-
Senior Member
Hero ( Anh Hùng ) - Điểm Phim
Điểm Phim: Hero - Anh Hùng
Vân Không:::
Anh Hùng là một phim dã sử kiếm hiệp kỳ tình, lấy các âm mưu ám sát Tần Thủy Hoàng làm ý chính để xây dựng nên cốt truyện. Vụ ám sát nổi tiếng nhất Kinh Kha thích khách đã được Trần Khải Ca đem lên màn ảnh lớn năm 1999. Lần này với Anh Hùng, Trương Nghệ Mưu mang đến cho điện ảnh thế giới những pha đấu kiếm ngoạn mục tựa như một phim võ hiệp. Chẳng thế mà Anh Hùng đã mau chóng chiếm cảm tình của khán giả Hoa Kỳ và đã đứng hàng đầu số thu trong tuần lễ đầu tiên ra mắt, sau khi thành công lớn ở Châu Á. Anh Hùng thật sự đã có mặt cả năm trời qua video, CD lậu khắp nơi trên thế giới. Tuy thế, với kỹ thuật quay tân tiến, hình ảnh tuyệt vời, những pha đấu kiếm dàn dựng công phu, các tài tử đẹp có tăm tiếng và có khả năng diễn xuất như Trương Mạn Ngọc (nữ diễn viên xuất sắc tại Cannes 2003), Lý Liên Kiệt (nổi tiếng với các phim võ thuật), Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di, Ân Tử Đan ... ... khán giả vẫn thích xem phim trên màn ảnh lớn, và như thế sự thành công của Anh Hùng không phụ công những người làm phim hoành tráng.
Vào thời kỳ Chiến Quốc, Trung Hoa chia thành 7 nước: Tần, Sở, Tấn, Hán, Chu, Triệu và Yên. Vua Tần, phía Bắc mạnh nhật và có ý định thôn tính tất cả lục hầu để tạo thành vương quốc Trung Hoa. Các nước liệu không thắng nổi Tần, ngầm thuê người mưu sát vua Tần. Nước Triệu có ba hiệp sĩ tài ba làm Tần Thuỷ Hoàng ngày đêm mất ngủ đó là: Chiết Kiếm (Lương Triều Vĩ ), Phi Tuyết (Trương Mạn Ngọc) và Trường Không (Ân Tử Đơn) . Bỗng nhiên vua Tần (Trần Đạo Minh) được tin một hiệp sĩ Vô Danh (Lý Liên Kiệt) đã giết chết ba tay hiệp sĩ cự phách này. Mừng rỡ, vua Tần vời Vô Danh vào cung điện để tặng thưởng.
Tại đại điện Vô Danh kể cho Tần Thủy Hoàng nghe diễn biến mưu cơ giết ba hiệp sĩ nước Triệu. Vô Danh đã dùng kế ly gián, lợi dụng mối tình tay ba của ba người này để lần lượt thắng họ. Cứ mỗi lần Vô Danh kể đến đoạn giết một hiệp sĩ thì lại được tiến gần đến Tần Thuỷ Hoàng thêm 10 bộ. Cuối cùng Vô Danh chỉ cách Tần Thuỷ Hoàng 10 bộ, để được vuaTần mời rượu. Nhưng, với trí óc thông minh sắc bén, Tần Thủy Hoàng đã kịp nhìn thấy những kẻ hở của câu chuyện, và suy luận lại về cái chết của ba hiệp sĩ nước Triệu. Tần Thủy Hoàng nghĩ rằng các hiệp sĩ đã tự nguyện hy sinh tánh mạng, để Vô Danh có cơ hội vào cung điện mà ám sát vua Tần. Dù không có kiếm trong tay, nhưng lúc đó Vô Danh có thể giết được Tần Thủy Hoàng bằng cách tước kiếm của chính vua Tần một cách dễ dàng.
Qua những lần vua Tần và Vô Danh đối đáp, làm câu chuyện bị sửa đổi, Trương Nghệ Mưu đã khéo léo dùng màu sắc song song với sự thay đổi của câu chuyện. Màu đỏ là chuyện theo Vô Danh, màu xanh là theo Tần Thuỷ Hoàng, và màu trắng là sự thật đã xảy ra. Cuối cùng, Vô Danh đã hiểu ý nghĩa của hiệp sĩ Chiết Kiếm qua thư pháp để lại, khi Chiết Kiếm viết chữ “kiếm”, ý thức được 'Sự thống nhất sơn hà' của một đất nước là quan trọng. ' Sự đau khổ của một cá nhân không nghĩa lý gì trước quyền lợi quốc gia'. Cuối cùng Vô Danh đã như Chiết Kiếm không giết Tần Thủy Hoàng khi có cơ hội, để chấm dứt nội chiến không ngừng của các vương quốc nhỏ. Vô Danh đã anh hùng chịu hy sinh tánh mạng mình. Cũng tùy theo độc giả, nhân vật anh hùng đây có thể là Vô Danh, hoặc Chiết Kiếm là các hiệp sĩ đã thức thời vì vận mệnh của đất nước .
Kết thúc phim, màn ảnh chạy giòng chữ cho hay Tần Thủy Hoàng sau đó đã thống nhất sơn hà, là vị hoàng đế đầu tiên của Trung quốc, có nhiều công trạng như: thống nhất chữ viết, đơn vị đo lường, xây Vạn Lý trường thành để chống giặc phía Bắc xâm lăng, vv..
Đạo diễn tài ba của Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu, năm nay 55 tuổi, có một lịch sứ làm phim đáng nể, với 15 bộ phim mà phần đông được khán giả yêu thích như các phim (Đèn lồng đỏ treo cao, Hội Tam Hoàng Thượng Hải, Phải Sống, Ju Dou…) . Chuyện phim của Trương Nghệ Mưu tình tiết sâu sắc, và như Trần Khải Ca, ông đã có những phim mang tính cách chính trị tỷ như 'Phải Sống' (To Live), một cuốn phim dài trình bày cuộc sống thăng trầm của con người trải qua thời kỳ phong kiến, rồi thời kỳ thay đổi thể chế, cho đến thời Cách Mạng Văn Hoá, con người phải nhịn nhục mà sống, một phim cười ra nước mắt! Lồng Đèn Đỏ, được khán giả Việt Nam yêu thích là một bi kịch nói lên thân phận phụ nữ thời xưa, sinh ra chỉ để phục vụ cho người đàn ông. Đóng bởi cô đào Củng Lợi và cũng là người tình một thời của Trương Nghệ Mưu, phim đã mau chóng làm nên tên tuổi của họ Trương. Tuy vậy, các nhà phê bình phim đã biết và ngưỡng mộ tài của Trương Nghệ Mưu với các phim đầu tay như Ju Dou và Red Shorghum (Lúa Miến Hồng). Ngoài cốt chuyện thương cảm, đầy bi kịch tính, phim của họ Trương rất sống đọng và đầy nghệ thuật.
Cách trình bày màu sắc của Trương Nghệ Mưu trong phim Anh Hùng cũng tương tự như những giải lụa đỏ trong phim Ju Dou. Kỹ thuật âm thanh, màu sắc tuyệt đẹp, với những hình ảnh như trong các truyện kiếm hiệp kỳ tình, các màn phi thân lên nóc nhà, nhảy trên cây, lướt trên mặt nước, sự đông đảo, ra oai của đoàn quân Tần, tính cách hoành tráng của hoàng cung cũng như vua Tần, hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa trông uy nghi, cách biệt không kém các vua La Mã phương Tây.
Sau thế chiến thứ II, đạo diễn tài ba của Nhật Kurosawa Akira đã giới thiệu một Nhật bản huyền bí cho thế giới . Thế kỷ 20, 21, Trung quốc đã có Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu trình bày một Trung quốc mới với rất nhiều chuyện để nghe, một Trung quốc vương mình ra khỏi một xã hội khép kín theo kịp đà của thế giới.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules