-
Senior Member
Câu chuyện về người mẹ lạc lòng - Nguyễn Ngọc Tư ( Truyện Ngắn )
Câu chuyện về người mẹ lạc lòng
Nguyễn Ngọc Tư
... Ngày ngày, Điền rủ chị đi giăng lưới, nhắp cá và tát những cái mương cạn. Cá ăn không hết, chị đem vô xóm bán và hãnh diện đưa cho cha vài mươi ngàn thừa sau khi đã sắm ít quần áo. Mắt chị nhìn cha đầy khiêu khích, “cuộc đeo đuổi vẫn còn dài, cưng à...”.
Chị đổ lì. Chị tìm mọi cách để sà vào cha. Một bữa chị bảo Điền xuống ghe ngủ với tôi, còn chị sẽ lên chòi. Đó là một đêm tối nhờ nhờ, trôi trên trời một mảnh trăng mỏng leo lét. Điền ngọ nguậy, xoay trở liên tục, nó kêu khó ngủ, đòi nghe tôi hát, bài gì cũng được.
Nhưng Điền vẫn thao thức, dường như giọng hát tôi không át được tiếng sột soạt rạo rực trong cái chòi nhỏ trên bờ. Điền chê ngủ ghe chòng chành quá chừng. Tôi biết lòng nó đang chao.
Điền có những ngày bối rối. Nó hay hỏi tôi: “Người ta thương mẹ ra làm sao?”. Mặt nó dãn ra, khi biết cây kẹp tóc, trái dừa tươi hay con cá thác lác... mà nó dành cho chị cũng giống hệt như người ta vẫn thường cho mẹ.
Và niềm nhớ lúc đi xa, nỗi khao khát được nằm gần, được dụi mũi mình vào da thịt người đó... cũng tự nhiên như ý nghĩ bình thường nhất của những đứa con. Nhưng những nghi hoặc vẫn loay hoay trong mắt Điền, và nó quyết định chịu đựng một mình, khám phá một mình. Thí dụ như đêm nay, cái gì khiến tim ta đau nhói, cái gì làm cho ta cảm thấy giận dữ, nặng nề?
Khi tôi thức dậy, Điền đã mệt mỏi thiếp đi, nó nằm co quắp, hai tay kẹp giữa đùi, mặt buồn như phủ một lớp sương giá. Chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai. Sự ưng ý, mãn nguyện lấp lánh trên khóe mắt. Khuôn mặt chị tràn ngập ánh sáng, như chị vừa mở ra một cánh cửa mặt trời. Có một con đường nào đó trải dài trước chị. Chị cười, bảo:
- Hồi hôm sương nhiều ghê, nó nhiễu lên mặt chị hoài, nhột gần chết.
Rồi chị giành nấu cơm. Chị xắn tay áo lên hì hụi thổi lửa, đầu tóc xấp xãi dính đầy vẩy cá. Trông chị như bà vợ tảo tần. Hình ảnh ấy làm tôi ứa nước mắt, nhưng cha tôi chỉ lạt lẽo nhếch cười. Vì cái cười đó mà tôi ứa nước mắt thêm lần nữa.
Cha đưa chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt: “Tôi trả cho hồi hôm...”. Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt. Chị nhét tiền vào trong áo ngực, cười: “Trời ơi, ba mấy cưng sộp quá chừng”.
Điền và tôi rủ chị đi câu (chúng tôi cho là chị buồn, dù chuyện đó khá tức cười, làm điếm được trả tiền mà buồn nỗi gì). Suốt buổi, không dính con cá nào, chị nói: “Mắc cười quá, tới mấy con cá quỉ này còn chê chị”. Câu nói nghe tỉnh bơ, bâng quơ mà tủi vô phương. Điền lặng bắt con cá rô lội xuống mương, lặn sâu, móc cá vô lưỡi câu của chị. Lúc nó trồi đầu lên thì đã thấy chị cười.
Trưa ấy chúng tôi trầm nghịch dưới nước rất lâu. Chị cười nôn khi thấy bùn bám dưới mũi tôi xám xanh như bộ râu củ ấu. Tự dưng nét mặt chị bỗng âu yếm lạ, như đang nựng nịu một đứa bé con và thằng em trai 17 tuổi của tôi đứng đực ra, chết lặng trong nỗi ngượng ngùng. Nước cồn cào chỗ bụng nó, tôi biết chị đang táo tợn làm gì đó phía dưới. Rồi phát hiện ra một mất mát lớn lao, chị thảng thốt kêu lên:
- Trời đất ơi, sao vầy nè, cưng?
Chị toàn hỏi những câu hỏi khó. Chỉ nghe thôi đã đau, nói chi trả lời. Thí dụ như có lần chị hỏi: “Má mấy cưng đâu?”, “Nhà mấy cưng ở chỗ nào?”, thằng Điền đổ quạu:
- Biết chết liền!
oOo
Những chiều ghe chúng tôi đi ngang qua những người đàn bà ngồi giặt giũ dưới bến sông, tôi hay hỏi lòng, có phải tôi vừa ngang qua má đó không. Tôi cố giữ trong lòng hình ảnh má nhưng rồi ngày càng tuyệt vọng khi thấy nó nhạt nhòa dần, cứ nghĩ mai này gặp lại mà không nhận ra nhau, lòng nghe buồn thiệt buồn.
Má tôi hay mang xoong chảo ra bực sông chùi lọ nghẹ, sẵn đón ghe hàng bông mua ít rau cải tươi và bán lại những quày chuối chín bói trong vườn. Dần dần, buổi chiều, đám thương hồ hay lại neo ghe chỗ mấy cây mấm trước nhà. Một người bảo không sao xa được người đàn bà có cái cười làm lấp lánh cả khúc sông. Má tôi nguýt dài:
- Dóc...
Người đàn ông cười hề hề, thề: “Tôi nói láo cô Hai cho xe đụng chết ngắc” (ngay lập tức, Điền thì thầm, “thằng chả ở dưới ghe kiếm đâu ra chiếc xe, nói dóc...”, và bằng cái vẻ ác cảm lạ lùng, thằng Điền biểu tôi nhìn khuôn mặt và tấm lưng trần chi chít những nốt ruồi của ông ta, bảo: “Tại hồi đó má ổng mới sinh ổng ra quên lấy lồng bàn đậy, nên ruồi bu tùm lum”).
Cho dù người đàn ông ấy có quá nhiều nốt ruồi, cho dù chẳng cao ráo, đầu ít tóc... nhưng với chiếc ghe chở đầy vải vóc, những người đàn bà lam lũ quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ đều trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi, thấy mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hót bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. Cả đời, cái bồ lúa luôn làm lòng họ đau đáu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gả chồng cho con cái.
Bồ lúa nhà tôi đã cạn từ sau tết. Điều đó làm má tôi hơi buồn, nhưng người bán vải xăng xái bảo: “Cô Hai cứ coi đi, không mua cũng được - rồi ông ta sửng sốt khi thấy má rạo rực khi ướm thử những khúc vải rực rỡ lên người - Chèn ơi, coi nó bình thường vậy mà khoác lên mình cô Hai lại thấy sang quá trời”. Má bỗng nhiên thắc thỏm:
- Dóc...
Tôi chưa bao giờ thấy cái màu đỏ lạ lùng ấy. Đỏ hơn bông bụp ngoài sân, đỏ hơn máu. Má ngó chúng tôi, hỏi: “Gì mà nhìn trân trân vậy hai đứa?”. Tôi nói: “Má lạ quá hà, nhìn không ra”. Má mừng quýnh: “Thiệt hả?”. Tôi muốn khóc quá chừng, má con xa lạ với nhau mà sao lại mừng?
Một bữa tôi chiêm bao, chẳng đầu chẳng cuối gì, chỉ thấy vía má giãy giụa trong tấm vải đỏ lạ lùng kia nhưng nó thít chặt, riết lấy, siết dần cho tới khi má thành một con bướm nhỏ, chấp chới bay về phía mặt trời. Giật mình thức dậy mới hay mình ngủ quên trong kẹt bồ lúa, con chó Phèn ngoài hè nôn nóng cào đất rột rẹt chỗ cái lỗ chui (chắc má tưởng hai chị em tôi đi chơi nên chốt cửa trước cửa sau mất rồi). Mà Điền ngồi ém ngay đó, lì ra, không cục cựa, mình nó mướt mồ hôi, không có vẻ gì là nó đang khóc, nhưng nước mắt chảy ròng ròng. Tôi ôm đầu nó, giấu ánh nhìn của nó vào ngực mình.
Đứa 10 tuổi quay lưng lại, đứa 9 tuổi úp mặt vô áo chị nó, nhưng cả hai vẫn như thấy rõ ràng, trên chiếc giường tre quen thuộc, má oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi. Họ cấu víu. Vật vã. Rên xiết.
Đó là hình ảnh ấn tượng cuối cùng của má tôi trên nền một cái nhà nhỏ, đằng trước có bộ bàn chữ U, bộ vạt tre, rồi đến một cái bồ lúa nhỏ dựng gần giường ngủ, và gian bếp thấp. Quanh hè, dài theo những lối đi ra vườn, ra bến là những cục đá tảng, những thân dừa chẻ hai, cha tôi đã hì hục lót để suốt một mùa mưa, chân má tôi không bị dính sình bùn.
Suốt nhiều năm sau đó, tôi không dám nhớ má, bởi ngay vừa khi nghĩ đến má, ngay lập tức hình ảnh ấy hiện ra. Theo đó là rực rỡ trên da thịt màu vải má tôi vừa đổi được (không phải bằng tiền, hay lúa). Mà, đáng lẽ phải nhớ tới khúc má nằm võng hát đưa mình ngủ ấy, hay đoạn má ngồi giặt áo bên hè, hay má cúi đầu giữa vầng khói mơ màng, thổi lửa bếp ung...
Má có rất nhiều hình ảnh đẹp, và cả khuôn mặt lo lắng của má khi chiều ấy vẫn còn đẹp, nhìn thấy nước mắt không ngừng tuôn rơi trên mặt thằng Điền, má thảng thốt hỏi: “Mèn ơi, mắt con sao vậy?”. Tôi trả lời, day day chậm rãi: “Chắc tại nó nhìn thấy chuyện bậy đó, má. Trưa nay nó ngủ kẹt bồ lúa”. Má chết lặng nhìn tôi, cái nhìn như lịm đi trên khuôn mặt đẹp não nề. Không thể giải thích vì sao tôi lại hể hả.
Và tôi luôn nghĩ rằng chính vì câu nói đó mà má tôi ra đi.
Tôi chạy qua nhà hàng xóm, nói với thím Tư rằng má đi mất tiêu rồi...
Sáng sau, thím đi chợ, tới bến tàu, cho hay: “Vợ Út Vũ bỏ nhà. Theo trai”. Ông chủ chiếc đò chạy tuyến Hưng Khánh nói lại với mấy bà bạn hàng, và chiều lại cha tôi mới nhận được lời nhắn ấy khi đang lên đòn dông cho một ngôi nhà gần chợ Hội. Nghe nói cha tôi còn cười, giọng ra vẻ giận: “Bộ hết chuyện giỡn rồi sao, cha nội?”. Có vẻ khó tin, khi một người nghĩ rằng, chỉ cần mình hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Có vẻ buồn cười... Và cha tuột xuống đất, run rẩy...
Quãng hành trình về nhà có vẻ rất dài và khắc nghiệt, nó vắt kiệt cha tôi. Cha cười cay đắng, khi thấy quần áo má còn treo trong nhà, còn cả cái khăn tắm và đôi dép Lào cũ, như thể má đang chơi bên xóm, chỉ cần thằng Điền kêu má sẽ xấp xãi chạy về, mừng húm hỏi: “Đi chuyến này nữa là đủ tiền mua tivi màu, phải hôn anh?”.
Coi kỹ thì má không đem theo gì. Chi tiết đó làm đau lòng người ở lại, nó cho thấy người đi đã chẳng suy nghĩ, đắn đo, đã không một chút trù trừ, chỉ rũ mình cái rột, sạch trơn, vậy thôi.
Cha đem tất cả đồ đạc của má ra đốt. Khói bay mù mịt trong nhà, mùi vải, mùi nhựa cháy khét lẹt, những cái áo hồng áo tím rúm ró lại, chảy thành những giọt tro. Cha nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực lên, ngây ngất vì một ý nghĩ mới lạ.
Chúng tôi dong ghe đi, quặn lòng ngoái lại căn nhà đang quay quắt giãy giụa trong lửa đỏ.
...Kể nhiều chuyện như vậy là để trả lời chị, nhà tôi, má tôi, rốt cuộc đã trở thành tro bụi mất rồi. Nên khi hết mùa lúa chín, những người nuôi vịt chạy đồng khác đã trở về nhà còn chúng tôi lại tiếp tục lang thang.
Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Đôi khi không hẳn vì cuộc sống, chúng là cái cớ để chúng tôi sống đời du mục, tới những chỗ vắng người. Ở đó, ít ai phát hiện ra sự khác thường của gia đình tôi, và ít hỏi cái câu: “Má mấy đứa nhỏ đâu?”. Để cha phải buộc lòng nói: “Chết rồi!” và cười lạt khi nghe người nào đó kêu lên: “Mèn ơi, tội hai đứa nhỏ hôn”.
Từ tốn và nhỏ nhẹ, nỗi đau con trẻ đang từng lát cứa vào lòng người đọc. Nỗi đau như càng thúc mạnh khi trước mắt chính người cha ruột thịt, chúng chỉ còn là con của một người mẹ bạc lòng.
Theo từng chặng dừng chân của người đàn ông bị phụ tình, những điềm chẳng lành đang rình rập. Không chỉ với những đứa con…
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules