Ngô Thanh Vân Đóng Phim Ma Vì Sợ Ma
Vừa nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 15 như một giải thưởng xứng đáng cho những nỗ lực làm nghề, Ngô Thanh Vân lại tiếp tục tham gia bộ phim Ngôi Nhà Bí Ẩn do hãng Chánh Tín Phim sản xuất.
Từ vai diễn đầu tay là nhân vật nữ hoài cảm đến mong manh trong phim truyền hình Hương Dẻ của nữ đạo diễn Vinh Hương, hay sôi động trong phim Rouge của MTV châu Á, rồi cứng rắn trong Dòng Máu Anh Hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn, bây giờ lại là nhân vật bạo dạn trong bộ phim có đề tài về “hồn ma” là Ngôi Nhà Bí Ẩn, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân đã bước đầu “hé lộ” cho công chúng Việt thấy một sự đa dạng trong diễn xuất.
- Chị nghĩ mình tìm thấy gì khi nhận lời tham gia diễn xuất trong một bộ phim thuộc thể loại kinh dị, như "Ngôi Nhà Bí Ẩn" này?
- Cái này xin nói trước, thiệt ra trong đời thường tôi rất sợ ma. Trong phim Ngôi Nhà Bí Ẩn, tôi lại vào vai một nữ đạo diễn làm phim có đề tài về ma, có bối cảnh gói gọn trong một ngôi nhà ma. Bởi vậy, sự tương phản về tính cách giữa mình và nhân vật cũng là điều khiến Vân thấy thích thú, vì nó là khu vực mình chưa bao giờ chạm tới. Khi nhân vật không sợ ma, mà mình lại sợ thì nó cũng là một động lực để bắt ép bản thân mình mạnh dạn bước qua ranh giới đó.
Người đẹp Ngô Thanh Vân.
- Lần đầu diễn xuất ở thể loại này, chị có cảm giác gì khác lạ?
- Cái này cũng nói thiệt, là đoàn phim và tôi phải thắp nhang trong từng cảnh đó! Vì nhiều bối cảnh quay phải sử dụng địa điểm thật, như nhà rửa và thiêu xác ở Đà Lạt, bước vào là thấy ớn lạnh rồi! Cho nên mọi người trong đoàn phim luôn thấy diễn viên chính lúc nào cũng xuất hiện ở giữa đám đông, và chỉ vào ban ngày thôi! Tôi nói vậy là hiểu tôi rồi nhỉ.
- Chị có thể cho biết thêm về quá trình chuẩn bị cho vai diễn này?
- Tôi chỉ có một tuần lễ để đọc kịch bản, trước khi phim bấm máy. Trong 10 ngày quay, gần như không có shot nào quay quá 3 take cả. Nhiều khi tôi phải chủ động xin thêm, để chú Tín cho ghi hình kỹ hơn. Vì dạo đó phim cố gắng để kịp mang đi dự Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival- ViFF) ở California vào tháng 04/2007, nên có hơi gấp rút về thời gian thực hiện, với lại kinh phí đầu tư cũng vừa phải; vậy nên trong từng cảnh quay tôi phải tập trung rất cao độ, để tránh rủi ro. Máy và diễn viên còn chưa kịp “quen nhau” thì đã xong phim rồi!
- Nếu vậy từ câu chuyện kịch bản đến khi thành phim, chị thấy nó đạt mức độ cỡ nào?
- Cũng chỉ chừng 80% là cùng! Trong tưởng tượng và hình dung của tôi thì thấy rất nhiều, nhưng khi quay đành phải cắt bớt vì các yếu tố kỹ thuật và hoá chất chưa đáp ứng được. Rồi như tôi đã kể, kinh phí và thời gian cũng là một áp lực đáng kể. Thiếu này thiếu nọ thì cũng thấy tiếc, nhưng tôi biết là mình đang làm phim ở Việt Nam, phải đứng trên hai chân ở mặt đất chứ không dám đòi hỏi quá mức được đâu! Vả lại, nén tất cả câu chuyện mình muốn thể hiện trong thời lượng 45 phút cũng là khó.
- Chị có góp ý thêm gì về tính cách của nhân vật mình đóng trong đường dây kịch bản, với đạo diễn?
- Thời điểm đó tôi có nhờ anh Chalie Trực Nguyễn góp ý thêm về việc đào sâu số phận nhân vật, rồi cả tuyến chung của câu chuyện phim nữa. Tôi cũng muốn nhân vật nữ này có “thần giao cách cảm”, để khám phá ra thế giới bí ẩn của con ma trong câu chuyện hợp lý hơn. Nhưng nói gì thì nói, vẫn phải tôn trọng cách kể của đạo diễn, nó là việc tế nhị khi làm phim. Mình là diễn viên thì chỉ biết cố gắng giữ “tròn vai” nhân vật mình thủ diễn thôi.
- Vừa tham gia một phim hoành tráng về kinh phí đầu tư như "Dòng Máu Anh Hùng" xong, chị nghĩ sao mà không “cân-đong-đo-đếm” cho một dự án phim tiếp theo?
- Không thể ngồi chờ đợi một kịch bản quá tốt thì mới nhận lời tham gia. Lại càng không phải được đóng trong một bộ phim lớn rồi thì không làm hay từ chối phim nhỏ, vì với tôi cái nào đến với mình cũng đều là thử thách cả! Có thì phải làm, mà đã làm thì phải hết sức. Tầm dự án như thế nào thì đầu tư tương ứng như thế, đó là chuyện của nhà sản xuất thôi.
- Trong phim "Ngôi Nhà Bí Ẩn", chị vào vai nhân vật là một nữ đạo diễn phim. Còn trong chuyện làm nghề, nếu có điều kiện, chị nghĩ sao với vai trò của đạo diễn?
- Tôi thích viết kịch bản hơn, để có thể truyền tải nhiều cảm xúc theo ý mình. Chứ tôi nhận thấy, công việc đạo diễn quá lớn, cần phải đòi hỏi tầm nhìn rộng về nhiều mặt trong đời sống. Nếu chỉ dựa vào khả năng bẩm sinh thì không đủ, đạo diễn bắt buộc phải qua trường lớp và nhiều năm kinh nghiệm làm nghề, tích luỹ vốn sống. Ngay ở lĩnh vực diễn xuất của diễn viên thôi, khi tôi qua Mỹ để được học thêm một khoá học về diễn xuất, tôi cũng đã thấy mình cần phải hiểu khác và làm khác trước giờ rồi.
(Theo Thế Giới Điện Ảnh)