GÕ CHẬU MÀ HÁT



Vợ của Trang tử chết, hôm ngày lễ tang ông ta không khóc, chỉ ngồi xổm trên đất, gõ một cái chậu mà xướng ca.

Bạn của ông ta là Huệ Thi đến viếng, nhìn thấy tình cảnh như thế thì không thể tha thứ, trách móc ông ta là quá vô tình. Trang tử nói: “Không phải như thế đâu, khi bà ta mới chết tôi làm sao không buồn thương chứ ? Sau đó tôi suy nghĩ thật kỷ, vạn vật trong thiên nhiên đều là từ trong cái vô hình sinh ra sự sống, sau đó tuổi thọ kết thúc thì lại biến thành hư vô, như thế biến hóa từ sống qua chết giống như bốn mùa vậy. Bây giờ bà ta an nghỉ yên lặng, mà nếu tôi tỉ tỉ tê tê khóc lóc náo động, thì không phải là tôi hoàn toàn không hiểu đạo lý của cuộc đời sao ?”

(Trang tử: Chí lạc)

Suy tư:

Cha mẹ, vợ con chết, đương nhiên là buồn thương và khóc; bạn bè người thân thương chết, đương nhiên là buồn và khóc, đó là chuyện thường tình của con người, và chính Chúa Giê-su cũng đã thổn thức trong lòng (Ga 11, 33) khi ông La-da-rô chết đã chôn được bốn ngày.

Đạo lý cuộc đời là thuận theo lẽ tự nhiên: người thân qua đời là phải khóc, và dù tuy không khóc nhưng trong lòng vẫn thổn thức, chứ không thể nói khóc là làm ồn ào động tĩnh đến người chết, bởi vì con người đã chết rồi thì những tiếng động ồn ào, những lời cãi lý, những lời chửi mắng.v.v..sẽ không làm cho thân xác sống lại, và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thân xác đã chết ấy.

Đạo lý của Giáo Hội Công Giáo là người chết rồi nhưng linh hồn thì không chết, linh hồn sẽ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu còn sống để được Thiên Chúa tha tội, để nhờ việc dâng thánh lễ, cầu nguyện hy sinh của giáo hữu mà linh hồn người thân được mau hưởng nhan thánh Thiên Chúa trên thiên đàng, thân xác sẽ trở về với bụi đất đợi chờ ngày kết hợp với linh hồn trong ngày Chúa quang lâm.

Vì sợ người ta cười là không hiểu đạo lý cuộc đời nên Trang tử không khóc khi vợ chết, đó không phải là thái độ của người quân tử, bởi vì để làm một người quân tử thì không sợ người khác cười khi mình làm đúng, mà khóc vợ chết là không đúng hay sao ?
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.