NÓNG BỎNG: NHÀ ĐẤT TOÀ KHÂM SỨ –TOÀ GIÁM MỤC HÀ NỘI


Tòa Khâm Sứ Hà Nội hình chụp ngày17/12/2007,

Tòa khâm sứ Hà Nội hình chụp ngày 17/12/07

Mùa Đông đã về. Nhưng Hà Nội không khí vẫn nóng, vì chuyện nhà đất của các cơ sở tôn giáo bị chiếm dụng bất công. Một trong những khu vực nóng nhất là Toà Khâm sứ, nằm trong khuôn viên TGM Hà Nội-hiện đang bị chính quyền địa phương dùng làm nơi buôn bán và toà nhà cũ đang bị dỡ mái.

Nhân đây, tưởng cũng nên ghi chú vài niên biểu về quá trình hình thành Toà Khâm sứ ở Việt Nam và sự kiện ngôi nhà của Toà Khâm sứ bị chiếm dụng trái phép, bất công.

Năm 1923, ĐGH cử Đức cha Lécroart, Dòng Tên, làm Khâm sai sang kinh lược Giáo hội Việt Nam.

Năm 1925, ĐGH Piô XI lập Toà Khâm sứ Đông Dương và Thái Lan, trụ sở đặt tại Kinh đô Huế. Ngài cử Đức cha Constantino Ayuti (1876-1928 ) làm Khâm sứ.

Năm 1928 ĐGH Piô XI cử Đức cha Columban Dreyer làm Khâm sứ kế vị Đức cha Constantino Ayuti.

Năm 1937 Đức cha Antonin Drapier, người Pháp, OP, làm Khâm sứ thay Đức cha Constantino Ayuti.

Năm 1950 ĐGH Piô XII đặt Đức cha Jhon Dooley, người Ireland làm Khâm sứ. Ngài đặt trụ sở Toà Khâm sứ cạnh Toà Giám Mục Hà Nội.

Năm 1959 Đức Khâm sứ bị đưa đi khỏi Hà Nội trong một cơn bệnh nguy kịch. Mấy tuần sau các nhân viên Toà Khâm sứ bị trục xuất.

Từ năm 1959, chính quyền thành phố Hà Nội lấy Toà Khâm sứ bị dùng vào các việc khác nhau.

Một bức tường ngăn cách giữa TGM và Toà Khâm sứ đã bị tịch thu được xây lên. Không biết do bên nào và từ bao giờ. Nhưng ngày trước các cụ nói không có bức tường ấy.

Khi chúng tôi còn bé, cho đến cuối thập niên 1980, chúng tôi thấy người ta dùng làm Cung Thiếu nhi. Trong thời gian này họ xây một số công trình ở phía trước và phía sau toà nhà cũ của Toà Khâm sứ.

Mấy năm trước đây, họ phá toà nhà phía trước, tính tái quy hoạch và xây dựng công trình gì đó. Dạo ấy, TGM Hà Nội có gửi thư đi các giáo xứ để kêu gọi giáo dân cầu nguyện. Tưởng như chính quyền sắp trả đến nơi. Các công việc sửa sang, xây dựng bị dừng lại.

Tuy nhiên, trong thời gian này ngôi nhà bé mới xây quay mặt ra phố Nhà Chung vẫn dùng làm nơi bán phở. Còn ngôi nhà mới xây phía sau ngôi nhà của Toà Khâm sứ thì liên tục là một địa điểm kinh doanh-một khu ăn chơi-tối đến điện đóm sáng choang-ồn ào và bát nháo cạnh khu vực tôn nghiêm là TGM và Nhà thờ Chính Tòa.

Mặc dù có sự phản đối và nhiều đơn thư đòi lại. Mới nhất theo chúng tôi được biết là đơn thư ngày 03.12.2007 của Đức Tổng Giám Mục. Thế nhưng thời gian qua đi, chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Tệ hơn, từ tối 12.12, chúng tôi thấy có bắt đầu tập kết phương tiện và từ sáng 13.12 chúng tôi thấy người ta bắt đầu ngang nhiên dỡ mái Toà Khâm sứ. Công việc đang tiếp tục đến nay là ngày 18.12. Chúng tôi chẳng biết cơ quan nào. Hỏi bảo vệ thì các anh nói không biết. Đến hôm 15 nghe thư của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, mới biết họ định dùng làm ngân hàng. Trong khi khoảng sân rộng phía trước Toà Khâm Sứ, người ta đã cho siêu thị điện máy Nguyễn Kim nằm ở phố Tràng Thi gần đó thuê làm bãi giữ xe. Nhưng sân rộng cỏ tốt chiều chiều người, trẻ và chó vẫn vào chơi. Buổi sáng cũng như chiều có người còn dắt chó vào “ị” ở khu vực sân xa xa giáp tường.

Xin nói thêm, trong những năm gần đây, một cách chính thức, ngoài Giáo xứ Cửa Bắc và Thượng Thuỵ có đòi được một chút nhà đất, còn lại các chỗ khác như Toà Giám Mục, Nhà thờ Đa Minh, Nhà thờ Sainte Marie, Giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Thái Hà-DCCT, Giáo xứ Hàng Bột vẫn chưa đòi được tý nào. Có chỗ còn tiếp tục bị mất thêm do giới công quyền lạm dụng chức vụ chiếm dụng và hợp thức hoá trái phép.

Điều này vô cùng nguy hại cho cộng đồng Công giáo và cho toàn thể xã hội, vì các nhà thờ tại đây được Giáo Hội thời bấy giờ quy hoạch và xây dựng theo quy mô của thành phố Hà Nội-Một thành phố

Toàn cảnh tòa Khâm Sứ Hà Nội, Một phần đất tòa Khâm Sứ Hà Nộị

được chính quyền Pháp quy hoạch cho hơn 100.000 dân sinh sống. Bây giờ thành phố đã có gần 3, 5 triệu dân thường trú và không biết bao nhiêu dân nhập cư từ các tỉnh đổ về tạm trú tìm kiếm công ăn việc làm. Người đông lên hàng trăm lần, trong khi các cơ sở tôn giáo lại bị co rút lại so với trước đây. Vì thế sự bùng nổ giáo dân ở các nhà thờ là tất yếu và sự nóng bỏng chuyện đất đai của các cơ sở tôn giáo cũng là tất yếu.

Chúng tôi đi qua đi lại khu vực Toà Giám Mục khá thường xuyên. Chúng tôi cảm thấy bị xỉ nhục lắm rồi! Vì nơi thánh mà bây giờ lâm cảnh “Heo rừng vào phá phách-dã thú gặm tan hoang”! Chúng tôi cảm thấy sốt ruột lắm rồi! Hãy chờ xem sự thể vụ chiếm dụng Toà Khâm sứ này diễn ra thế nào và kết cục ra sao!

Thánh Tâm. Hà Nội 18.12.2007
Thanh Tâm