Cơn lũ to lớn lịch sử tại Việt Nam và nhu cầu cần được cứu trợ khẩn cấp
Khu giáo đường tại Thanh Hóa bị lụt lội
Nhà cửa dân chúng bị trôi theo dòng nước...
Giám mục Nguyễn Chí Linh xắn ống quần lên đi cứu dân chúng bị lũ
Giám mục đi thăm và an ủi dân chúng bị lụt lội
HÀ NỘI – Theo tin tức gom được từ các báo chí trong nước thì hiện nay cơn lũ do bão số 5 đã tàn phá một số các tỉnh phía Bắc VN đã làm 70 người chết, 16 người mất tích, 126 người bị thương, 135.000 nhà sập, hư hỏng, ước thiệt hại vật chất trên 1.000 tỷ đồng... là thiệt hại bão số 5 và trận lũ lịch sử sau bão gây ra.
Thảm hại này cũng được báo chí và các đài truyền hình trên thế giới đưa tin và báo động.
Tờ VNExpress cho biết con số thiệt hại như sau: Số nhà bị đổ, sập lên đến gần 10.000 căn, nhà bị ngập, hư hỏng là 125.000 căn. Thêm vào đó, gần 2.500 trụ sở, trường học, trạm xá cũng bị tan hoang sau bão lũ. Hơn 40.000 ha lúa đang chờ gặt cùng gần 120.000 ha hoa màu gần như bị mất trắng. Hơn 1,6 triệu cây xanh bị bão quật đổ và lũ cuốn trôi, 1,4 triệu m3 công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở cùng hàng nghìn cột điện bị gẫy...
Những nơi bị thiệt hại nhiều nhất gồm có: Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Quảng Bình, Hà Tĩnh, và Nghệ An.
Sau 6 ngày mưa lũ hoành hành ở các tỉnh phía Bắc và Trung phần, có trên 6,000 căn nhà bị sập, hơn 51,000 nhà bị hư hại nặng, trên 200 trụ sở, công trình công cộng bị hư hỏng, gần 120,000 hecta lúa và hoa màu mất trắng, gần một triệu mét khối đất đá sạc lở... thiệt hại đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Công tác cứu trợ các vùng bị thiên tai đang được tiến hành, tuy nhiên vẫn còn một vài nơi chậm trễ do đường bị ách tắc. Những nơi nước đã rút, đồng bào đã về lại để sửa chữa nhà cửa. Tuy nhiên một vấn đề nghiêm trọng mà chính quyền và người dân đang phải đối mặt, đó là dịch bệnh chắc chắn sẽ phát sinh sau lũ.
Thanh Hóa
Vẫn còn nhiều con đường cần phải dọn dẹp do sạc lở đất đá. Một số huyện vùng cao như Quan Sơn, Mường Lát vẫn bị cô lập do đường chưa được khai thông. Tỉnh đã được cứu trợ trên 3 tỉ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho gia đình có người chết 5 triệu đồng/người, người bị thương 1 triệu đồng/người; và cấp gạo cứu đói cho nhân dân vùng ngập lũ trong 3 tháng, mỗi tháng 10kg/người đồng thời cung cấp 257,500 gói mì tôm, 5 tấn lương khô cho các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Thọ Xuân, Cẩm Thủy. Toàn bộ dân ở khu vực bãi sông Chu, sông Mã đã dời nơi sơ tán, trở về dựng lại nhà cửa. Việc vệ sinh, sửa chữa trường lớp, bàn ghế tại hầu hết các xã (trừ 3 xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thành) đều đã hoàn tất. Công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đang được tiến hành.
Ninh Bình
Giám mục Nguyễn Chí Linh xắn ống quần lên đi cứu dân chúng bị lũ
Tỉnh Ninh Bình cũng bị thiệt hại nặng nề. Lũ đang rút xuống nhưng nhiều gia đình vẫn chưa về lại được nhà. Tỉnh có 4 người thiệt mạng. Trên 300 triệu được dùng cho việc hỗ trợ dân chúng. Sở y tế đã chuẩn bị thuốc cảm cúm, kháng sinh... và đang tiến hành vệ sinh môi trường. Các cơ quan cứu trợ đã cấp cho huyện Nho Quan 2,8 tỷ đồng, Gia Viễn 1,1 tỷ đồng để các địa phương khẩn trương cứu trợ nhân dân. Đã có 70 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ gần 1,5 tỷ đồng.
Sơn La
Tỉnh có 8 người chết và 3 người mất tích. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sơn La đã trích trên 6.7 tỉ đồng để hỗ trợ dân chúng ổn định đời sống. Cụ thể, hỗ trợ gia đình có người bị chết 2 triệu đồng/người, người bị thương 1 triệu đồng/người, 120 gia đình có nhà bị trôi mỗi gia đình 6 triệu đồng, 1,353 nhà bị hư hỏng nặng mỗi nhà 3 triệu đồng, hỗ trợ công cụ sản xuất cho 1,437 gia đình với tổng số tiền là 736.5 triệu đồng. ủy ban nhân dân tỉnh cũng hỗ trợ lương thực cho 7,365 người có nhà và tài sản bị trôi trong 2 tháng.
Sơn La nhận được tiền hỗ trợ tiền và hàng trị giá 6,7 tỷ đồng cho các gia đình có người bị nạn hoặc thiệt hại. Sau khi cấp 50 nhà bạt, bố trí chỗ ở tạm cho 1.360 người, Sơn La tiếp tục đề nghị được cấp thêm 100 nhà bạt.
Hòa Bình
Ðã có 1,800 người dân trở về nhà. Tỉnh đã chi 10 tỉ đồng để sửa chữa công trình công cộng. Hiện toàn tỉnh có 12 người chết và 2 người mất tích.
Nghệ An
Nhiều xã các huyện Thanh Chương, Ðô Lương, Nam Ðàn vẫn còn chìm sau trong nước. Riêng ở huyện Thanh Chương, đến chiều tối qua, gần 1,700 nhà dân vẫn bị ngập. Một số xã vẫn còn bị cô lập, nhiều nơi người dân không còn nước sạch để dùng, học sinh vẫn chưa thể đến trường. Tính đến chiều qua, Nghệ An có 25 người chết và 5 người mất tích. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An đã cấp 1.55 tỉ đồng cho các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Ðàn, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông để khắc phục hậu quả bão lũ. Quân đội đã dùng máy bay trực thăng chuyển 2 tấn mì tôm, 2 tấn gạo đến với đồng bào vùng lũ huyện Quế Phong. Lực lượng đang tiến hành sửa chữa các đường bị đất sạt, bùn lấp và đã thông xe được các tuyến quốc lộ 7, quốc lộ 48...
Hà Tĩnh
Theo ước tính, thiệt hại ở tâm bão Kỳ Anh lên tới hơn 360 tỉ đồng. Cùng với khoản hỗ trợ 300 triệu đồng của Sài Gòn và 5,000 tấm lợp của tỉnh Thừa Thiên-Huế, Kỳ Anh đã trích ngân sách hơn 100 triệu đồng và 19 tấn gạo giúp người dân ổn định cuộc sống. Ðồng thời, huyện cũng hướng dẫn dân chúng chuyển sang trồng ngô, khoai, rau để chống đói trước mắt.
Trong khi lũ các sông Bắc phần và Bắc Trung phần đang xuống (hầu hết đều ở dưới mức báo động 3) thì lũ trên các sông ở Nam bộ lại đang lên nhanh.
Theo Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương, mực nước sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Ngày 13 Tháng Mười, mực nước tại Tân Châu lên mức 3.8 mét (trên báo động 2 là 0.2 mét), tại Châu Ðốc lên mức 3.3 mét (dưới báo động 3 là 0.2 mét). Các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đang thảo chương trình cưu trợ
Trước hoàn cảnh đau thương của đồng bào bị lũ lụt và thiệt hại nặng nề về vật chất, nhà cửa, thiếu lương thực, Ban Lãnh Đạo Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam trong những ngày này đang bàn thảo một kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cho các vùng bị lũ do cơn bão số 5 gây ra.
Kế hoạch đang được đưa ra là sẽ cấp thời trích ngay ra một ngân khoản từ qũy của Liên Đoàn để giúp Ủy Ban Xã Hội Cứu Trợ thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có phương tiện đi cứu tế các vùng bị lũ không phân biệt tôn giáo. Tiếp theo sau là kế hoạch qui mô quyên giáo tại các giáo xứ và cộng đoàn Công giáo Việt Nam.
Hy vọng trong vài ngày tới Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, tân Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ -- sau khi hội ý với Ban Lãnh Đạo Liên Đoàn -- sẽ đưa ra ngay kế hoạch thực hiện việc cứu trợ, hầu các Cộng đoàn Công giáo và toàn thể đồng bào Việt nam tại Hoa Kỳ có thể đóng góp mỗi người một tay vào việc Cứu Trợ khẩn cấp cho biết bao nhiêu người đang bị cảnh màn trời chiếu đất, nhất là những nơi bị lũ nặng nề như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, v.v...
LM Trần Công Nghị