker), Paul de Waard, sống sót. Nhưng viên luật sư làm việc ngay tại Melbourne và là cha của hai em nhỏ, Brendan Keilar, mới 43 tuổi, thì tử thương.

Cuộc bắn người này đã tạo nên nhiều hàng tít lớn trên thế giới và khiến nhiều người trong chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi: “Tôi liều để sự an toàn của mình lâm nguy đến mức nào trong việc cứu giúp một người xa lạ?”

Ngay tuần lễ này thôi, khoảng 10 khách qua đường đã nhào vô để cứu một nữ cảnh sát viên trên hè phố Bankstown đang bị một người đàn ông tấn công, mà họ tin là đang bị chất methamphetamine hành.

Nhưng hãy xem một trường hợp khác, chỉ xẩy ra năm ngày sau biến cố Melbourne, nhưng lần này xẩy ra tại Wichita, Kansas. Tại đó, một thiếu phụ 27 tuồi, LaShanda Calloway, bị đâm nhân một vụ cãi cọ tại một quán góc phố. Khi cô đang bất tỉnh mình đầy máu me, nằm sõng sượt trên đường, năm người đã bước qua cô. Một người dừng lại, lâu đủ để chụp một tấm hình, nhưng không lâu đủ để ra tay cứu giúp. Một ai đó nhanh nhẹn đi gọi cảnh sát, nhưng đã quá trễ. Calloway chết tại bệnh viện.

Gordon Bassham, một cảnh sát viên tại Wichita, cho rằng: “Sự kiện người ta quan tâm đến việc chụp hình bằng điện thoại di động hay đi mua thức ăn trưa hơn là giúp đỡ người thiếu phụ này, thực tình mà nói, quả là ghê tởm. Việc thiếu quan tâm tới lòng nhân đạo đối với mạng sống người thiếu phụ này quả là điều làm ta không an tâm chút nào”.

Phải Làm Sao

Cảnh sát cho hay họ đang xem sét việc khởi tố những người đi phố vô lương tâm này, nhưng thực ra luật pháp chẳng có chi rõ ràng về bổn phận phải quan tâm đến người khác của người qua đường hết.

Ai cũng biết họ sẽ phải phản ứng ra sao trong một tình thế khẩn trương tưởng tượng: họ sẽ hành động một cách đầy vị tha giống những người như Brendan Keilar và Paul de Waard. Nhưng các nhà tâm lý học và cảnh sát cho rằng việc ấy không đơn giản như thế. Dù có rất nhiều chỉ dẫn cho ta thấy ta phải hành xử ra sao, nhưng phần đông chúng ta vị kỷ hay hành xử một cách vọng động hơn mình nghĩ.

Sau cuộc bắn giết ở Melbourne, nhiều cuộc thăm dò truyền thông trên mạng đã nóng hổi được tiến hành. Phần lớn ca tụng các nhà anh hùng hay lên án sạ thủ, nhưng rất ít chịu nghiêm chỉnh xem sét đến chính điều ta vẫn gọi là hành động vị tha, sự can thiệp của khách qua đường, hay “hội chứng người Samaritanô nhân hậu”. Câu hỏi tại sao ta phản ứng khác nhau trước số phận an nguy của người khác từng làm các nhà khoa bảng cũng như giới cảnh sát suy tư hàng mấy thế kỷ qua. Những hội nhân đạo chuyên tưởng thưởng người ta các huân chương can đảm từng đã có mặt từ những thập niên 1700.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây khá đại cương, nhất là tại Úc Châu. Ý kiến rất khác nhau đi từ những người tin rằng con người ta bản nhiên có tinh thần anh hùng đến những người cho rằng chúng ta chỉ là “những tên vị kỷ” (selfish buggers) theo thuật ngữ của các nhà tội ác học.

Nhà phân tích xã hội, Hugh Mackay cho rằng: “có khá nhiều sưu tầm về việc tại sao người ta không can thiệp; chứ về việc tại sao người ta can thiệp thì không nhiều”. Ông gọi những người chịu dẫn đường là ‘những người tuyệt vời’. Theo ông, “Điều ấy không tự nhiên. Khuynh hướng tự nhiên là làm theo đám đông. Và đám đông càng lớn, thì áp lực phải hành động theo đám đông ấy càng lớn theo”.

Ông nhắc đến một thuật ngữ của Mỹ đó là “chứng nhận của xã hội” (social proof), nghĩa là người trong các nhóm gửi thông điệp cho nhau và càng gắn bó với tác phong của đám đông bao nhiêu bạn càng chứng thực được hành động hay không hành động của mình bấy nhiêu. Ông cho hay: “Thành ra nếu một ai đó nằm sõng sượt trên lối đi mà không một ai dừng lại để cứu vớt, thì người qua đường cũng chả làm chi hết vì họ nhận được tín hiệu từ người khác, xem như muốn nhắn nhe họ rằng chả cần phải làm chi hết”

Một phát ngôn viên của cảnh sát Victoria là Wayne Wilson không úp mở cho hay thế lưỡng nan của cảnh sát khi phải đưa ra lời khuyên trong các hoàn cảnh khẩn trương nguy kịch. Ông nói: “Chúng tôi luôn khuyên người ta nên gọi cho chúng tôi trước để tránh nguy hiểm. Sau đó phải làm gì khi hoàn cảnh diễn biến hơn thế nữa, thì tùy mỗi cá nhân. Không hề có một hoàn cảnh bao trùm cũng như lời khuyên bao trùm, giá trị cho mọi hoàn cảnh. Wilson cũng thẳng thừng cho hay: “Chúng tôi không thích ban hành các hướng dẫn cụ thể, kẻo người ta lại đổ lỗi cho cảnh sát khi chuyện không vừa lòng xẩy ra và họ bị thương tổn. Bạn phải đương đầu với bản chất của các cá nhân. Gốc gác cũng như hậu cảnh giáo dục của họ góp phần rất nhiều. Người có ý thức mạnh về điều đúng điều sai sẵn sàng can thiệp hơn là người không có được ý thức ấy”.

Cũng như phần lớn các vấn nạn thuộc khoa phân tích tác phong, các nhà chuyên môn vẫn cho rằng giải đáp nằm đâu đó ở quãng giữa, là quãng phần lớn chúng ta nghĩ mình sẽ can thiệp giúp đỡ, nhưng nếu điều ấy đem lại nguy cơ lớn thì sẽ dừng lại. Băng bó qua loa cho một người lạ là một chuyện; can thiệp vào một cuộc ẩu đả vũ lực lại là một chuyện khác hẳn.

Động Cơ Can Thiệp Hay Không Can Thiệp

Các hội nhân đạo cho hay có một khác biệt rõ rệt trong mức độ can đảm giữa một phản ứng tự động đưa ra để cứu đứa con của chính mình, và một hành động vị tha hơn đưa ra để cứu đứa con của người khác.

Lời nhận định của cảnh sát viên Bessham ở Wichita khiến ta nhớ đến nhận định của nhiều nhà khoa bảng khi ưu tư trước cảnh những người thuộc các xã hội giầu có hơn đã hầu như đánh mất hoàn toàn cảm thức của họ về cộng đoàn, trở nên nhẫn tâm hơn, mau mắn hơn trong những mưu cầu đôi khi hết sức tầm phào, và tỏ ra ơ hờ trước nhu cầu của mọi người khác bên ngoài vòng thân cận của mình.

Nước Úc không tránh khỏi khuynh hướng ấy. Ít người biết truyện lại có thể quên được trường hợp năm ngoái tại Brisbane nơi Bà Delmae Barton, bị tai biến mạch máu não, nằm trơ trọi trên ghế đá cả 6 tiếng đồng hồ không được ai cứu giúp, tại ngay trạm xe búyt đông người gần Đại Học Griffith.

Chỉ còn biết lờ mờ và nôn oẹ khan, bà lôi kéo được khinh miệt hơn là thiện cảm của hàng trăm người qua lại hoàn toàn không đếm xỉa gì tới bà hết, thậm chí còn có người vội kéo chiếc cặp đi làm của mình ra xa bà. Người nữ ca sĩ nhạc kịch 62 tuổi này đang trên đường lãnh nhiệm vụ “trưởng thượng trú sở” (elder in residence) Thổ Dân tại trường đại học, nhưng khách bộ hành chỉ thấy nơi bà một “rập khuôn hóa” (stereotype). Chỉ mãi tới khi hai sinh viên Người Nhật chịu khó lưu ý tới hoàn cảnh của bà, xe cứu thương mới được gọi đến (trường hợp ở Melbourne, de Waard cũng là một ngoại kiều).

Các nhà tâm lý cho hay nhân cách, lòng tự tin, các khả năng thể lý, việc huấn luyện, đạo đức học, những nỗi sợ sệt lệch lạc (phobias) và ngay cả tính khí từng giờ trong một ngày của con người ta đều ảnh hưởng tới việc liệu họ có nên can thiệp lúc ấy hay không.

Colin Bannister đã dành nhiều giờ hơn người khác để suy nghĩ về lòng can đảm. Trong tư cách thư ký danh dự của Hội Nhân Đạo Hoàng Gia Úc Á tại Melbourne, và sau 26 năm sinh hoạt với nhóm này, ông cho hay liều mạng để cứu một người xa lạ là “hành vi cảm thương tối hậu”. Trong cuốn sách của ông viết năm 1996 về lịch sử của Hội, tựa là 7000 Người Úc Can Đảm, ông so sánh những người tình cờ qua đường với những người lính ngoài chiến trận. Ông viết rằng không như người lính, là người có thể trông cậy vào chiến hữu, việc huấn luyện và vũ khí của mình, “ (nếu họ có) cứu giúp thì họ cũng chỉ làm những công việc hàng ngày phải làm và luôn luôn đối mặt một cách không báo trước với những hoàn cảnh đe doạ mất mạng”. Người qua đường, trái lại, được tự do bỏ đó mà đi.

Trong những ngày sau cái chết của Keilar, Bannister nhớ lại cuộc thăm dò truyền thông trên mạng trong đó đến 70% những người trả lời cho rằng họ sẵn sàng cứu giúp một người gặp nạn. Ông cho hay “Tôi cảm thấy rất an ủi nhờ ấn tượng tôi nhận được suốt những năm làm việc dường như đã được biện minh”. Nhưng con số 70% kia có thực là những suy nghĩ chín chắn hay không?

Giáo Sư Paul Wilson của Đại Học Bond, một nhà hình sự học và tâm lý gia tòa án (forensic), tỏ ra hoài nghi hơn. Ông nhắc lại nhiều cuộc nghiên cứu ở Mỹ là những cuộc nghiên cứu cho hay nhiều “người Samaritanô nhân hậu” có thể có nhiều lý do phức tạp khi ra tay nghĩa hiệp, chứ không luôn vì lòng vị tha. Theo ông, có người cảm thấy tự tin đủ cả về tinh thần lẫn thể lý để có thể can thiệp cách thành công, “và đôi khi động lực ấy có sự trộn lẫn với động lực nhân đạo hơn muốn giúp một ai đó trong cơn hoạn nạn của họ. Tôi cũng nghĩ có những người khác chủ yếu chỉ hung hăng và thích đánh nhau, sẵn sàng can thiệp cho một nạn nhân, chứ không nhất thiết giúp họ theo nghĩa vị tha. Họ chú ý hơn tới việc chứng tỏ cho người khác thấy sức mạnh của mình hay mình là người tốt như thế nào. Đừng quên là Ted Bundy cứu một đứa trẻ sắp bị chết đuối trước khi anh ta khởi sự giết người hàng loạt”.

Một giáo sư tâm lý khác là Bill von Hippel của Đại Học Queensland nhấn mạnh rằng người ta có thể chịu ảnh hưởng nguyên bởi hoàn cảnh mà thôi. Ông cho hay: “Nếu một ai đó vội vã, bận bịu với điều gì khác, rất có thể họ không nhận ra hay cảm thấy tương cảm đối với một khủng hoảng đang diễn ra ngay trước mắt họ”. Giống nhiều nhà nghiên cứu khác, ông cho hay vụ giết người tại New York năm 1964 là một trường hợp đầy minh họa làm chấn động không riêng Nước Mỹ mà cả nhiều nước khác. Nó phát động ra điều một nhà văn gọi là cuộc “toàn quốc đi tìm linh hồn” (a national soul-searching) trong thái độ dửng dưng của người qua đường.

Đó là trường hợp Kitty Genovese trong đó khoảng 38 người từ các góc cạnh khác nhau của tòa cao ốc chứng kiến cảnh người thiếu phụ 28 tuổi này chết, sau khi bị cưỡng dâm tại khu Queens. Nàng bị đâm và chẩy máu cho đến chết. Không một nhân chứng nào gọi cảnh sát hết.

Sau đó, không biết bao nhiêu cuộc nghiên cứu tâm lý Mỹ đã được thực hiện và nhiều tiểu bang ở Mỹ như California ra đạo luật được một số người gọi là luật “Samaritanô nhân hậu”, coi việc không can thiệp là một trọng tội và sẵn sàng bồi thường cho những ai liều mạng cứu người khác. Nhưng như vụ ở Wichita ngày nay đã chứng tỏ, không hề có giải đáp dễ dàng về luật lệ và luân lý trong phạm vi tranh tối tranh sáng này.

Luật Có Phải Là Luật Không

Các chuyên viên cho hay theo luật dân sự, bạn có thể bị ra tòa nếu không can thiệp. Nhưng theo hình luật, tùy theo trường hợp, bạn có thể bị ra tòa nếu can thiệp. Đôi lúc xem ra người cứu giúp chả bao giờ thắng cuộc cả.

Giáo sư Mark Findlay, một luật sư và chuyên viên luật hình sự tại Đại Học Sydney nói rằng: “Quả là một nghịch lý thực sự. Nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho người lạ lại bị hình luật coi có tính luân lý hơn là luật pháp. Tôi không thích luật buộc tôi phải can thiệp nếu tôi tin việc đó không đúng để mà làm. Trong hình luật, việc can thiệp cách bất cẩn có thể dẫn tới công tố và trừng phạt trong các hoàn cảnh trong đó đáng lẽ đã không có một hậu quả như thế nếu bị cáo quyết định không làm gì cả”. Nói cách khác, can thiệp bằng chính sự an nguy của mình, hãy nghĩ cho kỹ!

Người qua đường không có thì giờ mà triết lý và do đó sẽ hành động cách này hay cách khác hoàn toàn là do bụng dạ của họ (gut). John Highfield, một nhân viên phát thanh kỳ cựu trước đây của đài ABC, kể lại biến cố xẩy ra mấy năm trước đây. Hôm ấy ông cùng vợ là Trish đang tản bộ dọc theo đại lộ South Steyne ở Manly, thì bỗng thấy một người đàn ông gục ngã cách họ chừng 80 thước. Ông hết sức thất kinh khi thấy nhiều người hiện diện ở đấy hoàn toàn làm ngơ người đàn ông ấy. Ông cho hay: “Người đàn ông này chừng 30 tuổi, ăn vận rất bảnh bao. Người qua lại chỉ ngó qua ông ta rồi bước đi… Khi tới nơi, tôi thấy những vết chích trên cánh tay ông ta và lòng trắng trong đôi mắt thật rõ ràng. (Biết ông ta là nạn nhân bệnh tiểu đường) Tôi bèn gọi xe cứu thương. Nhưng một số thanh niên đi ngang qua bảo tôi:’bạn đừng có lo; anh ta chỉ xỉn chút thôi”…Xem ra giá trị mạng sống ngay trước mắt không gợi được một đồng cân tương cảm…

Vì không có nhiều các cuộc tìm tòi ở Úc, nên tờ Sydney Morning Herald đã thực hiện một cuộc điện đàm với khoảng 12 người, đa phần đều cho hay: “không biết chắc được cho đến khi rơi vào hoàn cảnh ấy, nhưng riêng tôi, tôi nghĩ tôi sẽ can thiệp”. Tony KilGannon, một nhà thầu xây dựng, 45 tuổi, từng làm việc ở Indonesia và Philippines, và thuộc loại người sẵn sàng làm mọi chuyện, phát biểu như sau: “Theo bản thân tôi, tôi nghĩ chúng ta phải giúp đỡ người khác bất luận hoàn cảnh có như thế nào, vì việc này nằm sâu trong chính bản tính của chúng ta. Nếu cái gì cũng sợ, thì hình như ta không thực sự sống”.

Can thiệp không có nghĩa phải chịu những nguy hiểm cùng cực. Một cuộc nghiên cứu các trường phía tây Sydney gần đây cho hay một điều gì đó đơn giản như việc những người bàng quan nhất định không chịu khuất phục các tên bắt nạt cũng có thể ngăn chặn được nạn bạo động trong trường. Trong cuộc nghiên cứu này, 4,000 học sinh được huấn luyện cách can thiệp và hỗ trợ các nạn nhân của tệ nạn bắt nạt. Thay vì lãnh đạm, học sinh sẽ dùng các kỹ thuật mới học để đảo ngược hiện tượng gia tăng các vụ bắt nạt xấu xa trước đây.

Một thí dụ khác cho thấy người qua đường có thể ngăn chặn được bạo lực một cách gián tiếp. Trong biến cố điên loạn trên đường phố tại Sydney mới đây, người tài xế xe vận tải 33 tuổi tên là Martin Gamman đã đánh đập một cựu chiến binh 87 tuổi tên là Thomas Golden. Các nhân chứng thấy thế tri hô bắt anh ta phải ngừng tay. Sau đó, trả lời thẩm vấn của cảnh sát, Gamman cho hay anh ta muốn “tiếp tục tấn công và nện cho Golden lòi cứt ra mới thôi” nếu không có đám đông quấy phá. Bởi thế anh ta mới phải bỏ chạy.

Việc ấy phản ảnh điều Mackay gọi là bản năng đám đông (herd instinct) trong đó người ta không muốn mình đứng lẻ loi một mình ngoài đám đông ấy. Tuy nhiên, Wilson nghiêm khắc hơn đối với nước Úc hiện nay. Ông nói: “Tôi không hoài nghi chút nào rằng xã hội chúng ta là một xã hội vị kỷ và có khuynh hươớg cá nhân chủ nghĩa nhiều hơn trước đây. Vì lý do đó, người ta ít sẵn sàng can thiệp một cách nhân đạo hơn đối với mạng sống người khác. Nói tóm lại, chúng ta là một lũ những anh chàng và những cô nàng vị kỷ, chỉ ám ảnh với việc làm tiền, tiêu thụ càng nhiều càng hay và sẵn sàng quên đi bất cứ ai khác. Đừng đổ lỗi cho các chính trị gia. Họ chỉ phản ảnh con người thực tế của chúng ta và điều họ nghĩ chúng ta vốn tin tưởng mà thôi”.

Tiến sĩ Michael Dudley, nhà phân tâm học tại Sydney, giảng viên Đại Học New South Wales và là chủ tịch Hội Phòng Ngừa Tự Sát Úc Châu, có cái nhìn dịu dàng hơn một chút. Ông nghĩ: tính vị kỷ và cả lòng vị tha tiềm ẩn của chúng ta nữa phải tìm về với sinh vật học. Theo ông, có nhiều luận chứng cho thấy lòng vị tha rất có ích cho chủng loại. Vả lại, trong ‘lý thuyết trò chơi’ (game theory) (1), lòng vị tha có thể là một quyết định có tính toán: trong đoản kỳ có thể chẳng có lợi lộc gì, nhưng trong trường kỳ nó có thể mang lại lợi ích to lớn.

Trong cuộc thống kê dân số gần đây nhất, Văn Phòng Thống Kê Úc thấy rằng hơn một phần ba người Úc tham gia những công việc thiện nguyện không lương. Nhưng trong khi số người tham gia tăng lên, thì số giờ tham gia lại giảm xuống: từ 74 giờ một người vào năm 1994, xuống còn 54 giờ vào năm ngoái. Mackay cảnh cáo người ta đừng quá tự mãn. Ông bảo “Giải thích cẩn thận dữ kiện ấy cho thấy phần lớn những người thiện nguyện kia chỉ là chăm sóc chính con em hay người thân của mình”.

Lời cuối có lẽ nên dành cho một người dân khác của Melbourne, ông Tim Connellan, người từng phóng xuống nước để cứu một người đang vẫy vùng thoát khỏi bị chiếc tầu đang đi tới xô vào chiếc cột cầu tầu cho tan xác. Ông vốn hành nghề môi giới chuyên nghiệp và là bạn của gia đình Keilar. Ông phát biểu về vụ bắn giết nói trên ở Melbourne: “điều lý thú người ta hay hỏi là nếu bạn biết [Hudson] có súng, bạn có còn dám can thiệp hay không? Trong trường hợp Brendan, tôi nghĩ câu trả lời sẽ vẫn là có. Điều anh gặp phải là cái biến cố bất thường kia lúc một ai đó trở thành loạn trí hay tàn bạo hay cả hai. Tôi vẫn nghĩ phần lớn con người ta tự nội thân đều là người tốt”.

Tội Bản Thân Hay Tội Xã Hội

Nhưng hình như theo dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu, tỷ lệ người sẵn sàng nói có ít hơn tỷ lệ những người sẵn sàng nói không. Miết rồi tạo nên cả một thứ văn minh mới mà đức Gioan Phaolô II cùng với mấy trăm thượng nghị phụ năm 1984 không ngần ngại gọi là tội xã hội, song song với tội bản thân.

Tội xã hội này được tông huấn Reconciliatio et Paenitentia của Đức Gioan Phaolô II đề cập đến một cách chi tiết. Ngoài ba nghĩa bình thường của tội xã hội mà mọi người vốn nhìn nhận, Đức Giáo Hoàng đề cập đến nghĩa thứ bốn, nghĩa chúng ta gặp ở đây. Ngài viết:

Nó thường là trường hợp những người ủng hộ tội ác, hay khai thác tội ác; người có vị thế có thể tránh được, loại bỏ hay ít nhất hạn chế một số tội ác xã hội nhưng đã không chịu làm như thế vì lười biếng, sợ sệt hay đồng lõa lặng thinh, qua sự ngấm ngầm thoả hiệp hay dửng dưng của những người tự ý rút vào ẩn dật vì cho rằng chả làm gì thay đổi được thế giới, kể cả những người bỏ qua các cố gắng và hy sinh cần thiết (Reconciliatio et Paenitentia, số 16).

Có điều, theo Đức Giáo Hoàng, nhiều người, nhất là những người ngoài Kitô Giáo, lạm dụng nghĩa thứ tư này để làm mờ nhạt tội bản thân, vì họ cho rằng suy cho cùng không nên quy trách bất cứ lỗi lầm nào cho lương tâm cá nhân mà phải đặt trọn trách nhiệm đó lên những cộng thể hàm hồ như hoàn cảnh, hệ thống, xã hội, cơ cấu hay định chế. Còn đối với Giáo Hội, khi nói đến hoàn cảnh gây ra tội hay khi lên án một số hoàn cảnh nào đó hay tác phong tập thể của một số nhóm xã hội nào đó là tội xã hội…Giáo Hội biết và xác định rằng các tội xã hội đó chỉ là việc tích lũy và tập trung nhiều tội bản thân mà thôi. Chứ trách nhiệm thực sự luôn luôn là của các cá nhân. Một hoàn cảnh, một định chế, một cơ cấu, và ngay cả một xã hội nữa, tự chúng, không phải là chủ thể của hành vi luân lý. Và vì thế, một hoàn cảnh tự nó không thể là tốt hay xấu. Ở tâm điểm bất cứ hoàn cảnh tội lỗi nào ta luôn thấy những con người tội lỗi. Buồn thay, thầy lêvi không thể nại cớ thầy rabbi không dừng lại cứu người Samaritanô để chạy tội. Tội xã hội có đó thật, nhưng nó chỉ là việc gộp chung tội của thầy và của thầy rabbi.

Chú Thích:

(1) Lý thuyết trò chơi (game theory) khởi thủy xuất hiện trong toán học, rồi được áp dụng vào kinh tế học, sau đó lần lượt vào các lãnh vực khác kể cả đạo đức học, bắt đầu với Thomas Hobbes trong cố gắng diễn dịch luân lý tính từ tư lợi như việc nhấn mạnh đến việc hợp tác dựa và tư lợi. Xin xem thêm http://en.wikipedia.org/wiki/Game_theory

Tài liệu:

1. Chris Rau, Altruism, A Test of Your Spirit, Sydney Morning Herald, August 25-26, 2007.
2. Đức Gioan Phaolô II, 1984, Reconciliatio et Paenitentia
http://www.vatican.va/holy_father/jo...tentia_en.html

Vincent Vũ Văn An