Nhạc sĩ Nguyễn Vũ
'Bài thánh ca buồn' - dư âm một cuộc tình
"Bài Thánh ca buồn" được viết trong hai giờ đồng hồ, vào tháng 10/1972 và ngay lập tức được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền, ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện... Nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã gửi trong đó những nỗi niềm hoài nhớ về một hình bóng người thiếu nữ xa xôi.
Bài Thánh ca đó còn nhớ không em, Noel năm nào chúng mình có nhau, long lanh sao trời đẹp thêm môi, mắt. Áo trắng em bay tựa cánh thiên thần... Giai điệu ngân vang đó đã khơi gợi biết bao điều. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt. Chú ruột dạy vĩ cầm, bạn của bố ông cũng là nhạc sĩ, vì thế từ nhỏ Nguyễn Vũ đã hát cho Ban thiếu nhi Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh nhận được giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài là một cây đàn mandolin - như là một định mệnh - cậu bé đã gắn bó với âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ và trở thành nhạc sĩ Nguyễn Vũ sau này.
Năm 23 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã có tác phẩm đầu tay tạo được tiếng vang: ca khúc Huyền thoại chiều mưa rồi lần lượt là Lời cuối cho em, Bài Thánh ca buồn, Nhìn nhau lần cuối, Lời cuối cho người tình... thế nhưng người ta chỉ ấn tượng với mỗi ca khúc Bài Thánh ca buồn.
Nhạc sĩ 61 tuổi bồi hồi nhớ lại: “Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên.
Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi... Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng... trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ.... Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo.
Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết... sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên... những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.
Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ - tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian - chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi”.
Nhạc sĩ NGUYỄN VŨ 2007: Thầy giáo dạy nhạc
[...] Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Nguyễn Vũ không lớn lao như nhiều nhạc sĩ khác, nhưng không ít tác phẩm đã đi vào lòng người. Ngoài ca khúc Bài thánh ca buồn, ông còn được biết đến qua ca khúc Huyền thoại một chiều mưa. Ông bảo: "Tôi đặc biệt thích viết về biển. Cái lạnh khô khốc của gió biển, mùi mặn của nước biển và màu xanh của nó luôn khiến cảm xúc của tôi dâng tràn.
Có lẽ tôi yêu thích biển, viết khá nhiều về biển nhưng tôi vẫn để dành những bài hát đó cho riêng mình". Đó cũng chính là sở thích lạ đời của một nhạc sĩ luôn đổ tâm huyết vào sáng tác. Ông lý giải: "Tôi chưa từng nghĩ đến sáng tác để kiếm tiền, tôi làm vì yêu thích công việc ấy, thế thôi! Hơn nữa, nghề này bạc lắm. Có ai biết đến người sáng tác ca khúc cho dù nó nổi tiếng đâu! Với khán giả, họ chỉ cần biết ai hát ca khúc ấy mà hay như thế là đủ!".
Điều đó khiến ông chẳng còn đặt nhiều quan tâm cho việc phổ biến những ca khúc của mình. Sau này ông không tiếp tục công việc sáng tác nữa. "Điều ấy khiến đến tận bây giờ tôi vẫn còn hối tiếc. Bởi ngưng sáng tác cũng đồng nghĩa với việc tôi mất đi một thói quen trải lòng mình bằng âm nhạc", ông tâm sự.
Không sáng tác nhưng ông lấy công việc dạy nhạc cho lớp trẻ làm niềm vui. Đó là lớp dạy đàn, dạy nhạc mà ông mở tại tư gia của mình (Q.Tân Bình, TP.HCM). "Hình ảnh những đứa học trò cặm cụi, đánh vật với những nốt nhạc như tiếp thêm sức lực cho tôi. Và tôi tin biết đâu một ngày nào đó, niềm vui đó sẽ giúp tôi tiếp tục quay trở lại với công việc sáng tác". Ông tin như vậy.
Chỉ còn một chuyện nhỏ ít ai biết là ca - nhạc sĩ Đức Huy không chỉ là em họ ông mà còn là học trò giỏi của ông mấy chục năm trước. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ là người đã phát hiện và dẫn dắt ca - nhạc sĩ Đức Huy bước vào con đường ca hát.
Không thích kể nhiều về chuyện đã qua, con người lặng lẽ ấy, đến hôm nay chỉ tự hào nói rằng thành công nhất trong suốt cuộc đời ông là bốn đứa con đều thành người. Dù không ai trong số họ nối nghiệp cha nhưng tất cả đều biết đàn biết hát. "Cha con chúng tôi trở thành ban nhạc trong những ngày nghỉ, hội tụ gia đình. Với tôi, như thế là đủ”.