THÔNG ĐẠT VÀ TRANH CHẤP TRONG HÔN NHÂN

Trong hôn nhân, ta thấy cả hai bộ mặt mời mọc và thách đố của sự thân mật. Các khuôn mẫu hàng ngày trong cuộc sống của ta như cùng sống chung, cùng làm việc, cùng ngủ nghỉ với nhau, thẩy đều là bản thể của sự thân mật. Chính trong những khuôn khổ ấy, ta thấy ta như được tôi luyện để mỗi ngày một nên tốt hơn trong việc “gần gũi” nhau. Để sống tốt những khuôn mẫu “gần gũi” của hôn nhân này, ta cần có những tài nguyên phong phú của một đời trưởng thành tâm lý: một cảm thức biết mình là ai, một cởi mở đối với người khác, một khả năng biết cam kết, một khoan dung đối với những điều khó hiểu có thể có trong tôi và trong người khác.

Nhưng những nguồn tài nguyên ấy không thôi vẫn chưa đủ. Vì các khả năng thân mật cần được diễn tả ra ngoài bằng những tác phong cụ thể. Trong diễn trình cho và nhận của cuộc sống chung, ta cần phải có khả năng triển khai được một lối sống mang lại thỏa mãn cho nhau. Niềm khát khao được gần gũi nhau của ta cần được phát biểu qua cách thế ta cư xử với nhau hàng ngày. Quả là điều khích lệ khi biết ra rằng nhờ lấy được nhau mà mỗi ngày ta một tốt hơn lên. Mỗi ngày ta một học được những cách thế thoả đáng hơn để sống bên nhau; mỗi ngày một học được cách thế hữu hiệu hơn để cho đi và tiếp nhận lại sự hiến thân vốn là cốt lõi của tình yêu phu phụ. Và trong số những tài nguyên quí giá nhất làm tăng trưởng cuộc sống hôn nhân ta thấy có những kĩ năng giúp ta sống thân mật.

Những Kĩ Năng Sống Thân Mật Trong hai thập niên qua, người ta chú tâm nhiều đến tâm lý học và những khoa học khác giúp ta hiểu tốt hơn những vấn đề đang xẩy ra cho việc thông đạt giữa con người với nhau. Kết quả là ngày nay, ta ý thức rõ hơn điều gì giúp ta và điều gì cản trở ta hiểu nhau trong các mối liên hệ gần gũi. Các giá trị và các thái độ là những điều quan trọng giúp ta sống gần gũi người khác, nhưng tác phong của ta còn đặc biệt quan trọng hơn thế. Có những cách khéo léo, nghĩa là hữu hiệu, để ta sống và đối xử với người khác. Những kĩ năng đối nhân đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống thân mật của hôn nhân bao gồm tương cảm (empathy), tự bộc lộ (self disclosure) và sẵn sàng đối mặt (confrontation). Mỗi kĩ năng ấy đều bao hàm nhiều thái độ và tác phong; và kĩ năng nào cũng góp phần đáng kể vào việc duy trì cuộc sống hôn nhân cho đến mãn đời.

Tương Cảm

Tương cảm giúp tôi hiểu người khác từ bên trong cái khung qui chiếu của chính họ. Nó bắt đầu bằng thái độ cởi mở khiến anh gạt qua một bên những ưu tư của chính anh để anh có thể hướng trọn về em. Nhưng sự cởi mở căn bản ấy không phải lúc nào cũng đầy đủ. Khả năng tương cảm của anh còn phải được tăng tiến bằng cách khai triển ra hàng loạt những kĩ năng thuộc tác phong. Thế người của anh phải làm sao cho em chấp nhận được, anh phải lắng nghe làm sao cho chăm chú, nhắc lại câu em nói làm sao cho ý nhị. Mỗi kĩ năng ấy đều góp phần làm cho sự hiện diện của anh bên em trở nên kiến hiệu.

Thế người của anh có thể cho em rõ em là ai đối với anh và anh coi câu chuyện của em có giá hay không có giá ra sao. Nếu anh tỏ ra lơ đãng hay cáu kỉnh, cứ thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ hay vội vàng đi nhận cú điện thoại người ta gọi tới, chắc chắn anh sẽ cho em cái cảm tưởng rằng em chả quan trọng gì lắm đối với anh lúc này. Giữa khung cảnh sống vội vã bận bịu của vợ chồng ngày nay, ta phải lo liệu sao để có được những thế người chứng tỏ ta đang hiện diên bên nhau: dành thì giờ để ngồi chuyện vãn với nhau, tìm cách dành cho nhau những chăm chú không phân sẻ, học cách biết lúc nào nên trì hoãn các ưu tư cá nhân, biết “ngưng mọi sự” lại để bàn đến một vấn đề chung nào đó ngay lúc này.

Học cách biết lắng nghe nhau có thể coi là kĩ năng quan trọng nhất trong đời sống hôn nhân của ta. Lắng nghe là nghe một cách tích cực, chú ý tới toàn diện khung cảnh của điều người nói muốn nhắn nhe: cả lời nói lẫn lúc im lặng, cả xúc cảm lẫn ý tưởng, mọi điều xẩy ra trong câu chuyện đang diễn ra. Nghe là phải chú ý: mà chú ý là một thái độ tiếp nhận chứ không thụ động. Nếu anh không biết chú ý, khó lòng anh có thể nghe được; nếu anh không biết lắng nghe, khó lòng anh có thể hiểu và trả lời em cách hữu hiệu được. Các kĩ năng trong việc lắng nghe chính là các tác phong giúp anh có thể thu nhận được trọn vẹn điều em muốn nhắn gửi. Các kĩ năng này gồm việc anh phải tỉnh táo thu nhận được cả lời em nói lẫn các sắc thái (nuances) của chúng nữa. Nhưng quan trọng không kém và còn có khi quan trọng hơn nữa là những yếu tố không lời kèm theo lời em nói. Như âm sắc của em, các điệu bộ của em, thời điểm em nói ra, cảm xúc tính trong lời em nói. Những điều ấy có khi còn cho anh thấy nhiều hơn lời nói giữa chúng mình. Như thế, nghe một cách tích cực đòi ta phải chú ý tới nội dung, tới cảm quan và tới khung cảnh của câu chuyện.

Nhắc lại lời người khác nói một cách ý nhị cũng là một kĩ năng của tương cảm. Anh chứng tỏ với em là anh hiểu em bằng cách nhắc lại với em những điều chính yếu em muốn nhắn gửi. Nhắc lại (paraphrase) không phải chỉ là máy móc lặp lại như “con vẹt” những điều em vừa nói. Đúng hơn, anh muốn chứng tỏ rằng anh đang thực sự nghe em, rằng anh đang hiện diện không phải chỉ với lời em nói mà còn là với ý nghĩa sâu xa của chúng đối với em. Anh tiến xa hơn việc chỉ đơn thuần bảo đảm rằng “anh đã hiểu” bằng cách nói với em là anh đã hiểu gì. Nhờ thế em có thể chắc mẩm là anh đã thực sự hiểu em, hay minh xác điều em muốn nhắn gửi giúp anh hiểu em chính xác hơn. Trong cả hai trường hợp ấy, anh muốn cho em hay anh coi trọng em và coi trọng điều em muốn nói. Điều quan trọng đối với anh là hiểu được điều em nói và chính em là người anh chạy tới để coi xem anh có thực sự hiểu em hay không.

Như thế, tương cảm là khả năng anh hiểu được các ý nghĩ của em, các cảm quan cũng như các giá trị của em ngay bên trong cái khung qui chiếu của chính em. Mục tiêu của tương cảm là hiểu nhau; như thế, nó đi trước phán đoán lượng giá. Tương cảm không có nghĩa là anh phải luôn đồng ý với em; nó không đòi anh phải nhận các quan điểm của em làm quan điểm của anh hay là coi chúng là những quan điểm “tốt nhất” đối với em. Rất có thể anh phải lượng giá các ý tưởng của em. Rất có thể chúng mình phải thảo luận và thương lượng trước khi đạt tới một quyết định chung mà hai đứa cùng chia sẻ. Nhưng những việc lượng giá và phán đoán ấy sẽ đến sau. Mục tiêu trước nhất của anh là hiểu được em một cách chính xác và điều em muốn nói với anh đã. Phán đoán và quyết định không hẳn là điều phụ thuộc trong cuộc đối thoại của chúng mình nhưng chúng đến sau việc chúng mình hiểu nhau cách chính xác.

Tương cảm là khả năng thực tiễn giúp ta hiện diện với người khác. Thực hiện nó đòi phải có kỉ luật: nếu tôi lơ đãng vì mỏi mệt hay căng thẳng vì sợ sệt, không tài nào tôi có thể hiện diện với người phối ngẫu của tôi được. Với tư cách một tác phong nhân đức, tương cảm đòi tôi phải có một cảm thức (khá) mạnh về chính bản sắc và ơn gọi của chính tôi. Tôi không cần phải bênh đỡ chính tôi: khi biết được mình và thoải mái với chính bản sắc mình, tôi có thể dành trọn chú tâm của tôi cho người khác. Tương cảm vì thế chính là chất liệu tạo ra sự thân mật. Nếu không có một chút kĩ năng, một chút nhân đức ở đây, khó lòng tôi có thể bộc lộ được tình yêu đối với người bạn đời của mình. Sau cùng, nói đến tương cảm như một kĩ năng và một nhân đức là nhắc ta nhớ lại một lần nữa rằng ta có thể mỗi ngày một trở nên tốt hơn về phương diện đó. Một linh đạo hay một nền tu đức về hôn nhân muốn là Kitô giáo thực sự phải bao hàm những cố gắng trên để tập cho được cách hiện diện hữu hiệu hơn đối với những người ta yêu thương nhất đời.

Tự Bộc Lộ

Tư thế cởi mở của tương cảm đã giúp rất nhiều trong việc tăng tiến thông đạt giữa vợ chồng. Nhưng thông đạt bao gồm nhiều việc hơn là tiếp nhận. Vì cùng với việc nghe, tôi còn phải có khả năng nói nữa; cùng với việc hiểu nhau, tôi còn phải có khả năng biết dẫn khởi câu chuyện (initiate) nữa. Như thế, việc tự bộc lộ mình ra đã trở thành một kĩ năng chủ yếu của thân mật. Để có thể chia sẻ con người của anh với em, anh phải có khả năng thắng vượt được sự ngần ngại do sợ sệt, hay do nghi ngờ hoặc mắc cỡ tạo nên. Nhưng một khi đã vượt qua những trở ngại này, anh còn phải có khả năng hành xử sao cho em có thể đi vào chính tâm trí anh bằng cách nào đó xứng hợp với chính anh và mối liên hệ giữa chúng mình với nhau. Việc tự bộc lộ sao cho thỏa đáng có thể khá phức tạp. Nhưng anh đâu có bị giới hạn vào mức độ thành công nhất thời hiện nay. Anh có thể trở nên khéo léo hơn, tập được những cách thế hữu hiệu hơn để phát biểu cho em thấy các giá trị và các nhu cầu, các ý niệm và các cảm quan của anh. Tự bộc lộ bắt đầu với việc tự ý thức về chính mình. Tôi phải biết điều tôi đang cảm nghiệm, đang suy nghĩ, đang cảm nhận, đang cần, đang muốn làm. Cái biết đó khó lòng có thể đầy đủ và trọn vẹn; tuy nhiên, không chịu nói cho đến lúc tôi hoàn toàn chắc chắn về chính mình có thể là cái bẫy trong thông đạt. Tự ý thức về chính mình đúng hơn là một khả năng biết mình đang ở đâu vào chính lúc này và vươn tới được những dữ liệu đặc sệt và mờ mờ nhân ảnh về chính cuộc đời tôi. Ngoài việc ý thức được các hiểu biết, các nhu cầu và các mục đích riêng của tôi, tôi còn phải biết quí trọng chúng nữa. Điều này không nhất thiết có nghĩa là tôi phải coi chúng như tuyệt hảo. Đúng hơn điều ấy có nghĩa là tôi phải nghiêm chỉnh coi chúng đáng được tôi lẫn người khác xem sét và kính trọng. Nói cách khác, các cảm quan, các nhận thức của tôi về chính tôi và về thế giới thẩy đều có giá trị và đều quan trọng cả. Khi tự mình biết quí trọng chúng, tôi đã góp phần làm cho người khác cũng có thể biết quí trọng chúng nữa. Đã đành các nhu cầu và các mục tiêu của tôi chỉ hiện diện trong bối cảnh các nhu cầu và mục tiêu của người khác. Nhưng nguyên niềm xác tín rằng các ý nghĩ cũng như các mục tiêu của tôi có giá trị mà thôi cũng đủ là nền tảng cho việc tự bộc lộ chín chắn của mình rồi.

Một kĩ năng quan trọng trong nghệ thuật tự bộc lộ là việc có thể nói một cách cụ thể. Tôi phải có khả năng nói “tôi” để nhìn nhận các ý nghĩ và các cảm quan của chính mình. Việc tự bộc lộ có thể tan biến nếu người ta cứ vòng vo tam quốc nói về “hầu hết người ta”, “ai cũng biết...” thay vì nói “tôi nghĩ rằng...”; nói về “hầu hết ai cũng muốn...” thay vì nói “tôi muốn...”; nói về “người ta khó khăn lắm mới” thay vì nói: “tôi khó mà...”. Ngoài việc sẵn sàng “sở hữu” những điều mình cảm nghiệm, tôi còn phải học để đưa ra được những chi tiết đặc thù trong các hành động và xúc cảm của mình. Thí dụ để anh có thể chia sẻ với em trong cuộc sống hôn nhân của vợ chồng mình, anh cần phải có một tập hợp ngữ vựng nhiều sắc thái về cảm quan, một thứ ngữ vựng đi xa hơn kiểu nói “anh thấy dễ chịu” hoặc “anh thấy khó chịu”. Khi nói với em “anh thấy dễ chịu” đã đành là anh đã cho em biết những điều quan trọng về anh, nhưng đâu có bao nhiêu. (Anh cần phải cho em hay) điều ấy có nghĩa gì với anh? Anh thấy dễ chịu vì anh cảm thấy tự tin, được âu yếm hay là cảm thấy phấn chấn về thể lý? Nó là hiệu quả do việc anh làm hay do việc người ta làm cho anh? Đối với anh, em có góp phần vào cảm quan dễ chịu đó hay chỉ là tình cờ phụ thuộc? Việc tự bộc lộ sẽ trở nên cụ thể khi tôi biết đặt tên chính xác cho các cảm quan của mình cũng như khi tôi biết diễn tả các biến cố và các hành động tạo thành các biến cố đó đối với tôi.

Sẵn Sàng Đối Mặt

Sẵn sàng đối mặt cũng góp phần chủ yếu tạo nên tình thân mật trong hôn nhân. Đối với phần lớn trong chúng ta, hạn từ “đối mặt” thường có nghĩa là kình chống tranh chấp. Và như sẽ thấy sau đây, khả năng giải quyết khéo léo các tranh chấp giữa anh và em quả là một kĩ năng hết sức quan trọng trong hôn nhân. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi sử dụng từ “đối mặt” với nghĩa rộng rãi hơn nghĩa tranh chấp vốn có tính tiêu cực. Sẵn sàng đối mặt bao hàm khả năng tâm lý biết cung ứng (và tiếp nhận) những dữ liệu có ý nghĩa về phương diện cảm xúc với thái độ dẫn đến khám phá thêm chứ không phải chống chế. Phần lớn những dữ liệu quan trọng về cảm xúc có tính tích cực hơn là tiêu cực. Khi nói “anh yêu em”, anh muốn chia sẻ với em một dữ liệu quan trọng về cảm xúc. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã biết thế nào là đối mặt khi khám phá ra người khác yêu mình. Cũng vậy, khen ngợi là chia sẻ một dữ liệu quan trọng về xúc cảm, nhưng không ít người đã chống chế không chấp nhận lời khen ấy chẳng kém gì những người hùng hồn chống lại những lời tố giác lên án mình. Nhưng trong hôn nhân, phần lớn những đối mặt sở dĩ trở nên cần thiết và khó xử là vì ta phải chia sẻ những dữ liệu tiêu cực với người bạn đời của mình. Những dữ liệu ấy có thể là những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày mà ta phải đương đầu như việc sử dụng xe, tiền trong sổ ngân hàng, kế hoạch nghỉ hè năm tới. Cũng có thể là những vấn đề tế nhị hơn như cách răn dạy con cái, ảnh hưởng của cha mẹ đôi bên vào việc riêng của hai vợ chồng, cuộc sống ân ái thoải mái ra sao.

Kĩ năng đối mặt là các tác phong giúp ta có thể chia sẻ những dữ liệu quan trọng về xúc cảm trong các thí dụ trên cách thế nào khiến chúng ta cùng nhau tìm ra các khó khăn giữa chúng ta với nhau chứ không khiến chúng ta lo chống chế lẫn nhau. Tôi sẽ cải thiện được khả năng đối mặt hữu hiệu của tôi khi tôi có khả năng nói theo lối diễn tả chứ không theo lối phê phán. Khi nói với em rằng anh lỡ cuộc họp vì em về trễ là anh đang diễn tả (một sự việc); nhưng kêu em là đồ ích kỷ và chẳng biết nghĩ gì là anh đang phê phán (con người em). Dù cả hai đều có thể khó nghe đối với em, nhưng cách thứ hai dễ leo thang thành cãi cọ hơn cách kia. Như chúng tôi đã ghi nhận trên đây, phê phán là điều không lạ lẫm gì trong hôn nhân, nhưng phê phán một cách vội vã chắc chắn sẽ dập tắt diễn trình khám phá và hiểu biết lẫn nhau. Rất có thể có những hoàn cảnh giảm khinh khiến em phải về trễ; cũng có thể em đã hối hận thực sự khi em gây phiền cho anh và muốn làm một cái gì đó để đền bù. Nhưng nếu anh tấn công và cho em là đồ ích kỉ chắc chắn anh sẽ đóng cửa rút cầu không cho em cơ hội có những phản ứng tích cực như vậy. Ngược lại, điều ấy có thể sẽ khiến em chống chế bằng cách tố anh ích kỉ không kém hoặc bằng cách giận hờn bỏ đi. Cả hai trường hợp, sự thông đạt giữa vợ chồng mình chẳng tiến được chút nào.

Cũng còn nhiều tác phong khác có thể khiến việc thông đạt của chúng ta kiến hiệu hơn, nghĩa là đẩy xa việc đối thoại giữa chúng ta với nhau. Như khả năng biết chấp nhận các cảm xúc giận dữ ngay trong anh và ngay trong em và khả năng biết tỏ lòng kính trọng em ngay cả khi anh không đồng ý với em hoặc thách thức quan điểm của em. Những kĩ năng đó đặc biệt trở nên quan trọng trong việc xử lý các tranh chấp trong hôn nhân. Tranh Chấp và Yêu Thương Tranh chấp là một khía cạnh trong hôn nhân Kitô giáo từng bị thuật ngôn từ hoa mỹ của ta làm ra méo mó. Trong các nghi thức và trong các bài giảng về hôn nhân, thường thường người ta hay chú trọng tới những hình ảnh hiệp nhất, bình an và hân hoan. Đã đành những hình ảnh về cuộc sống chung trong hôn nhân Kitô giáo ấy rất quan trọng và đúng sự thật, nhưng khá phiến diện. Vì một khi, trong tư cách một cộng đồng những người biết tin, mà ta lại không chịu nói một cách cụ thể đến những kinh nghiệm khó hiểu hơn trong hôn nhân như các kinh nghiệm giận dữ, thất vọng, hiểu lầm, ta sẽ làm nhiều cặp vợ chồng thất vọng vì có cảm tưởng là cuộc hôn nhân của họ sai lầm.

Đã đành, tranh chấp và thù nghịch không phải là mục tiêu của hôn nhân. Nhưng cả hai đều không phải là những dấu chỉ cho thấy cuộc hôn nhân của bọn mình đang bị “đá đụng đắm” (on the rocks). Tranh chấp là một thành tố thông thường và năng gặp thấy trong bất cứ liên hệ nào, dù liên hệ ấy là hôn nhân, là đoàn nhóm hay là bằng hữu, nghĩa là bất cứ liên hệ nào đem người ta lại “gần gũi” với nhau, khiến họ phải can dự vào trên bình diện các giá trị và các nhu cầu quan yếu. Thách đố trong các mối liên hệ ấy không phải là làm ngơ đối với các dấu hiệu của tranh chấp hoặc, tệ hơn, là không chịu nhìn nhận rằng giữa chúng mình đang có tranh chấp. Đúng hơn, ta phải học cách biết nhận ra những khu vực có thể có tranh chấp đối với bọn mình và đối phó với các vấn đề và các cảm quan sao cho mối liên kết giữa bọn mình với nhau được củng cố thêm chứ không bị phá hủy.

Tranh Chấp Là Chuyện Thông Thường

Tranh chấp là chuyện thông thường trong các trao đổi liên bản ngã; nó là một biến cố người ta sẵn sàng chờ đợi (expectable) trong lối sống thân mật của hôn nhân. Bất cứ khi nào người ta tìm về với nhau lâu dài, đặc biệt khi có những vấn đề quan trọng can dự vào, họ đều biết rằng một ngày nào đó thế nào cũng sẽ có những dị biệt xẩy ra giữa họ với nhau. Đôi lúc những dị biệt ấy được người ta ghi nhận một cách thích thú. Nhưng phần nhiều chúng đem đến bất đồng, hiểu lầm và phân hóa. Chính ở đây, kinh nghiệm tranh chấp khởi sự.

Hôn nhân can dự tới ta trên bình diện những giá trị và những nhu cầu quan yếu nhất. Cảm thức về bản sắc tôi, về các xác tín của tôi, về các ý tưởng và các lý tưởng của tôi, những điều tôi kỳ vọng thực hiện được trong đời, khi bước vào hôn nhân, thẩy đều bị mở tung ra để được nhìn nhận, hay bị thách thức và phải thay đổi. Thêm vào đó, mỗi cuộc hôn nhân đều là một kiểu thức phức tạp của hoạt động và hoài mong hỗ tương. Ta phải triển khai lấy cách riêng của ta để mà sống với nhau và sống cách nhau; ta phải tự hiểu ra điều mà mỗi người chúng ta cho đi và nhận lại được trong mối liên hệ này. Diễn trình triển khai các kiểu thức hôn nhân ấy là một diễn trình kéo dài. Trong cái quãng dài ấy, có lúc ta sẽ có được sự vững ổn tương đối khi nhịp điệu cuộc sống bên nhau tỏ ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng cũng có những lúc đòi ta phải thích ứng và thay đổi đáng kể. Diễn trình hôn nhân luôn luôn bao hàm một thăm dò liên tục, một thất bại làm lại khôn nguôi, nếu ta chịu học hỏi mỗi ngày một hơn về chính ta và về người bạn đời của mình. Chính những kinh nghiệm thông thường và không thể tránh được trong thách đố bản thân và trong sự thay đổi hỗ tương ấy đã đem lại môi trường cho tranh chấp.

Tranh chấp là một đáp ứng trước khác biệt hay chênh lệch. “Sự việc chẳng như mình chờ đợi hay mong muốn”. Trong tranh chấp liên bản vị, người khác, một cách nào đó, bị coi là có can dự hoặc chịu trách nhiệm về sự khác biệt hoặc chênh lệch kia. “Anh đâu có như em mong đợi; lỗi tại anh nên sự việc mới không được như lòng em mong muốn”. Hôn nhân đem chúng mình lại với nhau theo rất nhiều phương cách, như bạn bè và người yêu, như cha mẹ và những gia chủ, để hợp tác và ganh đua, trong các quyết định thực tiễn về tiền bạc và thì giờ. Những vấn đề chồng chéo lên nhau ấy đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội để thoả mãn hoặc không thỏa mãn những hoài mong của nhau. Như thế, khác biệt và tranh chấp là điều ta có thể dự đoán được.

Dửng Dưng Nguy Hiểm Hơn Tranh Chấp

Việc có thể dự đoán được những tranh chấp trong hôn nhân ấy không hề khiến ta phải lo âu. Tranh chấp không “hẳn là xấu”. Hiệu quả của nó trên sự thân mật không phải chỉ nguyên tuyền và nhất thiết là có hại. Như phần lớn những nhà huấn đạo về hôn nhân đã biết, tranh chấp thường chỉ là dấu hiệu cho thấy một liên hệ đang khỏe hay đang có bệnh mà thôi. Sự hiện diện của tranh chấp cho thấy ta đang gặp một vấn đề mà cả hai cùng cho là có giá trị. Như thế, tranh chấp cho thấy mối liên hệ của ta đang có sức sống. Cái nguồn năng lực ấy cần được khai thác; chứ đâu có luôn luôn chống lại ta. Một cuộc hôn nhân trong đó chả có chi quan trọng khiến phải tranh đấu với nhau vì nó là một cuộc hôn nhân rất dễ chết yểu hơn một cuộc hôn nhân trong đó có tranh luận. Đối với sự thân mật, dửng dưng là kẻ thù nguy hiểm hơn tranh chấp. Nhiều người trong chúng ta lớn lên lầm tưởng rằng tình yêu phải không đi đôi với tranh chấp, tình yêu và tranh chấp tự loại bỏ nhau. Cái quan niệm lãng mạn về tình yêu ấy đi ngược lại kinh nghiệm căng thẳng của chúng ta về chính cuộc hôn nhân của mình. Chúng ta ai cũng ý thức rằng trong mối liên hệ của mình, tranh chấp quả có sức năng động mạnh mẽ, một sức mạnh tạo nên những hiệu quả khôn lường. Đối với phần lớn chúng ta, chúng ta chỉ biết đến và đâm ra sợ những hiệu quả tiêu cực. Ta cảm thấy khó chịu vì tranh chấp và dường như nó chỉ đem lại điều xấu. Sống trong tranh chấp dường như là rời xa khỏi thân mật. Anh thì tức giận hoặc chạm tự ái, em thì thấy em bị rẫy bỏ hoặc tủi hờn. Và những kinh nghiệm riêng trong quá khứ của anh phần lớn chỉ làm vững thêm cái kết luận không mấy vui rằng tranh chấp chỉ đưa các mối liên hệ của bọn mình đến chỗ tan rã. Quả thế, đôi khi những mối liên hệ ấy chấm dứt tức khắc; đôi khi chúng còn đó, nhưng trĩu nặng những cay đắng và than vãn khôn nguôi khiến cuối cùng rồi cũng đành dẫy chết. Trước cái cảm thức tiêu cực như thế về sức mạnh của tranh chấp, chứng cớ rằng nó là điều người ta sẵn sàng chờ đợi và có khi không thể tránh được trong hôn nhân quả làm chúng ta phải dè chừng.

Tranh Chấp Có thể Là Điều Xây Dựng Nhưng những hiệu quả tiêu cực của tranh chấp trên không cho ta một hình ảnh toàn diện. Vì tranh chấp có thể góp phần xây dựng cho cuộc hôn nhân của ta. Nó có thể giúp ta biết lượng giá tế nhị hơn mỗi người trong chúng ta là ai; nó có thể thử thách và làm mạnh thêm các mối dây liên kết hiện có giữa chúng ta; nó có thể thâm hậu hóa khả năng chúng ta tin tưởng lẫn nhau.

Kinh nghiệm tranh chấp chỉ cho ta thấy những phạm vi phân rẽ giữa chúng ta. Anh cảm thấy không thỏai mái về cách em răn dạy đứa con lớn nhất của bọn mình; em không thích anh để công việc mới của anh cản trở sinh hoạt cuối tuần như một gia đình của chúng ta; em không muốn là “bà nội trợ và bà mẹ hoàn hảo” nữa dù anh vẫn luôn coi em như thế; anh không muốn là “người đàn ông mạnh mẽ và tự lực tự cường” nữa dù anh biết em rất sợ thấy các điểm yếu của anh.

Nếu ta chịu đối mặt với tranh chấp, ta sẽ học hỏi được nhờ kinh nghiệm về khác biệt vốn là gốc rễ của nó. Khám phá tìm hiểu về sự khác biệt chênh lệc này, sự chênh lệch giữa điều anh muốn nơi em và điều em có thể cho anh, hoặc giữa con người thực của anh và con người em muốn anh trở nên, hoặc giữa các quan điểm của chúng mình về tiền bạc, cuộc sống tư riêng, việc làm tình hay thành công, sẽ giúp vợ chồng mình biết nhau trọn vẹn hơn. Bọn mình sẽ trưởng thành hơn trong tư thái hỗ tương lớn hơn và kính trọng nhau hơn, một sự hỗ tương đặt căn bản trên việc hiểu nhau hơn và kính trọng con người thực sự của nhau hơn.

Tranh chấp không nhất thiết phải có mặt trong bất cứ cuộc hôn nhân nào. Nhiều thay đổi đã xẩy ra mà liền sau đó người ta thấy thỏa mãn chứ không thất vọng. Nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng cởi mở để tìm hiểu nhau đến độ họ ít cảm thấy có cách biệt hoặc tranh chấp chi hết. Nhưng thường thì thay đổi hay tạo ra mù mờ (confusion) và tranh chấp, dù đôi lúc chỉ là tạm thời. Mối liên hệ nào không thể đương đầu được với khả năng có thể có tranh chấp chẳng chóng thì chày sẽ gặp rắc rối. Muốn tránh khỏi tranh chấp, có lẽ chỉ còn một đường là giới hạn mối liên hệ giữa chúng ta ở mức tối thiểu, ở những phạm vi chúng ta ít có quan tâm sinh tử. Hoặc là sẵn sàng làm ngơ nhất định không chịu đáp ứng đối với những mối quan tâm đối với chúng ta là quan trọng. Nhưng làm ngơ tranh chấp như thế đâu có củng cố mối liên hệ của ta. Ngược lại nó làm ta quay mặt đi khỏi nhìn thấy một phần thực tại đang hiện hữu giữa ta. Nhưng cái thực tại kia, cái thực tại đang tạo ra mối quan tâm sóng gió của tranh chấp kia, đâu có chịu biến đi. Sự chênh lệch cứ còn đó, và vì không được giải quyết, chắc chắn sẽ tạo nên những rắc rối nghiêm trọng hơn giữa chúng ta trong tương lai.

Qua những khinh nghiệm trước đây ta đã biết rằng tranh chấp, nếu chỉ được đương đầu cách qua lần chiếu lệ, có thể sẽ dẫn đến ganh ghét và trả đũa. Nhưng nếu không chịu đương đầu chi cả, chưa chắc gì cuộc hôn nhân của ta thoát được những cảm xúc tiêu cực ấy. Thành ra thái độ hữu ích nhất là phải sẵn sàng đối diện với các tranh chấp có thể có giữa bọn mình với nhau, ý thức được cái sức mạnh khôn lường của nó cả phá hoại lẫn xây dựng tình yêu giữa chúng ta với nhau. Việc sẵn sàng chấp nhận tranh chấp như chuyện đương nhiên và có thể có giá trị ấy không nhất thiết có nghĩa là ta vui khi thấy mình có lộn xộn. Điều ấy chỉ có nghĩa là ta sẵn sàng công nhận và cả chịu đựng nữa nỗi khó chịu mà tranh chấp kia mang tới, vì những dữ liệu quí giá về mối liên hệ của ta và về chính chúng ta được nó mang tới.

Tùy Thuộc Đáp Ứng

Kinh nghiệm cùng nhau đương đầu với các tranh chấp hiện đang xẩy ra giữa chúng ta có thể đem lại sự tự tin lớn hơn, làm ta vững bụng hơn đối với sức mạnh và sự dẻo dai của mối cam kết giữa chúng ta, vì ta thấy nó đã được thử thách và chịu được cơn thử thách ấy. Tranh chấp có thể có hiệu quả tích cực như thế trong một mối liên hệ, tuy nhiên nó vẫn là một năng động lực mạnh mẽ và khó hiểu. Sự hiện diện của tranh chấp không nhất thiết hay không tự động là dấu hiệu của trục trặc trong một mối liên hệ, nhưng nó cũng không nhất thiết hoặc không tự động đem đến sự học hỏi mới hay sự tăng trưởng mới. Cái biến cố tranh chấp có thể có trong cuộc hôn nhân của ta kia sẽ đem lại hiệu quả tích cực hay tiêu cực, phần lớn tùy thuộc cách ta đáp ứng đối với nó. Muốn xử lý tốt đối với cái sức mạnh khó hiểu của tranh chấp, trước nhất ta phải biết lượng định rằng tranh chấp không phải chỉ có nghĩa tiêu cực đối với chúng ta. Ta phải tin rằng những ích lợi của việc cùng nhau đương đầu với tranh chấp đáng để chúng ta sẵn sàng chịu đựng những phiền hà và khó chịu do nó mang lại. Cả hai chúng ta đều phải có những tài nguyên phong phú của người trưởng thành chín chắn để có thể đương đầu với những cảm xúc mạnh và nhìn mình như mới và nếu có thể thì thay đổi. Ta cũng phải có những kĩ năng cần thiết giúp ta xử sự với nhau cách có hiệu quả ngay cả trong những lúc bất đồng ý kiến kịch liệt nhất.

Vũ Văn An, Viết theo Evelyn E. Whitehead & James D. Whitehead Marrying Well, New York, Doubleday Image Books, 1983
Vũ Văn An